Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống nạn nhân chấn thương sọ não nhờ báo động đỏ; Ăn gỏi lợn và uống nước giếng, 16 người bị ngộ độc; Năm 2017 sẽ tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu; Phòng, chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người; Vinh danh 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2016; ...

 

Năm 2017 sẽ tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu

Ngày 17-2, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phối hợp Ban chỉ đạo chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo tổ chức hội nghị tổng kết phong trào hiến máu tình nguyện và chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo năm 2016.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, năm 2016, toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu (tăng 4% so với năm 2015), trong đó, hơn 97% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện. Lượt máu tiếp nhận được đã góp phần cứu chữa cho hàng triệu lượt người bệnh cần truyền máu và cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị; không để xảy ra tình trạng thiếu máu trầm trọng, nhất là trong dịp Tết, Hè năm 2016.

Với sự nỗ lực và kết quả đạt được, ban chỉ đạo các cấp đã tôn vinh, khen thưởng gần 48 nghìn cá nhân, tập thể và gia đình có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện.

Năm 2017, kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phấn đấu vận động và tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu.

Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo, năm 2016, chương trình được triển khai từ ngày 1-1 đến 31-12, tập trung cao điểm từ 15-10 đến 15-11 với mục tiêu khám, chữa bệnh, tư vấn miễn phí cho ít nhất một triệu lượt người trên phạm vi toàn quốc.

Kết quả, chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo năm 2016 đã tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1,6 triệu lượt người; tư vấn sức khỏe cho 900.462 người; vận động trao tặng 1,7 triệu suất quà; tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho 78.116 người.

Kế hoạch của chương trình nói trên trong năm 2017 là tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn miễn phí cho ít nhất một triệu lượt người. Tháng cao điểm được triển khai từ ngày 15-5 đến 15-6, tập trung vào các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người cao tuổi… (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 7: “Dự kiến tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu năm 2017”

 

Phòng, chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người

Ngày 17-2, Bộ Y tế có công điện đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, nhất là tại các chợ đầu mối. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người.

Đối với lực lượng y tế, tại các địa phương có cửa khẩu tổ chức giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi, đến vùng có dịch về các biện pháp phòng, chống. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pa-xtơ để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng, chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan sang người. Vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi, đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng dẫn đến chết người. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “Khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm”

 

Báo động tình trạng ngộ độc rượu

Chỉ trong thời gian ngắn, từ dịp Tết Dương lịch đến nay đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu có chứa methanol. Nghiêm trọng nhất và mới nhất là vụ ngộ độc xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, với tổng số hơn 50 người bị ảnh hưởng, trong đó tám người chết. Các vụ ngộ độc đã gióng lên hồi chuông báo động về những nguy hại của lạm dụng rượu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), rượu chứa methanol thường do người sản xuất pha cồn công nghiệp methanol để tăng độ mạnh, độ “phê” cho rượu. Ngoài ra cũng có một số ca ngộ độc methanol trong rượu tự nấu. Các bác sĩ cho biết, biểu hiện say rượu thông thường (rượu, bia chứa ethanol) với ngộ độc rượu chứa methanol là khá giống nhau, cho nên rất khó phân biệt khi mới uống. Tuy nhiên, ethanol cũng là chất có thể gây độc hại cho con người. Ethanol ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơ-ron thần kinh. Vì thế nếu uống nhiều rượu sẽ dẫn đến say, nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol, một chất cồn công nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất, để hạ giá thành sản phẩm đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán cho người tiêu dùng. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ mua phải rượu có lẫn methanol, uống nhiều có thể gây chết người.

Nếu không chết vì methanol thì các “bợm rượu” vẫn có nguy cơ cao chết vì các bệnh khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 30 bệnh và gián tiếp gây ra 200 bệnh tật, chấn thương. Các bệnh thường có nguyên nhân từ bia, rượu như bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư; xơ gan, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần, trầm cảm… Tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa…

Bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% là methanol. Ngoài ra có thể bị mù, ngộ độc dẫn tới chết nếu uống và đưa khoảng 30 ml dung dịch 40% là methanol vào cơ thể. Khi uống rượu methanol, trước khi gây độc thành phần methanol trong rượu sẽ được chuyển hóa thành phoóc-man-đê-hít và sau đó được ô-xy hóa thành a-xit phoóc-mic. Nồng độ a-xit phoóc-mic trong máu cao sẽ gây ức chế dẫn tới thiếu ô-xy tế bào. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt làm mắt bị mù. Nặng hơn methanol sẽ gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp nguy hiểm tới tính mạng. Đáng lo ngại, ngộ độc methanol là một dạng ngộ độc rất nguy hiểm, dễ dẫn đến chết người nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống rượu nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu đã uống. Thông thường diễn biến tình trạng ngộ độc thường có hai giai đoạn. Giai đoạn kín đáo thường diễn ra vài giờ đến 30 giờ đầu sau khi uống rượu, lúc này những biểu hiện ngộ độc thường không rõ ràng, khó phát hiện, nên thường bị bỏ qua. Giai đoạn sau mới là giai đoạn nguy hiểm với những biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, có cảm giác bồn chồn khó chịu. Một số người thì hưng cảm quá đà, một số người khác lại ngủ lịm, nặng hơn là tình trạng hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết, tụt não và dẫn tới chết người.

Theo TS Lâm Quốc Hùng (Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế), để bảo đảm chất lượng, an toàn rượu và không lạm dụng rượu trong tiêu dùng, cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý, tuyên truyền vận động nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu. Các biện pháp chủ yếu cần được triển khai hiệu quả đó là: Rà soát để hoàn chỉnh hệ thống văn bản quản lý khoa học, phù hợp và hiệu quả (Luật, Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật); thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đối tượng trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu; tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu; nghiên cứu và triển khai các mô hình phòng tránh lạm dụng rượu trong cộng đồng...

Vì lợi ích của cộng đồng, sức khỏe và tính mạng của người dân, “chìa khóa” để kiểm soát an toàn rượu, phòng tránh lạm dụng rượu là cần nêu cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu; thực hiện tự giác, nghiêm túc các quy định của pháp luật và nói không với lạm dụng rượu. (Nhân dân, trang 8)

 

Thêm bốn người ở Lai Châu ngộ độc rượu phải cấp cứu

Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bốn ca cấp cứu vì uống rượu, trong đó, có hai trường hợp nặng phải chạy thận, lọc máu và thở máy. Ông Chang A Hờ, 60 tuổi, ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, uống rượu ở đám ma có biểu hiện ngộ độc, hiện rất nguy kịch. Ba nạn nhân còn lại uống rượu tại lán nương, không liên quan đến vụ ngộ độc tại đám ma nhưng rượu mà các nạn nhân uống có cùng nguồn cung cấp. Bảy người khác cùng uống rượu với ba nạn nhân nêu trên đã được triệu tập đến để kiểm tra, theo dõi y tế.

UBND tỉnh Lai Châu cho biết, đến thời điểm hiện tại số nạn nhân của vụ ngộ độc tại đám ma là 50 người. Ngoài trường hợp của ông Chang A Hờ, còn nguy kịch, còn lại, các nạn nhân được nhập viện trước đó sức khỏe tương đối ổn định và đang được điều trị phục hồi chức năng tại các chuyên khoa.

Các cơ quan chức năng tiếp tục bám sát địa bàn, thực hiện kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động và thông báo khẩn cấp cho người dân nơi xảy ra vụ việc và các vùng lân cận, hạn chế ra khỏi địa phương để thuận lợi cho việc theo dõi diễn biến vụ việc. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang4: “Thêm 4 người ngộ độc rượu phải cấp cứu tại Lai Châu”

 

Vinh danh 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2016

Chiều 17/2, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc năm 2016 cho 10 gương mặt xuất sắc được lựa chọn từ các đề cử của các cơ sở y tế trong toàn quốc, ngành Công an, Quân đội và cơ quan báo chí.

Tham dự chương trình có anh Nguyễn Phi Long – Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện huyết học – Truyền máu T.Ư.

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Trần Văn Thuấn cho biết: Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc là giải thưởng thường niên được tổ chức từ năm 2008 đến nay, nhằm tôn vinh, biểu dương thành tích của các thầy thuốc trẻ tiêu biểu trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; nghiên cứu khoa học; tình nguyện vì sức khoẻ cộng đồng.

Từ đó, nhân rộng những tấm gương thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển các hội, câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ cấp tỉnh và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; góp phần chuyển biến công tác đoàn kết, tập hợp lực lượng thầy thuốc trẻ.

Anh Trần Văn Thuấn nêu rõ: 10 Thầy thuốc trẻ được tuyên dương là những gương mặt được Hội đồng các cấp xét chọn từ hàng trăm đề cử từ các cơ sở y tế của cả nước, ngành Công an, Quân đội và các cơ quan báo chí.

Tuy tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng các thầy thuốc trẻ đã sớm khẳng định được tài năng, có nhiều cống hiến cho khoa học, giảng dạy, khám chữa bệnh.

Đó là những Thầy thuốc trẻ đã có nhiều cống hiến đạt nhiều giải thưởng khoa học trong nước và quốc tế, là 1 trong 20 nhà khoa học trẻ tiêu biểu thế giới của Liên Viện hàn lâm khoa học, là 1 trong những Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2016.

Đó là những Thầy thuốc trẻ có nhiều cống hiến trong việc học tập, áp dụng thành công những kỹ thuật tiên tiến cho tuyến y tế cơ sở. Đó là những Thầy thuốc trẻ có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện, vì sức khỏe cộng đồng…

Tại lễ trao giải, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long và Chủ tịch T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã trao khen thưởng cho các gương mặt xuất sắc đạt giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu. (Tiền phong, trang 14)

Cùng chủ đê Báo Nhân dân trang 3: “Tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016”; Báo Thanh niên trang 2: “Tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ VN tiêu biểu”; An ninh Thủ đô trang 2: “Vinh danh 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu toàn quốc”

 

Việt Nam đã có ngân hàng sữa mẹ

Sáng nay 17.2, Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam đã được khai trương tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức phi chính phủ PATH, FHI 360.

Ngân hàng sữa mẹ được đặt tại tầng 2 khu vực trung tâm của Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Tại đây, những bà mẹ trẻ sau khi được tư vấn kích sữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ được khuyến khích tự nguyện góp sữa cho ngân hàng sữa mẹ. Số sữa này sẽ ưu tiên chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ có nguy cơ cao như sinh nhẹ cân, thiếu tháng, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi mẹ sau khi chào đời tại bệnh viện.

Các bà mẹ đều phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt trong suốt quá trình hiến tặng sữa, từ khám sàng lọc các loại bệnh đến kỹ năng vệ sinh đầu vú mẹ, vệ sinh bình sữa, máy hút sữa.

Sữa được hiến tặng cũng trải qua các quy trình sàng lọc, xét nghiệm trước và sau thanh trùng, các quy trình trữ đông (-24 độ) và rã đông tự nhiên, điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn quốc tế cho đến khi trẻ được thụ hưởng.

TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng, cho biết mỗi năm, tại bệnh viện có từ 13.000-15.000 trẻ chào đời và gần 30% trong số đó là trẻ thuộc nhóm có nguy cơ cao. “Vì vậy, kỳ vọng Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên này sẽ góp phần hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng và điều trị bệnh cho khoảng 3.000-4.000 trẻ mỗi năm, mang lại cơ hội cho các bé”, bác sĩ Hoàng cho biết

Ngân hàng sữa mẹ thí điểm đầu tiên của Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ là cơ sở để Bộ Y tế xem xét nhân rộng mô hình trên cả nước. “Nuôi con bằng sữa mẹ là biện pháp quan trọng giúp tăng cường sự sống còn và sức khỏe của trẻ. Chúng tôi hy vọng các cháu sẽ được tiếp cận với sữa mẹ an toàn, bất kể trẻ được sinh ra trong hoàn cảnh nào”, bác sĩ Trần Văn Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), khẳng định.

“Hơn 500 ngân hàng sữa mẹ trên toàn thế giới đang bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh tật và tử vong. Và từ hôm nay, trẻ em Việt Nam cũng được hưởng những giọt vàng hạnh phúc này, việc làm này cũng đồng thời lan tỏa tinh thần nuôi con bằng sữa mẹ đến với tất cả các bà mẹ Việt”, Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ ở khu vực Đông Nam Á, vui mừng cho biết. (Thanh niên, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 2: “Khai trương Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 7: “Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam”; Báo Gia đình & Xã hội trang 6: “Ra mắt ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam”.

 

Nguy cơ cúm gia cầm H7N9 xâm nhập Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành quan tâm và chỉ đạo khẩn trương các hoạt động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm H7N9 xâm nhập.

Ngày 17.2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số trường hợp mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%).

Trong 2 tháng đầu năm nay đã ghi nhận hơn 340 trường hợp mắc, tạo thành đợt dịch thứ 5 kể từ năm 2013. Từ tháng 3.2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc, hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm, hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh; hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người. Trong đó, tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta cũng ghi nhận các ca mắc.

Ngoài ra, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1.2017 đã xảy ra một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Svayrieng (Campuchia) - tỉnh có chung đường biên giới với nước ta. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng các dịch bệnh trên xâm nhập vào VN.

Trước nguy cơ trên, chiều 17.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thành quan tâm và chỉ đạo khẩn trương các hoạt động ngăn ngừa dịch cúm gia cầm H7N9 xâm nhập.

Theo đó, tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối... (Thanh niên, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 7: “Nguy cơ cao cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam”; Báo Hà Nội mới trang 7: “Cánh giác nguy cơ xâm nhập của vi rút cúm A(H7N9)”

 

Cục Cảnh sát giao thông tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo

Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an TP Hà Nội; Trung đoàn E31, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và Bệnh viện 198 Bộ Công an tổ chức Chương trình hiến máu nhân đạo năm 2017.

Ngày 17-2, Cục Cảnh sát giao thông(CSGT) chủ trì phối hợp với Phòng CSGT đường bộ, đường sắt; phòng CSGT đường thuỷ Công an TP Hà Nội; Trung đoàn E31, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động và Bệnh viện 198 Bộ Công an tổ chức Chương trình hiến máu nhân đạo năm 2017 nhằm hưởng ứng Chương trình Quốc gia  hiến máu nhân đạo; “Giọt  máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu” do Bộ Công an phát động và chào mừng 71 năm Ngày truyền thống lực lượng CSGT 21/2/1946-21/2/2017.

Phát  biểu tại Chương trình, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, đây là hoạt động tình nguyện có ý nghĩa đặc biệt, cứu giúp người bệnh bằng chính giọt máu được hiến tặng, nhất là khi các bệnh viện nói chung, bệnh viện của lực lượng CAND đang rất cần nguồn máu để giúp người bệnh có cơ hội vượt qua hiểm nghèo.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà kêu gọi toàn thể CBCS, đoàn viên, thanh niên, hội viên tích cực tham gia hiến máu nhân đạo hỗ trợ các bệnh viện trong và ngoài ngành Công an chủ động nguồn máu, kịp thời phục vụ cho việc cấp cứu và chữa bệnh cho đồng đội và nhân dân, mang lại cuộc sống, hi vọng cho người bệnh.

Kết quả, đã thu được gần 200 đơn vị máu. Các chiến sĩ tham gia hiến máu nhân đạo được khám sức khoẻ, được xét nghiệm  máu miễn phí, được cấp thẻ hiến máu nhân đạo đồng thời được truyền máu miễn phí khi gặp trường hợp rủi ro cần truyền máu. (Công an Nhân dân, trang 3)

 

Bệnh viện công đầu tiên ở miền Bắc sẽ khám bệnh tại nhà

Tình hình quá tải tại nhiều bệnh viện khiến người dân rất mệt mỏi vì phải chờ đợi mỗi khi đi khám, chữa bệnh. Nhưng tới đây, những người ngại phải đợi chờ sẽ được lựa chọn phục vụ một dịch vụ rất mới của Bệnh viện E từ tháng 3 này. Đó  là mô hình tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám bệnh và lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Với dịch vụ này, Bệnh viện E sẽ trở thành cơ sở y tế công lập đầu tiên ở khu vực phía Bắc triển khai mô hình này, với mong muốn đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện. Đây là khẳng định của GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E vào chiều 16-2.

Dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám bệnh và lấy mẫu xét nghiệm tại nhà đặc biệt phù hợp với những người bệnh không có điều kiện đến bệnh viện, người già và trẻ nhỏ - khi sẽ không mất thời gian chờ đợi mệt mỏi, áp lực từ bệnh viện nữa. Với dịch vụ này, chúng tôi hy vọng sẽ làm ngành bệnh hài lòng" - GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết

Việc Bệnh viện mạnh dạn tổ chức mô hình mới này xuất phát từ thời gian qua đã nhận được nhiều yêu cầu phục vụ dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến và khám bệnh tại nhà. Hơn nữa, dịch vụ đã được các cơ sở y tế tư nhân triển khai hiệu quả.

Hiện, Bệnh viện đã tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, chuẩn bị cơ sở vật chất, và các yêu cầu cần thiết để tổ chức việc khám và làm xét nghiệm tại nhà, vận chuyển bệnh nhân sao cho nhanh và đảm bảo hiệu quả nhất. Việc ứng xử, phương pháp làm việc và cách tiếp cận người bệnh của cán bộ y tế thực hiện dịch vụ này được Bệnh viện đặc biệt coi trọng.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, website của Bệnh viện đang trong quá trình thay đổi nên mọi yêu cầu của người dân với dịch vụ này sẽ được tiếp nhận qua tổng đài của Bệnh viện. Bệnh viện cũng sẽ thông tin rộng rãi với người dân trên facebook, fanpage cho người dân biết để có thể sử dụng dịch vụ này. Chắc chắn, với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị, người dân sẽ được hưởng một dịch vụ mới và đầu tiên của bệnh viện công.

Trước câu hỏi thách thức và áp lực khi là bệnh viện công đầu tiên ở khu vực phía Bắc triển khai dịch vụ này, GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết, dù biết là sẽ có những thách thức, nhưng đã đến lúc phải nghĩ tới việc thay đổi thái độ, tác phong phục vụ của ngành y tế. Bệnh viện công không chỉ là nơi quen chờ bệnh nhân đến khám bệnh nữa, mà phải chủ động hơn trong việc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Cứu sống nạn nhân chấn thương sọ não nhờ báo động đỏ

Chiều 17-2, Trạm Cấp Cứu 115 Bệnh Viện Đa Khoa Xuyên Á (BVXA) cho biết, đã cứu sống thành công một trường hợp bị tai nạn giao thông nghiêm trọng bằng việc triển khai báo động đỏ ngay từ hiện trường.

Trước đó, trong khi chạy xe máy trên đường Hương Lộ 2, đoạn qua xã Phước Vĩnh An (huyện Củ Chi, TPHCM), anh T.C. (32 tuổi) va chạm với xe tải và bị chấn thương nghiêm trọng trong tình trạng hôn mê, máu chảy đầm đìa trên khuôn mặt, mặt phải bị sưng húp biến dạng, bụng bầm tím sưng to, cả người xây xát, máu chảy rỉ rả ở tay trái và chân trái ...

Nhận được tin báo từ Trung Tâm 115, lực lượng Cấp Cứu 115 BVXA lập tức đến hiện trường và xử lý cấp cứu. Đánh giá tình trạng bệnh nhân sốc đa chấn thương và mất máu rất nặng, cần được xử lý khẩn cấp, đội Cấp Cứu 115 BVXA đã gọi điện khởi động quy trình báo động đỏ ngay từ trên xe cấp cứu. Vừa đến BVXA, Bệnh nhân được khẩn trương thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Qua kết quả ảnh chụp CT 160 lát dựng 3D sọ não và bụng, bệnh nhân được xác định bị xuất huyết ngoài màng cứng vùng trán, gãy gò má 2 bên, vỡ sọ trán và hốc mắt phải. Không chỉ vậy, bệnh nhân còn bị vỡ thành bụng, thoát vị ruột dưới da, dập gan, xuất huyết trong bụng và gãy hở xương bánh chè trái.

Ngay lập tức, 5 chuyên khoa (khoa Cấp Cứu, khoa Ngoại Tổng Quát, khoa Ngoại Thần Kinh, khoa Ngoại Cơ Xương Khớp và khoa Răng Hàm Mặt) được huy động để hội chẩn và tư vấn thân nhân, nhằm phẫu thuật khẩn cấp cứu sống bệnh nhân. Trong vòng chưa đến 25 phút, bệnh nhân đã được chuyển đến phòng phẫu thuật.

Để tiến hành thành công ca phẫu thuật phức tạp kéo dài 4 tiếng đồng hồ này, ekip các bác sĩ Gây Mê Hồi Sức, Ngoại Cơ Xương Khớp, Ngoại Tổng Quát và Ngoại Thần Kinh đã hết sức tập trung và phối hợp với nhau chặt chẽ. Trong quá trình phẫu thuật và hồi sức, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu và 2 đơn vị huyết tương. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và hồi phục tốt. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Ăn gỏi lợn và uống nước giếng, 16 người bị ngộ độc

Ngày 17/2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết nguyên nhân khiến 16 người ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) bị ngộ độc thực phẩm là do vi khuẩn E.coli có trong gỏi lợn và nước giếng mà người dân đã ăn, uống phả.

Trước đó, ngày 7/2, Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tiếp nhận 16 bệnh nhân tại buôn NaoA, xã Ea Tul, thành phố Buôn Ma Thuột, có triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, nôn ói. Các bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc thực phẩm sau khi cùng ăn gỏi lợn, uống nước giếng.

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho thấy vi khuẩn E.coli có trong nước giếng mà các bệnh nhân uống cao gấp 120 lần bình thường; có trong gỏi lợn là 230.000 vi khuẩn/g thịt (bình thường không có). Đây là nguyên nhân chính khiến các bệnh nhân bị ngộ độc.

Sở Y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi và lựa chọn, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh... (Nông thôn Ngày nay, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang