Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Xử phạt hơn 21 tỷ đồng đối với vi phạm về dược phẩm, thực phẩm; Trao giải thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Cơ hội cho thuốc giá rẻ trong nước; Bộ Y tế khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu

Xử phạt hơn 21 tỷ đồng đối với vi phạm về dược phẩm, thực phẩm

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Y tế (BCĐ 389 Bộ Y tế), năm 2016, BCĐ 389 của Bộ đã thanh tra, kiểm tra 137 cơ sở dược phẩm, phát hiện 111 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2015), tổng số tiền truy thu là 9,21 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thực phẩm, tổng số vụ phát hiện vi phạm là 133, truy thu 12,54 tỷ đồng (tăng 172% so với năm 2015). Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và một số đơn vị kiểm tra một xe hàng, phát hiện 374 loại dược liệu với tổng số 45,9 tấn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong thời gian cao điểm - dịp Tết Nguyên đán, tình trạng tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng… Vì vậy, các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các mặt hàng nêu trên tại các địa bàn trọng điểm, khu vực cửa khẩu (Hà Nội mới, trang 4).

 

Trao giải thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày 18-1, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với Bộ Y tế trao giải cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016. Sau 8 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 205 tác phẩm dự thi, thuộc thể loại báo in, báo điện tử, báo hình và báo nói. Kết quả, 36 tác phẩm được trao giải (mỗi loại hình báo chí có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích). Trong đó, 4 giải nhất thuộc về các tác phẩm: "Trôi nổi thuốc lá điện tử" của Báo Tuổi trẻ; chùm bài viết về tác hại thuốc lá của Báo Đồng Nai; "Phòng chống thuốc lá, câu chuyện của lý và tình" của Đài PT-TH Hải Phòng; "Từ bỏ thuốc lá, lấy lại sức khỏe" của Đài PT-TH Hà Nội (Hà Nội mới, trang 5; Nhân dân, trang 5; Gia đình & Xã hội, trang 7). 

 

Cơ hội cho thuốc giá rẻ trong nước

Nếu như trước đây việc thúc đẩy sản xuất thuốc trong nước chỉ dừng lại ở khuyến khích nghiên cứu, sản xuất mà thiếu các ưu tiên, ưu đãi thì Luật Dược (sửa đổi, có hiệu lực từ 1-1-2017) đã thể hiện rõ chính sách ưu tiên cụ thể. Cùng với đó là lộ trình thử tương đương sinh học (TĐSH) đối với các thuốc generic nhằm nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước, dần thay thế các thuốc nhập khẩu. Các chính sách đó đã phản ánh xu hướng và khả năng của các doanh nghiệp trong nước nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn còn không ít băn khoăn.

Theo Thông tư 08/2010/TT-BYT của Bộ Y tế, hiện nay có 12 hoạt chất bắt buộc phải thử TĐSH (sự tương đương về tác dụng điều trị). So với khoảng 900 hoạt chất trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế thì con số nói trên quá ít. Tuy nhiên, với năng lực bào chế và nắm bắt xu hướng sử dụng, các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện thử cả những hoạt chất ngoài danh mục, nhằm có những tài liệu chứng minh để bác sĩ, người sử dụng biết rõ chất lượng sản phẩm, từ đó, yên tâm sử dụng. Theo một đơn vị sản xuất thuốc trong nước, chi phí thực hiện TĐSH một loại thuốc khá tốn kém, từ khoảng 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng, tùy thuộc vào yêu cầu đánh giá các giai đoạn, hoạt chất, dạng bào chế. Tuy chi phí lớn nhưng khi đã sản xuất được thuốc thì giá thành sản phẩm lại rẻ hơn rất nhiều so với thuốc biệt dược gốc. Thuốc TĐSH vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp ở tính cạnh tranh cao, vừa tạo cơ hội cho người bệnh được sử dụng thuốc giá rẻ. Chẳng hạn, hoạt chất Amlodipin, thuốc TĐSH sản xuất trong nước, hàm lượng 5mg trúng thầu chỉ gần 100 đồng/viên, trong khi thuốc nhập khẩu trúng thầu là gần 700 đồng/viên; hoạt chất Gliclazid, thuốc TĐSH trong nước hàm lượng 30mg trúng thầu khoảng 600 đồng/viên, còn thuốc nhập khẩu trúng thầu giá khoảng 2.600 đồng/viên.

Để khuyến khích các đơn vị đầu tư hơn nữa vào sản xuất thuốc TĐSH, Luật Dược (sửa đổi) quy định nhiều ưu đãi cho lĩnh vực thế mạnh này. Đó là, các nhà sản xuất thuốc được nghiên cứu và nộp hồ sơ ngay từ khi các thuốc phát minh chưa hết bản quyền sở hữu trí tuệ, nhằm sớm có thuốc Generic (thuốc có cùng hoạt chất, dạng bào chế, hàm lượng với biệt dược gốc) sản xuất trong nước tiếp cận được thị trường; cơ quan quản lý sẽ ưu tiên xem xét cấp số đăng ký cho doanh nghiệp sản xuất trong nước khi thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ; ưu tiên mua thuốc Generic.. . Thuốc Generic phải thử TĐSH theo lộ trình của Bộ Y tế quy định và được ưu tiên điểm trong quá trình dự thầu. Lần đầu tiên, Luật Dược (sửa đổi) cho phép kinh doanh dịch vụ thử TĐSH với quyền và trách nhiệm cụ thể đối với cơ sở nhận thử TĐSH .

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp vẫn phải “xếp hàng” chờ thử TĐSH. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex Phùng Minh Dũng cho biết, xu thế sản xuất thuốc TĐSH là tất yếu, nhưng số đơn vị có chức năng thử nghiệm TĐSH lại quá ít, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sản xuất, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải chờ đợi khá lâu. Hiện tại, công ty có năm loại thuốc đang chờ kết quả đánh giá TĐSH, thời gian chờ đợi một loại thuốc mất hơn một năm, trong khi thời gian thật sự đánh giá chỉ khoảng hai tháng. Việc kéo dài thời gian khiến sản phẩm có thể mất cơ hội tiếp cận thị trường, kế hoạch đầu tư bị ảnh hưởng và chịu sự cạnh tranh với các thuốc nhập khẩu khác. Do đó, bên cạnh việc khuyến khích sản xuất thuốc TĐSH thì Nhà nước cần khuyến khích đầu tư các trung tâm đánh giá TĐSH để thỏa mãn nhu cầu sản xuất thuốc TĐSH của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đầu ra cho thuốc TĐSH vẫn còn nhiều băn khoăn. Tại Thông tư 11/2016/TT-BYT thuốc TĐSH đã có “sân chơi” riêng khi được dự thầu ở nhóm 4 (nhóm thuốc có chứng minh TĐSH) nhưng vẫn phải cạnh tranh với thuốc nhập khẩu ở những nhóm khác. Theo một đơn vị tham gia dự thầu thì dù giá thuốc TĐSH sản xuất trong nước giá rẻ, ưu tiên điểm nhưng cơ hội trúng thầu khó khăn do tâm lý kê đơn, sử dụng thuốc nhập khẩu hiện nay. Chẳng hạn, kết quả trúng thầu của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang năm 2017 cho thấy sự chênh lệch trong sử dụng thuốc TĐSH trong nước và thuốc nhập khẩu, hoạt chất Gliclazid hàm lượng 30mg chỉ mời thầu số lượng 230.000 viên, trong khi thuốc nhập khẩu mời thầu số lượng đến 3.890.000 viên. Thậm chí, có đơn vị không mời thầu thuốc TĐSH sản xuất trong nước. Đây cũng là lo lắng chung của không ít doanh nghiệp khi đầu tư thuốc TĐSH.

Để giải quyết những bất cập hiện nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, thông tư về thử thuốc TĐSH đang được sửa đổi, theo hướng tăng số lượng thuốc phải thử TĐSH ở những hoạt chất có tỷ trọng sử dụng cao trong bệnh viện và tăng cơ sở thử TĐSH. Tuy vậy, để thuốc có chứng minh TĐSH có “chỗ đứng” xứng đáng trong quá trình tổ chức đấu thầu, tránh chênh lệch giữa tỷ trọng thuốc trong nước và thuốc nhập khẩu, cơ quan bảo hiểm xã hội cần giám sát quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, qua đó, tiết kiệm chi phí quỹ bảo hiểm y tế, người dân được sử dụng thuốc bảo đảm chất lượng, góp phần tăng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước có chất lượng (Nhân dân, trang 5).

 

Bộ Y tế khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu

Trước việc dịch bệnh bạch hầu đang lây lan ở Quảng Nam khiến hai người chết, ngày 18-1, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo trong việc phòng, chống dịch. Theo đó, cần đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà-phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế (Nhân dân, trang 8).
 

Tổng cục DS-KHHGĐ tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017: Vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ

Năm 2016 là năm ngành DS-KHHGĐ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt khi kinh phí hoạt động tận cuối tháng 11/2016 mới được tạm ứng đợt 1 (48% so với yêu cầu). Dù vậy, ngành Dân số vẫn nỗ lực và đạt được “những kết quả hơn mong đợi” như lời đồng chí Nguyễn Văn Tân – Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS- KHHGĐ báo cáo tại Hội nghị Tổng kết sáng ngày 18/1.

Một năm nhiều thử thách

Tham dự Hội nghị có TS Trương Quốc Cường – Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Trần Văn Sơn - Ủy viên BCH, Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Văn Tân – Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS- KHHGĐ (Bộ Y tế); lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ cùng toàn thể cán bộ, đảng viên Tổng cục DS-KHHGĐ.

Ông Nguyễn Văn Tân cho biết, trong suốt những năm qua Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đã tạo sự ổn định cho công tác dân số, tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, Chương trình này không còn, thay vào đó là Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, đến hết năm 2016, chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chưa được Chính phủ phê duyệt; kinh phí chương trình dân số đến ngày 15/11/2016 mới được tạm ứng đợt 1 với tỉ lệ chưa bằng 1/2 dự toán dự kiến được giao cho năm 2016 và không có giao tạm ứng đợt 2. Việc giao kinh phí chậm và thấp làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng các hoạt động theo kế hoạch của Tổng cục nói riêng, của các địa phương và cả lĩnh vực DS-KHHGĐ nói chung. Nhiều tỉnh, thành phố đến hết năm 2016, các cộng tác viên vẫn chưa nhận được số tiền ít ỏi 100.000đ/tháng của mình.

Đứng trước những khó khăn, thách thức trên, các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục, ngay từ đầu năm, đã chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ hướng dẫn các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn của địa phương và huy động từ các nguồn khác (gồm cả nguồn từ cá nhân cán bộ, công chức, viên chức) để thực hiện các hoạt động về tuyên truyền, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng...

Với sự chủ động, nỗ lực này, ngoài một số chỉ tiêu chưa đạt như tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ước đạt 67,5%, giảm sinh đạt 0,07%o (kế hoạch là 0,1%o), tỉ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc đạt 23% (kế hoạch là 35%), công tác dân số năm 2016 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế trong 11 năm liên tục từ năm 2006, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh tiếp tục được kìm chế và tỉ số giới tính khi sinh năm 2016 ở mức 113 trẻ em trai/100 trẻ em gái; chỉ tăng 0,2 điểm % so với năm 2015, thấp hơn nhiều so với các năm trước đây. Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục triển khai có kết quả tốt các mô hình, đề án can thiệp như sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, sơ sinh; sàng lọc bệnh thalassemia; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; nâng cao chất lượng dân số ở một số đồng bào dân tộc thiểu số…

Chủ động, sáng tạo nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của tập thể Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Tổng cục DS-KHHGĐ; đặc biệt đánh giá cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, vượt khó của ngành Dân số trong thời gian qua. Đặc biệt là đã gặt hái được nhiều thành công về mặt chính sách: Ban Bí thư có Kết luận 119-KL/TW ngày 04/01/2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 và Chương trình hành động về truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số 2016-2020.

Thứ trưởng cũng chỉ rõ nhiệm vụ năm 2017 và trong thời gian tới là rất nặng nề. Để hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra theo kế hoạch, phấn đấu đạt mức giảm sinh 0,1%o Chính phủ giao và 5 chỉ tiêu Bộ Y tế giao cho ngành DS-KHHGĐ trong năm 2017, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế trong việc triển khai các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Ban Bí thư, Thủ tướng chính phủ về tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ; nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ hiện hành để có cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHG từ Trung ương đến cơ sở trong thời gian tới.

Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành Dân số tập trung nghiên cứu xây dựng và triển khai chính sách gồm: Dự thảo Nghị quyết của BCH TW Đảng khóa XII về công tác Y tế-Dân số (phần công tác dân số) để trình tại Hội nghị BCHTW lần thứ 6 vào tháng 10/2017; dự thảo Luật Dân số trình Quốc hội năm 2018. Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trong việc triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn như truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi; dịch vụ DS-KHHGĐ, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số... “Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế, với tinh thần đoàn kết tốt và nỗ lực vượt khó của tập thể Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra, hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2017 và tạo đà cho các năm tiếp theo” – Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân tiếp thu tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế. Phó Tổng cục trưởng phụ trách cho biết sẽ nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức, cùng toàn ngành phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, quyết tâm vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (Gia đình & Xã hội, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang