Sự quá tải đáng mừng ở một bệnh viện tuyến tỉnh
Trực thuộc sự quản lý của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bệnh viện Bà Rịa có một cơ ngơi khang trang, hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam bộ nhưng ít ai nghĩ BV Bà Rịa cũng đã bắt đầu quá tải. Điều đó cho thấy sự tin cậy của người dân địa phương đối với một BV đa khoa tuyến tỉnh và qua đó góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên ở TPHCM…(Sài Gòn giải phóng, trang 6)
Từ vụ 7 người chết do ngộ độc ở Lai Châu: Thần chết đến từ rượu chứa methanol
Dư luận cả nước đang bàng hoàng, xót xa và bày tỏ sự quan tâm với vụ việc hàng chục người ngộ độc, 7 người tử vong sau những bữa ăn có uống rượu tại một đám tang hoom13.2 ở huyện Phong Thổ, Lai Châu. Nguyên nhân vụ việc bước đầu được xác đinh là do trong rượu có chứa methanol (cồn công nghiệp). Điều hết sức nguy hại là chỉ cần uống 2-3 chén rượu có chứa methanol là người ta có nguy cơ hôn mê, tụt huyết áp, trụy mạch, mù mắt và tử vong…(Nông thôn ngày nay, trang 2)
Cùng chủ đề bài viết còn có những tin, bài sau:
Lao Động (trang 1): Báo động đỏ về an toàn thực phẩm: Trách nhiệm các bộ, ngành ở đâu:
An ninh thủ đô (trang 8): Bữa cỗ khiến 7 người chết: Ngộ độc do rượu cồn công nghiệp
Công an nhân dân (trang 2): Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng nhiều lần
Tiền phong (trang 6): Ngộ độc nghiêm trọng, nên xử lý hình sự
Vợ tử vong, chồng tố bệnh viện tắc trách
Phản ánh với Báo NTNN, ông Võ Tấn Châu (ngụ ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) cho biết đang gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý một số bác sĩ bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM tắc trách dẫn đến việc vợ ông (bà Nguyễn Thị Loan) tử vong khi điều trị tại bệnh viện này…(Nông thôn ngày nay, trang 6)
Mỹ phẩm giả, kém chất lượng tràn lan: Nguy cơ người tiêu dùng rước họa vào thân
Ngày 13.2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 30 loại mỹ phẩm do không đạt chất lượng. Thực trạng này dẫn tới người tiêu dùng rất dễ mua phải mỹ phẩm dỏm trên thị trường gây ảnh hưởng tới sức khỏe…(Lao Động, trang 3)
Tiêm bổ sung vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em vùng nguy cơ cao
Ngày 15-2, PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, trong năm 2017-2018, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai đợt tiêm bổ sung vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi ở 28 huyện thuộc 16 tỉnh vùng nguy cơ cao. Những trẻ thuộc đối tượng sẽ được tiêm ba mũi với ba vòng tiêm, trong đó vòng hai cách vòng thứ nhất một đến hai tuần và vòng thứ ba cách vòng thứ hai một năm. Dự kiến có tổng số gần 178 nghìn trẻ sẽ được tiêm trong đợt này, đây là những trường hợp chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin này.(Nhân dân, trang 5; Thanh niên, trang 2)
Nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm
Đó là cảnh báo được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch khu vực phía bắc diễn ra ngày 15-2 ở Hà Nội. Các dịch bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, liên cầu lợn, viêm não vi-rút… vẫn là thách thức trong việc giảm số người mắc và tử vong; các bệnh có vắc-xin phòng bệnh vẫn ghi nhận rải rác các ca mắc, có thể xảy ra các ổ dịch tại nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Nhiều dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm gia cầm, Ebola, MERS - CoV.
Theo Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, tại nước ta hiện có nhiều loại dịch bệnh đang lưu hành như: bệnh do vi- rút Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, bệnh dại, sốt rét, liên cầu lợn… Dù các dịch cúm gia cầm A(H5N1), A(H7N9), A(H5N6) không ghi nhận ca mắc, nhưng dịch cúm mùa vẫn lưu hành rộng rãi với ba chủng cúm A(H3N3), A(H1N1) và cúm B…(Nhân dân, trang 5)
Xác minh thông tin bác sĩ đòi chi hoa hồng
Ngày 15-2, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm rõ thông tin về trường hợp một bác sĩ của Bệnh viện Quận 5 móc nối với công ty dược nhận "hoa hồng" và kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Bệnh viện Quận 5 khẩn trương xác minh sự việc nêu trên; nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm) và có các biện pháp để giám sát, quản lý tình trạng này. Sở Y tế công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông.(Nhân dân, trang 5; Công an nhân dân, trang 2)
Không chờ dịch mới lo ứng phó
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều dịch bệnh do vi rút, vi khuẩn đang lưu hành như: Cúm, Zika, sốt xuất huyết, tay chân miệng (TCM), bệnh dại, liên cầu khuẩn lợn, sốt rét, viêm não Nhật Bản… vẫn đang là thách thức đối với việc giảm số người mắc và tử vong ở nước ta. Vì vậy, nhiệm vụ của các địa phương là phải tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh thường xuyên, không chờ dịch đến mới lo ứng phó…(Hà Nội mới, trang 7)
81 người ở Hà Giang nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
Vụ ngộ độc tập thể xảy ra sau khi người dân cùng tham dự một bữa cỗ được tổ chức với khoảng 25 mâm tại Hà Giang.
Ông Nguyễn Như Chưởng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cho hay đến tối 15-2, đã có 81 người ở xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì và lân cận vào Bệnh viện huyện và trạm y tế xã điều trị vì ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Chưởng, vụ việc xảy ra sau khi người dân tham dự một bữa cỗ 25 mâm hôm 13-2.
Sau khi ăn cỗ lúc 10h thì đến 12h cùng ngày, đã xuất hiện người bị ngộ độc thực phẩm đầu tiên với các dấu hiệu đau bụng, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy. Số người nhập viện đông dần và đến chiều tối 15-2, số người ngộ độc và nghi ngộ độc lên tới 81 người.
Cũng theo ông Chưởng, hiện sức khỏe tất cả người bị ngộ độc đều chuyển biến khá hơn, không có trường hợp nào có nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn xảy ra lần thứ 2 trong tuần này (sau vụ ở Lai Châu).(Tuổi trẻ, trang 2)
Ăn món “ĐỘC” coi chừng ngộ độc!
Nhiều món ăn được xem "độc, lạ" nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao, thậm chí dẫn đến tử vong, vẫn được nhiều người, đặc biệt dân nhậu, vô tư dùng.
Sành ăn nên… ngộ độc !
Cuối năm 2016, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận một vụ ngộ độc “sơn hào hải vị” tập thể. 4 nạn nhân Đ.Q.Q (30 tuổi), H.V.H (29 tuổi), N.V.T (29 tuổi) và H.T.P (59 tuổi, đều ngụ H.Cần Đước, Long An)… nhập viện trong tình trạng tê tay chân, tê lưỡi, được bác sĩ xác định bị ngộ độc do ăn so biển có độc tố.
Bệnh nhân Đ.Q.Q kể, ông được người bạn cho 10 con so, nhưng cứ tưởng là con sam nên đem cho ông P. 2 con, 8 con còn lại thì thả đi. Ông P. mang về luộc, nướng rồi quay lại nhà ông Q. “chiến” cùng 3 bạn nhậu. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 4 bắt đầu tê lưỡi, tay chân, không đi lại được nên gia đình đưa đi cấp cứu.
Trước đó, khi 6 người ở H.Cần Giờ (TP.HCM) tụ tập nhậu thì một người trong bàn “góp vui” bằng 2 con so biển. Nhầm tưởng là sam nên 4 người “sành ăn” trong bàn quyết định làm thịt. Chỉ một lát sau, có 3 người phải nhập viện vào BV Nhân dân 115 cấp cứu. Một bệnh nhân thật thà: “Tôi chỉ ăn mấy cái que (chân) và trứng thôi nhưng không biết sao lại ngộ độc nặng nhất?”. Lúc nghe bác sĩ giải thích là độc tố tập trung trong trứng so biển thì bệnh nhân mới té ngửa vì mình ăn trúng phần thuộc diện khó chữa nhất.
Không chỉ ngộ độc so biển, một bác sĩ BV Nhân dân 115 cho biết ông từng cấp cứu rất nhiều ca ngộ độc cá nóc từ các tỉnh chuyển lên, mà đa số bệnh nhân là dân biển, rất sành ăn cá. Có lần ông hỏi một bệnh nhân: Sao biết cá nóc có độc mà vẫn ăn, thì người này trả lời tỉnh rụi: “Ngon lắm, do làm không kỹ đó thôi!”.
Chưa có thuốc giải độc
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, tại một số địa phương vùng biển của VN vẫn ghi nhận các trường hợp ngộ độc do sử dụng thịt so biển để làm thức ăn mặc dù so biển chứa độc tố gây ngộ độc rất nghiêm trọng. Sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. So có hình dáng rất giống sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn sam và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn.
Trong so biển có độc tố tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc), tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại), là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp. Hiện nay chưa có thuốc giải độc.
Tetrodotoxin là chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao, chất này cũng được phân lập từ một số loại vi khuẩn như: Epiphytic bacterium, Vibrio species, Pseudomonas species; có ở da và nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh, cóc, cá nóc… “Người dân cần có kiến thức phân biệt sam biển và so biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào”, Cục ATTP khuyến cáo.
Cục ATTP cũng lưu ý nhiều nơi còn sử dụng côn trùng làm thức ăn (ví dụ như nhộng), tuy nhiên côn trùng cũng có thể gây dị ứng tùy thuộc cơ địa từng người. Với côn trùng bắt ngoài tự nhiên, trên thân của chúng có thể đã bị nhiễm nấm độc, nhiễm ký sinh trùng (giun tròn, rận, ve...). Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong; đặc biệt, không được ăn tái sống.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết ngộ độc thức ăn có 2 dạng: nhẹ thì ói, mệt, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu; còn nặng sẽ làm run tay chân, chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, sau đó đi vào sốt nhanh, hôn mê…
Theo TS-BS Hùng, BV hay gặp các trường hợp ngộ độc thức ăn những loại như: nấm độc, so biển, các loại côn trùng… Có trường hợp cả gia đình ở Đắk Lắk cùng nhập viện sau khi uống... mật nưa vì nghĩ là mật trăn (!), trong đó có ký sinh trùng gây độc. Ở vùng ĐBSCL, nhiều người hay bị ngộ độc nhộng ve sầu nhiễm ký sinh trùng...
“Việc điều trị ngộ độc các loại thức ăn “độc, lạ” này hiện chưa có thuốc giải độc cấp thời, chỉ điều trị triệu chứng cho ổn định, đôi khi phải đặt máy tạo nhịp tim với bệnh nhân nặng”, BS Hùng nói và khuyến cáo: “Ăn phải biết nguồn gốc thực phẩm, nhất là rau lạ, nấm lạ, côn trùng lạ. Cho dù các loại thức ăn đã biết rõ nhưng cần lựa chọn đồ tươi sống, rửa kỹ, nấu chín mới dùng và không ăn đồ ăn ôi thiu”.
Phù nề não do ăn ốc ma
BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cũng cấp cứu rất nhiều trường hợp ăn ốc ma (một loại ốc sên hay bò quanh vườn nhà). Bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng lơ mơ, hôn mê, có người sống thực vật.
Cùng ăn ốc ma và cùng nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh là bệnh nhân H.V.N và L.T.Đ (trọ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Trong một chiều tối mưa hai ông ngồi nhậu, khi hết mồi thấy có 2 con ốc ma bò vào sân nên cả hai liền bắt, làm mồi nhắm. Con đầu tiên ông N. ăn phần đầu, ông Đ. ăn phần đuôi. Đến con thứ 2 chia nhau ngược lại. Sau khi ăn xong, cả hai đều có biểu hiện nhức đầu, sốt và ói mửa, đến lúc chịu không nổi thì gia đình vội đưa đi BV cấp cứu. Các ông đã điều trị ở 3 BV, cuối cùng được chuyển đến Khoa Nhiễm Việt - Anh, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) trong tình trạng hôn mê, thở máy. Các bác sĩ cho biết 2 bệnh nhân này bị nhiễm ký sinh trùng làm viêm màng não, phù nề! (Thanh niên, trang 3)
Cứu sống nam thanh niên bị ngừng tim đột ngột
Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho biết, đã cứu sống bệnh nhân Sằm Văn T. (39 tuổi ở Vị Xuyên, Hà Giang) bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sau hơn 6 giờ ngừng tuần hoàn. Đây là một trong những trường hợp ngừng tim được cứu sống ngoạn mục nhờ kỹ thuật này.
Bệnh nhân Sằm Văn T. được BV Đa khoa huyện Vị Xuyên chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) lúc 4h40 sáng 9-2 với chẩn đoán hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn. Sau gần 6 tiếng di chuyển ngay trong đêm, bệnh nhân được hồi sức tích cực và được chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.
Là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Tấn Đạt, Khoa Cấp cứu A9 cho biết, đây là trường hợp được cứu sống hy hữu. Khi nhập viện bệnh nhân được tiên lượng rất xấu do hôn mê sâu, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài. Việc áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống mức 33-36 độ C (ở người bình thường thân nhiệt là 36,5 - 37 độ) giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ ôxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất ôxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan.
Sau đó, máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để hỗ trợ tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường... Sau 3 ngày kết thúc liệu trình điều trị, bệnh nhân đã có thể tự thở, có ý thức, nhận ra được người thân. Sau 4 ngày, bệnh nhân đã có thể giao tiếp, sức khỏe ổn định.(Hà Nội mới, trang 7)