Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Không nên mở thêm bệnh viện ở Bình Thuận; Phẫu thuật lấy 'khối u hóa đá' 2kg trong người bệnh nhân; Cứu sống bé trai Campuchia bị hủy cơ, suy thận; Bình Thuận: Hợp nhất trung tâm y tế và bệnh viện huyện là phù hợp và có nhiều thuận lợi

 

Không nên mở thêm bệnh viện ở Bình Thuận

Ngày 16.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát và làm việc tại Bình Thuận. Về tỷ lệ bác sĩ của toàn tỉnh (chỉ đạt 6,4 bác sĩ/vạn dân), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tỷ lệ này còn thấp và đề nghị tỉnh khẩn trương sắp xếp lại bộ máy y tế cấp huyện theo hướng sáp nhập trung tâm y tế dự phòng vào bệnh viện huyện để giảm bớt đầu tư cũng như tiết kiệm nhân lực vốn đang thiếu. Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Bình Thuận, hiện nay tỉnh đang thiếu bác sĩ. Có giai đoạn từ 5 - 7 năm không có một bác sĩ nào ra trường về công tác ở Bình Thuận.

Về đề nghị của tỉnh cho mở thêm bệnh viện sản nhi, người đứng đầu ngành y tế không đồng ý và đề nghị tỉnh đầu tư chuyên sâu các khoa chuyên môn của bệnh viện đa khoa tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận sáp nhập Trung tâm mắt Bình Thuận hiện nay vào bệnh viện đa khoa tỉnh để trở thành một chuyên khoa. “Bộ Y tế đang trong quá trình thực hiện cải tiến thủ tục hành chính, chuyên môn và đào tạo theo hướng lấy chất lượng phục vụ người bệnh làm trọng tâm. Do vậy Bình Thuận cần tập trung đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho tuyến huyện và tỉnh nhằm giảm bớt tình trạng vượt tuyến như hiện nay”, bà Tiến nói.

Về BHYT, theo báo cáo của Giám đốc BHXH Bình Thuận, năm 2016, BHYT Bình Thuận bị bội chi tới 124 tỉ đồng. Trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ người khám bệnh BHYT tăng tới 20% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm 2017, BHYT Bình Thuận sẽ chi khoảng 900 tỉ đồng, dự kiến âm (bội chi) quỹ BHYT tới 300 tỉ đồng. Bộ trưởng Y tế cho rằng Bình Thuận mới có 69% người dân tham gia mua BHYT là còn khá thấp so với cả nước. Tỉnh cần tập trung tuyên truyền để người dân tham gia chính sách BHYT nhiều hơn (Thanh niên, trang 5). 

 

Phẫu thuật lấy 'khối u hóa đá' 2kg trong người bệnh nhân

Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật thành công cho một nữ bệnh nhân có “khối u hóa đá” nặng gần 2kg nằm trọn trong tử cung. Thông tin từ bệnh viện cho biết bệnh nhân Trần Thị Ch. (52 tuổi) nhập viện hôm qua 15-5 trong tình trạng buồn nôn, bụng đau nhiều, nhất là khu vực mạn sườn trái và hạ vị.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có khối cản quang kích thước lớn 12x15cm chiếm toàn bộ vùng tiểu khung. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán bị u tử cung vôi hóa, phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và tử cung. Ca mổ được tiến hành trong ngày 15-5 và kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Các bác sĩ đã bóc tách thành công khối u tử cung bị vôi hóa nặng gần 2kg ra khỏi cơ thể bệnh nhân (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Cứu sống bé trai Campuchia bị hủy cơ, suy thận

Ngày 16-5, bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, trưởng Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết các bác sĩ bệnh viện này vừa cứu sống bé trai S.L.H (6 tuổi, người Campuchia). Trước đó, ngày 27-4, gia đình tự đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng người bị phù, tiểu ít. Trước đó 5 ngày, bé bị té khi leo cây. Sau đó, bé nhập viện tại một bệnh viện ở Campuchia với chẩn đoán gãy xương đùi bên phải, chèn ép khoang, chấn thương đầu. Bé được rạch giải áp chèn ép khoang cẳng chân phải, bất động ngoài đùi phải. Sau ba ngày điều trị bé tiểu ít, phù toàn thân, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Theo bác sĩ Thanh Tuấn, điều đặc biệt của trường hợp này là mới đầu bé chỉ bị gãy xương đùi nhưng sau đó đã bị chèn ép khoang, hủy cơ, suy thận cấp do tắc nghẽn ống thận. Bệnh nhi đã được lọc máu liên tục, điều trị kháng sinh, giảm đau, chăm sóc tại chỗ vết thương, điều trị nâng đỡ, chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý suy thận. Hiện bé tỉnh táo, ăn uống được, đi tiểu trở lại (Tuổi trẻ, trang 14). 

 

Bình Thuận: Hợp nhất trung tâm y tế và bệnh viện huyện là phù hợp và có nhiều thuận lợi

Ngày 16/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi thăm và làm việc tại Trạm Y tế xã Tân Phúc, Trung tâm Y tế huyện Hàm Tân, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và UBND tỉnh Bình Thuận.

Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, BS. Nguyễn Văn Quyền - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Thuận và đặc biệt là của ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc hợp nhất trung tâm y tế và bệnh viện huyện là phù hợp với tình hình hiện nay cũng như về lâu dài, đồng thời việc hợp nhất cũng có nhiều thuận lợi.

Theo BS.CKII Huỳnh Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hàm Tân, việc thành lập Trung tâm Y tế huyện được đánh giá là bước đầu trong hoạt động cơ cấu lại mô hình tổ chức y tế huyện cho phù hợp với tình hình, nhu cầu phát triển của xã hội, phát huy được nguồn lực bác sĩ phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tập trung được cơ sở vật chất, nhân lực, các trang thiết bị, phương tiện cũng được bố trí sắp xếp lại hợp lý, tận dụng tối đa hiệu suất làm việc, tránh lãng phí. Đặc biệt, với mô hình này, lãnh đạo Trung tâm hoàn toàn chủ động nhân viên khi cần thiết phải ưu tiên cho công tác khám, chữa bệnh hoặc công tác dự phòng trong những thời điểm nhất định.

Ngành y tế Hàm Tân đang thiếu bác sỹ, rất khó khăn về nguồn nhân lực việc hợp nhất thành Trung tâm Y tế huyện là phù hợp với tình hình hiện nay cũng như lâu dài của huyện Hàm Tân. Mô hình tổ chức quản lý mới khắc phục được những hạn chế trong hoạt động của mô hình tổ chức quản lý về y tế cũ, đồng thời đảm bảo cho việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được đồng bộ, thống nhất, thông suốt từ tuyến huyện đến xã và tránh chồng chéo trong việc quản lý các trạm y tế xã.

Trung tâm Y tế tuyến huyện đã từng bước ổn định, đồng bộ và đạt được những kết quả bước đầu trong việc huy động được nguồn lực, trang thiết bị được điều chuyển và sử dụng có hiệu quả, trong phối hợp giảm sự chồng chéo so với lúc chưa sáp nhập. Nổi bật là có sự kết hợp chủ yếu là điều động tăng cường nhân lực giữa 2 bên, khi có dịch bệnh, bộ phận điều trị cũng có thể tham gia ở cộng đồng và ngược lại y bác sĩ của dự phòng có thể tham gia khám bệnh. Phát huy hiệu quả công tác đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ viên chức nhất là đội ngũ bác sĩ; đây là điều trước đây khối điều trị tuyến huyện không làm được. Bác sĩ tuyến xã luân phiên về trung tâm y tế tham gia và điều trị, xử lý một số bệnh cấp cứu  nhờ đó nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám chữa bệnh, đồng thời góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khu vực.

Việc sáp nhập nhằm giải quyết khó khăn về mặt thiếu nhân sự, kinh phí tập trung một đầu mối, không còn dàn trải như trước nên thuận tiện quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả. Hai đơn vị có thể sử dụng một hệ thống xét nghiệm nên tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo dưỡng trang thiết bị. Trang thiết bị y tế là tài sản của TTYT nên có thể điều chuyển từ trạm y tế lên trung tâm y tế hoặc ngược lại để sử dụng hiệu quả nhất các trang thiết bị. Các trạm y tế trực thuộc trung tâm y tế nên được hỗ trợ nhiều hơn công tác khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, thuốc...Bên cạnh đó, việc sáp nhập còn giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất, tiết kiệm chi phí xây dựng trụ sở; giảm bộ máy hành chính.

Cùng quan điểm là việc hợp nhất trung tâm y tế và bệnh viện huyện là phù hợp và có nhiều thuận lợi là ý kiến của BS. Nguyễn Văn Quyền - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Thuận, ý kiến của lãnh đạo Sở Nội vụ và đặc biệt là ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, việc sáp nhập là rất cần thiết và cũng rất phù hợp. Mặc dù, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian đầu sau sáp nhập việc sắp xếp bố trí vị trí việc làm chắc chắn sẽ gây ra khó khăn cho đội ngũ cán bộ của 2 đơn vị. Việc giải quyết chế độ cho người lao động như thế nào để đảm bảo hài hoà, không gây thắc mắc, mất đoàn kết cũng là điều đáng bàn, đòi hỏi người đứng đầu phải sắp xếp, bố trí công việc một cách phù hợp với chuyên môn và diều kiện cho phép. Tuy nhiên, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vẫn khẳng định dù khó khăn vẫn sẽ quyết tâm thực hiện tốt việc hợp nhất này. Sẽ cũng ngành y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá rất cao sự quyết tâm và nỗ lực của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận nói riêng và của các ban ngành, đặc biệt là sự ủng hộ tạo điều kiện tối đa của lãnh đạo Thành ủy và lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận trong việc sáp nhập Trung tâm Y tế và Bệnh viện huyện. Bộ trưởng cũng mong muốn, các Trung tâm thí điểm ở tỉnh Bình Thuận hiện đang hoạt động tốt và có nhiều thuận lợi nên tỉnh cố gắng tiếp tục triển khai các trung tâm khác. Và Bộ Y tế sẽ hỗ trợ để giúp cho việc thực hiện được thuận lợi hơn (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Quá chậm trong phản ứng nhanh

Vụ ngộ độc thực phẩm vừa xảy ra tại TP Đà Nẵng chiều 14/5 khiến 17 du khách trong đó có đoàn cán bộ TP Vũng Tàu đi tham quan học tập phải nhập viện đã rung lên hồi chuông về an toàn thực phẩm tại các cửa hàng ăn uống, các quán ăn nhà hàng. Ông Phạm Anh Dũng (Chủ tịch UBND phường 7, thành phố Vũng Tàu), trưởng đoàn cán bộ, là một trong số 5 người bị nặng nhất còn điều trị tại đây cho biết: Đoàn công tác của phường gồm 14 người đến Đà Nẵng vào ngày 14/5. Lúc 17h30 cùng ngày, đoàn đến quán cơm gà Bà Buội trên đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Đến khoảng 20h, 13/14 người của đoàn bắt đầu có triệu chứng nôn mửa, đau bụng dữ Hội phải đi cấp cứu. Ngoài đoàn của phường 7 còn có thêm đoàn du khách khác đến từ Hà Nội cũng nhập viện sau khi dùng cơm tại quán cơm trên. 

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở y tế Đà Nẵng đã kiểm tra quán cơm Bà Buội nơi nghi vấn là thủ phạm gây ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 17 du khách nhập viện.

Cũng trong ngày 16/5, Sở Y tế Đà Nẵng, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã họp khẩn cấp bàn việc xử lý vụ ngộ độc nói trên. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết: Việc xử lý phải dựa trên nhân chứng và vật chứng. Tất cả các du khách đều khai ăn cơm tại quán cơm gà Bà Buội. Tuy nhiên, vật chứng phải chờ có kết quả xét nghiệm vi sinh vật. Bình thường kết quả xét nghiệm phải 5 – 7 ngày mới có, nhưng vụ việc nghiêm trọng nên cơ quan chuyên môn  làm khẩn trương để trưa hôm nay (17/5) có kết quả. Ông Tiến cũng cho biết: Nếu kết quả dương tính, sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định 178 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sỏ Y tế Đà Nẵng cho biết: Vì vụ việc nghiêm trọng nên lãnh đạo TP hết sức quan tâm, yêu cầu khẩn trương báo cáo.

Phó giám đốc Sở Y tế  cũng phê bình Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, chậm báo cáo sự việc. Sự việc xảy ra từ 20h ngày 14/5 nhưng đến 9h sáng hôm sau Sở mới nắm được thông tin và cũng không có cơ quan nào báo cáo chính thức. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm báo cáo quá chậm, làm báo cáo mà gần một buổi mới xong. Đến hơn 16h ngày 15/5, Sở y tế mới nhận được văn bản của Chi cục về sự việc.

“Như vậy là quá chậm trong phản ứng nhanh đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Hồng cho biết (Tiền phong, trang 2; Công an nhân dân, trang 2). 

 

Bùng phát ổ dịch sốt xuất huyết ở quận Đống Đa

Ngày 16-5, Sở Y tế Hà Nội xác nhận, vừa xuất hiện một ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 11 người mắc ngay tại ký túc xá Đại học Luật Hà Nội (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội). Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Hà Nội, ngày 22-4, tại khu vực ký túc xá trường Đại học Luật Hà Nội ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc SXH là một sinh viên. Những ngày sau đó tiếp tục ghi nhận rải rác thêm các ca mắc mới và tính đến 3-5, tại ổ dịch này đã phát hiện bệnh nhân thứ 11.

Trước sự bùng phát ổ dịch SXH ngay giữa nội thành kể trên, TTYTDP Hà Nội đã cử đoàn xuống kiểm tra thực tế tại khu ký túc xá của trường Đại học Luật Hà Nội và bất ngờ phát hiện có ổ bọ gậy trong một bể nước đã không sử dụng từ lâu tại một phòng ở của sinh viên.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu cán bộ y tế trường Đại học Luật Hà Nội tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức thông báo, phổ biến đến sinh viên trong trường về dịch bệnh SXH và hướng dẫn các em làm vệ sinh môi trường để diệt bọ gậy, phòng bệnh SXH. Hiện tại, ổ dịch SXH ở ký túc xá trường Đại học Luật Hà Nội đã được khống chế, không phát sinh thêm ca bệnh mới.

Ngoài ổ dịch ở khu ký túc xá trường Đại học Luật, từ đầu năm đến nay tại quận Đống Đa cũng đã ghi nhận đến 37 ổ dịch ở 13 phường, tổng số mắc lên tới 163 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc SXH tại quận Đống Đa tăng 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần. Đây cũng là địa phương có số mắc SXH cao nhất thành phố (chiếm đến 1/4 tổng số bệnh nhân).

Tính trên toàn thành phố Hà Nội, đến ngày 14-5, ghi nhận 669 trường hợp mắc SXH, chưa có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận/huyện, 184 xã/phường. Số mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Trong số 26 quận/huyện ghi nhận có ca mắc SXH, có tới 9 quận/huyện có số mắc cao hơn cùng kỳ 2016 như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Thanh Oai, Hà Đông, Cầu Giấy (An ninh thủ đô, trang 8; Hà Nội mới, tran

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang