Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 17/7/2023

  • |
T5g.org.vn - Cảnh giác với chủng vi rút nguy hiểm của bệnh tay chân miệng; Đau ruột thừa bị bác sĩ cắt buồng trứng; Quảng Bình: Một người tử vong do bệnh dại; Dùng chất làm ngọt aspartame ra sao để an toàn?

 

Cảnh giác với chủng vi rút nguy hiểm của bệnh tay chân miệng

Số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng. Điều đáng nói, 40% mẫu xét nghiệm ca bệnh dương tính với chủng vi rút nguy hiểm Entero virus 71 (EV71) thường khiến bệnh trở nặng, gây ra các biến chứng và có thể tử vong.

Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh và nhận biết những dấu hiệu cần nhập viện là rất quan trọng.

Sai lầm khi điều trị tại nhà

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng gần 15 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có ít nhất 7 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến ngày 14-7 có 961 ca tay chân miệng nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng mạnh. Trong tuần từ ngày 3-7 đến 9-7, toàn thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong 7 trường hợp tử vong nêu trên đã có 5 ca tử vong được xác định do chủng EV71.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số các ca bệnh phải nhập viện có 20-30% nhiễm chủng vi rút EV71.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Entero virus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 lại gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, bệnh tay chân miệng do vi rút EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, nôn, biếng ăn. Ngoài ra, sau khi sốt, các nốt còn mọc ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Thời gian ủ bệnh tay chân miệng trong khoảng 3-7 ngày, không triệu chứng.

Dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh tay chân miệng ở giai đoạn khởi phát là sốt nhẹ 37,5-38 độ C, đi ngoài phân lỏng hoặc nát 1-3 lần/ngày, trẻ quấy khóc, biếng ăn, kém linh hoạt, đau họng. Giai đoạn toàn phát, trẻ có biểu hiện loét miệng, niêm mạc má, lợi, lưỡi xuất hiện chấm đỏ hình thành các phỏng nước, phát ban dạng phỏng nước trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt nhẹ, nôn.

Bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ. Bệnh được phân thành 4 cấp độ bệnh từ nhẹ đến nặng lần lượt là I, II, III và IV. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nhẹ nhất (độ I) với dấu hiệu chỉ loét miệng và tổn thương da có thể điều trị tại nhà, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và hạ sốt cao bằng Paracetamol liều 10mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ, cho trẻ nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh kích thích.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, khai thác tiền sử một số trường hợp, 3 ngày đầu khi mắc bệnh, trẻ bị sốt nhẹ khoảng 37,8 độ C, bố mẹ đã cho các bé dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn. Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do vi rút gây ra là không đúng vì kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.

Không tự ý mua thuốc điều trị

Trong các biến chứng của bệnh tay chân miệng, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, chỉ rõ có hai biến chứng thường gặp là thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu và cuối giấc ngủ…

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh cũng lưu ý, thay vì tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, ngay khi các bé có dấu hiệu bệnh tay chân miệng, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế để xác định mức độ diễn biến của bệnh, nghe tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp từ bác sĩ chuyên khoa.

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng của bệnh. Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga đưa ra các dấu hiệu bệnh được đánh giá là nặng và cần nhập viện khi có các biểu hiện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều hơn 2 lần trong 30 phút; vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường (như ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…); run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

“Trẻ bị tay chân miệng mức độ nhẹ sau khi khám được chỉ định theo dõi và điều trị tại nhà cần tuân thủ cách ly điều trị để phòng ngừa lây nhiễm. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, chia làm nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước, bổ sung thêm nước trái cây. Cho trẻ uống sữa mát để đỡ đau miệng (không nên uống nước đá lạnh ngắt). Không nên cho trẻ ăn các thức ăn cay, nóng bởi dễ gây bỏng rát. Hạn chế những thức ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa, đồ tanh, chua, mỡ khó tiêu. Phụ huynh không tự ý dùng thuốc cho trẻ, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ”, Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga khuyến cáo (Hà Nội mới, trang 5).

 

Đau ruột thừa bị bác sĩ cắt buồng trứng

Từ chiều 15/7, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một số người kéo đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương yêu cầu giải quyết vụ việc bệnh nhân bị đau ruột thừa nhưng lại bị cắt buồng trứng. Đoạn clip sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi kèm nhiều bình luận với nội dung lên án bệnh viện.

Ông Lê Ngọc Long (56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, nữ bệnh nhân trong vụ việc (chị L.T.T 35 tuổi, quê ở Thanh Hóa) là cháu ruột của ông Long.

Theo ông Long, ngày 11/7, chị L.T.T được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp. Chiều cùng ngày, chị L.T.T được đưa vào phòng mổ để cắt bỏ ruột thừa. Sau đó, bác sĩ thông báo là phẫu thuật hoàn thành và chuyển bệnh nhân qua phòng hồi sức cấp cứu.

Tuy nhiên đến ngày 12/7, bác sĩ đại diện khoa Sản của bệnh viện mời người nhà bệnh nhân T đến gặp. Đại diện khoa Sản cho biết trong quá trình phẫu thuật, phát hiện buồng trứng bệnh nhân đang có khối u cần cắt bỏ gấp, bác sĩ đã liên hệ với thân nhân thông qua số điện thoại bệnh nhân đã cung cấp nhưng không ai nghe máy. Trong tình thế cấp thiết, các bác sĩ đã thực hiện cắt bỏ buồng trứng nạn nhân và việc này là đúng quy định.

Nghe phía bệnh viện giải thích như vậy, người nhà bệnh nhân bắt đầu hoang mang. Kiểm tra tình trạng sức khỏe thì chị L.T.T vẫn kêu đau bụng và đến chiều 15/7, bệnh nhân vẫn đang được chăm sóc trong bệnh viện, được tiêm thuốc giảm đau.

Liên quan đến vụ việc, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh nhân L.T.T nhập viện vào ngày 11/7 trong tình trạng đau bụng quanh rốn, hố chậu. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp nên đã giải thích với bệnh nhân và người nhà rồi làm thủ tục để phẫu thuật.

Tuy nhiên, khi mổ nội soi, bác sĩ khoa Ngoại thấy ruột thừa kích thước bình thường, không bị sung huyết. Trong khi đó, tai vòi trứng dính vào hố chậu bị sưng to và đang chảy dịch (mủ) từ loa vòi nên đã mời bác sĩ khoa Sản đến phối hợp xử lý.

Bác sĩ khoa Sản kiểm tra, phát hiện tầng trên ổ bụng vùng dưới gan có nhiều dải viêm dính, tai vòi sưng to (bên phải là phần dẫn trứng vào tử cung), viêm đỏ, chảy mủ từ loa vòi, viêm dính vào hố chậu. Các bác sĩ nhận định phải cắt bỏ tai vòi (bên phải) ngay để giữ tính mạng cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các bác sĩ liên lạc với người nhà bệnh nhân qua số điện thoại đã cung cấp cho bệnh viện thì không liên lạc được. Cùng với đó, bệnh viện cũng phát loa thông báo để mời người nhà bệnh nhân đến làm việc nhưng không nhận được phản hồi.

Trong tình huống cấp bách, các bác sĩ quyết định cắt tai vòi (bên phải) đang sưng to, chảy nhiều mủ để điều trị triệt để tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết thêm, hiện tại, tai vòi (bên trái) và buồng trứng hai bên của bệnh nhân vẫn trong tình trạng bình thường. Bệnh nhân đã bớt đau bụng, vết mổ khô, sk đang dần ổn định. Sau khi phẫu thuật xong, các bác sĩ có thông báo cho người nhà bệnh nhân rõ về tình trạng bệnh nhân tại thời điểm đó nhưng phía người nhà lại hiểu nhầm là bệnh nhân bị cắt buồng trứng nên phản ứng (Tiền phong, trang 14).

 

Quảng Bình: Một người tử vong do bệnh dại

Theo CDC Quảng Bình ngày 16/7, cho biết, bệnh nhân tử vong do bệnh dại là Ng.Th.H (SN 1974, ở phường Đồng Sơn - TP. Đồng Hới). Trước đó, vào ngày 3/3/2023, bệnh nhân bị chó của nhà hàng xóm cắn, vết thương ở ngón trỏ bàn tay phải, nông, chảy lượng máu không nhiều. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân chỉ xử lý vết thương bằng cách rửa nước mà không tiêm vắc xin phòng dại.

Sau 2 ngày cắn bệnh nhân, con chó đã chết. Hơn 4 tháng sau, đến ngày 11/7/2023, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, có dấu hiệu của bệnh dại và được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới để điều trị, và được chẩn đoán ban đầu nghi dại.

Đến 14 giờ ngày 13/7, bệnh nhân chuyển biến rất nặng, gia đình đưa ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong (Tiền phong, trang 15).

 

Dùng chất làm ngọt aspartame ra sao để an toàn?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo xếp chất làm ngọt aspartame vào danh sách "các chất có thể gây ung thư cho con người", không thay đổi khuyến cáo về mức tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được.
Aspartame là một trong những chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và đã có mặt trên thị trường trong nhiều thập niên. Hiện có rất nhiều sản phẩm tại Việt Nam có sử dụng chất làm ngọt nhân tạo này.

Chất tạo ngọt aspartame dùng ra sao?

Theo WHO, aspartame là chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến được tìm thấy trong hàng nghìn các sản phẩm như soda ăn kiêng, các loại sữa và đường ăn kiêng, kem đánh răng và các loại thuốc như thuốc ho, thuốc nhai...

Kết luận về chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây ung thư được các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), WHO, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) về phụ gia thực phẩm (JECFA) phối hợp thực hiện.

Các cơ quan này xếp aspartame vào danh sách các chất "có thể gây ung thư cho người" thuộc phân nhóm 2B sau khi ghi nhận một số bằng chứng cho thấy chất này liên quan đến một loại bệnh ung thư gan.

Tuy nhiên, các thí nghiệm trên động vật cho thấy chưa đủ bằng chứng để khẳng định chất này là tác nhân gây ung thư.

Theo ghi nhận trên thị trường Việt Nam, hiện nay có rất nhiều sản phẩm chứa chất tạo ngọt nhân tạo aspartame như kẹo cao su, các loại kẹo ngọt, nước ngọt, đặc biệt là các sản phẩm dành cho người bệnh đái tháo đường như sữa. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm dành cho người muốn giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng cũng chứa chất tạo ngọt nhân tạo aspartame.

Ngoài ra, "đường ăn kiêng" mà thành phần chủ yếu là đường nhân tạo còn có mặt trong nhiều sản phẩm được rao bán trên mạng. Theo thông tin được quảng cáo, các viên đường sẽ có vị ngọt đậm đà, chứa calo rất thấp, do vậy không lo tích tụ mỡ thừa cũng như tăng đường huyết sau khi sử dụng. Hầu hết những sản phẩm này được rao bán với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng tùy mỗi loại.

Theo TS Phạm Hùng Vân - nguyên giảng viên khoa vi sinh Trường đại học Y Dược TP.HCM, hiện nay nhiều người rất lo ngại việc sử dụng các loại đường thông thường sẽ đưa đến nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, đặc biệt là đái tháo đường. 

Để có thể đáp ứng nhu cầu thèm ngọt của cơ thể nhưng lại không gây hại cho sức khỏe, họ thường tìm đến những sản phẩm có chứa đường hóa học (chất tạo ngọt nhân tạo aspartame). Lý do là đường hóa học này không làm tăng lượng đường trong máu, chứa ít calo, năng lượng thấp.

Ngoài ra, các loại đường hóa học này lại có vị ngon và ngọt hơn so với các loại đường tự nhiên. Do vậy, đường hóa học hiện nay thường được sử dụng trong các sản phẩm ăn kiêng, kiểm soát cân nặng.

Dùng bao nhiêu mới gây ung thư?

WHO và các cơ quan nghiên cứu khác đưa ra khuyến nghị rằng chất tạo ngọt aspartame vẫn an toàn với sức khỏe khi tiêu thụ trong giới hạn cho phép. Cụ thể, giới hạn là 40 miligam aspartame/mỗi kg trọng lượng cơ thể/ngày.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay thực tế chất tạo ngọt aspartame đã từng được khuyến cáo nhiều lần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế những chất tạo ngọt này có trong nhiều sản phẩm thiết yếu hằng ngày.

Mặc dù WHO đến nay chưa đưa ra thông tin cụ thể về số lượng aspartame bao nhiêu nạp vào cơ thể sẽ gây ung thư. Tuy nhiên, aspartame đã được cảnh báo không lạm dụng, sử dụng quá nhiều hoặc tự ý sử dụng chất tạo ngọt này thay thế đường thông thường.

Đặc biệt, đối với những người có thói quen ăn đồ ngọt nhưng lo ngại nếu ăn đường thường có nhiều năng lượng nên có xu hướng dùng đường thay thế, việc lạm dụng chất tạo ngọt, sử dụng trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bác sĩ Hưng cho hay.

Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết chất tạo ngọt aspartame, hay còn được gọi là đường hóa học, hiện nay được ứng dụng hầu hết trong các sản phẩm ngọt để ăn kiêng như bánh ngọt, kẹo ngọt, nước ngọt, các thực phẩm ăn kiêng, kẹo cao su..., đặc biệt là những loại sản phẩm dành cho người đái tháo đường.

Nguyên nhân là do đường hóa học này có chứa rất ít năng lượng, do vậy nó được cho là sẽ không làm tăng đường huyết và không gây béo phì.

Bác sĩ Hiếu cho hay đường hóa học này chỉ là loại đường thay thế cho đường tự nhiên được thêm vào trong khẩu phần ăn hằng ngày và nó còn được dán nhãn là sản phẩm phụ gia thực phẩm, việc lạm dụng hoặc tiêu thụ quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người dân cần phải phân biệt được ngưỡng đường khuyến cáo có thể gây ra ung thư và lượng đường được khuyến nghị đảm bảo cho sức khỏe.

Bác sĩ Hiếu khuyến cáo hiện nay lượng đường tự nhiên (đường mía, fructose...) thường được sử dụng để thêm vào khẩu phần chỉ nên nằm dưới 10% nhu cầu năng lượng, tức khoảng 25g đường/ngày.

Những thực phẩm thay thế đường, trong đó có đường hóa học, cũng nên tuân theo các khuyến cáo trên.

Ví dụ lượng aspartame được cho là an toàn khi sử dụng chỉ nên dưới ngưỡng 8 - 12 lon nước soda để tránh nguy cơ ung thư. Nhưng lượng nước ngọt đảm bảo an toàn cho sức khỏe thấp hơn rất nhiều, chỉ vào khoảng nửa lon đến 1 lon (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang