Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/4/2022

  • |
T5g.org.vn - Bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Tiêm đến đâu, an toàn đến đó; Tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, những điều cần biết; Số ca mắc giảm rất mạnh, Hà Nội tập trung phát hiện sớm biến thể SARS-CoV-2 mới có thể xâm nhập, lây lan…


Bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi: Tiêm đến đâu, an toàn đến đó

Ngày 14/4, tại Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long), Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng năm 2020”.

Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em

Tham dự Lễ phát động có ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đại sứ Australia tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và địa phương.

Quảng Ninh được chọn là địa phương đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Trường THCS Trần Quốc Toản được chọn làm địa điểm mở đầu chiến dịch tiêm chủng. Với 160 em học sinh lớp 6 của trường được tiêm những mũi vắc xin Moderna đầu tiên, hệ thống y tế Quảng Ninh đã được Bộ Y tế tập huấn rất kỹ từ công tác chuẩn bị đến xử lý những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu, hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên đã đạt tỷ lệ cao và Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác, bao gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Với ý nghĩa của việc hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2022 với chủ đề “Vắc xin mang lại cuộc sống lâu dài cho tất cả mọi người” và phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, tính đến ngày 27/1, tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 3 của Quảng Ninh đã đạt 97% số người đủ điều kiện tiêm; đến nay, tỷ lệ mũi 1, mũi 2 cả người lớn và trẻ em từ 12-18 tuổi đều trên 99,8%. Công tác tiêm chủng được tỉnh triển khai đảm bảo nhanh, hiệu quả, an toàn.

Quảng Ninh đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, cao nhất để triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em, Đến nay, Quảng Ninh đã sẵn sàng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em với phương châm “Tiêm đến đâu, an toàn đến đó” để khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng đặc biệt mà Bộ Y tế đã xác định tổ chức đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, có hai loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là Pfizer và Moderna. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần. Việc tiêm sẽ tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các tỉnh, thành triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn, căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng.

TPHCM: Từ 16/4 sẽ tiêm vắc xin cho trẻ

Hôm qua, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ÐT TPHCM, cho biết, từ ngày 16/4, TPHCM sẽ khởi động chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Dự kiến sẽ tiêm cho 898.537 trẻ, trong đó 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang được nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học. Theo ông Trọng, chiến dịch tiêm phòng sẽ diễn ra vào sáng thứ 7 (16/4), triển khai trước tiên cho học sinh từ 11 đến dưới 12 tuổi tại một số trường THCS. Chiều thứ 7 và Chủ nhật, việc tiêm chủng sẽ dừng lại để ngành giáo dục và y tế đánh giá lại công tác tiêm chủng. Từ thứ 2 tuần tới (18/4), công tác tiêm chủng sẽ được tổ chức đồng loạt, theo nguyên tắc học sinh lớn trước, nhỏ sau từ lớp 5 đến lớp 1 và trẻ mầm non 5 tuổi.

Về mã định danh phục vụ công tác nhập liệu trước tiêm, ông Trọng cho hay, với học sinh có hộ khẩu ở tỉnh, nếu chưa lấy được mã định danh thì lập danh sách, Công an TPHCM sẽ hỗ trợ truy mã định danh. Trong trường hợp bất khả kháng không có mã định danh, việc tiêm chủng cho trẻ vẫn phải đảm bảo.

Sở GD&ÐT TPHCM cho hay, tính đến ngày 7/4 đã có 77,58% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, tỉ lệ đồng thuận cao nhất ở nhóm phụ huynh có con học lớp 6. Tỷ lệ số phụ huynh có con 5 tuổi đồng ý tiêm cho trẻ đạt 60,76%; phụ huynh có con học tiểu học đạt 74,18% và phụ huynh có con học lớp 6 đạt 88,32%. (Tiền phong, trang 1, Thanh niên, trang 13, Nhân dân, trang 8, Công an nhân dân, trang 1, Hà Nội mới, trang 7, Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Tiêm vaccine COVID-19 mũi 4, những điều cần biết

Hiện nay, tại một số quốc gia đang bắt đầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 4. Dưới đây là những thông tin cần biết xung quanh vấn đề này.

1. Vì sao cần tiêm mũi thứ 4?

Cơ thể con người không thể tiếp tục thúc đẩy phản ứng kháng thể mãi mãi, mà lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Theo đó, tế bào lympho B sẽ phản ứng đầu tiên trong lần đầu tiên tiếp xúc với mầm bệnh (hoặc vaccine). Các tế bào B được kích hoạt sẽ phân chia nhanh chóng và biệt hóa thành các tế bào plasma tạo ra các protein gọi là kháng thể.

Các kháng thể có thể đánh dấu những kẻ xâm nhập đáng ngờ để tiêu diệt và một số có thể liên kết với một phần của mầm bệnh để ngăn chặn nó lây nhiễm hoàn toàn vào các tế bào. Đây là kháng thể "trung hòa".

Kháng thể trung hòa ngăn chặn trực tiếp virus xâm nhập tế bào và gây bệnh. Nhưng, các kháng thể sẽ suy yếu sau khi nhiễm bệnh, do lympho B tồn tại trong thời gian ngắn tạo ra kháng thể và sẽ chết đi nhanh chóng.

Dữ liệu từ Israel, quốc gia đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng tích cực bằng cách sử dụng vaccine mRNA Pfizer & BioNTech, cho thấy khả năng bảo vệ chống lại nhiễm trùng của vaccine này giảm từ 95% xuống chỉ còn 39% trong suốt 5 tháng.

Từ những con số này, các nhà nghiên cứu thấy rằng: Theo thời gian, dù mất dần khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm, nhưng vaccine vẫn giữ được khả năng ngăn ngừa bệnh tật nghiêm trọng. Khả năng bảo vệ khỏi nhiễm trùng có thể đang suy yếu, nhưng khả năng bảo vệ khỏi nhập viện dường như đang được duy trì.

Và bất kể loại vaccine nào, liều thứ 4 có thể làm tăng cao mức độ kháng thể "trung hòa", điều này có thể ngăn chặn sự xâm nhiễm virus vào tế bào.

2. Ai cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 4?

Mới đây, hãng Pfizer & BioNTech đã nộp đơn lên Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) để được cấp phép sử dụng liều khẩn cấp thứ 4 vaccine mRNA cho người lớn trên 65 tuổi.

Một phân tích hồ sơ của Bộ Y tế Israel được thực hiện trên 1,1 triệu người lớn từ 60 tuổi trở lên không có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 và đủ điều kiện tiêm liều vaccine COVID-19 thứ 4, cho thấy: Tỷ lệ nhiễm bệnh được xác nhận thấp hơn 2 lần và tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn 4 lần, ở những người nhận được 1 liều tăng cường bổ sung của vaccine Pfizer, được tiêm ít nhất 4 tháng sau lần tăng cường đầu tiên (mũi 3), so với những người chỉ nhận được một liều tăng cường.

Paul Hunter - Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia đồng tình với việc tiếp tục kế hoạch tiêm cho các nhóm dễ bị tổn thương (người lớn tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch...).

3. Trí nhớ miễn dịch sẽ cứu chúng ta

Theo các nhà nghiên cứu, việc giảm nồng độ kháng thể sau khi nhiễm trùng (hoặc sau tiêm) là bình thường. Còn cứu cánh của chúng ta là trí nhớ miễn dịch.

Các nhà khoa học giải thích: Trong vòng một tháng hoặc lâu hơn, một số tế bào tạo kháng thể sẽ trở thành tế bào B nhớ lưu thông trong máu. Chúng không tạo ra kháng thể ngay, nhưng nếu chúng gặp virus hoặc protein của virus, các tế bào này sẽ nhanh chóng phân chia và trở thành tế bào plasma, tồn tại lâu dài, cư trú chủ yếu trong tủy xương và tiết ra một lượng nhỏ nhưng ổn định các kháng thể chất lượng cao. Những tế bào đó về cơ bản sống với chúng ta trong suốt phần đời còn lại.

Trí nhớ miễn dịch không chỉ phụ thuộc vào kháng thể. Ngay cả khi mức độ kháng thể giảm xuống, các tế bào B nhớ có thể nhận ra kẻ xâm lược quay trở lại, phân chia và nhanh chóng bắt đầu tạo ra các kháng thể để chống lại nó. Phản ứng của tế bào B nhớ được cải thiện theo thời gian, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo một nghiên cứu, 6 tháng sau khi tiêm vaccine, các cá thể trong nghiên cứu có số lượng tế bào B nhớ tăng cao, không chỉ phản ứng với SARS-CoV-2 ban đầu, mà còn với 3 biến thể khác đang được quan tâm.

Tiếp theo đó là tế bào T, trụ cột thứ 3 của trí nhớ miễn dịch. Khi tiếp xúc với một kháng nguyên, chúng sẽ nhân lên thành một nhóm các tế bào hiệu ứng hoạt động để quét sạch nhiễm trùng. Tế bào T gây độc nhanh chóng phân chia để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh. Nhiều loại tế bào T trợ giúp khác nhau tiết ra các tín hiệu hóa học kích thích các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch, bao gồm cả tế bào B. Sau khi mối đe dọa đã qua, một số tế bào này vẫn tồn tại dưới dạng tế bào T nhớ.

Với COVID-19, nhiễm trùng xảy ra nhanh chóng, nhưng phải mất một thời gian (thường 5-7 ngày) để gây bệnh nghiêm trọng. Điều đó cung cấp cho các tế bào T bộ nhớ một thời gian để thực hiện công việc của chúng. Khi tái tiếp xúc với virus hoặc kích thích tăng cường, các tế bào này sẽ phát triển rất nhanh. Như vậy, bạn có thể sẽ có khả năng miễn dịch bảo vệ trong nhiều năm, nếu có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và được tiêm vaccine đầy đủ.

4. Tiêm loại vaccine COVID-19 nào?

Trên thế giới, vaccine ưu tiên tiêm mũi 4 là Pfizer, Moderna hoặc Vaxzevria (AZ). Khuyến cáo thời điểm tiêm sau mũi 3 ít nhất 4 tháng.

Như vậy, mũi 4 chỉ nên cân nhắc sử dụng ở những người:

- Trên 65 tuổi, có bệnh nền (tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, béo phì, xơ gan, đái tháo đường, bệnh tự miễn, ung thư...)

- Người có suy giảm miễn dịch.

- Nhân viên y tế, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Số ca mắc giảm rất mạnh, Hà Nội tập trung phát hiện sớm biến thể SARS-CoV-2 mới có thể xâm nhập, lây lan

Sở Y tế Hà Nội ngày 13/4 thông báo ghi nhận 1.727 ca COVID-19, giảm 200 ca so với hôm qua. Lãnh đạo Sở này yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt phòng, chống dịch, đặc biệt phát hiện sớm biến chủng mới có thể xâm nhập, lây lan tại cộng đồng.

Đây là ngày ghi nhận số ca mắc thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.

1.727 bệnh nhân phân bố tại 301 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (122); Bắc Từ Liêm (101); Hà Đông (99); Hoàng Mai (95).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.528.480 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, toàn thành phố còn hơn 144.700 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 2.700 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 581 người, giảm 39 ca; số còn lại hơn 144.000 ca theo dõi cách ly tại nhà.

Về tiêm vaccine phòng COVID-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội báo cáo đã tiêm được hơn 4,3 triệu liều nhắc lại (đạt 93%). Ngoài ra, có thêm gần 140.000 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội trong hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 3 tháng đầu năm 2022 yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là phát hiện sớm những biến chủng mới có thể xâm nhập, lây lan tại cộng đồng; tiếp tục triển khai thực hiện tiêm phòng COVID-19 mũi nhắc lại đối với những trường hợp đã tiêm mũi 2 và chuẩn bị tốt kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi khi Bộ Y tế giao...

Đặc biệt, lãnh đạo Sở cũng yêu cầu CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đăng ký chữ ký số trong việc quản lý hộ chiếu vaccine cho người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

 

Tiêm chủng để tránh hậu quả nặng nề do COVID-19

Dù biến chứng liên quan COVID-19 không nhiều như nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, nhưng ảnh hưởng lâu dài của bệnh lên nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 đã được khẳng định. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ để tránh các nguy cơ, biến chứng.

Nguy cơ tổn thương kéo dài

TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng phía Bắc cho biết, trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cũng tham gia vào chuỗi lây truyền COVID-19, vì vậy tiêm chủng là cần thiết, giúp cả xã hội sớm quay lại bình thường mới. “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm việc mật thiết với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng và thấy rằng số lượng trẻ em mắc COVID đang tăng theo thời gian. Trước đó, các phụ huynh giữ gìn nên số lượng trẻ mắc không cao. Nhưng sau đó, số ca người lớn tăng rất nhanh kéo theo tỉ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng với trường hợp nặng, vẫn có các em diễn tiến nguy kịch và tử vong. Như vậy với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong không nhỏ”, ông Thái nói.

Ông cho biết, qua thời gian làm việc với các bệnh viện nhận thấy tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, biến chứng bất lợi như viêm cơ tim không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vắc xin. “Nhóm tuổi chưa có vắc xin, dù giữ gìn đến mấy, tỉ lệ biến chứng vẫn cao. Nguy cơ này lớn hơn vô cùng nhiều so với nguy cơ tiêm vắc xin. Chúng tôi chưa có phân tích cuối cùng về tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 ở Việt Nam, nhưng có nhiều trẻ nhiễm virus trong thời gian vừa rồi. Tại các bệnh viện nhi, số trẻ phải điều trị tích cực, điều trị kéo dài tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương có hàng trăm trường hợp nặng, nhiều trẻ phải thở máy”, TS Thái nói. Số lượng trẻ trở thành F0 có thể tăng trong thời gian tới khi trẻ bắt đầu đi học trở lại, ông nhận định.

TS. Thái cho hay, trên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0, xuất hiện vấn đề là rất nhiều trẻ mắc COVID-19 có thời gian dương tính lâu. Điều này khác hẳn với người lớn, đặc biệt với người đã tiêm 3 mũi. Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày, phần lớn mọi người triệu chứng nhẹ nhàng, khỏi nhanh. “Nhưng trẻ em có nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, khò khè, thậm chí có nhiều trẻ khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, thời gian đào thải virus ở các trẻ này cũng rất lâu. Có trẻ 14-15 ngày vẫn còn dương tính”, TS Thái nói.

Những bằng chứng gần đây cho thấy tỉ lệ biến chứng nặng COVID-19 ở trẻ em không ở mức cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Tỉ lệ biến chứng nặng vẫn ở mức độ hết sức lo ngại, đặc biệt tình trạng viêm đa phủ tạng được ghi nhận thời gian qua, việc điều trị rất khó khăn. Ông Thái nhận định: “Tổn thương kéo dài liên quan đến sức khỏe của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho trẻ, gia đình và xã hội. Dù tỉ lệ này không cao so với người lớn cùng mắc COVID nhưng so với các bệnh khác vẫn cao”.

Cần thiết tiêm vắc xin cho trẻ em

Về phản ứng phụ của vắc xin đối với trẻ em, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay, vắc xin cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Tỉ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy ở các quốc gia khi triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Nhưng những phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ, quấy khóc cũng có và thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn. Những phản ứng này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể. “Điều này đã nằm trong tính toán. Việc điều chỉnh liều tiêm theo tuổi, cân nặng để có liều phù hợp để sinh được miễn dịch tối ưu nhất cũng đã được chuyên gia tính toán kĩ”, bà Hồng thông tin.

Về khả năng sốc phản vệ khi tiêm vắc xin với nhóm trẻ này, TS Thái nói rằng, tỉ lệ phản vệ rất nhỏ có thể xảy ra, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với nhóm trẻ lớn và người lớn. Theo các chuyên gia, điều này khó tránh, vì nguyên tắc có chất lạ đưa vào thì cơ thể vẫn có phản ứng nhất định. “Phản ứng khác như choáng ngất, sốt cao kéo dài ghi nhận ở một số quốc gia song tỉ lệ này thấp, ví dụ ở Australia hoặc Israel. Đấy là lí do chúng tôi thấy rằng việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ đang an toàn”, ông Thái nói. Theo ông, thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và với chủng Omicron, số tái nhiễm cao hơn, trong đó đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biểu hiện nặng như suy đa phủ tạng ở lần nhiễm sau. Cơ địa từng người cho thấy cần phải tiêm phòng dù đã nhiễm bệnh, để tránh nguy cơ tái nhiễm.

Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi đi học bị nhiễm bệnh có thể lây lan COVID-19 cho những người trong gia đình và trường học. Với nhiều trẻ em đã trở lại trường học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiêm phòng COVID-19 là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật nghiêm trọng, cũng như làm chậm sự lây lan của COVID-19. “Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta cần sử dụng vắc xin. Nếu chúng ta hiểu sai về vắc xin, về bệnh, không bảo vệ được trẻ thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước. Các chuyên gia liên tục làm việc để nghiên cứu các ảnh hưởng của vắc xin đến trẻ, chúng ta đảm bảo rằng mũi tiêm cho trẻ sẽ an toàn và hiệu quả”, ông Thái nói.

“Trẻ bị nhiễm COVID-19 cũng có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng ở tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Trẻ có các tình trạng bệnh lí tiềm ẩn có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hơn so với trẻ em khỏe mạnh”.

TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc (Tiền phong, trang 7).

 

Buổi giám sát về Covid-19 phải hủy vì lãnh đạo 2 sở không đến

Các thành viên đoàn giám sát tiếp tục đợi hơn 30 phút, nhưng lãnh đạo của Sở Y tế và Sở Tài chính TP.HCM vẫn chưa có mặt. Lý do vắng hay đến trễ không được thông báo tại hội trường. Sáng 14.4, buổi tái giám sát về kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của HĐND TP.HCM đã phải hủy bỏ vì lãnh đạo Sở Tài chính và Sở Y tế TP.HCM vắng mặt.

Theo lịch của HĐND TP.HCM, 8 giờ sáng 14.4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM do ông Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn, tổ chức buổi tái giám sát 3 sở gồm Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế, Sở Tài chính TP.HCM về kết quả triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc thực hiện các gói hỗ trợ Covid-19 cho người dân. Địa điểm thực hiện buổi tái giám sát tại trụ sở của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (159 Pasteur, P.Võ Thị Sáu, Q.3).

Đơn vị được giám sát không tới dự

Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, chỉ có lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Các thành viên đoàn giám sát tiếp tục đợi hơn 30 phút, nhưng lãnh đạo của Sở Y tế và Sở Tài chính TP.HCM vẫn chưa có mặt. Lý do vắng hay đến trễ không được thông báo tại hội trường.

Ngoài ra, theo HĐND TP.HCM, báo cáo mà Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi đoàn tái giám sát chỉ mới là dự thảo, chưa phải bản chính thức, chưa có chữ ký và đóng dấu. Sau khi được nhắc nhở, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã cung cấp báo cáo chính thức.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, nói tại hội nghị: “Đến giờ này, có lẽ sở, ngành coi việc giám sát này là không quan trọng, xem thường đoàn giám sát quá. Sau khi các thành viên của đoàn giám sát hội ý, chúng tôi quyết định hủy cuộc giám sát này và sẽ báo cáo lại nội dung với Thường trực HĐND TP.HCM”.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đã gửi lời xin lỗi đoàn giám sát vì sự chuẩn bị còn cập rập.

Trước đó, ngày 21.3, thực hiện chỉ đạo của HĐND TP.HCM, Ban Văn hóa - Xã hội có kế hoạch tái giám sát kết quả triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với Sở LĐ-TB-XH, Sở Y tế, Sở Tài chính TP.HCM, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Kế hoạch tái giám sát này nhằm đánh giá kết quả, hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện cũng như những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Nghị quyết 09/2021 (gói hỗ trợ Covid-19 đợt 1); Nghị quyết 12/2021 (chính sách đặc thù hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19) và Nghị quyết 97/2021 (gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3) của HĐND TP.HCM.

Lãnh đạo 2 sở nói gì?

Về vụ việc nêu trên, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết sở đã gửi báo cáo đầy đủ đến đoàn giám sát trước khi buổi này diễn ra. Về thành phần dự họp, Ban giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cử một phó giám đốc và một lãnh đạo Phòng Quản lý ngân sách dự họp, trong đó lãnh đạo phòng đến trước dự, còn nữ phó giám đốc xin tới trễ một chút do có việc đột xuất. “Nhưng khi tới cổng trụ sở Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (nơi tổ chức buổi giám sát) thì nhận được thông báo buổi giám sát hoãn lại vào hôm khác”, bà Hà thông tin.

Chiều tối 14.4, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam thay mặt Sở ký văn bản về việc xin lỗi ông Cao Thanh Bình liên quan sự việc buổi giám sát bị hủy vào sáng cùng ngày. Lý do vắng họp được Sở Y tế giải thích do phải tập trung cho công tác chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hoàn thiện các nội dung để báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Ban giám đốc Sở Y tế đã cử Trưởng phòng Kế hoạch tài chính chuẩn bị tài liệu và tham dự họp theo giấy mời trên. Tuy nhiên, cùng thời gian này, lãnh đạo Phòng Kế hoạch tài chính cũng phải trực tiếp bổ sung và hoàn thiện báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, nên đã cử chuyên viên dự thay nhưng chưa xin ý kiến Ban giám đốc Sở Y tế.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến ngày 13.4, với gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3 (mức 1 triệu đồng/người), TP.HCM đã chi hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người với tổng số tiền hơn 6.500 tỉ đồng. Hiện nay, chỉ còn 3 quận, huyện chưa hoàn tất chi hỗ trợ gói đợt 3, gồm: H.Củ Chi (có tỷ lệ chi trả đạt 76%), Q.Bình Tân (có tỷ lệ chi trả đạt 56%), H.Bình Chánh (có tỷ lệ chi trả đạt 41%) với nguyên do thiếu kinh phí.

Trong tháng 1 và 2.2022, cơ quan chức năng TP.HCM liên tiếp nhận được đơn tố cáo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn về nhiều nội dung. Trong đó, có nội dung tố cáo ông Tấn đã chỉ đạo 2 người dùng tài khoản cá nhân để nhận tiền đóng góp ủng hộ khắc phục hậu quả dịch Covid-19 tại Cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá và Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc. Sau khi có báo cáo bước đầu của Thanh tra TP.HCM, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo vụ việc này.

Theo báo cáo công khai các khoản chi hỗ trợ từ nguồn vận động của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, có khoản chi cho 21 thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của sở này từ 1 - 4,6 triệu đồng/người. Ngày 17.3, tất cả thành viên trong ban chỉ đạo sở đã tự nguyện trả lại số tiền hỗ trợ. Ông Lê Minh Tấn đã nhận trách nhiệm trong việc chỉ đạo chi hỗ trợ kinh phí cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của sở; 2 cán bộ liên quan bị kiểm điểm. Liên quan các đơn tố cáo ông Lê Minh Tấn, cơ quan chức năng tại TP.HCM vẫn đang điều tra làm rõ theo quy định. (Thanh niên, trang 22, Tuổi trẻ, trang 4).

 

Chính phủ đồng ý tiếp nhận viện trợ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

Ngày 14-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày về vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo đó, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi viện trợ từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.

Bộ Y tế căn cứ vào tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine, nguồn viện trợ, nguồn vaccine có thể mua thương mại để xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, loại vaccine nhận viện trợ, mua thương mại bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả; không để bị động, không thừa, thiếu hụt vaccine trong mọi hoàn cảnh.

Trường hợp cần mua vaccine thương mại để tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi Bộ Y tế chủ động xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, thời gian và chủng loại vaccine cần mua phù hợp với tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết cũng đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 26 của Luật Đấu thầu với các điều kiện như các Nghị quyết của Chính phủ về mua vaccine phòng Covid-19 đối với người lớn.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm tiếp nhận viện trợ, mua và tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hợp lý, an toàn, khoa học, hiệu quả và đặc biệt là tiến độ.

Tại Nghị quyết số 50/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2022 Chính phủ vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và chủ động các phương án tiêm mũi 4 (khi có đủ cơ sở), nhất là cho các đối tượng ưu tiên. Chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; hoàn thành trong quý 2-2022.

Khẩn trương tổ chức mua, tiếp nhận các nguồn vaccine và tích cực triển khai tiêm vaccine kịp thời, an toàn, hiệu quả cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm vaccine, thông tin về sử dụng thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19 an toàn, hiệu quả để người dân tiếp cận thuốc một cách thuận tiện, kịp thời. (Sài gòn giải phóng, trang 7, Hà Nội mới, trang 7).

 

Không chủ quan, lơ là khi F0 giảm sâu

Sáng 14/4, Ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Tính đến thời điểm này, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP giảm đáng kể, các hoạt động cơ bản trở lại bình thường.

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, từ ngày 7-13/4, Hà Nội ghi nhận 16.595 ca mắc, 3 trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 2.371 ca bệnh/ngày, giảm 65,9% so với kỳ báo cáo trước. Cộng dồn từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 13/4, Hà Nội đã ghi nhận 1.529.061 ca mắc, 1.391 trường hợp tử vong (0,09%).

Ông Cương khẳng định, trong nhiều tuần gần đây, TP ghi nhận tình hình dịch giảm nhanh cả ở số mắc, số chuyển nặng, số tử vong. Đây là thành quả của chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn, công tác triển khai quyết liệt, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương cho biết, Sở đang triển khai các phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động phát triển kinh tế có lộ trình kiểm soát, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các quận, huyện trên địa bàn TP đã chủ động nguồn cung ứng hàng hóa đảm bảo ổn định, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhận định, cơ bản Hà Nội đã vượt qua đỉnh dịch.Hiện, các bệnh viện đã chủ động khống chế được bệnh nhân nặng. Thời gian tới, sẽ tiếp tục xuất hiện các ca bệnh, song dự báo ở mức độ nhẹ và được giám sát tại nhà. Theo Giám đốc Sở Y tế, đến nay, tất cả các hoạt động đã được mở cửa trở lại (trừ hoạt động vũ trường); học sinh tất cả các cấp cũng đã trở lại trường học trực tiếp…

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục giải trình tự gen và giám sát các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm biến thể phụ của chủng Omicron (đa phần ở thể nhẹ). Triển khai tốt tiêm chủng mũi 3; tích cực làm việc với Bộ Y tế để sớm nhận được vaccine tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi và phân bổ đến các quận, huyện, thị xã; tập huấn cán bộ y tế để tổ chức tiêm an toàn cho trẻ em; các quận, huyện, thị xã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động tiêm chủng đối với người chưa tiêm chủng…

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, kể từ ngày 13/4, toàn bộ 2.835 trường học với hơn 2 triệu học sinh trên địa bàn TP đã trở lại trường học trực tiếp. Trong đó, đối với cấp học mầm non có hơn 500 nghìn học sinh và 1.159 cơ sở giáo dục mầm non; hơn 2 nghìn nhóm lớp mầm non tư thục đã trở lại trường học. Qua kiểm tra cho thấy, trong ngày đầu đón trẻ, các trường mầm non đều bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo tâm lý thoải mái nhất để phụ huynh và học sinh đến trường vui vẻ.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mà phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, TP nhằm kiểm soát tình hình dịch, không để tăng số ca chuyển tầng và tử vong. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân, chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình địa phương. Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành tiêm vaccine mũi bổ sung và nhắc lại cho người dân, trong đó chú trọng các đối tượng nguy cơ cao, mắc bệnh nền; chuẩn bị tốt công tác tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi trên địa bàn TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh thông tin về công tác phòng, chống dịch; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để bảo đảm sự thống nhất trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác phòng, chống dịch tại các trường học, trong đó phối hợp với Sở Y tế để thực hiện tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi bảo đảm an toàn, tuyệt đối không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường theo quy định của TP. Các quận, huyện, thị xã cần chủ động phương án “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch; rà soát và vận động các đối tượng nguy cơ cao tiêm chủng. (Công an nhân dân, trang 4).

 

Cứu sống bệnh nhân 85 tuổi mắc COVID-19 bị nhồi máu cơ tim nguy kịch

Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim người bệnh tăng rất cao và điện tim có nhiều bất thường. Lúc này, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp và được chỉ định chụp mạch vành xâm lấn qua da.

Thông tin cho PV, đại diện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh cho biết, các bác sĩ của đơn vị vừa một bệnh nhân T. (85 tuổi), trú tại phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều bị nhồi máu cơ tim cấp và dương tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, bệnh nhân T. được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng đau tức ngực nhiều, cơn đau tăng lên và trong cơn đau vã mồ hôi. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp khoảng 2 năm nay nhưng không uống thuốc, điều trị. Quá trình ở nhà, bệnh nhân có biểu hiện mắc COVID-19 do tiếp xúc gần với người nhà F0 nhưng không đi test cũng không đi khám.

Khi bệnh nhân T. nhập viện đã được bác sĩ thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim người bệnh tăng rất cao và điện tim có nhiều bất thường. Lúc này, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp và được chỉ định chụp mạch vành xâm lấn qua da đánh giá mức độ tổn thương để có hướng can thiệp kịp thời.

Kết quả chụp mạch vành cho thấy, động mạch phải và động mạch mũ tắc mạn tính, hẹp khít 95% động mạch liên thất trước (từ đoạn động mạch gốc). Ngay lập tức các bác sĩ quyết định tiến hành đặt 1 đoạn Stent mạch vành tại động mạch liên thất trước để cứu sống người bệnh. Hiện tại, sau gần 1 tuần can thiệp, sức khỏe người bệnh ổn định và sẽ được xuất hiện trong ít ngày tới.

Đại biện bệnh viện cho biết thêm, thông thường đối với những người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp thì nguy cơ tử vong rất cao. Riêng trường hợp bệnh nhân T. càng đặc biệt nguy hiểm, bởi trên nền người bệnh vừa mắc COVID-19 vừa bị nhồi máu cơ tim cấp.

Do đó, khi cấp cứu người bệnh, đòi hỏi các bác sĩ phải vừa tiến hành kiểm soát tình hình bệnh nhân vừa nhanh chóng can thiệp để xử trí.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang