Ngày Xuân thăm khu tưởng niệm bác sĩ Y-éc-xanh
Nhân dân Việt Nam vốn trọng tình nghĩa và có truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Những người có công lao lớn và nhiều đóng góp cho cộng đồng, dân tộc và đất nước đều được ghi nhớ, tôn vinh và tri ân, thờ cúng bằng nhiều hình thức cho dù họ là người Việt Nam hay người nước ngoài. Một trong những người như vậy là nhà bác học - bác sĩ người Pháp A-lếch-xan-đrơ Y-éc-xanh (1863 - 1943). Rất nhiều thành phố ở nước ta ngày nay đã đặt tên ông cho các đường phố, trường học, viện nghiên cứu, vườn hoa. Riêng ở Khánh Hòa, bên cạnh Bảo tàng Y-éc-xanh và các đường phố, trường học mang tên bác sĩ Y-éc-xanh, đây còn là nơi lưu giữ phần mộ của bác sĩ Y-éc-xanh tại khu tưởng niệm Suối Dầu và được chính quyền, nhân dân giữ gìn, chăm sóc với tất cả sự trân trọng, yêu quý.
Bác sĩ Y-éc-xanh sinh năm 1863, vốn là người Pháp di cư sang Thụy Sĩ. Năm 1891, sau khi đi nhiều nơi trên thế giới, cuối cùng ông chọn vùng đất Nha Trang (Khánh Hòa) nắng ấm là nơi dừng chân để sinh sống và nghiên cứu khoa học. Ông đã dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Người dân yêu quý, thân mật gọi bác sĩ theo cách gọi của người Việt Nam là ông Năm. Ngoài những đóng góp, nghiên cứu quan trọng cho y học thế giới, đối với nhân dân Nha Trang (Khánh Hòa), bác sĩ Y-éc-xanh còn có nhiều công lao trong việc chăm sóc, chữa bệnh, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Ông cũng là người đầu tiên khai phá con đường lên Ðà Lạt và đặt nền tảng để xây dựng lên thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Năm 1943, khi ông mất, hàng chục nghìn nhân dân địa phương và nhiều vùng lân cận đã thương tiếc, đến viếng và đưa tiễn ông.
Hiện nay, mộ phần của bác sĩ Y-éc-xanh nằm ở xã Suối Dầu, huyện Diên Khánh, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía nam, nằm trên quốc lộ 1A theo như di chúc ông để lại. Ðây cũng là nơi ông từng ở và nghiên cứu trong nhiều năm cho đến tận cuối đời. Từ ngoài đường vào theo bản chỉ dẫn, đến ngôi mộ ông chừng 800 m, đường khá rộng, hai bên có những cây phượng tán phủ rộng che mát. Ngôi mộ của ông nằm trên đỉnh đồi nhỏ và từ dưới đồi đi lên chừng 50 m, đường đi lên làm bằng bậc đá chẻ, hai bên là rừng cây lâu năm, rậm rạp, dây leo chằng chịt. Lên đến gần đỉnh đồi, có hàng ghế đá dọc theo lối đi, có nhà chờ để khách nghỉ chân. Ngôi mộ của bác sĩ Y-éc-xanh khá bình dị, nhỏ bé, hướng về phía biển, khiêm tốn như cuộc đời nghiên cứu khoa học lặng lẽ của ông khi quyết định gắn bó với Việt Nam và chọn nơi này là quê hương cho đến cuối đời mình. Trên bia mộ ghi ngày tháng năm sinh, năm mất của ông bằng hai dòng chữ Việt - Pháp, cuối tấm bia đề chữ: "Ân nhân và Nhà Nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính".
Không gian khu mộ phần và tưởng niệm bác sĩ Y-éc-xanh yên bình và tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió xào xạc và chim muông ríu rít, không khí mát mẻ quanh năm. Từ trên đồi nhìn xuống, xa xa là những cánh đồng mía bao bọc, nhấp nhô, ngút ngàn mầu xanh. Có lẽ cũng vì yêu mến cuộc sống, con người và cảnh quan nơi này mà sinh thời, năm 1896, ông đã giải thích trong thư gửi bạn về quyết định chọn nơi đây để sinh sống và làm việc: " Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm".
Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, nhân dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm viếng khu tưởng niệm bác sĩ Y-éc-xanh khá đông. Cách mộ ông chừng một cây số theo quốc lộ về hướng bắc, có chùa Linh Sơn. Sau khi thăm mộ, trên đường về, du khách thường ghé chùa vãng cảnh, hoàn tất một chuyến du lịch nhiều ý nghĩa. (Nhân dân, trang 5)
Chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ
Theo thống kê của các bệnh viện chuyên khoa mắt, do thời tiết ấm, ẩm nên thời gian gần đây số người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tăng hơn so với ngày thường. Tại Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội), tuần qua số người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám chiếm khoảng 14% tổng số người đến khám (khoảng 140 người bệnh/ngày), tương đương cùng kỳ các năm trước. Các bác sĩ cho biết có sự gia tăng số người mắc bệnh sinh sống ở các khu chung cư đông đúc, nơi có sự lưu thông không khí không tốt.
Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Ðắc Phu cho biết: Ðau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này, cho nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Ðể chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện: Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà-phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người chung quanh và cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. (Nhân dân, trang 8)
Xử lý trách nhiệm giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định
Liên quan đến vụ gần nửa cán bộ Sở Y tế tỉnh Bình Định đi lễ hội, chiều 13-2, chủ tịch UBND tỉnh này có công văn giao giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với thanh tra tỉnh, tổ kiểm tra công vụ cùng các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế. Trên cơ sở đó đề xuất biện pháp xử lý cho chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 20-2.
Công văn trên nêu rõ: Việc giám đốc Sở Y tế cho phép tổ chức đoàn cán bộ, nhân viên của Sở Y tế ra ngoài tỉnh dự lễ hội và đi tham quan là chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc này gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của tỉnh và của ngành y tế Bình Định. Do đó, chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh nhằm nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng trên.
Sáng cùng ngày, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cũng đã có văn bản gửi giải trình về sự vụ này. Văn bản nêu: Để xảy ra sự việc đáng tiếc này, trách nhiệm chính là của giám đốc Sở Y tế - người đứng đầu đơn vị - vì chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.
Cụ thể là giám đốc Sở Y tế đã cho nghỉ phép đông người vào cùng một thời điểm ngay sau Tết; vắng mặt nhiều người trong ngày làm việc. Mặt khác, tổ chức đoàn đông người đi ra ngoài tỉnh nhưng không xin phép UBND tỉnh là không đúng quy định. Giám đốc Sở xin nhận khuyết điểm, tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những thiếu sót trên. “Đây là bài học quản lý đắt giá đối với bản thân giám đốc Sở nói riêng, tập thể lãnh đạo Sở, các trưởng phòng, cán bộ, nhân viên Sở Y tế nói chung. Chúng tôi sẽ không bao giờ tái phạm. Sở Y tế cũng chấp hành mọi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh” - công văn nêu.
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ngày 9-2 nhiều người dân đến Sở Y tế tỉnh Bình Định liên hệ làm việc nhưng phần lớn cán bộ có chức trách đều vắng mặt. Bức xúc trước sự việc này, người dân phản ánh với lãnh đạo UBND tỉnh. Chiều cùng ngày, một tổ công tác của UBND tỉnh gồm Sở Nội vụ, thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất, phát hiện có đến 22 cán bộ, công chức không có mặt tại Sở Y tế mà đang đi miền Bắc dự lễ hội. Chủ tịch UBND tỉnh ngay sau đó đã chỉ đạo khẩn cho giám đốc sở này yêu cầu đưa cán bộ quay về làm việc. (Pháp luật TP.HCM, trang 4)
Liên thông kết quả xét nghiệm của các bệnh viện TƯ trước ngày 1-7-2017
Ngành y tế cần triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và lộ trình đến ngày 1-1-2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương tương của Bộ Y tế.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với ngành y tế. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025. Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ trước ngày1-7-2017.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm) theo tiêu chí do Bộ Y tế ban hành. (Công an Nhân dân, trang 1)
Báo động tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ
Chiều 14-2, khi chúng tôi có mặt tại Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai, 2 người con của bà Hà Thị B. (71 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đang làm thủ tục đưa bà về nhà vì không còn cơ hội cứu được nữa, khi bác sĩ không còn có thể lấy ven và bắt mạch được cho bà. Nhìn cảnh bà lão đau đớn nhưng hoàn toàn tỉnh táo trên giường bệnh, trong khi biết mình sẽ không còn sống được nữa, khó ai cầm lòng được.
Bà Hà Thị B. đã phải nhập viện cách đây vài ngày do bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Ngay giường bên cạnh, là 2 nam bệnh nhân khác cũng là nạn nhân của loại thuốc độc này. Đáng sợ khi họ đều phải chịu những cơn đau đớn vật vã trong sự tỉnh táo. Có người tỉnh táo đến lúc tử vong, nếu không cho họ uống thuốc an thần.
Không ai biết điều gì sẽ đến với những người đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat. Bởi theo Ths. Nguyễn Trung Nguyên -Phụ trách Trung tâm Chống độc thì 70% số người đã uống Paraquat là không thể qua khỏi. Sau khi uống, phổi hút rất nhanh và mạnh chất độc này, khiến bệnh nhân khó thở, phải thở oxy. Nhưng oxy kết hợp với Paraquat lại tạo thành chất rất độc, làm phổi tổn thương nặng hơn, xơ cứng lại, khiến cho việc cấp cứu vô cùng khó khăn.
Những người may mắn sống sót thường cũng để lại di chứng nặng nề về phổi và nhiều cơ quan nội tạng khác. Rất hiếm người đã bị ngộ độc Paraquat mà sức khỏe còn biến chuyển tốt, chưa kể chi phí điều trị rất cao, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu, trong đó, riêng chi phí lọc máu tới cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng, mỗi năm cả nước vẫn có trên 1.000 bệnh nhân tử vong do thuốc diệt cỏ Paraquat và đáng lo ngại khi số người bị ngộ độc do Paraquat năm sau cao hơn năm trước. Tại Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, năm 2014 có 300 người nhập viện, thì năm 2015 đã là 350 người và đến năm 2016, nơi đây đã tiếp nhận gần 500 bệnh nhân ngộ độc Paraquat. Gần 400 người trong số đó không qua khỏi.
Đây là con số bệnh nhân của riêng Trung tâm chống độc ở Bệnh viện Bạch Mai, chưa kể các Trung tâm chống độc và các bệnh viện khác trên cả nước. Trong khi ở Việt Nam lẫn trên thế giới đã thử nghiệm nhiều phác đồ điều trị, nhiều biện pháp khác nhau, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình tử vong của những người ngộ độc Paraquat.
Ths. Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thời gian gần đây, ngày nào cũng có vài bệnh nhân ngộ độc Paraquat nhập viện, kể cả ngày Tết. Đa phần là người trẻ, cả nam và nữ giới. Trong 3 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm chống độc, một bệnh nhân nam mới có 24 tuổi và một bệnh nhân 35 tuổi.
Nhiều người uống Paraquat do mâu thuẫn gia đình, thậm chí vì những lý do lặt vặt, không đáng có như đòi mua một thứ gì đó không được đáp ứng, hay giận dỗi cha mẹ, hoặc như bệnh nhân Nguyễn Văn V. (25 tuổi, ở Bắc Giang) vào viện tối 13-2 sau khi uống một ngụm Paraquat chỉ vì cãi nhau với vợ và giờ thì đang nằm trong cơn khó thở, rát họng và nỗi hối hận không nguôi vì dại dột.
Trong quá trình điều trị, có người tử vong sau vài ngày nhưng cũng có người phải chịu đựng đau đớn vật vã cả tháng trời, các bệnh nhân đều bày tỏ sự hối tiếc vì đã nông nổi khi lựa chọn việc giải quyết mâu thuẫn bằng Paraquat. Chỉ tiếc là họ đều hối tiếc vào thời điểm đã không còn đường để làm lại được nữa. Vì chỉ cần uống khoảng 5ml trở lên là đã có thể tử vong. Sau khi uống 2 tiếng là nồng độ Paraquat trong máu đã cao và ngấm rất nhanh vào phổi, khiến bệnh nhân đau đớn, khó thở, hôn mê và suy hô hấp.
Trước tình trạng số người ngộ độc Paraquat ngày càng tăng, các bác sĩ của Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai đã nhiều lần đề nghị phải cấm sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat, bởi sự độc hại của nó đến chính Trung Quốc là nơi sản xuất ra Paraquat cũng cấm sử dụng trong nông nghiệp. Paraquat cũng đã bị cấm sử dụng tại 32 nước trên thế giới.
Vì thế, Ths. Nguyễn Trung Nguyên bày tỏ sự vui mừng khi mới đây, ngày 8-2-2017, Bộ NN&PTNN đã có quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.
Ths. Nguyễn Trung Nguyên nêu ý kiến: Vì đây là hoá chất rất độc, uống vào gây tỉ lệ tử vong cao, nên mong Nhà nước cấm sử dụng càng sớm càng tốt. Cấm sớm ngày nào là cứu sống được vài mạng người ngày hôm ấy. Trước đây, các bệnh viện trên cả nước cũng như Trung tâm chống độc thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc thuốc chuột hay thuốc ngủ, nhưng khi nhà nước cấm sử dụng thuốc chuột và quản lý tốt các loại thuốc ngủ thì gần như không còn có người bị ngộ độc các loại thuốc trên phải vào viện. Điều đó cho thấy vai trò của Nhà nước trong việc ngăn chặn các vụ ngộ độc và tử vong do ngộ độc là rất lớn.
Xin được nhắc lại rằng, hầu hết những người uống thuốc diệt cỏ Paraquat đều tử vong, nhưng phải trải qua những ngày đớn đau, vật vã trước khi chết. Nếu may mắn được cứu sống, thì số tiền điều trị là rất lớn chưa kể với di chứng về các bệnh nội tạng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cuộc đời còn lại. Vì thế, dù bất cứ lý do gì cũng xin đừng dại dột tìm đến với Paraquat, để làm khổ cả bản thân và gia đình. (Công an Nhân dân, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: “Một năm có 400 người chết vì thuốc Paraquat ở một bệnh viện”
Đồng Nai: Phát hiên ca lao siêu kháng thuốc đầu tiên
Thông tin từ Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, bệnh viện đang điều trị lao siêu kháng thuốc cho ông Nguyễn Thế H (62 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).
Trước đó, vào tháng 9/2015, bệnh nhân Nguyễn Thế H nhập viện điều trị bệnh lao kháng đa thuốc. Sau thời gian dài điều trị, bệnh tình không tiến triển, xét nghiệm vẫn dương tính với vi khuẩn lao. Bệnh viện Phổi Đồng Nai đã gửi mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đi xét nghiệm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh), kết quả cho thấy bệnh nhân bị lao siêu kháng thuốc. (Nông thôn Ngày nay, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: “Phát hiện ca lao siêu kháng thuốc ở Đồng Nai”
Ca mổ kéo dài 7 giờ tái tạo xương hàm cho bệnh nhân
Ngày 14.2, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Bệnh viện FV (TP.HCM) tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ để tái tạo xương hàm cho bệnh nhân H.V.T (nam, 61 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Ông T. vào viện hôm 13.2, được chẩn đoán bị hoại tử xương hàm dưới. Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật (bằng vi phẫu) kéo dài 7 giờ để tái tạo xương hàm mặt cho bệnh nhân bằng cách ghép vạt xương mác (lấy từ vùng cẳng chân của chính bệnh nhân T.).
Tái tạo xương hàm bằng xương mác là kỹ thuật khó, đòi hỏi các bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn sâu, khéo léo và kỹ năng ghép bảo đảm tính thẩm mỹ… (Thanh niên, trang 2)
Bộ Y tế yêu cầu xác minh thông tin bé trai tử vong tại Nghệ An
Ngày 14/2, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nghệ An báo cáo trường hợp bé trai 7 tháng tuổi tử vong tại bệnh viện Đa khoa Tây Bắc tỉnh Nghệ An.
Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Nghệ An khẩn trương xác minh thông tin báo đăng. Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về trường hợp tử vong, cần sớm họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc để có kết luận, đề xuất hướng giải quyết, trả lời gia đình và công luận. Kết quả giải quyết báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 16/0/2017.
Trước đó, ngày 10/2, báo chí phản ánh sự việc anh X (SN 1981) trú xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã làm đơn kêu cứu về việc con trai 7 tháng tuổi tử vong nghi do bệnh viện tắc trách.
Trong lời việc này, ông Tăng Viết Hà, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc Nghệ An cho biết nguyên nhân tử vong cháu bé là do sốc mất nước, nhiễm trùng, nhiễm độc nên sau 15 phút điều trị cháu tử vong. (Lao động, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “Yêu cầu làm rõ thông tin bé trai 7 tuổi tử vong tại BVĐK Tây Bắc-Nghệ An”
Cứu người bệnh sau sáu giờ ngừng tuần hoàn
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cứu một người bệnh sau hơn sáu giờ ngừng tuần hoàn.
Người bệnh tên là Sằm Văn T, nam, 39 tuổi (quê Vị Xuyên, Hà Giang) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên về Khoa Cấp cứu A9 trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn to. Sau khi được hồi sức tích cực và hội chẩn cấp cứu, người bệnh được chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Sau ba ngày kết thúc liệu trình điều trị, người bệnh đã tự thở, có ý thức và sức khỏe dần ổn định.
Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp được cứu sống hết sức hy hữu vì khi nhập viện, người bệnh được tiên lượng rất xấu do hôn mê sâu, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài. Ðến nay đã có nhiều người bệnh ngừng tim được cứu sống nhờ kỹ thuật này. (Nhân dân, trang 8)