Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/02/2022

  • |
T5g.org.vn - Chuyên gia: Nên tiêm vắc xin cho con dù đa số trẻ mắc COVID -19 có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng; Đừng để trẻ sổ mũi nhẹ cũng dễ biến chứng chỉ vì sai lầm này của cha mẹ; Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi): Còn nhiều vấn đề phải thảo luận; Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Số mắc Covid-19 tăng nhanh, chiến lược ưu tiên lúc này là hạn chế ca nặng…


Chuyên gia: Nên tiêm vắc xin cho con dù đa số trẻ mắc COVID -19 có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng

Chuyên gia cho biết, vaccine COVID-19 cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5-11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn.
Ngày 16/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, tính đến từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 8% trẻ 6-12 tuổi.

Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% tổng tử vong chung, trong đó 0,1% là trẻ từ 6 - 12 tuổi.

Theo Thứ trưởng, những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ thống (MIS-C) tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Với biến thể Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Mới đây, trả lời câu hỏi vì sao đa số trẻ em mắc COVID-19 đều không triệu chứng và triệu chứng nhẹ nhưng vẫn nên tiêm vaccine, TS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), đã có những lý giải.

Trong thời gian vừa qua, các chuyên gia của NIHE đã làm việc mật thiết với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng và thấy rằng số lượng trẻ em mắc COVID-19 đang tăng theo thời gian.

Trước đó, các phụ huynh giữ gìn nên số lượng trẻ mắc không cao như nhóm người lớn. Nhưng hiện nay, số lượng nhiễm ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng.

Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng có trường hợp nặng, nguy kịch và thậm chí tử vong. "Tỷ lệ lớn trẻ em mắc COVID-19 bị nhẹ là đúng nhưng với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong cũng sẽ không nhỏ" - TS. Thái nói.

Qua quá trình làm việc với các bệnh viện, các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, viêm đa tạng hay biến chứng bất lợi như viêm cơ tim chiếm tỷ lệ không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vaccine.

"Các bác sĩ rất lo lắng cho nhóm này" - ông nói thêm tới đây, sẽ có những khoa chuyên điều trị COVID-19 trong đó có bác sĩ Nhi khoa tham gia giải quyết vấn đề này.

"Với nhóm tuổi chưa có vaccine, dù giữ gìn đến mấy, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ nhiễm tăng cao, tỷ lệ biến chứng vẫn cao. Nguy cơ này lớn hơn vô cùng nhiều so với nguy cơ liên quan tiêm vaccine" - TS. Thái nói.

Thực tế, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện.

Hiện bệnh viện này đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19, thời gian qua đã có 5 trẻ tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong tổng số gần 6.500 F0 điều trị tại đây trong hơn 2 năm qua, có 617 F0 là trẻ dưới 16 tuổi; có 21 ca nặng, nguy kịch.

Tình trạng này xảy ra ở một số người rất nặng, phải điều trị kéo dài và tốn kém. Trong khi triển khai mũi tiêm, chúng ta đã có nền miễn dịch tuy nhiên chưa cao ở một số bé. Vaccine hạn chế virus xâm lấn ở phủ tạng sâu, từ đó hạn chế tổn thương sau này.

"Đây là cơ sở để khuyến cáo người dân tiêm vaccine, kể cả khi đã nhiễm virus" - TS. Thái nhấn mạnh, những bài báo liên quan đến hội chứng hậu COVID và tác dụng của vaccine cũng đã được đăng tải trên các tạp chí uy tín thế giới như Nature và Science cho thấy vaccine hiệu quả.

Đến nay, có 44 quốc gia đã triển khai vaccine trẻ 5-11 tuổi. Theo TS. Thái, kinh nghiệm từ các nước đã triển khai là bài học rất quý giá với Việt Nam. Các nước vẫn sử dụng hình thức triển khai như vaccine thông thường, dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Ông cho biết, vaccine cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5-11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Những báo cáo qua hàng chục triệu liều tiêm ở nhiều nước đã tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi cho thấy tỷ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy. Nhưng những phản ứng khác như sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ vẫn có và mức độ thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn.

Các chuyên gia khẳng định những phản ứng thông thường này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể khi tiêm chất lạ vào người. Điều này đã nằm trong tính toán. Việc điều chỉnh liều tiêm theo tuổi, cân nặng của trẻ để có liều phù hợp để có liều tối ưu mà vẫn sinh được miễn dịch tốt nhất cũng đã được chuyên gia tính toán kỹ.

Bên cạnh đó, phản ứng khác như choáng ngất, sốt cao kéo dài ghi nhận ở một số quốc gia song tỷ lệ này rất thấp, ví dụ Australia hoặc Isarael nhưng chưa có ca nào tử vong liên quan vaccine. Đấy là lý do các chuyên gia thấy rằng việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ nhỏ đang an toàn.

Tỷ lệ phản vệ rất nhỏ có thể xảy ra tuy nhiên vẫn thấp hơn so với nhóm trẻ lớn và người lớn. Điều này khó tránh, vì nguyên tắc có chất lạ đưa vào thì cơ thể vẫn có nguy cơ hay phản ứng nhất định, ví dụ ăn hoa quả hay là uống thuốc cũng có nguy cơ này... (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Đừng để trẻ sổ mũi nhẹ cũng dễ biến chứng chỉ vì sai lầm này của cha mẹ

Ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin là loại ngộ độc thường gặp ở trẻ em, nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đây là thuốc nhóm giao cảm, hấp thu qua niêm mạc mũi gây các triệu chứng ngộ độc toàn thân, có thể dẫn đến ngừng thở, ngừng tim.
Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã cấp cứu một bệnh nhi 5 tháng tuổi vào viện trong tình trạng bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi. 

Trước đó, sau khi được nhỏ thuốc nhỏ mũi Naphazolin bệnh nhi có biểu hiện lơ mơ, da tái và lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chậm, bỏ bú nên được đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhi đã được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch và các thuốc điều trị theo phác đồ. Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn ổn định.

Theo BSCKII. Dương Văn Linh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin là loại ngộ độc thường gặp ở trẻ em, hay gặp nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đây là thuốc nhóm giao cảm, hấp thu qua niêm mạc mũi đặc biệt ở trẻ nhỏ gây các triệu chứng ngộ độc toàn thân có thể dẫn đến ngừng thở, ngừng tim.

rên thực tế, đã có nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc Naphazolin do bố mẹ dùng nhầm hoặc lạm dụng dùng cho con. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi bị ngộ độc do bố mẹ mua nhầm thuốc nhỏ mũi Naphazolin về dùng cho con.

Hay trường một bệnh nhi 3 tuổi, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh cũng được gia đình đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng bứt rứt, vật vã và thở nấc sau khi mẹ dùng Naphazolin dành cho người lớn có sẵn trong nhà để nhỏ vào mũi cho con.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ nhỏ, bố mẹ phải hết sức lưu ý vì nếu nhầm lẫn có thể gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.

Tại sao trẻ hay bị ngộ độc Naphazolin?

Theo các bác sĩ, Naphazolin là thuốc được chỉ định điều trị nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi, viêm xoang. Khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, Naphazolin làm co tại chỗ các tiểu động mạch đã bị giãn, giảm lưu lượng máu qua mũi và giảm sung huyết. 

Thuốc giúp giảm nhanh tình trạng ngạt mũi, làm người bệnh dễ thở hơn. Đặc biệt, mỗi lần nhỏ mũi, thuốc có tác dụng kéo dài trong vòng 2-6 giờ nên được khá nhiều người lựa chọn sử dụng.

Tuy nhiên, thuốc có thể gây ngộ độc ở trẻ em nếu dùng quá liều. Khi bị ngộ độc Naphazolin, trẻ sẽ gặp một số triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng nặng hơn đến mũi, đó là gây teo mũi, thậm chí thủng vách ngăn mũi của trẻ.

Nguy hiểm hơn, có trường hợp gây ngộ độc hệ tim mạch, hệ thần kinh như vã mồ hôi, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh cho trẻ. Nếu bố mẹ không kịp đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu, trẻ có thể bị co giật, xuất huyết não, thở chậm hoặc ngừng thở, rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Lý giải về việc dù Naphazolin được khuyến cáo không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp trẻ trong độ tuổi này bị ngộ độc, BS Lương Văn Chương, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, điều này một phần là do bố mẹ không để ý nên mua nhầm thuốc cho con. Theo đó, nhiều người rất hay nhầm thuốc nhỏ mũi Naphazolin với lọ nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% vì chúng có cùng kích cỡ, cùng màu xanh và có chữ cái đầu (N) giống nhau.

Sử dụng Naphazolin như thế nào?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), với trẻ em dưới 6 tuổi, không được dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin. Dung dịch nhỏ mũi an toàn cho trẻ em ở độ tuổi này là NaCl 0,9%. 

Đối với trẻ từ 6-12 tuổi, dùng dung dịch Naphazolin 0,05% khi thật sự cần thiết. Trẻ em trên 12 tuổi, liều dùng thông thường của Naphazolin là loại dung dịch 0,05% hoặc 0,1%.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi dùng thuốc nhỏ mũi cho trẻ nhỏ, bố mẹ phải hết sức lưu ý vì nếu nhầm lẫn có thể gây ra những hậu quả nặng nề, thậm chí có thể khiến trẻ tử vong. 

Vì vậy, trước khi mua bất kỳ loại thuốc nào cho con dùng, bố mẹ cần đọc kỹ xem có đúng tên thuốc hay không; đúng cách dùng, đường dùng hay chưa? Và đặc biệt là, thuốc đó có được dùng cho trẻ nhỏ hay không?

Cách vệ sinh mũi họng cho trẻ:

- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm gỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.

- Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.

- Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn.

- Có thể dùng thuốc co mạch; thuốc kháng sinh và hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11).

 

Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi): Còn nhiều vấn đề phải thảo luận

Sáng 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Bộ trưởng BYT nêu rõ, nếu đưa ra khung cứng sẽ không tạo được sức cạnh tranh , không phát triển được y tế tư nhân (chi tiết xem báo Tiền phong, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 7).

 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Số mắc Covid-19 tăng nhanh, chiến lược ưu tiên lúc này là hạn chế ca nặng

Trao đổi với báo chí, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù số ca mắc tăng nhanh nhưng số bệnh nhân nặng phải chuyển tầng điều trị được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua.

Số ca tử vong bình quân mỗi ngày hiện trung bình khoảng 15 trường hợp và chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ hoặc chưa tiêm vaccine Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, trong bối cảnh số ca mới liên tục tăng nhanh và mạnh, gần 97% không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được quản lý theo dõi sức khoẻ tại nhà và gần 100% dân số tiêm 2 mũi vaccine, thành phố cũng có những điều chỉnh trọng tâm trong chiến lược phòng chống dịch.

Theo đó, ưu tiên trọng tâm của thành phố lúc này là phải bảo vệ, quản lý người nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền, chưa được tiêm vaccine) mắc Covid-19 để hạn chế số ca chuyển nặng, tử vong.

Đồng thời, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vaccine; vận động và tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn.

Trước đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Ớn lạnh, lạnh run sau mắc COVID-19 và tiêm vắc xin, vì sao?

Dù thời tiết nóng bức, nhiệt độ cơ thể bình thường nhưng nhiều người sau khỏi COVID-19 thường xuyên gặp cơn ớn lạnh đột ngột, lạnh run.
Đây là một trong khoảng 200 triệu chứng hậu COVID-19, khiến người bệnh lo lắng nguy cơ tái nhiễm. Cũng có người gặp triệu chứng lạ phải đắp nhiều chăn hơn, chịu lạnh kém sau khi tiêm vắc xin.

Lạnh run không kiểm soát dù thời tiết nóng

Chị Hải Yến (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi mắc COVID-19 từ đầu tháng 1, đến nay thỉnh thoảng thấy người run lạnh không kiểm soát được mặc dù không bị lạnh và đang ở phòng rất ấm. Không biết tình trạng này có nguy hiểm không, có nguy cơ tái nhiễm không?".

Cũng giống chị Yến, anh H.Minh (Hà Nội) cũng gặp tình trạng ớn lạnh, ho tức ngực sau khi mắc COVID-19. Anh Minh cho biết mình mắc COVID-19 và âm tính cách đây hai tuần. Sau đó thường xuyên xuất hiện các tình trạng trên khiến cuộc sống bị ảnh hưởng. Với nhiệt độ Hà Nội những ngày qua xuống thấp, anh Minh không thể ra ngoài trời làm việc.

Dù ở nơi có thời tiết nóng bức nhưng chị Kiều Linh (TP.HCM) thường xuyên gặp cơn ớn lạnh, có lúc phải mặc thêm áo ấm từ sau khi khỏi COVID-19 hai tuần trước. Chị Linh cho biết chị sẽ đi điều trị vì triệu chứng này đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

ThS.BS Kiều Xuân Thy - phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho hay thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến thăm khám vì cơ thể bị ớn lạnh, rét run trong nhiều ngày dù nhiệt độ cơ thể bình thường, sống ở nơi thời tiết nóng, các chỉ số xét nghiệm bình thường.

So với tỉ lệ tất cả bệnh nhân khám hậu COVID-19 thì bệnh nhân gặp triệu chứng này không nhiều, tuy nhiên đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh vì không thể làm việc, học tập bình thường.

Bác sĩ Thy cho biết thêm, những bệnh nhân gặp triệu chứng trên đến khám, điều trị tại bệnh viện chủ yếu là người trẻ, lớn tuổi, chưa ghi nhận người cao tuổi. Có những bệnh nhân gặp phải triệu chứng này rất nặng nhưng có bệnh nhân gặp cơn ớn lạnh vài phút, vài giây mỗi ngày. 

Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học, hệ thống thống kê về triệu chứng này - bác sĩ Thy giải thích thêm.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Hà Nội), cho hay trong quá trình tư vấn, ông nhận định bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc di chứng này, đặc biệt là người già có bệnh lý nền.

Không chỉ những người mắc COVID-19 gặp những triệu chứng bất thường này, mà nhiều người cũng "than" sau tiêm vắc xin thấy khả năng chịu lạnh kém hơn, trời lạnh là phải đắp tới mấy chăn hoặc dùng các biện pháp giữ ấm khác nếu không cứ thấy rét run, khác hẳn với trước đây.

Rối loạn hệ thống điều tiết nhiệt, máu lưu thông kém

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ớn lạnh, lạnh run... sau nhiễm COVID-19, bác sĩ Thy cho rằng nguyên nhân ban đầu được cho là virus SAR-CoV-2 gây ra rối loạn hệ thống điều tiết nhiệt của cơ thể, từ đó khiến cơ thể rối loạn cảm giác với nhiệt độ.

Để xác định chính xác triệu chứng trên có phải là hậu COVID-19 không, các bác sĩ sẽ đo nhiệt độ cơ thể, thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân thực thể như rối loạn hạ đường huyết, hạ huyết áp... Với những bệnh nhân rét run cả ngày vì hậu COVID-19 phải nhập viện theo dõi, điều trị.

Còn bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận định tình trạng ớn lạnh của người bệnh hậu COVID-19 có thể do máu lưu thông kém, tình trạng vi huyết khối ở các mao mạch nhỏ. Ngoài ra, có thể người bệnh gặp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật sau COVID-19 gây ra, rối loạn co thắt mạch máu kém.

"Đặc biệt cơ chế điều nhiệt trên cơ thể bị ảnh hưởng, không điều chỉnh được nhiệt độ theo nhu cầu của cơ thể với môi trường bên ngoài. Nên mọi người có cảm giác ớn lạnh và nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 36 độ C", bác sĩ Hoàng nói.

Theo bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ - quyền trưởng phòng hồi phục chức năng hậu COVID-19 Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 Hoàng Mai (Hà Nội), để xác định tình trạng hậu COVID-19 là những triệu chứng xuất hiện sau bốn tuần khi đã âm tính với COVID-19.

"Chúng ta không nên chủ quan với những triệu chứng sau khi mắc COVID-19. Nhiều người lầm tưởng đó là di chứng của COVID-19 nhưng khi khám, kiểm tra thì đó lại là triệu chứng của một bệnh lý khác. Việc ớn lạnh sau khi mắc COVID-19 cũng vậy. Có thể do người bệnh bị sốt rét, vì vậy cần khám, kiểm tra kỹ mới kết luận và đưa ra hướng điều trị cụ thể", bác sĩ Thơ thông tin.

Theo bác sĩ Hoàng, về cơ bản tình trạng này không quá nguy hiểm, ít gây biến chứng cho sức khỏe nhưng ảnh hưởng tâm lý, thói quen sinh hoạt và làm việc. 

Trong một số trường hợp nếu không giữ ấm tốt sẽ dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Do đó, người bệnh cần ăn các thực phẩm ấm nóng, dùng các loại thuốc hoạt huyết, ăn ngủ tốt, vận động... để nhiệt độ cơ thể tăng lên.

Triệu chứng ít gặp

Theo TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, tình trạng bị rét do rối loạn chức năng điều nhiệt cũng có thể gặp ở một số người sau tiêm vắc xin COVID-19. Lý do khi kháng nguyên của virus dính vào, cơ thể đáp ứng quá mức dẫn đến ảnh hưởng chức năng này hoặc ảnh hưởng tới một số tuyến trong cơ thể, khiến chúng làm việc không "chuẩn" như cũ.

"Tình trạng này có thể gặp khi cơ thể gặp virus thật, hoặc virus đã bất hoạt/virus tái tổ hợp trong vắc xin. 

Tuy nhiên tỉ lệ có rét run hoặc các triệu chứng bất thường sau tiêm vắc xin thấp hơn rất nhiều lần so với người mắc COVID-19, lý do là khi nhiễm thật thì lượng virus vào rất nhiều, nguy cơ xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 cao hơn. Trong khi với vắc xin thì lượng kháng nguyên đưa vào được kiểm soát liều lượng" - TS Thái giải thích.

Ông Thái cũng cho rằng sau tiêm vắc xin, các triệu chứng này được coi là "ít gặp" và đã được thống kê trong danh sách các phản ứng không mong muốn sau tiêm. Phần lớn chỉ gặp ở người có cơ địa miễn dịch đặc biệt, đáp ứng quá mức khi gặp chất lạ hoặc kháng nguyên. 

"So với người mắc COVID-19 thì số báo cáo gặp những triệu chứng này sau tiêm thấp hơn nhiều lần. Tương tự triệu chứng hậu COVID-19, dù ít gặp nhưng sau một thời gian thì tình trạng này sẽ hết" - ông Thái nhắc lại.

Chú ý cơn ớn lạnh sốt nhiễm khuẩn

Bên cạnh việc ớn lạnh do di chứng hậu COVID-19, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, lưu ý người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe để xác định có phải ớn lạnh do sốt nhiễm khuẩn hay không.

Theo bác sĩ Hoàng, người bệnh ớn lạnh, đo nhiệt độ trên 370C, trường hợp này có thể là tình trạng sốt rét do nhiễm vi khuẩn hay gram âm.

Trường hợp sốt rét nguy hiểm hơn là nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên trường hợp này thường xảy ra ở bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Còn những người đo nhiệt độ cơ thể chỉ 360C hoặc dưới 360C có thể do máu huyết lưu thông kém, chuyển hóa kém do ảnh hưởng của hậu COVID-19. (Tuổi trẻ, trang 13).

 

Số ca nặng và tử vong do Covid-19 ở TP.HCM tiếp tục giảm sâu, được kiểm soát tốt

Ngày 17.2, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong những ngày sau tết, dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, số ca nặng và tử vong vẫn giảm sâu, được kiểm soát tốt. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, TP.HCM có 4 ngày số ca mắc Covid-19 mới giảm dưới 100 ca. Cụ thể, ngày 4.2 có 68 ca, ngày 5.2 có 24 ca, ngày 6.2 có 44 ca, ngày 7.2 có 78 ca. Những ngày sau đó đã lên trên 100 ca; đến ngày 15.2 là 343 ca; ngày 16.2 tăng lên gần gấp đôi với 620 ca và ngày 17.2 còn 485 ca mắc mới.

Chính vì số ca mắc Covid-19 mới xu hướng tăng nhưng đa số nhẹ nên số ca cách ly tại nhà cũng tăng theo, từ dưới 2.000 ca/ngày (tính tổng số) vào đầu tháng 2 thì đến ngày 17.2 đã lên 5.159 ca, nhưng số ca cách ly tập trung chưa tới 100 ca. Để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà, ngày 16.2, 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã đón 297 bác sĩ trẻ mới ra trường về tăng cường cho y tế cơ sở, mục đích chính trước mắt là chăm sóc F0 tại nhà, giải quyết khám, chữa bệnh của y tế cơ sở, nhằm hạn chế bệnh nặng, tử vong. Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách của y tế cơ sở hiện nay.

Trong khi đó, ca mắc Covid-19 tử vong của TP.HCM (không tính các tỉnh chuyển đến - PV) vẫn ở mức 1 - 2 ca, có 3 ngày số ca tử vong là 0. Tình hình ca bệnh nặng hỗ trợ ô xy và thở máy xâm lấn vẫn được kiểm soát và giảm sâu.

Cụ thể, đến ngày 17.2, TP.HCM chỉ có 844 ca nhập viện tầng 2, tầng 3, trong đó 212 ca có hỗ trợ hô hấp và 62 ca thở máy xâm lấn. Trong số ca thở máy xâm lấn thì các tỉnh chiếm khoảng 40%. Chính vì số ca bệnh cần nhập viện dưới 1.000 ca/ngày (tính tổng số cộng dồn), và số ca cần hỗ trợ hô hấp, thở máy xâm lấn ít nên Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị UBND TP.HCM cho ngưng hầu hết bệnh viện dã chiến còn lại, chỉ giữ lại 3 bệnh viện chủ lực là Bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16; các bệnh viện điều trị Covid-19 chuyển về hoạt động khám, chữa bệnh bình thường, chỉ thành lập khoa hoặc đơn vị Covid-19.

Chiều 17.2, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, đại diện Sở Y tế TP.HCM thông tin từ ngày 1.1 đến nay, TP.HCM ghi nhận 166 ca mắc Omicron, gồm 155 ca nhập cảnh và 11 ca phát hiện trong cộng đồng. Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành để tăng cường giám sát, nhất là khi mở lại các đường bay và giám sát cả ở nhập cảnh và trong cộng đồng.(Thanh niên, trang 4).

 

Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19

Ngày 17.2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có Quyết định số 69/QĐ-QLD chính thức cấp phép lưu hành thuốc Molnupiravir do 3 công ty dược VN sản xuất. Gồm thuốc Molravir 400 mg của Công ty CP dược phẩm Boston VN, Molnupiravir 400 mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm VN sản xuất và Movinavir 200 mg của Công ty CP dược phẩm Mekophar. Theo thông tin từ một số đơn vị sản xuất, giá bán dự kiến khoảng 300.000 đồng/liều điều trị (dùng trong 5 ngày).

Các đơn vị đã chủ động về nguồn nguyên liệu, sẵn sàng sản xuất số lượng lớn trong tình huống trong nước gia tăng nhu cầu sử dụng thuốc này. Molnupiravir là thuốc dùng theo đơn, chỉ định cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ, có hiệu quả tốt nhất khi sử dụng trong 5 ngày đầu kể từ khi có triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính (với ca bệnh không triệu chứng). (Thanh niên, trang 4).

 

Hà Nội có số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh: Thích ứng linh hoạt, nhưng không chủ quan

Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 (F0) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng mạnh với gần 4.000 F0/ngày. Điều này khiến người dân không khỏi lo ngại, nhất là khi học sinh, sinh viên từng bước trở lại trường học. Trước diễn biến phức tạp này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương cần chủ động thích ứng linh hoạt nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Nhiều địa phương trở thành “điểm nóng”

Số liệu từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, chỉ trong ngày 15-2, huyện Đông Anh đã ghi nhận 310 F0 tại 24 xã, thị trấn và lũy tích từ ngày 9-12-2021 đến nay là 20.003 ca. Lý giải việc này, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, việc học sinh quay trở lại trường học cùng với mở lại các điểm di tích, đình, đền chùa trên địa bàn khiến nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm tăng. Trong khi đó, thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện tốt cho dịch bệnh phát triển...

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, trong 7 ngày Tết Nguyên đán, số ca nhiễm trên địa bàn có xu hướng giảm 50%, song sau Tết đã tăng đột biến với 300-500 ca/ngày, đặc biệt ngày 14-2 lên tới 951 ca. Từ thực tế tại địa phương cho thấy, người nhiễm Covid-19 đã được tiêm 2 mũi vắc xin chiếm 70%, trẻ em 20%, người tiêm 3 mũi vắc xin vẫn có thể nhiễm bệnh. “Nguyên nhân là do các hoạt động giao thương kinh tế - xã hội trở lại bình thường và sau Tết Nguyên đán người dân từ các tỉnh trở lại Hà Nội, mầm bệnh đã ngấm sâu, tồn tại trong cộng đồng và trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm”, ông Trần Thanh Long lý giải.

Là địa bàn có di biến động dân cư lớn nên thời gian qua, quận Hai Bà Trưng cũng là một trong những địa phương có số F0 tăng cao. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, trên địa bàn quận có nhiều trường đại học, chung cư cao tầng với mật độ dân cư tập trung cao cùng với các cơ quan, công sở. Việc sinh viên từ các tỉnh trở lại Hà Nội học tập, rồi người lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc sau Tết cùng với các hoạt động thiết yếu dần được mở lại là nguyên nhân khiến số người nhiễm tăng nhanh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, sau kỳ nghỉ Tết ghi nhận số mắc Covid-19 tăng cao khi Hà Nội mở cửa lại một số dịch vụ, ngành nghề và trường học. Tuy nhiên theo đánh giá thì công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố vẫn bảo đảm khi tỷ lệ bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong vẫn trong tầm kiểm soát.

Ý thức người dân là yếu tố quan trọng

Dự báo thời gian tới tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp khi mở cửa trở lại hoạt động vận tải, du lịch, giáo dục, giao thương quốc tế..., Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Đỗ Phương Nga thông tin, thời gian tới phường sẽ tập trung kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống dịch ở địa điểm tập trung đông người; hỗ trợ F0 điều trị tại nhà khi cần chuyển tuyến… Còn Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh chia sẻ, Đông Anh tập trung nâng cao năng lực thu dung, điều trị F0 tại trạm y tế lưu động; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà và các điểm thu dung, điều trị F0. Ngoài ra, toàn bộ 6 phòng khám đa khoa ngoài công lập trên địa bàn sẽ phối hợp cùng các xã, thị trấn theo dõi điều trị F0 tại nhà, tại trạm y tế lưu động. Các nhà thuốc phối hợp theo dõi, hướng dẫn sử dụng thuốc, thông tin tình hình F0 điều trị tại nhà tới trạm y tế lưu động.

Cùng với việc phát hiện F0, thực hiện phân tầng điều trị, chuyển tuyến kịp thời, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, quận sẽ tập trung bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Đồng thời, hoàn thành tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ 12-17 tuổi và triển khai tiêm liều bổ sung, nhắc lại (mũi 3) cho người trên 18 tuổi bảo đảm tiến độ; tổ chức tiêm vét cho toàn bộ người có bệnh nền, cao tuổi tại nhà.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai, Trưởng Tiểu ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho rằng, các cơ quan báo chí cũng như các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đúng của người dân. Bởi trạng thái thích ứng linh hoạt không có nghĩa dịch bệnh đã hết nên ý thức của người dân và khả năng điều trị của ngành Y tế là yếu tố quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Số ca nhiễm vi rút SARS - CoV-2 mới tại Việt Nam tiếp tục gia tăng mạnh

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó).

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ghi nhận 200 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại thành phố Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1).

Cụ thể, tính từ 16h ngày 16-2 đến 16h ngày 17-2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới, trong đó có 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca tại 62 tỉnh, thành phố (gồm có 25.345 ca tại cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (3.893), Thái Nguyên (2.478), Quảng Ninh (2.477), Hải Phòng (1.548), Phú Thọ (1.417), Vĩnh Phúc (1.362), Bắc Ninh (1.362), Nghệ An (1.352), Hải Dương (1.350), Nam Định (1.344), Hòa Bình (1.256), Bắc Giang (1.112), Thái Bình (877), Thanh Hóa (861), Lào Cai (820), Sơn La (779), Yên Bái (741), Hưng Yên (709), Đà Nẵng (705), Tuyên Quang (666), Quảng Nam (614), Bình Định (588), Quảng Bình (569), Hà Tĩnh (545), Đắk Lắk (484), Khánh Hòa (484), thành phố Hồ Chí Minh (483), Quảng Trị (444), Lạng Sơn (425), Phú Yên (381), Lâm Đồng (374), Gia Lai (342), Cao Bằng (285), Quảng Ngãi (265), Bình Phước (264), Thừa Thiên - Huế (241), Đắk Nông (225), Hà Nam (219), Lai Châu (213), Điện Biên (195), Bắc Kạn (182), Kon Tum (149), Bà Rịa - Vũng Tàu (133), Cà Mau (123), Hà Giang (112), Bình Thuận (105), Đồng Nai (91), Bình Dương (79), Bến Tre (71), Vĩnh Long (67), Kiên Giang (64), Trà Vinh (59), Bạc Liêu (58), Tây Ninh (37), Đồng Tháp (27), Hậu Giang (19), Long An (13), An Giang (12), Sóc Trăng (12), Ninh Thuận (11), Cần Thơ (11), Tiền Giang (6).

Số ca nhiễm được ghi nhận trong 24 giờ qua tăng 1.467 ca so với ngày trước đó. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Quảng Ninh (tăng 941 ca), Bắc Giang (tăng 401 ca), Hòa Bình (tăng 282 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Ninh Bình (giảm 1.316 ca), Hải Dương (giảm 248 ca), Bình Định (giảm 217 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 30.321 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.643.024 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.762 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.635.814 ca, trong đó có 2.252.148 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (517.580), Bình Dương (293.356), Hà Nội (183.824), Đồng Nai (100.319), Tây Ninh (88.904).

Về tình hình điều trị, có thêm 5.810 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.254.965 ca. Ngoài ra, có 3.017 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 2.299 ca thở ô xy qua mặt nạ, 331 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 79 ca thở máy không xâm lấn, 292 ca thở máy xâm lấn và 16 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 16-2 đến 17h30 ngày 17-2, nước ta ghi nhận 90 ca tử vong tại: Thành phố Hồ Chí Minh (4), Hà Nội (19), Đà Nẵng (8), Nam Định (7 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (6), Bình Thuận (5), Bình Phước (3 ca trong 2 ngày), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (2), Khánh Hòa (2), Lạng Sơn (2), Ninh Bình (2), Quảng Nam (2), Quảng Ngãi (2 ca trong 2 ngày), Sóc Trăng (2), Bắc Giang (1), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Hà Nam (1), Hậu Giang (1), Phú Yên (1), Quảng Trị (1), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.278 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN). (Hà Nội mới, trang 7).

 

Gần 4.000 F0/ngày, Hà Nội có thay đổi biện pháp chống dịch?

Từ Tết Nguyên đán ra đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng vọt, đỉnh điểm trong 2 ngày gần đây, mỗi ngày có gần 4.000 F0 mới. Có thể số ca nhiễm còn cao hơn nữa vì nhiều F0 không triệu chứng hoặc khỏi bệnh nhanh không báo với y tế địa phương. Hiện nay, Hà Nội có 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi, trong đó có 96% điều trị tại nhà. Với số ca mắc tăng cao như hiện nay, Thủ đô có thay đổi chiến lược chống dịch để tránh quá tải hệ thống y tế hay không?

Trạm y tế nhiều phường, xã quá tải

Nếu như một tuần trước, tại Trạm Y tế lưu động của phường Bưởi, quận Tây Hồ tại 462 Thụy Khuê chỉ xét nghiệm COVID-19 cho khoảng vài chục F1, F0/ngày thì nay lên đến hàng trăm trường hợp. Các cán bộ y tế làm việc xuyên ngày đêm để xét nghiệm, tư vấn cho F0 tại nhà, cũng như lên danh sách để chuyển sang UBND phường ra quyết định cách ly. Theo lãnh đạo UBND phường Bưởi, tại địa phương ghi nhận khá nhiều trẻ em là F0, trong đó có cháu nhỏ chỉ vài tháng tuổi.

Phường Xuân La, quận Tây Hồ có ngày lên tới hơn 100 F0 mới, Trạm Y tế quá tải, nhiều lúc đường dây nóng báo bận liên tục vì quá nhiều người gọi. Tại quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 ca mắc mới, khiến các trạm y tế trên địa bàn liên tục có người điện thoại đến thông báo dương tính, có người còn ra tận nơi để xin thuốc, tư vấn.

Ở nhiều quận, huyện khác của Thủ đô, nhiều F0 sau khi không gọi được y tế  địa phương đã tự lên mạng tìm hiểu và tự mua thuốc điều trị. Một phụ huynh ở quận Đống Đa cho biết: “Thấy con đi học về có biểu hiện sốt, ho, tôi test nhanh cho con thì phát hiện dương tính. Trong lúc chưa gọi được điện cho y tế phường, tôi đã mua theo đơn thuốc trên mạng về điều trị cho con”. Theo phụ huynh này, chị đặt mua thuốc kháng virus của Nga về để cho con gái đang học lớp 8 uống mà không hề hay biết thuống kháng virus chống chỉ định cho trẻ dưới 18 tuổi. Rất may, vị phụ huynh này đã kịp thời hỏi được một chuyên gia tư vấn nên đã ngừng cho con uống thuốc kháng virus này.

Với số ca mắc mới tiếp tục tăng cao ở Thủ đô như hiện nay, nhiều người lo ngại quá tải hệ thống y tế. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng của Thủ đô khoảng 94%, việc bao phủ vaccine cao, trong đó người từ 12 tuổi trở lên tiêm 2 mũi đạt 99,5%, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 55%. Chính vì vậy mà tỷ lệ bệnh nhân nặng phải chuyển tầng chỉ chiếm 0,57%.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 16/2, Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có gần 121.400 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hà Nội gần 4.000 ca phải nhập viện điều trị gồm hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3) và hơn 300 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...,

Quản lý người có nguy cơ cao từ xã, phường

Theo ghi nhận, tuy số ca mắc của Thủ đô tăng cao, song số ca tử vong lại giảm hơn so với thời gian trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống điều trị giám sát tại F0 tại nhà của Hà Nội vận hành tốt; công tác chuyển tầng được thực hiện uyển chuyển, bệnh nhân nặng được chuyển viện kịp thời; sự phối hợp giữa các bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện của Hà Nội thực hiện tốt, dù số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp.

Sở Y tế Hà Nội cho biết số bệnh nhân chuyển tầng được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua. Nhiều ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, thậm chí xuống 11 ca. Các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine COVID-19.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mục tiêu là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần phải có kế hoạch và thay đổi chiến lược chống dịch của Thủ đô, đó là bảo vệ người có nguy cơ cao. Hà Nội đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, phường, xã rà soát, lập danh sách người nguy cơ cao trên địa bàn để tiêm mũi tăng cường; tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn. Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm ngu cơ. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc này rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chuyển tầng.

Chiến lược mới của Thủ đô là dự phòng tốt, tập trung vào quản lý đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền; điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao từ xã, phường để giảm bệnh nặng và tử vong. Để làm điều này, hiện tại nhiều phường, xã của Hà Nội đã rà soát, lập danh sách đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… để quản lý. BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết: Mỗi tuần 1 lần chúng tôi đến khám và test COVID-19 cho người cao tuổi, già yếu trên địa bàn một lần. Nhiều cụ già và phụ nữ có thai chưa tiêm vaccine chúng tôi phải vận động tiêm. Qua thăm khám, những cụ nào mắc bệnh thông thường, hoặc bệnh nền được tư vấn điều trị ngay. 

Được biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi phường có từ 300-500 người cao tuổi đã đưa vào danh sách quản lý, có tổ quản lý sức khỏe để can thiệp kịp thời nếu mắc COVID. Ngoài việc xét nghiệm, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, nhân viên y tế còn phải quản lý theo dõi các đối tượng cao tuổi nên công việc luôn quá tải. Tuy nhiên, không phải địa bàn phường nào cũng làm được việc quản lý sức khỏe người cao tuổi, mà nhiều nơi do quá tải đã không quan tâm được. Có nhiều người cao tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều cũng không được “nhắc nhở” đi tiêm. (Công an nhân dân, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang