Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/10/2017

  • |
T5g.org.vn - BV Đại học Y HN: Cứu sống người Nhật có hoàn cảnh đặc biệt; Kỷ niệm 50 năm thành lập, bệnh viện E nhận Cờ thi đua của Chính phủ; Cứu sống sản phụ bị lộn tử cung sau sinh

BV Đại học Y HN: Cứu sống người Nhật có hoàn cảnh đặc biệt

Mới đây, một bệnh nhân người Nhật Bản bị chảy máu não nghiêm trọng đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cứu sống dù người bệnh không có người thân, không thể chi trả viện phí và ngay cả Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam cũng không thể chịu trách nhiệm.

Cứu người là trên hết

TS.BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngày 20/8/2017, khoa đã tiếp nhận ông N., 69 tuổi, người Nhật Bản được chuyển từ một bệnh viện tư sang trong tình trạng hôn mê, không có người thân hay người bảo lãnh bên cạnh, trong người cũng không có tiền để đóng viện phí. Tuy nhiên, xác định việc cứu người là trên hết nên ngay lập tức, trường hợp của ông đã được lãnh đạo bệnh viện tổ chức hội chẩn toàn viện, chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy có xuất huyết dưới nhện cần phải loại trừ vỡ phình mạch nên bệnh nhân tiếp tục được chụp động mạch vành số hóa xóa nền (DSA) động mạch não. Qua theo dõi thấy khối máu tụ trong não tăng lên, đe dọa tính mạng bệnh nhân nên ông N. đã được đưa lên phòng mổ cấp cứu. Nếu chần chừ, khối máu tụ sẽ ngày càng phình to gây nguy cơ tử vong cao do tụt não. Ca phẫu thuật diễn ra nhiều giờ đã thành công, tính mạng của ông N. được cứu sống. Hiện nay, ông đã được trở về quê hương Nhật Bản an toàn và khỏe mạnh.

Tình người vượt biên giới

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết thêm, mặc dù hoàn cảnh của người bệnh rất đặc biệt nhưng vì tinh thần nhân đạo, đạo đức nghề nghiệp, các bác sĩ ngoài đặt việc cứu người lên hàng đầu và đã thành công thì trong suốt thời gian sau phẫu thuật, người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện cũng được chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ từ việc theo dõi từng chỉ số sinh tồn đến việc dùng thuốc, ăn uống đến các sinh hoạt hàng ngày... do ông không có bất kỳ người thân nào bên cạnh. Các bác sĩ đã vượt qua khó khăn về rào cản ngôn ngữ để chăm sóc, phục vụ người bệnh trong suốt hơn một tháng ông N. nằm viện. Không chỉ dừng lại ở đó, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội còn nhiều lần làm việc và được sự giúp đỡ nhiệt tình của Chính phủ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong việc liên hệ với gia đình người bệnh cũng như tìm cách đưa ông N. về nước. Cuối cùng với nỗ lực của cả hai bên, ngày 1/10, ông N. đã hồi hương dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ Khoa cấp cứu và hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đi cùng. Cũng theo PGS.TS. Hiếu, đây không phải là trường hợp người nước ngoài đầu tiên vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch mà không có nhân thân, người đại diện, không có bảo hiểm hay khả năng chi trả... được cấp cứu, điều trị tận tâm.

Đến nay, cũng nhờ sự quan tâm của Chính phủ và Đại sứ quán Nhật Bản, tiền viện phí lên đến hàng trăm triệu đồng của ông N. đã được thanh toán cho bệnh viện nhưng với ông N. cùng nhiều người bệnh khác cái còn đọng lại mãi chính là tình người không biên giới, là y đức của người bác sĩ với sứ mệnh cứu người luôn được đặt lên hàng đầu dù người bệnh có là ai, có hoàn cảnh như thế nào. Qua trường hợp này, cơ quan chức năng cũng cần xem lại vấn đề về quản lý nhập cảnh với người nước ngoài không có tài chính, không có bảo hiểm hay người bảo lãnh để tránh những phiền hà cho cơ sở y tế khi bản thân họ có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những bệnh lý cấp tính, nguy hiểm và việc điều trị tốn kém, đòi hỏi sự chăm sóc dài ngày. (Hà Nội mới trang 4).

 

Kỷ niệm 50 năm thành lập, bệnh viện E nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Chiều 17-10, Bệnh viện E đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (17-10-1967/17-10-2017) và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Chiều nay 17-10, Bệnh viện E đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (17-10-1967/17-10-2017) và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Bệnh viện E là bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập từ ngày 17-10-1967 theo Quyết định số 175/TTg của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ là điều trị, chăm sóc thương bệnh binh chiến trường miền Nam. Bệnh viện được lựa chọn và xây dựng tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

Giai đoạn 1976-1993, bệnh viện phục vụ cán bộ các cơ quan Trung ương trên địa bàn Hà Nội. Cuối năm 1975, bệnh viện chuyển cơ sở 1 ở xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Tây về cơ sở 2 tại Trường Đại học Tài chính (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), được Bộ Y tế giao thêm nhiệm vụ đặc trách chăm sóc sức khỏe cho chuyên gia nước ngoài và công nhân Việt Nam xây dựng công trình thế kỷ thủy điện Hòa Bình và cầu Thăng Long.

Từ 1994 đến nay, bệnh viện phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh toàn diện cho mọi đối tượng trong và ngoài nước. Trải qua các thế hệ lãnh đạo là các Giáo sư, Phó Giáo sư, chuyên gia đầu ngành y tế như GS Trịnh Kim Ảnh, BS Thái Duy Bích, BS Trần Trí, GS Nguyễn Xuân Huyên, GS Trần Ngọc Ân… bệnh viện đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

GS. TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, hiện Bệnh viện E hiện có quy mô hơn 1.000 giường bệnh, gồm 4 trung tâm: Tim mạch, Tiêu hóa, Cơ xương khớp, Ung bướu; 38 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 11 phòng chức năng…

Với hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn 70% có trình độ sau đại học; hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ, bệnh viện đã đáp ứng điều trị cho những bệnh nhân nặng, phức tạp…

Các bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế về phẫu thuật và can thiệp tim mạch, phẫu thuần thần kinh, sọ não, chấn thương chỉnh hình, nội soi can thiệp tiêu hoá, phẫu thuật và điều trị sản phụ khoa…

Lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện đều tăng lên hàng năm. Trung bình mỗi năm bệnh viện khám và điều trị gần 300.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và hơn 20.000 bệnh nhân nội trú.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận những bước phát triển nổi trội của Bệnh viện trong thời gian qua. Bộ trưởng bày tỏ hết sức ủng hộ Bệnh viện trong việc đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp vơ sở vật chất, trang thiết bị, đưa Bệnh viện E trở thành bệnh viện hạng đặc biệt và là cơ sở thực hành của các trường y, dược trong thời gian tới. (An ninh thủ đô trang 2).

 

Cứu sống sản phụ bị lộn tử cung sau sinh

Ngày 17/10, bác sỹ Lê Kim Bá Liêm, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), cho biết Đội cấp cứu ngoại viện của bệnh viện đã cứu sống thành công một sản phụ bị lộn tử cung sau sinh.

Sau khi sinh thường một bé trai cân nặng 3,8kg tại khoa Sản của Bệnh viện huyện Nhà Bè được khoảng 30 phút, sản phụ Nguyễn Thọ Loan, sinh năm 1990, ngụ huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) rơi vào tình trạng nguy kịch khi xuất huyết ồ ạt do nhau không bong. Sau khi được xử trí bằng cách bóc nhau thủ công không thành công, sản phụ bắt đầu rơi vào trạng thái lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp không đo được. Bệnh viện huyện Nhà Bè ngay lập tức báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Hùng Vương. Sau 3 tiếng đồng hồ xử trí, các bác sỹ mới đưa được sản phụ khỏi tình trạng sốc và đưa tử cung về lại ổ bụng. Nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ, các bác sỹ đã chuyển chị Nguyễn Thọ Loan về Bệnh viện Hùng Vương để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hiện sản phụ đã hồi phục tốt, tỉnh táo, nói chuyện được, tử cung ở vị trí bình thường. (Sài gòn giải phóng trang 7).

 

Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về hộ khẩu

Bộ Y tế có đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.

Chiều 17.10, tại buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin với các phóng viên về một số điểm mới tại Nghị quyết của BCH T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho hay nghị quyết này đã chuyển hướng công tác dân số sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số: quy mô, cơ cấu, phân bổ, nâng cao chất lượng dân số.

“Nghị quyết đưa ra ưu tiên trước mắt duy trì mức sinh thay thế, theo đó tiếp tục vận động giảm sinh ở nơi có mức sinh cao, đồng thời vận động sinh đủ 2 con ở nơi có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế. VN phấn đấu tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi (hiện tại là 73,4 tuổi) vào năm 2030, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Chiều cao người VN 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á”, ông Tân thông tin.

Đáng lưu ý, ông Tân thông báo, Bộ Y tế có đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số. Theo ông Tân, tất cả những gì gây cản trở cho người dân cần phải bỏ, trong đó có quy định về hộ khẩu. (Thanh niên trang 4).

 

Chuyển dần bệnh viện trung ương, bộ, ngành về địa phương quản lý

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã thông qua nội dung cơ bản của Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chiều 17.10, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về Nghị quyết Trung ương về y tế và dân số. 

Khắc phục nhiều yếu kém

Báo cáo tóm tắt một số điểm nhấn mạnh, điểm mới trong Nghị quyết của Ban chấp hành TƯ khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, mặc dù đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận nhưng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa được quan tâm toàn diện. Chất lượng môi trường sống, làm việc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể, văn hóa tinh thần… còn nhiều hạn chế.

Nhiều hành vi, thói quen ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chưa được khắc phục căn bản. Chưa quan tâm đúng mức tới y tế dự phòng, y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên chậm được khắc phục. Lợi thế của y, dược cổ truyền, dược liệu chưa được phát huy tốt...

Nói về các điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp của ngành y tế thời gian tới, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế - cho biết: “Ngoài việc tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ theo 3 tuyến ở cấp độ khác nhau: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Cấp chăm sóc ban đầu cung cấp các dịch vụ ngoại trú, dự phòng, nâng cao sức khỏe (thực hiện ở trạm y tế xã, phòng khám bác sĩ gia đình, phòng khám của bệnh viện, trung tâm y tế huyện). Chăm sóc cấp 2 cung cấp các dịch vụ điều trị nội trú cho các trường hợp cấp tính, mạn tính. Chăm sóc cấp 3 theo chuyên khoa sâu.

Bộ Y tế sẽ chuyển dần một số bệnh viện T.Ư, bệnh viện bộ, ngành về địa phương quản lý (trừ Bệnh viện Công an, Quân đội). Bộ Y tế chỉ giữ lại một số bệnh viện vừa nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gắn với cơ sở thực hành của sinh viên đại học”.

Về giải pháp trong vấn đề quản lý dược và trang thiết bị y tế, đại diện Bộ Y tế cho biết: “Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ củng cố hệ thống phân phối thuốc, không để tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Tăng cường chỉ đạo thực hiện đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc.

Tập trung chấn chỉnh tình trạng bán thuốc phải kê đơn nhưng vẫn được bán không có đơn, không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc...”.

Năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu 4,3 triệu phụ nữ

Theo nội dung Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, hiện mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số...

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình - cho biết: “Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra nghiêm trọng, ở nước ta, năm 2006, tình trạng này xuất hiện rõ ràng, xuất hiện muộn nhưng lại tăng rất nhanh. Hiện nay mất cân bằng lan rộng ra khắp các vùng, 5/6 vùng, trừ vùng Tây Nguyên, Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng là mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất, trên 115 bé trai/100 bé gái. Tổng cục Dân số chúng tôi không thể làm gì được, phải có hệ thống chính trị vào cuộc làm thay đổi toàn bộ hành vi, hệ thống”.

Nguyên nhân của tình trạng này là tâm lý ưa thích con trai, tình trạng lạm dụng các kỹ thuật, công nghệ, công cụ lựa chọn; hạn chế mức sinh cũng làm tăng lên việc lựa chọn giới tính khi sinh. Nếu cứ theo đà này, theo dự báo 2020, Việt Nam thiếu ít nhất là 2,3 triệu và nhiều nhất là 4,3 triệu phụ nữ. Dư thừa đàn ông trong độ tuổi này sẽ không lấy vợ được. (Lao động trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang