Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc tại Viện YDHDT TP.Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh kết hợp Đông Tây y trong khám chữa bệnh cho người dân; Liên thông kết quả xét nghiệm y học trước ngày 1/7 tới; Cách phát hiện và sơ cấp cứu khi ngộ độc rượu chứa methanol

 

Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc tại Viện YDHDT TP.Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh kết hợp Đông Tây y trong khám chữa bệnh cho người dân

Chiều ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn Bộ Y tế đã đến thăm và tặng quà lưu niệm tại Viện Y Dược Học Dân Tộc TP.HCM và các lương y tiêu biểu đã và đang hoạt động trong lĩnh vực Y, Dược cổ truyền trên địa bàn TP.HCM nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 .

Báo cáo với Bộ trưởng, BS.CKII Huỳnh Nguyễn Lộc - Viện trưởng Viện Y Dược Học Dân tộc TP.HCM cho biết, nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền của người dân là cực ký lớn. Riêng công tác khám chữa bệnh của Viện trong mấy năm qua đang ngày càng phát triển và càng ngày càng thu hút sự quan tâm tin tưởng của người dân. Cụ thể, năm 1014 có gần 165.000 lượt ngoại trú, 234 giường nội trú đạt chỉ tiêu 92%. Năm 2015 Viện có gần 172.000 lượt ngoại trú vượt chỉ tiêu 4%. Đến năm 2016 có gần 186.000 lượt ngoại trú, 260 giường nội trú vượt chỉ tiêu 9%. Điểm quản lý chất lượng năm 2016 xếp hạng thứ 4/101 bệnh viện tại TP.HCM đạt 4.06/5 điểm. Trong khi đó, năm 2014, Viện chỉ đạt 2.14/5 điểm.

Viện trưởng Huỳnh Nguyễn Lộc cũng cho biết, Viện quyết liệt và vận dụng thực tiễn các quyết sách của Bộ Y tế trong triển khai tổ chức thực hiện các vấn đề của Viện, trong đó nổi bật là công tác quản lý chất lượng, công tác tự chủ tài chính, công tác quản trị lao động và nguồn nhân lực, công tác bảo hiểm nên sự tin yêu của người dân tăng, người bệnh ngày càng tăng. Đời sống cán bộ nhân viên của Viện ổn định, tăng cao do tăng hiệu suất, đa dạng các hoạt động.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Viện cũng còn một số hạn chế là công tác quản trị vẫn còn chưa bao phủ tận gốc các vấn đề thực tiễn của Viện, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng dù đã quyết liệt triển khai từ 2014, chuyên ngành y học cổ truyền với thực tiễn nguồn nhân lực chưa đáp ứng guồng quay của sự thay đổi tất yếu như tự chủ tài chính.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao những thành quả Viện Y Dược Học Dân Tộc đã đạt được trong thời gian qua. PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong phát triển y tế quốc gia, nhất định phải phát triển y học cổ truyền, đẩy mạnh các loại hình không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt...Kết hợp đông tây y trong điều trị đó là mong muốn của Bộ Y tế. Viện cần phát triển nghiên cứu hơn nữa để tạo ra những loại thuốc tốt điều trị cho người dân.  Phải tạo lòng tin ở người dân, giúp người dân phải tin tưởng các phương pháp khám chữa bệnh y học cổ truyền, đặc biệt trong các bệnh như đau xương khớp, suy nhược, thần kinh tọa, viêm xoang... (Sức khỏe đời sống trang 3)

 

Liên thông kết quả xét nghiệm y học trước ngày 1/7 tới

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 và lộ trình đến ngày 1/1/2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương của Bộ Y tế.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để sớm triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025.

Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc Bộ trước ngày 1/7/2017.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm) theo tiêu chí do Bộ Y tế ban hành. (Sức khỏe đời sống trang 2)

 

Cách phát hiện và sơ cấp cứu khi ngộ độc rượu chứa methanol

Methanol là chất gì và mức độ nguy hiểm của nó như thế nào đối với sức khỏe con người? Cách xử trí ngộ độc rượu ra sao để tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm?...

PV báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai (admin diễn đàn bacsinoitru.vn) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

ThS.BS Lương Quốc Chính nói:

Loại rượu duy nhất để uống có tên là rượu ethylic hoặc ethanol được sản xuất theo quy trình riêng và sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. Cũng có nhiều loại rượu khác nhưng có độc tính rất cao như rượu methanol. Methanol được sản xuất trong công nghiệp, là sản phẩm cuối của nhiều quy trình sản xuất, từ sự chuyển hóa của nhiều loại quả, từ sự phân hủy rác... Methanol có nhiều ứng dụng khác nhau trong công nghiệp như dùng làm sơn, để lau chùi véc ni, dùng làm dung môi... Tuy nhiên, tuyệt đối không được sử dụng methanol làm rượu thực phẩm như ethanol.

Phần lớn các trường hợp tử vong do ngộ độc methanol là do tự tử hoặc sử dụng methanol làm đồ uống thay thế cho ethanol... Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30 ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25 ml/kg đã gây mù mắt và 0,5 ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.

Có thể nhận biết người ngộ độc Methanol qua những triệu chứng nào? Cách xử trí ngộ độc rượu ra sao để tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm, thưa bác sĩ?

ThS.BS Lương Quốc Chính: Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn) và tình trạng folate của bệnh nhân. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện.

- Thần kinh: lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

- Mắt: lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định kà dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

- Dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu (kiểu thở kussmaul), huyết áp thường bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám

Bác sĩ có thể chia sẻ một số trường hợp ngộ độc rượu nguy kịch trong quá trình cấp cứu? Khó khăn khi điều trị những ca bệnh này? Sau ngộ độc methanol, bệnh nhân ngộ độc rượu có để lại những di chứng gì không?

ThS.BS Lương Quốc Chính: Công việc hàng ngày tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai của chúng tôi chính là khám và xử trí các tình trạng cấp cứu, trong đó không ít các trường hợp ngộ độc rượu nặng. Từ nhiều năm nay, trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã khám, chẩn đoán và xử trí khá nhiều trường hợp ngộ độc methanol do uống rượu. Một điểm đáng lưu ý là rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol vào bệnh viện tuyến dưới vì lý do hôn mê sâu đều được chẩn đoán nhầm sang bệnh khác. Gần nhất là bệnh nhân N.V.T (54 tuổi) ở Nam Định, sau uống rượu 1 ngày thì được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, chuyển lên khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán tai biến mạch máu não. Qua hỏi bệnh và khám cấp cứu chúng tôi phát hiện ra bệnh nhân có rối loạn thị lực và rối loạn ý thức sau uống rượu, tình trạng toan chuyển hóa nặng, quyết định xét nghệm áp lực thẩm thấu máu và độc chất tìm methanol trong máu cho kết quả chẩn đoán xác định ngộ độc methanol. Bệnh nhân được hồi sức, lọc máu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khoảng 2 tuần thì khỏi bệnh và ra viện.

Từ rất nhiều trường hợp có chẩn đoán lạc hướng như trên chúng tôi có khuyến cáo nghĩ tới ngộ độc methanol nếu có một trong các tình huống sau:

- Bệnh nhân sau uống rượu có tình trạng nhiễm toan nặng dần hoặc có rối loạn về nhìn và không giải thích được bằng lý do khác.

- Nhiễm toan chuyển hóa và có rối loạn về nhìn.

- Có người khác cùng uống rượu với bệnh nhân và được chẩn đoán là ngộ độc methanol.

- Bệnh nhân có khoảng trống thẩm thấu tăng và có toan chuyển hóa không giải thích được bằng lý do khác.

- Nồng độ methanol máu >20mg/dL.

