Kiểm soát không để dịch bạch hầu vào TPHCM
Đã có 55 ca nghi nhiễm bạch hầu. Bình Phước cơ bản khống chế được vùng dịch. TP.HCM đang triển khai các biện pháp phòng lây lan.
Ổ dịch bạch hầu bùng phát tại tỉnh Bình Phước. Hiện tại, đã có ba bệnh nhân được chuyển vào TP.HCM điều trị.
Bạch hầu là bệnh dễ lây lan qua không khí, nhất là những vùng dân cư đông đúc, giao lưu đi lại thường xuyên.
Trước tình hình trên, ngày 15-7, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết nhằm hạn chế lây lan và không có cơ hội cho dịch bạch hầu vào thành phố, Sở thực hiện nhiều biện pháp.
Thứ nhất, truyền thông cho người dân hiểu biết về vấn đề phòng, chống bạch hầu nhằm nâng cao kiến thức, không gây hoang mang trong người dân. Cụ thể, trong ngày 15-7, Sở bắt đầu cho truyền thông bệnh bạch hầu để người dân được biết trên các trang web của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM (T4G)...
Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng rà soát lại tất cả tỉ lệ tiêm chủng, đặc biệt là những mũi tiêm cơ bản cũng như các mũi tiêm nhắc lại về bệnh bạch hầu. Nếu phát hiện ra nơi nào tỉ lệ tiêm chủng còn thấp, phải lập tức tăng cường tiêm chủng ngay trên địa bàn đó.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo cho các quận, huyện, nhất là các bệnh viện có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu điều trị như Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy phải chuẩn bị thuốc men, thuốc kháng độc tố bạch hầu để không rơi vào tình trạng bị động.
Cuối cùng, Sở Y tế TP.HCM giao cho các bệnh viện, các khối y tế dự phòng tăng cường giám sát các bệnh nhân đến khám, cũng như giám sát tại cộng đồng, giám sát tại các trung tâm y tế phường, xã. Đồng thời BV Bệnh nhiệt đới đã tập huấn cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
“Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến cho các tỉnh phía Nam để hỗ trợ các bệnh viện trong công tác điều trị. Nếu tình hình cần thiết sẽ mở rộng tập huấn cho các bệnh viện TP cũng như các bệnh viện đa khoa quận, huyện nắm vững kiến thức” - ông Hưng cho biết.
Riêng về phía Viện Pasteur TP.HCM, qua điều tra dịch tễ và cuộc họp với Sở Y tế tỉnh Bình Phước những ngày qua, PGS-TS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur) đánh giá Bình Phước đã nhanh chóng và kịp trong ứng phó với tình hình dịch tại địa phương. Tuy nhiên, cần phải chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch thời điểm sắp tới.
Ông Lân đã đề nghị các lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước tăng cường diệt khuẩn khu vực ổ dịch, uống kháng sinh dự phòng trong cộng đồng, tiêm chủng vaccine nhằm cố gắng dập dịch trong thời gian sớm nhất. Ngày hôm qua, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã cử cán bộ của viện nằm vùng ở Bình Phước để giúp đỡ, tạo cầu nối trong các vấn đề chuyên môn. (* Pháp luật TPHCM (trang 1))
Tàu bệnh viện Hoa Kỳ và Nhật Bản cập cảng Đà Nẵng
Ngày 15-7, 2 tàu bệnh viện là USNS Mercy (T-AH 19) của Hải quân Mỹ và tàu bệnh viện của Hải quân Nhật Bản JSDS Shimokita (LST-4002) đã cập cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng bắt đầu chương trình đối tác Thái Bình Dương 2016 (PP16).
Năm nay, Tàu bệnh viện Khánh Hòa của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng sẽ tham gia. Đây là lần thứ 3 PP16 diễn ra tại TP Đà Nẵng và lần thứ 7 trong vòng 11 năm sự kiện này đã diễn ra tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Chương trình đối tác Thái Bình Dương (Pacific Partnership-PP) là chương trình huấn luyện hỗ trợ nhân đạo đa quốc gia được thực hiện hàng năm tại khu vực châu Á và châu Đại Dương do Chính phủ Mỹ khởi xướng với sự tham gia tích cực của các nước trên thế giới.
Tham dự các sự kiện năm nay có đại diện của nhiều quốc gia đối tác, bao gồm Úc, Canada, Indonesia, Nhật bản, Malaysia, New Zealand, Palau, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Timor Leste, Vương Quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam, với mục tiêu tăng cường ứng phó thảm họa ở các quốc gia khu vực.
Trong thời gian ở Việt Nam, đội ngũ cán bộ PP16 sẽ làm việc trực tiếp cùng các cán bộ y tế dân sự Việt Nam, chào xã giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, tham gia vào các dự án xây dựng dân sự, trao đổi chuyên môn với các cán bộ quân y trên tàu bệnh viện Khánh Hòa, cũng như tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Ngoài ra, Thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Giải Bóng đá cho Người nước ngoài tại Đà Nẵng với sự tham gia của hai đội bóng PP16 của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Nhằm tiếp tục tăng cường năng lực ứng phó và xử lý khủng hoảng như PP15, đội ngũ cán bộ PP16 và đội ngũ cán bộ phía Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo 7 ngày về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), kết thúc bằng một cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng.
Nội dung cuộc diễn tập bao gồm: công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải.
Ngoài ra, các đối tác Việt Nam, cùng với Hải quân Hoa Kỳ, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ tham gia hoàn thiện việc nâng cấp Trường tiểu học Hòa Phú, Trạm Y tế Chính Gián, Trường Mầm non Rạng Đông và Trường Chuyên biệt Tương Lai. Ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương sẽ biểu diễn tại đường Bạch Đằng và Công viên Biển Đông, và cán bộ PP16 sẽ tham gia đào tạo kỹ năng cứu hộ và giảng dạy các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho cộng đồng tại Đà Nẵng. (* Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Pháp luật TPHCM (trang 1))
Bình Phước: Công bô dịch bạch hầu quy mô cấp huyện
Ngày 15.7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Huỳnh Thị Hằng đã ký Quyết định số 1954/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Địa điểm xảy ra dịch tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú của huyện Đồng Phú. Bệnh do vi khuẩn bạch hầu gây ra, lây truyền qua đường hô hấp, là bệnh dịch nguy hiểm.
Theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, từ ngày 24.6 đến 15.7, tại xã Thuận Lợi và Thuận Phú đã ghi nhận 48 ca nghi nhiễm bạch hầu, với các triệu chứng như viêm amydal, viêm họng. Trong 48 ca nghi nhiễm bạch hầu, có 3 ca tử vong (2 ca ở xã Thuận Lợi, 1 ca ở xã Thuận Phú), 6 ca đã xuất viện, 39 ca đang điều trị tại bệnh viện các tuyến và tại Trạm y tế xã Thuận Lợi.
Khi công bố dịch bạch hầu quy mô cấp huyện, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh thực hiện giám sát chặt chẽ ca bệnh hằng ngày, lấy mẫu xét nghiệm; xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân bằng phun dung dịch khử khuẩn, uống thuốc kháng sinh dự phòng; tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ dưới 1 tuổi đến 25 tuổi. UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các cơ sở y tế từ tuyến xã, Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện ngành, bệnh viện quân dân y kịp thời tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân từ vùng dịch.
Trước đó, ngày 14.7, Tỉnh ủy Bình Phước đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có liên quan khẩn trương, chủ động thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống, khống chế ổ bệnh bạch hầu trên địa bàn 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú. Trong văn bản chỉ đạo, Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để nhằm tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng và giảm đến mức thấp nhất số người mắc mới, số người tử vong. Đặc biệt, Sở Y tế chủ động dự phòng đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất cần thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, phối hợp tổ chức tiêm vắcxin phòng bệnh cho người dân.
Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho biết: Qua thực hiện xét nghiệm nuôi cấy tìm vi khuẩn bạch hầu trên 36 mẫu ngoáy họng, kết quả có 4 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu và là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Viện khuyến cáo có khả năng xuất hiện ca mắc mới trong thời gian tới nếu không được kiểm soát hiệu quả và kịp thời. (* Lao động (trang 3))
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 3: “Bình Phước công bố dịch bạch hầu”
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề sản xuất bún ở Quảng Trị
Các làng nghề sản xuất bún trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình ở địa phương. Tuy nhiên, cũng chính tại các làng nghề này, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Sống chung ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề sản xuất bún xảy ra phổ biến như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ồn và nóng. Vì vậy, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, đường ruột, ngoài da cao hơn các làng thuần nông. Những dòng sông chảy qua các làng nghề hiện nay đang bị ô nhiễm nặng; nhiều ruộng lúa, cây trồng bị giảm năng suất do nước thải từ các cơ sở sản xuất bún...
Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 250 hộ gia đình làm nghề sản xuất bún, tập trung chủ yếu tại ba làng nghề là: Linh Chiểu, Thượng Trạch, xã Triệu Sơn (Triệu Phong) và làng Cẩm Thạch, xã Cam An (Cam Lộ). Duy trì và phát triển nghề làm bún vừa góp phần nâng cao đời sống cho người dân, vừa giữ gìn nghề truyền thống ở địa phương. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho nên hiện nay, cả ba làng nghề kể trên đều bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng trăm mét khối nước thải xả trực tiếp ra vườn nhà, kênh, mương, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chị Trần Thị Thu, ở thôn Cẩm Thạch, xã Cam An (Cam Lộ), chủ cơ sở sản xuất bún cho biết: Mỗi ngày gia đình sản xuất khoảng 300 kg bún nhưng nan giải nhất là hệ thống xử lý nước thải, vì không biết thoát vào đâu, đành phải thải ra vườn nhà… Hàng xóm nhiều lần phàn nàn cho nên cách đây hai năm, gia đình chị đầu tư đường ống nhựa dài hơn 200 m để xả nước thải ra xa khu dân cư và xây hệ thống bi-ô-ga xử lý. Tuy nhiên, do lượng nước thải quá lớn, cho nên vẫn gây ô nhiễm môi trường chung quanh.
Nhiều năm qua, gần 700 hộ dân ở hai thôn Linh Chiểu và Thượng Trạch (Triệu Sơn) phải sống chung tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất bún. Nguồn nước nhiễm bẩn không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người dân mà còn làm cho hơn 10ha trồng lúa phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, giá trị kinh tế thấp và một số diện tích phải bỏ hoang. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Linh Chiểu (Triệu Sơn) bức xúc nói: “Họ làm bún bán nâng cao thu nhập gia đình, còn người dân chúng tôi thì phải chịu đựng mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe”.
Ông Phan Văn Trinh, ở thôn Thượng Trạch (Triệu Sơn) cho biết: “Trong thôn mùi hôi từ nước thải do sản xuất bún bốc lên không chịu nổi, nếu ở nhà thì phải đóng cửa cả ngày. Khách đến chơi hay con cái ở xa về đều nhận xét, ở đây ô nhiễm nặng, nhất là không khí”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Nguyễn Triều Thương thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ quá trình sản xuất bún tại hai làng nghề Linh Chiểu và Thượng Trạch như phản ánh nêu trên là đúng. Thời gian qua, địa phương đã có những giải pháp thiết thực cùng các hộ gia đình xây dựng phương án xử lý nước thải ra môi trường như bể lắng, hầm bi-ô-ga nhằm hạn chế việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường và không khí, tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết được triệt để.
Sớm xây dựng điểm công nghiệp làng nghề tập trung
Hiện, toàn xã Triệu Sơn có hơn 25 hệ thống máy chế biến bún, với công suất 600 kg/ngày. Trong năm 2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn”, với kinh phí hơn bảy tỷ đồng, tạo nơi sản xuất cách xa khu dân cư cho 30 hộ gia đình làm bún. Tuy nhiên, sau khi giải phóng mặt bằng, dự án đã phải dừng lại do thiếu vốn, vì vậy, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề lại tiếp tục kéo dài.
Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn Phan Vọng: “Tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương rất nghiêm trọng do nước thải trong quá trình sản xuất bún chưa được xử lý. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường thì cần vốn đầu tư lớn, trong khi đó, địa phương lại không đủ khả năng. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm đầu tư và có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, nhưng chưa được xem xét giải quyết”.
Phó Chủ tịch HĐND xã Cam An Nguyễn Văn Cẩm cho hay, toàn thôn Cẩm Thạch hiện có 40 hộ sản xuất bún, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, người dân trong thôn đều bức xúc trước thực trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ các hộ gia đình sản xuất bún gây ra. Năm 2014, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức khảo sát, thiết kế hệ thống xử lý nước thải của làng nghề, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trường Khoa cho biết: “Với chức năng quản lý của mình, chúng tôi sẽ phối hợp chính quyền địa phương và nhân dân hai huyện Triệu Phong và Cam Lộ cùng các ngành liên quan có giải pháp thích hợp để thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nói chung cũng như tiêu chí môi trường trong các làng nghề nói riêng. Lộ trình mà chúng tôi đề ra là giải quyết trong thời gian sớm nhất để vừa giúp người dân ổn định sản xuất, vừa không gây ảnh hưởng đến những người chung quanh”.
Để bảo đảm duy trì các làng nghề sản xuất bún một cách bền vững, đồng thời trả lại môi trường trong lành cho các hộ dân, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để các hộ sản xuất bún quan tâm hơn đến việc xử lý chất thải của gia đình mình. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành các dự án xây dựng làng nghề sản xuất bún tập trung, vừa tránh lãng phí, vừa bảo đảm việc sản xuất cũng như sinh hoạt cho người dân tại các làng nghề. (* Nhân dân (trang 4))
Phấn đấu 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình bác sĩ gia đình
Ngày 15-7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016 - 2020. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cùng đại diện nhiều bộ, ngành.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, đến tháng 6-2016, cả nước có 336 phòng khám BSGĐ được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó có 234 phòng khám BSGĐ công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế. Mặc dù mới thành lập, các phòng khám BSGĐ đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục…
Kết quả hoạt động của các phòng khám BSGĐ tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới là cơ sở để ngành y tế xây dựng và triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình phòng khám BSGĐ trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám BSGĐ: trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám BSGĐ tư nhân, phòng khám BSGĐ thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phòng khám BSGĐ là mô hình hay trên thế giới và chủ trương phát triển mô hình này tại nước ta là đúng đắn. Tuy nhiên, việc triển khai nhân rộng còn vướng mắc và chưa thông suốt, chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Vì vậy, để đạt kế hoạch đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc để từ đó phát huy được những thế mạnh của mô hình BSGĐ. Trong đó, quan trọng nhất hiện nay là xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để y tế cơ sở nói chung và mô hình BSGĐ nói riêng hoạt động hiệu quả hơn nữa, nhưng không tác động xấu đến quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trạm y tế cơ sở… (* Nhân dân (trang 8))
Cũng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 5: “Phát triển mô hình khám bác sĩ gia đình”
Việt Nam tổn thất 140 triệu USD/năm do vi phạm an toàn VSTP
Ngày 15-7, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, Tổ chức FAO và Ngân hàng Argribank tổ chức hội thảo "Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp".
Thông tin tại hội thảo cho biết, trong 6 tháng đầu năm, qua giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản của Bộ NN&PTNT cho thấy, 4,2% mẫu rau nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, 10,9% mẫu thịt có nhiễm vi sinh, hóa chất, chất cấm, 1,4% mẫu thủy sản nhiễm kháng sinh, chất cấm.
Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng mỗi năm bị trả về nhiều sản phẩm từ gạo, cà phê, thủy sản… vì vi phạm các quy định về chất lượng ATTP, dẫn tới tổn thất 140 triệu USD/năm. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 100.000 tấn hóa chất thuốc bảo vệ thực vật với hơn 5.000 loại khiến cho các ngành chức năng khó kiểm soát... (* Hà Nội (trang 5))
Khánh Hòa: 119 du khách ngộ độc thực phẩm vì món tôm hấp nhiễm vi khuẩn cao gấp 550 lần cho phép
Ngày 15.7, thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả xét nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh từ 7 mẫu thức ăn được lưu tại bếp của Nhà hàng Four Seasons (đường Trần Phú, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cho thấy, món tôm hấp dừa bị nhiễm vi khuẩn Clostridium perfringens cao gấp 550 lần cho phép (5,6x102 CFU/g, trong khi giới hạn cho phép là 10 CFU/g). Và đây chính là nguyên nhân khiến 119 nhân viên của Cty CP bất động sản Thế Kỷ (Tập đoàn bất động sản CEN Group) bị ngộ độc phải nhập viện sau khi ăn trước đó vài giờ.
Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa, “Vi khuẩn Clostridium perfringens rất phổ biến, kị khí và vẫn có thể sống sót khi thực phẩm được nấu ở nhiệt độ 16 đến 52 độ C. Người bị nhiễm vi khuẩn C. perfringens có thể bị tiêu chảy trong vòng 8 đến 16 giờ sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm C. perfringens phần lớn là do thực phẩm nấu chưa chín”
Ngay khi có kết quả kiểm nghiệm, xác định được nguyên nhân ngộ độc, Chi cục đã tiến hành thu hồi tạm thời giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà hàng Four Seasons; yêu cầu nhà hàng dừng hoạt động để tổng vệ sinh khu vực sơ chế, chế biến, các kho thực phẩm; tổng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; xét nghiệm, kiểm tra nguồn nước dùng để sơ chế, chế biến. Đồng thời sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với nhà hàng.
Trước đó, lúc 19h30 ngày 9.7, nhà hàng Four Seasons đã thực hiện 700 suất ăn cùng một thực đơn các món: súp hải sản, cua sốt Singapore, tôm hấp dừa, giò heo...phục vụ nhân viên của công ty Cổ phần Bất động sản thế kỷ đi du lịch tại Nha Trang. Bữa ăn từ 19h -23h, ngày 10.7 và sáng 11.7 có 119 người trong đoàn nhập viện với các triệu chứng: buồn nôn, tiêu chảy...
Đại diện nhà hàng Four Seasons khẳng định, sẽ chịu trách nhiệm nếu khách bị ngộ độc do ăn thức ăn tại đây. (* Lao đồng (trang 3))
Hai câu chuyện giàu cảm xúc nhân văn
Là một người thích đọc báo, nhưng thú thật có nhiều lúc tôi ngại phải cầm đến tờ báo mỗi sáng vì sợ phải đọc những bản tin về khủng bố, tai nạn; sợ phải tiếp tục theo dõi những vụ xả thải, đầu độc, đâm tàu; sợ phải đọc những phát ngôn vô trách nhiệm, vô cảm đến tàn nhẫn...
Và tôi cũng có không ít bạn bè chọn cách giống mình: tự nhắm mắt, bịt tai mong giữ yên bình cho mình mỗi sáng...
Có lẽ những người làm báo cũng biết điều đó. Sáng 16-7, giữa ngổn ngang những bản tin đau thắt về khủng bố, bất an về đảo chính, phẫn nộ về Formosa “chạy” chất thải, Tuổi Trẻ chạy hàng chữ lớn ngay trang 1: “2 câu chuyện giàu cảm xúc nhân văn”.
Liếc qua, tôi biết đó không chỉ là tít của một bài báo mà còn là lời trấn an, nhắn gửi của người làm báo đến những độc giả thường tức ngực khi đọc báo như tôi: “Hãy yên tâm với tờ báo này”. Và tôi cầm báo lên đọc.
Câu chuyện về vị bác sĩ mặc áo blouse, đeo bảng tên, cầm bảng quyên góp giữa chợ để giúp bệnh nhân mình thật khiến giọt nước mắt muốn dâng lên.
Câu chuyện về người thầy giáo vật lộn với sóng gió, với chính sinh mạng mình để đến Hoàng Sa, lấy trải nghiệm làm tư liệu giảng bài về chủ quyền đất nước, đời sống ngư dân, lấy sự dấn thân làm minh chứng cho tình yêu nước để truyền cho học trò khiến tim ta đập mạnh hơn trong niềm cảm phục.
Dẫu đã biết, đã nghe trên mạng, nhưng một lần nữa được đọc tường tận, nhiều góc độ trên tờ báo vẫn thêm một lần nữa rưng rưng.
Cũng trong ngày này, tôi đọc thêm được tin bé Yến Nhi, 14 tháng tuổi ở Lào Cai, mới đây gây xôn xao trên mạng vì chỉ nặng 3,5kg, thân hình da bọc xương, nhăn nheo đen sạm..., nay đã hồng hào, bụ bẫm trở lại nhờ sữa và sự chăm sóc của những bà mẹ tình nguyện.
Tin nhiều tổ chức công bố những dự án đồng hành cùng “Hành trình Thiện Nhân” như món quà chúc mừng sinh nhật thứ 10 của Thiện Nhân... Cảm ơn tờ báo đã không để những bản tin “từ trái tim đến trái tim” này bị chìm khuất dưới ngồn ngộn thông tin thời sự nóng bỏng.
Khép tờ báo lại, dẫu vẫn phải đau đáu với hiện thực là thế giới ngày một bất an, môi trường sống ngày một bị xâm hại, chủ quyền, độc lập đất nước bị đe dọa ngày đêm, mỗi ngày lại lộ ra những chuyện động trời, những gương mặt người không xứng đáng... nhưng những câu chuyện mà Tuổi Trẻ giới thiệu “giàu cảm xúc nhân văn” khiến người đọc như tôi phải gật đầu: Ừ, “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy...”.
Một thầy giáo, một bác sĩ, một bà mẹ “bỉm sữa” bằng những việc mà họ cho là bình thường, dĩ nhiên phải làm của mình đã mang lại cho bản thân tôi một niềm tin: mình cũng có thể làm được gì đó cho cuộc đời đẹp hơn, đáng sống hơn.
Điều tốt đẹp vẫn còn quanh ta và ngay trong mỗi người đó thôi. Hãy đánh thức nó, các nhà báo!... (* Tuổi trẻ (trang 1))
Một sản phụ nguy kịch do nhiễm cúm A/H1N1
Sản phụ là chị N.Đ.T (28 tuổi, H. Củ Chi, TP.HCM) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, được Viện Pasteur TP xác định nhiễm cúm A/H1N1.
Theo Bệnh viện nhân dân Gia Định, đến chiều 15-7 bệnh nhân vẫn còn sốt, suy hô hấp nặng, phải thở máy, đang được các bác sĩ điều trị và hồi sức tích cực. Bệnh viện cũng đã hội chẩn nhiều lần với các bác sĩ chuyên khoa nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP để có phương án điều trị tốt nhất.
Trước khi có kết quả xét nghiệm bị nhiễm cúm A/H1N1, chị T. có triệu chứng cảm, ho, sốt, chảy nước mũi và đang mang thai tuần thứ 34.
Ngày 9-7, chị T. nhân đau bụng nên nhập viện tại Bệnh viện Mê Kông và sau đó sanh đôi hai bé gái (1 bé cân nặng 1,85 kg, bé còn lại cân nặng 1,75kg). Hiện hai bé vẫn đang được chăm sóc tại bệnh Bệnh viện Mê Kông.
Sau sinh, chị T. bị sốt cao. Đến chiều 12-7, chị bị suy hô hấp nên được chuyển qua Bệnh viện nhân dân Gia Định.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, cúm A/H1N1 được coi là cúm mùa và xuất hiện lẻ tẻ. Trung tâm y tế dự phòng TP sẽ khảo sát để có biện pháp phòng ngừa, tránh lây lan. (* Tuổi trẻ (trang 3))
Rất khó phát hiện hóa chất “bẩn” trong thực phẩm
Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP) nghiêm trọng hiện nay, ngày 15-7, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Thực trạng việc lạm dụng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm - Kiến nghị công tác quản lý nhà nước giải pháp cho thực phẩm an toàn”.
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM, cho biết đang gặp nhiều thách thức mất ATTP, đặc biệt hóa chất nguy hại được lạm dụng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, công tác kiểm nghiệm để phát hiện các loại hóa chất trong thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do số lượng hóa chất rất lớn, rất đa dạng. Trong khi phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm soát các đối tượng hóa chất nhắm đến chứ chưa cho phép nhận diện thêm các hóa chất lạ khác…
Theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, thực trạng mất ATTP đang trở nên vấn nạn phổ biến từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhưng hóa chất vẫn là quan ngại hơn cả. Do đó, các cấp chính quyền TPHCM cần nhanh chóng xây dựng trung tâm kinh doanh phân phối hóa chất, nguyên liệu phụ gia tập trung và kiểm soát việc cấp phép kinh doanh có điều kiện các hoạt động liên quan đến hóa chất, nguyên liệu phụ gia, hương liệu trên địa bàn TPHCM. Song song đó là phải có biện pháp chế tài mạnh đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa chất không được phép dùng trong thực phẩm… (* Sài Gòn giải phóng (trang 3))
Bác sĩ quyên góp giúp đỡ cặp song sinh nghèo khó
Ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định trao bằng khen cho bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã có thành tích xuất sắc trong việc mổ cấp cứu kịp thời và vận động quyên góp ủng hộ ca bệnh nhi song sinh dính bụng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên Hà Giang ra chợ kêu gọi giúp đỡ cặp song sinh dính liền. Người mặc áo blouse là bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung.
Theo Bộ Y tế, đây là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người của bác sĩ Chung và tập thể bệnh viện cần được học tập và nhân rộng, nhất là trong khi cả ngành y tế đang phát động phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Trước đó, rạng sáng 13/7, kíp bác sĩ trực của Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên tiếp nhận sản phụ Phàn Thị Thẩy, 20 tuổi ở thôn Tân Bình xã Ngọc Minh huyện Vị Xuyên vào viện được chẩn đoán mang thai lần 2, thai đôi 9 tháng, chuyển dạ 2 ngôi đầu, tử cung mở 7cm, ối vỡ sớm và đã có dấu hiệu suy thai. Do vậy sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu. Trong khi mổ các bác sĩ phát hiện 2 bé trai dính liền với nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn, 2 thai có trọng lượng 4.900gr...
Hai cháu sẽ phải chuyển xuống Hà Nội để phẫu thuật tách rời. Do gia đình hai cháu bé quá khó khăn, bác sĩ Chung và cán bộ nhân viên bệnh viện tham gia quyên góp ủng hộ gia đình 2 cháu, đồng thời họ còn ra chợ để kêu gọi lòng hảo tâm của người dân.
Cuối giờ chiều ngày 14/7, hai cháu đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên cùng gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ngay trong chiều 14/7/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa để hai cháu được sớm phẫu thuật tách rời, ổn định sức khỏe. (* Tiền phong (trang 2))
Hành trình đỏ đến thành phố hoa
Từ sáng sớm hôm nay (15/7), đông đảo cư dân thành phố Đà Lạt đã hưởng ứng ngày hội "Giọt hồng Thành phố Hoa" lần IV được tổ chức tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tại ngày hội, bạn Đinh Thảo Lâm (8 lần tham gia hiến máu nhân đạo) cho biết: "Hiến máu để cứu giúp những người gặp khó khăn, hoạn nạn, là hoạt động rất có ích. Vì thế mỗi khi có dịp, em đều cố gắng tham gia”.
Nhiều bạn trẻ người Cil trong trang phục truyền thống từ thôn Măng Lin (phường 7) vượt hàng chục cây số để đến Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt tham dự chương trình. Tuy nhiên, trong số này có một bạn chưa đủ tuổi để tham gia hiến máu. Đại diện BTC đã cảm ơn nhiệt tâm của các bạn trẻ và mời họ năm sau trở lại tham dự chương trình.
Bạn Trần Trâm Anh (19 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM) tham gia Đoàn Hành trình Đỏ phía Nam 2016 suốt nửa tháng nay. Bạn Trâm Anh đã cùng Đoàn đến nhiều tỉnh thành như Phú Quốc, An Giang, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và nay là Đà Lạt để vận động và tiếp nhận hàng ngàn đơn vị máu.
Trâm Anh cho biết, người dân Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch và cũng rất nhiệt thành làm việc thiện.
Ông Đỗ Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và là Phó Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tỉnh Lâm Đồng cho biết, chỉ tiêu lần này là 500 đơn vị máu nhưng Lâm Đồng hiện đã triển khai tiếp nhận tới 915 đơn vị.
“Đây là năm thứ tư liên tiếp Lâm Đồng được Trung ương tín nhiệm chọn triển khai Hành trình đỏ. Từ kinh nghiệm tổ chức khá thành công của những năm trước, năm nay công tác chuẩn bị và triển khai bài bản hơn nên kết quả vượt xa so với chỉ tiêu đề ra ”, ông Tuấn nói.
Trước đó, vào sáng sớm ngày 14/7, Đoàn Hành trình đỏ đã tổ chức lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lâm Đồng.
Cùng ngày, hơn 100 tình nguyện viên Hành trình Đỏ xuyên Việt và tình nguyện viên tại địa phương đã diễu hành bằng xe đạp trên các tuyến phố chính, quanh hồ Xuân Hương, Chợ Đà Lạt và các địa điểm tập trung đông dân cư để tuyên truyền về căn bệnh tan máu bẩm sinh và vận động hiến máu. (* Tiền phong (trang 4))
Tặng Bằng khen bác sĩ kêu gọi quyên góp ủng hộ 2 bé sơ sinh dính liền nhau
Ngày 13-7 vừa qua, sản phụ Phàn Thị Phẩy, người dân tộc Dao (20 tuổi, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên) vào Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên, Hà Giang sinh nở được 2 bé trai sơ sinh dính liền nhau. Phó Giám đốc bệnh viện này đã kêu gọi quyên góp được gần 7,5 triệu đồng để ủng hộ gia đình gia đình đưa 2 bé về Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật.
Chiều 15-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết số 3609/QĐ-BYT tặng Bằng khen cho Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên (Hà Giang) vì đã có thành tích xuất sắc trong việc mổ cấp cứu kịp thời và vận động quyên góp ủng hộ ca bệnh nhi song sinh dính bụng có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đó, thông tin của một số cơ quan báo chí và qua Fanpage cá nhân của Bộ trưởng Bộ Y tế có phản ánh về việc một bác sĩ công tác tại Bệnh viện huyện Vị Xuyên bằng nhiều hành động cụ thể đã đứng ra kêu gọi vận động quyên góp ủng hộ hai bé trai sơ sinh dính liền với nhau từ ngực đến bụng, có trọng lượng 4.900g, chung dây rốn để đưa xuống Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật.
2 cháu bé này là con của sản phụ Phàn Thị Thẩy, người dân tộc Dao ở Hà Giang, có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, không có tiền để đưa con xuống Hà Nội điều trị. Vì thế, sáng 13-7, Phó giám đốc Bệnh viện huyện Vị Xuyên Nguyễn Ngọc Chung đã trực tiếp cùng các cán bộ bệnh viện ra chợ trung tâm huyện Vị Xuyên lập hòm quyên góp được gần 7,5 triệu đồng ủng hộ gia đình 2 trẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: “Đây là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người của bác sỹ Chung, của tập thể bệnh viện Đa Khoa huyện vị xuyên cần được học tập và nhân rộng, nhất là trong khi cả ngành y tế đang phát động phong trào Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của các bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Hiện 2 cháu bé dính liền nhau đã được đưa xuống Bệnh viện Việt Đức để chờ phẫu thuật. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa để hai cháu được sớm phẫu thuật tách rời, ổn định sức khỏe. Đồng thời, giao cho Báo Sức khỏe và Đời sống đăng báo để kêu gọi các tổ chức từ thiện xã hội ủng hộ, hỗ trợ kinh phí ăn ở cho gia đình bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện Việt Đức. (* An ninh Thủ đô (trang 2))
Sự thật về tin đồn có vụ bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện E
Chiều 15-7, Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội khẳng định không có vụ bắt cóc bé gái sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện E, như thông tin được lan truyền trên mạng xã hội (Facebook).
Theo Đại tá Dương Văn Giáp, ngày 14-7, trên trang mạng xã hội (Facebook) đã lan truyền thông tin tại Bệnh viện E xảy ra vụ bắt cóc bé gái sơ sinh chưa đầy ngày tuổi. Thông tin này đã gây xôn xao trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn thành phố. Trước vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS tập trung lực lượng, phối hợp với CAQ Cầu Giấy khẩn trương làm rõ thực hư vụ việc.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tá Lê Khắc Sơn, Phó trưởng Phòng CSHS, lực lượng Phòng chống tội phạm mua bán người (Đội 12) đã cùng với Công an sở tại vào cuộc điều tra. Được biết, sáng 15-7, nhân viên Bệnh viện E sau khi phát hiện cháu Nguyễn Phương L, chưa đầy ngày tuổi, con gái của sản phụ Đinh Thị Kiều T (SN 1990), ở tỉnh Bình Phước, bỗng dưng “biến mất” cùng với một phụ nữ tên là Lê Thị Ngọc (SN 1981), ở tỉnh Thanh Hóa, đã cho rằng cháu L bị bắt cóc và báo cho cơ quan công an.
Ngay sau đó, thông tin này được một số người đưa lên mạng xã hội, tạo thành dư luận gây bất an, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn thành phố. Kết quả điều tra, xác minh của Đội 12 và CAQ Cầu Giấy đã khẳng định không có vụ bắt cóc trẻ sơ sinh nào xảy ra tại Bệnh viện E. Nội tình vụ việc được làm rõ như sau: Chị Đinh Thị Kiều T trót mang thai với một người đàn ông và đến tháng 4-2016, chị ta lên mạng Facebook, vào diễn đàn cho, nhận con nuôi để tìm người cho đứa con mình đang mang thai.
Chị Lê Thị Ngọc tiếp nhận được thông tin này đã tìm gặp và xin chị T cho nhận cháu bé sau khi sinh là con nuôi. Thấy chị Ngọc cho biết có chồng ở Trung Quốc, sau nhiều lần thụ thai đều bị sảy và tâm nguyện muốn có con để chăm sóc cho vui cửa, vui nhà, chị T cảm thông đồng ý cho đứa con gái của mình sau khi sinh nở. Từ tháng 4 đến tháng 6-2016, chị Ngọc đưa chị T ra Hà Nội, thuê trọ tại quận Cầu Giấy để chăm sóc thai phụ, nhằm mục đích để chị T sinh con ở Bệnh viện E tiện việc đi lại.
Ngày 13-7, chị T chuyển dạ và được chị Ngọc đưa vào Bệnh viện E làm các thủ tục nhập viện. 16h ngày 14-7, sau khi chị T sinh con, chị Ngọc theo thỏa thuận đã bế cháu L rời khỏi bệnh viện và không báo cho nhân viên bệnh viện biết, dẫn đến sự hiểu lầm đó là 1 vụ bắt cóc trẻ sơ sinh. Theo Trung tá Lê Khắc Sơn, vụ việc này là bài học trước những thông tin thất thiệt được đăng tải trên các trang mạng xã hội và mọi người cần kiểm chứng rõ ràng, tránh hiểu sai lệch sự thật gây bất ổn về ANTT trên địa bàn thành phố. (* An ninh Thủ đô (trang 2))