Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 16/3/2017

  • |
T5g.org.vn - TP.HCM: Thêm 2 người chết vì sốt xuất huyết; Người “thủ lĩnh” của CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông; Ăn lòng heo để lâu, 8 người nhập viện; Buộc 1 cơ sở gây ngộ độc thực phẩm chịu phí khắc phục; Sẽ để mắt tới phòng khám có yếu tố Đài Loan; Phòng khám Trung Quốc chuyên ‘hù’ và ‘vẽ’ bệnh; Sẽ ưu tiên sử dụng thuốc generic; ...

 

TP.HCM: Thêm 2 người chết vì sốt xuất huyết

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/tphcm-them-2-nguoi-chet-vi-sot-xuat-huyet-689035.html

Đến ngày 2-3 vẫn còn 20/24 quận, huyện báo động có số ca mắc SXH cao hoặc liên tục nhiều tuần.

“Trước thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM sẽ sớm làm việc với quận 12 về hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn” - BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói sáng 13-3.

Nhập viện lần hai cũng không qua khỏi

Ngày 4-3, bé N. (chín tháng tuổi, ở khu phố 1A, phường Đông Hưng Thuận) tử vong tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng và suy đa tạng. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trước đó bé sốt liên tục, có lúc nhiệt độ lên tới 39,5°C nên được đưa tới BV Nhi đồng 2.

Khi đưa vào BV bé vẫn tỉnh, môi hồng, chi ấm, mạch rõ, thóp phồng, tim đều rõ, phổi không ran, họng sạch, không dấu thần kinh định vị. Với các biểu hiện trên, BV chẩn đoán theo dõi viêm màng não. Hôm sau, khi làm các xét nghiệm, BV Nhi đồng 2 ghi nhận chưa thấy bất thường nên cho bé xuất viện với chẩn đoán nhiễm siêu vi.

Tuy nhiên, sau khi về nhà bé tiếp tục sốt cao, từ 39°C đến 40°C, tiêu lỏng mỗi ngày sáu lần, ói ra sữa, tiểu ít nên được đưa vô lại BV Nhi đồng 2. BV chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Đồng thời theo dõi sốc SXH nhũ nhi.

Sau đó, diễn tiến bệnh càng xấu. Bé rơi vào tình trạng sốc nặng, xuất huyết thái dương phải, không đáp ứng truyền máu và tiểu cầu nên đã tử vong.

Hai BV điều trị cũng đành bất lực

Trước đó, bệnh nhân NTNT (nữ, 36 tuổi, ở khu phố 7, phường Hiệp Thành) cũng đã tử vong do SXH vào ngày 27-2. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận bệnh nhân bị sốt cao liên tục nên tự mua thuốc uống. Tuy nhiên, do không hết sốt, lại mệt mỏi, tức ngực nên bệnh nhân đến khám tại BV Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM). Sau đó bệnh nhân phải nhập viện với chẩn đoán SXH ngày thứ hai. Đồng thời theo dõi đái tháo đường và viêm phế quản.

Vài ngày sau bệnh nhân rơi vào trạng thái sốc với các triệu chứng bứt rứt, vã mồ hôi lạnh, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, xuất hiện dấu chấm xuất huyết… nên được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Mặc dù được điều trị tích cực nhưng bệnh tình không cải thiện nên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho bệnh nhân xuất viện theo yêu cầu của gia đình với chẩn đoán cuối cùng là SXH nặng thể sốc. Sau đó bệnh nhân đã tử vong.

20 quận, huyện có ca SXH cao

Kết quả giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy khu phố nơi bệnh nhân NT cư trú liên tục có người mắc SXH kéo dài trong nhiều tuần liền. Chưa hết, vẫn còn nhiều vật dụng chứa lăng quăng nên dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Riêng nơi cư trú của bệnh nhi N., Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM ghi nhận vẫn còn vật chứa nước có lăng quăng tại các hộ dân. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy đến ngày 2-3 vẫn còn 20/24 quận, huyện báo động có số ca mắc SXH cao hoặc liên tục nhiều tuần.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hoạt động giám sát các điểm nguy cơ bùng phát dịch bệnh SHX của các địa phương vẫn còn nhiều điều đáng nói. Điển hình là xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Mặc dù xã này đã triển khai giám sát nhưng chưa đầy đủ, chưa lên kế hoạch giám sát cho từng điểm nguy cơ. Bên cạnh đó, khi kiểm tra thực tế ở khu nhà trọ, nhà dân, bãi đất trống vẫn phát hiện nhiều lăng quăng. “Chưa hết, phường 16 (quận 4) và phường 17 (quận Bình Thạnh) vẫn chưa triển khai thực hiện hoạt động giám sát điểm nguy cơ” - BS Dũng cho biết.

Theo BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cơ quan này đã đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng quận 4 và quận Bình Thạnh tập huấn các phường và tiến hành triển khai hoạt động giám sát tại những điểm nguy cơ. Đối với xã Phước Kiển, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nhà Bè lập lại danh sách các điểm nguy cơ, lên kế hoạch giám sát, thực hiện giám sát định kỳ và có phiếu giám sát điểm nguy cơ.

BS Trần Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Nhà Bè, cho biết trung tâm đã mời các ban, ngành để tập huấn hoạt động giám sát và lập lại danh sách các điểm nguy cơ cao trên địa bàn xã Phước Kiển.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa phát hiện thêm một ổ dịch thủy đậu và ba ổ dịch quai bị. Ổ dịch thủy đậu xảy ra tại một công ty trên địa bàn quận 7, TP.HCM khiến 43 người mắc. Ba ổ dịch quai bị xảy ra tại ba trường học trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM với tổng số học sinh mắc là 21 em.

 

Ăn lòng heo để lâu, 8 người nhập viện

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/an-long-heo-de-lau-8-nguoi-nhap-vien-688971.html

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/an-long-heo-nhap-vien-tap-the-20170315154040002.htm

Tám người ở Phú Yên đã phải nhập viện sau khi ăn lòng heo nghi do bảo quản không tốt.

Chiều 15-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan chức năng đã lấy mẫu lòng, thịt heo để đưa đi kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).

“Bước đầu xác định có mấy gia đình mổ chung một con heo để chia nhau ăn. Sáng hôm sau, họ ăn lại lòng heo và bị ngộ độc. Tôi đã gặp các bệnh nhân, nhận thấy đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân” - ông Tâm nói.

Trước đó, từ chiều 14-3, BV Đa khoa tỉnh Phú Yên tiếp nhận tám bệnh nhân đều ngụ xã Sơn Long. Theo BS Nguyễn Thành Lãm, Phó khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, khi nhập viện các bệnh nhân trên đều có hội chứng nhiễm trùng - nhiễm độc với biểu hiện sốt cao, lạnh run và hội chứng viêm dạ dày - ruột cấp với biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy.

Sau khi được điều trị, hiện sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định. Một số bệnh nhân cho biết chiều 13-3, tám gia đình góp tiền mua, mổ chung một con heo để chia nhau ăn. Sau khi ăn lòng heo luộc, một số người bị đau bụng rồi hết. Đến sáng 14-3, một số người tiếp tục ăn thịt heo luộc thì bị nôn, tiêu chảy. Đến chiều cùng ngày, những người bị ngộ độc nặng phải nhập viện.

 

Buộc 1 cơ sở gây ngộ độc thực phẩm chịu phí khắc phục

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/buoc-1-co-so-gay-ngo-doc-thuc-pham-chiu-phi-khac-phuc-689062.html

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phat-co-so-cung-cap-thuc-an-65-trieu-dong-1130697.tpo

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/phat-co-so-cung-cap-thuc-an-65-trieu-dong-1130697.tpo

Chiều 15-3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Long tống đạt quyết định xử phạt về an toàn thực phẩm 31 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Đinh Thụy Lan Phương ở phường 2, TP Vĩnh Long do cung cấp thức ăn gây ngộ độc tập thể cho các trường tiểu học.

Đây là cơ sở cung cấp thức ăn gây ra vụ ngộ độc tại ba trường tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ vào ngày 10-2 làm gần 200 học sinh tiểu học phải nhập viện.

Ngoài bị xử phạt hành chính, cơ sở này còn phải chịu chi phí khắc phục hậu quả sự cố ngộ độc trên 33 triệu đồng.

 

Thanh tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phía Nam

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/thanh-tra-an-toan-thuc-pham-tai-12-tinh-thanh-phia-nam-688977.html

Ngày 15-3, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quyết định triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.

Tháng hành động nhằm tuyên truyền sâu rộng để các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rượu, rau, thịt, thủy sản không an toàn có thể mang đến.

Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Trung ương giao cho Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức sáu đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành từ ngày ngày 15-4 đến 15-5.

Bên cạnh sáu đoàn liên ngành trung ương, các bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, TP nhằm triển khai hiệu quả tháng hành động.

Song song với hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, TP tham mưu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên địa bàn (gồm cả tuyến quận, huyện và xã, phường), trình UBND tỉnh, TP phê duyệt và tổ chức thực hiện; bảo đảm hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trước ngày 15-5.

Mục tiêu của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, người quản lý; nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nói chung, đặc biệt là rượu, các sản phẩm tươi sống (rau, thịt, thủy sản) nói riêng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, rượu; các cơ sở sơ chế, chế biến, lưu thông, buôn bán, thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các chợ truyền thống, chợ đầu mối nông sản thực phẩm; khuyến khích người dân tham gia tố giác các vi phạm về an toàn thực phẩm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng rượu, thực phẩm rau, thịt tươi sống không an toàn.

 

Sẽ để mắt tới phòng khám có yếu tố Đài Loan

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/se-de-mat-toi-phong-kham-co-yeu-to-dai-loan-688897.html

“Sau khi chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám Trung Quốc, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát phòng khám có yếu tố Đài Loan, Hàn Quốc… để giám sát”.

Trao đổi thêm với PV Pháp Luật TP.HCM trong buổi làm việc với 16 phòng khám Trung Quốc vào sáng 14-3, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thông tin trên.

Trước đó, trong vai một bệnh nhân mắc bệnh khó nói, PV thâm nhập vào một phòng khám đa khoa trên địa bàn quận 10, TP.HCM. Điều đáng nói để được vào phòng khám này, PV phải đặt hẹn trước và qua vòng kiểm soát chặt chẽ của bảo vệ.

Tại phòng khám, PV được một bác sĩ (BS) người nước ngoài khám bệnh thông qua hai người phiên dịch. Qua người phiên dịch, PV được biết vị BS khám căn bệnh khó nói của PV là người… Đài Loan. Vị “BS người Đài Loan” này yêu cầu PV kiểm tra máu để tìm nguyên nhân gây bệnh… yếu sinh lý với chi phí 1 triệu đồng. Nghe PV than không đủ tiền, vị “BS người Đài Loan” thông cảm và bớt còn phân nửa.

Điều đáng nói phòng khám này đã từng bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt vì hoạt động khi chưa có giấy phép. Ngay thời điểm PV thâm nhập, phòng khám này đang hoạt động chui.

 

'Loạn' quảng cáo các dịch vụ y tế

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/loan-quang-cao-cac-dich-vu-y-te-688877.html

Ngày 15-3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ký nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở y tế liên quan đến quảng cáo khi chưa có giấy phép và sổ khám bệnh ghi không đúng quy định.

Thanh tra đã phạt Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng thuốc Dân tộc (145 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận) 15 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung.

Cũng với hành vi sai phạm trên, Công ty Cổ phần đầu tư Nam Dương (R4-93 Hưng Gia 2 - Phú Mỹ Hưng phường, phường Tân Phong, quận 7) và Công ty TNHH Dược phẩm Nam Hân (phòng 201, lầu 2, tòa nhà City View ở số 12 Mạc Đĩnh Chi, phường Đakao, quận 1) bị phạt mỗi đơn vị 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã phạt Công ty TNHH TM Dược phẩm Hoàng Khang do vi phạm tại chi nhánh Trung tâm chuyên khoa Răng hàm mặt (276 Bis Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3) 8,7 triệu đồng. Lý do là công ty này lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định, không đảm bảo các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động.

Chưa hết, 3,7 triệu đồng là số tiền mà Thanh tra Sở Y tế TP phạt Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế 5 Châu (575 Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10). Lý do lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật. Cạnh đó, có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung trong giấy phép hoạt động.

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết vi phạm của các cơ sở y tế trên địa bàn TP liên quan đến lĩnh vực quảng cáo chiếm cao nhất với 1/5 số vụ. “Kế đến là vi phạm liên quan đến việc lập sổ khám bệnh nhưng ghi không đúng quy định. Đặc biệt nhiều sổ khám bệnh không ghi địa chỉ bệnh nhân, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý các vấn đề liên quan” – ông Trạng nói.

Ông Trạng cũng cho biết thêm, vi phạm thứ ba thường xảy ra tại các cơ sở y tế là không đảm bảo nhân lực trong quá trình hoạt động. Nhiều cơ sở y tế sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề. Tiếp đó là vi phạm liên quan đến biển hiệu do ghi không đúng nội dung trong giấy phép hoạt động.

 

Phòng khám Trung Quốc chuyên ‘hù’ và ‘vẽ’ bệnh

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/phong-kham-trung-quoc-chuyen-hu-va-ve-benh-688806.html

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết mức độ vi phạm trong các phòng khám Trung Quốc rất nhiều.

“TP.HCM có khoảng 13.000 cơ sở y tế hoạt động, trong đó có 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc (PKTQ). Trong năm 2016, Thanh tra Sở Y tế TP đã xử lý các sai phạm và phạt tổng cộng 10 tỉ đồng. Trong đó, các PKTQ bị phạt trên 1 tỉ đồng. Điều này cho thấy mức độ vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh của các PKTQ rất nhiều”. Sáng 14-3, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thông tin như trên tại buổi làm việc với đại diện 16 PKTQ nhằm chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám này.

Phòng khám Trung Quốc có vấn đề

Theo BS Bùi Minh Trạng, thời gian qua Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nhận được nhiều phản ánh liên quan đến PKTQ. Trong đó, nhiều bệnh nhân cho rằng PKTQ vẽ bệnh để thu tiền. Họ cho biết khi đến những phòng khám khác thì chỉ mắc một bệnh nhưng khi đến PKTQ thì “phán” nhiều bệnh.

“Tại sao bệnh nhân không “tố” các phòng khám khác mà chỉ “tố” PKTQ? Thâm tâm tôi nghĩ PKTQ có vấn đề” - ông Trạng đặt câu hỏi.

Ông Trạng dẫn chứng: “Trước khi điều trị, PKTQ nói bệnh nhân chỉ mắc bệnh A. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, PKTQ nói bệnh nhân mắc thêm bệnh B, bệnh C… cần phải chữa. Điều này cho thấy PKTQ không minh bạch với người bệnh. Chưa hết, người bệnh còn cho rằng PKTQ cố tình hù để bệnh nhân phải trả thêm tiền”.

“PKTQ lấy giá cao cũng là vấn đề cốt lõi mà người bệnh phản ánh. Tại các cơ sở y tế khác, người bệnh có thể bỏ ra trăm triệu nhưng không hề thắc mắc bởi mọi chi phí điều trị được thống kê rõ ràng. Trong khi đó, PKTQ không minh bạch, rõ ràng chi phí điều trị” - ông Trạng trình bày thêm.

Quảng cáo toàn bệnh… khó nói

Chánh Thanh tra Sở Y tế nói tiếp: “Với kinh nghiệm lâu năm, chỉ cần đọc hoặc nghe quảng cáo là tôi biết PKTQ”.

Theo ông Trạng, điều trị trĩ là lĩnh vực mà các PKTQ thường quảng cáo với những câu từ thật hay. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân sau khi được mổ trĩ đã thắc mắc không biết mình có bị… bệnh trĩ thiệt không. Kế đến là những bệnh khó nói liên quan “bản lĩnh đàn ông” như yếu sinh lý và bệnh “thầm kín” của chị em như viêm loét âm đạo, viêm cổ tử cung… cũng được quảng cáo với những phương pháp điều trị thật hiệu quả. “Các ông, các bà sẽ được hướng dẫn liệu trình điều trị trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian này, họ được PKTQ yêu cầu phải điều trị tiếp vài liệu trình nữa thì mới hết bệnh” - ông Trạng bổ sung.

Ông Trạng đúc kết: “Đa phần PKTQ thực hiện quảng cáo quá phạm vi cho phép”.

Thông dịch trời ơi đất hỡi

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn cho biết quá trình kiểm tra phát hiện không ít phiên dịch chưa được cấp chứng chỉ hoạt động. Điều này khiến người bệnh gặp nhiều rắc rối.

Ông Trạng dẫn chứng: Bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu nhưng lại dịch là mắc… bệnh xã hội, đồng nghĩa với bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Điều này ảnh hưởng nhiều đến uy tín và nhân thân người bệnh. Bác sĩ TQ nói bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng người phiên dịch lại nói mắc bệnh… ác tính. Điều này khiến người bệnh nghĩ bị ung thư.

Tại buổi làm việc, phần lớn các PKTQ đều không có phản ứng trước nhận định của Thanh tra Sở Y tế. Riêng bà Phạm Thị Thúy Phượng, Phòng khám Phú Khang thuộc Công ty TNHH Y tế Phú Khang, cho rằng phiên dịch tại PKTQ thực sự không ổn. “Bác sĩ TQ cũng lệ thuộc vào người phiên dịch. Một khi phiên dịch không đúng ý sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Do vậy, cần phải có quy chuẩn cho người phiên dịch” - bà Phượng đề xuất. Đại diện Phòng khám Cộng Hòa (Công ty TNHH Thương mại Y học cổ truyền Cộng Hòa) cũng kiến nghị Sở Y tế TP.HCM thành lập một ban để kiểm tra kiến thức y khoa và ngôn ngữ của người phiên dịch.

Trả lời câu hỏi: “Vì sao không thể giải quyết dứt điểm các sai phạm ở PKTQ? Liệu có sự bao che?”, TS-BS Bùi Minh Trạng cho rằng trong quá trình hoạt động thì không thể không xảy ra những sai phạm. Cơ quan quản lý y tế TP.HCM đang từng bước đưa hoạt động tại các PKTQ vào nề nếp. “Đến thời điểm này Sở Y tế TP.HCM chưa phát hiện bất kỳ trường hợp bao che cho các PKTQ” - ông Trạng nhấn mạnh.

 

Sẽ ưu tiên sử dụng thuốc generic

http://dantri.com.vn/suc-khoe/se-uu-tien-su-dung-thuoc-generic-20170316005618508.htm

Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra chỉ đạo về sửa đổi quy định mua thuốc biệt dược gốc để giảm giá thuốc. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc kê đơn thay thế các thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền bằng các thuốc generic thuộc Nhóm 1.

Vài năm trở lại đây công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đã có nhiều đổi mới, giảm được giá thuốc thuộc nhóm generic tới 35% (so với khi thực hiện đấu thầu theo cơ chế cũ). Tuy nhiên, việc quản lý giá thuốc biệt dược trong đấu thầu thuốc chưa được triển khai hiệu quả.

Trong khi đó hiện có hàng trăm loại thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ và có thuốc generic tương tự được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc, đáp ứng yêu cầu điều trị theo tiêu chuẩn cao nhất được các nước tham gia ICH (Nhóm 1) áp dụng. Có những loại thuốc tương đương sinh học có 2 đến 3 số đăng ký với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc biệt dược và chi phí mua các loại biệt dược này rất lớn.

Vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi với các thuốc thuộc Nhóm 1 đã có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu điều trị theo danh mục do Bộ Y tế công bố.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc kê đơn thay thế các thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền bằng các thuốc generic thuộc Nhóm 1 có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu điều trị theo danh mục do Bộ Y tế công bố trong điều trị ngoại trú của các cơ sở y tế.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất với Bộ Y tế cơ cấu mua sắm, sử dụng giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic thuộc Nhóm 1. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không thanh toán đối với các trường hợp mua sắm, sử dụng ngoài cơ cấu đã thống nhất.

 

Hà Nội:Liệt kê hàng loạt sai phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài

http://dantri.com.vn/suc-khoe/liet-ke-hang-loat-sai-pham-cua-phong-kham-co-yeu-to-nuoc-ngoai-20170316005208626.htm

Theo Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 53 phòng khám đa khoa, chuyên khoa có bác sĩ nước ngoài hành nghề. Thời gian qua cơ quan chức năng phát hiện nhiều lỗi vi phạm của các phòng khám có yếu tố nước ngoài.

Một loạt các vi phạm có thể kể đến như: lỗi quảng cáo quá nội dung cho phép; hành nghề quá phạm vi chuyên môn, vi phạm quy chế chuyên môn; thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng

Trong phạm vi hoạt động chuyên môn, có phòng khám chỉ định cả thuốc an thần, thuốc ngủ (thường chỉ định chống co giật) trong những trường hợp không đáng phải chỉ định. Hay vi phạm thường gặp nhất, đó là các phòng khám sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh thông thường nhưng lại “thổi phồng” là dịch vụ hiện đại, đắt tiền để thu tiền của người bệnh.

Liệu trình điều trị tại các phòng khám này cũng buộc cơ quan chức năng phải chú ý khi đưa ra yêu cầu liệu trình điều trị dài ngày, chi phí lớn bất hợp lý để móc túi người bệnh.

Theo bà Nhị Hà, ở các phòng khám có yếu tố nước ngoài, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều bằng, chứng nhận được làm giả cho các vị trí điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ, dược tá, phiên dịch bị làm giả, cả với trường hợp là người nước ngoài.

Sau vụ việc xảy ra tại phòng khám 168 Hà Nội, thai phụ đi khám phụ khoa dẫn đến hôn mê não và tử vong, Sở này đã bắt đầu đợt tổng kiểm tra các phòng khám này, trong đó chú trọng đến việc tuân thủ các quy định về chuyên môn, phạm vi hành nghề.

Liên quan đến việc xử lý các sai phạm của phòng khám, trong đó cao nhất là thu hồi giấy phép hoạt động phòng khám, giấy phép hành nghề, một cán bộ Sở Y tế cho rằng các quy định thu hồi giấy phép hoạt động của phòng khám hiện còn nhẹ nên khó áp dụng khi phòng khám có tái phạm các vi phạm về công tác chuyên môn, vẫn xảy ra tình trạng “phạt tiền cho tồn tại”.

Được biết, tiếp nối các hoạt động thanh kiểm tra phòng khám có yếu tố nước ngoài, chiều 16/3 Thanh tra Sở Y tế Hà Nội sẽ làm việc với đại diện các phòng khám có vi phạm thời gian vừa qua.

 

Hà Nội quyết truy rượu giả mạnh mẽ như "dẹp loạn" vỉa hè

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-quyet-truy-ruou-gia-manh-me-nhu-dep-loan-viahe-20170315204215995.htm

Cuộc truy quét cao điểm rượu giả chứa methanol khiến 25 người Hà Nội phải nhập viện (3 ca tử vong) sẽ kéo dài trong 1 tháng. Hà Nội đặt mục tiêu rà soát rượu từ nơi sản xuất đến nhà hàng, quán nước vỉa hè để ngăn rượu giả đe dọa tính mạng người sử dụng.

Ngày 15/3, tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng chống ngộ độc methanol, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở từ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu tại các cửa hàng, nhà hàng, quán nước… từ ngày 16/3 đến ngày 15/4.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 22/2 đến 14/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 25 ca ngộ độc rượu methanol, trong đó đã có 3 bệnh nhân tử vong, 4 bệnh nhân hiện đang được điều trị tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Trong số 25 bệnh nhân này xác định 10 ca uống rượu ở địa bàn Đống Đa, 10 ca uống rượu ở địa bàn quận Cầu Giấy.

Trong 2 tuần truy rượu giả, cơ quan chức năng đã kiểm tra gần 1.600 cơ sở, niêm phong gần 20 nghìn lít rượu, tiêu hủy 140 lít không nguồn gốc và tiến hành xử phạt 149 cơ sở với số tiền gần 500 triệu đồng.

Trong 429 mẫu lấy xét nghiệm nhanh (trong đó lấy 46 mẫu xét nghiệm tại Labo) cho thấy có 5 mẫu chứa cồn công nghiệp methanol vượt giới hạn cho phép.

Phó chủ tịch UBND Hà Nội đặt quyết tâm chống rượu giả gây ngộ độc mạnh như ra quân dẹp vỉa hè, không mang tính hình thức, cao điểm mà phải duy trì kéo dài sau đó. Theo đó, trong vòng 1 tháng truy quét rượu giả, các sở, ngành của thành phố phải thành lập 10 đoàn; các quận/huyện cũng phải tổ chức 10 đoàn kiểm tra liên ngành.

Ông Sửu cũng yêu cầu việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, không chỉ giờ hành chính mà đêm hôm nghe được thong tin là phải kiểm tra.

“Đích thân tôi sẽ kiểm tra đột xuất việc triển khai, xem các Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận/huyện, xã/phường có đi thực tế kiểm tra hay không. Nếu kiểm tra thấy địa phương nào làm không tốt sẽ bị phê bình”, Ông Sửu khẳng định.

Ông Sửu cũng cho hay, việc thanh, kiểm tra rượu sẽ được áp dụng như với kiểm tra an toàn thực phẩm thời gian qua. Việc thực hiện kiểm tra sẽ được đích thân Phó chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thị sát với mục tiêu kiểm tra ít nhất 2 lần/ tháng; Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra 1 lần/ tuần; Phó Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/tuần, ghi rõ biên bản ngày giờ đi kiểm tra.

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội, với ca tử vong do rượu giả chứa methanol trên địa bàn quận Đống Đa, Công an TP đã yêu cầu Công an quận Đống Đa vào cuộc.

Cơ quan công an đã khẩn trương điều tra truy nguồn gốc rượu giả gây chết người, làm rõ đối tượng sản xuất, kinh doanh, bán cho người dân uống gây ngộ độc, tử vong…

Trước đó, liên quan đến vụ hàng loạt sinh viên ngộ độc methanol sau khi uống rượu mừng ngày 8/3, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án do vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định tại điều 244 Bộ luật Hình sự.

Ủng hộ sự quyết liệt của Hà Nội trong việc truy quét rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, đại diện Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị, khi phát hiện rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác phải lập tức tiêu hủy. Việc quản lý phải chặt chẽ, giao đến từng ban quản lý chợ để quản lý việc kinh doanh mặt hàng này.

 

Hoại tử mũi, biến dạng mặt vì bơm chất làm đầy

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hoai-tu-mui-bien-dang-mat-vi-bom-chat-lam-day-20170315142912208.htm

Sau khi bơm chất làm đầy ở Spa, 2 phụ nữ phải nhập viện vì bị hoại tử mũi, biến dạng gương mặt. Bác sĩ nghi vấn loại chất được sử dụng là silicon dạng lỏng, sau điều trị bệnh nhân cũng sẽ tàn phai nhan sắc.

Ngày 15/3, BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp bằng phương pháp bơm chất làm đầy.

Nạn nhân thứ nhất là cô gái 29 tuổi, ngụ tại TPHCM nhập viện trong tình trạng hai bên gò má gồ ghề với nhiều hình khối vón cục dưới làn da. Khai thác bệnh sử ghi nhận, cuối năm 2016, cô gái đi làm đẹp tại một cơ sở Spa. Sau khi được nhân viên mời chào và tư vấn về hiệu quả làm đẹp tức thì, cô gái đồng ý thực hiện phương pháp bơm chất làm đầy.

Khoảng 1 tháng sau, gương mặt cô gái bắt đầu biến dạng với nhiều hình khối vón cục, gồ ghề. Bệnh nhân phải đến bệnh viện nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ. Qua thủ thuật can thiệp, các bác sĩ bóc ra nhiều dị vật hình dạng khác nhau, vón cục gây nhiễm trùng. Nỗ lực can thiệp của bác sĩ không đạt được kết quả như mong đợi bởi dị vật đã làm biến dạng khiến hai bên gò má lồi lõm.

Nạn nhân thứ 2 là người phụ nữ 41 tuổi, ngụ tại TPHCM cũng nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội, nhiễm trùng, hoại tử từ sống mũi lên chân mày. Tương tự cô gái trên, người phụ nữ này cũng được bơm chất làm đầy tại một cơ sở Spa. Sau khi sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp dưỡng ẩm da, tình trạng nhiễm trùng, hoại tử được ngăn chặn nhưng gương mặt bệnh nhân bị biến dạng vĩnh viễn.

Theo BS Quốc Khanh, cả 2 trường hợp trên, nạn nhân đều không biết mình đã được tiêm loại chất gì để làm đầy gương mặt. “Chúng tôi nghi ngờ, bệnh nhân đã bị bơm chất làm đầy bằng silicon dạng lỏng (chất này cấm sử dụng trong làm đẹp tại Mỹ từ năm 1990 của thế kỷ trước). Nguy hiểm hơn, bệnh nhân không biết chất mà nhân viên tại Spa bơm cho mình là chất gì nên gây không ít khó khăn trong chẩn đoán và điều trị khi biến chứng xảy ra.

Từ thực tế trên, BS Quốc Khanh khuyến cáo: Các cơ sở Spa chỉ được phép hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc da. Những cơ sở này không có bác sĩ, không được phép phẫu thuật, thủ thuật, laser... Các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn chỉ những phòng khám chuyên khoa về thẩm mỹ, da liễu mới được cấp phép thực hiện.

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu, song mỗi người cần là một khách hàng thông minh. Trước khi quyết định làm đẹp tại cơ sở nào, làm đẹp bằng phương pháp gì, cơ sở được cấp phép hay không. “Khách hàng” nên tìm hiểu kỹ lưỡng, việc xác định phạm vi chuyên môn (giấy phép hoạt động của cơ sở và bác sĩ) là điều cần thiết. Để tránh rủi ro có thể xảy ra, bệnh nhân nên đến các phòng khám, bệnh viện có khoa Thẩm mỹ, hoặc bệnh viện chuyên khoa Thẩm mỹ nơi bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu.

 

Đình chỉ lưu hành thuốc viên nén chữa dạ dày

http://dantri.com.vn/suc-khoe/dinh-chi-luu-hanh-thuoc-vien-nen-chua-da-day-20170315154302997.htm

Ngày 15/3, Cục Quản lý Dược cho biết vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành toàn quốc loại thuốc giảm tăng tiết dịch acid dạ dày, viên nén bao tan trong một Esalep (Esomeprazole 40mg).

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông Nguyễn Tất Đạt cho biết, nguyên nhân loại thuốc trên phải đình chỉ lưu hành là do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan.

Cụ thể thuốc bị đình chỉ lưu hành là thuốc Viên nén bao tan trong một Esalep (Esomeprazole 40mg), Lô SX: 0416, NSX 19/02/2016, HD 18/02/2018, SĐK: VN-12168-11 do Công ty Reman Drug Laboratories Ltd. (Bangladesh) sản xuất, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại Dược phẩm Phú Long nhập khẩu.

Cục Quả lý Dược đã yêu cầu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại Dược phẩm Phú Long phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc, phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng thuốc viên nén trên và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên, báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong ngày 9/4/2017.

Việc thu hồi các thuốc này tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế hai thành phố này phải giám sát việc thu hồi, xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố, Y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng nêu trên, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo về Cục Quản lý Dược và các cơ quan chức năng có liên quan.

Esalep là loại thuốc dùng điều trị & dự phòng tái phát loét dạ dày, loét tá tràng, viêm thực quản trào ngược.

 

Kỹ thuật mổ tim khó của Việt Nam lần đầu được giới thiệu đến toàn thế giới

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ky-thuat-mo-tim-kho-cua-viet-nam-lan-dau-duoc-gioi-thieu-den-toan-the-gioi-20170315152052078.htm

Lần đầu tiên tại Hội nghị phẫu thuật tim mạch lồng ngực Vương quốc Anh, một kỹ thuật mổ tim của Việt Nam đã được giới thiệu, trình bày, nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp thế giới bởi đây là một kỹ thuật khó, không phải Trung tâm tim mạch nào trên thế giới cũng triển khai được.

Khoẻ mạnh ngay một ngày sau mổ

Theo đó, trong khuôn khổ hội nghị, từ ngày 11-14/3/2017, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E đã báo cáo về kỹ thuật thông liên nhĩ bằng nội soi toàn bộ ra thế giới. Hội nghị có sự tham dự của hơn 1.000 các bác sĩ, các nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới: Vương quốc Anh, Ailen, Mỹ, Nhật, Trung Quốc…

Báo cáo của GS.TS Lê Ngọc Thành đã được các đồng nghiệp và các nhà khoa học trên thế giới đánh giá rất cao. Vì ngay tại Vương quốc Anh cũng chỉ có 4 trung tâm thực hiện kỹ thuật mổ tim nội soi.

GS Thành cho biết, tại BV E đã mổ thành công 39 ca bệnh bằng kỹ thuật này, mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho người bệnh sau phẫu thuật.

Mới đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Trịnh Văn V (41 tuổi, Thanh Hóa). Anh V. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực, khó thở trong quá trình điều trị xơ gan ở một BV trên địa bàn Hà Nội. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân V. bị lỗ thứ phát, kích thước lỗ thông lớn 28 – 30mm, bắt đầu có triệu chứng suy tim. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi, can thiệp cho bệnh nhân.

“Sau khi cân nhắc nguy cơ, các bác sĩ quyết định dừng can thiệp và chuyển phẫu thuật vá lỗ thông liên nhĩ nội soi toàn bộ qua 4 lỗ trocar kích thước < 1cm. Điều đặc biệt, quả tim của bệnh nhân vẫn đập trong quá trình mổ, hạn chế được nguy cơ suy tim sau mổ, bệnh nhân hồi phục sớm”, GS Thành nói.

Sau ca phẫu thuật 3 giờ đồng hồ, bệnh nhân được bỏ thở máy và ra khỏi phòng hồi sức. Hiện sức khỏe phục hồi tốt, không có biến chứng sau mổ, siêu âm tim kiểm tra lỗ thông được vá kín.

GS Thành cho biết, là kỹ thuật khó nhưng mổ tim nội soi điều trị thông liên nhĩ đã được thực hiện thường quy tại bệnh viện, với 39 ca bệnh thành công.

Thoát khỏi nỗi ám ảnh sẹo 20cm dọc xương ức

Để điều trị thông liên nhĩ có 3 biện pháp chủ yếu gồm: Điều trị nội khoa kết hợp theo dõi; bịt lỗ thông bằng phương pháp can thiệp qua da; phương pháp phẫu thuật. Khi can thiệp qua da không bịt được lỗ thong, bệnh nhân bắt buộc phải phẫu thuật để vá thông liên nhĩ.

“Thế nhưng, để vá được thông liên nhĩ, bác sĩ sẽ phải cưa toàn bộ xương ức với đường mổ dài, từ hõm ức tới mũi ức khoảng 15 – 20cm. Với mổ mở này, bệnh nhân không chỉ đau nhiều (hậu phẫu 15 – 20 ngày), mà nguy cơ biến chứng cũng tăng lên, đặc biệt là ảnh hưởng thẩm mỹ sau mổ bởi đường sẹo dài ngoằn ngoèo dọc xương ức, là nỗi ám ảnh với người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nữ”, GS Thành nói.

Trong khi đó, vá lỗ thông liên nhĩ qua nội soi sẽ sẽ khắc phục được toàn bộ nhược điểm đó, do can thiệp qua nội soi.

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể qua các mạch máu ở đùi và qua tĩnh mạch cảnh trong bên phải của bệnh nhân. Khi bắt đầu phẫu thuật, bác sĩ gây mê ngừng máy thở cho phổi xẹp. Phẫu thuật viên mở màng tim, khâu treo màng tim. Bơm CO2 vào khoang màng phổi và màng tim với tốc độ xác định. Luồn dây vải qua tĩnh mạch chủ trên, thắt tĩnh mạch chủ trên.

“Tim bệnh nhân vẫn đập liên tục trong quá trình mổ giúp bảo vệ cơ tim tốt hơn trong suốt quá trình mổ và đề phòng rối loạn nhịp trong lúc mổ. Phẫu thuật viên sử dụng miếng vá nhân tạo để vá lỗ thông liên nhĩ”, TS Thành cho biết.

Với can thiệp này sẽ ít gây sang chấn cho người bệnh hơn so với mổ mở kinh điển, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu hơn nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.

GS Thành cho biết thêm, với thành công của kỹ thuật khó vá thông liên nhĩ nội soi toàn bộ, sẽ có nhiều cơ hội mở ra thêm nhiều ứng dụng, triển khai rộng rãi để nhiều bệnh nhân hơn nữa được thừa hưởng lợi ích của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những bệnh nhân nữ và trẻ em gái.

 

Bệnh viện ngoài công lập đầu tiên đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-vien-ngoai-cong-lap-dau-tien-don-nhan-huan-chuong-lao-dong-hang-ba-20170315131435924.htm

Vừa qua bệnh viện ngoài công lập đầu tiên - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã vinh dự là đơn vị y tế ngoài công lập đầu tiên đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Với thành tích xuất sắc trong khám, điều trị bệnh và tiên phong triển khai Phòng khám Bác sĩ Gia đình, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba đúng vào dịp kỷ niệm 21 năm ngày thành lập.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến biểu dương, đánh giá cao sự phát triển nhanh, mạnh, đúng hướng theo chủ trương xã hội hóa của Bộ Y tế, trong đó có dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe tại nhà và trả kết quả xét nghiệm qua mạng, cho kết quả nhanh, chính xác mà Bệnh viện MEDLATEC đang triển khai.

Đặc biệt, Bệnh viện cũng thu hút được lực lượng cán bộ đầu ngành, có chuyên môn cao trong lĩnh vực xét nghiệm. Từ những kết quả chính xác, có thể phát hiện sớm, tư vấn cho người dân một số nguy cơ bệnh tật. Thứ trưởng hi vọng, thời gian tới Bệnh viện có thể làm nhiều, đảm bảo nhanh, nhạy, độ chính xác cao.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, những thành quả của Bệnh viện MEDLATEC đã đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới y tế Việt Nam nói chung. Vì đã lấp vào khoảng trống mà nhiều bệnh viện công lập hiện chưa làm được, qua đó bệnh viện ngày càng có đóng góp lớn hơn để cùng ngành y tế của Hà Nội và cả nước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Len, Giám đốc Bệnh viện MEDLATEC cho biết: “Đây là niềm vinh dự, nguồn khích lệ vô giá cho thể cán bộ nhân viên Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để tiếp tục nỗ lực xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và thắp lên những điểm sáng của nền y tế nước nhà trong sự nghiệp phục vụ nhân dân”.

Nhân dịp này, 6 tập thể, 5 cá nhân của Bệnh viện Medlatec cũng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác y tế năm 2016.

Trước đó, bệnh viện cũng đã vinh dự nhận được Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội qua các phong trào thi đua nhiều năm liền.

Những nỗ lực không ngừng

Trên thực tế, bệnh viện đã tập trung nguồn lực đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh đầy đủ các chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi,... đặc biệt là hệ thống máy móc hiện đại như hệ thống máy xét nghiệm tự động hoàn toàn Automation (Roche, Abbott), máy chụp cắt lớp vi tính (CT- Scanner), máy Fibroscan Toche 502,.... cho chất lượng chẩn đoán và điều trị nhanh chóng, hiệu quả, rút ngắn thời gian chờ đợi.

Về công nghệ, tại MEDLATEC hiện đã có nhiều phần mềm, ứng dụng đem lại tiện ích cho khách hàng như thẻ PID có giá trị như một bệnh án điện tử lưu trữ toàn bộ thông tin, kết quả của khách hàng suốt quá trình khám chữa bệnh; phần mềm nhập liệu từ xa giúp cán bộ đi lấy mẫu tại nhà nhập liệu ngay thông tin khách hàng và chuyển về hệ thống trung tâm quản lý; với ứng dụng iCNM giúp khách hàng tra cứu kết quả, đặt lịch khám chữa bệnh, chuyên gia tư vấn online,...

Song song với việc nâng cao chất lượng chuyên môn tại viện, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC còn đẩy mạnh hợp tác với các bệnh viện đầu ngành cả nước như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện Nhi Trung ương,... giúp thuận lợi chuyển tuyến trường hợp bệnh nhân cần điều trị chuyên sâu; đồng thời sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khám bệnh của khách hàng tại các nước có nền y học phát triển nhất khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,…

Đây cũng là bệnh viện đầu tiên tại Hà Nội đi tiên phong xây dựng Phòng khám Bác sĩ Gia đình và “Đề án Xây dựng thí điểm mô hình Phòng khám Bác sĩ Gia đình lồng ghép với Trạm Y tế xã, phường giai đoạn 2017-2018”, được UBND TP Hà Nội ghi nhận và đánh giá cao.

 

Bác sĩ Trung Quốc thường biến mất sau khi gây họa...

http://nongnghiep.vn/bac-si-trung-quoc-thuong-bien-mat-sau-khi-gay-hoa-post189229.html

Hiện theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 27 phòng khám với 6 bệnh viện có yếu tố nước ngoài. ...

Chiều 15/3, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý Hành nghề y tế tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, mặc dù theo kế hoạch năm nào các đoàn thanh kiểm tra cũng tiến hành kiểm tra nhưng thời gian này Sở cũng đã yêu cầu phòng y tế các quận huyện tăng cường kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại các phòng khám, bệnh viện tư nhân trong đó tập trung vào các phòng khám, bệnh viện có yếu tố nước ngoài.   Ráo riết kiểm tra Hiện theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 27 phòng khám với 6 bệnh viện có yếu tố nước ngoài. Ông Trung cho biết, năm nào sở cũng xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra thường niên. Tuy nhiên, sau sự cố vừa mới xảy ra tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội (huyện Thanh Trì, Hà Nội), thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tăng cường công tác thanh kiểm tra tại những phòng khám có yếu tố nước ngoài này. “Mới đây, chúng tôi có tiến hành kiểm tra một cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài ở phố Thái Hà. Trong thời gian tới, sở yêu cầu trung tâm y tế, phòng y tế các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác này đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bởi ở đâu cũng tiềm ẩn những rủi ro. Tuy nhiên, sẽ tập trung vào những cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài”, ông Trung cho biết. Vẫn theo ông Trung thì những đoàn kiểm tra đều có lãnh đạo sở làm trưởng đoàn đi cùng. Nói thêm về việc khắc phục tình trạng sau những sự cố y khoa, các bác sĩ Trung Quốc thường “biến mất”, ông Trung cho biết: Vì quản lý con người liên quan tới địa phương và công an, về phía sở quản lý về mặt chuyên môn của bác sĩ nước ngoài. Do đó, để khắc phục tình trạng này, liên ngành sẽ có những buổi họp để tăng cường phối hợp trong việc quản lý. Trước đó, thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi, quê ở Quảng Ninh) tử vong sau điều trị phụ khoa tại phòng khám 168 Hà Nội. Sự việc đau lòng xảy ra khi chiều 5/3 thai phụ khám phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội do ra nhiều khí hư. Bác sĩ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh trực tiếp điều trị cho thai phụ. Tuy nhiên, đến tối gia đình nhận được thông báo bệnh nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi xảy ra vụ việc, bác sĩ Trịnh Túc Vinh đã bỏ trốn không để lại thông tin liên lạc. Ngoài vụ việc này, trước đây cũng đã xảy ra vụ việc bệnh nhân bị tai biến tử vong tại Phòng khám Đa khoa Maria (cũng là phòng khám Trung Quốc), toàn bộ các bác sĩ Trung Quốc đều rời đi ngay trong đêm sau khi bệnh nhân tử vong.   Báo cáo sự việc trước ngày 18/3 Theo báo cáo của phòng khám, thai phụ được chẩn đoán bị viêm âm đạo do nấm, tạp khuẩn, viêm cổ tử cung, thai 22 tuần. Chị  Tr. được bác sĩ người Trung Quốc khám và chỉ định rửa âm đạo bằng dung dịch Nacl 0,9%, khí dung bằng dung dịch Nacl 0,9% pha gentamycin và dexamethasone. Khoảng 3 phút sau, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, thở dốc kèm cơn co cứng người nên phải thở ôxy, cấp cứu sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 13/3, sức khỏe của thai phụ yếu đi, bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị tinh thần vì có thể phải bỏ thai để cứu mẹ. Tuy nhiên, đến trưa 14/3,  sau 10 ngày rơi vào hôn mê sâu, thai phụ đã tử vong. Trước thông tin này, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan xác minh và báo cáo về diễn biến trường hợp tai biến của thai phụ trước ngày 18/3; yêu cầu Phòng khám 168 Hà Nội có trách nhiệm chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình chị Tr., trong quá trình chăm sóc điều trị, đồng thời cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông về trường hợp tai biến nêu trên. Cùng đó, Sở Y tế khẩn trương thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, rà soát và giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của toàn bộ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có yếu tố người nước ngoài. Bộ Y tế cũng yêu cầu nếu phát hiện có sai phạm, vi phạm luật khám bệnh, chữa bệnh thì phải có biện pháp giải quyết, xử lý triệt để; chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại Hà Nội, bao gồm cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế hành nghề y tế tư nhân, nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản....

 

Hành nghề Đông y không phép: Quản lý lỏng lẻo hay tiếp tay?

http://vov.vn/xa-hoi/hanh-nghe-dong-y-khong-phep-quan-ly-long-leo-hay-tiep-tay-603130.vov

Theo ước tính, cả nước có hàng chục nghìn người hành nghề lương y không phép, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho người bệnh.

Không ai phủ nhận được hiệu quả của việc chữa bệnh bằng Đông y và từ lâu nước ta đã khuyến khích Đông - Tây y kết hợp để điều trị bệnh. Tuy nhiên, theo ước tính, cả nước có hàng chục nghìn người hành nghề lương y không phép, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành nghề y dược cổ truyền.

Nằm ngay trung tâm phố Ga, thị trấn Thường Tín, Hà Nội, cơ sở chữa viêm xoang bằng y học cổ truyền của bà Phạm Thị Nụ trưng biển khá bắt mắt. Năm nay hơn 70 tuổi, bà Nụ là hội viên Hội đông y huyện Phú Xuyên nhưng hành nghề tại huyện Thường Tín. Trên tường phòng khách, bà treo rất nhiều giấy khen của Hội Đông y. Tuy nhiên, bà Nụ thừa nhận: chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bà Phạm Thị Nụ cho biết: “Chúng tôi cũng đã học 12 chứng chỉ, nhưng không xin được giấy phép hành nghề. Cả huyện Thường Tín cũng chỉ có vài người có chứng chỉ hành nghề. Huyện Phú Xuyên cũng vậy”.

Theo ông Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, từ năm 2011, Luật Khám, chữa bệnh quy định phải có giấy chứng nhận là lương y do Sở Y tế cấp mới được cấp chứng chỉ đã khiến nhiều người không đủ điều kiện hành nghề. Trên địa bàn Thủ đô hiện có tới 4.000 người hành nghề y dược cổ truyền chưa được cấp phép, trong đó có hơn 2.000 người trực tiếp khám chữa bệnh bằng Đông y đang hành nghề “chui”.

Ông Nguyễn Hồng Siêm nói: “Họ hoạt động không phép, chúng tôi không kiểm soát được. Bây giờ họ cứ hành nghề, mưu sinh bằng nghề của họ. Khi mà xảy ra tai biến (điều này không thể nói trước được) sẽ rất bức xúc, lúc đó người hành nghề chui sẽ bị chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không ai can thiệp được…”.

Theo Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố cũng có tới 600 lương y chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Mặc dù, việc cấp chứng chỉ hành nghề được quy định chặt chẽ nhằm quản lý tốt hơn nhưng ước tính cả nước lại có hàng chục nghìn người hành nghề lương y không phép là điều không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam - Trần Văn Bản cho biết: “Đợt vừa rồi Bộ Y tế cũng cho phép tổ chức thi, sát hạch, công nhận trình độ lương y. Còn một số đối tượng lương y thừa kế bài thuốc của gia đình hoặc không học đầy đủ các chứng chỉ theo quy định sẽ chưa được cấp. Việc này, Bộ Y tế và Hội Đông y sẽ thống kê xem còn bao nhiêu người đủ điều kiện mà chưa được cấp chứng chỉ”.

Cũng theo Hội Đông y Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 70.000 hội viên và dự kiến đến hết năm nay sẽ thống kê chính xác có bao nhiêu người hành nghề khám chữa bệnh đông y có phép hay không phép. Trên thực tế, số người hành nghề không phép rất nhiều nhưng số trường hợp bị xử lý lại rất ít. Chỉ khi nào xảy ra những vấn đề bức xúc, cơ quan chức năng mới xử lý người hành nghề lương y.

Năm ngoái, tại Lâm Đồng, một bà cụ 73 tuổi tử vong tại phòng khám Đông y không phép. Gần đây nhất, một phòng khám Đông y hoạt động trong Trường tiểu học Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; khi phụ huynh học sinh phản ánh, phòng khám “chui” này mới bị lộ ra…. Thực tế vừa nêu khiến dư luận đặt câu hỏi, cơ quan chức năng buông lỏng quản lý hay tiếp tay cho người hành nghề không phép?

Những người hành nghề “chui” như chúng tôi vừa phản ánh đang rất phổ biến trong cả nước, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng “tiền mất tật mang” khi người bệnh gặp phải những “lang băm”. Vậy để xảy ra tình trạng vừa nêu trách nhiệm thuộc về ai?

 

Người “thủ lĩnh” của CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông

http://laodong.com.vn/can-bo-cong-doan/nguoi-thu-linh-cua-cd-trung-tam-y-te-huyen-bach-thong-646866.bld

Bà Hoàng Thị Hà - Ủy viên BCH CĐ ngành Y tế Bắc Kạn, Chủ tịch CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông luôn là người tham gia tích cực và chỉ đạo sâu sát các phong trào thi đua tại đơn vị. Bà Hà chính là “thủ lĩnh” của CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông.

Với sự năng động, sáng tạo, bà Hà đã chỉ đạo CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua như  phong trào “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo”; “Giỏi việc nước đảm việc nhà”; “Xanh - Sạch - Đẹp, ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ”; “Thực hiện tốt 12 điều y đức”; Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Các phong trào đều được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả, thiết thực và thu hút đông đảo CB, đoàn viên trong trung tâm tham gia hưởng ứng.

Theo bà Triệu Minh Duyên - Chủ tịch CĐ ngành Y tế Bắc Kạn, với cương vị là một phó giám đốc, chủ tịch CĐCS, bà Hà luôn có trách nhiệm trong công việc, đi sâu đi sát nhiệm vụ chuyên môn; tích cực tuyên truyền vận động CB, đoàn viên tham gia các phong trào thi đua do CĐ cấp trên phát động. Hằng năm, bà Hà đều tham gia chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học với các lĩnh vực điều trị và phòng bệnh được hội đồng nghiệm thu của ngành đánh giá cao.

Không chỉ nhiều năm là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ Y tế, LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen, bà Hà còn là nữ thầy thuốc duy nhất của ngành Y tế Bắc Kạn được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” năm 2016.

Với sự lãnh đạo của bà Hà, CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông đã tham gia cùng chính quyền thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với NLĐ như BHXH, BHYT, tiền lương, tiền thưởng, chế độ trực đêm, chế độ độc hại, nâng lương, nâng ngạch, quy hoạch đào tạo, khen thưởng; thăm hỏi đoàn viên khi ốm đau, gia đình có việc hiếu, hỉ, tổ chức các hoạt động chuyên môn dịch vụ trong lĩnh vực cho phép để tạo thu nhập cho đoàn viên, CCVC với thu nhập thêm hàng tháng ngoài lương từ 500.000 - 1.000.000 đồng/người.

Dưới sự chỉ đạo của bà Hà, nhiều năm liền CĐ Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông đạt CĐ vững mạnh xuất sắc được LĐLĐ tỉnh Bắc Kạn tặng nhiều Bằng khen toàn diện và  Bằng khen chuyên đề.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang