Ăn hoa cà độc, cả nhà 4 người nhập viện
Ăn cơm với hoa cà hái ở chân núi, vợ chồng ông Thắng và hai con gái phải nhập viện cấp cứu do nôn mửa, ngất xỉu. Ngày 19/3, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cấp cứu cho 4 bệnh nhân ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân gồm vợ chồng ông Vi Văn Thắng (45 tuổi), bà Hà Thị Tín (43 tuổi) và hai cô con gái. Gia đình ông Thắng bị trúng độc sau bữa ăn có món hoa cà nghi chứa độc tố cao.
Theo người nhà bệnh nhân, trưa 17/3, bà Tín đi làm rẫy hái một giỏ hoa cà mọc hoang trong chân núi về chế biến thành món ăn cho cả gia đình dùng bữa. Vừa ăn xong, cả 4 người đều có triệu chứng buồn nôn, khó chịu, khó thở, nôn mửa. Chiều cùng ngày, người thân phát hiện sự việc đã đưa bà Tín cùng chồng con tới Trạm xá xã Xuân Hòa cấp cứu. Các bệnh nhân sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.
Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong bốn bệnh nhân thì 3 người lớn bị ngộ độc nặng với triệu chứng ngất xỉu và mê man. Còn cháu gái nhỏ 2 tuổi không ăn trực tiếp món mà chỉ tiếp nhận qua đường sữa mẹ nên không ảnh hưởng nhiều.
Sau hai ngày điều trị, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định. Đại diện chính quyền địa phương cho hay, vợ chồng ông Thắng là người dân tộc Thái, hoàn cảnh khó khăn nên thường lên rừng hái rau dại về ăn. “Có thể bà Tín không biết đó là cây cà độc nên đã hái về ăn”, ông Lương Hồng Hà, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa nói (Thanh niên trang 2).
Thêm trẻ chào đời nhờ mang thai hộ
Ngày 18.3, bác sĩ (BS) Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM, cho biết trường hợp đầu tiên trẻ chào đời bằng phương pháp mang thai hộ ở BV Từ Dũ là cặp song sinh ra đời ngày 16.3, hiện khỏe mạnh. Cặp song sinh là hai bé trai nặng 2,1 kg và 1,9 kg do chị N.T.M (34 tuổi, quê Khánh Hòa) mang thai. Người nhờ chị M. mang thai là cặp vợ chồng có quan hệ họ hàng. Theo thống kê của BV Phụ sản Từ Dũ, hiện có 33 trường hợp đến BV này làm hồ sơ mang thai hộ. Trong đó, có 19 trường hợp đã được duyệt và đang điều trị 17 trường hợp (6 ca có thai, tính cả trường hợp song sinh nói trên). Trước đó, ngày 22.1, bé gái chào đời bằng mang thai hộ tại BV Phụ sản T.Ư Hà Nội là trường hợp đầu tiên tại VN (Thanh niên trang 8, An ninh thủ đô trang 4, Lao động trang 3).
Gấp rút nâng chuẩn trung cấp ngành y
Trước quy định của Bộ Y tế về việc từ năm 2021, các cơ sở y tế trong nước sẽ ngừng tuyển dụng người tốt nghiệp các ngành đào tạo y dược trình độ trung cấp, nhiều trường trung cấp như ngồi trên lửa, tìm đường cứu mình.
Chỉ còn cách liên thông
Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT thông tin: “Mỗi năm, tổng chỉ tiêu bậc trung cấp (TC) trên toàn quốc là 125.000 - 130.000. Riêng khối ngành sức khỏe chiếm hơn 60.000”.
Ông Nghệ cho rằng với khoảng 130.000 cán bộ đang làm ở các cơ sở y tế có trình độ TC hiện nay và với những người đang học hoặc vừa tốt nghiệp muốn được làm việc trong ngành thì chỉ còn cách duy nhất là liên thông. Kể cả những bạn trẻ mong muốn học ngành chăm sóc sức khỏe mà không đủ năng lực đậu ĐH, cũng phải chọn con đường học TC rồi liên thông lên CĐ, ĐH.
Đối với Trường TC Quang Trung, 3 ngành dược sĩ, y sĩ và điều dưỡng là những ngành chủ chốt của trường, thu hút số lượng học sinh đông nhất. Ông Nguyễn Đình Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trước mắt trường vẫn tuyển bình thường. “Nếu những người học y, dược chỉ vì phong trào, không xác định đường dài thì họ sẽ không đăng ký nữa. Tuy nhiên, với những bạn đã có định hướng sẽ làm trong nghề y vì đam mê, vì phù hợp, thì họ sẽ vẫn tiếp tục học TC rồi sau này liên thông”, ông Quang nhận định. Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường TC Bến Thành, cũng cho biết hầu hết học sinh trong trường sau khi nghe tin này đều có nhu cầu học lên CĐ, ĐH, nên trường cũng liên kết với ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để đáp ứng nhu cầu này.
Tuy nhiên, đây là điều không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Theo tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, chỉ tiêu liên thông bị giới hạn ở mức 15% tổng chỉ tiêu của mỗi trường. “Bắt đầu từ năm nay, nhu cầu học liên thông khối ngành sức khỏe từ TC lên CĐ, ĐH sẽ rất lớn. Tại trường, một số bệnh viện cũng đang liên lạc để tổ chức cho cán bộ đến học tiếp lên bậc CĐ. Nhưng nếu các trường làm đúng quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu cho hệ này không nhiều, nên sẽ tiếp nhận không xuể vì nhu cầu rất cao”.
Nâng cấp thành cao đẳng, mở chương trình liên kết
Đại diện Trường TC Phương Nam cho biết đang tìm cách liên kết với một số trường ĐH để giúp học sinh tốt nghiệp có cơ hội liên thông. “Trong trường hợp tìm mọi cách như vậy rồi mà vẫn không có người học, thì chỉ còn một cách là nâng cấp thành trường CĐ”. Ông Nguyễn Đình Quang, Hiệu trưởng Trường TC Quang Trung, cũng cho rằng trong tương lai gần, trường sẽ xin nâng cấp thành trường CĐ.
Trong khi đó thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trường Trường TC Ánh Sáng, thông tin ngoài việc liên kết với các trường ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe để giúp học sinh liên thông, trường đang đẩy mạnh liên kết với Đức và Nhật Bản để giúp học sinh học chuyển tiếp sau đó ở lại làm việc trong các viện dưỡng lão.
Trường TC Phương Nam cũng không nằm ngoài thực trạng này. “Trong trường hợp liên kết để liên thông, xuất khẩu lao động... mà vẫn không có người học, thì lại chỉ còn một cách là nâng cấp thành trường CĐ”, bà Đào Thị Ngọc, Phó hiệu trưởng nhà trường nhận định. Ông Nguyễn Đình Quang cũng khẳng định trong tương lai gần, Trường TC Quang Trung sẽ xin nâng cấp thành trường CĐ.
Số lượng các trường TC đào tạo y dược trên toàn quốc khá nhiều. Hầu như tỉnh nào cũng có một trường, có tỉnh có đến 2, 3 trường như Bắc Ninh, Bắc Giang. TP.Hà Nội có tổng cộng 7 trường TC y, dược… Đó là chưa kể hàng loạt trường CĐ, trung cấp khác có đào tạo những ngành học này (Thanh niên trang 11).
Điều trị dứt điểm đau rễ cổ sau 15 phút
Đó là trường hợp điều trị thành công của bệnh nhân L.Q.H, 58 tuổi, nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội). Ông H vào Khoa phẫu thuật thần kinh – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội ngày 12-3. Triệu chứng của bệnh nhân là rất đau mỗi khi cử động hay quay cổ, không giơ tay lên được, không viết được. Qua khám bệnh và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương rễ cổ (C6) và được điều trị bằng phương pháp tiêm dung dịch thuốc thẩm phân. Sáng 16-3, Tiến sĩ Bùi Văn Giang - Phó Giám đốc bệnh viện và các cộng sự đã tiêm dung dịch thuốc phẩm phân hỗn hợp khoảng 20ml gồm thuốc tê và corticoid dưới hướng dẫn của máy chụp mạnh vào khoang rễ cổ 6. Sau 15 phút, bệnh nhân đã cử động cổ gần như bình thường, hoạt động 2 tay bình thường, cúi ngửa đầu thoải mái.
Theo Tiến sĩ Bùi Văn Giang, về cơ học trường hợp này là do bị chèn ép rễ và do viêm. Cả 2 nguyên nhân trên đều có thể điều trị bằng phương pháp tiêm dung dịch thuốc thẩm phân. Từ đầu năm 2016 đến nay, đây là bệnh nhân thứ tư bị đau rễ cổ 6 được điều trị bằng phương pháp này (An ninh thủ đô trang 15).
Phục hồi trí nhớ cho bệnh nhân Alzheimer
Hi vọng về khả năng phục hồi trí nhớ cho những người bệnh Alzheimer trở nên sáng rõ hơn bao giờ hết, sau khi một nhóm các nhà khoa học tuyên bố đã phục hồi trí nhớ cho những con chuột trong phòng thí nghiệm. Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ và Viện Riken của Nhật Bản, họ đã phục hồi thành công trí nhớ cho những con chuột bằng việc sử dụng ánh sáng xanh đèn flash.
Theo đó, thí nghiệm tiến hành với những con chuột đã được chỉnh sửa gen để chúng có các triệu chứng giống hệt người bệnh Alzheimer. Trong thí nghiệm, chuột bị châm một xung điện vừa phải vào bàn chân. Với những con khỏe mạnh, chúng tỏ ra sợ hãi khi bị đưa trở lại lồng nhưng với những con bị chỉnh sửa gen, chúng không tỏ ra sợ hãi vì đã “quên” mất vụ bị điện giật.
Với những người bị Alzheimer, hồi hải mã trong não họ bị thu nhỏ bớt, đây lại là phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành ký ức. Các nhà nghiên cứu đã dùng ánh sáng flash màu xanh lá kích thích các tế bào trong hồi hải mã, giúp phát triển các tế bào thần kinh ở đây. Sau khi được kích thích, những con chuột bị chỉnh sửa gen đã tỏ ra sợ hãi khi bị đưa trở lại lồng, dấu hiệu cho thấy chúng đã “nhớ ra” kinh nghiệm bị giật điện lần trước.
Giáo sư Susumu Tonegawa, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Ngay cả khi ký ức dường như biến mất thì nó vẫn còn ở đó. Vấn đề chỉ là làm thế nào để lấy lại được nó”. Phương pháp kích thích tế bào ở chuột trong thí nghiệm không an toàn khi dùng cho người, nhưng giáo sư Tonegawa cho rằng kết quả thí nghiệm là một bằng chứng cho thấy khả năng có thể phục hồi trí nhớ ở người bệnh Alzheimer nếu tìm ra một cách khác an toàn hơn (Tuổi trẻ trang 19).
Tỏa sáng tài năng trẻ quân y
Những công trình, sáng kiến của các cán bộ khoa học trẻ ở Học viện Quân y trong nhiều năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và người dân. Nghiên cứu khoa học để cứu người
Mới ngoài 30 tuổi nhưng đại úy, thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Nga (giảng viên bộ môn sinh học và di truyền) đã có 4 công trình y học được ứng dụng vào thực tế. Gần đây nhất, chị và các cộng sự vừa hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi bệnh teo cơ tủy”. Đây là đề tài nhánh nằm trong cụm đề tài cấp Nhà nước được thông qua với kết quả xuất sắc và mang lại cơ hội cho những gia đình có con bị bệnh có khả năng sinh con không bị bệnh di truyền, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đại úy Nga cho biết, bệnh teo cơ tủy là một bệnh di truyền nguy hiểm, cứ 10 nghìn trẻ đẻ sớm, có một trẻ mắc bệnh. Trăn trở với điều này, chị và các cộng sự đã dành 3 năm để nghiên cứu đề tài. Năm 2015, đề tài thành công và đưa vào ứng dụng rất hiệu quả. Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam tiến hành nghiên cứu, chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi cho bệnh lý di truyền do đột biến gen.
Công trình “Trình tự một số gen tiêu biểu của Bacillus anthracis và phát triển kỹ thuật multiplex PCR mới chẩn đoán Bacillus anthracis gây bệnh ở Việt Nam” vừa đoạt giải nhất tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ Học viện năm 2015 của thượng úy, thạc sỹ Đinh Thị Thu Hằng được đánh giá rất cao trong mắt các đồng nghiệp ngành y. Từ năm 2008 đến nay, thượng úy Hằng cùng với cộng sự đã nghiên cứu và công bố 8 công trình chủ yếu, trong đó có những công trình đã được áp dụng trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Ở tuổi 38, thiếu tá, PGS.TS Vũ Bình Dương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng sản xuất thuốc) đã có 3 đề tài cấp Nhà nước, trong đó 2 đề tài đã nghiệm thu cùng nhiều đề tài cấp bộ và cấp cơ sở. Năm 2015, cụm công trình “Nghiên cứu lên men tự thân tỏi đen Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng” do anh làm chủ nhiệm đề tài đã đoạt giải khuyến khích, giải thưởng “Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam”.
Năm 2008, khi sang Hàn Quốc học tập nghiên cứu, thiếu tá Dương nhận thấy ở đây có nhiều tỏi đen thành phẩm bán ngoài thị trường, có tác dụng hơn hẳn tỏi trắng. Phải đến cuối năm 2012, qua hàng trăm lần thử, tỏi đen của nhóm nghiên cứu mới đạt độ ổn định về hoạt chất. Đến cuối năm 2013, tỏi thành phẩm sản xuất ở quy mô lớn mới đạt ổn định. Từ kết quả của đề tài, thiếu tá Dương và cộng sự đã nghiên cứu bào chế nhiều chế phẩm từ tỏi đen như viên nang tỏi đen Blakgarlic, viên nang mềm tỏi đen sâm Ngọc Linh, viên nang mềm tam thất-tỏi đen, tỏi đen nguyên củ. Các sản phẩm này hiện đã được sản xuất quy mô công nghiệp và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên thị trường với số lượng lớn.
Tạo bệ phóng cho tài năng trẻ
Theo các nhà khoa học đánh giá, phong trào “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và “Sáng tạo trẻ” trong thanh niên ở Học viện Quân y luôn được đẩy mạnh, thực sự đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả nhất định. Năm 2015, có 77 đề tài, sáng kiến kỹ thuật của cán bộ trẻ và sinh viên được hoàn thành. Các công trình khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ trẻ, đảng viên trẻ và học viên, sinh viên của Học viện luôn được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao. Tuổi trẻ Học viện đã giành được nhiều giải thưởng và thành tích cao trong các hội nghị khoa học cấp bộ, ngành và toàn quốc.
Thiếu tướng, PGS.TS Đồng Khắc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Quân y cho biết, để giúp cán bộ trẻ và đội ngũ cán bộ làm khoa học có thể tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật, công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại, đạt trình độ công nghệ cao, xứng tầm quốc gia và trong khu vực, bí quyết thành công của Học viện là kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo, điều trị (Tiền phong trang 7).
Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng
Ngày 18-3, theo tin từ Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 176 ca mắc tay chân miệng (TCM) rải rác tại 19 quận, huyện, thị xã và không có ca tử vong. Dù số mắc giảm 41% so với cùng kỳ nhưng từ cuối tháng 2 và tháng 3 số mắc lại gia tăng. Cụ thể, trong tháng 1, Hà Nội ghi nhận 52 ca TCM thì đến thời điểm này của tháng 3 đã ghi nhận 73 ca, đặc biệt có 2 ca dương tính với vi rút EV71. Đây là chủng vi rút nguy hiểm, bệnh cảnh thường diễn biến nặng.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời tiết như hiện tại thuận lợi cho tác nhân gây bệnh TCM phát triển. Do đó, Sở Y tế yêu cầu TTYT dự phòng Hà Nội hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch TCM cho TTYT các quận, huyện, thị xã, đồng thời tổ chức phát động chiến dịch "Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh TCM" và bảo đảm cung ứng đầy đủ Cloramin B, trang thiết bị cần thiết cho xử lý dịch.
Mặt khác, các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, tập huấn cho cán bộ y tế về các phác đồ cấp cứu và điều trị TCM, thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế thấp nhất tử vong (Hà Nội mới trang 5).
Cứu sống bệnh nhân Lào mắc uốn ván thể tối cấp
Bệnh nhân người Lào nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì mắc uốn ván thể tối cấp đã được BV HNĐK cứu sống một cách thần kỳ. Ngày 18/3, thông tin từ BV HNĐK Nghệ An cho biết, qua 1 tháng được điều trị tích cực hiện sức khỏe của bệnh nhân Xồng Dàng, 45 tuổi, trú tại tỉnh Bolykhamxay, Lào đã có những chuyển biến tích cực. Trước đó bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức kém, tiếp xúc chậm, cứng hàm, khó thở, co giật toàn thân, được tiên lượng tình trạng rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.
Qua thăm khám các bác sĩ xác định bệnh nhân, bệnh nhân bị nhiễm uốn ván thể tối cấp, cách thời điểm nhập viện hơn 1 tuần. Trong quá trình điều trị bệnh nhân liên tục rơi vào tình trạng nguy kịch. Để tìm ra phác đồ điều trị tối ưu nhất đối với trường hợp bệnh nhân, bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên khoa gồm khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Thần kinh, Chấn thương.
Bệnh nhân sau đó được sử dụng thuốc đặc trị và ưu tiên sử dụng các thiết bị y tế tốt nhất như máy thở, Monitor theo dõi toàn trạng. Đến ngày hôm nay bệnh nhân đã cai được máy thở, qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã có những chuyển biến tích cực.
Xét thấy điều kiện hoàn ảnh gia đình bệnh nhân vô cùng khó khăn, Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định miễn toàn bộ chi phí điều trị gần 150 triệu đồng cho bệnh nhân, đồng thời hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho người nhà bệnh nhân (Vov.vn, Nhân dân trang 5).