Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/2/2020

  • |
T5g.org.vn - Sự thực về người ở tâm dịch Sơn Lôi đi khỏi địa phương; Bệnh viện dã chiến sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; Thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch Covid-19…

 

Tình người trong dịch Covid-19

Theo đánh giá tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra (Covid-19) với các địa phương vừa diễn ra, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Đó là thông điệp mang lại sự an lòng. Kết quả đó có được nhờ sự vào cuộc kịp thời và nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị với tinh thần "4 tại chỗ". Trong đó, rất đáng ghi nhận là sự cùng chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh, sáng lên tinh thần trách nhiệm và tình người.

Tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, mỗi đơn vị trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, thẳm sâu ở đó chính là tình người. Ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh do Covid-19 và đặc biệt là khi trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam (ngày 23-1), ưu tiên ngăn chặn, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh đã được quan tâm cao độ, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân.

Ở "tuyến đầu" đó là những bác sĩ, nhân viên y tế quên mình chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải điều trị trong tình trạng cách ly nghiêm ngặt. Gần 1 tháng qua, những người làm công tác y tế dự phòng, nhiều y, bác sĩ các bệnh viện trong cả nước không có ngày nghỉ. Áp lực còn tăng hơn khi các bệnh viện phải theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho hàng chục người đi từ vùng dịch nước ngoài về. Những bộ đồ bảo hộ kín mít, khẩu trang chuyên dụng in vết hằn trên khuôn mặt, song không ai nề hà, chấp nhận cả sự kỳ thị của một số người xung quanh. 7 bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện là thành công của ngành Y tế, mà công đầu thuộc về những "chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu". Rất khó có thể nói hết những khó khăn, nguy hiểm các bác sĩ, nhân viên y tế đã đối mặt, song có lẽ ai cũng hiểu họ đã làm với tất cả trách nhiệm và tinh thần "lương y như từ mẫu".

Rồi cũng trong những ngày dịch bệnh do Covid-19 hoành hành ở nước bạn, nhiều chuyến bay đã kịp bay sang đón các công dân Việt Nam về nước. Hình ảnh tổ bay, các bác sĩ, cùng những người Việt Nam bước xuống với bộ đồ bảo hộ kín mít đã làm xúc động bao người về tình cảm và trách nhiệm với đồng bào.

Đúng là trong lúc khó khăn lại càng thấy được nhiều hình ảnh ấm áp. Đó là khi những ngày đầu khẩu trang được khuyến cáo sử dụng để phòng bệnh trở nên khan hiếm, trong lúc không ít nhà thuốc, cửa hàng nâng giá, thì nhiều cá nhân, tổ chức đã phát miễn phí cho người dân. Cảm động hơn, trong số đó có cả những em nhỏ dành số tiền mừng tuổi ít ỏi để góp vào. Có doanh nghiệp sẵn sàng nhập nguyên liệu, gác lại đơn hàng để tập trung sản xuất khẩu trang cung cấp miễn phí. Những hành động đó không gì khác là trách nhiệm, là tình cảm, là sự sẻ chia với cộng đồng.

Tình cảm và sự gắn kết cộng đồng càng rõ hơn khi những ngày gần đây, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc thành “trọng điểm” về dịch bệnh do Covid-19. Cùng với các biện pháp phòng ngừa, cách ly, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều những hình ảnh thể hiện sự chia sẻ, động viên người dân Sơn Lôi vững vàng vượt qua khó khăn. Người dân Sơn Lôi đang được cả nước hướng tới bằng cả sự chăm lo vật chất lẫn tinh thần.

"Bầu ơi thương lấy bí cùng...", giữa bối cảnh đồng bào trong nước đối phó dịch bệnh do Covid-19 còn không ít khó khăn, muôn tấm lòng xa Tổ quốc lại hướng về. Mới đây thôi, diễn ra buổi trao số lượng lớn khẩu trang y tế của Hội người Việt Nam tại Ba Lan hỗ trợ nhân dân vùng có dịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Còn trong nước, các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhanh chóng vào cuộc. Nhiều chương trình chung tay phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 được phát động. Từ đó, một khối lượng lớn vật tư, trang thiết bị y tế được chuyển miễn phí đến các cơ quan, đơn vị và người dân... Nhiều biện pháp có tính ngăn ngừa dịch bệnh như vệ sinh khử trùng, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng… được các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên... tích cực thực hiện.

Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và trong khi cùng căng mình ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh, điều khiến mỗi người ấm áp chính là tình người. Cả nước hướng về, dành sự quan tâm tới người dân, khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19. Cả nước chia sẻ, trân trọng những đóng góp, hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là những người hoạt động y tế đang trực tiếp “chiến đấu” với dịch bệnh do Covid-19. Cả cộng đồng trân trọng, đánh giá cao những đóng góp đong đầy tình cảm của từng cá nhân, mỗi tổ chức, các cơ quan, đơn vị trong nỗ lực chung kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19…

Những tiếng nói trái chiều lạc lõng đâu đó chỉ là thiểu số và ngay lập tức bị quay lưng, lên án. Những hành vi trục lợi chỉ mang tính cá biệt và ngay lập tức bị tẩy chay, xử lý.

Tương thân, tương ái - Đó là vẻ đẹp đậm rõ thể hiện qua sự chung tay, góp sức ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19. Tình người là sợi dây kết nối, là động lực và cần tiếp tục nhân lên để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, không chỉ thời gian này khi dịch bệnh do Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Ngành Dệt may chung tay chống dịch bệnh do Covid-19

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Trước tình trạng khẩu trang y tế không đủ cung cấp cho thị trường dẫn đến hiện tượng găm hàng, tăng giá, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và các đơn vị thành viên đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, góp phần bình ổn thị trường mặt hàng này.

Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, khẩu trang là mặt hàng Vinatex chưa từng sản xuất, tuy nhiên khi được giao nhiệm vụ sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với mức giá bình ổn thì Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Từ mùng 6 Tết, Vinatex đã triển khai may tại một số đơn vị trực thuộc như Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân, Tổng công ty May 10-CTCP, Tổng công ty May Đồng Nai, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (thành phố Đà Nẵng)…

Về sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân Trần Việt chia sẻ, thời gian đầu, trung bình mỗi công nhân chỉ làm được gần 100 chiếc khẩu trang/ngày, tuy nhiên sau khi quen với quy trình sản xuất mới, mỗi công nhân có thể tăng năng suất lên 300 chiếc/ngày. Công ty đã tạm dừng nhận các đơn hàng may mặc lớn để tập trung ưu tiên sản xuất khẩu trang. Đến nay, công ty cung ứng ra thị trường trên 200.000 chiếc khẩu trang/ngày sử dụng vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản, có thể bảo lưu được tính kháng khuẩn sau nhiều lần giặt và bán với giá 7.000đ/ chiếc (đã bao gồm VAT).

Không chỉ ở Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân, nhiều đơn vị khác trong Tập đoàn cũng dốc sức góp phần cùng cả nước chống dịch. Cụ thể, theo Vinatex, từ ngày 5-2, vải dệt kim kháng khuẩn của Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân đã được chuyển tới Tổng công ty cổ phần Dệt May Nam Định và Công ty cổ phần May Nam Định, Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP… Còn tại Tổng công ty May 10-CTCP, để chung tay với cộng đồng theo lời kêu gọi của Tập đoàn, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã quyết định sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, trước tiên là cấp phát cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty, sau đó là cung cấp miễn phí cho người dân với số lượng lên tới 50 nghìn sản phẩm.

Đối với khu vực phía Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Đồng Nai Bùi Thế Kích cho biết, hiện nay Tổng công ty đang nâng công suất sản xuất vải không dệt kháng khuẩn lên 10 đến 15 tấn vải/ngày. Mỗi 1kg vải có thể làm ra 300 chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Với sự nỗ lực của mình, Tổng công ty hy vọng sẽ đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng khan hàng như thời gian qua.

Đề cập đến công tác phân phối sản phẩm, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường thông tin thêm, thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra và Bộ Y tế, khẩu trang kháng khuẩn do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đối tượng đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, cần sử dụng khẩu trang như: Y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học… Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ.

“Tính từ ngày 3 đến 16-2, Vinatex cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn. Trong tuần (từ ngày 17 đến 24-2), số lượng khẩu trang được sản xuất sẽ nhiều hơn do sự tham gia và tăng năng lực sản xuất khẩu trang của nhiều đơn vị như Công ty cổ phần May Nam Định, Công ty cổ phần May Hồ Gươm, Công ty cổ phần Dệt May Huế… Dự kiến, trong tháng 3-2020, Vinatex và các đơn vị thành viên sẽ cung ứng ra thị trường gần 12 triệu chiếc khẩu trang”, ông Lê Tiến Trường thông tin.

Đến thời điểm hiện tại, Vinatex và các đơn vị thành viên đã trao tặng 150.000 khẩu trang kháng khuẩn, trong đó trao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng 5.000 chiếc; tỉnh Vĩnh Phúc 5.000 chiếc; tỉnh Thái Nguyên 2.000 chiếc; Tổng công ty May 10-CTCP phát miễn phí 50.000 chiếc cho người dân; Công ty cổ phần Dệt May Huế tặng 70.000 chiếc cho người dân… Hiện nay, Tổng công ty May Đức Giang đang sản xuất hơn 200.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn từ vải do một đơn vị tại tỉnh Thái Bình cung cấp và sẽ cung ứng miễn phí cho người dân tại tỉnh Thái Bình…

Phát huy thế mạnh của mình, Vinatex cùng các đơn vị thành viên đã vào cuộc nhanh chóng, góp phần khắc phục những khó khăn về nguồn cung cho thị trường khẩu trang y tế. Qua đó cùng cả nước ngăn ngừa và đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19. (Hà Nội mới, trang 4).

 

Bệnh viện dã chiến sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh

Từ những ngày đầu tiên xuất hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai các phương án nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời. Trong đó, đáng chú ý là việc lập bệnh viện dã chiến nhằm điều trị hiệu quả và cách ly người bệnh.

Tính đến ngày 16-2, Bệnh viện dã chiến số 1 của thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, cách ly 24 trường hợp cần theo dõi đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh do Covid-19. Bệnh viện chính thức hoạt động từ ngày 10-2, với sự phối hợp thực hiện giữa Bộ Tư lệnh thành phố và Sở Y tế. Bệnh viện được đặt ngay trong khuôn viên của Trường Quân sự thành phố (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) với quy mô 300 giường bệnh, 20 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, ngành Y tế thành phố tham mưu lập hai bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường. Trong đó, bệnh viện dã chiến trên địa bàn huyện Củ Chi là 300 giường và huyện Nhà Bè là 200 giường. “Việc lập bệnh viện dã chiến là sự chủ động của thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm tiếp nhận, cách ly và điều trị những ca nghi nhiễm bệnh khi vượt khả năng của các địa phương”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh điều động. Bên cạnh đó, lần lượt các bệnh viện cấp thành phố và bệnh viện quận, huyện sẽ cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Cụ thể, khi người bệnh ít (dưới 20 người), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Bệnh viện huyện Củ Chi bảo đảm mỗi ngày có 7 nhân sự thường trực tại bệnh viện dã chiến. Khi số lượng người bệnh đông, Sở sẽ bổ sung điều động luân phiên bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện dã chiến sẽ tiếp nhận, cách ly và chăm sóc người bệnh hoàn toàn miễn phí theo quy định.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh thành phố cho hay, khu vực xung quanh bệnh viện dã chiến là đồng cỏ, không có nhà dân nên bảo đảm không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Tư lệnh thành phố cũng đã thành lập thêm đội vệ binh làm công tác bảo vệ an ninh trật tự, bộ phận hậu cần, phục vụ ăn uống cho nhân viên y tế và bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.

Đánh giá cao những nỗ lực của Sở Y tế, Bộ Tư lệnh thành phố cùng chính quyền địa phương trong việc hoàn thành khẩn trương bệnh viện dã chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho rằng: "Việc sớm đưa bệnh viện dã chiến 300 giường vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa cho riêng công tác đối phó với dịch bệnh của thành phố mà còn hỗ trợ các địa phương khác. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục lập thêm bệnh viện dã chiến để chủ động sẵn sàng đối phó với dịch bệnh". (Hà Nội mới, trang 6).

 

Thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 16-2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 tại quận Nam Từ Liêm và huyện Quốc Oai.

Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cho biết, thời gian qua, 100% phường trên địa bàn quận thường xuyên rà soát các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 từ vùng dịch về địa bàn, thực hiện cách ly.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các phường đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát trên 150.000 tờ rơi, dán trên 1.000 áp phích tại các điểm công cộng, khu chung cư, nhà văn hóa, đồng thời tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh do Covid-19; mua và cấp phát miễn phí 17.550 khẩu trang, 1.740 chai dung dịch sát khuẩn và bánh xà phòng cho người dân để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Tương tự, tại huyện Quốc Oai, đã tổ chức kiểm tra 100% xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19; tập huấn cho 100% cán bộ, nhân viên y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Các cấp, ngành của huyện đã phát miễn phí 13.500 khẩu trang và 950 chai nước rửa tay sát khuẩn cho người dân và học sinh. Cùng với đó, Bệnh viện Đa khoa huyện đã bố trí phòng khám riêng cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19; bố trí khu cách ly theo đúng quy định; thành lập tổ cấp cứu lưu động và thường trực phòng, chống dịch bệnh…

Sau khi nghe các địa phương báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những cách làm sáng tạo của hai địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19.

Trước diễn biến của dịch bệnh do Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị quận Nam Từ Liêm và huyện Quốc Oai tiếp tục bám sát chỉ đạo của trung ương và thành phố, thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch bệnh; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng.

Đặc biệt, địa bàn quận Nam Từ Liêm hiện có 124 tòa chung cư, quận cần chủ động tích cực hơn nữa trong công tác kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh do Covid -19.

Đối với huyện Quốc Oai, đồng chí Nguyễn Lan Hương đề nghị huyện nắm chắc tình hình phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, tránh để tình trạng dịch chồng dịch (cúm gia cầm và Covid-19); đồng thời bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, đấu tranh với những thông tin sai lệch về dịch bệnh…

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cũng yêu cầu hai địa phương chú trọng công tác vệ sinh môi trường, góp phần phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đẩy mạnh công tác giám sát, cùng nhân dân chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh bằng những việc làm cụ thể.

Cùng ngày, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương và đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 tại chung cư Vinhomes Gardenia, phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) và xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai); trao tặng 950 khẩu trang và 950 chai nước rửa tay cho người cao tuổi của phường Cầu Diễn và xã Đông Xuân. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 5: “Người dân nên khám tại tuyến cơ sở”.

 

Hà Nội: 100% các trường học hoàn thành phun thuốc khử trùng, tiêu độc đợt 3

Ngày 16-2, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai công tác vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19). Đây là lần thứ ba việc phun thuốc khử trùng, tiêu độc được thực hiện đồng loạt tại các trường học.

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan y tế và các đơn vị có liên quan tại địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng, tiêu độc cho tất cả các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn, bao gồm cả nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục.

Đến chiều cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, 100% các trường học, nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc vệ sinh môi trường, khử trùng trang thiết bị, đồ dùng... Theo kế hoạch, việc tổ chức vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sẽ được triển khai đồng loạt lần thứ tư ở tất cả các trường học, nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố vào ngày 22 và 23-2-2020. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Xử phạt 13 cơ sở vi phạm về kinh doanh khẩu trang

Ngày 16-2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 76 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế trên cả nước, trong đó xử phạt 13 cơ sở vi phạm về kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc, nâng giá các mặt hàng trang thiết bị y tế… với số tiền hơn 9 triệu đồng, tạm giữ trên 100.000 chiếc khẩu trang.

Như vậy, tính từ ngày 31-1 đến 16-2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát, xử lý 4.495 vụ vi phạm.

Đáng chú ý, trong hai ngày 14 và 15-2, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phối) hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh và Công an phường Tân Quý, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ Đức Việt (địa chỉ tại số 115 đường Nguyễn Cửu Đàm, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) do bà Đỗ Tuyết Trinh là Giám đốc.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở trên đang cất giữ 104.820 khẩu trang 3 lớp được chứa trong 42 thùng giấy và 2.194 vỏ hộp có nhãn ghi nội dung: Khang Việt; Khẩu trang 3 lớp; ISO 9001: 2015; sản xuất tại: Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị y tế Khang Việt; địa chỉ: 147A đường tỉnh lộ 830, ấp 9, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; MST: 1101931818.

Do số khẩu trang nêu trên có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về hàng hóa (không có thông số kỹ thuật; tháng sản xuất; hạn sử dụng) và Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu thiết bị y tế Khang Việt chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm khẩu trang theo quy định, đoàn kiểm tra đã tạm giữ số khẩu trang trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Bát nháo thị trường khẩu trang”; Công an Nhân dân, trang 4: “Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn ”.

 

Chuyện bác sĩ "cắm chốt" bệnh viện 21 ngày chưa về nhà để "trực chiến" với virus Covid-19

Suốt 3 tuần liền kể từ mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và nhiều y, bác sĩ của viện này trực tiếp khám, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona (Covid-19) chưa một lần về nhà. Áp lực công việc nơi tuyến đầu điều trị người nhiễm bệnh dịch đã lớn, những áp lực vô hình mà họ phải đối mặt cũng không nhỏ…

Người bệnh trút bức xúc, người ngoài viện cũng kỳ thị

Ngày 3 bệnh nhân người Vĩnh Phúc nhiễm virus Covid-19 đầu tiên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) được xuất viện, thật trùng hợp cũng là ngày mà cơ sở này chuẩn bị để tiếp đón 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán cùng các thành viên trong đoàn bay đi đón 30 công dân này từ Trung Quốc trở về vào cách ly 14 ngày theo quy định. Tranh thủ trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trước cửa buồng bệnh cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19, tôi hỏi: “Từ khi có dịch bệnh, đã bao lâu rồi anh chưa về nhà?”. “Từ mùng 2 Tết” - vị bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu trả lời.

Từ mùng 2 Tết - tính tại thời điểm tôi hỏi chuyện là 2 tuần, và cuối tuần vừa qua khi tôi điện hỏi thăm, tròn 3 tuần, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp xác nhận vẫn đang “cắm chốt” ở bệnh viện. Một số y bác sĩ khác của khoa Cấp cứu, những người trực tiếp khám chữa, chăm sóc bệnh nhân dương tính với virus Covid-19 cũng chung cảnh ngộ. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể, căn cứ vào tình hình dịch bệnh do virus Corona chủng mới tại Trung Quốc, ngay từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 1 tuần, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cơ sở tuyến đầu về điều trị các bệnh truyền nhiễm đã lệnh cho toàn thể cán bộ nhân viên không được rời bệnh viện quá 50km và phải có mặt sau 2 tiếng được triệu tập. Nhiều y, bác sĩ ở xa đã không thể đoàn tụ với gia đình, tất cả những kế hoạch dự trù cho kỳ nghỉ Tết như về quê, đi du lịch… đều phải hủy bỏ để sẵn sàng “trực chiến” với dịch.

Những nhóm bệnh nhân đầu tiên được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi Covid-19 là những người, đoàn người từ Trung Quốc về Việt Nam đón Tết, hoặc người Việt, người nước ngoài đi du lịch ở Trung Quốc hay quá cảnh tại Trung Quốc trước khi đến Việt Nam. Việc đáp ứng các nhu cầu của các trường hợp này khá phức tạp. “Văn hóa của người phương Tây khác người châu Á, văn hóa sinh hoạt của người Trung Quốc cũng khác người Việt, trong khi đúng dịp Tết nên việc huy động các dịch vụ như thức ăn, chỗ ở, vệ sinh… đều khó khăn. Có những người bị cách ly rất bức xúc, họ trút hết bức xúc nên nhân viên y tế. Thậm chí có những người đi từ vùng dịch về vào xét nghiệm, khi được yêu cầu phải ở lại viện cách ly 14 ngày thì họ nổi giận, cãi vã, kiên quyết đòi về, y bác sĩ ngoài việc phổ biến quy định còn phải vận động, thuyết phục” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp kể.

Rồi có những bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus Covid-19 điều trị tại viện, các công đoạn phòng chống dịch càng được đẩy lên cao hơn. “Các bệnh nhân dương tính với virus Covid-19 được cách ly tại phòng điều trị nội bất xuất ngoại bất nhập, chỉ có bác sĩ và nhân viên y tế hàng ngày có mặt để thăm khám, chăm sóc, chuyển thức ăn… Nhất là bác sĩ làm nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm hàng ngày phải cúi sát vào miệng bệnh nhân để lấy dịch phết hầu họng. Thế nên việc áp dụng các biện pháp để tự phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện là rất quan trọng, những người tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi nhiễm hay dương tính với virus Covid-19 đều phải tuân thủ quy định an toàn nghiêm ngặt” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói rồi chỉ tay về phía một nam bác sĩ phía sau anh, người vẫn đang mặc nguyên bộ đồ bảo hộ màu xanh, khẩu trang kín mít và đứng cách tôi chỉ chừng 2m.

Quy trình đảm bảo an toàn nghiêm ngặt là gì? Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp dẫn chứng: Nhân viên y tế khi vào phòng cách ly tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ bịt kín mít với 2 lớp găng tay không được cởi ra trong suốt 3-4 giờ liền. Cảm giác “đóng hộp” như vậy không chỉ khó chịu, bí bách mà mồ hôi ướt sũng cũng không được đưa tay lau, gãi mũi, không được sờ mặt, hạn chế nói chuyện, không được đi vệ sinh suốt 3-4 tiếng đồng hồ… “Cả 3 bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 được chữa khỏi tại bệnh viện chúng tôi đều có tình trạng bệnh nhẹ, điều trị không khó, khó khăn lớn nhất là đảm bảo an toàn để không lây nhiễm trong bệnh viện” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thông tin.

Áp lực từ công việc đã như vậy, những áp lực vô hình khác mà các y bác sĩ phải đối mặt cũng không hề nhỏ. Thậm chí có một nữ y tá của viện dù chỉ làm việc ở “vòng ngoài”, tức không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 nhưng khi trở về xóm trọ bị cả xóm kỳ thị, lảng tránh vì sợ lây bệnh. Thế là nhiều nhân viên y tế phải chấp nhận chọn bệnh viện là nhà lưu trú, bệnh viện cũng phải bố trí một ký túc xá tạm để nhân viên ở lại.

Nói “không sợ” thì không phải, cũng không nên dùng từ “hy sinh”

“Vậy tôi hỏi thật, tiếp xúc, thăm khám trực tiếp cho người bệnh như vậy, bản thân anh có lo sợ bị lây bệnh không?”. “Đương nhiên là lo chứ, làm gì có ai mà không lo” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp trả lời câu hỏi của tôi một cách hết sức thẳng thắn. Nhưng vị bác sĩ này cũng chia sẻ, nhiều năm công tác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, anh đã quen với điều này. Còn với nhiều đồng nghiệp trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng. Thời gian đầu khi dịch bùng phát, nhiều người dân tỏ ra hoảng loạn quá mức, nỗi lo sợ ấy còn được những kẻ “bất lương” đơm đặt, tung tin giả, vô căn cứ trên mạng xã hội càng tạo nên một gánh nặng cho đội ngũ y, bác sĩ đang chiến đấu ở tuyến đầu.

“Đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn đang kiên cường chống dịch. Tuy nhiên nhóm phụ trợ như nhân viên dọn vệ sinh, nhân viên bảo vệ bệnh viện thì một số đã dao động. Một số nhân viên vệ sinh đã nghỉ việc khiến cán bộ y tế phải kiêm luôn việc dọn dẹp, trong khi nhiệm vụ chuyên môn đã chồng chất” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Đồng hành cùng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp suốt thời gian dịch virus Covid-19 đe dọa vừa qua, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã trải qua 3 tuần chưa về nhà để “trực chiến” tại bệnh viện. Khi được hỏi: “Anh có sợ không?”, vị bác sĩ này cũng thẳng thắn trả lời: “Sợ chứ. Không thể không sợ. Chắc chắn rồi, đó là tâm lý chung”. Theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng, virus Corona (Covid-19) đang hoành hành là chủng virus hoàn toàn mới, số mắc tăng nhanh, số tử vong cũng nhiều nên không thể không sợ, song khi đã hiểu về nó thì sẽ không hoang mang. “Dù đây là lần đầu tiên tiếp cận virus này nhưng cơ chế lây bệnh, nguồn gốc, cấu trúc của nó, chúng tôi đã cập nhật ngay khi có những bài báo chuyên ngành truyền nhiễm đầu tiên trên thế giới. Sợ thì có sợ, nhưng chúng tôi không hoang mang” - bác sĩ Thân Mạnh Hùng chia sẻ.

Cũng trong câu chuyện của mình, các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mong báo chí, dư luận đừng gọi họ là những “người hùng”, hay dùng từ “hy sinh”, bởi với họ đơn giản đây là công việc mà họ đã lựa chọn, là trách nhiệm với nghề nghiệp của mình và là bổn phận của người bác sĩ với người bệnh, với cộng đồng. “Dịch làm cuộc sống của ai cũng đảo lộn. Nhiều y bác sĩ chúng tôi ở viện không về nhà một phần không muốn làm đảo lộn, phức tạp thêm cuộc sống của gia đình” - bác sĩ Thân Mạnh Hùng bộc bạch. Còn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp thì cho rằng, cả ngành Y tế, cả hệ thống chính trị, cả xã hội đều đang nỗ lực hết mức để đẩy lùi dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra, tất cả đều hy vọng sẽ sớm khống chế thành công dịch bệnh này và không có mất mát về người. (An ninh Thủ đô, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 9: “Cán bộ y tế hi sinh niềm vui riêng, quyết tâm chống dịch”.

 

Hà Nội đang cách ly tập trung 48 người

Tính đến sáng 16-2, Hà Nội chỉ còn 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, tuy nhiên hơn 50 trường hợp khác trên địa bàn đang được áp dụng các biện pháp cách ly khác nhau…

Theo thông tin cập nhật từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Bộ Y tế, tính đến 8h sáng nay, tổng số bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đã lên đến 69.097 người, tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ.Trong đó, đã có 1.668 người tử vong vì dịch bệnh này (1.662 người tử vong trong lục địa Trung Quốc). Ngoài ra, Phillippines: 01 người tử vong;  Hồng Kông (Trung Quốc): 01 người tử vong; Nhật Bản: 01 người tử vong; Pháp: 01 người tử vong.

Tại Việt Nam, đến thời điểm này vẫn ghi nhận 16 trường hợp mắc Covid-19. Riêng tại thủ đô Hà Nội hiện chưa có ca bệnh. Trong số 63 người nghi mắc được lấy mẫu xét nghiệm, 63 người đã có kết quả âm tính với Covid-19, chỉ còn 2 trường hợp đang tiếp tục được cách ly, theo dõi y tế chặt chẽ. Dù vậy, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn 415 người về từ vùng dịch Covid-19 đang phải giám sát y tế, đặc biệt có 46 người đang phải cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố để theo dõi.

Đáng chú ý, ngày 15-2, UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã có quyết định cách ly một gia đình gồm 5 người (2 bố mẹ và 3 người con) do có người trong gia đình trở về từ vùng dịch Covid-19 ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc). Gia đình này đi thăm nhà ngoại ở Bình Xuyên từ ngày 8-2, đến 9-2 thì trở về địa phương.

Hiện tại, cả gia đình này được cách ly tại nhà, chính quyền địa phương vận động họ không đi đâu trong thời gian cách ly theo quy định nhằm tránh lây lan sang người khác. Lực lượng y tế địa phương cũng thường xuyên theo dõi sức khỏe của 5 người này và hiện tình trạng sức khỏe của 5 người trong gia đình không có biểu hiện gì bất thường. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Hàng trăm người hết thời gian cách ly y tế”.

 

Quản lý chặt người bệnh nghi ngờ và người nhiễm virus Covid-19

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn hoả tốc gửi các Bệnh viện và Sở Y tế các địa phương về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm Covid-19 (nCoV) tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh: Bệnh nghi ngờ, bệnh có thể và bệnh xác định; công tác thu dung cách ly và quản lý chăm sóc điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Cơ sở y tế cần phải kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh. Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế.

Các đơn vị cũng phải lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh; đặc biệt theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh. Tuyệt đối quản lý chặc chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán và cho người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của các nhóm trường hợp bệnh Covid-19 và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định.

Thông tin từ Cảng vụ hàng không miền Trung: Chuyến bay của Vietnam Airlines (VNA) đã khởi hành tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, đưa 51 khách Trung Quốc đến sân bay quốc tế Quảng Châu của Trung Quốc vào lúc 16h ngày 15/2. Tất cả hành khách Trung Quốc đều được thực hiện đầy đủ quy trình giám sát, vệ sinh y tế tại nơi làm thủ tục xuất cảnh. Ngay sau khi đưa 51 hành khách Trung Quốc về nước, máy bay của Vietnam Airlines sẽ bay không tải trở về Đà Nẵng, thực hiện cách ly, khử trùng theo quy định. (An ninh Thủ đô, trang 4).

 

Bộ Công thương: Đề nghị cho phép vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu những không lơ là phòng dịch

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc cho phép xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa theo quy định.

Ngày 15-2, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các tỉnh biên giới phía Bắc liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh cho phép thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa theo quy định qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn), lối mở Km3+4, phường Hải Yên, TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trên cơ sở áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động xuất nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 568/BYT-DP ngày 9-2-2020.

Với các cửa khẩu biên giới nêu tại khoản 1, nếu phía Trung Quốc cũng thống nhất mở thì trao đổi, làm việc với chính quyền địa phương biên giới phía Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiệnvận tải trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới theo hướng dẫn trên của Bộ Y tế.

Bộ Công Thương lưu ý, trong quá trình thực hiện, cần đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Công Thương cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công Thương trong việc khuyến nghị các tỉnh, các chủ hàng điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới. Nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị các địa phương trao đổi kịp thời với Bộ Công Thương và Bộ Y tế để được hướng dẫn và thống nhất phương án xử lý phù hợp.

Trước đó, trong các ngày 11-2 và 13-2, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh và Côn Minh (Trung Quốc) thông báo, chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã đồng ý về chủ trương việc khôi phục lại từng phần hoạt động thương mại hàng hóa tại biên giới, đồng thời giao các cấp chính quyền địa phương thống nhất với chính quyền địa phương giáp biên phía Việt Nam về thời gian và phương thức thực hiện trên cơ sở bảo đảm thực thi nghiêm túc và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc từ Tết Nguyên đán đến nay rất chậm. Tuy nhiên, các Bộ, ngành vẫn rất thận trọng trong việc vừa đảm bảo thông quan hàng hóa, vừa kiểm soát để dịch bệnh không lây lan. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 2: “Phản ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm mục tiêu tăng trường”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Phòng chống dịch không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Đảm bảo phòng chống dịch, không ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, thu hút du lịch”; Công an Nhân dân, trang 1: “Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế”.

 

Tâm dịch 3 ngày không phát hiện ca nhiễm mới

Xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) được xem là tâm dịch Covid-19, bị phong tỏa từ ngày 13.2 đến nay không phát hiện thêm ca nhiễm mới nào.

Theo Bộ Y tế, đến chiều 16.2, trong nước ghi nhận 16 ca bệnh Covid-19, trong đó 7 bệnh nhân đã bình phục, 9 người đang được cách ly, điều trị.

Tại Sơn Lôi, theo thông tin từ H.Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho biết theo thống kê từ các hộ gia đình, trong số 315 người vắng mặt tại xã này (đến sáng 15.2), đã có hơn 100 người về lại nơi cư trú tại Sơn Lôi (những người này lực lượng chức năng đã đến từng gia đình điều tra kỹ dịch tễ về di chuyển, tiếp xúc...). Cơ quan chức năng địa phương tiếp tục tìm kiếm những người vắng mặt để giám sát. Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc cách ly, cô lập vùng có dịch tại xã Sơn Lôi từ ngày 13.2 và đang giám sát sức khỏe 10.600 người dân tại xã, sau khi tại đây ghi nhận ca nhiễm vi rút Corona chủng mới (nCoV) và lây ra cộng đồng. Hiện tại, dịch đang được kiểm soát nghiêm ngặt tại Sơn Lôi và 3 ngày qua không ghi nhận thêm ca bệnh mới. Ca bệnh được xác nhận gần đây nhất tại xã này hôm 13.2 là nam giới, 50 tuổi.

Về việc một ca nhiễm nCoV tại xã Sơn Lôi lây trực tiếp 5 người khác và 1 trong 5 người này đã lây tiếp sang 1 người thân, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết việc lây lan do ca bệnh này đã đi và tiếp xúc gần với nhiều người trước khi được hướng dẫn cách ly. Ca bệnh “chủ” đã bình phục, ra viện, các trường hợp liên quan cũng chưa ghi nhận bất thường về sức khỏe và đang được giám sát, cách ly triệt để nhằm ngăn chặn dịch lan rộng.

Hà Nội tiếp tục cách ly một gia đình về từ Bình Xuyên

Cùng ngày, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, TP chưa ghi nhận ca dương tính nCoV. Trong số 67 ca nghi nhiễm có 63 ca xét nghiệm (XN) âm tính, 4 ca tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ và chờ XN (trong ngày 16.2 thêm 2 ca nghi ngờ tại Q.Thanh Xuân và Q.Nam Từ Liêm). Ngoài ra, trong số 447 ca có tiếp xúc gần với các ca nghi ngờ hiện còn 7 ca phải giám sát, 440 ca kết thúc giám sát. Trong số 1.786 người đến từ vùng dịch cần giám sát, 1.424 người đã kết thúc giám sát, 362 người đang giám sát.

Tại H.Phúc Thọ (Hà Nội), một gia đình 5 người được cách ly tại nhà với sự giám sát của y tế hiện chưa thấy bất thường sức khỏe. Ngày 8.2, cả 5 người trong gia đình này (bố, mẹ và 3 người con) đi thăm người thân ở Bình Xuyên, nơi có dịch Covid-19, trở về địa phương ngày 9.2.

Sở Y tế Hà Nội cho biết đã có quyết định giao bổ sung 104,8 tỉ đồng kinh phí phòng chống dịch Covid-19 cho các đơn vị trong ngành, nhằm phục vụ mua hóa chất, sinh phẩm... phòng chống dịch; chi cho thường trực chống dịch; tuyên truyền; giám sát…

TP.HCM chưa gỡ cách ly 15 người tiếp xúc BN người Mỹ

Tại TP.HCM, báo cáo của hệ thống giám sát dịch Covid-19 TP cho biết tính đến ngày 16.2, TP có 51 người được cách ly tại các điểm tập trung của quận, huyện; hiện đã có 28 người hết thời gian theo dõi, còn 23 người đang được theo dõi. 2.927 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì đã có 1.998 người hết thời gian theo dõi, 929 người đang được theo dõi. Các ca được cách ly đều chưa phát hiện dấu hiệu mắc bệnh. Riêng tại bệnh viện dã chiến ở H.Củ Chi đang có 24 người đi về từ vùng dịch Covid-19 được cách ly. Đối với 15 người đang được cách ly trong một khách sạn ở P.5, Q.3 do tiếp xúc với ông T.K.H (quốc tịch Mỹ, nhiễm nCoV), tuy đã 16 ngày nhưng vẫn chưa được rời khách sạn. Theo dự kiến của UBND Q.3, sáng 15.2, tức sau 15 ngày cách ly, Q.3 sẽ công bố hết thời hạn cách ly các ca tiếp xúc ông H. Tuy nhiên, vào giờ cuối do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) có chỉ đạo mới nên quận chưa công bố, phải chờ kết quả XN lại của 15 người này âm tính hết thì mới gỡ cách ly. Sức khỏe ông H. đã ổn định.

Làm rõ việc cô gái từ Trung Quốc về "lọt" qua trạm kiểm soát

Ngày 16.2, ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND xã Tiên Lộc (H.Tiên Phước, Quảng Nam), cho hay sau khi tiếp nhận thông tin chị T.T.T.L (28 tuổi, ở xã Tiên Lộc) vừa về từ vùng dịch Covid-19 Trung Quốc, địa phương đã cử lực lượng túc trực tại nhà và báo cho Trung tâm y tế H.Tiên Phước. Theo ông Học, hiện người dân lo lắng, cho rằng phải chờ cách ly hết 14 ngày. Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Tiên Phước, cho biết chị L. được cách ly tại nhà riêng đã qua 7 ngày; những người thân trực tiếp chăm sóc cũng không được ra khỏi nhà.

Ông Học cho rằng địa phương "không hiểu bằng cách nào" mà chị L. có thể lọt tầm kiểm soát và về nhà từ vùng có dịch Covid-19, sau khi đi qua các khu vực kiểm tra sân bay? Đây là vấn đề cần làm rõ để rút kinh nghiệm, nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ những người về từ vùng dịch.

Như Thanh Niên thông tin, rạng sáng 9.2 chị L. từ sân bay Thành Đô (Trung Quốc) đến Thái Lan (không được kiểm tra nhiệt độ), trưa cùng ngày về đến TP.Đà Nẵng. Chị L. ở lại khách sạn tại TP.Đà Nẵng 1 ngày, sáng 10.2 mới về H.Tiên Phước (Quảng Nam) bằng xe dịch vụ. Sau khi nắm thông tin, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Nam yêu cầu ngành y tế vào cuộc, cách ly và xác minh những người đã tiếp xúc; hiện tại chị L. âm tính với Covid-19.

Sáng cùng ngày, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND H.Triệu Phong (Quảng Trị), cho biết ông N.V.D (46 tuổi, trú TT.Yên Lạc, H.Yên Lạc, Vĩnh Phúc, người bị cách ly tại khu vực hồ tôm ở xã Triệu An, H.Triệu Phong từ ngày 13.2) đã rời khỏi xã Triệu An, trở về Vĩnh Phúc. “Ông D. chỉ ở lại hồ tôm trong 2 ngày và được ngành y tế địa phương theo dõi kỹ. Hiện ông D. đã về quê và có điện thoại vào báo là đã đến nơi”, ông Linh thông tin.

Ông D., làm nghề nuôi tôm. Trong cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng việc Quảng Trị cách ly ông D. là không cần thiết, vì nơi ông D. sống cách trung tâm vùng dịch Sơn Lôi 40 km. Tuy nhiên, trả lời PV Thanh Niên, ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho rằng ông D. đến từ vùng dịch và nói đã đến gần xã Sơn Lôi chơi, nên việc cách ly ông D. là đúng theo quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Trị. Thời điểm bị cách ly (13.2), sức khỏe ông D. bình thường. (Thanh niên, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 3: “Sát cánh với người dân “điểm nóng” Bình Xuyên”.

 

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chụp PET/CT phát hiện ung thư sớm

Dự kiến từ 18-2, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chính thức đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp PET/CT giúp chẩn đoán và điều trị ung thư giai đoạn sớm. Thông tin này vừa được bác sĩ Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết ngày 16-2.

Theo bác sĩ Dũng, máy PET/CT của đơn vị thuộc loại cao cấp với sự linh hoạt của CT chẩn đoán độc lập. Đây là một trong những thế hệ máy hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay với những tính năng ưu việt như giúp giảm liều thuốc phóng xạ, ghi hình ít hơn và thời gian ghi hình ngắn hơn.

Việc ghi hình PET/CT cung cấp thông tin cả cấu trúc giải phẫu và mức độ chuyển hóa của khối bướu, qua đó giúp các bác sĩ chuyên ngành ung thư có thể phân lập chính xác giai đoạn của hầu hết các loại ung thư gồm ưng thư vú, gan, phổi, đại tràng, ung thư giáp, tử cung... để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Ngoài ra, PET/CT giúp đánh giá sớm hiệu quả đáp ứng điều trị, theo dõi và phát hiện ung thư tái phát và giúp mô phỏng lập kế hoạch xạ trị. Hệ thống PET/CT này còn được ứng dụng trong lĩnh vực tim mạch và thần kinh như đánh giá sự sống còn của cơ tim, chẩn đoán các bệnh sa sút trí tuệ như Alzheimer và phát hiện ổ động kinh.

Theo bác sĩ Dũng, chi phí chưa tính bảo hiểm y tế cho 1 ca ghi hình chẩn đoán tại bệnh viện hiện nay dự kiến là 25,3 triệu đồng và 25,8 triệu đồng cho việc ghi hình mô phỏng lập kế hoạch xạ trị. Mức thanh toán BHYT cho các bệnh nhân thực hiện dịch vụ này khoảng 2/3 chi phí/lần chụp.

"Công suất máy tối đa có thể ghi hình đến 30 ca/ngày. Vì vậy, số lượng bệnh nhân được sử dụng kỹ thuật tiên tiến này trong ngày sẽ nhiều hơn, góp phần giải quyết lượng lớn nhu cầu bệnh nhân ở khu vực các tỉnh phía Nam, hạn chế phải ra các bệnh viện phía Bắc, hoặc nước ngoài" - bác sĩ Dũng chia sẻ.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là bệnh viện thứ tư tại TP.HCM (sau Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy) ứng dụng PET/CT để phát hiện, điều trị ung thư giai đoạn sớm. (Tuổi trẻ, trang 3).

Cùng chủ đề báo Thanh niên, trang 3: “Thêm một bệnh viện ở TP.HCM có máy PET/CT chẩn đoán ung thư”.

 

Gần 1.700 người tham gia hiến máu tình nguyện

Ngày 16-2, tại Nhà Văn hóa thanh niên, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Hiến máu nhân đạo và Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức "Ngày hội hiến máu tình nguyện" trong đoàn viên, thanh niên.

Theo ban tổ chức, hiện nay sinh viên, học sinh tạm nghỉ học do dịch Covid-19 phức tạp, cho nên người tham gia hiến máu tình nguyện đợt này chủ yếu là đoàn viên, thanh niên công nhân, các đơn vị lực lượng vũ trang và tại 19 quận, huyện trên địa bàn. Quy trình tổ chức tiếp nhận máu lần này khác so với những lần trước đây: Người hiến máu sau khi làm thủ tục sẽ được đo thân nhiệt, xịt nước khử trùng tay, nhận khẩu trang, sau đó mới đến các khâu khám sức khỏe sàng lọc người đủ tiêu chuẩn và xác định lượng máu hiến. Sau khi đạt mọi yêu cầu kiểm tra, người tham gia hiến máu mới được các y, bác sĩ tiếp nhận và bắt đầu hiến máu. Ngày hội hiến máu tình nguyện diễn ra từ 8 giờ đến 17 giờ, với khoảng 1.700 lượt người tham gia hiến máu. (Nhân dân, trang 1).

 

WHO ghi nhận việc Việt Nam xử lý Covid-19 rất tốt

Ngày 16-2, trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã có công văn số đề nghị giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh thành về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người mắc Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Trong đó, cần nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể và bệnh xác định); thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh Covid-19 của Bộ Y tế…

Cơ sở y tế cần phải kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh; tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế. Các cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định), đặc biệt theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh; quản lý chặt chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán và cho người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của các nhóm trường hợp bệnh Covid-19 và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định. Trong trường hợp chuyển tuyến, cơ sở khám chữa bệnh phải bố trí phương tiện, nhân viên y tế hoặc xin hỗ trợ cấp cứu của bệnh viện tuyến trên bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh và thực hiện theo đúng quy định về bàn giao người bệnh cho bệnh viện nhận chuyển tuyến.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ghi nhận việc Việt Nam xử lý Covid-19 rất tốt. Chính phủ Việt Nam đã khởi động hệ thống ứng phó, tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm với thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành. “Năng lực của Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, kể cả các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, đã tăng lên đáng kể. Kết quả này có được sau nhiều năm đầu tư tăng cường năng lực cốt lõi - bao gồm giám sát và đánh giá nguy cơ, năng lực phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý lâm sàng, truyền thông nguy cơ... theo như yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) (2005). Chúng tôi gọi đây là năng lực quốc gia trong việc sẵn sàng ứng phó và kiểm soát các vấn đề y tế khẩn cấp và năng lực này đã được thử thách và kiểm nghiệm qua các sự kiện thực tế ở Việt Nam và bây giờ là Covid-19...”, WHO đánh giá.

Cùng ngày 16-2, 52 công dân đầu tiên (34 công dân của tỉnh Lào Cai và 18 công dân ngoại tỉnh) cách ly tại tỉnh Lào Cai đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly sau 14 ngày. Ngày 3-2, những người này sau khi trở về từ Trung Quốc đã được đưa vào kiểm tra và theo dõi sức khỏe tại trường quân sự tỉnh Lào Cai. Tính đến ngày 16-2, tỉnh Lào Cai còn 455 công dân thực hiện cách ly. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 16: “WHO ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 rất tốt”.

 

Bộ Y tế có thêm kênh thông tin hỏi đáp về dịch bệnh COVID-19

Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế đã chính thức ra mắt trợ lý ảo - chatbot hỏi đáp về dịch bệnh COVID-19 trên trang thông tin điện tử của Cục tại địa chỉ: https://ehealth.gov.vn

Chiều ngày 14/2/2020, Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế chính thức ra mắt trợ lý ảo - chatbot hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona (COVID-19) trên trang thông tin điện tử của Cục tại địa chỉ: https://ehealth.gov.vn Theo PGS. TS Trần Quý Tường- Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bằng nỗ lực cao nhất và chỉ sau một tuần làm việc, Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn FPT đã thử nghiệm và hoàn thiện trợ lý ảo hỏi đáp về dịch bệnh COVID-19 để phục vụ người dân.

Trợ lý ảo - chatbot được phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải đáp tự động, liên tục theo thời gian thực (24/7) cho phép nhiều người dùng cùng lúc hỏi đáp về dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế cũng phát triển chuyên trang thông tin về dịch bệnh COVID-19, tại địa chỉ https://ncov.ehealth.gov.vn/. Người dân có thêm một kênh thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, cách phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dịch bệnh COVID-19 do Bộ Y tế ban hành.

Chuyên trang https://ncov.ehealth.gov.vn/ cung cấp những thông tin tổng hợp mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19, như văn bản chỉ đạo của Chính phủ, điều hành phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế; cập nhật thống kê diễn biến, số lượng người bệnh trong và ngoài nước; nguồn gốc và cơ chế lây lan, các triệu chứng và cách tự xác định bản thân nhiễm bệnh theo thang điểm tự đo; danh sách các cơ sở y tế trên cả nước đủ điều kiện tiếp nhận khám chữa bệnh bệnh COVID-19; tổng hợp tin tức về phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

PGS.TS. Trần Quý Tường cho biết: Nội dung chuyên trang được xây dựng, biên tập bởi các chuyên gia, các bác sĩ của BV Bệnh Nhiệt đới TW, Cục Công nghệ thông tin và các chuyên gia của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Số liệu được cập nhật tự động liên tục trên chuyên trang này từ thông tin công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, báo Sức khỏe &đời sống.

Nguồn dữ liệu, thông tin đăng tải trên chuyên trang bảo đảm chính xác, khoa học và tin cậy, giúp người dùng có thể dễ dàng truy cập và tiếp cận các thông tin về phòng chống dịch bệnh COVID-19 một cách dễ hiểu, đầy đủ nhất. Trợ lý ảo có khả năng tự học dựa trên lịch sử giao tiếp với người dùng và sẽ được liên tục nâng cấp, hoàn thiện theo thời gian, giúp nâng cao trải nghiệm sử dụng cho người dùng. (Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Sự thực về người ở tâm dịch Sơn Lôi đi khỏi địa phương

Thông tin 315 người ở tâm dịch Covid-19 Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đi khỏi địa phương đã khiến dư luận không khỏi lo ngại khi trong suốt những ngày qua họ đi đâu, làm gì, liệu có mang mầm bệnh đi các nơi hay không.

Trước đó, một chàng trai trẻ ở tâm dịch này đã vượt hơn 500km đến tỉnh Lai Châu để đón lễ tình nhân cùng người yêu đã khiến 31 người phải cách ly để thực hiện các biện pháp chống dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND chiều 16/2, Thượng tá Hoàng Việt Lào, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban chỉ huy chỉ đạo trực tiếp tại các chốt ở vùng dịch cho biết, theo thống kê của xã Sơn Lôi, trên địa bàn hiện có gần 200 người vắng mặt chứ không phải 315 người như một số thông tin đưa ra.

Qúa trình rà soát các hộ gia đình đã làm rõ, trong số những người này có 40 người hiện đang tạm trú trên địa bàn xã, đa phần là công nhân, sau khi được công ty cho nghỉ họ đã trở về địa phương nơi cư trú. Còn những trường hợp khác, sau khi nghỉ Tết trước thời điểm xã bị khoanh vùng, cách ly, họ đã đi làm tại các địa phương.

Trước thông tin những người đi khỏi địa phương có thể xuống Hà Nội và các địa bàn khác làm giúp việc, buôn bán, công nhân…việc quản lý những người này như thế nào nếu như họ có thể mang mầm bệnh đi khắp nơi. Thượng tá Hoàng Việt Lào cho hay, Ban chỉ huy đã có nhiều phương án, trong đó vận động gia đình có người đi làm ăn xa trở lại địa phương hoặc thông báo ở cơ sở họ đang cư trú kiểm tra sức khỏe, cần thiết sẽ cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với trường hợp anh N.V.T. (sinh năm 1984), trú tại xã Sơn Lôi đi lên huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Anh T đi khỏi địa phương vào ngày 12-2, trước khi xã bị khoanh vùng, cách ly toàn bộ. Ngày 14-2, anh T được xe chuyên dụng chở về xã, cán bộ làm nhiệm vụ đã đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe thì thấy anh này bình thường, hiện T đang cách ly theo dõi tại nhà.

 Theo Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Hải, cơ quan này đã nắm bắt được thông tin nhiều người rời khỏi xã Sơn Lôi trước khi nơi này bị cách ly. Các trường hợp đi khỏi không thuộc diện nghi ngờ hoặc đã tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính Covid-19. Họ thuộc diện cách ly bình thường theo thời hạn 20 ngày.

Sau 3 ngày xã Sơn Lôi bị khoanh vùng, cách ly, cuộc sống của người dân nơi đây phần nào bị xáo trộn. Tuy nhiên, theo Thượng tá Hoàng Việt Lào, đến nay, các chốt báo về chưa có trường hợp nào chống đối, gây rối ANTT, người dân đã cảm thông, chia sẻ công việc của cán bộ chiến sĩ Công an, quân đội, y tế nên chấp hành tốt quy định.

Tại các chốt chỉ chấp thuận cho người dân ra khi họ đi làm ruộng…phải có giấy xác nhận, chữ ký của trưởng thôn, thời gian trở về và có sự giám sát của trưởng thôn đi cùng. Riêng những trường hợp ốm đau bình thường sẽ được khám ngay tại Trạm y tế trong xã; chỉ có trường hợp nặng ngoài khả năng của Trạm y tế xã sẽ có phương tiện chuyên dụng đưa lên tuyến trên.

Kể từ khi dịch bệnh do Covid-19 bùng phát, Vĩnh Phúc trở thành tâm dịch của cả nước, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cùng với các Sở, ngành và chính quyền địa phương đã được huy động vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Chia sẻ về những vất vả, khó khăn trong suốt thời gian qua, Thượng tá Hoàng Việt Lào cho biết, trước khi nhận nhiệm vụ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã cử những đồng chí đảm bảo về sức khỏe để tham gia vào các tổ công tác khoanh vùng, cách ly xã Sơn Lôi. Các chốt chia thành nhiều ca, mỗi người làm 6 tiếng/ngày và 2 tiếng vào tiếng ban đêm. Chỉ có một số cán bộ nữ y tế do chưa quen với những ca trực ngoài trời, đêm gió nên cán bộ, chiến sĩ Công an và quân đội đã động viên, giúp đỡ…

Ngoài 12 chốt chính, Ban chỉ huy đã tổ chức nhiều tổ đi tuần khép kín khu vùng dịch. Trong đêm 15 rạng sáng ngày 16, trời mưa, gió mùa Đông Bắc thổi to tại các lều ở chốt giữa cánh đồng đã tốc mái, bị phá hỏng, cán bộ chiến sĩ phải khắc phục làm lại. (Công an Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Tuổi trẻ, trang 4: “Vùng tâm dịch xã Sơn Lôi: Đón hơn 100 người dân trở về cách ly”; Lao động, trang 1: “Người dân cùng chung tay với Vĩnh Phúc phòng chống dịch”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Cách ly nghiêm ngặt 14 ngày là đặc biệt quan trọng”.

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang