TP.HCM diễn tập ứng phó Covid-19 trong dịp tết
Ngày 15.1, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày TP.HCM có 3 ca mắc Covid-19 được báo cáo, 2 ca nhập viện.
Hiện tại các bệnh viện (BV) tại TP.HCM đang tiếp nhận, điều trị 29 ca mắc Covid-19, trong đó có 15 ca cần hỗ trợ hô hấp, 6 ca thở máy.
Theo Sở Y tế, mặc dù hiện ở VN chưa xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của chủng vi rút Omicron như các nước trên thế giới nhưng sự giao lưu, đi lại, thương mại qua biên giới sẽ tăng cao trong dịp nghỉ tết sắp đến, nên nguy cơ xâm nhập của các biến thể phụ là rất lớn. Giải pháp tốt nhất chính là sự chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản trong tình huống xấu nhất khi xuất hiện biến thể phụ mới lây lan nhanh, gây bệnh nặng là trách nhiệm của ngành y tế.
Bên cạnh tổ chức 45 điểm tiêm vắc xin xuyên tết, ngành y tế đã yêu cầu tất cả BV trên địa bàn phải chủ động rà soát, sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác thu dung điều trị trong mọi tình huống. Ngành y tế TP.HCM đảm bảo sẵn sàng kế hoạch triển khai 10.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM đang khẩn trương chuẩn bị diễn tập kích hoạt lại BV dã chiến số 13 khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu; dự kiến sẽ diễn tập thực tế vào ngày 17.1. Tình huống diễn tập là trong khoảng thời gian nghỉ tết (từ ngày 20 - 26.1), Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) xác định tại TP.HCM đã xuất hiện 1 biến thể phụ mới của Omicron. Cũng trong thời gian này, BV Bệnh nhiệt đới và các BV đa khoa có số ca mắc Covid-19 gia tăng (gấp 3 - 4 lần so với thời gian trước đó), hầu hết là có triệu chứng và số ca nặng cần thở ô xy cũng tăng.
Trước tình hình này, Tổ công tác đặc biệt về điều phối người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch của Sở Y tế báo cáo Ban Giám đốc Sở Y tế tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến theo chiều hướng xấu. Khoa Covid-19 của BV Bệnh nhiệt đới đã sử dụng hết 50 giường (trong tổng số 70 giường hồi sức), các khoa/đơn vị điều trị Covid-19 của các BV đa khoa, chuyên khoa của TP.HCM cũng đã sử dụng gần 50% công suất giường bệnh, cho đến thời điểm này chưa có trường hợp nào tử vong.
Trước tình hình này, Ban giám đốc Sở Y tế lập tức triệu tập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế TP.HCM, cuộc họp đã thống nhất báo cáo Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho kích hoạt lại BV dã chiến số 13 để tiếp nhận và điều trị các trường hợp Covid-19 nặng cần hồi sức tích cực. Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã đồng ý và yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo toàn ngành y tế phối hợp để kích hoạt lại BV dã chiến số 13 với quy mô 100 giường hồi sức tích cực trong vòng 24 giờ để tiếp nhận người bệnh nặng. Tùy theo diễn tiến của tình hình dịch bệnh chủ động điều chỉnh quy mô của BV dã chiến số 13 nhằm đảm bảo luôn sẵn sàng tiếp nhận và xử trí hiệu quả người bệnh nặng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do Covid-19 (Thanh niên, trang 4).
15 ngày không ghi nhận ca tử vong vì Covid
Ngày 15/1 Việt Nam ghi nhận 22 ca COVID-19, thấp nhất trong 2 năm qua. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.140 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.480 ca nhiễm).
Số bệnh nhân khỏi bệnh:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 16 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.612.105 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 5 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 1 ca
- ECMO: 0 ca (Tiền phong, trang 4)
Lên phương án kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm
Trước tình hình các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng trong dịp tết, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2023.
Tại công văn này, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo CDC Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh (Covid-19, bạch hầu, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…); giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch, giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời CDC Hà Nội cần tăng cường công tác kiểm dịch y tế quốc tế, kiểm soát hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, vùng có ổ dịch cũ. Chủ động hoàn thiện các phương án phòng chống dịch, chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng chống dịch, sẵn sàng bao vây, khống chế ổ dịch tại cộng đồng. Chỉ đạo chuyên môn các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trong công tác phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng.
Các bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc Sở Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ ân cần, chu đáo phục vụ bệnh nhân. Tăng cường rà soát, xây dựng các phương án phòng chống dịch tại cơ sở khám chữa bệnh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị, làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có). Tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại cộng đồng; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất cho công tác phòng chống dịch tại cộng đồng.
Theo kế hoạch, năm 2023, ngành y tế xác định tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, bao gồm việc bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống; tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại các tuyến; trang bị phương tiện phục vụ hoạt động giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng. Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác điều tra, xử lý dịch.
Ngành y tế Hà Nội cũng chú trọng, duy trì thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới, trong khu vực và các tỉnh, thành trong nước; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19, theo dõi sự biến đổi của SARS-CoV-2 và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài, bao gồm việc khai báo và sàng lọc tiền sử dịch tễ, kiểm tra thân nhiệt… nhằm phát hiện sớm, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống dịch phù hợp ngay từ ban đầu, hạn chế đến mức thấp nhất dịch phát tán ra cộng đồng; sẵn sàng triển khai các biện pháp kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố trong trường hợp cần thiết (Thanh niên, trang 15).
Tăng cường giám sát các biến thể mới của Covid-19
Ngày 15-1, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở trong nước vẫn đang được kiểm soát khi số ca mắc mới hàng ngày ở mức 2 con số. Trong 2 tuần liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận bệnh nhân tử vong do Covid-19. Trong số bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị không có trường hợp nào phải thở máy.
Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn bùng phát các làn sóng dịch bệnh do sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Liên quan tới biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron mới được phát hiện ở Mỹ, Bộ Y tế cho biết, qua các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, biến thể phụ XBB.1.5 là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 ở Mỹ (chiếm tới 41% các ca mắc). Biến thể phụ này đã được phát hiện trên khắp châu Âu, Australia và một số khu vực ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, với biến thể phụ XBB của Omicron mới được ghi nhận ở nước ta, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nêu rõ, đến nay không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể này gây ra. Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực, bao gồm cả các vaccine phòng Covid-19 được WHO phê chuẩn.
Trước các nguy cơ trên, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc Covid-19 nhằm xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, các nơi xuất hiện các biến thể mới; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường; chủ động, phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các bệnh viện có khả năng xác định biến thể mới, lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.
Các đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng cho trẻ em (Sài Gòn giải phóng, trang 7).