Sau ngộ độc methanol, bệnh nhân có thể có một số biểu hiện khác và di chứng như:

- Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.

- Tiêu hoá: biểu hiện sớm, viêm dạ dày xuất huyết, viêm tuỵ cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.

- Các di chứng thần kinh: H/C parkinson, thiết hụt nhận thức, viêm tuỷ cắt ngang và giả liệt vận nhãn.

Vậy bác sĩ đưa ra khuyến cáo gì giúp người dân đề phòng ngộ độc rượu?

ThS.BS Lương Quốc Chính: Uống rượu “quá chén” gây rất nhiều tác hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, người dân nên tiết chế, điều độ. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ bóng mây... sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.

Khi tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc methanol, nhân viên y tế phải chuyển bệnh nhân tới trung tâm y tế có khả năng hồi sức và lọc máu sớm nhất khi có thể. (Sức khỏe đời sống trang 4)

 

Bộ Y tế yêu cầu xác minh và xử lý vụ trẻ nguy kịch tại Đắk Lắk

Ngày 16-2, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ -Trẻ em (Bộ Y tế) đã ký công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk xác minh thông tin vụ cháu bé 10 ngày tuổi, con của sản phụ H’Ngọc bị nguy kịch vì bà đỡ cắt rốn bằng dao lam, hiện đang phải điều trị uốn ván tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đắk Lắk báo cáo diễn biến vụ việc về Bộ trước ngày 17-2, đồng thời yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk tập trung mọi phương tiện, nhân lực và thuốc để ưu tiên chăm sóc, điều trị cho cháu bé. 

Yêu cầu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo và chấn chỉnh các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế tỉnh Nghệ An xác minh thông tin phản ánh về việc bé trai 7 tháng tuổi con của anh X (37 tuổi trú xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc tỉnh Nghệ An sau 15 phút vào viện. 

Trong khi chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng về trường hợp tử vong, Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc cần sớm họp Hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình chăm sóc, theo dõi và xử trí đối với trẻ tại bệnh viện và có kết luận và hướng giải quyết cũng như trả lời gia đình và công luận.

Bộ Y tế cũng có công văn yêu cầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xác minh thông tin được báo chí phản ánh về việc một bác sĩ của Bệnh viện quận 5 móc nối với công ty dược để nhận hoa hồng và kê đơn thực phẩm chức năng. Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các tập thể cá nhân vi phạm cũng như có các biện pháp để quản lý, giám sát tình trạng này và công khai thông tin kết quả xác minh cho các cơ quan báo chí. (Công an nhân dân trang 2, Sưc khỏe đời sống trang 2)

 

Cảnh báo bệnh do virus Zika còn phức tạp

Mặc dù số ca mắc được phát hiện đã giảm dần, tuy nhiên trong năm 2017, bệnh do virus Zika vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, thậm chí có thể bùng phát trên diện rộng nếu không có kế hoạch giám sát và ứng phó ngay từ đầu năm.

Phó giáo sư-tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, đã khuyến cáo như trên tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 16/2.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay cả nước có 227 trường hợp xác định nhiễm virus Zika, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. (Nông thôn ngày nay trang 3)

 

Vụ 87 người ngộ độc sau ăn cỗ cưới ở hà giang: Do thực phẩm chứa vi sinh, ôi thiu

Tính đến 7h sáng nay 16/2, thì số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đã tăng lên con số 87 người.

Trao đổi với phóng viên ngày 16/2, PGS.TS.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tình hình sức khỏe của các nạn nhân cũng dần được ổn định. “Nguyên nhân khiến gần một trăm người bị ngộ độc sau ăn cỗ cưới ở Hà Giang do thực phẩm trong đám cỗ chứa vi sinh, thực phẩm bị ôi thiu”, ông Phong nói… (Nông thôn ngày nay trang 3)

 

Thêm 1 người tử vong trong vụ ngộ độc rượu ở Lai Châu

Ngày 16.2, ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, cho biết ngoài 7 ca tử vong được báo cáo trước đó, trong vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại bản Tả Chải (xã Ma Ly Chải, H.Phong Thổ, Lai Châu) có thêm 1 người tử vong.

Nạn nhân này chủ quan không đến chữa trị tại cơ sở y tế và tử vong tại nhà. Theo ông Đối, tính đến chiều cùng ngày đã có tổng cộng 49 người bị ngộ độc, trong đó 13 người đang phải lọc máu tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu.

Theo tin từ BVĐK tỉnh Lai Châu, các bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại đây tình trạng sức khỏe dần cải thiện; có 6 bệnh nhân còn mờ mắt. Đoàn công tác của BV Bạch Mai đang hỗ trợ BVĐK tỉnh Lai Châu và BVĐK H.Phong Thổ.

Tại Hà Giang, trong ngày 16.2 có thêm các bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cưới ở xã Đản Ván (H.Hoàng Su Phì), nâng tổng số bệnh nhân bị ngộ độc lên 95 người. Bác sĩ Hoàng Đình Dích, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Giang, cho biết hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở mức độ vừa và nhẹ; sức khỏe đang dần ổn định.

Nguyên nhân vụ ngộ độc, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) là do thức ăn ôi thiu, mẫu xét nghiệm thực phẩm có phát hiện vi sinh vật. (Thanh niên trang 5)

 

Chỉ 29% cơ sở bán thức ăn đường phố ở quận 1 đạt chuẩn

Kết quả kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của 10 trạm y tế trên địa bàn Q.1, TP.HCM, cho thấy năm 2016, trong số 2.222 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chỉ 663 (29,8%) cơ sở đạt chuẩn.

Kết quả kiểm tra của năm 2015, tỉ lệ cơ sở đạt chuẩn cũng chỉ 10.8%.

Thông tin được đưa ra tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn quận 1 năm 2015-2016 vào chiều 16-2.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết Trung tâm y tế dự phòng Q.1 đã lập kế hoạch xây dựng tuyến đường không có thức ăn đường phố tại 3 phường, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017. Đó là các phường Bến Nghé (đường Lê Duẩn), phường Đa Kao (đường Phùng Khắc Khoan) và Nguyễn Thái Bình (đường Lê Công Kiều).

Ngoài ra, trong thời gian tới, quận 1 cũng sẽ chấm dứt hoạt động của 3 chợ tạm, gồm chợ Tôn Thất Đạm, chợ hẻm Nguyễn Văn Tráng và chợ lề đường Cô Giang. (Tuổi trẻ trang 2)

 

Chủ động phòng chống dịch cúm A (H7N9) xâm nhập

Ngày 16-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A(H7N9) đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc từ tháng 10-2016 đến nay, tạo thành đợt dịch thứ năm kể từ năm 2013 với hơn 340 trường hợp mắc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017. 

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người. Tuy nhiên, nước ta có sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc, đặc biệt là với tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây nơi đã ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9). Thêm vào đó, việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Chính vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập virus cúm A(H7N9) từ vùng có dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A(H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng và phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời… (An ninh thủ đô trang 2)

 

Đến năm 2020, 100% trạm y tế ở Hà Nội bảo đảm điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý vừa ký ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% số trạm y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); 100% số trạm y tế thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% phòng khám đa khoa khu vực thực hiện tối thiểu 85% danh mục kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định; 100% bệnh viện huyện thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.

Trước mắt, đến ngày 31-12-2017, 100% số xã trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% các xã, phường, thị trấn hoàn thành việc đầu tư trạm y tế kiên cố. Bước sang giai đoạn sau đó đến năm 2025, toàn thành phố duy trì 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung cần có trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Để thực hiện được các chỉ tiêu nói trên, UBND TP Hà Nội đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế... (Hà nội mới trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang