Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/1/2023

  • |
T5g.org.vn - Giám sát người nhập cảnh từ khu vực dịch COVID -19 đang bùng phát; Truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn; Cho thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang; Hà Nội: Nhiều gói thầu mua sắm thiết bị y tế có dấu hiệu nâng giá nhiều lần…

 

Giám sát người nhập cảnh từ khu vực dịch COVID -19 đang bùng phát

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội 2023, Bộ Y tế và các địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc cụ thể.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta sẽ diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Đó là, các biến chủng, biến thể phụ của vi-rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc-xin giảm dần theo thời gian; cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc Covid-19 nhập cảnh gia tăng khiến số ca mắc trong nước cũng tăng theo. Trong khi đó, hiện đang là giai đoạn giao mùa đông-xuân, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp; dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao…, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số ca mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc và diễn biến nặng…

Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân, như: đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sạch...; chú trọng tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để xử lý kịp thời, nhất là những người nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của vi-rút SARS-CoV-2; đẩy mạnh giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường. Chủ động, phối hợp các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur, các bệnh viện có khả năng xác định biến thể mới của Covid-19, lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể, biến chủng mới và đánh giá nguy cơ dịch bệnh.

Các địa phương tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm đúng kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Chính phủ, cần quan tâm nhóm người có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch..., trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, lưu ý ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Các địa phương cần rà soát, cập nhật các thông điệp và tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú khách du lịch và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức người dân với thông điệp thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn).

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng thực hiện công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; có các phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, trong đó các địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc Covid-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch. Giải trình tự gien xác định các biến chủng, biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur, theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong khu vực phụ trách, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh để điều chỉnh các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả; sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các địa phương, đơn vị; Chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm các trường hợp nguy cơ, trường hợp mắc bệnh để giải trình tự gien xác định các biến chủng, biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2. Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức thường trực chống dịch; phối hợp các viện, địa phương đánh giá nguy cơ dịch bệnh; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và tổ chức cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong...

Đoàn công tác của Bộ Y tế vừa trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội 2023 tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Các thành viên đoàn công tác nêu rõ, không làm xét nghiệm PCR nhưng vẫn làm xét nghiệm xác suất để làm giải trình bệnh và có phương án ứng phó. Việc test nhanh các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu là cần thiết, từ đó có biện pháp chống dịch trong thời gian sắp tới. Với ca dương tính được phân loại kịp thời, hợp lý, ca nhẹ thì hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe nơi lưu trú, ca nặng thì chuyển vào cơ sở y tế điều trị… Đoàn công tác đề nghị tỉnh Lạng Sơn chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp các ca mắc Covid-19 tăng cao; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất trong trường hợp phát sinh các tình huống mới của dịch bệnh...; kích hoạt hệ thống CDC, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã để kiểm soát các ổ dịch bất thường...

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh có công văn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện và các cơ sở y tế về triển khai phòng, chống dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội 2023. Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật trực 24 giờ trong tuần tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và các cảng hàng hải, giám sát tất cả người nhập cảnh qua Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát thực tế. Người có triệu chứng nghi ngờ sẽ được cách ly tạm thời để khám sàng lọc, khai thác dịch tễ và lấy mẫu test nhanh Covid-19. Tại các cảng hàng hải, thu thập thông tin về tàu nhập cảnh qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, qua thông báo từ các ban, ngành, đại lý tàu biển và trực tiếp từ tàu qua hệ thống thông tin liên lạc. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp cùng trung tâm y tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức bảo đảm trực 24 giờ, báo cáo các trường hợp mắc mới và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, cúm A (H5N1, H7N9)...; tăng cường giám sát sớm phát hiện ổ dịch Covid-19, chùm ca mắc Covid-19, chùm ca viêm hô hấp có diễn biến tăng bất thường... Đồng thời, tuyên truyền người dân phòng, chống dịch, tuân thủ 2K; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tổ chức tháng cao điểm tiêm vắc-xin từ ngày 5/1 đến hết 2/2... Trong bảy ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi địa phương duy trì tối thiểu hai điểm tiêm cố định, công khai điểm tiêm cho người dân biết. Về thu dung điều trị người mắc Covid-19, tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn (trừ các bệnh viện thẩm mỹ) luôn sẵn sàng tiếp nhận, thu dung và điều trị người bệnh tại đơn vị. Ngành y tế thành phố cũng đã sẵn sàng kế hoạch triển khai 10 nghìn giường bệnh, trong đó có 1.000 giường hồi sức dành cho người mắc Covid-19. (Nhân dân, trang 7).

 

Truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn

Ngày 18-1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) và 11 người khác cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo khoản 3, Điều 222 Bộ Luật Hình sự 2015.
Theo cáo trạng, năm 2016, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức đấu thầu rộng rãi để mua sắm hoá chất, vật tư, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho cả năm. Cuối tháng 12-2015, bị can Nguyễn Quang Tuấn ký quyết định phê duyệt mua hơn 800 mặt hàng, theo đơn giá phê duyệt có tổng số tiền gần 397 tỷ đồng. Trong đó, có vật tư của Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát theo đơn giá của Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) đề nghị.

Trước đó, bị can Nguyễn Quang Tuấn chỉ đạo cho 2 công ty trên ký gửi trước vật tư y tế để Bệnh viện Tim Hà Nội sử dụng, sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu rút gọn. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cho thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang

Ngày 18-1, nguồn tin riêng của PV SGGP cho hay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức cuộc họp xem xét và thống nhất cho ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước đó, ngày 4-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang có Thông báo số 910-TB/TU, về việc nhân sự thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, thôi giữ chức Giám đốc Sở Y tế, thôi Ủy viên UBND tỉnh, thôi đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Hà Văn Phúc.

Căn cứ thông báo trên, ngày 12-1-2023, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang có Tờ trình số 22/TTr-SNV, trình Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp xem xét miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Y tế đối với ông Hà Văn Phúc theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 66 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Hà Văn Phúc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kiên Giang, ông Hà Văn Phúc có một số sai phạm trong lãnh đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19, đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, kít xét nghiệm SARS-CoV-2... (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hà Nội: Nhiều gói thầu mua sắm thiết bị y tế có dấu hiệu nâng giá nhiều lần

Thanh tra Chính phủ xác định một số gói thầu thiết bị y tế chống Covid-19 tại CDC Hà Nội và 31 bệnh viện đã mua bán qua nhiều trung gian khiến bị đẩy giá, cao hơn nhập khẩu.

Ngày 17/1, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại CDC Hà Nội và 11 bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021. (Chi tiết xem báo Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang