Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/11/2015

  • |
Nghiêm cấm tiêm vắc-xin cho trẻ tại nhà; Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật tim mở…

Nghiêm cấm tiêm vắc-xin cho trẻ tại nhà

Trước tình trạng vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1 (sử dụng trong tiêm dịch vụ) đang khan hiếm, một số cá nhân đã rao bán các loại vắc-xin này như món hàng “xách tay” này như món hàng “xách tay” và rao trên mạng xã hội là sẽ thực hiện tiêm vắc-xin này tại nhà cho những gia đình có nhu cầu. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, những hành vi này là vi phạm pháp luật.

Kinh doanh vắc-xin không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật

Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tại Việt Nam, việc “bán thuốc qua mạng” là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi thuốc là hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng, kinh doanh thuốc (bao gồm cả vắc-xin) là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Thuốc (bao gồm cả vắc-xin) chỉ được lưu hành tại Việt Nam sau khi đã được cấp số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu. Hơn nữa, các công ty nhập khẩu vắc-xin chỉ được bán buôn cho các cơ sở kinh doanh dược đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi kinh doanh tương ứng. Đây là quy định bắt buộc, bởi thuốc cần được bảo quản đúng với điều kiện bảo quản của nhà sản xuất, nếu không sẽ ảnh hưởng tới chất lượng.

“Do đó, mọi hành vi mua bán thuốc qua mạng, “xách tay” đều vi phạm pháp luật. Đối với vắc-xin, ngoài các quy định chung về kinh doanh thuốc, việc vận chuyển, nhập khẩu còn phải tuân thủ theo một số quy định đặc thù” - ông Đạt nhấn mạnh.

Ông Đạt cho biết, vắc-xin tùy từng loại phải luôn được bảo quản ở nhiệt độ -200C hoặc 2-80C (theo khuyến cáo của nhà sản xuất) trong suốt quá trình vận chuyển từ kho của nhà sản xuất đến điểm tiêm chủng. Đồng thời, vắc-xin khi thông quan phải xuất trình bản gốc phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất cho lô hàng đó. Sau khi thông quan, lô vắc-xin nhập khẩu chỉ được phép đưa ra sử dụng khi có văn bản của Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hồ sơ kiểm định phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ quan kiểm định y tế nước sở tại. Tiếp đến, vắc-xin chỉ được sử dụng tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng. Như vậy có thể khẳng định rằng, việc kinh doanh vắc-xin không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật.

Nguy hiểm cho trẻ khi thuê người đến nhà tiêm vắc-xin

Cũng liên quan đến vấn đề vắc-xin, hiện nay cũng đã xuất hiện tình trạng rao trên mạng xã hội là sẽ thực hiện tiêm vắc-xin tại nhà cho trẻ với những gia đình có nhu cầu, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Việc tiêm vắc-xin tại nhà là hành vi bị nghiêm cấm. Tiêm chủng chỉ được thực hiện tại các cơ sở được thẩm định đủ điều kiện, có nhân lực, bởi có tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm cần xử trí, cấp cứu. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người tiêm sẽ bị xử lý, thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu gây sự cố nghiêm trọng”.

Theo khuyến cáo của Cục trưởng Trần Đắc Phu, nguy cơ rủi ro rất cao khi sử dụng vắc-xin “chui”, bởi nguồn trôi nổi, không rõ chất lượng. Ngoài ra, vắc-xin cần bảo quản nghiêm ngặt ổn định ở nhiệt độ phù hợp, nếu không tuân thủ sẽ bị biến đổi về chất lượng khiến việc tiêm chủng không có hiệu quả miễn dịch. Thậm chí, biến đổi đó có thể gây phản ứng nguy hiểm cho cơ thể.

Không có căn cứ chứng minh trẻ dưới 1 tuổi đột tử sau khi tiêm chủng liên quan đến vắc-xin

Cũng liên quan đến hội chứng trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đột tử sau khi tiêm chủng bị nghi là có liên quan đến vắc-xin, cuối tuần qua, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, trẻ được tiêm phòng nhiều loại vắc-xin khác nhau để phòng trừ bệnh tật. Ít ai biết rằng, thời điểm này cũng là thời kỳ cao điểm dễ xảy ra Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) - là cụm từ chuyên môn dùng để chỉ trường hợp xảy ra tử vong mà không thể lý giải nguyên nhân ở trẻ dưới 1 tuổi. Vì thế, mọi trường hợp tử vong SIDS ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt ở giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi luôn khiến cộng đồng đặt ra câu hỏi nguyên nhân nào đã gây ra cái chết ở trẻ. Do các liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh được tiêm cho trẻ vào đúng thời kỳ này, vắc-xin dễ dàng trở thành một nghi vấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin không phải là nguyên nhân liên quan đến SIDS.

Đối với phản ứng của cơ thể trẻ trong tiêm chủng, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định: Chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt phát ban, cao hơn nữa là sốc phản vệ và hiện tượng này chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt. Trên thực tế, có những trường hợp trẻ bị SIDS trùng với thời điểm tiêm chủng. Điều này khiến dư luận băn khoăn và nghi ngờ nguyên nhân xuất phát từ quá trình tiêm chủng. Khoa học đã chứng minh những nghi ngờ trên là vô căn cứ. * Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật tim mở

Ngày 15.11, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và sở Y tế Hải Phòng đã tổ chức Lễ ra quân chuyển giao kỹ thuật tim mở theo Đề án Bệnh viện vệ tinh giữa BV Nhi T.Ư và BV Trẻ em Hải Phòng.

Trước đó, từ tháng 2.2012 Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã triển khai kế hoạch tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim giai đoạn I - phẫu thuật các bệnh tim cơ bản như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch từ BV Nhi Trung ương. Tháng 3.2013, các nhóm trong ê kíp phẫu thuật tim BV Trẻ em Hải Phòng bắt đầu độc lập thực hiện công việc. Đến nay, bác sĩ BV Trẻ em Hải Phòng hoàn toàn độc lập chẩn đoán, phẫu thuật, gây mê, chạy máy, hồi sức sau mổ với 30 cán bộ được đào tạo chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim mở.

Từ năm 2013 đến nay, đã có hơn 100 trẻ em được phẫu thuật tim bẩm sinh tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Cùng với đào tạo nhân lực, Bệnh viện đã xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị. Hiện bệnh viện có 1 phòng phẫu thuật tim mở, 1 phòng hồi sức tim mở và 2 phòng hồi sức tim kín với các trang thiết bị cho phẫu thuật tim mở như máy tim phổi nhân tạo, hệ thống trao đổi nhiệt hiện đại, 2 bộ dụng cụ phẫu thuật tim mở chất lượng, đầy đủ máy monitor...

Kết quả, đến nay đã có 108 bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật tim tại BV Trẻ em Hải Phòng, trong đó có 58 ca do BV Trẻ em Hải Phòng mổ độc lập, tất cả bệnh nhân sau mổ ra viện ổn định, an toàn, khỏi bệnh.

Hiện tại, BV Trẻ em Hải phòng đã hoàn tất việc chuẩn bị thực hiện Kế hoạch chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim giai đoạn II đến năm 2019, với việc chuẩn bị về nhân lực và cơ sở và trang thiết bị để từng bước thực hiện các bước để thực hiện phẫu thuật tim mở, phức tạp hơn so với giai đoạn I. Việc BV Trẻ em Hải Phòng phẫu thuật được bệnh tim phức tạp sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho quá trình phẫu thuật và điều trị của bệnh nhân.

Tại buổi lễ ra quân, Cy Bảo hiểm Prudential đã trao tặng cho 30 bệnh nhân mỗi suất quà trị giá 500 ngàn đồng. Ngoài ra, Cty Prudential cũng tài trợ 9 cuộc chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện tuyến tỉnh theo đề án “Bệnh viện vệ tinh” của Bộ Y tế, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã tặng bằng khen cho 2 tập thể và 7 cá nhân có thành tích trong việc chuyển giao kỹ thuật tim mổ tim bẩm sinh cho BV Trẻ em Hải Phòng. * Sức khỏe & Đời sống (trang 2), Tiền phong (trang 6) Lao động (trang 4).

Cấp cứu kịp thời các bệnh lý tim mạch: Thêm cơ hội sống cho người bệnh

Cấp cứu tim mạch là một lĩnh vực rất quan trọng, đòi hỏi người thầy thuốc phải luôn cập nhật kiến thức mới, những kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị thì mới có thể xử lý khẩn trương và chính xác nhiều tình huống nguy kịch. Tuy nhiên đó mới chỉ là điều kiện cần. Nhận thức của cộng đồng, của chính bản thân người bệnh để làm sao đến bệnh viện (BV) kịp thời là điều kiện đủ để người thầy thuốc tạo thêm cơ hội sống cho người bệnh. Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam về những tiến bộ mới trong tim mạch và các giải pháp đồng bộ để kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân (BN) tim mạch.

PV: Hội nghị khoa học tim mạch toàn quốc vừa qua bàn về một chủ đề rất được giới chuyên môn quan tâm, đó là “Tiếp cận mới trong cấp cứu tim mạch”. Những thành tựu mới đó là gì và khả năng ứng dụng tại Việt Nam, thưa PGS?

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Bệnh tim mạch phần lớn là bệnh có tính chất cấp cứu hoặc có những đợt cấp, hoặc chính rối loạn tim mạch là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cần cấp cứu của những bệnh lý khác. Các bệnh lý tim mạch có tỷ lệ tử vong sẽ rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời như nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc động mạch phổi cấp, tách thành động mạch chủ, suy tim cấp, phù phổi cấp, động mạch ngoại biên tắc cấp, cấp cứu tim mạch ở phụ nữ có thai...

Chúng ta đã có những tiến bộ về kỹ thuật hồi sinh tim phổi, các máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo để có thể áp dụng thật sớm khi BN không may bị ngừng tuần hoàn. Các kỹ thuật trong chẩn đoán hình ảnh, siêu âm cấp cứu tại giường, siêu âm thực quản, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp để định dạng nhanh hay loại trừ có hay không các bệnh lý tim mạch trong vòng 1 giờ đồng hồ... Các thuốc chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, giảm mỡ máu và các thuốc hỗ trợ cho tim đã giúp cứu sống BN trong giai đoạn cấp rất cao và ít để lại biến chứng. Đặc biệt các kỹ thuật cao trong hồi sức tim mạch (như chống sốc tim, hỗ trợ tuần hoàn...) hoặc trong can thiệp tim mạch như can thiệp cấp cứu các bệnh lý động mạch vành, bệnh van tim, đặt stent graft khi động mạch chủ tách ra dọa vỡ... Với những trường hợp bệnh nặng, phức tạp không thể can thiệp được thì phẫu thuật tim mở với rất nhiều tiến bộ hiện nay là giải pháp không thể thay thế để cứu sống BN.

PV: PGS đánh giá lĩnh vực tim mạch can thiệp của Việt Nam có những kỹ thuật gì ngang tầm thế giới?

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Chúng ta có những gì và chưa làm được gì, điều đó phải đánh giá trên tổng thể các giải pháp mang lại cho người bệnh chứ không phải ở một vài kỹ thuật cao. Kỹ thuật cao rất quan trọng, nhưng chỉ là một công đoạn của vấn đề. Đơn cử như vấn đề với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, giải pháp tổng thể thông qua bài học của các nước đã phát triển là làm sao phòng bệnh, nếu xảy ra bệnh thì cần được cấp cứu tái thông động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu sống BN và tránh cho BN những hậu quả về sau. Vấn đề nan giải mà chúng ta phải đối mặt là thời gian BN bị đau ngực cho tới khi được cấp cứu ở ta kéo dài từ 6-12 tiếng, có trường hợp kéo dài hàng ngày, như vậy lợi ích điều trị của người bệnh bị giảm đi rất nhiều. Ở các nước phát triển họ đã đạt đến trình độ từ lúc có biểu hiện đau ngực đến khi nong được mạch vành là dưới 2 tiếng đồng hồ, mang lại tỷ lệ sống rất cao vì cơ tim lúc đó còn tốt. Để thực hiện được “khung giờ vàng” đó trong điều kiện ở Việt Nam là rất khó, vì vậy trong vòng 6 giờ đầu nếu được can thiệp kịp thời cũng mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên chỉ có khoảng 40% BN được đưa đến BV kịp thời, 60% còn lại là muộn nên nhiều trường hợp không cứu được hoặc có sống cũng dễ bị biến chứng suy tim, rối loạn nhịp và chất lượng cuộc sống giảm sút. Như vậy, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là phải làm thế nào để cộng đồng nhận thức rõ vấn đề này. Phòng mắc bệnh là tốt nhất, nhưng nếu xảy ra thì phải có các biện pháp tổng thể: người bệnh nhận biết bệnh sớm, tuyến cơ sở có các biện pháp xử trí ban đầu kịp thời trước khi thầy thuốc chuyên khoa can thiệp... Những việc làm đó mang lại lợi ích ban đầu rất lớn, hơn là việc chúng ta chỉ chú ý thực hiện được một hay hai kỹ thuật cao tiêu biểu.

Còn nếu đánh giá trên thực tế về kỹ thuật tim mạch can thiệp, chúng ta đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật khó mà các nước tiên tiến và trong khu vực làm được, ví dụ, can thiệp cấp cứu động mạch vành thì đều qua đường động mạch quay, thăm dò siêu âm trong lòng động mạch vành, thay van động mạch chủ qua da, sửa van hai lá qua da, đặt stent graft động mạch chủ... Ngoài ra chúng ta còn có thể thực hiện được một số kỹ thuật mang tính thực tiễn cao, kỹ năng giải quyết hơn họ vì ta phải đối mặt với bệnh đó quá nhiều, thêm nữa là chúng ta phải cố gắng giải quyết nó trong điều kiện nước mình. Chẳng hạn như kỹ thuật nong van hai lá bằng bóng (cho các bệnh nhân bị hẹp van hai lá nặng do thấp tim) chỉ qua đường tĩnh mạch, cải tiến mốc chọc vách liên nhĩ mà BN không phải gây mê, tỉnh táo trong lúc làm thủ thuật, khiến cho thủ thuật có thể tiến hành trong các bệnh cảnh cấp cứu an toàn hơn nếu phải mổ (như khi bệnh nhân hẹp van tim mà đang có thai, trong lúc suy tim nặng...), hoặc các sáng kiến trong can thiệp các bệnh tim bẩm sinh khi dùng dụng cụ bít ống động mạch để bít lỗ thông liên thất đã mang lại hiệu quả cao trong thực tế.

PV: Theo PGS, nguyên nhân đến BV muộn là do suy nghĩ của chính bản thân người bệnh hay vì những lý do khác như bị chậm trễ từ dưới cơ sở?

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Có rất nhiều yếu tố chi phối điều này. Phải nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu ở lứa tuổi này, có những yếu tố nguy cơ nào, triệu chứng nào cảnh báo? Cần phải làm gì? Có sự hỗ trợ thế nào? Thứ hai là trang bị cho tuyến dưới chuyên môn và những phương tiện để chẩn đoán được bệnh, thực hiện được những kỹ thuật cần thiết. Tiếp đến là vấn đề kinh phí, các kỹ thuật can thiệp tim mạch rất tốn kém. Làm sao để BHYT cho toàn dân để người dân được hưởng những kỹ thuật cao, ít nhất có thể thông được mạch vành kịp thời lúc đó. Ở Viện Tim mạch Việt Nam, nếu mọi điều kiện của BN đầy đủ, chúng tôi có thể triển khai từ lúc BN vào viện đến lúc được can thiệp trong vòng 60 phút. Nhưng từ lúc BN có triệu chứng cho đến khi vào được BV thì lại quá lâu, đó là điều đáng tiếc.

PV: Bệnh tim đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Đối tượng nào dễ có nguy cơ mắc bệnh và lời khuyên của PGS làm thế nào để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý tim mạch?

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng: Một người chưa bao giờ có bệnh tim cũng có thể có biến cố tim mạch bất kể lúc nào khiến ảnh hưởng tính mạng hoặc không thì cũng suốt đời mang bệnh tim. Đây là bệnh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc, nhất là khi đời sống ngày càng cao, các yếu tố nguy cơ cũng thay đổi theo hướng bất lợi, phương Tây hóa. Tuổi trung bình bị nhồi máu cơ tim (NMCT) là khoảng 60. Nhưng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị và người trẻ tuổi nhất bị NMCT chúng tôi điều trị là 28 tuổi (BN béo phì và hút thuốc lá rất nhiều). NMCT dưới 40 tuổi xưa ít gặp nhưng nay cũng tăng theo thời gian.

Có thể hoàn toàn phòng tránh được các bệnh lý tim mạch không lây nhiễm (do tăng huyết áp, động mạch vành, động mạch ngoại biên...) bằng việc tự nhận thức, tự phòng ngừa, có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, không hút thuốc lá, tránh rượu bia, tập luyện theo lời khuyên bác sĩ và đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh (nếu có) để có chế độ điều trị phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS! * Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

TPHCM chưa tăng viện phí

Theo kế hoạch từ Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 15/11 đến hết tháng 2/2016 đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế, người chưa có thẻ khi đi khám chữa bệnh vẫn được hưởng giá cũ. Theo đó, việc áp dụng mức giá tính viện phí mới bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù như: Phụ cấp thường trực 24/24, phụ cấp phẫu thuật và thủ thuật. Tuy nhiên, trong ngày 15/11, lãnh đạo các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhân dân 115, Từ Dũ, Hùng Vương, Quận Thủ Đức… cho biết hiện chưa áp dụng giá viện phí mới vì đang chờ ý kiến từ Sở Y tế TPHCM. Hiện các bệnh viện trực thuộc TPHCM vẫn giữ nguyên giá viện phí cũ.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, giai đoạn hai của việc điều chỉnh giá viện phí sẽ được tiến hành từ 1/3/2016. * Tiền phong (trang 6).

Khám, tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Ngày 28-11 tới, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Người dân tới khám sẽ được các bác sĩ của Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản để hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2015 với chủ đề “Không bao giờ là quá muộn”.

Những đối tượng đến khám là người dân trên 40 tuổi và có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: Hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm; Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm; Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; Khó thở nặng dần theo thời gian; Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng. * An ninh thủ đô (trang 4).

Ngành Y tế Thủ đô giai đoạn 2015-2020: Tiếp tục nâng tầm cả lượng và chất

Đầu tư phát triển hệ thống y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn là mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Thủ đô. Trong giai đoạn 2010-2015, thành phố đã đầu tư gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 37 bệnh viện (BV) trên địa bàn, nhờ đó đã tạo nên diện mạo mới, sự "thay da đổi thịt" cho nhiều cơ sở y tế.

Đầu tư xứng tầm

Trước khi được đầu tư, xây dựng, cơ sở vật chất của BV Đa khoa Sóc Sơn trong tình trạng chắp vá, không đồng bộ, không đạt được dây chuyền công năng của một BV đa khoa. Nhờ dự án "Nâng cấp BV Đa khoa Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội" được UBND TP Hà Nội phê duyệt, BV đã có được quy mô 300 giường bệnh với cơ sở vật chất khang trang, điều kiện hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại. Tại các khoa điều trị, phòng ốc rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, đáp ứng tốt yêu cầu khám, điều trị của người dân địa phương cũng như khu vực lân cận. Tương tự, BV Đa khoa Gia Lâm nhờ được xây dựng mới đồng bộ, hoàn chỉnh trên diện tích gần 45.000m2 với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng, gồm 150 giường bệnh cùng với 2 khu kỹ thuật nghiệp vụ 3 tầng, 2 khối điều trị nội trú 5 tầng, khu nhà hành chính, nhà ăn, kho, khoa truyền nhiễm và hệ thống hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước… đã thực hiện tốt vai trò của một cơ sở y tế được nhân dân tin tưởng. Trung bình mỗi ngày, BV tiếp đón khoảng 300 người đến khám, số bệnh nhân điều trị nội trú bình quân 150 người/ngày.

Không chỉ BV Sóc Sơn, Gia Lâm, thời gian qua, nhiều BV của Hà Nội đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại như dự án nâng cấp, mở rộng 11 BV huyện và các BV tuyến thành phố, gồm: BV Đa khoa Xanh Pôn, BV Đống Đa, BV Ung bướu Hà Nội… Đặc biệt, công trình BV Đa khoa Đức Giang là một trong những dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2011-2015, có tổng mức đầu tư 861 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 27.000m2 với 8 tầng, 500 giường bệnh. Cuối tháng 10 vừa qua, dự án xây dựng BV Nhi Hà Nội với tổng mức đầu tư là 784,4 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh đã được khởi công tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Việc xây dựng BV Nhi Hà Nội sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trong thành phố và các tỉnh lân cận; đồng thời đây sẽ là cơ sở để thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học trong việc kết hợp viện - trường, tranh thủ sự hợp tác trong và ngoài nước trên lĩnh vực bệnh học về nhi khoa ngày một tốt hơn.

"Trải thảm đỏ" thu hút nhân tài

Khi đã có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại thì điều quan trọng là làm sao vận hành cơ ngơi đó cho tốt, hiệu quả. Thế nhưng, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, cái khó lớn nhất đối với ngành Y tế chính là con người. Có đất, có tiền là có thể giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị trong một thời gian ngắn, nhưng đào tạo cán bộ y tế thì phải tốn rất nhiều thời gian…

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tại các BV đa khoa tuyến huyện, số lượng cán bộ y tế tương đối đủ, song chất lượng còn hạn chế, số bác sĩ có trình độ sau đại học còn ít, chủ yếu là bác sĩ mới ra trường. Để khắc phục khó khăn không chỉ của riêng Hà Nội này, thành phố đã cử cán bộ y tế từ các BV lớn luân phiên về tăng cường cho tuyến cơ sở, thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ cho tuyến dưới… Từ năm 2013, Sở Y tế đã điều động, luân chuyển 25 cán bộ quản lý cho các đơn vị, thu hút 4 cán bộ từ các đơn vị y tế trung ương về làm quản lý ở các BV thành phố; đồng thời triển khai đề án BV vệ tinh, đề án 1816 và luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh. Năm 2015, ngành y tế Hà Nội đã có 26 đơn vị xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới. Tổng số người thực hiện luân phiên là 64 bác sĩ, 23 điều dưỡng, kỹ thuật viên… Tính đến hết tháng 10-2015, tỷ lệ bác sĩ đã tăng từ 11,8 lên 12,7/10.000 dân, mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ tăng lên 13,5 bác sĩ/10.000 dân. Để làm được điều này, ngành y tế Thủ đô luôn "trải thảm đỏ" mời gọi nhân tài, nhằm thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô còn tập trung cải cách hoạt động của khoa khám bệnh, thực hiện quyết liệt "đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh". Thời gian tới, để nguồn vốn đầu tư trên được vận hành có hiệu quả, tránh lãng phí và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, ngành y tế Hà Nội tiếp tục đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức phục vụ, với mục tiêu cao nhất là làm cho người bệnh hài lòng từ khi bước chân vào cổng BV.  (Hà Nội mới (trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang