Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 16/9/2021

  • |
T5g.org.vn - Triển khai các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; TP.HCM giãn cách đến 30-9, thí điểm "thẻ xanh covid-19"

 

Triển khai các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tối 14-9, đã tiếp tục kiểm tra trực tuyến công tác phòng, chống dịch tại một số huyện, thị xã, xã, phường đang có diễn biến dịch phức tạp của các tỉnh: Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang.

Thủ tướng đã trao đổi trực tuyến với lãnh đạo 6 phường xã: Phường Rạch Sỏi (thành phố Rạch Giá), xã Hòa Điền (huyện Kiên Lương) của tỉnh Kiên Giang; xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) của tỉnh Tiền Giang; phường An Hòa (thành phố Sa Đéc) của tỉnh Đồng Tháp; thị trấn Long Bình (huyện An Phú) của tỉnh An Giang. 

Qua kiểm tra, Thủ tướng chỉ ra 3 điểm yếu các địa phương này cần rút kinh nghiệm, đó là: Thực hiện giãn cách nhưng không có mục tiêu; giãn cách nhưng thực hiện biện pháp y tế không đúng và giãn cách nhưng thực hiện không nghiêm các chỉ đạo trong các công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế có công điện gửi tất cả các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về việc: Thực hiện giãn cách phải có mục tiêu cụ thể, rõ ràng và phải đạt được mục tiêu; thực hiện xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ dân khu vực giãn cách 2 ngày/lần và xét nghiệm ít nhất 3 lần; triển khai ngay các trạm y tế lưu động.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15-9, Bộ Y tế - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã có Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tập trung một số nội dung sau: Thứ nhất, khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…). Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp...

Thứ hai, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày... Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn...

Thứ ba, tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao...

Thứ tư, thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao... Thứ năm, thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách...

* Ngày 15-9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp với các chuyên gia Tổng hội Y học Việt Nam về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, từ những bài học trong thời gian qua, công tác điều trị trong thời gian tới sẽ phải theo hướng giảm chuyển nặng, giảm tử vong, tối ưu hóa nguồn lực y tế hiện có...; cần có các cơ chế huy động nguồn lực y tế tư nhân tham gia vào điều trị bệnh nhân Covid-19... (Hà Nội mới, trang 1)

 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 15-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Thành ủy Hà Nội để trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, truyền thông, dư luận xã hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chủ trì cuộc làm việc về phía Trung ương có các đồng chí: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cùng các đơn vị liên quan.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố); Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố); cùng các thành viên trong Tiểu ban và đơn vị liên quan của thành phố.

Thay mặt Tiểu ban Truyền thông, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai đã báo cáo tóm tắt công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố từ ngày 24-7 đến ngày 15-9-2021. Trong đó, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23-7-2021 của UBND thành phố Hà Nội; Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND thành phố thành lập Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố) do đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố làm Trưởng Tiểu ban.

Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, nhờ chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, cả hệ thống chính trị của thành phố cùng vào cuộc, trong đó đáng chú ý là sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân để cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, thời gian qua, thành phố đã thực hiện đợt cao điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng như xét nghiệm cho người dân. Tính đến ngày 15-9, hầu hết các quận, huyện, thị xã của thành phố đã cơ bản hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, thành phố đã phân làm 3 vùng (vùng 1, vùng 2, vùng 3) để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp tại các vùng 2, vùng 3 để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, truyền thông, dư luận xã hội không ngừng được quan tâm, qua đó tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đặc biệt Hà Nội là Thủ đô, nơi diễn ra nhiều hoạt động chính trị, xã hội, giao thương, đồng chí Phan Xuân Thủy cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông với thành phố trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch thời gian tới là cần thiết và hết sức quan trọng. (Hà Nội mới, trang 1)

 

TP.HCM giãn cách đến 30-9, thí điểm "thẻ xanh covid-19"

Tối ngày 15.9, lãnh đạo UBND TP.HCM chủ trì họp báo thông tin về các biện pháp giãn cách từ ngày mai. Theo đó chỉ thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại Q.7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP.

Cùng chủ trì buổi họp báo còn có ông Lê Hải Bình - ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Phạm Đức Hải - phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM… cùng sự tham gia của đại diện nhiều sở, ban, ngành TP.

Ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TP - thông tin các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ 16-9 đến 30-9. 

Thí điểm "thẻ xanh COVID-19" tại Q.7, huyện Củ Chi, Cần Giờ

Theo đó TP sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16-9 đến hết ngày 30-9; tiếp tục cấp giấy đi đường cho các đối tượng được phép lưu thông, các giấy đi đường công an TP đã cấp có hiệu lực đến hết ngày 30-9.

Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trước đây chỉ cho giao hàng thông qua shipper công nghệ, lần này cho phép nhân viên của các cơ sở đủ điều kiện được phép tự giao hàng nhưng chỉ trong phạm vi quận của mình.

Đối với các công viên tại các khu chung cư, khu nhà ở tại vùng xanh nếu đảm bảo an toàn, chủ tịch UBND các quận huyện có thể cho phép hoạt động lại để người dân tập thể dục trên cơ sở đảm bảo an toàn và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Ông Bình lưu ý chỉ xem xét hoạt động lại đối với các công viên thuộc các khu chung cư, khu nhà ở. Các công viên lớn như Tao Đàn, công viên 23-9, công viên Hồ Bán Nguyệt vẫn chưa được hoạt động lại.

Giải thích về việc triển khai thẻ xanh COVID-19, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP - cho biết UBND TP chọn thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại các đơn vị: quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP. 

Ông Thắng lưu ý, không phải triển khai thí điểm thẻ xanh trên toàn bộ địa phương hoặc đơn vị đó mà chỉ triển khai trên một nhóm cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị.

Ông Thắng dẫn ví dụ: "Ở quận 7 chỉ triển khai thí điểm thẻ xanh COVID-19 cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; ở Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Các địa phương còn lại không được thí điểm thì vẫn thực hiện các biện pháp như hiện nay theo các văn bản của UBND TP".

Sau ngày 30-9, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở ngành và các địa phương để tham mưu giải pháp chính thức cho UBND TP.

Dùng app gì?

Về ứng dụng "Khai báo y tế điện tử TP.HCM" mà Sở đang phát triển, ông Thắng cho hay đây không phải là ứng dụng mới mà là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn TP từ tháng 1-2021. Nhưng để đảm bảo yêu cầu chống dịch của TP sau ngày 15-9, sau khi tổng rà soát các ứng dụng, các giải pháp công nghệ thông tin và xin ý kiến Bộ chuyên ngành thì TP thống nhất phát triển ứng dụng ứng dụng "Khai báo y tế điện tử TP.HCM" thành một ứng dụng thống nhất cho người dân quản lý thông tin của mình một cách tiện lợi nhất.

"Ứng dụng này gom nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, và giúp người dân giảm giấy tờ. Chúng tôi chọn giải pháp phát triển ứng dụng của TP nhằm đáp ứng yêu cầu của TP, ví dụ như bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực cụ thể, tiêu chí thẻ xanh.

Định hướng lâu dài của TP là ứng dụng này không chỉ để phục vụ phòng, chống dịch mà sẽ thành một ứng dụng cho công dân TP.HCM phục vụ các tiện ích cho người dân TP sau khi TP trở lại bình thường mới", ông Thắng giải thích.

Giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất

Ông Phạm Đức Hải cho biết TP quyết tâm đảm bảo những giải pháp an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Khi thực hiện giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi giãn cách. Phạm vi giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, tổ ấp, khu phố.

TP xác định mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày. Thần tốc xét nghiệm, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh. 

Khi xét nghiệm PCR phải trả kết quả trong vòng 12 giờ, thực hiện xét nghiệm trong từng địa bàn, tránh lây nhiễm chéo, tập trung lấy mẫu cho địa bàn nguy cơ cao, rất cao, tổ chức nhiều đội lấy mẫu. 

Việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể thực hiện bởi tình nguyện viên, người dân. Thành lập các trạm y tế lưu động, theo nguyên tắc gần dân nhất. Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định giãn cách, nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải từng bước, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trước đó vào ngày 14-9, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần chỉ thị 16.

Bí thư Thành ủy cho biết đa số các địa phương chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch nên TP.HCM cần tiếp tục thực hiện giãn cách. Thủ tướng cũng đã thống nhất với đề xuất của TP.HCM.

Trong đó, những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn. (Tuổi trẻ, trang 3)

 

TP.HCM tiếp tục cho tiêm vét vắc xin mũi 1 sau ngày 15-9

TP.HCM đặt mục tiêu đạt 100% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi 1 trong ngày 15-9 nhưng đến chiều, một số quận, huyện chưa đạt mục tiêu và cho biết sẽ tiếp tục tiêm vét trong những ngày tiếp theo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 15-9, bác sĩ Thị Hồng Tươi - thuộc Trung tâm Y tế quận 1 (TP.HCM) - cho biết ngày mai 16-9, quận 1 tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc xin mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn quận như hai ngày qua (14 và 15-9).

Hai điểm tiêm tại quận 1 là sân vận động Tao Đàn (phường Bến Thành) và Trường THPT Ernst Thalmann (phường Phạm Ngũ Lão).

Người dân đến điểm tiêm mà không cần thư mời, tin nhắn hay đăng ký trước. Khi đi người dân chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.

"Vì còn số ít người trên 18 tuổi trên địa bàn quận chưa tiêm mũi 1 nên ngày mai 16-9, quận tăng cường tiêm vét bữa cuối", bác sĩ Tươi nói và cho biết thời gian tới quận 1 tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vắc xin.

Tương tự, tại quận Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp - cho hay những ngày tới quận duy trì tổ chức tiêm vắc xin mũi 1 đại trà cho người trên 18 tuổi trở lên. Song song đó, quận tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người tới thời gian tiêm.

"Chắc chắn sẽ có một tỉ lệ nào đó người dân không tiêm vắc xin trong thời điểm này vì sợ tiêm hay còn chần chừ lựa chọn vắc xin, bên cạnh đó còn có những người phải hoãn tiêm. Vì thế quận sẽ tiêm vét tiếp", bác sĩ Hòa chia sẻ.

Theo bác sĩ Hòa, việc tổ chức tiêm vắc xin trong thời gian trước phải lên kế hoạch, danh sách cụ thể vì còn rất nhiều người chưa tiêm mũi 1. Đến nay, quận đã nắm rõ số ít người chưa tiêm mũi 1 nên thông báo tiêm đại trà mà không cần danh sách. 

"Chúng tôi chắc chắn người chưa tiêm mũi 1 hiện chỉ chiếm thiểu số, nên khi thông báo tiêm vắc xin đại trà thì chỉ còn khoảng vài trăm người", bác sĩ Hòa nói.

Ở quận 3, ông Trần Nguyên Phong - bí thư Quận đoàn quận 3 (TP.HCM) - cho biết hôm nay là ngày cuối cùng quận tổ chức tiêm vét vắc xin mũi 1 cho tất cả người dân trên 18 tuổi hiện đang ở trên địa bàn quận, không phân biệt tạm trú hay thường trú. Ngày mai 16-9, quận sẽ tiêm mũi 2 cho những người đến thời gian tiêm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong ngày 14-9, TP đã tiêm thêm được 159.990 người. Như vậy, tính đến ngày 14-9, TP đã tiêm được tổng cộng 8.316.763 mũi, trong đó có 6.624.241 mũi 1 và 1.692.522 mũi 2. Riêng vắc xin Vero Cell đã tiêm cho 2.166.174 người.

Theo kết quả điều tra thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình vào ngày 30-6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại TP là 7.208.800 người. Như vậy tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên tại TP đã tiêm mũi 1 đạt gần 91,8%, mũi 2 là hơn 23,4%. (Tuổi trẻ, trang 3)

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: TP.HCM luôn đánh giá cao tri ân và mang ơn cán bộ y, bác sĩ

Theo ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế cùng đội ngũ thầy thuốc bao gồm cả lực lượng tại chỗ và các y, bác sĩ, nhân viên y tế tới chi viện giúp chống dịch đều là ân nhân của Thành phố.

Đó là những chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên với PV Báo Sức khỏe & Đời sống bên lề buổi làm việc tại UBND huyện Cần Giờ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và vai trò quan trọng của ngành y tế giúp sức cho TP Hồ Chí Minh đạt được những tín hiệu tích cực trong công cuộc đẩy lùi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nên, dịch bệnh xảy ra ở quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, số lượng công việc quá nhiều nên ở đâu đó vẫn có những thiếu sót, những hạn chế không tránh khỏi nên mong các y, bác sĩ thông cảm, sẻ chia cùng TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, chủng Delta với tốc độ lây nhanh chóng khiến dịch bùng phát rất nhanh, nên sức chống, sức chịu đựng và khả năng đáp ứng của đội ngũ y tế hiện có của thành phố bị quá tải.

"Nếu như không có sự tăng cường, ủng hộ của Bộ Y tế và toàn ngành y tế thì không thể có kết quả như ngày hôm nay", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: "Trong bối cảnh mà ở nhà có đại sự, tất cả những người đến đây để giúp TP Hồ Chí Minh đều là ân nhân, nhưng dù thành phố và Bộ Y tế có hỗ trợ lo cỡ nào đi nữa thì những hạn chế, sơ suất cũng không tránh khỏi. Nhân dân TP Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao, luôn ghi nhận, luôn tri ân và mang ơn các cán bộ y, bác sĩ. Nhưng cũng xin các cán bộ y, bác sĩ thông cảm, sẻ chia với những điều chưa được, còn thiếu sót ở đây". (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Kết hợp chặt chẽ y tế - quân đội - công an trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn y tế phòng chống dịch COVID-19

Tiểu ban Y tế là tiểu ban chịu trách nhiệm nặng nhất, đóng vai trò quyết định đối với công tác phòng chống dịch. Đây là bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Chiều 14/9, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Tiểu ban.

Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Tiểu ban cùng các thành viên của Tiểu ban dự cuộc họp.

Lực lượng tuyến đầu tích cực, không quản ngại khó khăn tham gia chống dịch COVID-19

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Tiểu ban Y tế là tiểu ban chịu trách nhiệm nặng nhất, đóng vai trò quyết định đối với công tác phòng chống dịch. Đây là bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch.

"Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và chức năng của các bộ (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) chúng ta đã phối hợp ăn ý, khăng khít triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch liên quan đến hoạt động chuyên môn y tế. Lực lượng tuyến đầu nòng cốt là y tế, bộ đội và công an đã cùng nhau phối hợp triển khai các hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả với tinh thần hết sức trách nhiệm, tích cực" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long biểu dương các lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch không quản ngại khó khăn, nhiều người đã gác lại gia đình riêng, gác lại niềm riêng tư… để tham gia chống dịch tích cực. "Có nhiều tấm gương rất cảm động, đi chống dịch hàng tháng chưa về với gia đình"- Bộ trưởng bày tỏ.

"Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, Bộ Quốc phòng luôn đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Bộ Quốc phòng xác định cùng với Bộ Y tế xác định bao giờ chiến thắng dịch thì về" - Trung tướng Vũ Hải Sản nói tại cuộc họp.

Chuẩn bị sẵn lực lượng cho xét nghiệm thần tốc, điều trị

Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận của Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an và các thành viên của Tiểu ban, các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế về các lĩnh vực điều trị, xét nghiệm, giám sát dịch tễ, vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm, nhân lực…, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các tổ chuyên môn của Tiểu ban, kể cả tổ y tế quân đội và công an xây dựng các kế hoạch triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 gửi lại bộ phận thường trực trước ngày 20/9 để Tiểu ban Y tế tổng hợp báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý mỗi tổ chuyên môn phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nhưng đồng thời phải có sự phối hợp chung, chặt chẽ trong hoạt động điều hành chuyên môn của y tế, đó là các vấn đề về giám sát, cách ly, xét nghiệm, điều trị… Đặc biệt trong hoạt động sắp xếp, bố trí hỗ trợ, điều phối nhân lực y tế giữa Bộ Y tế và các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

"Chúng tôi đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét tiếp tục bố trí cử lực lượng y tế cùng Bộ Y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Tiền Giang, Kiên Giang" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đối với tổ quân y, Trưởng Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị tiếp tục triển khai hoạt động được giao, nhất là triển khai các trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, đánh giá hiệu quả của hoạt động trạm y tế lưu động, từ đó nhân rộng ra các địa bàn khác.

"Thực tế cho thấy mô hình trạm y tế lưu động đã rất có hiệu quả trong việc quản lý,  chăm sóc, hỗ trợ điều trị F0 tại cộng đồng" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng đề nghị lực lượng quân y cần chuẩn bị nhân lực để hỗ trợ xét nghiệm thần tốc của các địa phương.

"Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài" - GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Cùng đó, vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là các bên phải phối hợp trong thành lập cũng như hoạt động của các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tầng 3; hoạt động của tầng điều trị 2; thiết lập bệnh viện dã chiến ra sao… để còn lên kế hoạch, kịch bản chuẩn bị mua sắm trang thiết bị, máy thở… và nhân lực.

"Quân-dân y kết hợp chặt chẽ. Có sự điều phối chặt chẽ để phối hợp với nhau. Kể cả lực lượng công an cũng vậy"- GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.

Phối hợp chặt chẽ để tiêm chủng vaccine COVID-19 đảm bảo tiến độ, an toàn

Thông tin về việc, trong tháng 9 và tháng 10 vaccine COVID-19 về Việt Nam rất nhiều, do đó các lực lượng y tế và quân đội, công an phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm vaccine tối đa công suất để đảm bảo tiến độ tiêm chủng.

"Tiêm tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn" - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tiếp đó, các bên cũng cần phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu sản xuất máy thở, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, khẩu trang, oxy y tế. Riêng về oxy y tế, tổ quân cần có kế hoạch cụ thể về oxy bồn, oxy bình, oxy trung tâm tương ứng với giường điều trị…

 "Chúng ta phải chú trọng về oxy y tế, tăng năng lực sản xuất và cung ứng oxy để đảm bảo sẵn sàng cho nhu cầu điều trị" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý. 


GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các tổ giám sát cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm… đặc biệt là xét nghiệm phải rốt ráo; phải ban hành các hướng dẫn "đúng và trúng" về giám sát, cách ly trong tình hình mới; rồi vấn đề liên quan đến hộ chiếu vaccine… các tổ phải chủ động thực hiện. Tổ điều trị cũng phải làm rõ trong kế hoạch về giường bệnh, oxy, nhân lực, máy thở…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một trong những điều kiện để đảm bảo có mở cửa được hay không là đáp ứng hệ thống y tế một cách đầy đủ không phải cho đại dịch mà còn cho các năm tiếp theo, do đó, các tổ phải liên tục rà soát lại từ kế hoạch, các quy định, hướng dẫn cụ thể…

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến huyện và y tế công an và quân đội cũng vậy phải tập huấn cho toàn bộ lực lượng y tế để chủ động phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống dịch./. (Gia đình & Xã hội, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang