Các biện pháp tự nhiên tránh muỗi đốt phòng sốt xuất huyết đơn giản, hiệu quả
Virus gây bệnh sốt xuất huyết lây bệnh bằng con đường muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua vết đốt. Chính vì vậy, việc phòng ngừa muỗi đốt để ngăn ngừa sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng.
Mỗi năm, vào mùa mưa ẩm ướt dịch sốt xuất huyết lại bùng phát, thậm chí số ca mắc bệnh còn có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh việc chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy theo khuyến cáo của ngành y tế như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước; Thả các loại cá nhỏ, cá bảy màu, cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp...), dọn vệ sinh môi trường,…để diệt lăng quăng, bọ gậy, để tránh muỗi vào đẻ trứng, trú ẩn.. thì mỗi gia đình có thể áp dụng các biện pháp đơn giản dưới đây để tránh muỗi đốt phòng sốt xuất huyết.
Hãy tham khảo tác dụng của một số cách đơn giản, sử dụng thảo dược tự nhiên có tác dụng đuổi muỗi tốt nhất hiệu quả dưới đây:
Một số cách đuổi muỗi đơn giản hiệu quả để phòng sốt xuất huyết
Việc sử dụng những biện pháp xua đuổi muỗi hiệu quả đơn giản dễ áp dụng.
Dùng vỏ cam, quýt khô đốt cháy cho lên mùi, muỗi sẽ tự động tránh xa.
Muỗi rất sợ các mùi hương của tinh dầu, vì vậy, tinh dầu được xem là phương pháp đuổi muỗi rất hiệu quả mà lại an toàn vô cùng. Tinh dầu bạn có thể sử dụng cho việc đuổi muỗi là tinh dầu chanh, sả, quế…dùng bôi tinh dầu lên quần áo để đuổi muỗi hoặc cho vào bộ khuếch tán tinh dầu để đuổi muỗi cho cả căn phòng.
Sử dụng bồ kết cũng được xem như một biện pháp hữu hiệu xua muỗi, côn trùng. Mọi người thường dùng bồ kết đốt để làm sạch không khí và diệt khuẩn xua đuổi côn trùng và muỗi hiệu quả.
Dầu gió cũng được mọi người sử dụng chống muỗi rất hiệu quả. Có thể đặt những chai dầu gió tại góc tường, góc nhà sẽ lan tỏa ra không khí. Hoặc sử dụng vài giọt dầu gió lên các vật dụng như màn, quần áo,… sẽ xua đuổi muỗi hiệu quả.
Một số cây có thể trồng hoặc sử dụng giúp xua đuổi muỗi
Húng quế
Húng quế có khả năng xua đuổi ruồi và muỗi. Tinh dầu húng quế tươi cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng rất hiệu quả. Có thể vò nát húng quế hoặc đặt lá húng quế ở bệ cửa sổ là đã có thể ngăn cản côn trùng xâm nhập vào nhà. Chúng ta có thể trồng dọc các lối đi hoặc trồng xen lẫn với các loại cây trồng cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng rất hiệu quả.
Oải hương
Cây oải hương có tác dụng đuổi bọ nhậy, ruồi và muỗi. Con người rất thích mùi oải hương nhưng ruồi muỗi rất ghét. Tinh dầu hoa oải hương bôi lên da có thể tránh muỗi. Oải hương còn có tác dụng dưỡng da, giúp ngủ sâu giấc... Có thể dùng hoa oải hương khô để trong nhà. Chúng ta có thể trồng nó ở những nơi nhiều nắng gần lối ra vào. Các bó hoa khô trong nhà sẽ khiến côn trùng rời xa ngôi nhà của bạn.
Sả
Sả có chứa citronella tác dụng đuổi côn trùng rất tốt. Sả có thể đuổi muỗi, rầy, rệp,... Mùi sả cũng giúp bạn thư giãn, rất tốt cho sức khỏe. Sả là loại cây dễ trồng và sẵn có nhiều ở Việt Nam. Có thể trồng sả hay dùng vài cọng sả tươi, sau đó chỉ cần đập dập để sả tỏa ra hương thơm, và treo lên góc phòng. Đến khi sả khô lại và không còn mùi thơm thì thay thế bằng bó khác.
Cây xạ hương chanh
Chất tiết ra khi lá cỏ xạ hương chanh bị dập sẽ giúp đuổi côn trùng. Loại thảo mộc này có thân và lá cứng cáp và là một cây ưa nắng. Lưu ý rằng tự bản thân cây không thể xua đuổi muỗi và côn trùng. Bạn cần phải làm cho lá của nó dập nát hoặc cắt một vài nhành cây vò nhẹ mới có tác dụng.
Bạc hà
Mùi thơm trong bạc hà có cả ở trong thân và hoa có tác dụng đuổi muỗi, loại bỏ côn trùng. Dầu thơm bạc hà và trộn nó với giấm táo hoặc một chút rượu trắng còn có khả năng làm dịu các vết đốt của côn trùng. Ngoài ra, tinh dầu từ bạc hà còn tác dụng giúp làm sạch không khí, khử mùi, diệt khuẩn, đem đến hương thơm dễ chịu cho không gian gia đình. Đặc biệt, với những nơi ẩm thấp, ít ánh sáng mặt trời thì sử dụng tinh dầu bạc hà là một trong những phương pháp giúp khử mùi hôi, nấm mốc, làm giảm độ ẩm cực kỳ hiệu quả.
Hương thảo
Hương thảo có thể đuổi muỗi và một số loài côn trùng gây hại. Có thể đặt chậu cây hương thảo trong nhà, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp hoặc ngoài sân vườn, dọc hàng rào, nên đặt đầu hướng gió, đặt tại bệ cửa sổ, gần hồ cá, hoặc ở những nơi ẩm thấp mà côn trùng ưa thích. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4).
Số ca mắc sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam đã tăng 82%, ca tử vong cũng tăng
Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM tại cuộc họp chiều ngày 15/6 cho thấy, TP HCM có số ca mắc mới và ca tử vong do sốt xuất huyết cao nhất trong số 20 tỉnh thành khu vực phía Nam. Tính đến ngày 9/6, TP ghi nhận 13.520 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 9 ca tử vong tại TP HCM. Trong đó quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn có số ca mắc và số ca mắc/100.000 dân cao nhất.
Theo nhận định của Sở Y tế, dù đây là bệnh lưu hành nhưng trong năm 2022, dịch có xu hướng tăng cao rõ rệt.
Trước đó, tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam, BS. Lương Chấn Quang - phó trưởng khoa kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP HCM - cho biết số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, trong đó số ca mắc chiếm 80% và ca tử vong chiếm 100% so với cả nước. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 82% và tử vong cũng tăng.
Trong 4 tuần gần đây, số ca mắc và tử vong đều chiếm khoảng 50% so với số ca tích lũy từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy số ca mắc và tử vong tăng lên rất nhanh.
Đặc biệt số trẻ em tử vong do căn bệnh này cũng cao hơn so với người lớn. Trong khi những năm trước, số lượng người lớn thường cao hơn. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2)
Bệnh viện thiếu thuốc, "đắp chiếu" thiết bị: Không để tê liệt cả hệ thống y tế
Nhiều bệnh viện trên phạm vi cả nước đang có tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là thiếu thuốc men, thậm chí “đắp chiếu” cả máy móc thiết bị. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn và ngày càng nặng thêm, hệ thống y tế sẽ tê liệt. Đối tượng gánh chịu hậu quả chính là người bệnh.
Vướng từ trên xuống dưới, cơ chế mua sắm thuốc không thực hiện được
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, một giáo sư đầu ngành, lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương chua xót nói: "Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế là có thật. Hiện nay việc mua sắm máy móc, vật tư y tế đang "tắc" toàn bộ, chúng tôi không thể mua được".
Theo chia sẻ của vị Giáo sư này, thuốc biệt dược đang cực kỳ thiếu, những thuốc thông thường cũng thiếu. Hiện có 4 cơ chế mua thuốc, thứ nhất là hội đồng đàm phán cấp quốc gia nhưng hội đồng đàm phán này cũng "tê liệt", hầu như không đàm phán được. Thứ 2 là Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cũng không làm được.
"Chúng tôi làm công văn gửi lên hỏi bao giờ có thuốc và nhận được trả lời là hiện tại chúng tôi đang cố gắng thực hiện đấu thầu, khi nào có thuốc chúng tôi sẽ thông báo. Còn bây giờ, đề nghị các bệnh viện làm theo đúng quy định của pháp luật, tự mua thuốc. Không biết đến bao giờ có thuốc. Vậy thì chúng tôi làm sao làm được?" - vị này cho hay, cơ chế đấu thầu tập trung cấp địa phương, cũng không thể làm được. Các bệnh viện thì càng không thể tự mua. Vật tư y tế cũng tương tự như vậy. Vì vậy nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư.
"Thiếu gì, muốn mua sắm gì, cũng đều phải "đánh công văn" hỏi Bộ Y tế, vì sợ làm là sai phạm. Mà chờ được câu trả lời thì cũng mất thời gian. Trong giai đoạn này, chúng tôi không biết phải làm thế nào. Người bệnh phải gánh" - người đứng đầu một bệnh viện sản khoa cũng nói.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV - cho rằng: "Tình trạng này đã kéo dài 3 đến 4, thậm chí có nơi 6 đến 7 tháng nay. Đến nay, tình trạng này không có dấu hiệu giảm đi, mà vẫn còn tiếp diễn. Trước kia, hầu hết những loại thuốc bảo hiểm y tế thanh toán, bệnh viện thì có hóa chất sinh phẩm để làm xét nghiệm, những thứ mà người bệnh được thụ hưởng thì nay đã không có nữa.
Do tác động của dịch COVID-19, những quy định của luật pháp về mua sắm, đấu thầu bị tác động, phá vỡ những quy định thông thường nay không thể áp dụng. Hơn nữa, vừa qua, ngành y tế xảy ra khá nhiều tiêu cực, chủ yếu ở những người lãnh đạo, rồi bộ phận quan trọng là thẩm định thầu, vì vậy một số bộ phận thẩm định thầu bỏ không làm nữa. Thứ nữa, là do các cấp có thẩm quyền như Sở Y tế, Bộ Y tế đang... vướng, không thể giải quyết những việc đó.
Xã hội hóa, tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, phải thừa nhận, trong các quy định của luật pháp có rất nhiều điểm chưa cụ thể, chưa rõ ràng, cho nên khi làm rất dễ bị vướng. Hoặc cố làm sẽ sai phạm. Về vấn đề này, tôi cho rằng cần có những sửa đổi để căn cơ, bài bản hơn, thúc đẩy vấn đề xã hội hóa".
Theo ông Trí, việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc men như thông thường, trong các văn bản quy định pháp quy ở giai đoạn trước lúc có dịch COVID-19 về cơ bản là được, trên thực tế, hàng chục năm qua, các bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Nhưng vì tác động của dịch, nhiều cuộc mua sắm phải rút gọn, đi tắt, để kịp thời có sinh phẩm để làm việc. Vì vậy, quy định pháp lý đã không còn phù hợp nữa.
Cần nhanh chóng có giải pháp
Giải pháp trước mắt, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí là phải dựa trên tinh thần của Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thấy được những bất cập xảy ra trong thời gian dịch dã, Quốc hội đã kịp thời ra những văn bản đó, làm cơ sở pháp lý, để các cấp quản lý triển khai mà không vi phạm những điều Luật chưa quy định. Vì chuyện chống dịch là chưa từng có tiền lệ. Chính phủ, các Bộ, các tỉnh, phải dựa vào những Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngay, để kịp thời giải quyết.
Thực tế, theo GS Trí, Chính phủ và Bộ Y tế đang rà soát lại các vấn đề liên quan đến Luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Y học dự phòng, kể cả về giá, về đấu thầu mua sắm, về quản lý và sử dụng vật tư công... "Tất cả đều phải được xem xét lại hết. Kể cả các vấn đề về xã hội hóa, về tự chủ bệnh viện cũng được xem lại và có sự điều chỉnh cho phù hợp" - ông nói.
Còn TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì cho rằng, "vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm, là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy… Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua. Do đó, cần phải có văn bản hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu…
“Cần có quy định riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này. Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang cho hay.
Về phía Bộ Y tế, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, đơn vị này sẽ đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để chỉ đạo giải quyết đúng các vướng mắc, khó khăn trong thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay. Trước đó, Cục đã gửi văn bản hỏa tốc cho các sở y tế và bệnh viện, yêu cầu báo cáo nguyên nhân thiếu thuốc, song hiện chưa nhận được báo cáo từ địa phương nào.
Theo đại diện này, gần đây Cục Quản lý Dược đã ban hành danh mục gia hạn hơn 6.200 giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đây là động thái mới nhất từ Bộ Y tế liên quan đến vấn đề cung ứng thuốc men, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành thiếu thuốc điều trị trong danh mục bảo hiểm y tế cho người bệnh, ví dụ thuốc ung thư, một số vật tư như đinh, nẹp, stent. Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay và ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, thậm chí cả sinh mạng người bệnh, nên rất cần có giải pháp tháo gỡ ngay. (Lao động, trang 1).
Hiểm họa chực chờ từ những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép
Hoại tử, tắc mạch, nhiễm trùng, mù mắt… thậm chí tử vong là hậu quả của tiêm filler - không ít lần các phương tiện truyền thông nhắc đến. Tuy nhiên, vì hy vọng “lột xác” nhanh chóng, không ít người chấp nhận rủi ro, giao phó khuôn mặt, thậm chí là tính mạng của mình cho những cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép.
Đớn đau từ những mũi tiêm “đổi đời”
Trong vai khách hàng muốn chỉnh trang lại khuôn mặt, phải mất nhiều cuộc điện thoại “dắt mối”, chúng tôi mới tìm được đến cơ sở thẩm mỹ trong một căn chung cư trên đường Trần Thái Tông, (Cầu Giấy, Hà Nội) - không bảng hiệu, không biển chỉ dẫn.
A (chủ cơ sở) niềm nở đón chúng tôi trong căn hộ để vừa đủ hai chiếc giường, 1 bộ bàn ghế, 1 tủ đựng hàng tá thứ thuốc, filler và một số thiết bị. “Nét trên khuôn mặt em rất xinh, nhưng sửa đi thì xinh hơn. Cái mũi này em làm thêm một chút nữa là sẽ ok này. Em phải tiêm má phính vì mặt rất Hàn Quốc. Môi này tiêm baby lên sẽ cực kỳ xinh. Mí em là mí đa lớp, cần nhấn cho rõ… Em nâng mũi, tiêm môi và má trước. Tổng cộng là 81 triệu đồng” - A nói với tôi.
Cùng lúc, trong căn hộ, một nữ khách hàng khác đang chuẩn bị được thực hiện thủ thuật tiêm filler với mong muốn xóa nếp nhăn vùng trán, làm đầy cằm, thu gọn bắp tay. Sau khi ủ tê, những người tự xưng là "chuyên viên làm đẹp" tại cơ sở trong căn hộ này tiêm cho vị khách nọ. Người này tiêm, người kia lau, vừa làm vừa trò chuyện, rôm rả, vui vẻ...
Khác với lời cam kết “không đau” của nhân viên, trong suốt quá trình tiêm, nữ khách hàng liên tục cau mày, cắn răng, 2 tay nắm chặt, thi thoảng rên khe khẽ vì đau đớn. Mũi tiêm đi tới chỗ nào, chỗ đó sưng vống lên từng cục u tròn.
Đáng nói, không chỉ tiêm filler, những thủ thuật dao kéo khác như nâng mũi, nâng ngực thậm chí gây mê hồi sức cũng được thừa nhận là có thực hiện ngay tại cơ sở nếu được yêu cầu, miễn là khách chi tiền.
Và đôi lúc, trong quá trình tư vấn cho khách về các dịch vụ đắt tiền hơn filler, chính những nhân viên tại cơ sở này không ngại thừa nhận việc tiêm có thể xảy ra những tai biến, như tràn dịch, nhiễm trùng điểm tiêm…
Quy trình làm đẹp thiếu an toàn
Tại một cơ sở làm đẹp khác trên đường Thọ Tháp (Cầu Giấy, Hà Nội), trong vai người muốn học nghề, chúng tôi dễ dàng tiếp cận chủ cơ sở. Cơ sở của N có 4 giường. N là chủ cơ sở và có tới 4, 5 người vừa là học viên, vừa là nhân viên. Trước khi vào khóa học, N chuẩn bị sẵn tinh thần cho học viên: “Riêng tiêm filler, 10 ca sẽ tràn cả 10”.
“Chị nói cho em biết, cái bọn làm filler mà đông khách ấy, nó đổi xe liên tục” - N hào hứng tiết lộ. Thấy chúng tôi ngạc nhiên và có phần nghi ngờ, N cho hay, để có thu nhập, các chủ spa làm đẹp đều có mánh khóe riêng để câu kéo, gạ gẫm khách hàng. “Nguyên liệu em nhập vào rẻ. Có tầm 350 - 500.000/cc. Em đăng bài tuyển mẫu tiêm giá gốc 999.000/cc. Người ta chẳng thích quá! Bình thường toàn 1.500.000/cc. Mà có ai tiêm 1cc đâu, người ta phải tiêm nhiều chứ. Em cứ học đi, chỉ 2 mẫu là hoàn vốn” - N giải thích.
Với cách thức ấy, các cơ sở làm đẹp vẫn lãi hàng vài triệu đồng mỗi ca. Trong khi đó, khách hàng thì vẫn “tưởng bở” được làm giá gốc. Đáng nói là, những hộp filler này hoàn toàn không có nguồn gốc, giấy tờ. Đồng nghĩa là, mỗi giọt filler được tiêm vào cơ thể khách hàng là một sự cá cược, một sự liều lĩnh với chính sức khỏe của khách hàng.
N còn hướng dẫn các học viên “qua mắt” các lực lượng chức năng bằng cách mở spa tại chung cư. “Mở ở chung cư thì an toàn hơn. Với những cái mà phô trương quá thôi thì mới bị công an hỏi, chứ mình nhỏ thế này thì ai thèm bắt làm cái gì đâu” - N nói
Không chỉ nhận tiêm filler chui, tại cơ sở thẩm mỹ không phép, như chúng tôi thấy, các dịch vụ xâm lấn, tiểu phẫu cũng được thực hiện ngay tại cơ sở với quy trình không thể mất an toàn hơn: Không cần phòng bệnh, sát khuẩn, hay thậm chí là đeo găng tay y tế đầy đủ...
Một ca cắt mí “giá rẻ” đã được thực hiện ngay tại cơ sở thẩm mỹ của N. Người chịu đau để cắt mí mắt là một nữ công nhân tại Hà Nội, hy vọng cải thiện nhan sắc. Và vì được làm mí giá rẻ, chị trở thành “mẫu vật” để chủ cơ sở làm đẹp cho các “học viên” của mình thực hành.
Sau khi ủ tê, quá trình cắt mí được bắt đầu thực hiện. Tận mắt chứng kiến không khí nhốn nháo, lộn xộn của ca tiểu phẫu, chúng tôi không thể không rùng mình. Người không găng tay, người không khẩu trang, người không mũ y tế. Cả nhóm 4, 5 người vây quanh lấy "mẫu vật" đang nằm yên phó mặc.
Người này vẽ, người kia xóa đi thử lại. Người này cầm dao rạch, rạch chưa đứt thì người kia lại xắn tay vào làm cùng. Từng lớp da, sau những lần đổi người rạch đi rạch lại cuối cùng cũng được tách hẳn, nhấc ra 1, 2 miếng mỡ mắt rồi khâu lại, trong nhốn nháo tiếng nói cười... (Lao động, trang 1).
Hà Nội, TP.HCM vào 'chiến dịch' tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4
Theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất với tổng số hơn 17 triệu mũi tiêm/hơn 12 triệu dân.
Bé trai Đ.H. (10 tuổi, ở Hà Nội) đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 tại phường từ ngày 25-4, theo lịch tiêm thì cháu đã quá lịch tiêm mũi 2 tới hơn 20 ngày mà không thấy phường gọi. Bố cháu tìm chỗ để tiêm mũi 2 cho con, nhưng đến điểm tiêm 2 lần cháu vẫn chưa được tiêm, bởi 1 lần là điểm tiêm hoãn tiêm, lần sau điểm tiêm cho biết không có vắc xin trẻ em.
Theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất với tổng số hơn 17 triệu mũi tiêm/hơn 12 triệu dân. Nhiều địa phương đang trả lại vắc xin vì cho rằng dân không có nhu cầu, nhưng nhìn ở Hà Nội, TP.HCM khi triển khai tiêm mũi 4 cho thấy nếu tổ chức bài bản, người dân sẽ tiêm.
Tiêm mũi 4: Nếu tiện, người dân sẽ tiêm
Chị Nguyễn Thị Thu quê ở Hà Nam, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cho biết đã tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 COVID-19 ở Hà Nam. Sau đó, chị cùng gia đình lên Hà Nội làm việc và có đăng ký tạm trú. Mũi 3 theo đó sẽ tiêm ở Hà Nội.
"Tôi mới ra trạm y tế hỏi về lịch tiêm mũi 3 nhưng cán bộ y tế nói vừa tổ chức tiêm 2 ngày trước và không biết khi nào mới có lịch tiêm tiếp. Người này cũng hướng dẫn, nếu có lịch tổ dân phố sẽ thông báo đến các gia đình nên cứ về đợi. Tôi đi làm theo ca, nếu không biết trước lịch tiêm rất khó để sắp xếp thời gian. Nếu trạm y tế có lịch tiêm cố định thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều", chị Thu nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ chiều 15-6 tại một trạm y tế thuộc quận Hà Đông, Hà Nội, hàng dài học sinh xếp hàng tiêm chủng COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Thủy (quận Hà Đông) đưa cháu đi tiêm từ 14h, đang ngồi chờ theo dõi sau tiêm để ra về.
Bà Thủy chia sẻ tháng 2 cháu có bị nhiễm COVID-19, đợt nhà trường tổ chức tiêm thì cháu chưa đủ điều kiện tiêm. Sau đó nghỉ hè, chờ mãi không thấy cô giáo thông báo lịch tiêm chủng tiếp. Hôm qua mới thấy phường dán thông báo, cô giáo cũng gửi thông tin hôm nay tổ chức tiêm cho trẻ.
"Bố mẹ nó làm sao xin nghỉ được, tôi ở gần nên qua đưa cháu đi tiêm. Tiêm cũng để yên tâm hơn sau đi học lại cũng đỡ lo lắng cháu mắc COVID-19 nữa", bà Thủy nói.
Cũng như bà Thủy, ông Trần Văn Quyết đưa cháu học lớp 3 đi tiêm. "Tôi vừa tiêm mũi 4 sáng nay, người vẫn hơi mệt nhưng con cái nhờ đưa cháu đi tiêm. Sáng nay tôi cũng có hỏi cán bộ y tế xem nếu cháu không tiêm được hôm nay thì bao giờ có lịch tiêm tiếp theo, nhưng họ nói cũng không rõ vậy nên tôi cố đưa cháu đi", ông Quyết chia sẻ.
Khác với Hà Nội, theo ghi nhận tại một số điểm tiêm trên địa bàn TP.HCM trong ngày 16-6, công tác tổ chức diễn ra trơn tru, nghiêm túc. Địa điểm, ngày giờ tiêm chủng được địa phương thông báo từ nhiều nguồn khác nhau. Người dân có nhu cầu tiêm đều nắm được lịch tiêm và chỉ cần mang giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận tiêm chủng những mũi trước đó sẽ được tiêm.
Tại Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM) hơn 8h sáng 16-6, hàng chục người, chủ yếu là người cao tuổi, có cả người nước ngoài đã có mặt để tiêm vắc xin liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). Công tác tiêm chủng tại đây diễn ra nghiêm túc.
Trong lúc chờ theo dõi sau tiêm, bà Hoàng Thị Mướt (69 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết bà chưa nhiễm COVID-19 và đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin. Sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn, bà đã trông chờ được tiêm vắc xin mũi 4 để tăng cường kháng thể, hạn chế chuyển nặng nếu chẳng may nhiễm COVID-19 trong tình hình mới.
Bà Mướt cho biết thêm, từ thông báo của tổ dân phố từ trực tiếp đến gián tiếp (qua nhóm Zalo) bà nắm được lịch tiêm vắc xin của trạm y tế phường.
"Không như đợt dịch cao điểm, tiêm vắc xin bây giờ thuận lợi lắm. Lịch tiêm ở trạm y tế phường được thông báo từ trước một tuần, tôi sắp xếp thời gian và cầm theo giấy xác nhận những lần tiêm trước thì nhân viên y tế tiêm cho mình thôi", bà Mướt chia sẻ.
Tiêm mũi 3 vào cuối năm 2021, bà Nguyễn Thu Hằng (72 tuổi, ngụ quận 1) đã được tiêm mũi 4 vào sáng 16-6. Bà cũng tiếp cận thông tin tiêm mũi 4 từ tổ trưởng tổ dân phố, bên cạnh thông tin báo đài truyền thông tháng cao điểm tiêm vắc xin liều nhắc lại tại TP.HCM.
Hà Nội nói "khó sắp xếp"; TP.HCM số người tiêm tăng dần
"Ngay khi nhận vắc xin phân bổ, trạm y tế sẽ tổ chức thông báo đến các tổ dân phố, người dân và tiến hành tiêm ngay. Không phải lúc nào chúng tôi cũng nắm được lịch phân bổ vắc xin để thông báo trước cho người dân nhiều ngày, người dân cần chủ động hơn để tiêm đúng lịch", một trưởng trạm y tế tại Hà Nội cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo trung tâm y tế một quận tại Hà Nội thừa nhận việc tiêm chủng còn một số hạn chế khiến nhiều người thực sự có nhu cầu tiêm chủng chưa tiếp cận được điểm tiêm.
"Tình hình dịch đã lắng xuống khiến nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tiêm chủng vắc xin COVID-19. Chúng tôi cũng nắm được thông tin người dân phải loay hoay đi tìm điểm tiêm nên đã đôn đốc rà soát đối tượng tiêm chủng, tổ chức điểm tiêm.
Tuy nhiên hiện hầu hết trạm y tế chỉ có thể tổ chức lịch tiêm mỗi tháng 1 lần cho tất cả các đối tượng. Sau đó lại tiếp tục rà soát rồi mới nhận vắc xin về để triển khai kế hoạch tiêm chủng tiếp theo", vị này cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng việc thông báo lịch tiêm chủng cần sớm hơn để người dân chủ động. "Chúng tôi sẽ xem xét, yêu cầu các trạm y tế thông báo lịch tiêm trong tuần sớm hơn để người dân chủ động công việc, thuận lợi tiêm chủng hơn".
Dược sĩ Trần Thị Thanh Nguyệt - phụ trách Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM) - cho hay tính từ ngày 5 đến 15-6 có khoảng 800 lượt người đến trạm tiêm mũi 4. Trong ngày 16-6 tiêm khoảng 200 người. Số lượt người đến tiêm tăng dần trong những ngày gần đây.
"Những ngày đầu triển khai tiêm mũi 4, danh sách người tiêm được UBND phường gửi về trạm y tế tổ chức tiêm. Cách làm này kéo dài vài ngày, dù trạm dự trù được số người đến tiêm nhưng không nhiều.
Có người đến lịch tiêm mũi 4 nhưng chưa có trong danh sách nên không được tiêm, nhưng hiện nay người có chỉ định tiêm mũi 4 hoặc người chưa tiêm đủ liều tại phường chỉ cần giấy xác nhận đã tiêm các liều vắc xin trước đó là được tiêm", dược sĩ Nguyệt chia sẻ.
Bà Nguyệt cho biết thêm thời gian gần đây phường tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ, hằng tuần sẽ báo cáo lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho UBND phường, UBND phường thông báo đến từng khu phố để người dân nắm, chủ động sắp xếp lịch tiêm phù hợp. (Tuổi trẻ, trang 14).