Thêm một tỷ đồng hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em
Ngày 14-4, Quỹ Tấm lòng Việt (Đài Truyền hình Việt Nam) và Công ty TNHH Lixil Việt Nam ký cam kết về việc tài trợ cho chương trình “Trái tim cho em”. Theo cam kết, Công ty TNHH Lixil Việt Nam tài trợ một tỷ đồng để Quỹ Tấm lòng Việt phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện phẫu thuật cho những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Qua bảy năm liên tục, Lixil Việt Nam đã tài trợ 7,2 tỷ đồng phẫu thuật cứu sống hơn 200 em nhỏ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao hai máy thở tặng hai bệnh viện Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. (Nhân dân, trang 5)
Hơn 400 người ở Kon Tum mắc bệnh thủy đậu
Từ đầu năm đến nay, ngành y tế tỉnh Kon Tum ghi nhận có hơn 400 người mắc bệnh thủy đậu, chủ yếu là trẻ em. Chín trong 10 thành phố, huyện có người mắc bệnh, trong đó huyện Đác Hà có số người bệnh mắc mới thủy đậu nhiều nhất, với hơn 100 người, tiếp đến là các huyện Đác Tô, Đác Glây và Sa Thầy.
Đã có sáu ổ dịch thủy đậu bùng phát, trong đó ba ổ dịch ở ba thôn thuộc các xã: Kroong (TP Kon Tum); Đác Ang (huyện Ngọc Hồi) và Đác Choong (huyện Đác Glây). Ba ổ dịch còn lại đều xảy ra ở các trường mầm non, gồm: Trường mầm non Đác Hring, xã Đác Hring (huyện Đác Hà); Trường mầm non Bình Minh và Sao Mai thuộc thị trấn Đác Tô (huyện Đác Tô). (Nhân dân, trang 5)
Thông tin sai vụ "nước mắm nhiễm asen": Phó Tổng thư ký Vinastas Vương Ngọc Tuấn bị cách chức
Một nguồn tin cho biết, ông Vương Ngọc Tuấn - Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã bị cách chức vì thông tin sai vụ nước mắm nhiễm asen.
Nguồn tin này cho biết, ông Vương Ngọc Tuấn dù bị cách chức Phó Tổng thư ký nhưng vẫn là thành viên của Vinastas:
“Việc cách chức thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Hội. Sau khi bị cách chức, ông Tuấn ít đến trụ sở hội làm việc”- vị này cho hay.
Ông Vương Ngọc Tuấn là một trong những thành viên tham gia đoàn khảo sát của Vinastas về nước mắm. Tại buổi họp báo công bố kết quả khảo sát nước mắm ngày 17-10-2016, ông Vương Ngọc Tuấn là người đồng chủ trì và trực tiếp trả lời báo chí các vấn đề liên quan đến kết quả khảo sát.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Vinastas báo cáo việc kiểm điểm xử lý đối với các cá nhân trong vụ công bố kết quả khảo sát nước mắm. Trong đó có việc kiểm điểm đối với cá nhân ông Đoàn Phương - Chủ tịch Vinastas. Báo cáo này gửi về Bộ Công Thương trước ngày 20-4. (An ninh Thủ đô, trang 3)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Vụ thông tin sai về nước mắm truyền thống: cách chức một lãnh đạo Vinastar”
Coi thường sốt xuất huyết, người lớn cũng tử vong
Trong tháng 3, trong hai ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở tỉnh Đồng Tháp, có một ca tử vong là người lớn. Điều này chứng tỏ SXH không chỉ làm tử vong trẻ em, mà còn nguy hiểm cả với người lớn… Tuy nhiên, không ít người lớn vẫn rất chủ quan với căn bệnh này.
Giải pháp phòng bệnh SXH tốt nhất hiện nay là đề phòng muỗi đốt. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Ảnh: P.V
Bệnh dễ chẩn đoán nhầm với sốt rét
Tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ), 3 tháng đầu năm 2017, đơn vị này đã điều trị nội trú 75 ca mắc SXH. Trong đó, có 40 bệnh nhân tại TP Cần Thơ, còn lại ở các tỉnh lân cận. Bệnh nhân Nguyễn Thanh Điền (ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), sau 4 ngày nhập viện, bệnh đã bớt nhiều, ăn ngủ được. Bệnh nhân Điền cho biết: "Cách đây 6 ngày, tôi bị sốt, nhức đầu, cứ nghĩ bị sốt thông thường nên mua thuốc Tây uống. Sau 2 ngày uống thuốc, bệnh không giảm mà ngày càng tăng, sốt cao lên đến 40oC, nhức đầu, chóng mặt, mệt, gia đình đưa đi nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bị bệnh SXH".
Qua khám, tay chân bệnh nhân Điền nổi đầy ban, BS Trần Ngô Phúc Mỹ - quyền Trưởng khoa Nhiễm cho biết: "Bệnh nhân phát ban dạng chấm xuất huyết ở đầu xa chi là biểu hiện tiên lượng tốt. Nhiều người bệnh lo lắng thấy ban nổi đầy đầu, tay, chân nhưng đó là dấu hiệu đáng mừng vì bệnh nhân sắp xuất viện".
Các chuyên gia cảnh báo: SXH dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh có biểu hiện sốt trong đó có bệnh sốt rét và ngược lại. Do bệnh SXH và bệnh sốt rét có triệu chứng ban đầu thường là sốt cao, run lạnh nên khó phân biệt. Để chẩn đoán người bệnh bị sốt rét hoặc SXH cần dựa thêm vào yếu tố dịch tễ và làm một số xét nghiệm xác định không quá phức tạp.
Về dịch tễ, người thăm khám cần hỏi kỹ người bệnh có đang sống ở vùng sốt rét hoặc vừa từ vùng sốt rét trở về hay không. Bên cạnh đó, bệnh nhân nếu có triệu chứng sốt cao khi sống trong vùng có dịch sốt rét hoặc từ vùng sốt rét trở về thì cần nhanh chóng nhập viện thăm khám, đồng thời cần nói rõ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việc chẩn đoán bệnh sốt rét chủ yếu dựa trên xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu, được thực hiện khá đơn giản, vấn đề quan trọng là người khám bệnh có cảnh giác, có nghĩ đến nó hay không để thực hiện sớm ngay từ đầu. Hiện nay, bệnh sốt rét ít dần, trong khi đó SXH lại bùng phát mạnh mẽ nên khi bệnh nhân đến khám mà chỉ có biểu hiện sốt, người ta thường nghĩ đến SXH mà “quên đi" sốt rét. Thêm nữa, xét nghiệm cơ bản hay làm cho người bệnh là công thức máu mà kết quả thường là không có sự khác biệt giữa SXH và sốt rét.
Các chuyên gia cảnh báo: Các bác sĩ khi thăm khám bệnh nhân có sốt nên lưu ý đến 2 bệnh trên và sớm cho làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán hoặc loại trừ. Có trường hợp bệnh nhân SXH, sốt rét khi nhập viện không có biểu hiện sốt do ngoài cơn sốt hoặc đã uống thuốc hạ sốt trước đó, hoặc do bệnh đã diễn tiến nặng, có biểu hiện sốc.
Trong điều trị bệnh SXH, do chưa có thuốc đặc trị nên khó có thể lường trước diễn biến bệnh, không thể tránh khỏi trường hợp bệnh nhân được nhập viện sớm nhưng bệnh vẫn diễn tiến nặng, tử vong. Thực tế, việc nhập viện sớm không giúp cho bệnh SXH không bị trở nặng (sốc, xuất huyết, suy gan, suy thận...) mà giúp cho bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ đúng, kịp thời, không chậm trễ khi diễn tiến bệnh bất thường, đột ngột, do đó giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng
Bệnh SXH có 3 mức độ: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng. Với SXH Dengue, bệnh nhân được điều trị tại nhà và theo dõi sát để phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo như: Vật vã, li bì, nôn nhiều, tiểu ít, đau bụng vùng gan... Khi có các biểu hiện trên, bệnh nhân phải được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế để có chỉ định điều trị kịp thời. Bệnh SXH Dengue diễn tiến nặng thường không lường trước được, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. SXH Dengue nặng, bệnh nhân sốc hoặc xuất huyết nội tạng (dạ dày, não...), rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, viêm não... Với viêm não do siêu vi Dengue, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân khi có các triệu chứng bệnh trên, không nên tự ý ra tiệm thuốc Tây mua thuốc uống vì thuốc aspirin có thể gây xuất huyết. Dùng thuốc không đúng, bệnh nhẹ thành ra nặng. Ngoài ra, nếu bị sốt dưới 38,3oC, chỉ cần lau mát, không nên dùng thuốc hạ sốt vì nếu dùng thuốc hạ sốt tích cực có thể gây trùng lấp dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân khi vào sốc (hạ thân nhiệt đột ngột) .
Trước đây, Khoa Nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ) đã điều trị một số ca SXH Dengue nặng, bệnh nhân sốc, tái sốc nhiều lần, bị xuất huyết tiêu hóa, viêm não... Từ đầu năm 2017 đến nay, tại Cần Thơ chưa ghi nhận ca bệnh SXH nặng ở người lớn. Tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, khi điều trị các ca nặng, Khoa bố trí phòng riêng, có hệ thống ôxy đầu giường, máy thở khi cần và gần sát phòng trực của nhân viên y tế để được theo dõi sát. Khi có ca nặng, điều trị đúng phác đồ mà bệnh nhân không đáp ứng thì các bác sĩ liên hệ với các chuyên gia ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để hội chẩn. Khoa Nhiễm đang triển khai phòng chăm sóc toàn diện tại Khoa để phục vụ điều trị các bệnh nặng đặc thù truyền nhiễm, trong đó có bệnh SXH. (Gia đình & Xã hội, trang 7)
Kèn chui vào cổ 6 tháng, đến lúc ho kêu te te mới biết
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, đây là trường hợp rất may mắn vì kèn ở trong cổ họng 6 tháng mà bệnh nhân vẫn chưa bị nhiễm trùng hay ảnh hưởng gì.
Trường hợp trên là của bệnh nhi Cao Ngọc Bảo (4 tuổi, ngụ Cần Giuộc, Long An). Theo lời kể của anh Cao Văn Lắm (34 tuổi, cha bệnh nhi), khoảng tháng 8 năm ngoái con trai anh có chơi một con búp bê có gắn kèn. Trong lúc chơi có thể cháu đã tháo kèn ra và nuốt nó.
Anh Lắm nhớ lại, thời gian đó cái kèn gắn trong con búp bê không còn nhưng con anh thì tự nhiên ho liên tục. Lo con bệnh, gia đình có đưa bé Bảo tới nhiều bệnh viện khám, chụp CT nhưng không thấy gì nên bác sĩ cũng chỉ cho uống thuốc rồi về.
"Mới đây, trong một lần cháu ho tôi chợt nghe tiếng kèn kêu te te phát ra từ cổ con. Để ý hai ba lần tôi đều nghe thấy vậy. Hai vợ chồng sợ quá mới đưa cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho chắc", anh Lắm kể.
Tại khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, bác sĩ CK1 Bùi Đoàn Hải Linh, cho biết qua thăm khám, do nghi ngờ có dị vật trong cổ bé nên các bác sĩ đã cho bệnh nhi chụp CT có tái tạo 3D. Đến lúc này mới phát hiện trong cổ họng bé có dị vật.
Cũng theo bác sĩ Linh, các BV trước đó bệnh nhi đến khám dù đã chụp CT nhưng không phát hiện ra dị vật vì chiếc kèn nằm ở vị trí khá khó thấy. Phải có hệ thống CT tái tạo 3D mới may mắn phát hiện được.
Giải thích về việc tại sao cháu bé nuốt kèn vào phổi hơn 6 tháng mà không ảnh hưởng gì, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho rằng khi kèn lọt vào phổi, lõi cây kèn đã nằm đúng với vị trí như trong một cây kèn thực sự. Khi có luồng hơi nhanh và mạnh tác động vào thì cây kèn sẽ phát ra tiếng động như khi thổi kèn. Do đó, mỗi khi cháu bé ho hoặc hít thở mạnh thì sẽ phát ra tiếng như tiếng kèn. May mắn là chiếc kèn có lỗ thông nằm xuôi chiều với phổi nên đã không trở thành vật cản khi bệnh nhi thở, do đó bệnh nhi không bị ảnh hưởng nhiều.
“Những trường hợp hóc dị vật kiểu này BV gặp rất thường xuyên. Thông thường trẻ sẽ gặp các biến chứng ban đầu như khó thở, sau đó là viêm phổi và nhiều biến chứng nặng nề khác. Trường hợp của bé Bảo là trường hợp rất may mắn vì dị vật trong cổ đã được lấy ra mà không để lại bất cứ biến chứng nào”, BS Như nói. (Pháp luật TPHCM, trang 13).