Tài xế giúp sản phụ sinh em bé trên taxi
Sáng 16.11, đại diện Công ty CP Nam Thắng Phú Quốc (Taxi 75 - H.Phú Quốc, Kiên Giang) đã đến thăm, tặng quà và miễn hoàn toàn cước phí cho sản phụ Trần Thị Cẩm Thúy; đồng thời thưởng nóng cho tài xế Đỗ Xuân Phương (39 tuổi) vì đã kịp thời giúp sản phụ “mẹ tròn, con vuông”.
Sáng 16.11, đại diện Công ty CP Nam Thắng Phú Quốc (Taxi 75 - H.Phú Quốc, Kiên Giang) đã đến thăm, tặng quà và miễn hoàn toàn cước phí cho sản phụ Trần Thị Cẩm Thúy; đồng thời thưởng nóng cho tài xế Đỗ Xuân Phương (39 tuổi) vì đã kịp thời giúp sản phụ “mẹ tròn, con vuông”.
Khoảng 5 giờ 30 ngày 15.11, nhận thông tin từ tổng đài, tài xế Phương đến ấp Chuồng Vích, xã Gành Dầu, cách TT.Dương Đông, H.Phú Quốc hơn 30 km đón khách.
Trên đường đi, chị Thúy có dấu hiệu chuyển dạ và luôn kêu đau. Lúc này, anh Phương vừa động viên, hướng dẫn sản phụ hít thở liên tục để làm giảm cơn đau vừa cho xe chạy nhanh hơn. Khi đến gần trung tâm TT.Dương Đông, chị Thúy bảo đầu em bé đã chui ra ngoài.
Anh Phương dừng xe, cùng người nhà chị Thúy giúp chị vượt cạn an toàn, rồi đưa đến Bệnh viện đa khoa H.Phú Quốc để được chăm sóc kịp thời. (Thanh niên, trang 2).
Xây dựng các “vệ tinh” tăng cường năng lực cho y tế tuyến dưới
Hằng năm, các cơ sở y tế của TP Hồ Chí Minh khám và điều trị cho hơn 30 triệu lượt người bệnh, trong đó có từ 40 đến 60% số người bệnh đến từ các tỉnh khu vực phía nam. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng bức thiết, những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp như: các đề án 1816, Bệnh viện vệ tinh; cử cán bộ luân phiên nhằm hỗ trợ tuyến dưới nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bà P.T.Q.H. (58 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) khi đang đi trên đường thì va chạm với xe gắn máy, được đưa vào Trạm cấp cứu vệ tinh 115 - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (BVXA). Qua chụp CT, các bác sĩ (BS) xác định nạn nhân bị nứt hộp sọ, máu tụ ngoài màng cứng, nhu mô não bị chèn ép. Nạn nhân nhanh chóng được phẫu thuật mở sọ, lấy hết máu tụ và cầm máu kỹ lưỡng. Hiện sức khỏe bà P.T.Q.H. đang hồi phục.
Tương tự, anh T.N.D (28 tuổi, tạm trú Tây Ninh) bị tai nạn giao thông, được đưa vào BVXA cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương. Qua CT, các BS xác định nạn nhân bị nứt sọ thái dương phải, máu tụ ngoài màng cứng thái dương phải cấp tính, nhu mô não bị chèn ép, dấu hiệu tụt não. Các BS lập tức tiến hành giải áp bằng cách khoan sọ cho máu tụ thoát ra ngoài nhằm tận dụng thời gian, giảm nguy cơ chết não do chèn ép. Sau đó mới phẫu thuật mở sọ. BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc BVXA cho biết, từ khi thành lập, trung bình mỗi ngày Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tiếp nhận hơn 100 lượt khám và cấp cứu, trong đó, có nhiều ca chấn thương sọ não nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Các trường hợp này đều được áp dụng quy trình báo động đỏ và xử lý phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Hiện nay các Trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại các bệnh viện ở các cửa ngõ thành phố đang phát huy hiệu quả trong việc tiếp nhận, cấp cứu cho các nạn nhân không may mắn. Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Lê Anh Tuấn cho biết, đến nay, có 16 Trạm cấp cứu vệ tinh 115 được đưa vào hoạt động tại các bệnh viện vùng ven, cửa ngõ, giúp cho việc cấp cứu nhanh chóng, cơ hội được cứu sống của người bệnh cao hơn. Có khoảng 30 kíp cấp cứu thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu từ người bệnh. Khi người dân gọi điện vào số 115, mọi thông tin được tiếp nhận và chuyển đến trạm cấp cứu gần nhất. Tùy theo tình hình, các bác sĩ trực tiếp thực hiện hoặc hướng dẫn người nhà sơ cứu, sau đó, vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất hoặc phù hợp với chuyên khoa để tiếp tục điều trị.
Một cách làm khác để chăm sóc người bệnh tốt hơn, đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối, tăng năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới là công tác triển khai các khoa vệ tinh. Tại Bệnh viện huyện Củ Chi, sau sáu tháng triển khai khoa vệ tinh, số người bệnh đã tăng gần 200%. Theo Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi Hồ Hải Trường Giang, đạt được kết quả trên là do được mười bệnh viện tuyến thành phố về hỗ trợ nhân lực, chuyên môn, kỹ thuật với nhiều chuyên khoa như ngoại khoa, nhi khoa, da liễu, tai mũi họng, mắt, sản khoa, răng hàm mặt... Trước đây nhiều người bệnh phải chuyển tuyến thì nay đã điều trị tốt, kể cả những ca bệnh nặng như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh mạch vành, cấp cứu nhiều trường hợp ngưng tim ngưng thở, rối loạn nhịp bằng các biện pháp như sốc tim, sốc điện, chuyển nhịp, đặt nội khí quản, thở máy…
Đến nay, Sở Y tế đã có 48 khoa vệ tinh được thành lập tại 12 bệnh viện tuyến quận, huyện; 271 lượt BS xuống hỗ trợ chuyên môn và tham gia khám, chữa bệnh trực tiếp tại các bệnh viện tuyến dưới; tổ chức 82 lớp tập huấn và đào tạo cho 944 lượt cán bộ y tế của bệnh viện quận, huyện, chuyển giao 114 kỹ thuật chuyên môn, trong đó có một số kỹ thuật như: Chẩn đoán và xử trí OAP, cấp cứu sản khoa và dự phòng các tai biến, phẫu thuật thoát vị thành bụng, phẫu thuật thoát vị thành bẹn đặt mảnh ghép, mổ bắt con, kỹ thuật chọc dò dịch não tủy, phẫu thuật nội soi sống lưng, phẫu thuật cắt đốt tiền liệt tuyến qua đường niệu đạo, nuôi ăn tĩnh mạch, chọc dò màng phổi,… Các bệnh viện thành phố còn chuyển giao hàng loạt gói kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến quận, huyện về: phẫu thuật cấp cứu sản phụ khoa, hồi sức sơ sinh, gây tê cạnh nhãn cầu, phẫu thuật trĩ hỗn hợp, nối gân duỗi, phẫu thuật u khoeo chân, đóng đinh nội tủy xương cẳng chân... Nhờ đó số ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên từ các bệnh viện này đã giảm từ 70% đến 90%.
Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo ngành y tế thành phố phải tiếp tục đầu tư phát triển y tế chuyên sâu đối với các bệnh viện tuyến thành phố để các bệnh viện này có thể trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực. Song song đó là đầu tư xây dựng một loạt công trình y tế trọng điểm nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. (Nhân dân, trang 5)
Chống dịch Zika nhưng đừng làm dân mệt mỏi
Chiều 16-11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã giám sát công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại quận Bình Thạnh.
Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết từ khi phát dịch đến nay trên địa bàn quận đã có 8 ca mắc virus Zika, đứng đầu thành phố về số ca mắc.
Trong đó, tập trung ca mắc ở các phường 2, 17, 24, 25, là những địa bàn có tình hình môi trường dân cư chưa bảo đảm vệ sinh.
Quận đã triển khai các biện pháp phòng chống như huy động hệ thống cơ sở Đảng, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền, vận động; phát tờ rơi hướng dẫn phòng ngừa đến từng hộ dân; phát động phong trào tổng vệ sinh vào các ngày thứ bảy, chủ nhật…
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn quận còn tới 140 dự án xây dựng lớn nhỏ, trong đó có nhiều dự án bỏ hoang, dang dở gây mất vệ sinh; rạch Xuyên tâm qua các phường ô nhiễm do tù đọng rác, nước thải…
Đại diện Đoàn thanh niên quận Bình Thạnh cho rằng, nhiều hộ dân trên địa bàn không hợp tác do có nhiều tổ chức, đoàn thể liên tục kiểm tra, giám sát, phun xịt thuốc làm phiền hà người dân…
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, yêu cầu HĐND, UBND, MTTQ quận Bình Thạnh quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch Zika, tập trung vào giám sát, tư vấn cho khoảng 45 thai phụ đang mang thai trong 3 tháng đầu mà Hội Phụ nữ quận đã thống kê.
Trong quá trình vệ sinh, giám sát, phun xịt hóa chất phải chọn thời gian phù hợp, phân chia giao trách nhiệm địa bàn cụ thể cho từng tổ chức, đơn vị tránh chồng chéo, giẫm chân nhau, vừa lãng phí công sức vừa làm mệt mỏi người dân… (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Giám sát Zika tại quận có nhiều ca mắc nhất TPHCM
Chiều 16/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã đến giám sát công tác ứng phó dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn quận Bình Thạnh - nơi có số người mắc Zika nhiều nhất TPHCM.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, đến nay quận Bình Thạnh ghi nhận 8 trường hợp nhiễm vi rút Zika, trên tổng số 38 ca tại thành phố. Hiện trên địa bàn quận đang có 45 phụ nữ mang bầu dưới 3 tháng. Các thai phụ đã được lập danh sách theo dõi tại các trạm y tế phường.
Để ngăn chặn vi rút Zika lây lan, có nguy cơ bùng phát trên địa bàn, quận Bình Thạnh có 10 đoàn kiểm tra tại 20 phường và đang duy trì 2 đội cơ động phun hóa chất diệt muỗi, thời gian phun xịt duy trì từ 16h đến 21h.
Vì là vùng nối giữa cửa ngõ phía Đông với trung tâm thành phố, quận Bình Thạnh có Bến xe Miền Đông nằm trên địa bàn. Do đó, lượng người khắp nơi trung chuyển đến quận hằng ngày khá đông. Khi xảy ra dịch bệnh, thì việc kiểm soát người bệnh cũng như tuyên truyền về dịch bệnh gặp không ít khó khăn. (Tiền phong, trang 15)
Một người chết do ngộ độc thực phẩm
Ngày 16-11, Giám đốc Sở Y tế Đắc Nông Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, cháu Nguyễn Giác Sáng, SN 2012, ở thị trấn Đức An, huyện Đắc Song bị ngộ độc thực phẩm, nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã qua cơn nguy kịch, hiện đang được điều trị tích cực. Tuy nhiên, chị gái của Sáng là Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 2008) đã bị chết trước đó do cùng ngộ độc thực phẩm.
Người nhà nạn nhân cho biết, sang 14/11, hai cháu được mẹ mua bánh mì kẹp thịt để ăn, chiều cùng ngày sau khi đi học về hai cháu tự nấu mì tôm ăn. Đến sang 15-11, khi gọi hai cháu dậy đi học thì phát hiện các cháu có triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, suy hô hấp… và đưa đến bệnh viện cấp cứu… (Nhân dân, trang 5)
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Bắc Ninh: Lập hội dồng chuyên môn vụ trẻ sơ sinh và sản phụ tử vong
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh khẩn trương xác minh thông tin trẻ sơ sinh, con sản phụ Lê Thị Thu (thôn Me, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Từ Sơn.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Bắc Ninh cần sớm họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với sản phụ và trẻ sơ sinh của BV Đa khoa Thị xã Từ Sơn và phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Sở Y tế Bắc Ninh cũng cần chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Thị xã Từ Sơn gặp gỡ, trao đổi và trả lời chính xác, trung thực với gia đình và công luận và báo cáo kết quả giải quyết vụ việc về Bộ Y tế trước ngày 21.11.2016… (Lao động, trang 3)