Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Lạm dụng thuốc đang diễn ra phổ biến; Trà Vinh: Bệnh tay chân miệng tăng hơn 8 lần; Số ca mắc mới sốt xuất huyết giảm chậm; Những quan điểm mới về công tác y tế, dân số; Cứu sống sản phụ xuất huyết nguy kịch nhờ báo động đỏ; ...

 

Số ca mắc mới sốt xuất huyết giảm chậm

Ngày 18-10, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với đại diện lãnh đạo UBND quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tuần thứ 41 năm 2017 (từ ngày 9 đến ngày 15-10).

Báo cáo về tình hình sốt xuất huyết và công tác phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố cho biết, trong tuần 41, Hà Nội ghi nhận 1.021 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 47 trường hợp so với tuần 40. Có 19/30 quận, huyện có số mắc giảm; 2/30 quận, huyện vẫn giữ nguyên số mắc bệnh. Đáng chú ý, có 9/30 quận, huyện có số mắc tăng, gồm Tây Hồ, Hà Đông, Cầu Giấy, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng.

Tính từ ngày 1-1-2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 33.861 trường hợp mắc bệnh, 7 trường hợp tử vong, tỷ lệ bệnh nhân đã khỏi bệnh chiếm 97,5%, số còn lại đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế là 4.765, chiếm tỷ lệ 95,3%.

Báo cáo từ các đơn vị cho thấy mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 9 tuần gần đây nhưng nguy cơ dịch gia tăng trở lại chưa thể loại trừ vì thời tiết có nhiều điều kiện cho muỗi phát triển. Ngoài ra, theo ghi nhận hằng năm, số ca mắc sốt xuất huyết thường cao vào thời điểm tháng 10 và đầu tháng 11.

Ở tuần 41, quận Tây Hồ là đơn vị có số mắc tăng nhiều nhất trong 9 đơn vị (tăng 14 trường hợp). Đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện tại toàn quận có 19 ca mắc bệnh, 5 ổ dịch, trong đó có một ổ dịch mới được phát hiện tại phường Bưởi. Một trong những nguyên nhân chính là do thời tiết mưa nhiều, ngoài ra còn do công tác kiểm tra chưa sát sao dẫn đến để sót ổ dịch.

Huyện Thanh Trì cũng nằm trong số các đơn vị có số ca mắc tăng nhiều trong tuần 41. Trên địa bàn huyện hiện có 23 ổ dịch, 2.303 ca mắc bệnh. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, huyện đã có kế hoạch phun thuốc trên diện rộng nhưng vì những ngày qua thời tiết mưa nhiều nên phải lùi lại.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhận định trong tuần 41, các đơn vị đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, số ca mắc mới giảm nhưng còn chậm; số ổ dịch vẫn chưa giảm, đáng chú ý là còn tới 9 đơn vị có số ca mắc tăng; còn hơn 20% số hộ gia đình còn để sót ổ bọ gậy. Ngoài khó khăn do thời tiết mưa nhiều, những con số này cho thấy việc phòng, chống dịch chưa được làm triệt để.

Đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải nêu cao tinh thần quyết liệt, không chủ quan với bệnh dịch. Thời gian tới, các đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình để mọi người dân không chủ quan và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung diệt bọ gậy, trong đó lưu ý đến các hộ gia đình và cơ quan; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn để kịp thời có giải pháp ứng phó.

Đồng chí Ngô Văn Quý giao Sở Y tế tổ chức đánh giá tình hình diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua, trong đó cần phân tích cụ thể nguyên nhân, hệ thống lại các biện pháp đã triển khai, đánh giá hiệu quả để rút kinh nghiệm cho việc triển khai vào năm 2018, kiên quyết không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố.  (Hà Nội mới, trang 1)

 

Trà Vinh: Bệnh tay chân miệng tăng hơn 8 lần

Ngày 18/10, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, riêng trong tháng 10/2017 toàn tỉnh đã có trên 403 ca mắc bệnh tay chân miệng và từ đầu năm đến nay số ca mắc 1.664 ca (không có tử vong), tăng gấp 8,4 lần so với cùng kỳ năm 2016 (194 ca). Các địa phương có dịch bệnh tăng cao như huyện Châu Thành 330 ca, Càng Long 302 ca và Trà Cú 196 ca…

Hiện nay Sở Y tế tỉnh Trà Vinh phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức giám sát các ổ dịch; khuyến cáo giáo viên các trường mầm non, nhà trẻ cũng như người dân có con dưới 6 tuổi chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng để xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.

