Bến Tre: 86 công nhân nhập viện cấp cứu sau bữa ăn trưa
Sau bữa ăn trưa khoảng 1 giờ đồng hồ, 86 công nhân ăn món chay đều bị chung triệu chứng đau bụng, buồn nôn.
Chiều 15.12, bác sĩ Trần Văn Ân - Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho biết, khoảng 13h cùng ngày, khoa cấp cứu bệnh viện Nguyễn Đình đã tiếp nhận 86 công nhân Cty TNHH MTV JY Vina (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) nhập viện cấp cứu.
Một số công nhân cho biết, khoảng 11h30 cùng ngày các công nhân được nghỉ giữa ca và ăn trưa. Sau bữa ăn trưa khoảng 1 giờ đồng hồ, 86 công nhân ăn món chay đều bị chung triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Công nhân cho biết, thực đơn của buổi ăn trưa của các công nhân ăn chay gồm cơm, nấm và đậu hũ.
Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Trí - Phó Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu -các công nhân nhập viện đều có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, huyết áp tăng. Hiện bệnh viện đang tích cực cấp cứu. Bước đầu nghi do ngộ độc thực phẩm.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Giồng Trôm Lê Phát Triển cho biết, sau khi nhập viện, khoảng 15h cùng ngày đã có hơn 50 công nhân xuất viện và trở lại công ty làm việc bình thường. Số công nhân còn lại đang được tiếp tục theo dõi, điều trị.
Ông Lê Phát Triển cho biết thêm, Cty JY Vina chuyên may thú nhồi bông. Hiện Cty có gần 900 CNLĐ. Đây là lần đầu tiên Cty trên xảy ra tình trạng nghi bị ngộ độc thực phẩm (Lao động trang 4).
Người dân TP.HCM bắt đầu 'soi thịt sạch' bằng smartphone
Ngày 15.12, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hôm nay (16.12), TP chính thức áp dụng đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” tại 351 siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Theo ông Hòa, đến thời điểm này đã có 60 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia với khoảng hơn 1.000 trang trại. Sản lượng cung ứng tối đa lên đến 10.000 con/ngày. Bên cạnh đó có 18 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án.
Trang trại, cơ sở giết mổ, hộ kinh doanh thịt sạch... nếu đăng ký tham gia đề án có thể truy cập vào trang web của Sở Công thương (congthuong.hochiminhcity.gov.vn) hoặc trang web của đề án (te-food.com). Người tiêu dùng dễ dàng tải ứng dụng Te-Food miễn phí từ App Store, CH Play hoặc Windows Market trên điện thoại thông minh.
Khi đã tải phần mềm này, người tiêu dùng có thể xác định được điểm bán thịt heo sạch trong phạm vi bán kính 1,5 km; truy xuất được nguồn gốc thịt (Thanh niên trang 2).
Sau khi ăn trưa hơn 120 công nhân nhập viện
Ngày 15/12, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính (TTHC) và giải quyết TTHC trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trung bình hàng năm, đơn vị này tiếp nhận và giải quyết TTHC khoảng 3.000 hồ sơ, trong đó có khoảng 1.400 hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm và 800 hồ sơ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, còn lại là hồ sơ về xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP. Riêng năm 2016, tiếp nhận giải quyết gần 6.000 hồ sơ (Hà nội mới trang 3).
Hưởng ứng ngày Dân số VN - Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành DS-KHHGĐ (26/12/1961- 26/12/2016): Lợi ích “kép” của một mô hình hay
Không chỉ giúp ngành Dân số TPHCM đạt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu đời, cải thiện chất lượng giống nòi, những năm qua, mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn góp phần đảm bảo quyền của trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái từ 15-19 tuổi.
"Mưa dầm thấm lâu"
Đang chạy xe gắn máy nhưng Ngô Đức Tiên, người phụ trách 4 Câu lạc bộ Tiền hôn nhân (CLB THN) thuộc Trường ĐH Kinh tế TPHCM phải dừng xe tấp lề để nghe. Hóa ra đó là cú điện thoại của một cựu sinh viên, người cũng từng sinh hoạt trong CLB THN để hỏi thăm về nơi khám sức khỏe THN vì sắp kết hôn. Vậy là Tiên "làm luôn một lèo" tư vấn các địa chỉ khám sức khỏe THN dành cho nam, dành cho nữ để chàng trai trẻ sắp kết hôn kia lựa chọn phù hợp. Với Tiên, đây là chuyện thường xuyên như “ăn cơm bữa”, bởi tác dụng "mưa dầm thấm lâu" của mô hình CLB THN.
“Các CLB sinh hoạt một lần trong tháng, đề cập chủ yếu đến sự cần thiết của khám sức khỏe THN cho cả nam lẫn nữ. Mỗi CLB có khoảng 50 thành viên, nữ nhiều hơn nam, đều nghe và hiểu lý do tại sao cần thiết, nhưng chi tiết thì khó mà nhớ. Vả lại, thời điểm còn ngồi ghế nhà trường thì chưa dính đến chuyện kết hôn nên nghe vậy, biết vậy rồi để đó thôi. Đến khi ra trường và chuẩn bị kết hôn thì những thành viên này mới quay lại hỏi thăm chi tiết để thực hiện. Qua nhiều năm duy trì CLB THN, số người hỏi chi tiết để khám sức khỏe THN ngày càng nhiều hơn. Không chỉ những cựu thành viên CLB mà còn người thân, bạn bè của họ nữa. Có lẽ những người từng tham gia sinh hoạt CLB THN đã chủ động truyền thông, lan tỏa thông tin về vấn đề này”, Ngô Đức Tiên chia sẻ.
Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM, tính đến hết năm 2015, TPHCM có 265 CLB THN tại 24 quận/huyện, trong đó có Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi và Trường THPT Phú Nhuận, với tổng số thành viên là 7.763 người. Các CLB THN là một phần của mô hình Tư vấn – khám sức khỏe THN mà ngành Dân số cả nước đang nỗ lực thực hiện.
BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông thuộc Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM cho hay: Hoạt động của các CLB THN là một trong những hình thức khá hiệu quả nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết về chăm sóc SKSS -THN để nâng cao chất lượng dân số đối với trẻ trai, trẻ gái vị thành niên (15-19 tuổi) và thanh niên nam nữ chuẩn bị kết hôn. Sinh hoạt tại các CLB THN giúp cả vị thành niên lẫn thanh niên nâng cao kiến thức, nhận thức, có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi về SKSS-THN, đặc biệt là khám sức khoẻ trước khi kết hôn.
Nâng cao chất lượng dân số đầu đời
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, mối quan tâm hàng đầu của ngành Dân số hiện nay chính là nâng cao chất lượng dân số. Trong lĩnh vực của mình, ngành Dân số đảm trách nâng cao chất lượng dân số đầu đời nhằm cải thiện chất lượng giống nòi.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, ngành Dân số đề ra phương án dự phòng 3 cấp: Cấp 1 là tư vấn-khám sức khỏe THN để thanh niên nam nữ sắp kết hôn nhận biết và phòng tránh các rủi ro liên quan đến sức khỏe sinh sản, hạn chế thấp nhất các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái. Cấp 2 là sàng lọc trước sinh, tức là kiểm tra nhằm phát hiện sớm các tật, bệnh của thai nhi để đưa ra các cảnh báo cũng như biện pháp xử lý kịp thời, thỏa đáng. Cấp 3 là sàng lọc sau sinh, tức là kiểm tra tình trạng tật, bệnh của em bé ngay khi chào đời. Nếu thực hiện đầy đủ 3 cấp dự phòng nói trên, ngành Dân số tin rằng chất lượng dân số đầu đời của Việt Nam sẽ nhanh chóng nâng cao và thực tế cũng đã kiểm chứng phương án dự phòng 3 cấp đã mang lại hiệu quả.
Tại TPHCM, số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ cho thấy: Năm 2015, địa phương này dẫn đầu các tỉnh/thành về tỷ lệ sàng lọc trước sinh đối với thai phụ (61,4%) và sàng lọc sơ sinh đối với em bé vừa chào đời (77,67%). Riêng mô hình Tư vấn – khám sức khỏe THN, tức phương án dự phòng cấp 1, hồi năm 2015 chính quyền TPHCM này đã đầu tư thêm 734 triệu đồng từ ngân sách địa phương (cộng với 88 triệu đồng từ ngân sách Trung ương) để Chi cục DS-KHHGĐ triển khai hoạt động. Nhờ nguồn lực này cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị trên toàn địa bàn, mô hình Tư vấn – khám sức khỏe THN đã gặt hái nhiều thành quả, góp phần gia tăng số lượng người tham gia sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, đảm bảo hiệu quả của phương án dự phòng 3 cấp để nâng cao chất lượng dân số đầu đời.
Ý nghĩa nhân văn
Trong năm 2016, chính quyền TPHCM đã đầu tư 760,2 triệu đồng cùng với ngân sách Trung ương 88 triệu đồng, giúp Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động của mô hình Tư vấn- khám sức khỏe THN.
Không chỉ giúp phương án dự phòng 3 cấp đạt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đầu đời, mô hình Tư vấn – khám sức khỏe THN của ngành Dân số còn là một trong số ít giải pháp đảm bảo quyền lợi của trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái từ 15-19 tuổi.
Trong mô hình Tư vấn – khám sức khỏe THN, một nội dung quan trọng được ngành Dân số cả nước thực hiện là tư vấn và khám sức khỏe sinh sản đối với trẻ vị thành niên, tức là đảm bảo quyền được chăm lo và bảo vệ đối với trẻ em gái vị thành niên. Trong một tài liệu được phát hành bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) với chủ đề “Tuổi vị thành niên: Tuổi của cơ hội”, đã đề cập đến quyền của trẻ vị thành niên, bao gồm y tế, giáo dục, được bảo vệ và được tham gia mọi hoạt động trong đời sống với cơ hội ngang bằng về giới (Gia đình & xã hội trang 6).