Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề xuất nâng bậc lương khởi điểm của bác sĩ so với các ngành nghề khác; Chủ động diệt bọ gậy, giảm nguy cơ tái diễn đỉnh dịch sốt xuất huyết; Cứu bé 7 tháng bị sặc bột suy hô hấp; Quảng Nam: Đã khống chế được dịch bạch hầu

 

Bộ Y tế đề xuất nâng bậc lương khởi điểm của bác sĩ so với các ngành nghề khác

Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát Đề án cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và ưu đãi người có công của Trung ương diễn ra tại Bộ Y tế cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề xuất một số nội dung như xây dựng bảng lương đối với công chức, viên chức, người lao động.

Theo đó, bảng lương của các đối tượng này cần gắn với vị trí việc làm được cấp thẩm quyền phê duyệt, chức danh nghề nghiệp và hiệu quả công tác thực tế. Bộ trưởng Y tế cũng đề xuất cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ ngành y tế theo hướng mức lương cơ sở được tính bằng mức lương tối thiểu vùng và được tính vào giá dịch vụ y tế.

Đồng thời, lương khởi điểm của bác sĩ sau khi hết thời gian thử việc được xếp vào bậc 2 của ngạch lương trình độ đại học. Ngoài ra, công chức, viên chức, ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề theo tinh thần Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị và Kết luận số 42/LK/TW ngày 01/04/2009 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề do ngân sách nhà nước chi trả; Đề nghị chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính cả khi về hưu vì các yếu tố độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động suốt quá trình.

Trước đó vào cuối tháng 9 vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết sẽ đề xuất để cho điều chỉnh thang bậc lương khởi điểm cho bác sĩ theo hướng tăng lên.

Lý do được ngành y tế đưa ra là việc để trở thành một bác sĩ thì phải học 6 năm, rồi theo quy định phải học thêm 1 năm chuyên ngành, chưa kể phải học thêm chuyên khoa một đến hai năm nữa thì mới bắt đầu hành nghề. Trong khi đó, ở các lĩnh vực khác chỉ cần học 4 năm, ra trường có thể làm việc luôn. Thế nhưng hiện lương khởi điểm của bác sĩ và các ngành học khác được tính bằng nhau (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Chủ động diệt bọ gậy, giảm nguy cơ tái diễn đỉnh dịch sốt xuất huyết

Ngày 16-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo dự báo của các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết (SXH) sẽ tiếp tục được khống chế, không có đỉnh dịch thứ hai nếu duy trì các hoạt động chống dịch quyết liệt như hiện nay. Đặc biệt, sau 7 tuần liên tiếp tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, số ca mắc SXH tại Hà Nội đã giảm 80%, tức là từ 500 ca xuống còn trên 100 ca/ngày. Tính đến ngày 7-10, số trường hợp mắc SXH ghi nhận chỉ còn 2 con số (95 ca). Số mắc không chỉ giảm mạnh mà còn giảm tương đối đều ở tất cả các quận, huyện trong thành phố (2 quận cao nhất là Hoàng Mai và Hà Đông chỉ còn trên 10 ca/ngày, các quận, huyện khác rải rác vài ca hoặc không ghi nhận). 

Cục Y tế dự phòng nêu rõ, để đạt được kết quả trên, chính quyền các cấp, ban, ngành và nhân dân đã tập trung phòng chống dịch trên mọi “mặt trận”: từ ngăn ngừa, giám sát, truyền thông, tập huấn, điều trị, xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi…  Ngay từ đầu tháng 4-2017, Ban Chỉ đạo chống dịch Bộ Y tế liên tục theo sát diễn biến dịch, tham mưu cho chính quyền thành phố Hà Nội, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết, thành lập gần 40.000 đội xung kích diệt bọ gậy với gần 80.000 người tham gia, tổ chức phun dịch trên diện rộng, trang bị 40 máy phun cầm tay và 30 máy phun công suất lớn trên ô tô để nhanh chóng đáp ứng phòng chống dịch…

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, thời gian tới, TP Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố khác cần tiếp tục duy trì mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch; tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo, đáp ứng nhanh… để giảm tối đa các ca mắc mới, bảo vệ sức khỏe của người dân. Để ngăn chặn dịch thành công, ngành y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, tiếp tục kiểm tra, vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngăn ngừa loăng quăng, bọ gậy, tự phòng tránh muỗi đốt, tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Cứu bé 7 tháng bị sặc bột suy hô hấp

Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) tiếp nhận bé Ngô Tuấn T.( 7 tháng tuổi) trong tình trạng ho, khó thở, suy hô hấp, tím tái, phải thở oxy, co kéo cơ hô hấp rất nhiều, tiên lượng rất nặng … do trong quá trình ăn bột trẻ bị ho dẫn đến sặc bột. Trẻ được xử trí cấp cứu ban đầu tại Trung tâm y tế (TTYT) Quảng Yên, sau đó chuyển tới Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Bé nhanh chóng cấp cứu cho thở Oxy qua Mask, khí dung thuốc giãn phế quản, hút dịch mũi họng cấp cứu trẻ tại khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhi càng nặng. Kết quả nội soi phế quản ghi nhận trong phổi của bệnh nhân chứa rất nhiều dịch lẫn bột thức ăn màu trắng mà bệnh nhân đã hít vào. Sau khi xác định được nguyên nhân suy hô hấp ở trẻ.

Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi hít do sặc bột và chỉ định nội soi phế quản cấp cứu. Kíp nội soi diễn ra trong khoảng gần 1h đồng hồ, các bác sĩ tiến hành bơm rửa, hút sạch dịch lẫn bột trắng tại hạ họng, thanh quản, khí quản và phế quản cho bé. Hiện tại sức khỏe toàn trạng bệnh nhân ổn định, tình trạng khó thở của bé đã giảm đáng kể, đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức Cấp cứu.

Kíp nội soi do bác sĩ Phạm Đăng Hùng, Lê Cảnh Nhật, Nguyễn Thành Công cùng các kỹ thuật viên tiến hành. Bác sĩ Phạm Đăng Hùng cho biết, trường hợp bé Ngô Tuấn T. bị tắc đường thở do sặc bột được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên nhanh chóng cung cấp oxy cho não, não không bị thiếu oxy quá lâu. Nếu đến bệnh viện chậm, thiếu oxy lâu sẽ để lại di chứng ở não, rất khó hồi phục hoàn toàn, nguy cơ tử vong ở trẻ rất cao.

Sặc thức ăn vào đường thở là 1 cấp cứu hô hấp, vì khi thức ăn vào đường thở sẽ kích thích gây co thắt thanh khí phế quản, mặt khác dịch dạ dày đi cùng thức ăn là dịch có tính acid mạnh, sẽ gây tổn thương phế quản và nhu mô phổi. Việc nội soi cấp cứu kịp thời bơm rửa phế quản phế nang nhằm loại bỏ các dị vật khỏi đường thở, loại bỏ acid dạ dày khỏi phế quản và phổi sẽ hạn chế tổn thương phổi cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ bệnh nhi khi đang cho con ăn mà thấy cháu ho sặc sụa, khó thở, tím tái cần thực hiện ngay nghiệm pháp vỗ lưng, ấn ngực, kích thích trẻ ho, để loại bỏ thức ăn bị sặc, sau đó cần đưa ngay trẻ tới trung tâm y tế để được xử trí kịp thời (Tiền phong, trang 6).

 

Quảng Nam: Đã khống chế được dịch bạch hầu

Chiều 16.10, trao đổi với Dân Việt, bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, hôm nay Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế) đã vào kiểm tra công tác điều trị, phòng chống bệnh dịch bạch hầu tại huyện miền núi Nam Trà My. Đến hôm nay bệnh bạch hầu cơ bản được chống chế. Theo ông Quang, dù trước đó thông tin là có 12 trẻ mắc bệnh, nhưng sau khi kiểm tra, điều trị từ ngày 29.9 - 14.10 chỉ có 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 7 trường hợp dương tính ở xã Trà Vân (một tử vong), Trà Vinh 2. “Theo quy định sau 14 ngày (3.10 - 16.10) không có thêm trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu thì vùng dịch đã được khống chế. Còn các trường hợp mắc bệnh trước đó đã cơ bản ổn định sức khỏe, hiện công tác khử trùng và tiêm phòng vẫn đang tiếp tục. Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lên kế hoạch tiêm phòng cho các vùng lân cận và giáp ranh với huyện Bắc Trà My…” - ông Quang nói.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tình hình phức tạp của bệnh bạch hầu, Viện Paster Nha Trang dự kiến sẽ cấp 30.000 liều vắc-xin để tiêm chủng cho 2 xã Trà Vân, Trà Vinh và các điểm của trường học của huyện Nam Trà My. Ngoài ra, tiếp tục đề xuất triển khai tiêm toàn huyện Nam Trà My cho đối tượng từ 5 - 40 tuổi (vắc-xin Td) và từ 1 - 4 tuổi (vắc-xin DPT).

Như Dân Việt thông tin, ổ dịch xảy ra tại Trường tiểu học xã Trà Vân có 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng, đã lấy 10 mẫu dịch ngoáy họng (trong đó có 3 người nhà). Kết quả xét nghiệm sơ bộ ngày 5.10 cho thấy 7 ca nghi ngờ đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Phúc (SN 2009), phát bệnh ngày 27.9, vào TTYT huyện Nam Trà My 10h sáng 29.9, được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1.10, bệnh trở nặng và được chuyển đến bệnh viện Nhi tỉnh, rồi bệnh viện Phụ Sản nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12h ngày 3.10, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim (Nông thôn ngày nay, trang 2).

 

Đã khống chế hơn 95% số ổ dịch sốt xuất huyết

Chiều 16-10, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh trong tuần (từ ngày 9 đến 15-10), toàn thành phố ghi nhận 1.021 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 47 trường hợp so với tuần trước).

Cụ thể, 19 quận, huyện có số ca mắc giảm; 9 quận, huyện có số mắc tăng và 2 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước. Tính đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 33.588 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 7 trường hợp tử vong. Hiện nay, 32.667 bệnh nhân đã khỏi bệnh (chiếm 97,26%). Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới) là 4.717 (95,02%). Toàn thành phố hiện chỉ còn 247 ổ dịch đang hoạt động. Ngoài ra, trong tuần qua đã ghi nhận 88 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản và 8 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh viện đang điều trị hai bệnh nhân bị uốn ván do bị gà mổ và lợn cào, nhập viện trong tình trạng toàn thân co giật, phải thở máy (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang