Cấp miễn phí 10.000 liều vaccine bạch hầu cho Bình Phước
Ngày 14/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Để kịp thời ứng phó với dịch bạch hầu tại Bình Phước, ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát dịch, Bộ Y tế đã khẩn trương chỉ đạo Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế xuất 10.000 liều vắc xin Td (vắc xin uốn ván – bạch hầu) phòng chống dịch bạch hầu cho tỉnh. Ngay khi có thông tin về dịch bạch hầu tại tỉnh Bình Phước vào chiều 12/7 do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh báo cáo, Bộ Y tế đã đặc biệt quan tâm, đánh giá tình hình và nhanh chóng đưa ra phương án ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu lây lan ra cộng đồng. Theo đó, phương án cần thiết là cung cấp miễn phí 10.000 liều vắc xin Td vận chuyển ngay đến tỉnh Bình Phước vào chiều 13/7 để tiêm phòng cho người dân tại 2 xã xuất hiện dịch ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, tăng cường tối đa khả năng miễn dịch cộng đồng đối với dịch bạch hầu. Cụ thể, 10.000 liều vắc xin Td trên được dành cho nhóm đối tượng từ 6-16 tuổi tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Nhóm từ 2 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi vẫn được tiêm phòng vắc xin miễn phí Quinvaxem và nhóm trẻ 18- 48 tháng tiếp tục được tiêm phòng vắc xin miễn phí DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván) thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng theo lịch tiêm chủng thường xuyên. (An ninh thủ đô trang 2, Lao động trang 2, Nông thôn ngày nay trang 2, Tuổi trẻ trang 14)
Lần đầu có dịch vụ kết nối bệnh nhân với các bệnh viện
Ngày 14-7, lần đầu tiên ở Việt Nam có mô hình liên kết khám, chữa bệnh giữa bệnh nhân với các bệnh viện có uy tín trong cả nước, nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Phát biểu tại lễ khai trương dịch vụ y tế Medlife Care, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, đây là một mô hình mới, góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng việc giảm thời gian chờ đợi, đồng thời, góp phần giảm tải cho các bệnh viện lớn, thường xuyên quá tải, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ths. Tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Giám đốc Medlife Care cho biết, Medlife Care tập trung vào các lĩnh vực: dịch vụ y tế, dịch vụ tư vấn sức khỏe và liên kết khám, chữa bệnh với các bệnh viện lớn, cả công và tư. Đơn vị sẽ giúp bệnh nhân giải quyết các khó khăn trong việc khám, chữa bệnh, giúp người bệnh tiếp cận các chương trình điều trị hợp tác với các bệnh viện có uy tín và các tổ chức nhân đạo.
Ngoài ra, Medlife Care còn là trung tâm chữa nhược thị và tim cho trẻ em với các thiết bị hiện đại của nước ngoài và các bác sĩ nhiều kinh nghiệm về nhi khoa.( Công an nhân dân trang 2)
Đủ chiêu trò “vặt” tiền người nhà bệnh nhân
Việc trục lợi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vẫn còn tồn tại ở các bệnh viện bằng nhiều mánh khóe khác nhau với đủ loại dịch vụ: Từ xe cấp cứu, taxi… đến cả “buôn xô bán chậu”. Vụ “ chặn xe cứu thương” ở Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua là một ví dụ điển hình. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ra công văn yêu cầu các cơ sở y tế toàn quốc chấn chỉnh các dịch vụ thuê bên ngoài…( Lao động trang 2)
Nhiều “ông lớn” muốn mua cổ phần bệnh viện công
Với chủ trương cổ phần hóa các bệnh viện công trực thuộc Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều “đại gia” cả trong ngành y tế lẫn ngoài ngành đều đang “nhắm” chờ cơ hội “bung tiền” nắm giữ những thương vụ M&A này…
Mới đây nhất, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã gửi đơn đến Bộ GTVT với mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược nắm cổ phần chi phối tối thiểu 65% số cổ phần tại Bệnh viện GTVT Đà Nẵng và Bệnh viện GTVT TP.HCM. Nếu thành công với thương vụ này, Hoàn Mỹ sẽ nâng tổng số bệnh viện thuộc sở hữu của hệ thống lên tới con số 10.
Người “ngoại đạo” cũng mê… bệnh viện công
Việc Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ “nhắm” vào các bệnh viện công trực thuộc ngành GTVT không phải là lạ gì trong giới đầu tư. Bởi trước đó đơn vị này đã có nhiều thương vụ M&A “đình đám” nhắm vào các bệnh viện lớn tại khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Trung. Cụ thể, sau khi hoàn tất M&A với Tập đoàn Fortis (Ấn Độ), sau đó là Clermont Group (trước đây là Chandler Corporation), năm 2015, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cũng đã thực hiện thành công thương vụ M&A với Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và đến tháng 3.2016, Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) cũng trở thành thành viên của hệ thống này. Như vậy, thời điểm này, Hoàn Mỹ đã sở hữu 7 bệnh viện và 1 phòng khám với quy mô tổng cộng 1.943 giường bệnh, đáp ứng dịch vụ khám, chữa bệnh cho hơn 1.5 triệu lượt bệnh nhân/năm.
Hiện Bệnh viện GTVT TP.HCM, Bộ GTVT chưa có kế hoạch cụ thể để cổ phần hóa. Riêng với Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng thì Bộ GTVT đã có kế hoạch cổ phần hóa vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, cả hai bệnh viện này đều đang trong “tầm ngắm” của nhiều “đại gia”, trong đó phải kể đến Tập đoàn T&T (Hà Nội) - đây sẽ là “đối thủ” lớn của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ khi muốn cạnh tranh bởi trước đó T&T đã rất thành công với thương vụ M&A Bệnh viện GTVT Trung ương (T&T nắm 51,43% cổ phần).
“Chúng tôi muốn trở thành cổ đông chiến lược tại hai bệnh viện này nhằm hình thành một hệ thống bệnh viện các tuyến hoàn chỉnh, trong đó Bệnh viện GTVT Trung ương là hạt nhân”, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), Tổng giám đốc Tập đoàn T&T bày tỏ mong muốn tham gia cổ phấn hóa với Bộ GTVT.
Ngoài các bệnh viện trên, BV Nam Thăng Long (Hà Nội) cũng vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư kể cả trong ngành y tế lẫn từ phía các nhà đầu tư “ngoại đạo”. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, có hàng chục “đại gia” gửi đơn xin trở thành cổ đông chiến lược, trong đó có những đơn vị khá “lạ” như: Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt, Công ty cổ phần Dầu khí Bắc Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Thi Sơn; Công ty cổ phần Máy lọc thận Việt Nam - Công ty cổ phần Trung tâm Bác sỹ gia đình Hà Nội…
Lợi đủ đường?
Theo các chuyên gia về y tế thì tiềm năng của kinh doanh bệnh viện hiện đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là hệ thống các bệnh viện công lập khi đã có sẵn một lượng… bệnh nhân cơ hữu. BS. Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tế tư nhân TP.HCM, cho biết, tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN, thêm vào đó là lộ trình xã hội hóa y tế mà Chính phủ đang tiến hành rất thông thoáng nên sẽ là thị trường đầy tiềm năng với nhà đầu tư có tiềm lực.
Dù vậy, theo bác sĩ Tùng, hiện nhiều nhà đầu tư lại nhắm vào hệ thống các bệnh viện công lập đang có kế hoạch cổ phần hóa bởi lẽ đầu tư vào hệ thống này thì… sớm thu hồi vốn hơn là mở ra hệ thống bệnh viện tư mới.
Thực tế, theo thống kê của Bộ Y tế thì hiện tại số bệnh viện công vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền y tế. Cụ thể, hiện có 1.090 bệnh viện công khắp cả nước thì chỉ có khoảng 175 bệnh viện tư nhân nhưng trong số này có khá nhiều bệnh viện đã dừng hoạt động hoặc đang ngoắc ngoải.
Một chuyên gia của Sở Y tế TP.HCM nhận định, việc đầu tư vào bệnh viện tư nhân đòi hỏi vốn đầu tư lớn và lợi nhuận khá thấp trong những năm đầu tiên. Đặc biệt, khi chi phí khám chữa bệnh tại đây cao hơn khá nhiều so với bệnh viện công do phải chi trả lương cao cho bác sĩ giỏi, chi phí đất đai thuê mặt bằng, khấu hao tài sản… nên khó thu hút bệnh nhân. Đó là chưa kể các bệnh viện tư cần tốn thêm nhiều chi phí marketing, quảng bá để giới thiệu rộng rãi đến khách hàng mới thu hút được bệnh nhân đến khám.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa là người dân không muốn “đặt cược” sức khỏe của mình vào các bệnh viện mới, ít tên tuổi.
Việc đầu tư vào bệnh viện công theo các chuyên gia kinh tế là “lợi đủ đường”. Một chuyên gia nhận định, việc đầu tư vào bệnh viện công sẽ có nhiều ưu đãi về vốn, đất đai, chưa kể đã có sẵn một lượng bệnh nhân cố định hàng năm. Chẳng hạn với dự án Bệnh viện GTVT Trung ương, khi Tập đoàn T&T đầu tư vào thì đã có lợi thế dự án tòa nhà điều trị 7 tầng hiện đại trị giá 15 triệu USD từ nguồn vốn ODA, chưa kể bệnh viện này còn có quyền sử dụng diện tích đất lên đến 21.000m2 tại Q.Đống Đa, Hà Nội. ( Nông thôn ngày nay trang 5)
“Sửa” toàn bộ trái tim cho trẻ sơ sinh
Ngày 14/7, các bác sĩ BVTim Hà Nội cho biết vừa phẫu thuật thành công cho ca bệnh 1,5 tháng tuổi mắc 4 dị tật tim bẩm sinh phức tạp hiếm gặp.
Nhìn bé trai hơn một tháng tuổi tươi tỉnh, hớn hở trong vòng tay y bác sĩ, chúng tôi không thể nghĩ rằng cậu bé vừa trải qua cuộc đại phẫu kéo dài 4 tiếng để “sửa chữa” những dị tật tim bẩm sinh phức tạp.
Theo thông tin từ TS.BS Trần Sinh Hiền – Phó Giám đốc BV Tim Hà Nội, bệnh nhi được chuyển từ BV Sản Nhi Nghệ An đến BV Tim Hà Nội vào ngày 22/6, khi bé được 44 ngày tuổi; nặng 3,5 kg trong tình trạng cấp cứu thở ôxy, viêm phổi nặng. Theo lời kể của gia đình, khi bé mới chào đời, cứ khóc là bé có biểu hiện tím tái. Sau một tháng,khi thấy bé tím nhiều hơn, gia đình đưa bé đến BV Sản Nhi Nghệ An. Tại đây bé được chẩn đoán bị đảo gốc đại động mạch.
Bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, khi đó bé được 44 ngày tuổi; nặng 3,5 kg qua kiểm tra phát hiện trẻ bị dị tật tim bẩm sinh rất phức tạp, kết hợp 4 tổn thương, trong khi riêng đảo gốc động mạch đã là rất nặng với trẻ. Theo đó, thông thường động mạch chủ đi từ thất trái đem máu đỏ giàu ôxy đi nuôi cơ thể, động mạch phổi đi từ thất phải đem máu đen nghèo ôxy lên phổi trao đổi lấy ôxy. Tuy nhiên, ở bệnh nhi trên lại hai động mạch chính này lại đổi chỗ cho nhau. Những trẻ bị dị tật này có thể tử vong ngay sau sinh, vì máu đi nuôi cơ thể không giàu ôxy.
Khi được chuyển ra cấp cứu và kiểm tra kỹ lưỡng hơn tại BV Tim Hà Nội, các bác sĩ phát hiện trẻ bị tim bẩm sinh rất phức tạp, kết hợp 4 tổn thương, gồm: Đảo gốc động mạch, có thông liên thất, đứt đoạn động mạch chủ và bất thường động mạch vành.
Khi được chuyển ra cấp cứu và kiểm tra kỹ lưỡng hơn tại BV Tim Hà Nội, các bác sĩ phát hiện trẻ bị tim bẩm sinh rất phức tạp, kết hợp 4 tổn thương, gồm: Đảo gốc động mạch, có thông liên thất, đứt đoạn động mạch chủ và bất thường động mạch vành.
“Với một đứa trẻ sơ sinh, chỉ gặp một trong số 4 tổn thương thôi đã rất nặng nề, nguy hiểm, đặc biệt là dị tật đảo gốc động mạch. Theo đó, thông thường động mạch chủ đi từ thất trái đem máu đỏ giàu ôxy đi nuôi cơ thể, động mạch phổi đi từ thất phải đem máu đen nghèo ôxy lên phổi trao đổi lấy ôxy. Tuy nhiên, ở bệnh nhi trên lại hai động mạch chính này lại đổi chỗ cho nhau. Những trẻ bị dị tật này có thể tử vong ngay sau sinh, vì máu đi nuôi cơ thể không giàu ôxy”– TS.BS Trần Sinh Hiền cho biết.
Cũng theo BS Trần Sinh Hiền, ở bệnh nhi trên lại hai động mạch chính này lại đổi chỗ cho nhau. Những trẻ bị dị tật này có thể tử vong ngay sau sinh, vì máu đi nuôi cơ thể không giàu ôxy. Tuy nhiên bệnh nhi này may mắn sống được qua hơn một tháng vì có thêm dị tật thông liên thất- hai buồng tim thông nhau; máu đỏ và đen trộn lẫn với nhau. Bên cạnh đó, trẻ còn bị gián đoạn cung động mạch chủ- không có máu đi xuống nuôi nửa dưới cơ thể, bất thường động mạch vành.
Với 4 tổn thương phức tạp này, trước kia bệnh nhi sẽ tử vong hoặc phải ra nước ngoài mổ, tuy nhiên hiện nay trong nước một số cơ sở đã có thể phẫu thuật được sửa các dị tật này: vá lỗ thông liên thất, đảo lại vị trí của hai động mạch chính, cắt và nối lại đoạn động mạch chủ bị gián đoạn.
Ngày 27/6, sau 5 ngày bé nhập viện, các bác sĩ thực hiện ca mổ với sự tham gia của 12 nhân viên y tế trong đó, bác sĩ phẫu thuật chính là TS.BS Trần Sinh Hiền. Ca mổ kéo dài 4 tiếng với 3 tiếng chạy tim nhân tạo. Các bác sĩ đã phẫu thuật sửa lại toàn bộ các dị tật cho bé Tr. Các bác sĩ phải phẫu tích động mạch chủ phía sau lưng bé, nối thành động mạch chủ hoàn chỉnh.Sau đó, cắt động mạch phổi, động mạch chủ và đổi vị trí của hai động mạch cho nhau. Đồng thời phải vá lỗ thông liên thất ở trong tim. Với tổn thương 3 động mạch vành đi cùng chung một lỗ bé như hạt gạo, các bác sĩ phải chia đôi hạt gạo 2mm ra, nối và cắm lại động mạch chủ. Các kỹ thuật này cực kỳ phức tạp, tỷ mỉ, chỉ cần sai dưới 1mm em bé có thể tử vong ngay. Bên cạnh đó, sau ca mổ bác sĩ vẫn để ngực mở để trái tim thích sau ca đại mổ, sau 1 tuần mới đóng ngực lại. Hiện sức khỏe của bé ổn định và sẽ được xuất viện trong thời gian tới.( Sức khỏe & đời sống trang 3)
Người dân phải đồng hành trong giám sát bảo đảm ATTP
Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP năm 2016 diễn ra chiều 13/7. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: An toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc kéo dài, đây là việc không thể làm trong 1 năm, mà phải ít nhất 5 năm mới tạo chuyển biến căn bản. Vấn đề đặt ra là người trong cuộc cần thay đổi nhận thức về sản xuất an toàn, muốn thế phải đẩy mạnh sự vận động. Trong quý III/2016, các bộ, ngành cần ban hành xong hướng dẫn quy trình sản xuất, kinh doanh sạch, qua đó vận động, hướng dẫn người dân sản xuất sạch. Sau khi có hướng dẫn, vận động mà vẫn diễn ra tình trạng sản xuất bẩn sẽ có chế tài xử lý. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, ngay sau khi có kế hoạch thống nhất, các bộ, ngành cần tập trung hướng dẫn triển khai theo ngành dọc. Việc xây dựng chế tài xử phạt sẽ được thực hiện theo từng bước, tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.( Sức khỏe & đời sống trang 2)
Phát hiện cơ sở sơ chế, thu giữ hàng nghìn lít mỡ “bẩn”
Ngày 14/7, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã kiểm tra phát hiện một cơ sở sơ chế mỡ, thu giữ hàng nghìn lít mỡ không đảm bảo an toàn thực phẩm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Theo đó, qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Hoàng Mai đã kiểm tra cơ sở của ông Trần Kim Bắc, phát hiện cơ sở vận chuyển 3 bao mỡ động vật không rõ nguồn gốc. Ông Bắc khai, đã thu mua 3 bao mỡ lợn khoảng hơn 100kg về sơ chế, rán, ép lấy mỡ nước để đi tiêu thụ. Trần Kim Bắc cũng khai nhận, sơ chế, sản xuất mỡ thủ công tại địa chỉ tổ 42, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai). Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ 9 thùng phi nhựa loại 200 - 250 lít chứa mỡ nước từ mỡ lợn sống và 2 phi loại 250 lít mỡ lợn đóng bánh đều không có nguồn gốc xuất xứ. Hiện vụ việc đang được công an quận Hoàng Mai tiếp tục điều tra, xử lý. ( Sức khỏe & đời sống trang 2)