Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa thông báo có thêm hai người nữ nhiễm virút Zika được ghi nhận tại Q.2 và Q.12, TP.HCM.
Theo Cục Y tế dự phòng, cả 2 người đều có các biểu hiện sốt, đau cơ, đau khớp, viêm kết mạc..., không có tiền sử đi du lịch trước khi mắc bệnh.
Tính cả 2 người này, cho đến nay đã có 7 người VN nhiễm virút Zika, chưa kể 4 người nước ngoài nhiễm bệnh trong thời gian đi du lịch hoặc thăm người thân ở VN. TP.HCM là địa phương có số người mắc Zika nhiều nhất cho đến nay.
Cục Y tế dự phòng cho biết hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại, nhưng người đi/đến từ vùng có dịch cần theo dõi sức khỏe và đến bệnh viện sớm nếu có các biểu hiện kể trên. (Tuổi trẻ (trang 9), Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 16), Sài Gòn giải phóng (trang 7), Hà Nội mới (trang 1), Nhân dân (trang 5):
10.000 phụ nữ trên 40 tuổi sẽ được tầm soát ung thư Chăm sóc giảm nhẹ
10.000 phụ nữ trên 40 tuổi sẽ được khám sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú miễn phí theo chiến dịch “Tầm soát ung thư vú ngay sau khi sang tuổi 40”.
Chiến dịch do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - ngày mai tươi sáng cùng Tập đoàn Roche (Thụy Sĩ) tổ chức từ ngày 22-10 đến hết 12-11 ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có thể đăng ký khám sàng lọc ung thư vú miễn phí qua các hình thức sau: đăng ký tại website của chương trình www.tamsoatungthuvu.vn;
Gọi số hotline của chương trình (trong giờ hành chính, trừ thứ bảy, chủ nhật): 0888.966.466 hoặc 0888.96.96.95; liên hệ trực tiếp với các bệnh viện, phòng khám bác sĩ gia đình đồng hành cùng chương trình (thông tin trên website của chương trình). (Tuổi trẻ (trang 9).
Nhiều người nhập viện vì máy cắt cỏ
Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người tại Đắk Lắk phải nhập viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch do tai nạn khi sử dụng máy cắt cỏ, trong đó có nhiều ca tử vong.
Ngày 15-10, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk - cho biết anh Y Lâm H’ra (24 tuổi, ở buôn B1, thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đang phải chăm sóc đặc biệt.
Sau ca phẫu thuật nối bàn chân, phần nối đã có dấu hiệu hồng ấm trở lại, tiên lượng bàn chân sống, máu đã lưu thông.
Theo bác sĩ Phước, tối 9-10 anh Lâm nhập viện trong tình trạng mất máu cấp, phần bàn chân từ mắt cá trở xuống đứt lìa hẳn, chỉ dính một lớp da mỏng.
Được biết, chiều 9-10 anh Lâm dùng máy cắt cỏ, loại máy nông cụ có gắn môtơ vác trên lưng và lưỡi cắt được điều khiển bằng cần cầm tay thủ công, ra vườn dọn cỏ cho vườn hoa màu.
Trong lúc đang cắt, lưỡi hái của máy bất ngờ đứt gãy ở phần tâm lưỡi, văng ra lao trúng phần chân của anh Lâm khiến bàn chân đứt gần hết, máu chảy đầm đìa, chỉ dính một miếng da.
Một trường hợp khác cũng gặp nạn từ máy cắt cỏ là trường hợp một nông dân trồng cà phê ở xã Ea Răl, huyện Ea H’Leo vác máy cắt cỏ ra dọn vườn cà phê của mình (ngày 10-10), bất ngờ phần lưỡi hái của máy cắt gãy làm đôi, văng trúng vào vợ mình là bà L. đang đứng gần đó.
Phần lưỡi hái găm trúng đùi phải của bà L.. Gia đình đã đưa bà L. nhập viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, bà L. đã tử vong sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước khẳng định bệnh viện tiếp nhận rất thường xuyên các ca bị thương do lưỡi máy cắt cỏ văng trúng vào người.
“Chúng tôi nhớ không hết nhưng số ca nhập viện gần đây rất nhiều, có đêm chúng tôi phải mổ phẫu thuật đấu nối chân cho 4-5 người bị máy cắt chém vào cơ thể. Nhiều nhất là ở huyện Krông Bông, Ea Súp, Krông Pắk”.
Điều dưỡng trưởng khoa Mai Xuân Liệu - khoa chấn thương chỉnh hình - cho biết có thời điểm ngày đầu năm 2016 này cùng một lúc ba bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì bị lưỡi máy cắt cỏ xén vào người, hầu hết các ca này đều bị chém đứt lìa ống chân, phần gót chân, phải thực hiện phẫu thuật đấu nối.
“Qua theo dõi và điều trị chúng tôi thấy rằng tất cả các ca bị thương do máy cắt cỏ đều nguy kịch. Phần bị thương nhiều nhất là từ bắp đùi trở xuống, các bệnh nhân bị máy cắt cỏ văng trúng đều tổn thương rất nặng, hầu hết là đứt lìa chân.
Chúng ta đều biết lưỡi hái của máy cắt cỏ có tốc độ quay cực lớn, gia tốc cao và lưỡi cắt rất lẹm, khi văng trúng người thì vết thương sẽ nặng hơn cả các vết chém mạnh. Nếu nạn nhân biết ủ đá phần đứt lìa thì khả năng nối phần đứt lìa sẽ cao hơn.
Máy cắt cỏ là một nông cụ hữu dụng, được sử dụng thường ngày trong lao động sản xuất của người dân Tây nguyên, nhưng nguy cơ tai nạn từ loại máy này rất lớn nên người dân cần phải hết sức cẩn thận khi dùng máy” - ông Phước nói.
Cứu 1 phụ nữ bị vật kim loại bắn gần tim
Các bác sĩ Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết mới đây một phụ nữ 27 tuổi đang đi trên đường Hoàng Quốc Việt thì bị một dị vật là que bằng kim loại dài và nhọn bắn vào vùng ngực, cắm phập sâu tới gần mỏm tim.
Dị vật này bắn ra từ khu vực đang được cắt cỏ. Khi nhập viện da người phụ nữ nhợt trắng, mạch chậm, huyết áp tụt, bác sĩ phải cho thở ôxy và tiến hành ca phẫu thuật kéo dài trong khoảng 2 giờ, lấy dị vật đã cắm sâu vào ngực khoảng 15cm, sát gần mỏm tim, cách động mạch vành trái chỉ 2cm và gây tình trạng chèn ép tim cấp.
Các bác sĩ đánh giá đây là tai nạn hi hữu và ca mổ rất căng thẳng, tuy nhiên rất may người phụ nữ này đã qua giai đoạn nguy hiểm. (Tuổi trẻ (trang 9).
Đông y có chữa khỏi ung thư?
Trong khi nhiều nước trên thế giới hiện đã đạt tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) lên tới 70-80% thì số ca chữa khỏi ở Việt Nam mới đạt khoảng 33-40%, dù những kỹ thuật điều trị ung thư của nước ta không hề thua kém. tuy nhiên, Một trong những đặc thù rất riêng của nước ta là rất nhiều bệnh nhân ung thư từng chạy theo điều trị kết hợp điều trị bệnh bằng thuốc nam” đến khi quay lại chữa Tây y thì quá muộn.
Chết oan vì theo thầy lang chữa ung thư
Khoa Nhi - Bệnh viện K Trung ương hiện đang điều trị cho một bé trai 4 tuổi, đây là trường hợp rất thương tâm vì dù được phát hiện ung thư khá sớm nhưng gia đình lại đưa đến bệnh viện điều trị muộn chỉ vì mải chạy theo chữa bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc, tự đánh mất đi “cơ hội vàng” trong điều trị căn bệnh này.
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Hương, bệnh nhi nói trên được xác định mắc u nguyên bào thần kinh, lúc đó khối u có kích thước 8cm và đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, được các bác sĩ chẩn đoán rõ ràng. Lúc này do khối u còn nhỏ, nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện thì cơ hội thành công rất lớn.
Thế nhưng bà nội cháu bé lại quyết định cho cháu về chữa theo các bài thuốc nam ở quê. Sau 2 tháng, gia đình đưa bé trở lại bệnh viện khám thì khối u đã to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước, trẻ suy kiệt chỉ còn da bọc xương, không thở nổi, tiên lượng tử vong gần. Hiện tại, các bác sĩ ở Bệnh viện K Trung ương chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, cố gắng cầm cự cho cháu bé kéo dài thời gian sống.
Những trường hợp như bệnh nhi nói trên rất phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các bài thuốc Đông y, thậm chí thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng chữa khỏi ung thư tràn ngập trên các trang mạng, hay truyền miệng nhanh chóng trong cộng đồng khiến người dân không thể nhận biết rõ thực hư.
Gần đây nhất là thông tin lá đu đủ kết hợp với cây sả có thể tiêu diệt được tế bào ung thư hay ăn gạo lứt huyết rồng, gạo thảo dược, dùng nước lã thanh lọc cơ thể có thể giúp chữa khỏi ung thư được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.
Tác dụng của các bài thuốc này ra sao thì chưa có ai kiểm chứng, chưa có cơ quan chức năng nào cấp phép, thậm chí một số bài thuốc như ăn gạo lứt, gạo dược liệu, thanh lọc cơ thể bằng nhịn ăn và uống nước lã… đã được các chuyên gia lên tiếng khẳng định là vô căn cứ, song vẫn có một bộ phận không nhỏ người bệnh áp dụng, mù quáng tin theo, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
TS.BS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, có không ít trường hợp bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư nhưng do thiếu hiểu biết đã tìm đến những phương pháp chữa trị chưa có cơ sở khoa học hoặc áp dụng các phương pháp truyền miệng không tốt cho sức khỏe.
Bệnh nhân không tiếp nhận hóa trị, xạ trị mà tin dùng các bài thuốc lá, bài thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân còn nghĩ rằng nếu dùng hóa trị, xạ trị thì dễ gặp tác dụng phụ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tâm lý người bệnh. Chỉ đến khi chữa trị không thành, họ mới tìm đến bác sĩ thì bệnh đã quá muộn.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ, kỹ thuật điều trị ung thư tại nước ta hiện không hề thua kém các nước trên thế giới và phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
Thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở nước ta vẫn đang thấp hơn thế giới khá nhiều. Theo ông Thuấn, nguyên nhân là do có tới 70% bệnh nhân ung thư nước ta phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và rất nhiều trong số đó là do bệnh nhân đã hoặc từng cố gắng chạy chữa theo các bài thuốc y học cổ truyền trước khi đến bệnh viện.
Y học cổ truyền chỉ có tác dụng hỗ trợ
Vậy các bài thuốc y học cổ truyền có thực sự chữa khỏi được ung thư? Trả lời vấn đề này, TS Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho rằng, bệnh ung thư, nên lựa chọn phương pháp của y học hiện đại để khống chế bệnh trước, sau đó duy trì và tăng cường thể trạng bằng phương pháp y học cổ truyền thì sẽ đem lại hiệu quả tốt.
Các bài thuốc của y học cổ truyền có mục tiêu làm giảm tác hại của hóa xạ trị, tăng cường thể trạng, tăng cường miễn dịch, hạn chế di căn xa, kiểm soát khối u rất tốt. Nói cách khác, trong điều trị ung thư, y học cổ truyền có thể phát huy tác dụng điều trị củng cố sức khỏe cho bệnh nhân và phối hợp với y học hiện đại để giúp người bệnh chữa bệnh một cách tốt nhất.
Cũng theo TS Phùng Tuấn Giang, trong điều trị bằng y học cổ truyền, người bệnh chỉ nên tìm đến cơ sở y tế uy tín, được cấp phép đầy đủ chứ không đặt niềm tin nơi các thầy “lang băm”.
Chưa kể đến vấn đề trình độ thì chất lượng thuốc Đông y cũng rất đáng lưu tâm. TS Phùng Tuấn Giang cho biết, mỗi năm nước ta nhập khẩu từ 70.000 - 100.000 tấn thuốc Đông y, trong đó có tới 80% thuốc Đông y là thuốc nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Với các cơ sở hoạt động chui, các địa chỉ hành nghề y học cổ truyền không được cấp phép hay các thầy “lang băm”, việc kiểm soát nguồn gốc thuốc Đông y là rất khó khăn.
TS Trần Thái Hà, Trưởng khoa Châm cứu xoa bóp dưỡng sinh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, tại bệnh viện này hiện điều trị khoảng 100 bệnh nhân ung thư/ngày. “Trong điều trị bệnh nhân ung thư bằng y học cổ truyền, chúng tôi rất thận trọng khi dùng thuốc, dùng thuốc phải đúng, kết hợp với y học hiện đại như thế nào cho phù hợp và chất lượng thuốc phải đảm bảo” - TS Trần Thái Hà nhấn mạnh.
Còn với các bài thuốc nam được quảng cáo chữa khỏi được ung thư lan truyền trên mạng hay các bài thuốc được truyền miệng, đồn thổi trong dân gian, TS Trần Thái Hà khuyến cáo người bệnh không nên tin tưởng mù quáng mà chạy theo để tránh tiền mất tật mang.
Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội cho rằng, trên thực tế, việc dùng thuốc Đông y để chữa bệnh ung thư là có, chẳng hạn một số loại dược liệu như cây xạ đen, thông đỏ, trinh nữ hoàng cung… đều có các hoạt chất có tác dụng tốt trong điều trị bệnh ung thư đã được chứng minh.
Tuy nhiên, khi điều trị cần phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải loại dược liệu đó có tác dụng trong chữa bệnh ung thư thì cứ uống vào là có thể khỏi bệnh. “Vì thế, mọi người không nên nghe theo những lời đồn thổi về một số loài cây, cỏ có khả năng chữa bệnh ung thư mà đổ xô đi tìm hoặc bỏ rất nhiều tiền mua về uống chữa bệnh, như vậy không những bệnh không khỏi mà còn mắc thêm những bệnh khác. Tốt nhất là nên đến các bệnh viện chuyên ngành để điều trị trước, sau đó có thể kết hợp Tây y với Đông y để tăng hiệu quả điều trị ung thư” - lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo. (An ninh Thủ đô (trang 4).
Rất ít muỗi vằn mang virus Zika ở Việt Nam
Sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm Zika trên người từ tháng 4, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm muỗi vằn tự nhiên để xác định khả năng muỗi có nhiễm virus Zika, Dengue hoặc Chikungunya. Sở Y tế TPHCM đang tham mưu và đề nghị UBND thành phố công bố dịch bệnh Zika trên địa bàn.
Trong hoạt động nghiên cứu giám sát bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để chuẩn bị cho việc mở rộng nghiên cứu ứng dụng phương pháp Wolbachia trên đất liền trong những năm tới, Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã thu thập và lưu trữ 23.682 mẫu muỗi vằn (cái) tự nhiên ở Nha Trang từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2016.
Kết quả cho thấy có 56 con muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Zika (0,24%), 29 con muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Dengue (0,12%) và không có con nào dương tính với virus Chikungunya. Như vậy, virus Zika đã có mặt (với tỷ lệ rất thấp) trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang. Việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương thời gian gần đây cho thấy virus Zika hiện đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên. Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt đã được Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Trong năm 2015 và 2016, sự lan truyền virus Zika là mối quan tâm lớn về sức khoẻ cộng đồng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đến nay, đã có 9 trường hợp nhiễm Zika trên người được ghi nhận tại Việt Nam, gồm 4 người ở TPHCM (trong đó có 2 người nước ngoài), 1 ở Khánh Hòa, 1 ở Phú Yên và 1 ở Bình Dương.
Đề nghị công bố dịch Zika ở TPHCM
Liên quan việc Bộ Y tế công bố thêm 2 trường hợp nhiễm virus Zika tại TPHCM, sáng 15/10, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết: “Khi nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ bệnh do virus Zika từ các bệnh viện, phòng khám trong hệ thống giám sát, chúng tôi đã tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà và xung quanh nhà bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi trong phạm vi ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cung cấp, 2 bệnh nhân đều là nữ, sinh sống tại quận 2 và quận 12. Hiện sức khỏe 2 bệnh nhân đã hồi phục và được xác định không có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Trước đó, ngày 8/10, một bệnh nhân tại quận 9 cũng được xác định nhiễm virus Zika. Đáng chú ý là cả 3 người nhiễm virus Zika mới phát hiện tại TPHCM đều không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh. Vì vậy, virus Zika được ghi nhận đang lưu hành ở TPHCM.
Trước tình hình số lượng người nhiễm virus Zika đang có dấu hiệu tăng lên, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đơn vị đang tham mưu và đề nghị UBND thành phố công bố dịch bệnh Zika trên địa bàn. Bộ Y tế chính thức xác nhận Việt Nam là nước có sự lưu hành virus Zika, trong thời gian tới, hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika tại cộng đồng. (Tiền phong (trang 3), Thanh niên (trang 6).
Bộ Công an, Bộ Y tế bắt tay chống vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm
Ngày 14/10, Bộ Công an và Bộ Y tế ký kết Quy chế phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc ký kết này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm… góp phần đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm, phòng ngừa ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của cộng đồng.
Lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, sắp tới Bộ Y tế và Bộ Công an sẽ cùng đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật về y tế, môi trường. (Hiện Bộ Y tế được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, dược phẩm nhưng không có lực lượng có chức năng điều tra nên hiệu quả phòng chống tội phạm ở lĩnh vực này còn hạn chế).
Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an nhấn mạnh, phối hợp này tạo cơ sở pháp lý để 2 Bộ tiếp tục đấu tranh chống tội phạm về an toàn thực phẩm, dược phẩm bởi trước đó nhiều vụ việc vi phạm đã được đưa ra ánh sáng, song kết quả chưa đạt được như ý muốn. Hơn nữa, dự báo thời gian tới, tội phạm trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp hơn.
Lãnh đạo liên Bộ Y tế - Công An cho biết, trên cơ sở ký kết quy chế phối hợp, giữa 3 Cục của 2 Bộ, công an các tỉnh/ thành phố, quận/ huyện cùng Thanh tra y tế và Chi cục ATVSTP thuộc Sở Y tế các tỉnh/ thành phố có trách nhiệm nâng cao chất lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm.
Đặc biệt, liên Bộ sẽ thường xuyên phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu bảo quản lưu giữ thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm và phụ gia thực phẩm. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 2, ngày 15.10).
Dân quay lưng với BHYT, vì sao?
Chất lượng khám chữa bệnh của nhiều bệnh viện tuyến huyện ở Đồng Nai chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Chờ lâu, chẩn đoán chưa chính xác, cơ sở vật chất lạc hậu, thái độ của nhân viên y tế còn lạnh nhạt… là những nguyên nhân khiến người dân Đồng Nai không mặn mà với bảo hiểm y tế (BHYT).
Mất niềm tin vào bệnh viện tuyến huyện
Bà Võ Thị Hải (ngụ ấp 5, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) cho biết cách đây không lâu, người nhà bị tai nạn giao thông phải nhập viện với thẻ BHYT tại Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Tân Phú. Qua thăm khám, các bác sĩ tại đây xác định nạn nhân không bị tổn thương bên trong. Tuy nhiên, do sức khỏe của người bệnh ngày càng xấu đi nên gia đình bà Hải xin chuyển viện và chấp nhận tự túc mọi chi phí. Khi lên BV tuyến trên kiểm tra, người bệnh được phát hiện bị dập phổi, dập lá lách. “Nếu gia đình tôi tin vào bác sĩ và không chuyển viện thì tính mạng người thân không biết sẽ như thế nào” - bà Hải bức xúc.
Tương tự, nhiều người dân ở huyện Xuân Lộc cũng nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện này muốn được khám chữa bệnh (KCB) BHYT ở các BV tuyến tỉnh. “Nguyên nhân là do chất lượng KCB ở BV này gần đây giảm sút. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ người dân tham gia BHYT ở Xuân Lộc” - bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, cho biết.
Từ ba năm nay, bà Trần Thị Nga (ngụ xã Cẩm Đường, huyện Long Thành) phải vượt 50 km để đến BV Đa khoa Đồng Nai khám bệnh. Bà Nga mắc cùng lúc nhiều bệnh như viêm gan, huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Đường xa quá vất vả nhưng một tháng hai lần bà Nga phải xuống BV khám lấy thuốc. “Tôi xin bác sĩ cho thuốc đủ dùng trong một tháng để đỡ đi lại nhưng bác sĩ cho biết chỉ được phép cho thuốc dùng trong nửa tháng” - bà Nga chia sẻ.
Cũng nằm trong tình trạng điều trị bệnh mạn tính, bà Đoàn Thị Bạch Yến (70 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) phải đến BV lấy thuốc mỗi tháng hai lần. Bà Yến bị bệnh viêm đa khớp, đau lưng, không thể ngồi xe máy để đi khám bệnh mà phải đi taxi. “Mỗi lần đi taxi đến BV khám bệnh phải mất cả trăm ngàn đồng. Trong khi đó, tiền thuốc do BHYT thanh toán chỉ có vài chục ngàn đồng” - bà Yến than.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, các BV cho biết là do sợ vượt trần thanh toán BHYT tuyến 2, nhiều nơi đã phải chia thuốc ra cho bệnh nhân làm nhiều đợt, chứ không cho thuốc uống trong một thời gian dài dù là bệnh mạn tính… Điều này vô tình đã làm khó cho bệnh nhân vì nhiều người phải mất thời gian đi lại nhiều lần.
Nguồn lực còn yếu kém
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết nguyên nhân người dân chưa mặn mà với BHYT do chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế. Thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi, chuyên khoa sâu. Tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thủ tục hành chính rườm rà chưa thực sự mang lại hài lòng cho người bệnh. Một số cơ sở KCB còn chỉ định cận lâm sàng quá mức cần thiết. Chỉ định thuốc tại một số cơ sở KCB còn bất hợp lý.
BS Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, còn thừa nhận khám dịch vụ vẫn nhanh hơn khám BHYT là do khi khám BHYT phải qua nhiều bước thủ tục, mặc dù ngành y tế đã cố gắng cải tiến để phục vụ người bệnh tốt hơn. “Điều này đã làm cho thời gian KCB vẫn còn kéo dài. Hiện nay hai khâu tiếp đón và phát thuốc vẫn bị phản ánh nhiều. Tới đây ngành y tế tỉnh sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này” - BS Hoàn nói.
Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng KCB. BV Đa khoa Xuân Lộc có quy mô 200 giường bệnh với hơn 30 bác sĩ và sẽ được phát triển thành BV hạng 2. Ngành y tế cũng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho các BV tuyến huyện. Hiện nay chỉ còn hai BV là BV Đa khoa Nhơn Trạch và BV Đa khoa Biên Hòa là chưa được xây dựng mới. Sắp tới ngành y tế cũng sẽ có kế hoạch xây dựng mới hai BV này. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 13, ngày 15.10).
Dinh dưỡng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhiều vùng, miền trên cả nước. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu thích ứng với BĐKH là việc bảo đảm an ninh thực phẩm cho mỗi gia đình và người dân. Chính vì vậy, chủ đề của tuần “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay (từ ngày 16 đến 23-10) được Bộ Y tế chọn là: “Bữa ăn đa dạng bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”. |
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là lúa gạo, nhưng nước ta chưa có được an ninh thực phẩm hộ gia đình và cá thể, nhất là an ninh dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất về người và của, thì tại nhiều vùng, người dân lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng. Đối với những địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng BĐKH thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà. Hậu quả trước mắt là trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng (SDD), luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và sinh mạng. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì tương lai của những trẻ này cũng vẫn sẽ bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội giảm, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau. Năm 2015, ước tính tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Bên cạnh những kết quả đạt được, khả năng giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn hơn 50%. Nghèo đói và thiếu kiến thức là hai nguyên nhân dẫn đến SDD trẻ em ở nước ta. Nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc, mà bắt nguồn từ sự nghèo đói. Chênh lệch về giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, khu vực cũng là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về SDD. Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị SDD thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ SDD hiện vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, trung du và miền núi phía bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%. Nhiều bà mẹ ở các khu vực này trước khi sinh con hay lập gia đình đều chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị SDD bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ... dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa khoa học. LÀ một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, cho nên Việt Nam coi ứng phó BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH, trong đó giao từng bộ, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, việc bảo đảm an ninh lương thực được xếp là nhiệm vụ trọng tâm số một. Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra việc bảo đảm sẵn có lương thực, thực phẩm, có thường xuyên liên tục và bất kể ở đâu, trong điều kiện nào, để các hộ gia đình cũng có thể có đủ thực phẩm cần thiết. Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16-10), Bộ Y tế phát động Tuần “Dinh dưỡng và Phát triển” (từ ngày 16 đến 23-10) với chủ đề: “Bữa ăn đa dạng bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình BĐKH”. Các hoạt động tập trung vào những nội dung như sau: Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương; tổ chức bữa ăn gia đình bảo đảm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng, chống thừa cân béo phì... Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của BĐKH, thay đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản để thích ứng với tình hình mới. Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển VAC gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. ĐỂ bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng hộ gia đình, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam cần có sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp trong hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình, ưu tiên các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão… Ngoài ra cần hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, quy trình canh tác, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, phân bón...) để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Tăng cường tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chế biến lương thực và thực phẩm phải gắn liền với ý thức bảo đảm sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng. Minh HoàngDinh dưỡng hợp lý thích ứng biến đổi khí hậu Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhiều vùng, miền trên cả nước. Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu thích ứng với BĐKH là việc bảo đảm an ninh thực phẩm cho mỗi gia đình và người dân. Chính vì vậy, chủ đề của tuần “Dinh dưỡng và Phát triển” năm nay (từ ngày 16 đến 23-10) được Bộ Y tế chọn là: “Bữa ăn đa dạng bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”. Mặc dù đã đạt nhiều kết quả trong sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là lúa gạo, nhưng nước ta chưa có được an ninh thực phẩm hộ gia đình và cá thể, nhất là an ninh dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất về người và của, thì tại nhiều vùng, người dân lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng. Đối với những địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng BĐKH thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà. Hậu quả trước mắt là trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng (SDD), luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và sinh mạng. Nếu may mắn thoát khỏi SDD, thì tương lai của những trẻ này cũng vẫn sẽ bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội giảm, đồng thời lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau. Năm 2015, ước tính tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Bên cạnh những kết quả đạt được, khả năng giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn hơn 50%. Nghèo đói và thiếu kiến thức là hai nguyên nhân dẫn đến SDD trẻ em ở nước ta. Nguyên nhân trực tiếp là do khẩu phần ăn (thiếu về số lượng và mất cân đối về chất lượng), bệnh tật và các yếu tố về chăm sóc, mà bắt nguồn từ sự nghèo đói. Chênh lệch về giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư, khu vực cũng là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về SDD. Theo số liệu năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị SDD thấp còi là 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Tỷ lệ SDD hiện vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, trung du và miền núi phía bắc với tỷ lệ SDD thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%. Nhiều bà mẹ ở các khu vực này trước khi sinh con hay lập gia đình đều chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng như: chăm sóc bà mẹ có thai dẫn đến trẻ bị SDD bào thai; nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ... dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa khoa học. LÀ một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, cho nên Việt Nam coi ứng phó BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH, trong đó giao từng bộ, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, việc bảo đảm an ninh lương thực được xếp là nhiệm vụ trọng tâm số một. Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra việc bảo đảm sẵn có lương thực, thực phẩm, có thường xuyên liên tục và bất kể ở đâu, trong điều kiện nào, để các hộ gia đình cũng có thể có đủ thực phẩm cần thiết. Hưởng ứng Ngày Lương thực Thế giới (16-10), Bộ Y tế phát động Tuần “Dinh dưỡng và Phát triển” (từ ngày 16 đến 23-10) với chủ đề: “Bữa ăn đa dạng bảo đảm đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình BĐKH”. Các hoạt động tập trung vào những nội dung như sau: Nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương; tổ chức bữa ăn gia đình bảo đảm đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng, chống thừa cân béo phì... Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của BĐKH, thay đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản để thích ứng với tình hình mới. Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển VAC gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. ĐỂ bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng hộ gia đình, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam cần có sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp trong hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống phù hợp, nhất là thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch tạo nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng. Đưa giống mới, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hợp lý tới từng hộ gia đình, ưu tiên các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, lụt bão… Ngoài ra cần hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, quy trình canh tác, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, phân bón...) để tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm an toàn cho người sử dụng, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như người sản xuất. Tăng cường tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chế biến lương thực và thực phẩm phải gắn liền với ý thức bảo đảm sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng. (Nhân dân (trang 5). |