Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/12/2023

  • |
T5g.org.vn - 5 điều cần lưu ý giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa; Thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm Tết; 490.600 liều vaccine 5 trong 1 đã về đến Việt Nam, phân bổ thế nào?...

 

Hà Nội: Số mắc sốt xuất huyết tiếp tục giảm mạnh

Tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 761 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 380 ca so với tuần trước đó và giảm gần 2.000 ca so với đầu tháng 11-2023). Đây cũng là tuần thứ 6 liên tiếp số ca mắc sốt xuất huyết giảm.

Ngày 18-12, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 8 đến 15-12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 761 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 29 quận, huyện, thị xã.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua, dẫn đầu vẫn là Hà Đông với 129 ca, tiếp đến là Thanh Oai có 96 ca, Đống Đa (62 ca), Bắc Từ Liêm (46 ca), Chương Mỹ (41 ca).

Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15-12, Hà Nội ghi nhận 39.343 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, tổng số ổ dịch là 1.964, hiện còn 41 ổ dịch đang hoạt động tại 14 quận, huyện, thị xã.

Theo CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 6 tuần gần đây. Dù vậy, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động xử lý ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả, trong đó tập trung xử lý các ổ dịch phức tạp, diễn biến kéo dài.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao nhằm đánh giá tình hình dịch, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Đồng thời, duy trì công tác truyền thông, thông tin cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để người dân chủ động thực hiện.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm 2023, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, với điều kiện thời tiết có nhiều thay đổi và diễn biến bất thường như hiện nay, chắc chắn dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cao đối với Hà Nội. Do đó, các đơn vị, các địa bàn cần chủ động có những giải pháp tăng cường phòng chống và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng trong năm 2024.

“Nếu các đơn vị, địa phương làm tốt công tác dự phòng, làm tốt từ cộng đồng với những biện pháp hữu hiệu thì tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo, đặc biệt là những chi phí khám chữa bệnh sẽ giảm”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm Tết

Từ ngày 20-12-2023 đến 20-3-2024, 5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 sẽ kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố.

Ngày 18-12, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024.

Theo đó, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh đó, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Trước thực tế đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm quyết định triển khai đợt cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm từ ngày 20-12-2023 đến 20-3-2024.

Trong thời gian này, ở cấp trung ương sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bình Dương, Kon Tum và Gia Lai.

Cùng với đó, tại các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, tăng cường kiểm tra trong dịp cao điểm này.

Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn… nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngoài ra, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. (Hà Nội mới, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 5: “5 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm Tết và lễ hội”.

 

490.600 liều vaccine 5 trong 1 đã về đến Việt Nam, phân bổ thế nào?

Chính phủ Úc đã kịp thời viện trợ 490.600 liều vaccine DTP-HepB-HiB (vaccine 5 trong 1) cho Việt Nam. Lô vaccine này đã về đến Hà Nội. Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu các đơn vị liên quan sẽ hành động quyết liệt, nhanh chóng nhất để đưa vaccine về địa phương sớm nhất, tiêm chủng cho trẻ.

Chiều 17/12, thông tin với Sức khoẻ & Đời sống, đại diện lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết,  490.600 liều vaccine 5 trong 1 do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã về đến Việt Nam trong đêm 15/12 và được vận chuyển về kho bảo quản của Viện Vệ sinh dịch tễ TW sáng hôm qua.

Vaccine 5 trong 1 giúp bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và vi khuẩn Hib tuýp b (Hib).

Trước đó, phát biểu tại sự kiện lễ bàn giao vaccine do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Úc cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng 490.600 liều vaccine 5 trong 1 là vô cùng quý và cần thiết để triển khai tiêm chủng cho trẻ em ngay trong thời gian tới.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ lời cảm ơn sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Úc đã rất kịp thời hỗ trợ vaccine theo đề xuất từ phía Bộ Y tế Việt Nam, bên cạnh đó là sự phối hợp, đồng hành của UNICEF để có thể cung ứng vaccine về Việt Nam sớm nhất.

"Để tìm được nguồn cung ứng vaccine rất vất vả, do đó đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo việc phân bổ, tổ chức tiêm chủng đúng đối tượng, hiệu quả" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định khi vaccine được bàn giao, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan sẽ hành động quyết liệt, nhanh chóng nhất để đưa vaccine về địa phương sớm nhất, nhằm tiêm chủng cho trẻ em hiệu quả.

Liên quan đến việc phân bổ số vaccine này, tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế tháng 12 do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần này, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nêu rõ, căn cứ nhu cầu theo đề xuất và thực tiễn triển khai của 63 tỉnh/thành phố, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã xây dựng kế hoạch phân bổ vaccine theo nhu cầu và hướng dẫn các địa phương triển khai theo thứ tự ưu tiên.

Thứ nhất, ưu tiên vaccine được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1. Ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi.

Thứ hai, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vacine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi.

Trong thông tin gửi báo chí chiều nay- 17/12 của UNICEF và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, ngài Andrew Goledzinowski - Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: Australia rất tự hào được hợp tác với Bộ Y tế và UNICEF giúp đưa ra giải pháp trước mắt nhằm giải quyết khó khăn hiện nay về nguồn cung vaccine ở Việt Nam.

Sự hỗ trợ này được xây dựng dựa trên sự hợp tác của Úc với Việt Nam trong việc ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 trong những năm qua.

"Việc ứng phó với khủng hoảng và các thách thức thường cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ và chúng tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vì quyết tâm giải quyết tình trạng thiếu vaccine và đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine trong tương lai. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Bộ Y tế có kế hoạch mạnh mẽ để khôi phục chương trình tiêm chủng của Việt Nam trong thời gian tới"- ngài Andrew Goledzinowski nói.

Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, bà Rana Flowers nói: Sự hợp tác của UNICEF với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc đang mang đến cơ hội cứu sống nhiều trẻ em đã bỏ lỡ tiêm vaccine hoặc chưa bao giờ được tiêm chủng. UNICEF sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế để đảm bảo rằng mọi trẻ em ở mọi nơi trên đất nước đều được tiêm chủng thường xuyên (hiện tại và trong tương lai), đồng thời khôi phục và cải thiện hơn nữa các dịch vụ tiêm chủng trở lại mức như trước khi có đại dịch. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

5 điều cần lưu ý giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa

Thời tiết thay đổi, trời lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, côn trùng truyền bệnh phát triển, khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, truyền nhiễm. Vì vậy, làm thế nào để giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa là điều vô cùng quan trọng.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có hơn 10 triệu trẻ tử vong do các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên như: Cúm, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm nhất thế giới, có tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao. Trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh viêm đường hô hấp từ 4 - 6 lần trong một năm, nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa.

Dưới đây là một số cách giúp phòng bệnh khi giao mùa ở trẻ

- Chú ý đến thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ

Cha mẹ cần dạy trẻ vệ sinh cá nhân thông qua những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, điều này sẽ giúp trẻ tự bảo vệ sức khỏe của mình, dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất và nâng cao kỹ năng dần dần.

Việc giữ gìn vệ sinh bàn tay, chải răng, vệ sinh thân thể là rất cần thiết, vì nếu răng miệng, bàn tay bị bẩn sẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Chẳng hạn như trẻ đi vệ sinh xong nhưng không rửa tay sạch và tiếp tục ăn uống thì khả năng vi khuẩn sẽ bám vào thức ăn, xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh.

Việc rửa tay còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh và lan truyền dịch bệnh. Việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch tay chân miệng, sởi...

Vì vậy, cần hướng dẫn và dạy trẻ chú ý rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đùa.

- Chú ý nơi ở, khu vui chơi cần thông thoáng, sạch sẽ

Môi trường sống của trẻ cần đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, trong lành, phòng ngủ cần thông gió bằng cách mở cửa sổ, để hạn chế sự sinh sôi và lây lan của virus, vi khuẩn, điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa bệnh tật, nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp.

Vì vậy, cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa đúng cách như: Vệ sinh những đồ vật thường tiếp xúc như tay nắm cửa, các bề mặt vật dụng trong nhà, đồ chơi của trẻ… bằng các dung dịch diệt khuẩn. Ngoài ra, cần làm vệ sinh ban công, tay vịn cầu thang và bất kỳ đồ vật nào được cầm bằng tay.

Luôn đảm bảo sàn nhà được hút bụi và lau chùi thường xuyên. Cần giặt ghế sofa, khăn lau bếp, lau tay thường xuyên, vì đây là nơi trú ngụ của virus, vi khuẩn.

Trong gia đình tuyệt đối không dùng chung khăn tắm, bàn chải đánh răng. Giặt khăn tắm, khăn mặt hai lần một tuần.

Quét dọn nhà cửa thường xuyên, gọn gàng ngăn nắp, loại bỏ những nơi có nước đọng, nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Duy trì thói quen nằm màn khi ngủ, kể cả buổi trưa.

- Cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo

Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ và tránh những chủng bệnh có thể ngăn ngừa được, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

Việc tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp 95% trẻ được tiêm chủng tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể trước những loại virus, vi khuẩn, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - vì những bệnh này có khả năng để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ sẽ tránh được các bệnh truyền nhiễm, tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể, không bị các di chứng cũng như dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não.

- Chú trọng đến dinh dưỡng cho trẻ

Để phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Cho trẻ ăn bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng theo khuyến nghị, để giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, đa dạng các loại thực phẩm sẽ cung cấp cho trẻ đầy đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ, đồng thời giúp tăng sức đề kháng cho trẻ và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bệnh tật.

Ưu tiên các loại rau củ màu vàng, cam, đỏ và xanh đậm như bí đỏ, cà rốt, khoai lang, cà chua, ớt chuông, gấc, súp lơ xanh, tỏi, gừng, nghệ… sẽ chứa nhiều khoáng chất và vitamin thiết yếu có lợi cho hệ tiêu hóa và sức đề kháng của trẻ. Ngoài ra, chúng còn chứa hàm lượng lớn chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ các hoạt động tiêu hóa thức ăn.

Một số loại trái cây cũng giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ như trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, quýt, chanh…), đu đủ, kiwi giúp bổ sung vitamin C.

Chú ý sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường thể dục thể thao

Theo nhiều nghiên cứu mới trên thế giới, việc tập luyện thể thao giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, có thể giúp chúng ta chống lại các bệnh cúm, bệnh về hô hấp.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và tập thể thao, vì trẻ sẽ được phát triển ở khối cơ, xương và tầm vóc. Trẻ cần duy trì tập thể thao thường xuyên tối thiểu 2 - 3 lần/tuần.

Trẻ có thể tập thể thao với các môn như bóng đá, bóng rổ, cầu lông, nhẩy dây, đạp xe, chạy bộ, võ thuật, dance sport, bơi lội… Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những bài tập vận động phù hợp với lứa tuổi, để nâng cao sức khỏe cho trẻ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang