Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/10/2020

  • |
T5g.org.vn - Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khơi dậy sức mạnh đoàn kết vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Việt Nam có thêm 8 ca mắc COVID-19 nhập cảnh

 

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khơi dậy sức mạnh đoàn kết vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất...”, trong những năm qua, toàn ngành y tế đã không ngừng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhiều sản phẩm mới, kỹ thuật mới, thiết thực, hiệu quả trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ tạo nên những thành công trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các đơn vị và toàn ngành.

Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước ngành y tế lần thứ VII (2020-2025), GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những chia sẻ về các kết quả triển khai các phong trào thi đua của ngành thời gian qua cũng như những bài học kinh nghiệm, định hướng của phong trào thi đua ngành y tế trong thời gian tới.

PV: Thưa Quyền Bộ trưởng, trong 5 năm (2015-2020), toàn ngành y tế đã không ngừng nỗ lực thi đua vượt khó và đạt được kết quả đáng khích lệ. Xin Quyền Bộ trưởng cho biết về kết quả phong trào thi đua của ngành 5 năm qua?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua của ngành y tế đã có bước chuyển biến cả về nội dung và hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị theo từng năm, từng giai đoạn, đặc biệt là việc gắn kết với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào của Đảng, Nhà nước phát động, góp phần giúp ngành y tế vượt qua những khó khăn thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hoạt động thi đua được tổ chức thường xuyên liên tục, vận dụng sáng tạo, phong phú, dưới hình thức “chiến dịch” ở mỗi đơn vị, thuộc các lĩnh vực công tác của ngành y tế như: Y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, dược, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh... và đã đạt tới những kết quả được đánh giá cao. Có thể kể đến, phong trào “Chung tay giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của nhân dân”, phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, phong trào “Y tế Việt Nam đổi mới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, phát động phong trào “Tăng cường Y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”,... Đặc biệt phải kể đến là phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19” hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã được ngành y tế phát động trong năm 2020.

Chúng ta đã khống chế thành công các dịch bệnh nguy hiểm: như HIV/AIDS, Ebola, Zika, sốt xuất huyết... và điển hình mới đây là dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã khống chế, kiểm soát rất tốt sự lây lan ra cộng đồng, được người dân và quốc tế đánh giá cao. Nhiều sáng kiến trong các phong trào như: tổ chức hiến máu nhân đạo với phong trào: “Lễ hội Xuân hồng”; vận động thành lập các quỹ từ thiện, nhân đạo “Vòng tay nhân ái”, “Vì ngày mai tươi sáng”... đã thực sự gây xúc động, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, dư luận hoan nghênh.

Nhìn chung, các phong trào thi đua của ngành y tế đã được toàn thể cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong ngành và đông đảo nhân dân cả nước tích cực tham gia, hưởng ứng. Các phong trào trên đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn ngành y tế trên cả nước và đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy, khơi gợi để từng cá nhân, đơn vị phấn đấu luôn hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2015-2020.

Bộ Y tế luôn quan tâm và kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua với công tác khen thưởng, trong các phong trào thi đua đã phát hiện ra những Anh hùng Lao động, những điển hình tiên tiến. Và công tác khen thưởng lại thúc đẩy các phong trào thi đua phát triển. Từ các phong trào thi đua này, nhiều tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế ghi nhận,

biểu dương, khen thưởng, nhờ đó đã góp phần lan tỏa và tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành y tế nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

PV: Quyền Bộ trưởng đã nhắc đến phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng chống dịch COVID-19”. Vậy xin Quyền Bộ trưởng chia sẻ thêm thông tin về phong trào thi đua đặc biệt này với bạn đọc?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Năm 2020 là một năm đặc biệt của ngành y tế khi dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế cùng với các bộ, ngành địa phương và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Phong trào thi đua “Ngành y tế chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19” đã phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc cùng đồng lòng, đoàn kết, việc thực hiện thắng lợi đợt thi đua đặc biệt để thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch; bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân và ổn định kinh tế, xã hội.

Các phong trào thi đua của Bộ Y tế đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong đội ngũ cán bộ ngành y tế, động viên, thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế cùng tham gia. Phong trào thi đua “Hướng về y tế cơ sở, cán bộ y tế làm theo lời Bác dạy: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền” và “Thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong toàn hệ thống” là những điển hình về tổ chức phong trào thi đua. Nhiều cán bộ y tế không quản ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện đi vào vùng tâm dịch, điều này thể hiện sự trân quý, đạo đức cao quý của nghề y, tôi đánh giá rất cao những phong trào và những tấm gương điển hình đó.

PV: Thưa Quyền Bộ trưởng, để đạt được những kết quả về thi đua trong 5 năm qua, ngành y tế đã có những bài học kinh nghiệm gì?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Từ thực tiễn phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, công tác thi đua, khen thưởng sẽ phát huy được vai trò, tác dụng to lớn, nếu được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của người đứng đầu và các tổ chức đoàn thể; phân định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, của lãnh đạo đơn vị với trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong tổ chức phong trào thi đua theo nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức, đoàn thể vận động, cán bộ, công chức tham gia hưởng ứng”. Thực tế là, những nơi nào cấp ủy Đảng và lãnh đạo quan tâm thì nơi đó phong trào thi đua phát triển và công tác khen thưởng được thực hiện nghiêm túc và ngược lại.

Hai là, trong công tác thi đua, khen thưởng luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng thiết thực. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tinh thần, nội dung, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và của Bộ đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn cơ quan đơn vị và phải làm một cách thường xuyên, liên tục.

Ba là, công tác thi đua, khen thưởng được coi là một nhiệm vụ, một nội dung quan trọng của các cấp ủy Đảng, của cơ quan, đơn vị và phải được cụ thể hóa thành nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm, không phó thác cho cấp dưới, cơ sở và từ những nhiệm vụ, công việc cụ thể, thường xuyên hàng ngày của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bốn là, công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tình hình kinh tế - xã hội chung của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể, phải có phong trào, có mục tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện, có tiêu chí đánh giá, sơ kết, tổng kết kịp thời.

Năm là, thi đua là biện pháp để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, thi đua góp phần xây dựng Tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh.

Sáu là, công tác khen thưởng cần phải được thực hiện một cách công khai, dân chủ, thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đấy, khen thưởng phải đúng người, đúng việc, đúng thành tích, công bằng, kịp thời; chú trọng khen thưởng người lao động, người làm trực tiếp bảo đảm khen thưởng là đòn bẩy kích thích phong trào thi đua yêu nước ở các cơ quan, đơn vị.

PV: Để phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành y tế tiếp tục lan tỏa và phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ Y tế có những định hướng về phong trào thi đua trong giai đoạn tiếp theo như thế nào, thưa Quyền Bộ trưởng?

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020, đẩy mạnh phong trào thi đua trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế đã đề ra phương hướng: Đổi mới mạnh mẽ toàn diện ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật thi đua, khen thưởng hiện hành; hưởng ứng và tham gia tích cực các phong trào thi đua do cấp trên phát động; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, công tác tổ chức phong trào thi đua trong nhiệm vụ công tác.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức phát động và triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa các phong trào thi đua ngành y tế nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể. Công tác thi đua cần thiết thực, cụ thể hơn nữa. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; ủng hộ, lan tỏa những tấm gương tốt, những điển hình hay, quyết liệt xử lý đối với những hiện tượng không phù hợp.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua khen thưởng tại cơ quan, đơn vị; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại để thi đua khen thưởng ngày càng thực chất và trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, kịp thời; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực đặc thù, khen thưởng người lao động trực tiếp và lập được thành tích nổi bật, xuất sắc. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động thi đua khen thưởng, qua đó nhân rộng phong trào thi đua, các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành y tế.

Với truyền thống vẻ vang và sự nghiệp cao cả của ngành y tế, thấm nhuần lời dạy của Bác “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, tôi tin tưởng rằng tập thể cán bộ, công chức ngành y tế sẽ làm nên nhiều kỳ tích trong phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho phong trào thi đua chung của toàn quốc, huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Quyền Bộ trưởng!

(Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Việt Nam có thêm 8 ca mắc COVID-19 nhập cảnh

Chiều 18/10, Việt Nam ghi nhận thêm 8 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc lên 1.134 trường hợp. Các ca mắc mới đều nhập cảnh từ LB Nga, Úc, Myanma.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, 8 ca mắc mới (BN1127-1134) đều là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Quảng Ninh (5), Khánh Hoà (2) và Tiền Giang (1). Cụ thể:

 Ca bệnh 1127 (BN1127) tại Quảng Ninh: Nam, SN 1992, có địa chỉ tại phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Ca bệnh 1128 (BN1128) tại Quảng Ninh: Nam, SN 1982, có địa chỉ tại phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Ca bệnh 1129 (BN1129) tại Quảng Ninh: Nam, SN 1996, có địa chỉ tại xã Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ca bệnh 1130 (BN1130) tại Quảng Ninh: Nam, SN 1972, có địa chỉ tại Thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Ca bệnh 1131 (BN1131) tại Quảng Ninh: Nữ, SN 1969, có địa chỉ tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Ngày 16/10, các bệnh nhân trên từ Nga nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062 được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Quảng Ninh. Ngày 17/10, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả có 5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 5 bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 - TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ca bệnh 1132 (BN1132) tại Tiền Giang: Nam, 7 tháng tuổi, quốc tịch Úc (về Việt Nam cùng mẹ quốc tịch Việt Nam), có địa chỉ tại phường 3, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Ngày 15/10, bệnh nhân từ Úc nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH89, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự địa phương, tỉnh Tiền Giang. Ngày 17/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Ngày 17/10, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.

Ca bệnh 1133 (BN1133) tại Khánh Hoà: Nam, Sn 1997, quốc tịch Việt Nam, là nhà sư tu tại Myanmar, có địa chỉ tại Tân Thành, Bình Tân, Vĩnh Long.

Ca bệnh 1134 (BN1134) tại Khánh Hoà: Nam, SN 1985, quốc tịch Việt Nam, là nhà sư tu tại Myanmar, có địa chỉ tại Liên Trực, An Nhơn, Bình Định. Ngày 15/10, 2 bệnh nhân trên từ Myanma nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ2735, được cách ly tập trung sau nhập cảnh tại Đại đội huấn luyện C19 - Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hoà. Ngày 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hoà lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Ngày 18/10, kết quả xét nghiệm có 2 bệnh nhân dương tính với SAR-CoV-2. Hiện cả 2 bệnh nhân trên được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã chữa khỏi cho 1.031 ca mắc COVID-19. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 23 người xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân vùng lũ các biện pháp phòng dịch

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…

Bước vào đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung. 

Theo Bộ Y tế, đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ,…sẽ xuất hiện. 

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

-Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng  trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

-Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

 -Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

 -Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

-Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

-Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Hơn 40 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, số ca mắc Covid-19 trên thế giới đã vượt con số 40 triệu người. Đến tối 18-10 (giờ Việt Nam), thế giới đã có 40.013.426 ca mắc và 1.115.303 người chết. Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nhất, 8.343.140 ca mắc, 224.283 người chết; tiếp đến là Ấn Độ với 7.494.551 ca nhiễm, Bra-xin với 5.224.362 ca mắc Covid-19.

★ Số ca bệnh tăng mạnh trở lại dấy lên lo ngại về khả năng làn sóng bùng phát dịch thứ ba tại Mỹ. Tờ Thời báo Niu Oóc dẫn số liệu một tuần qua cho thấy, Mỹ ghi nhận trung bình 54.000 ca bệnh mỗi ngày, tăng 25% so mức của hai tuần trước đó. Có tới 19 bang chứng kiến số ca bệnh tăng mức cao nhất; một số bang kiềm chế dịch hiệu quả vừa qua lại ghi nhận số ca bệnh tăng mạnh trở lại.

 ★ Tại Ca-na-đa, trong một tuần qua tính đến ngày 17-10, trung bình mỗi ngày cũng có thêm 2.310 ca nhiễm. Cơ quan y tế công cộng Ca-na-đa kêu gọi người dân hợp tác khi các biện pháp hạn chế mới được triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, tại Tô-rôn-rô, hàng trăm người biểu tình đòi chấm dứt phong tỏa.

 ★ Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến nhanh và phức tạp tại châu Âu. Sau khi dự hội nghị của Liên hiệp châu Âu (EU), hai Bộ trưởng Ngoại giao Áo và Bỉ được xác định mắc bệnh, dấy lên lo ngại về các quan chức khác của EU có thể phơi nhiễm Covid-19.

 ★ Pháp và Síp ngày 17-10 đều thông báo số ca nhiễm trong ngày ở mức cao nhất từ khi dịch bùng phát. Pháp có thêm 32.427 ca bệnh; Síp ghi nhận 203 trường hợp nhiễm mới. Tại Pháp, lệnh giới nghiêm ban đêm bắt đầu có hiệu lực, trong khi Chính phủ Síp cũng nhắc nhở người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch.

 ★ I-ta-li-a cũng cân nhắc siết chặt hơn các biện pháp hạn chế trên cả nước, do số ca bệnh tăng mạnh trở lại. Chính phủ nước này thông qua kế hoạch ngân sách năm 2021, mở rộng các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong đó, khoảng bốn tỷ ơ-rô được dành hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19.

 ★ Đức thông báo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ các nước láng giềng gặp khó khăn trong ứng phó đại dịch. Bộ trưởng Ngoại giao H.Ma-át cho biết, hiện năng lực của Đức ứng phó dịch Covid-19 khá tốt, Béc-lin sẵn sàng hỗ trợ các nước láng giềng.

 ★ Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 của Nga mang tên Sputnik V. Theo đó, thử nghiệm được tiến hành trên người giai đoạn hai và ba đối với loại vắc-xin nêu trên.

 ★ A-rập Xê-út cho phép người dân đến cầu nguyện tại thánh đường An Ha-ram ở Méc-ca sau bảy tháng thánh đường linh thiêng của người Hồi giáo này phải đóng cửa nhằm ngăn dịch lây lan.

 ★ Tại Ô-xtrây-li-a, bang Vích-to-ri-a lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 19-10. Bang “tâm dịch” này chỉ ghi nhận thêm hai ca bệnh trong ngày 17-10 và đây là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới ở mức một con số.

 ★ Trong khi đó, hai tuần sau khi Chính phủ Niu Di-lân tuyên bố đã “đánh bại Covid-19”, nước này lại phát hiện một trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng. Đó là một công nhân làm việc ở cảng, được xác nhận mắc Covid-19 hôm 17-10.

 ★ Số ca mắc Covid-19 trên khắp châu Phi tăng lên 1.622.455 người, trong đó 39.584 người chết và 1.337.964 người được điều trị khỏi. Các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Nam Phi, Ma-rốc, Ê-ti-ô-pi-a và Ni-giê-ri-a. (Nhân dân, trang 5).

 

Phát động Tháng hành động phòng, chống ung thư vú

Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2020), sáng 18-10, tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ưng thư - Ngày mai tươi sáng phối hợp Bộ Y tế và các nhà tài trợ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động phòng, chống ung thư vú, với chủ đề “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu”.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng: Hiện căn bệnh ung thư đang trở thành một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ung thư vú là bệnh thường gặp nhất ở phụ nữ, số liệu thống kế của hệ thống cho thấy: Mỗi năm cả nước có khoảng hơn 165 nghìn ca mắc ung thư mới, trong đó có khoảng 15.229 ca ung thư vú (chiếm 20,6% tổng số các loại bệnh ung thư ở phụ nữ).

Đáng lo ngại, những trở lại đây độ tuổi phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nhưng ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng thấp. Tuy nhiên, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữa Việt Nam còn e ngại, không đi khám sàng lọc để được phát hiện sớm, cho nên nhiều chị em tới bệnh viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng.

Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ung thư vú thế giới; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 – 20-10-2020), Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ưng thư - Ngày mai tươi sáng phối hợp các nhà tài trợ triển khai Chiến dịch khám sàng lọc phòng, chống ung thư vú, với chủ đề “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” cho 5.000 phụ nữ khi sang tuổi 40 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Chương trình là dịp để toàn xã hội quan tâm, chia sẻ hơn nữa với những phụ nữ không may mắn mắc căn bệnh ung thư; đồng thời chuyển tải các thông điệp về phòng, chống ung thư vú tới cộng đồng.

Trong Chiến dịch, Quỹ sẽ phối hợp các bệnh viện triển khai khám sàng lọc miễn phí (gồm khám lâm sàng, siêu âm vú cho 100% phụ nữ tới khám và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngời ác tính), phát hiện sớm ung thư vú. Tổ chức tuyên truyền,nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh ung thư vú; hướng dẫn cách tự khám vú cho chị em. Nét mới của Chương trình năm 2020, là sẽ có các chuyến xe ô- tô đưa các chị em phụ nữ từ các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Hải Dương đến tầm soát tại Bệnh viện K.

Ngoài ra, tiếp tục đồng hành cũng người bệnh ung thư trên hành trình chiến đấu với bệnh tật, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng kết hợp với Công thông tin nhân đạo Quốc gia (cổng 1400) tổ chức Chiến dịch nhắm tin ủng hộ bệnh nhân ung thư nghèo, với thông điệp “Mỗi tin nhắm, triệu nghĩa tình gửi trao bệnh nhân ung thư”.

Chiến dịch bắt đầu từ 0 giờ, ngày 5-10 đến 24 giờ, ngày 3-12-2020. Mỗi tin nhắn với cú pháp UT gửi đến 1406, sẽ hỗ trợ 20 nghìn đồng cho các chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Quỹ. Qua đó, giúp người bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để điều trị căm bệnh mình không may mắc phải, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên cho biết thêm. (Nhân dân, trang 5.).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang