Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Cập nhật mới nhất về dịch COVID-19 tại Việt Nam và các hoạt động đáp ứng của Bộ Y tế; Dự kiến tiếp nhận 50.000 đơn vị máu tại Chủ nhật đỏ lần thứ 16 phục vụ điều trị dịp Tết; Bộ Y tế kêu gọi tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá; Australia hỗ trợ Việt Nam 490.600 liều vaccine “5 trong 1”; Người dân có cơ hội được thanh toán khi tự mua thuốc BHYT…


Cập nhật mới nhất về dịch COVID-19 tại Việt Nam và các hoạt động đáp ứng của Bộ Y tế

Tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp...

Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại Singapore ghi nhận hơn 32.000 ca mắc COVID-19 trong tuần từ 26/11 - 2/12, tăng khoảng 45% so với tuần trước đó; số trường hợp nhập viện tăng khoảng 65% và số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt tăng từ 1 lên 4 người.

Cơ quan Y tế Singapore nhận định nguyên nhân gia tăng trở lại số mắc COVID-19 là do giảm khả năng miễn dịch của người dân và gia tăng giao thương trong mùa du lịch và lễ hội cuối năm.

Thông tin với Sức khỏe & Đời sống đầu giờ chiều ngày 13/12, đại diện lãnh đạo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.

Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với COVID-19 và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp COVID-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới; phối hợp chặt chẽ với WHO, USCDC và cơ quan Đầu mối thực hiện IHR các nước thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và chủ động cập nhật, cung cấp thông tin báo chí về tình hình dịch và các khuyến cáo phòng bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, nước ta hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chiều 4/12 Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo (lưu ý) người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Dự kiến tiếp nhận 50.000 đơn vị máu tại Chủ nhật đỏ lần thứ 16 phục vụ điều trị dịp Tết

Chủ Nhật đỏ lần thứ 16 dự kiến sẽ huy động hơn 100.000 người tham dự và tiếp nhận 45.000 - 50.000 đơn vị máu. Bên cạnh hoạt động trọng tâm là hiến máu tình nguyện, ban tổ chức sẽ thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân nhận máu, các hoàn cảnh khó khăn.

Tại buổi họp báo Chủ Nhật đỏ: 'Hiến máu cứu người - sinh mệnh của ban và tôi' diễn ra chiều nay - 12/12 ở Viện Huyết học - Truyền máu TW, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Chủ nhật đỏ cho biết, ngày 24/12 tới, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chương trình hiến máu Chủ Nhật đỏ lần thứ 16 năm 2024 sẽ chính thức khai mạc.

Chương trình được tổ chức trên toàn quốc, do Báo Tiền Phong chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu TW, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh/thành phố và một số đơn vị tổ chức trên phạm vi toàn quốc… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Bộ Y tế kêu gọi tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá

Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao. Bộ Y tế kêu gọi tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Chủ tịch Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá nêu rõ, với quyết tâm dành quyền ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 18/6/2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 và Bộ Y tế là cơ quan được Quốc hội và Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ban ngành và các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố tổ chức phòng chống tác hại thuốc lá… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Australia hỗ trợ Việt Nam 490.600 liều vaccine “5 trong 1”

Ngày 14-12, tại Bộ Y tế đã diễn ra lễ bàn giao 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine “5 trong 1” ngừa các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Chính phủ Australia viện trợ cho Việt Nam thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chân thành cảm ơn các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Australia đã hỗ trợ kịp thời vaccine theo đề xuất từ phía Bộ Y tế Việt Nam để triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, ngay khi vaccine được bàn giao, Bộ Y tế, chương trình Tiêm chủng mở rộng và các đơn vị liên quan sẽ hành động quyết liệt, nhanh chóng nhất để đưa vaccine về địa phương sớm nhất, nhằm tiêm chủng cho trẻ em hiệu quả. Dự kiến, tối 15-12, 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib sẽ về tới Việt Nam.

Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phân bổ số vaccine được viện trợ trên theo nhu cầu và thực tiễn của các địa phương. Trong đó, ưu tiên tiêm chủng cho trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine “5 trong 1” và ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi, rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi. Tiếp đó, ưu tiên tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine “5 trong 1”.

"Với số lượng vaccine được Chính phủ Australia hỗ trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vaccine phù hợp với số đối tượng trẻ tại các địa phương. Ưu tiên tăng cường tỷ lệ cung ứng vaccine cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine cho trẻ", bà Dương Thị Hồng nêu rõ. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Người dân có cơ hội được thanh toán khi tự mua thuốc BHYT

Để đảm bảo công tác điều trị, bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) thường được chỉ định mua bên ngoài nhưng không được thanh toán BHYT. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có dự thảo, lấy ý kiến về thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân nhiều tháng không được thanh toán BHYT

Cầm túi thuốc trên tay, bà Tô Thị Trang (75 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM) đang cố gắng đếm lại những phần thuốc của mình xem được bao nhiêu ngày. Theo bà Trang, vì tuổi đã cao nên hằng tháng bà phải đi bệnh viện tái khám định kỳ. Thế nhưng, từ tháng 8, 9, 10, 11, bà Trang liên tục được bác sĩ chỉ định thuốc mua bên ngoài mặc dù bà thuộc diện được BHYT chi trả.

Mong muốn của nhiều người dân hiện nay là có cơ chế để hỗ trợ cho người dân khi cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc, vật tư trong danh mục BHYT.

Theo anh Đ.T.T (quận Gò Vấp, TPHCM), nếu thuốc BHYT bệnh viện chưa về kịp, không thay thuốc khác được thì bệnh viện nên ghi giá thuốc bao nhiêu, chi cho người dân để họ lấy tiền đó ra mua thuốc ngoài.

Liên quan đến vấn đề thanh toán BHYT cho bệnh nhân được chỉ định mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, theo dự thảo thông tư đang được Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến, người bệnh phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện thiếu sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, thay vì phải bỏ tiền túi như hiện nay.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TPHCM - cho biết, thống nhất với nội dung dự thảo thông tư của Bộ Y tế đưa ra, bởi vì dù là các cơ sở y tế có chủ động trong vấn đề mua sắm thuốc vật tư hóa chất… đôi lúc thời gian chờ đấu thầu, hoặc vì lý do ngoài ý muốn mà thuốc chưa đáp ứng đủ thì quyền lợi người sử dụng, nhất là sử dụng BHYT vẫn được đảm bảo.

“Dự thảo này được thông qua không những nhân văn, kịp thời mà còn giảm bớt gánh nặng chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, cần phân rõ những đơn vị cung cấp hàng hóa, đảm bảo chất lượng của sản phẩm như mong muốn, được mua sắm đúng theo quy định chất lượng, giá cả… Đặc biệt, cần có những hướng dẫn cụ thể để cơ sở khám chữa bệnh hay người dân được thanh toán lại BHYT dễ dàng, thuận lợi” - bác sĩ Khanh chia sẻ.

Trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về cơ sở khám chữa bệnh

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc BHXH TPHCM - chia sẻ, bản thân bà rất hoan nghênh dự thảo thông tư đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế.

Đề xuất này giúp người bệnh khi tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ thuốc, vật tư nằm trong danh mục BHYT chi trả, mà không phải tự bỏ tiền ra mua như trước đây trong trường hợp bệnh viện không cung ứng được thuốc, vật tư y tế.

Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng, nội dung dự thảo thông tư quy định việc bệnh viện chỉ định cho bệnh nhân đang nằm viện mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài thì không được ổn lắm. Bởi lẽ, bệnh nhân có BHYT đang nằm viện phải tự ứng tiền ra mua thuốc, vật tư y tế cho mình rồi mới làm thủ tục gửi cơ quan BHXH thanh toán thì có thể nhiều bệnh nhân khó khăn không có tiền mua hoặc trường hợp bệnh nhân mua thuốc, vật tư y tế kém chất lượng thì ảnh hưởng đến tính mạng và chất lượng điều trị của bệnh nhân.

Dự thảo thông tư cũng hướng dẫn bệnh nhân ra mua tại nhà thuốc bệnh viện cũng không ổn, mặc dù các thuốc, vật tư y tế bán tại nhà thuốc đều đã trúng thầu, vì dư luận sẽ đưa ra phản ứng tại sao trong hệ thống khoa dược bệnh viện không cung ứng được mà hệ thống kinh doanh của bệnh viện lại cung ứng được. Điều này cho thấy công tác điều hành của bệnh viện không tốt.

Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, về nguyên tắc, theo quy định, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải ra ngoài mua thuốc khi điều trị nội trú. Nếu người bệnh tự mua thì có thể có nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh và giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định hay bệnh nhân mua phải thuốc giá cao, khó xác định trong vấn đề thanh toán.

Hiện nay chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi phải ra ngoài mua thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp như chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện các quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ công tác khám chữa bệnh; Đề xuất nghiên cứu các cơ chế có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở y tế khi kết quả thầu còn hiệu lực; Bộ Y tế rà soát lại danh mục thuốc, dự kiến đầu năm 2024 sẽ bổ sung danh mục thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế…

“Việc cung ứng thuốc, vật tư y tế vẫn giao cho các bệnh viện và là trách nhiệm của bệnh viện, không đẩy trách nhiệm này cho bệnh nhân được. Vì một số nguyên nhân khách quan mà thiếu thuốc, vật tư y tế thì bệnh viện liên hệ các bệnh viện khác có thuốc, vật tư y tế để xin nhượng lại theo giá đã trúng thầu và cung ứng cho người bệnh BHYT.

BHYT hướng dẫn thủ tục thanh toán giữa bệnh viện với cơ quan BHXH, như vậy thì bệnh nhân BHYT vẫn được đảm bảo đầy đủ quyền lợi; bệnh viện yên tâm điều trị; thuốc, vật tư y tế đảm bảo chất lượng. Lợi cả đôi đường cho bệnh nhân BHYT, bệnh viện và cả cơ quan BHXH” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc BHXH TPHCM nhấn mạnh. (Lao động, trang 1).

 

Cung cấp đủ thuốc cho bệnh nhân thì bảo hiểm y tế mới có ý nghĩa

Hiện nay, bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế thường không được cung cấp thuốc đầy đủ, phải đi ra ngoài mua. Tiếng là bảo hiểm y tế, nhưng thực chất không được bảo hiểm đúng theo nghĩa của từ này. Người nghèo, khi ốm đau bệnh tật, chỉ cậy vào bảo hiểm y tế để được điều trị, nhưng bệnh viện thiếu thuốc, thì bệnh nhân cậy vào đâu. Tự bỏ tiền túi ra ngoài mua thuốc, người nghèo không chịu được, như vậy là không đạt được mục đích ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.

Trước tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế, Bộ Y tế có dự thảo thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Đây là quy định mới, phù hợp với thực tế, người nghèo giảm bớt được gánh nặng tiền bạc khi đi trị bệnh. Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh nhân phải đi mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài là đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Quy định là một việc, còn áp dụng vào đời sống là chuyện khác. Đó là người được thanh toán tiền mua thuốc và vật tư trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả không phải chầu chực, thậm chí là xin - cho, mà thủ tục nhanh gọn, thuận lợi. Tiền bảo hiểm y tế dành cho việc mua thuốc được trả lại kịp thời cũng là cách hỗ trợ cho bệnh nhân, đặc biệt là đối với người nghèo, công nhân lao động.

Nếu quy định trên được thông qua, người tham gia bảo hiểm y tế rất vui mừng vì có thêm quyền lợi trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, điều tốt nhất vẫn là cơ sở y tế cung cấp đủ thuốc cho bệnh nhân, hạn chế phải mua thuốc ở bên ngoài. Bệnh nhân đến bệnh viện, được điều trị và chăm sóc tốt, được cung cấp đủ thuốc, thì bảo hiểm y tế mới thực sự có ý nghĩa.

Muốn có đủ thuốc, thì các thủ tục đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế ở các bệnh viện phải rõ ràng, minh bạch, không khó khăn phức tạp. Tình trạng này đã được ngành y tế lên tiếng nhiều, giám đốc các bệnh viện than phiền, các ngành đã ngồi lại tìm cách tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự thông thoáng.

Sau nhiều cố gắng thay đổi, nhiều quy định trong quy trình đấu thầu, mua thuốc và vật tư y tế đã được rút ngắn, nhưng vẫn cần rút ngắn hơn. Bệnh nhân không thể nằm chờ thuốc theo quy trình để rồi có thể bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị hơn. (Lao động, trang 1).

 

Vì sao cần sớm tiêm vắc xin HPV cho trẻ vị thành niên?

Xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời của nam giới lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 85%.

Ngành y tế đang lên kế hoạch tiêm vắc xin HPV (Human papillomavirus) ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ gái 11 tuổi, dự kiến tiêm từ năm 2025 và 2026 (cho trẻ sinh năm 2014 và 2015). Vắc xin HPV nằm trong kế hoạch tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) có chiến lược hỗ trợ vắc xin HPV cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chưa quan hệ tình dục thì không nhiễm HPV?

TS Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), cho biết: Theo nhiều nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), trẻ gái trước 15 tuổi tiêm vắc xin HPV là tốt nhất, đặc biệt ở lứa tuổi 11 - 12, trước khi có hoạt động tình dục và đây cũng là độ tuổi đáp ứng miễn dịch tạo kháng thể cao nhất.

TS Thương nhấn mạnh: Chưa quan hệ tình dục thì gần như rất ít nhiễm HPV, do HPV chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp niêm mạc và HPV gần như không sống được trong môi trường bên ngoài.

Theo bác sĩ (BS) Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC: Nhiều phụ huynh vẫn còn quan niệm chỉ khi con có quan hệ tình dục mới bị lây nhiễm HPV mà chưa rõ về các con đường lây gián tiếp của bệnh như tiếp xúc với dụng cụ y tế phụ khoa, đồ lót dính mầm bệnh; da có vết loét, chảy máu tiếp xúc với mầm bệnh…

Nghiên cứu ở Bắc Mỹ trên nhóm bé gái 15 - 16 tuổi cho thấy 45,5% trẻ có HPV trong âm đạo; 20% phụ nữ phát hiện mầm bệnh chỉ sau 4 tháng bắt đầu quan hệ tình dục, 45% trường hợp nhiễm vi rút sau 26 tháng bắt đầu quan hệ tình dục. Những nghiên cứu nói trên chỉ ra mức độ cần thiết tiêm ngừa sớm cho trẻ. Vắc xin HPV được khuyến nghị cho trẻ trai, trẻ gái, nam và nữ giới từ 9 - 26 tuổi. Trong đó, 9 - 14 là "tuổi vàng" để chủng ngừa, cũng là nhóm nên được ưu tiên tiêm phòng.

Nam giới có nhiễm HPV?

Theo BS Chính, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm cho rằng vắc xin HPV chỉ dành cho nữ giới để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và một số bệnh phụ khoa, nên nam giới không cần tiêm ngừa. Tuy nhiên, trên thực tế, HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả 2 giới. Xác suất nhiễm HPV trung bình trong suốt cuộc đời của nam giới lên đến 91%, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 85%.

Ngoài ra, các nghiên cứu cho biết nam giới có khả năng lây nhiễm và tái nhiễm HPV cao hơn nữ giới. Mặt khác, nam giới hiện chưa có biện pháp tầm soát, phát hiện các bệnh lý ung thư liên quan đến HPV, dẫn đến dễ lây nhiễm cho bạn tình, chẩn đoán trễ, tỷ lệ tử vong cao.

"Do đó, không chỉ nữ giới, mà nam giới, cộng đồng người chuyển giới, đồng tính cũng rất cần tiêm vắc xin HPV để phòng bệnh", BS Chính nói và khuyến cáo mọi người vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh, bên cạnh vắc xin, như: quan hệ tình dục an toàn, quan hệ một vợ một chồng, hạn chế các chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, duy trì khám sức khỏe định kỳ...

TS Bùi Chí Thương lưu ý: Mặc dù đã tiêm phòng HPV nhưng vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, vì vắc xin HPV không thể dự phòng toàn bộ khoảng 200 type HPV.

Hiểu rõ hơn về HPV

BS Bạch Thị Chính thông tin thêm: HPV là vi rút lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. HPV có khoảng 200 type, trong đó 40 type lây nhiễm ở đường sinh dục và khoảng 15 type nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, hậu môn, âm hộ, dương vật. Các type HPV có nguy cơ cao sinh ung thư là 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58... Trong đó, 2 type HPV nguy hiểm là 16 và 18 liên quan đến 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Loại nguy cơ thấp thường không sinh ung thư là type 6, 11, 42, 43, 44...

HPV cũng là tác nhân gây nhiều bệnh da liễu, 100% mụn cóc thông thường, 100% mụn cóc sinh dục hay còn gọi là sùi mào gà và tổn thương da ở loạn sản biểu mô mụn cóc.

Một nghiên cứu năm 2019 được công bố và lưu trữ trên website của Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ cho biết ước tính có khoảng 660 triệu người nhiễm HPV trên toàn cầu, trong đó có khoảng 370 triệu nam giới. Theo thống kê của CDC Mỹ, cứ 5 phụ nữ 50 tuổi thì có ít nhất 4 người mắc HPV tại một thời điểm trong cuộc đời. 1 trong 3 nam giới trên 15 tuổi bị nhiễm ít nhất một loại HPV. 1 trong 8 phụ nữ mắc mụn cóc sinh dục ít nhất một lần trước 50 tuổi. 10% dân số mắc mụn cóc sinh dục ít nhất một lần trong 25 năm hoạt động tình dục.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổng hợp các phân tích, đánh giá tỷ lệ nhiễm HPV trong dân số nam giới nói chung từ năm 1995 - 2022 cho thấy, tỷ lệ lưu hành chung của các chủng vi rút nói chung trên toàn cầu là 31%; nhóm HPV nguy cơ cao là 21%. Trong đó, HPV type 16 phổ biến nhất với 5%, sau đó đến HPV type 6 với 4%... 

Theo CDC Mỹ, gần như mọi cá nhân (bất kể giới tính, xu hướng tính dục) có hoạt động tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời. Các loại HPV nguy cơ cao gây ra khoảng 5% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 570.000 phụ nữ và 60.000 nam giới mắc bệnh ung thư liên quan HPV mỗi năm.

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới; với khoảng 604.000 ca mắc mới và 342.000 ca tử vong vào năm 2020, theo WHO.  (Thanh niên, trang 15).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang