Vì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Ngày 28-6, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) lên hơn 90% vào năm 2020, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đã giao năm 2013 là 80%. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu mà Chính phủ mạnh dạn đi trước, với bước đi rất lớn, thể hiện quyết tâm chính trị chăm lo đời sống nhân dân.
Con số 90% liệu có khả thi? Đó là câu hỏi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với các bộ, ngành, địa phương trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện BHYT toàn dân, khi quyết định nâng chỉ tiêu bao phủ. Bởi theo Thủ tướng, việc nâng tỷ lệ bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân là việc rất thiết thực, nhất là đối với người nghèo, đối tượng gặp nhiều khó khăn được Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội quan tâm. Mọi người dân đều phải được hưởng phúc lợi quan trọng này, để bảo đảm an sinh xã hội.
Và sau chưa đầy một tháng diễn ra cuộc họp trực tuyến, Quyết định 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Quyết định này đã phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phát triển BHYT, với những điểm mới đặc biệt quan trọng. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chỉ tiêu được giao, trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân, trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT tại địa phương... Bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Trong đó, bảo đảm sớm đạt mục tiêu 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia BHYT; tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên. Giao BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT; tổ chức triển khai thực hiện; phát triển đối tượng tham gia BHYT. Phối hợp các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan việc phát triển đối tượng tham gia, đóng BHYT và tổ chức triển khai thực hiện… Giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý, bảo đảm đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia BHYT…
Khẳng định, việc nâng chỉ tiêu bao phủ BHYT hoàn toàn khả thi, tại hội nghị Triển khai công tác phát triển BHYT giai đoạn 2016-2020; khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT tổ chức ngày 29-6 nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ: Vào thời điểm này năm trước, kiểm điểm lại mục tiêu bao phủ BHYT trong Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phần lớn chúng ta cho rằng, rất khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 75% dân số có BHYT khi kết thúc năm 2015. Nhưng tất cả đã rất quyết tâm, tháng 9-2015, Thủ tướng đã ký Quyết định 1584 giao chỉ tiêu cho từng địa phương và kiểm điểm sát từng chỉ tiêu. Và rất mừng là thời điểm này, chúng ta đã có gần 78% người dân tham gia BHYT. “Việc nâng chỉ tiêu dân số tham gia BHYT lên 90,7% vào năm 2020 là hết sức quan trọng. Một đất nước tiến bộ cần có hệ thống an sinh xã hội vững chắc, muốn vậy, phải có hệ thống bảo hiểm vững chắc. Và một trong những yêu cầu là toàn dân phải tham gia bảo hiểm, trong đó có BHYT…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Để thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương. Với nhiệm vụ mà Chính phủ giao, BHXH Việt Nam sẽ chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp phù hợp thực tiễn, điều kiện kinh tế xã hội từng giai đoạn.
Một trong những điểm mới là cơ quan BHXH được phép tổ chức, mở rộng mạng lưới đại lý thu BHYT theo cơ chế dịch vụ công. Với cách làm đó, ngoài các đơn vị đang thực hiện chức năng làm đại lý thu BHYT, có thể huy động các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức khác, các cơ sở y tế từ tuyến xã trở lên, các điểm, trạm bưu điện… tham gia vào mạng lưới đại lý BHYT, bảo đảm cho người dân có thể mua BHYT trên phạm vi cả nước theo quy định của Luật BHYT.
Về mặt cơ chế tài chính, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, hướng tới mục tiêu tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, bảo đảm công bằng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ, tạo động lực cho người dân tham gia BHYT. Đồng thời, điều chỉnh nguồn ngân sách cấp cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) như hiện nay chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, cần xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng BHYT, để đến năm 2020 bảo đảm 100% quân nhân, công an có thẻ BHYT. Với UBND các tỉnh, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là chỉ tiêu kinh tế xã hội của mỗi địa phương, từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh, đồng thời ưu tiên nguồn ngân sách, huy động kinh phí để hỗ trợ người dân tham gia BHYT…
ĐỂ đạt mục tiêu này, hệ thống chính trị phải tăng tốc và quyết liệt hơn trong 5 năm tới. BHXH Việt Nam cần sử dụng mọi cơ chế linh hoạt, bãi bỏ những quy định không cần thiết, để có thể phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, ngành y tế phải nâng cao chất lượng KCB BHYT, không phân biệt giữa người dân KCB bằng thẻ BHYT và người dân khám dịch vụ, là yếu tố quan trọng, để công tác vận động người dân tham gia BHYT đạt hiệu quả. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ngành y tế đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB; triển khai có hiệu quả đề án giảm tải, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, đầu tư tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở; cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình KCB, thanh toán BHYT; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế…
Đặc biệt, việc Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT chính thức đi vào hoạt động, có thể coi là mốc lịch sử quan trọng của ngành y tế và BHXH trong việc thực hiện chính sách BHYT. Hệ thống hoạt động trực tuyến cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử KCB của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc, giúp việc thanh toán chi phí KCB BHYT hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, khi vận hành Hệ thống thông tin giám định, quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng, do việc giám định nhanh chóng, chính xác hồ sơ KCB; kiểm soát và ngăn chặn sự lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. (* Nhân dân (trang 1))
Thuốc lá điện tử - hiểm họa khôn lường
Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng thuốc lá điện tử (hay còn gọi là Vape) đã nhanh chóng mê hoặc được một bộ phận không nhỏ giới trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… Được quảng cáo là phương pháp hiệu quả giúp cai nghiện thuốc lá, nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn có thể gây nghiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Những “mê trận” khói!
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thuốc lá điện tử vẫn chưa được cấp phép kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ cần lên mạng và gõ cụm từ “thuốc lá điện tử” hay Vape, người mua có thể thỏa sức lựa chọn các loại thuốc lá điện tử với mẫu mã, giá cả rất đa dạng. Trên khắp các trang mạng xã hội, mặt hàng này cũng được quảng cáo công khai, với không ít clip giới thiệu cách dùng. Một bộ thuốc lá điện tử có giá từ 400.000 đến 5 triệu đồng. Khách hàng có nhu cầu chỉ cần để lại số điện thoại, địa chỉ, sẽ giao hàng tận nơi.
Món hàng đang gây tò mò trong giới trẻ này gồm hai phần cơ bản là thân máy (thiết bị có chứa pin để cung cấp nguồn điện lên đầu đốt, có thể được sạc thông qua cổng USB) và đầu đốt (nơi chứa và làm bốc hơi tinh dầu). Tinh dầu khá đa dạng về vị như: dưa hấu, táo, cà phê, kem, xì gà..., được rao bán với giá từ khoảng 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, tùy vào dung tích. Với khách nữ, các cửa hàng online thường giới thiệu tinh dầu có mùi hoa quả, với nam giới, cà phê và xì gà thường được ưa chuộng hơn.
Dạo một vòng các phố Đào Duy Từ, Nguyễn Thái Học, Ngô Quyền, Cầu Giấy..., ở đâu cũng có điểm bán thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, các cửa hàng bán thuốc lại được “ngụy trang” khá kỹ càng, thường nằm bên trong các quán nước, quán cà phê. Theo giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tới một quán cà phê trên phố Hàng Cá, quận Hoàn Kiếm. Càng về chiều tối, khách hàng trẻ ra vào quán càng tấp nập. “Quán mình có bán thuốc lá điện tử không em?”, tôi hỏi một nam nhân viên. “Không! Quán không bán thứ đó”, cậu ta trả lời dứt khoát. “Ô, hay nhỉ! Rõ ràng là bạn chị bảo đến địa chỉ này mà”, tôi thắc mắc. “Hóa ra bạn chị đến đây rồi ạ? À, thế đợi lát, để em đi hỏi lại”. Nói xong, anh ta liền chạy vào trao đổi gì đó với chủ quán. Chưa đầy 5 phút sau, người này trở lại, nói với giọng phân trần: “Các chị thông cảm, em mới đi làm nên không biết. Quán em có bán thuốc lá điện tử, nhưng mời các chị lên tầng 3 ngồi cho thoáng”.
Khác hẳn với không khí trong lành, nhẹ nhàng cùng những bản nhạc du dương phía dưới, tầng 3 ồn ào với những bản nhạc ngoại xập xình. Gian phòng chừng 25m2, cửa ra vào làm bằng kính, luôn trong tình trạng đóng chặt. Phía bên phải là bàn ghế dành cho khách, bên trái là một quầy chất đầy các loại thân máy, lọ tinh dầu lớn, bé, đủ màu sắc, kiểu dáng, đủ mùi vị. Bước vào phòng là thấy choáng bởi khói thuốc mù mịt, mùi điều hòa lẫn với mùi của các loại tinh dầu, cảm giác ngây ngấy như thể bị say xe ô tô. “Em cần gì?”, một thanh niên chừng 25 tuổi hỏi. “Cần mua thuốc lá điện tử. Bạn em nghiện thuốc nặng lắm rồi, thứ này liệu còn hiệu quả không?”, tôi nói. Nghe hỏi vậy, người này liền nói to để át tiếng nhạc: “Được chứ! Loại này ít độc lắm, người ngoài ngửi cũng không sao”. “Không phải ít độc mà là không độc tí nào nhé. Cái này điều chỉnh được lượng nicotine, có thể giảm liều lượng để cai được thuốc lá thường, không hề gây hại cho người ngửi”, một người đàn ông, khoảng gần 40 tuổi, đứng ngay cạnh quầy nói thêm. Sau đó, cả hai người này liền lấy thuốc ra hút, thản nhiên “nhả khói” trước mặt khách.
Khi đề cập đến giá cả, nam nhân viên tỏ ra hào hứng: “Giá trọn bộ thuốc lá điện tử dao động từ 500.000 đến 5 triệu đồng. Nếu mua trọn bộ cả máy và tinh dầu thì được tặng kèm 3 chai tinh dầu, giá khoảng 120.000 đồng. Tùy vào mức độ sử dụng, một chai tinh dầu dùng được từ 5 ngày đến một tuần”. Cái "hay" của thuốc lá điện tử, theo nhân viên này, là có thể điều chỉnh được công suất, lượng khói nhiều hay ít. Tuy khẳng định an toàn 100% nhưng khi chúng tôi hỏi có trường hợp nào cai nghiện được thuốc lá thường lại chuyển sang nghiện thuốc lá điện tử không, nhân viên của quán thừa nhận là có.
Tại một quán cà phê trên phố Ngô Quyền, chúng tôi được dẫn vào một ngõ sâu khi nói “Muốn hút Vape”. Chọn một góc khuất, chúng tôi ngồi lặng lẽ quan sát đám đông đang nhả khói. Cả khách nam và nữ, đa phần là những người trẻ, ăn mặc sành điệu. Trong tiếng nhạc xập xình, người ngửa cổ rít thuốc rồi lắc lư, uốn éo theo nhạc, người lại gục đầu xuống, ánh mắt vô hồn như đang chìm trong cơn mộng mị. Hết cơn, họ quay sang trò chuyện với nhau vài câu rồi lại tiếp tục hút thuốc. Bên cạnh, một vài cô gái không hút cũng vui vẻ hòa vào tiếng nhạc, chìm vào khói thuốc trắng xóa…
Nguy cơ ung thư cao gấp 15 lần
Những bạn trẻ hút thuốc lá điện tử đều thừa nhận, dùng Vape tốn kém hơn so với thuốc lá thường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn sử dụng vì thấy nó “có vẻ thanh lịch, sành điệu”. “Tôi nghe mọi người nói hút thuốc lá điện tử không độc hại như thuốc lá thường. Mà thực tế cũng thấy nhẹ hơn, thơm hơn, hút xong cũng không bị hôi, ám khói. Đặc biệt, tôi hút xong, bạn bè, người xung quanh cũng có vẻ dễ chịu, không thấy ai than phiền”, một người dùng Vape chia sẻ. Tất cả chủ các cửa hàng bán loại mặt hàng này cũng đều khẳng định rằng thuốc lá điện tử không chỉ không gây độc hại cho sức khỏe của con người mà giúp người dùng cai nghiện thuốc lá. Đặc biệt, khói thuốc không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Tuy nhiên sự thực liệu có phải như vậy?
Theo các chuyên gia y tế, tinh dầu chứa trong thuốc lá điện tử là một hỗn hợp bao gồm nicotine, các chất tạo mùi, dung môi và những phụ gia khác. Khi hút thuốc lá điện tử, chất lỏng này sẽ được đốt nóng và tạo khói với nhiều mùi thơm khác nhau. Kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England mới đây, những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Các nhà khoa học thuộc Đại học Portland đã tiến hành kiểm tra lượng chất formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Họ kết luận đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Trước đó, năm 2014 các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản đã đưa ra kết luận, thuốc lá điện tử chứa lượng chất gây ung thư cao gấp 10 lần so với các loại thuốc hút thông thường. Tại Mỹ, giới khoa học cũng từng khẳng định thiết bị này không thực sự giúp người nghiện cai thuốc. Hiện nay, tại một số quốc gia như Tây Ban Nha, Australia, Canada, Israel, Mexico và nhiều thành phố của Mỹ như Los Angeles, Chicago và New York đã cấm sử dụng thuốc lá điện tử cũng như thuốc lá ở những địa điểm công cộng.
Tại Việt Nam, theo các quy định pháp luật hiện hành, việc buôn bán các mặt hàng không nằm trong danh mục được phép nhập khẩu kinh doanh là phạm tội kinh doanh trái phép. Ngoài ra, các hành vi quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Một số người bán hàng online cho biết, hiện nay, Vape đa phần đều là hàng lậu, chủ yếu là hàng Trung Quốc vì giá rẻ. Người dân, nhất là một bộ phận giới trẻ nên tự có ý thức bảo vệ mình, tránh tiếp xúc, sử dụng các sản phẩm chưa được phép và chưa có kiểm định của cơ quan chức năng để tránh những tác hại khôn lường cho sức khỏe. (* Hà Nội mới (trang 8))
Giám sát 13 loại nước uống của Công ty Coca Cola VN
Thanh tra Bộ Y tế vừa có công văn gửi sở y tế 6 tỉnh, thành phố (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa), yêu cầu giám sát việc tạm dừng lưu thông các sản phẩm thực phẩm bổ sung của Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola VN.
Từ ngày 21.6, đoàn thanh tra của bộ này bắt đầu thanh tra tại Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola VN ở TP.HCM, sau đó sẽ thanh tra tại các chi nhánh sản xuất của công ty này…
Theo báo cáo của Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola VN và qua kiểm tra, xác minh cho thấy tại 3 nhà máy của công ty ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đang sản xuất một số sản phẩm thực phẩm, trong đó có thực phẩm bổ sung. Các nhà máy này đều có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh nước đóng chai nhưng chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền cấp cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung. Ngày 23.6, công ty đã ra thông báo tạm dừng sản xuất, tạm dừng lưu thông và thu hồi các sản phẩm liên quan để hoàn tất việc xin cấp giấy chứng nhận theo quy định.
13 thực phẩm bổ sung của công ty tạm dừng sản xuất, lưu thông gồm: nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth. (* Thanh niên (trang 4))
Nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ
Tại Bệnh viện Mắt Hà Đông (Hà Nội), từ đầu tháng 6 đến nay số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân đến khám. Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, trung bình cứ 50 người đến khám mắt, có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ.
Bác sĩ Hoàng Cương, Phó trưởng Phòng quản lý khoa học và đào tạo (Bệnh viện Mắt T.Ư) cho biết vào mùa hè bệnh đau mắt thường gia tăng, bệnh thường diễn ra từ tháng 7 đến 11. Điều đáng nói, nhiều ca đến khám trong tình trạng nặng do dùng thuốc truyền miệng từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây. Dù đã có khuyến cáo nhưng năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận những biến chứng do tự điều trị.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.
Dễ lây lan, ảnh hưởng thị lực
Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện chính bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc thì hậu quả sẽ lớn hơn. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus, cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh. (* Tiền phong (trang 10))
Gia tăng số trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản
Ghi nhận tại một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, số trẻ nhập viện do viêm não Nhật Bản đã bắt đầu gia tăng. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng thần kinh, bệnh này thường bắt đầu gia tăng từ tháng 5 đến 10 thì chững lại.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, cho biết hiện tại khoa đang phải điều trị cho 3 trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, cho biết hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị từ 7-10 trẻ bị viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý, trong số các ca viêm não Nhật Bản điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có đến 60% trẻ phải thở máy do có các biến chứng suy hô hấp, sốc. Đa phần, các bé mắc bệnh chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi.
"Số trẻ nhập viện vì căn bệnh này bắt đầu gia tăng từ tháng 5 và thông thường đến tháng 10 sẽ chững lại. Vào những thời điểm khác, bệnh viện chỉ có từ 3-5 ca trẻ mắc bệnh", bác sĩ Khanh cho biết thêm.
Thời gian gần đây, số trẻ nhập viện do viêm não Nhật Bản đã bắt đầu gia tăng.
Theo bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình một năm có từ 200 – 300 trẻ bị viêm não siêu vi điều trị tại bệnh viện. Trong đó, viêm não Nhật Bản được đánh giá là bệnh rất nặng, thường để lại các di chứng về vận động, ngôn ngữ, nặng nhất là phải sống đời sống thực vật. Thời gian điều trị cho một trường hợp viêm não thường kéo dài rất lâu, có khi đến vài tháng. Điều nguy hiểm là bệnh diễn tiến rất nhanh, có khi trẻ tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.
Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...
Theo Cục Y tế Dự phòng, để phòng chống bệnh viêm não do vi rút cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, đa chuồng gia súc ra xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh; thực hiện tiêm chủng đầy đủ. (* Lao động (trang 4))
Phạt một công ty giới thiệu phương pháp chọn giới tính thai nhi
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết địnhphạt Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thái Việt (43D/19 Hồ Văn Huê,phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) 18 triệu đồng.
Lý do là công ty này đã đăng thông tin về phương pháp giới tính thai nhi theo ý muốn trên website.
Trước đó, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM phát hiện Công ty Thái Việt đăng tải thông tin “Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm lựa chọn giới tính tại BV quốc tế BNH Thái Lan” trên website http://sinhcontheoymuon.vn. Thông tin có nội dung: “Sau năm ngày nuôi cấy túi phôi, bệnh nhân sẽ được thông báo về kết quả phôi (giới tính và phôi bất thường). Sau khi kiểm tra niêm mạc đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ chuyển phôi mang giới tính bệnh nhân mong muốn vào tử cung người mẹ”.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, nội dung trên đã vi phạm chính sách về dân số theo Nghị định 104/2003 và 176/2013 của Chính phủ. Do vậy, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM có công văn đề nghị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xem xét và xử lý. (* Pháp luật TPHCM (trang 2))
14.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT được kết nối mạng
Sự kiện 14.000 cơ sở y tế cả nước chính thức kết nối toàn bộ việc giám định, thanh toán BHYT qua dịch vụ công nghệ thông tin không chỉ đem lại bước thay đổi căn bản trong phòng bệnh, khám chữa bệnh mà còn là thời điểm lịch sử của hai ngành y tế và công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị triển khai công tác phát triển BHYT giai đoạn 2016-2020, khai trương cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định BHYT sáng 29-6.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết đến nay các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại 63/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương đã thử nghiệm kết nối vào hệ thống thông tin giám định BHYT. Đặc biệt, từ ngày 25-6, cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam đã chính thức tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Việc này đem lại nhiều hiệu quả lớn không chỉ cho cơ quan BHYT mà người bệnh cũng giảm thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí...
Hiện tỉ lệ tham gia BHYT năm 2015 là 76,5% dân số, vượt chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giao. Trong sáu tháng đầu năm 2016 cũng đã có khoảng 78% dân số tham gia BHYT, vượt 0,3% so với chỉ tiêu đề ra. (* Sức khỏe & Đời sống, Pháp luật TPHCM (trang 2))
Tăng cường phòng chống viêm não Nhật Bản
Tính đến ngày 25/6 Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản, số bệnh nhân tăng nhanh trong tuần qua với 6 ca.
Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, viêm não Nhật Bản là bệnh hay gặp vào mùa hè, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.
Vì thế, để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã tăng cường giám sát dịch tại bệnh viện và cộng đồng; kịp thời phát hiện bệnh nhân để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đạt tỷ lệ theo quy định.
Các cơ sở y tế trên địa bàn cũng được yêu cầu tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế khám phát hiện, điều trị bệnh. Khi phát hiện có bệnh nhân, nhân viên y tế thông báo cho trung tâm y tế cấp quận, huyện, xã hoặc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để có biện pháp xử lý. Các đơn vị cũng điều trị kịp thời cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.
Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa miễn dịch với vi-rút viêm não Nhật Bản đều có thể mắc bệnh, kể cả người lớn. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% ca, trong đó đa số là trẻ 1-5 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, diễn biến nặng, tỷ lệ di chứng và tử vong cao. Ước tính khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 30-50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Biểu hiện của bệnh là sốt cao kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh).
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn. Cha mẹ lưu ý không cho trẻ chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên trẻ phải được tiêm đủ liều. Nếu chỉ tiêm một mũi vắc-xin thì không có hiệu lực bảo vệ, tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.
Đỉnh cao dịch bệnh là tháng 6 và tháng 7. Từ tháng 10 trở đi, mật độ muỗi giảm xuống và dịch kết thúc. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo cha mẹ tuân thủ lịch tiêm chủng như sau:
Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Mũi một: Lúc trẻ đủ một tuổi;
- Mũi 2: Sau mũi một từ một đến 2 tuần;
- Mũi 3: Sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc-xin thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng cách các mũi cũng tương tự như trên. (* Pháp luật TPHCM (trang 2))
Nỗ lực cho bước chuyển biến lớn, tập trung nâng cao chất lượng dân số
Giai đoạn 2011 – 2015, công tác DS - KHHGĐ đã đạt được những thành công, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác DS - KHHGĐ giai đoạn 2011- 2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.
Những dấu ấn đáng tự hào
Giai đoạn 2011 - 2015, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành đoàn thể và nỗ lực của cán bộ, cộng tác viên dân số, công tác DS - KHHGĐ đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Những kết quả đạt được của công tác DS - KHHGĐ 5 năm qua cũng chính là sự kế tiếp thành công của hơn 50 năm Việt Nam thực hiện công tác DS - KHHGĐ. Hệ thống pháp luật, chính sách về dân số ngày được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy, cán bộ được củng cố, bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Các chỉ tiêu về DS - KHHGĐ đến năm 2015 cơ bản đã đạt được. Cụ thể, quy mô dân số nước ta năm 2015 là 91,70 triệu người, đạt mục tiêu dưới 93 triệu người vào năm 2015. Mức sinh thay thế (số con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) được duy trì 2,1 con từ năm 2006 đến nay. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) luôn ở mức cao, cơ cấu sử dụng các BPTT thay đổi theo xu hướng tích cực, luôn trên 76%, trong đó các BPTT hiện đại luôn trên 66%.
Những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ đã từng bước được tháo gỡ. Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) bước đầu được khống chế: Tỷ số GTKS năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái. Như vậy, qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012 - 2015, tốc độ gia tăng tỷ số GTKS bước đầu được khống chế và năm 2015, tỷ số này ở mức dưới 113 bé trai/100 bé gái, đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao, tăng từ 1,5% (năm 2010) lên 15% (năm 2015); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 6% (năm 2010) lên 30% (năm 2015), đạt chỉ tiêu Chiến lược và Chương trình đặt ra. Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm: Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh đã giảm xuống còn 1,57%, vượt chỉ tiêu mà Chương trình đặt ra (mục tiêu của Chương trình là giảm xuống còn 2,5%).
Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được cải thiện qua các mô hình Tư vấn, khám sức khỏe vị thành niên, thanh niên và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò, trí tuệ, khả năng đóng góp cho xã hội và việc chăm sóc sức khỏe NCT ngày càng được coi trọng, cải thiện và nâng lên. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng và ở mức 73,2 tuổi. Chất lượng dân số vùng biển, đảo, ven biển được nâng lên… Ông Nguyễn Văn Tân cho biết: “Nhiều mô hình, đề án về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả. Phong trào nhân dân tự nguyện thực hiện KHHGĐ ngày càng phát triển mở rộng; mô hình gia đình có 1 hoặc 2 con đã và đang trở thành một chuẩn mực xã hội”.
Những thách thức cần vượt qua
Trong 5 năm qua, thành công của công tác DS - KHHGĐ là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Kết quả của công tác dân số đạt được trong thời gian qua đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tuy đạt được những kết quả tốt đẹp, nhưng công tác DS - KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Mặc dù hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho công tác DS-KHHGĐ trong 5 năm qua đã đạt được, song vẫn còn một số mục tiêu đạt thấp hoặc chưa thực sự vững chắc. Tuy chưa vượt khỏi tầm kiểm soát nhưng mức sinh đã tăng liên tục từ năm 2011 (TFR: 1,99) đến 2015 (TFR: 2,1); công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ DS - KHHGĐ, chăm sóc SKSS còn nhiều hạn chế... Bộ máy tổ chức, cán bộ chưa được hoàn thiện, thiếu thống nhất ở các địa phương; kinh phí chương trình liên tục bị cắt giảm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược và tính chất khó khăn, phức tạp của công tác DS-KHHGĐ, nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc và chưa kịp thời định hướng, đề ra các giải pháp thiết thực, điều chỉnh chính sách thích ứng với diễn biến của tình hình thực tiễn, chưa lồng ghép dân số vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành mình, địa phương mình.
Do vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, để phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những mặt còn tồn tại trong công tác DS - KHHGĐ, giai đoạn 2016 - 2020 cần tiếp tục quán triệt các quan điểm của Chiến lược DS&SKSS đến năm 2020; triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Chú trọng nâng cao chất lượng dân số
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dân số là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Hiện nay, công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành Dân số cũng như sự chung tay vào cuộc của toàn thể các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Trong thời gian tới, công tác DS-KHHGĐ cần phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức còn tồn tại, như quy mô dân số đã đạt kế hoạch nhưng vẫn có xu hướng gia tăng; nhiều vùng trên cả nước nhất là vùng Đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm phong kiến như “trọng nam khinh nữ” khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng tăng cao. Điều này khiến tình trạng mất cân bằng GTbKS ngày càng gia tăng. Ngoài ra, trong 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng các BPTT đang giảm xuống; già hóa dân số tăng nhanh, nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già điển hình trên thế giới.
Phó Thủ tướng đề nghị, đến năm 2017, ngành Y tế, Dân số sẽ tham mưu BCH Trung ương Đảng để ban hành Nghị quyết về dân số và trình Quốc hội ban hành Luật Dân số. Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay từ bây giờ, ngành Dân số phải tổ chức nghiên cứu bài bản các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân số. Dân số ở đây không chỉ có quy mô, cơ cấu, phân bổ… mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.
Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dân số là vấn đề phát triển bao gồm vấn đề sức khỏe, liên quan đến giáo dục, liên quan đến chất lượng dân số, đặc biệt là giống nòi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở nước ta hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng chương trình hành động và đề án cụ thể về chăm sóc sức khỏe NCT. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng GTKS; xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS; đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số. (* Gia đình & Xã hội (trang 6))