Đồng thời tuyên truyền phòng, chống bệnh tay chân miệng, cấp phát 15.000 tờ rơi cho các địa phương tổ chức truyền thông tại các huyện, thị xã và thành phố Trà Vinh. (Tiền phong, trang 2)

 

Những quan điểm mới về công tác y tế, dân số

Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng…; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; duy trì mức sinh thay thế vững chắc… là những quan điểm mới được nhấn mạnh trong hai dự thảo Nghị quyết Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chia sẻ với báo chí chiều 17/10, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, một quan điểm mới trong Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được Trung ương Đảng nhấn mạnh là: Cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện (gắn kết giữa y tế cộng đồng và y tế chuyên sâu, y học cổ truyền và y học hiện đại, phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế), trong đó trọng tâm là “Phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”. Từ đó ưu tiên tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Cụ thể, giai đoạn đến 2030, tập trung cao cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Cơ bản ngân sách nhà nước không tiếp tục đầu tư xây dựng mới các bệnh viện công (trừ các bệnh viện tuyến huyện ở vùng khó khăn, các bệnh viện lao, phong, tâm thần, các bệnh viện đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020). Các địa phương có nhu cầu tăng cơ sở, giường bệnh (do biến động dân số về cơ học) phải tự cân đối, sử dụng ngân sách địa phương.

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết còn nhấn mạnh: Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, khẳng định bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Theo ông Nguyễn Nam Liên, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân được thể hiện trên 3 mặt, gồm: Bao phủ toàn bộ dân số (mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe); bao phủ cung ứng dịch vụ y tế cơ bản, toàn diện (bao gồm các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng cả về nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ); Bảo vệ tài chính (người sử dụng dịch vụ y tế, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng thiệt thòi, không bị nghèo hóa hay chi phí quá lớn thông qua các cơ chế chi trả trước như nguồn thu từ thuế, BHYT…).

Chia sẻ về những quan điểm mới trong dự thảo Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, lần đầu tiên trong suốt 25 năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định nếu duy trì chính sách giảm sinh quá lâu sẽ để lại những hệ lụy rất khó giải quyết. Do đó, chính sách dân số được chuyển hướng trọng tâm từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển, giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng không đặt vấn đề tiếp tục giảm sinh mà trước mắt duy trì mức sinh thay thế vững chắc. Theo đó, vận động giảm sinh ở nơi mức sinh cao, sinh đủ hai con ở nơi mức sinh thấp. Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, từ năm 1993, về mặt luật pháp, Việt Nam không có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định xử phạt những người dân sinh con thứ ba trở lên, trừ nhóm đối tượng là đảng viên. Nhà nước không có quy định khống chế/cho phép người dân được sinh bao nhiêu con.Tuy nhiên, Việt Nam có chính sách vận động. Mỗi người dân Việt đều quen thuộc với khẩu hiệu: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con” hay “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”.

Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cũng thông tin, hiện nay có một số địa phương (7 tỉnh) có những quy định liên quan đến xử lý vi phạm đối với người sinh con thứ ba trở lên. Hiện Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Bộ Tư pháp làm việc trực tiếp với từng địa phương để rà soát, sửa đổi các nội dung không phù hợp với quy định hiện hành. Trước mắt, Bộ Tư pháp và các tỉnh đồng thuận với cách làm này, theo quan điểm là cùng bàn để tháo dần các vướng mắc và không tiến hành đột ngột.

Ông Nguyễn Văn Tân cũng cho biết, ở một số địa phương có xây dựng những quy ước, hương ước như những gia đình sinh con thứ ba trở lên không được công nhận là “gia đình văn hóa”, hoặc nơi nào có trường hợp sinh con thứ ba sẽ không được công nhận là “làng văn hóa”, “xóm văn hóa”. Những quy ước, hương ước này là do cộng đồng nơi đó thỏa thuận và cùng nhau xây dựng nên - đây cũng là phong tục, là truyền thống của người Việt Nam từ xưa đến nay.

Mặt khác, thực tế mức sinh của nước ta khi mới điều chỉnh một chút là có dấu hiệu tăng lên. “Chúng ta điều chỉnh hai yếu tố. Thứ nhất là quy định về Đảng viên; thay đổi nữa là trước năm 2010, chúng ta gần như bao cấp, miễn phí biện pháp tránh thai, KHHGĐ cho tất cả người dân, sau đó giảm dần phạm vi miễn phí, tăng tỷ trọng người dân tự chi trả cho phương tiện tránh thai và KHHGĐ. Lúc này mức sinh có tăng lên. Năm 2011, bình quân mỗi phụ nữ là 1,99 con, nay là 2,1 con”, ông Nguyễn Văn Tân cho hay. Việc tăng này là ở các khu vực có học vấn cao hơn, ở nơi có mức sống khá hơn, tăng ở hầu hết là ở các khu vực miền Bắc, còn ở miền Nam thì không tăng lên, thậm chí có tỉnh còn giảm đi.

Dự thảo Nghị quyết mới của Trung ương Đảng về dân số cũng đặt vấn đề giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh là dưới 109 bé trai/100 bé gái (hiện nay 112-113 bé trai/100 bé gái). Ông Nguyễn Văn Tân cho biết, mục tiêu này đã được tính toán, nghiên cứu rất kỹ và hoàn toàn khả thi. Đó là bởi, sau khi Nghị quyết được ban hành, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngoài ra, với chính sách không tiếp tục mục tiêu giảm sinh; khắc phục “quy luật dừng” trong dân số; rà soát từng bước với đối tượng đảng viên, các giải pháp về kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh cho người cao tuổi… sẽ là động lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã ở mức trầm trọng, lan rộng từ thành thị như trước đây ra tất cả mọi nơi như hiện nay. Năm trong sáu vùng kinh tế địa lý (trừ Tây Nguyên) trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vùng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất là Đồng bằng sông Hồng. Tại vùng này, tỷ số giới tính khi sinh ở mức trên 115 bé trai/100 bé gái. Một số tỉnh thành thậm chí lên tới 120-122/100 như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định... (Gia đinh & Xã hội, trang 6)

 

Cho trưởng khoa nghỉ việc, đình chỉ công tác 3 nữ hộ sinh

Chiều ngày 18-10, ông Trần Văn Thích, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng xác nhận, đã đình chỉ công tác 3 nữ hộ sinh, gồm chị Nguyễn Thị Trúc Mai, Đinh Thị Loan và Trần Thị Thuyết; đồng thời Ban Giám đốc của bệnh viện cũng đã chấp nhận cho ông Nguyễn Công Thìn, Trưởng khoa sản nghỉ việc theo nguyện vọng vì lý do sức khỏe.

Liên quan đến cái chết của con chị Nguyễn Thị Hải (33 tuổi), ngụ tại huyện Đức Trọng vào ngày 14-10 tại khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, ông Trần Văn Thích cho biết thêm, vào thời điểm sản phụ vỡ ối sinh con, người nhà vào thông báo sự việc thì các nữ hộ sinh vẫn ngủ, khoảng 7 phút sau mới đưa sản phụ vào phòng sinh. Hơn 20 phút sau, cháu bé được sinh ra nhưng đã tử vong trước đó.

Cũng theo bác sĩ Thích, nguyên nhân thai nhi tử vong là do “sa dây rốn bên ngôi”. Đây là trường hợp rất hiếm, trên thế giới 300 ca sinh thì chỉ 1 ca mắc trường hợp này nên rất khó tiên lượng.

Chiều ngày 17-10, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã gặp gia đình sản phụ Nguyễn Thị Hải để thông báo nguyên nhân ban đầu gây tử vong cho thai nhi trước khi sinh. Ban giám đốc bệnh viện cũng đã xin lỗi gia đình về những sai sót của kíp trực.

Trước đó, như Báo CAND đã thông tin, ngày 13-10, chị Nguyễn Thị Hải được gia đình đưa tới Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để sinh con lần hai. Tại đây, các bác sĩ khám và xác định tiền sử sản phụ khỏe mạnh, tiên lượng bình thường nên cho sinh tự nhiên. Khoảng 3h sáng ngày 14-10, chị Hải vỡ ối, có dấu hiệu sinh con thì người nhà đề nghị kíp trực đưa sản phụ vào phòng sinh nhưng lúc này một số hộ sinh vẫn ngủ, khẳng định “không sao”. Gia đình sản phụ cho rằng sự nhũng nhiễu, chậm chễ của kíp trực là nguyên nhân dẫn đến thai nhi tử vong trước khi được sinh ra. (Công an Nhân dân, trang 2)

 

Cứu sống sản phụ xuất huyết nguy kịch nhờ báo động đỏ

Ngày 17-10, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa qua quy trình báo động đỏ tiếp tục ghi điểm khi cứu thành công một sản phụ bị xuất huyết nhờ sự phối hợp và ứng cứu kịp thời của y bác sĩ BV Hùng Vương khi tiếp nhận tín hiệu báo động đỏ từ BV huyện Nhà Bè.

Cụ thể, sau khi sinh thường một bé trai cân nặng 3.800 g tại khoa Sản BV huyện Nhà Bè, 30 phút sau sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch, xuất huyết ồ ạt do nhau không bong sau khi được bóc nhau. Ngay lập tức các bác sĩ đã cố gắng hồi sức tích cực đồng thời báo động đỏ đến BV Hùng Vương.

Nhận được tín hiệu báo động đỏ, êkíp trực đã xuất phát ngay sau năm phút, mang theo đầy đủ dụng cụ cấp cứu chuyên khoa và cả lượng máu cần thiết. Đường đi từ BV Hùng Vương đến BV huyện Nhà Bè khá xa, lại bắt đầu giờ cao điểm nhưng chỉ đúng 15 phút sau, các bác sĩ BV Hùng Vương đã có mặt ngay tại khoa Sản, thiết lập ba đường truyền tĩnh mạch, bơm máu, bơm dịch hồi sức, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn và chuyển phòng mổ.

Sau hơn ba giờ can thiệp cấp cứu hồi sức khẩn cấp, bệnh nhân ổn định trở lại, không còn xuất huyết, không còn trong tình trạng sốc, được chuyển về BV Hùng Vương điều trị tiếp. Đến sáng 17-10, bệnh nhân đã hồi phục tốt, tỉnh táo.

Trước đó, quy trình báo động đỏ đã cứu sống khá nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, cụ thể như một sản phụ bị thuyên tắc ối trong tình trạng nguy kịch đã được BV Nhân dân Gia Định kích hoạt báo động đỏ nội viện cứu sống. (Pháp luât TP.HCM, trang 13)

 

Chưa thống nhất mô hình điều trị bệnh nhân HIV/AIDS

TPHCM hiện có hơn 41.000 người nhiễm HIV đang được quản lý và 31.000 đang được điều trị đang điều trị tại các trung tâm tham vấn hỗ trợ cộng đồng, trực thuộc 24 trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện.

Sắp tới đây khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, các bệnh nhân nhiễm HIV sẽ chuyển sang điều trị ARV thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đã khiến các cơ sở điều trị này loay hoay tìm hướng đi mới trong vấn đề chuyển đổi mô hình.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai phối hợp thực hiện khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua quỹ BHYT chi trả do Sở Y tế TPHCM tổ chức sáng 18-10.

Trước tình trạng này, các đơn vị đã đưa ra nhiều mô hình tổ chức dự báo nhằm đảm bảo công tác khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV như: Thành lập phòng khám đa khoa (ký hợp đồng khám chữa bệnh ban đầu với BHYT) tại TTYT; chuyển bệnh nhân từ TTYT sang bệnh viện quận, huyện; thành lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại TTYT; TTYT có phòng khám đa khoa thuộc bệnh viện sau sáp nhập.

Tuy nhiên, sau khi phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng mô hình, bà Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TPHCM, yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch, quy trình phù hợp, tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân. Nếu chuyển bệnh nhân cần cân nhắc và chuyển một lượng bệnh nhân vừa phải theo lộ trình.

Bên cạnh đó cần phải có những giải pháp cho bệnh nhân có sự lựa chọn như: chuyển sang phòng khám nội trú, TTYT khác. Đồng tình với quan điểm này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TPHCM, cho rằng, những đơn vị không đủ điều kiện để lập phòng khám đa khoa trực thuộc TTYT nên lập phòng khám chuyên khoa HIV trực thuộc bệnh viện như một trạm y tế bởi đặc thù bệnh nhân HIV đang điều trị tại TPHCM không phải 100% có hộ khẩu của TP. Do hiện nay, luật BHYT đã thông tuyến trên toàn quốc nên BHYT sẽ thanh toán được cho cả những bệnh nhân có hộ khẩu tỉnh khác.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tạm thời thuốc ARV từ nguồn tài trợ sẽ sử dụng đến hết năm 2018, và từ 1-1-2019 sẽ bắt buộc phải chuyển qua BHYT nên các mô hình cần phải được thống nhất và hoàn tất trước 31-7-2018 để có thời gian cấp mã BHYT và kịp nhận thuốc vào cuối tháng 11-2018.

Do đó, các quận huyện sẽ phải tìm phương án tổ chức điều trị cho bệnh nhân tùy theo tình hình thực tế của địa phương nhằm đảm bảo không gián đoạn việc điều trị.

Cùng với đó, các mô hình tổ chức quản lý của TP dù có thay đổi thì các phòng khám ngoại trú hiện đang điều trị đông bệnh nhân (>500 bệnh nhân) vẫn tiếp tục điều trị bệnh nhân qua BHYT để đảm bảo công tác quản lý bệnh nhân tuân thủ điều trị.

“Nếu để gián đoạn điều trị thì vô cùng nguy hiểm bởi có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc và nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng cao”, ông Nguyễn Hữu Hưng yêu cầu. (Sài Gòn giải phóng , trang 2)

 

Báo động thực trạng thể chất người Việt: Bé béo phì - lớn thấp lùn

Hôm qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia đưa ra con số đáng giật mình: Tỉ lệ béo phì tại Việt Nam đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương gần 30%. Trong khi đó, chiều cao của người Việt gần như “giậm chân tại chỗ” trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều chuyên gia dinh dưỡng nhận định: Trẻ em Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nguy hiểm, cần hết sức lưu tâm là phát triển chiều cao kém và tỉ lệ béo phì ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ vừa lùn vừa béo khi trưởng thành.

Tỉ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh, không thể khống chế

“Có 2 điểm mấu chốt ăn sâu trong suy nghĩ của cha mẹ là: Con tôi béo là khỏe, hai nữa là văn hóa ăn… Chính điều này là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ”. Đó là những chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - khi được hỏi đến tình trạng béo phì ở trẻ em gia tăng đáng lo ngại hiện nay. Từ xa xưa, đất nước ta còn nghèo, thiếu ăn, người suy dinh dưỡng nhiều, người dân luôn cho rằng cứ béo tốt là béo khỏe, béo đẹp nên ai cũng thích béo, càng béo càng thích. Cũng theo quan niệm văn hóa của người Việt nữa là ăn, cái gì cũng ăn. Văn hoá này xuất hiện ngay cả trong danh từ, bao giờ người ta cũng đệm từ “ăn” ghép vào một từ khác, như ăn mặc, ăn uống, ăn nằm, ăn ở, ăn chơi… Do vậy, khi nền kinh tế chuyển từ chỗ nghèo đói sang kinh tế khá giả hơn nhưng chính chúng ta cũng chưa biết cách hãm cái ăn lại.

GS-TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết: “Béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TPHCM đã tăng từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỉ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TPHCM tăng từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).

Đồng quan điểm này, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam - cho biết: “Ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó. Như vậy trẻ thừa cân béo phì và trẻ suy dinh dưỡng ở các thành phố lớn đang gần như ngang nhau.

Tham dự Hội thảo “Phòng chống thừa cân béo phì trẻ em: Lời cảnh báo của chuyên gia” do Hội Dinh dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 18.10, diễn viên Hoàng Mập tâm sự: “Các cụ nói vòng eo dài thì vòng đời sẽ ngắn. Chưa có ai nói những người mập sống khỏe cả. Tôi đi tới bất cứ trung tâm hay bệnh viện nào, bác sĩ đều bảo “giảm béo đi”. Hiện tại tôi bị mỡ trong máu, bị cao huyết áp, dễ choáng. Tim cũng có vấn đề, tôi hay bị khó thở, hở van tim...”.

Theo TS Từ Ngữ - PCT kiêm Tổng Thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam - béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp…

TS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi T.Ư - cho rằng, một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực: Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Thay đổi hành vi: Khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu. Ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11 giờ/ngày); 5-10 tuổi (10 giờ /ngày); trên 10 tuổi (ngủ đủ 9 giờ /ngày).

Các bậc cha mẹ ngày nay chăm sóc con quá kỹ: Không cho con tự vận động, đi đâu cũng đưa đón, trẻ ít vận động ngoài trời và ngồi xem tivi, đọc truyện, say mê vi tính thay vì chơi thể thao, tập thể dục các môn giúp tăng chiều cao như đạp xe, đi bộ, bơi lội, bóng rổ, cầu lông... Bên cạnh đó, mọi gia đình có khuynh hướng ngủ muộn (sau 22 giờ) làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ sâu bắt đầu từ khoảng 21 giờ, khoảng 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng cao nhất, kích thích xương dài hơn.

Lúc bé béo - lớn lên sẽ...lùn

Theo các BS, một trong những hậu quả nghiêm trọng nữa là trẻ thừa cân, béo phì thường cao lớn hơn so với tuổi nhưng khi đến tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì được xem là một bệnh mãn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường. Đối với trẻ em trong giai đoạn phát triển thì việc thừa cân, béo phì sẽ cản trở quá trình cao lên của trẻ.

Trẻ thừa cân thường có xu hướng thích các nhóm thực phẩm giàu đạm, nhiều chất béo, thức ăn nhanh và đồ ngọt. Nhóm thực phẩm này chính là tác nhân gây cản trở quá trình hấp thụ canxi, khiến cơ thể không đảm bảo lượng canxi cần thiết cho quá trình phát triển xương và cao lên.

Với cơ thể nặng nề khi thừa cân, béo phì các bé trở nên chậm chạp, lười vận động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có ảnh hưởng lớn với quá trình tăng chiều cao. Mặt khác việc trọng lượng cơ thể quá cao so với sức chịu đựng còn non yếu của hệ cơ xương khớp càng khiến trẻ không dám vận động, ngồi lỳ một chỗ. Áp lực này cũng ngăn cản sự phát triển dài ra ở phần đầu sụn xương để tăng chiều cao.

Trong khi đó, trong báo cáo “Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cơ thể người Việt Nam”, TS-BS Trương Hồng Sơn - Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, tại Việt Nam, nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 164,4cm; đồng thời nữ giới Việt Nam đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, với chiều cao trung bình là 153,6cm. Trong vòng 100 năm qua, chiều cao đàn ông Việt Nam tăng 9,1cm và phụ nữ chỉ tăng 8,8cm. Trên thế giới, trong vòng 100 năm qua, nữ giới Hàn Quốc và nam giới Iran đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20,2cm và 16,5cm”.

Các nhà khoa học hiện nay cho rằng, tầm vóc của người Việt Nam đã có những sự thay đổi. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chiều cao của người Việt Nam còn chậm hơn so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 1,67m (hiện nay là 1,63m) và nữ là 1,56m (hiện nay 1,53m). Tuy nhiên, chiều cao của nam và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm, đây vẫn là một rào cản lớn của người Việt. Một trong những nguy cơ hiện nay đang phải đối mặt là tỉ lệ trẻ em béo phì đang gia tăng, điều này dẫn đến hiện tượng thấp lùn trong tương lai. (Lao động, trang 1)

 

Nhức nhối những phòng khám ma quái tại TPHCM: Hét giá “cắt cổ” bệnh nhân trên bàn mổ

Liên tục trong thời gian gần đây, Báo Lao Động nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc phản ánh các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc ở TPHCM vẽ bệnh, xiết tiền của bệnh nhân. Các phòng khám cùng thực hiện phương thức bệnh nhân lên bàn mổ mới… phát hiện ra bệnh mới, buộc phải mổ ngay với chi phí “cắt cổ”.

Mổ ra nhưng không chịu… đóng lại

Mới đây, anh N.Đ.H (29 tuổi, ở quận 10, TPHCM) đã bức xúc với cách hành xử của nhân viên, bác sĩ ở Phòng khám Đa khoa Bayler (số 202 Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM). Anh H kể lại, vào lúc 17h30 ngày 10.10, anh cùng bạn gái đến Phòng khám Đa khoa Bayler để khám hẹp bao quy đầu.

Anh H được một bác sĩ người Trung Quốc tên là Rong Cheng Chen khám và yêu cầu tiểu phẫu cắt bao quy đầu với giá 2.800.000 đồng. Cộng với tiền khám, xét nghiệm máu và nước tiểu, tổng số tiền cho thủ thuật cắt bao quy đầu mà phòng khám này báo cho anh H biết là 3.200.000 đồng. Anh đồng ý và đóng tiền để mổ ngay trong ngày.

Tuy nhiên, lúc vào phòng mổ, khi đang làm tiểu phẫu, bác sĩ người Trung Quốc nói gì đó với anh H và được phiên dịch dịch lại là bác sĩ phát hiện dương vật của anh H có polyp ở mạch máu phải lấy ra. Bác sĩ cũng thông báo luôn với anh H là có 2 phương pháp lấy polyp. Một là hút dịch trong polyp ra với giá 26,5 triệu đồng. Tuy nhiên, phương pháp này không thể hết được hoàn toàn. Phương pháp thứ 2 là lấy toàn bộ polyp, trị “dứt điểm” bệnh với giá 56,8 triệu đồng.

“Tôi nói với bác sĩ, tôi không làm và yêu cầu bác sĩ may lại cho tôi để về thương lượng với gia đình vì số tiền quá lớn. Tuy nhiên, người phiên dịch nói với tôi rằng không được, nếu may lại thì vỡ mạch máu, sẽ gây hoại tử và phải cắt bỏ dương vật. Nghe thấy phải cắt bỏ dương vật, tôi rất sợ nhưng vì không có tiền nên vẫn phải năn nỉ bác sĩ khâu vết mổ lại để tôi về”.

Theo anh H, dù cho anh năn nỉ, người phiên dịch và bác sĩ vẫn không chịu đóng vết mổ để cho anh về. Thay vào đó, người phiên dịch ra ngoài, trao đổi với bạn gái của anh H để cô viết giấy ghi nợ số tiền 56,8 triệu đồng và giữ lại chứng minh nhân dân của anh H. Sau đó, bác sĩ mới tiếp tục thực hiện phẫu thuật rồi khâu dương vật lại cho anh H. Khi bạn gái anh H liên lạc được với gia đình, đem số tiền 56,8 triệu đồng đến đóng cho phòng khám, anh H mới được cho về.

“Cả cuộc mổ cắt bao quy đầu và lấy polyp kéo dài chỉ hơn 30 phút. Bao gồm cả thời gian thương lượng giá cả với tôi. Tôi không biết bác sĩ đã làm gì với mình vì có màn bằng vải che phía dưới cơ thể tôi”. Anh H kể, sau khi về nhà, hôm sau, dương vật của anh bị rách, có vết thương chảy máu anh quay lại phòng khám Bayler. Tại đây, bác sĩ người Trung Quốc chỉ băng bó sơ sài rồi cho anh về.

Người nhà đã phải đưa anh đi khám tại Bệnh viện Bình Dân và được bác sĩ khâu lại vết mổ. “Tôi ngỡ ngàng khi bác sĩ Bệnh viện Bình Dân cho biết, tôi chỉ được mổ cắt bao quy đầu chứ không hề có phẫu thuật nào khác. Bác sĩ cũng nói rằng, thông thường, polyp mạch máu chỉ xuất hiện ở những vùng khác trên cơ thể chứ không có trên dương vật”.

Quá bức xúc, anh H đã nộp đơn lên Công an phường 15 (quận 10) để phản ánh sự việc và đã được hướng dẫn thủ tục kiện phòng khám.

Chiều 12.10, bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ đầu tư Phòng khám Đa khoa Bayler - đã hẹn gặp gia đình anh H để giải quyết vụ việc. Phải sau hàng giờ tranh luận, với áp lực của người nhà, bà Nguyễn Thị Thanh đã nhận những “thiếu sót” của bác sĩ, nhân viên phiên dịch. Bà Thanh đã phải xin lỗi gia đình và hoàn lại số tiền 56,8 triệu đồng.

Mắc nợ hàng chục triệu sau khi cắt bao quy đầu

Cũng bị “hét giá” trên bàn mổ tương tự như anh H, mới đây, anh N.H.T (ở huyện Hóc Môn, TPHCM) bỗng dưng trở nên nợ chồng chất sau khi đi cắt bao quy đầu ở Phòng khám Đa khoa Hồng Phong (địa chỉ 160-162 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5).

Phản ánh với Báo Lao Động, anh T cho biết, ngày 3.10, anh đến Phòng khám Đa khoa Hồng Phong để khám vì bị xuất tinh sớm. Tại đây, sau khi làm xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ người Việt (không đeo bảng tên) cho biết, anh T bị rất nhiều bệnh là dài da quy đầu, viêm tuyến tiền liệt, xuất tinh sớm và chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu ngay trong ngày.

Bác sĩ này cho biết, tình trạng của anh khá “nguy hiểm” vì nếu không điều trị kịp thời có thể gây vô sinh, đồng thời phòng khám tư vấn giá thực hiện tiểu phẫu cắt bao quy đầu ở 3 mức, 5,8, 7,8 và 9,8 triệu đồng.

“Họ bảo mức 5,8 triệu đồng là cắt truyền thống, may bằng chỉ không tiêu nên sau đó mình phải đi cắt chỉ và tái khám nhiều lần. Còn mức 9,8 là can thiệp bằng phương pháp hiện đại, may bằng chỉ tự tiêu và mau lành. Nghe vậy, tôi chọn mức giá 9,8 triệu đồng cho yên tâm”.

Anh T cho biết, anh được phẫu thuật bởi một bác sĩ nam người Trung Quốc: “Trong khi nằm trên bàn phẫu thuật, đã phẫu thuật cắt bao quy đầu xong thì bác sĩ nói rằng, tôi có nang ở da dương vật nên phải đốt điện với giá 15,8 triệu đồng. Bác sĩ giải thích nếu không đốt, nang sẽ vỡ ra gây vô sinh. Vì đang trên bàn mổ và ảnh hưởng đến việc có con nên tôi đồng ý để bác sĩ thực hiện thêm thủ thuật đốt nang. Hơn nữa, trong lúc vào mổ, bác sĩ không cho tôi dùng điện thoại nên tôi không thể gọi để hỏi ý kiến gia đình”.

Sau khi phẫu thuật, phòng khám đưa phiếu thu cho anh T với nhiều khoản phát sinh như phí điều trị 4,5 triệu đồng, điều trị đốt nang 15,8 triệu đồng, tiểu phẫu bao quy đầu 9,8 triệu đồng, rửa bàng quang 12,8 triệu đồng, phí truyền dịch 200.000 đồng, tiền một số loại thuốc đơn giản (sinfuly, sonentiz, thuốc đông dược, xét nghiệm) hơn 4,2 triệu đồng. Tổng cộng, anh T phải trả 47,350 triệu đồng.

“Vì chỉ định đến để làm tiểu phẫu cắt bao quy đầu, hai vợ chồng tôi chỉ gom được 10 triệu để mang đi. Sau khi nhận phiếu thu, vợ tôi phải chạy từ quận 10 về Hóc Môn để mượn tiền mẹ tôi gần 40 triệu đồng mang đến đóng. Mẹ tôi cũng không có tiền mà phải gấp rút đi mượn bà con. Trong lúc đó, phòng khám giữ tôi lại để…hồi sức” - Anh T ấm ức kể.

Anh T cho biết, sau khi được thực hiện tiểu phẫu, bác sĩ hẹn anh tái khám hằng ngày trong suốt 1 tuần. Hôm sau, ngày 4.10, anh tới tái khám thì anh được chỉ định… truyền dịch và nằm trên máy vật lý trị liệu nửa tiếng, kê 3 gói thuốc đông y không nhãn mác với số tiền tổng cộng 5 triệu đồng. Vì số tiền tái khám quá cao, hôm sau, anh T quyết định đến Bệnh viện Bình Dân để khám.

Tổng số tiền khám và thuốc uống trong suốt 7 ngày chỉ hơn 300.000 đồng. Quá bức xúc, anh T cho biết đã làm đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Y tế TPHCM với mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc.

Thích khám chỗ “nhạy cảm”

Trao đổi về các vi phạm của phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TPHCM, TS.BS Bùi Minh Trạng - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM - cho biết, hiện nay, TPHCM có khoảng 250 phòng khám đa khoa đang hoạt động nhưng qua thanh tra, kiểm tra và những phản ảnh, khiếu nại của người bệnh lại tập trung nhiều vào các phòng khám có người Trung Quốc.

“Thời gian qua, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều phản ánh của người dân về việc phòng khám có người Trung Quốc vẽ bệnh, thu giá trên trời, phóng đại bệnh làm ra vẻ nguy hiểm. Đa phần, các phòng khám nắm bắt tâm lý người bệnh, tập trung vào các kỹ thuật khám những bệnh nhạy cảm, vùng kín - những bệnh bệnh nhân ngại đi khám ở bệnh viện công”.

Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay: “Người bệnh phản ánh nhiều nhất là giá cả khám-chữa bệnh tại đây. Dù luật pháp cho phép các cơ sở y tế tư nhân được tự chủ về giá. Thế nhưng, giá khám-chữa bệnh phải được niêm yết và công khai với người bệnh. Nhiều bệnh nhân phản ánh, giá khám bệnh tại các phòng khám mập mờ, và họ không được thông báo trước về giá.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cho biết, họ bị các phòng khám vẽ bệnh. Nhiều người không có bệnh mà bị chẩn đoán bệnh nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân thường bị đuối lý vì bệnh nhân thường phải ký vào văn bản đồng ý thực hiện phẫu thuật. Mặt khác, quá trình vẽ bệnh này, bệnh nhân thường không có bằng chứng nào cả. Việc xác định bệnh nhân có bị bệnh nguy hiểm như phòng khám nói hay không rất khó đối chứng bởi bệnh đã chữa xong rồi”.

Chánh Thanh tra Sở Y tế cho rằng, Sở Y tế TPHCM cần hạn chế danh mục kỹ thuật đối với các phòng khám tư nhân. Nếu kỹ thuật nào bị người dân phản ánh quá nhiều, vi phạm nhiều, Sở Y tế cần thu hồi giấy phép thực hiện kỹ thuật ở phòng khám đó, không cho phép họ tiếp tục thực hiện nữa: “Ví dụ như cắt bao quy đầu có quá nhiều sai phạm và bị phản ánh liên tục thì cần rút giấy phép của phòng khám đó” - ông Bùi Minh Trạng nói. (Lao động, trang 1)

 

Lạm dụng thuốc đang diễn ra phổ biến

Theo BHXH Việt Nam, hiện nay tỉ lệ chi thuốc trên tổng chi khám chữa bệnh (KCB) nói chung và KCB BHYT đều cao hơn các nước khác. Cụ thể, tổng chi cho thuốc từ quỹ BHYT năm 2015 khoảng 25.000 tỉ đồng (chiếm 47% tổng chi phí); năm 2016 là trên 32.000 tỉ đồng (43%) và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 17.000 tỉ đồng (40%).

Chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, hiện nay chi phí thuốc vẫn chiếm phần lớn trong tổng chi KCB BHYT. Vì vậy, tác động của chính sách và quá trình mua sắm, lựa chọn sử dụng đối với chi tiêu về thuốc trong chi phí KCB BHYT với chi tiêu tiền túi của người dân cũng như cân đối quỹ BHYT là rất lớn.

Hiện tại, theo quy định tại Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17.11.2014 của Bộ Y tế, danh mục thuốc bao gồm 1.064 thuốc tân dược; theo Thông tư 05/TT-BYT có 229 chế phẩm và 349 vị thuốc y học cổ truyền.

So với danh mục thuốc thiết yếu của WHO và danh mục thuốc của các nước trong khu vực và trên thế giới, danh mục thuốc của Việt Nam là khá rộng. Đồng thời, danh mục thuốc của Việt Nam là theo tên hoạt chất, không quy định tên thuốc cụ thể, không quy định hàm lượng, nồng độ, dạng bào chế nên đã tạo ra một thị trường hết sức đa dạng, phong phú với gần 20.000 thuốc.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, bất cập trong việc lựa chọn, kiểm soát sử dụng thuốc. Ví dụ như tỉ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc còn cao, tình trạng lạm dụng thuốc đang diễn ra khá phổ biến, nhất là các thuốc bổ trợ, acid amin và đạm truyền; xảy ra tình trạng kháng kháng sinh, lãng phí nguồn lực trong sử dụng thuốc.

Giá thuốc biệt dược gốc, nhất là biệt dược gốc hết hạn bản quyền nhiều năm không giảm, giá thuốc generic vẫn còn cao và một số thuốc có giá khác biệt giữa các địa phương, thậm chí giữa các bệnh viện trên cùng một địa bàn.

Nguyên nhân được đánh giá là do danh mục thuốc quá rộng, ghi chép thông tin trong đấu thầu còn chưa đúng, việc lựa chọn xây dựng danh mục thuốc, giá kế hoạch chưa thật phù hợp, việc thanh toán chi phí thuốc còn chưa kịp thời, tạo áp lực về lãi suất trên giá thuốc.

Vấn đề trên đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện, của các cơ sở KCB và của các DN trong việc thực hiện mục tiêu mua sắm đấu thầu thuốc chất lượng với giá cả hợp lý.

Đặc biệt, phải lựa chọn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả trong điều trị, đảm bảo quyền lợi trong KCB và phù hợp với khả năng thanh toán của người dân, khả năng chi trả của quỹ BHYT và đảm bảo lợi nhuận của DN cung ứng thuốc.

Tháo gỡ khó khăn cho DN nội

Vừa qua, tại hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT với một số DN dược do BHXH Việt Nam phối hợp với Hiệp hội DN Dược tổ chức, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đặt ra vấn đề: Làm sao khuyến khích được thuốc sản xuất trong nước, đồng thời đưa tiêu chí chất lượng thuốc lên hàng đầu?

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện các DN dược cũng phản ánh nhiều khó khăn mà các DN trong nước đang gặp phải. Đó là thị phần của DN dược trong nước vẫn “cọc lệnh” so với các DN nước ngoài cả về số lượng và giá trị tuyệt đối trong chi phí thuốc.

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu, khả năng cung ứng thuốc cũng đang làm khó các DN dược trong nước. Phản ánh thực trạng các hợp đồng đấu thầu thuốc hiện vẫn nghiêng nhiều về trách nhiệm của bên cung ứng, các DN cũng mong muốn có sự minh bạch hơn nữa về thông tin cũng như trách nhiệm của các bên tham gia.

Ghi nhận ý kiến của các DN, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết: “BHXH Việt Nam sẽ tập hợp các kiến nghị, cung cấp thông tin, giải đáp và tháo gỡ băn khoăn của DN trong khả năng và trách nhiệm của mình. Những vấn đề vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách cũng sẽ được tập hợp để kiến nghị các cơ quan chức năng sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế”.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, để DN dược Việt Nam tham gia được vào thị trường cung ứng thuốc BHYT, bản thân các DN cũng phải chủ động và quan tâm hơn nữa trong việc tiếp cận các thông tin, quy định trong lĩnh vực hoạt động của mình, tham gia đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế một cách hiệu quả. (Lao động, trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang