Đấu thầu tập trung, giá nhiều loại thuốc giảm đến một nửa
Những thông tin về đợt đầu thầu thuốc tập trung kể trên đang được dư luận rất quan tâm bởi lâu nay tình trạng hỗn loạn giá thuốc đang diễn ra khá phổ biến. Hơn nữa, chi phí tiền thuốc luôn chiếm quá nửa tổng chi phí khám chữa bệnh, thế nên giá thuốc giảm sẽ giúp gánh nặng chi phí của người bệnh vơi đi rất nhiều.
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu tập trung vừa mở gói thầu đầu tiên với giá trị 2.600 tỷ đồng. Đây là gói thầu mua sắm hơn 20 loại thuốc thuộc 5 hoạt chất điều trị ung thư. Gói thầu tập trung này sẽ có giá trị từ ngày 1-1-2018 đến hết năm 2019.
Hiện tại, dù kết quả trúng thầu chưa được chính thức phê duyệt song theo những thông tin ban đầu, các loại thuốc trúng thầu thông qua hình thức đấu thầu tập trung có giá thấp hơn giá trúng thầu trung bình năm 2016 tới gần 600 tỷ đồng.
Đặc biệt có 3 loại biệt dược gốc trước đây chưa bao giờ giảm giá thì lần này giảm 12%, tương đương giảm được gần 80 tỷ đồng so với năm 2016. Rất nhiều mặt hàng thuốc khác có giá giảm chỉ bằng một nửa so với trước khi đấu thầu tập trung, thậm chí có mặt hàng giảm tới 70%.
Dự kiến, sau khi kết quả phê duyệt trúng thầu với gói thầu tập trung đầu tiên kể trên được công bố, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục xây dựng danh mục thuốc mới cho Trung tâm mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu tập trung, hướng đến các thuốc thiết yếu, thông dụng, được dùng nhiều trong các bệnh viện lớn trên toàn quốc.
Quá trình đấu thầu tập trung được thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu rộng rãi, đảm bảo sự cạnh tranh và tính minh bạch để chọn ra thuốc tốt có giá thành tốt theo xu hướng giá thuốc qua đấu thầu tập trung phải giảm hơn so với đấu thầu riêng lẻ ở nhiều nơi. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tiến hành đàm phán lại về giá với các nhà cung cấp thuốc biệt dược giá cao và đang bị độc quyền của các hãng thuốc nước ngoài nhằm giảm giá thuốc.
Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, chi phí khám chữa bệnh do quỹ BHYT dự kiến chi trả năm nay khoảng hơn 90.000 tỷ đồng, hơn 50% trong số này là chi phí mua thuốc. Vì thế, khi giá thuốc giảm sẽ góp phần tiết kiệm chi cho quỹ BHYT, giúp cân đối quỹ tốt hơn và đặc biệt là quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT sẽ được đảm bảo tốt hơn.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trên thực tế đấu thầu thuốc tập trung đã được triển khai từ vài năm qua song mới thực hiện dưới hình thức tập trung ở cấp tỉnh, thành phố. Mô hình đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia được thực hiện theo Luật Đấu thầu vừa có hiệu lực, nhằm tạo nên sự đột phá trong việc cung ứng thuốc cho người bệnh với hai tiêu chí: đảm bảo giá thành tốt theo xu hướng giảm giá thuốc đi và đảm bảo cung ứng đủ thuốc với chất lượng theo đúng yêu cầu điều trị. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến hành thí điểm mô hình đấu thầu thuốc tập trung quốc gia với những gói thầu đầu tiên.
BHXH Việt Nam đánh giá, thông tin về việc tổng chi phí mua thuốc giảm được tới gần 600 tỷ đồng chỉ trong 1 gói đấu thầu thuốc tập trung đầu tiên vừa triển khai là tín hiệu rất đáng mừng. Không chỉ giảm giá thuốc 15-17%, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia còn khắc phục triệt để được tình trạng “hỗn loạn giá thuốc” vốn diễn ra khá phổ biến thời gian qua, tức cùng một loại thuốc của cùng một nhà sản xuất nhưng mua ở các cơ sở khác nhau lại có sự chênh lệch lớn. Tình trạng này là một nhược điểm cố hữu của việc đấu thầu riêng lẻ với quá nhiều hội đồng chấm thầu thuốc.
Trước những ý kiến lo ngại việc cơ chế đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia dường như chỉ nặng về yếu tố hạ giá thuốc nên chất lượng thuốc sẽ có vấn đề, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này.
Theo vị Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, với đấu thầu thuốc tập trung, chất lượng thuốc sẽ được đảm bảo thống nhất trên cả nước bởi chỉ các thuốc đủ điểm kỹ thuật mới được xem xét tham gia đấu thầu và các loại thuốc chỉ được đấu giá với nhau trong cùng một nhóm (tân dược được phân vào 5 nhóm cụ thể), với những tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch, cố định. “Vấn đề là hội đồng đấu thầu đó có làm đúng quy trình, quy định, có đảm bảo tính minh bạch không và có vô tư, khách quan hay không? Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ tuân thủ rất nghiêm ngặt quy trình đó” - ông Phạm Lương Sơn cho biết (An ninh thủ đô, trang 6).
Tạm dừng nhập khẩu, sử dụng 3 lô sinh phẩm y tế nghi nhiễm bệnh bò điên
Cục Quản lý dược-Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các sở y tế và các công ty dược trên cả nước tạm dừng mua bán và sử dụng 3 lô sinh phẩm y tế nghi nhiễm bệnh Creutzfeld-Zakop (bệnh bò điên). Trước đó, Ban Kinh tế & Thương mại - Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã có thông báo, đồng thời trên thế giới thì Cục Quản lý dược Italy, Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary cũng đã có cảnh báo về việc một số lô sinh phẩm y tế có nguồn gốc máu, huyết tương do Công ty Kedrion Spa và Công ty Human BioPlazma Kft sản xuất nghi ngờ khả năng nhiễm bệnh bò điên. Qua rà soát tại Việt Nam, ngày 7-9, Công ty TNHH Bình Việt Đức (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) có báo cáo về việc đơn vị này đã nhập 3 lô sản phẩm Human Albumin 20% (200g/l) (số lô: 29610616, 29700916, 29590616) do một công ty của Hunggary sản xuất, công ty CP dược phẩm Trung ương CP1 phân phối tại Việt Nam.
Trong khi chờ Cục Quản lý dược phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary kiểm tra và đánh giá tính an toàn sản phẩm này, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế, bệnh viện và các đơn vị kinh doanh dược trên cả nước tạm dừng nhập khẩu, phân phối, mua bán, sử dụng 3 lô sinh phẩm trên. Đồng thời, các Sở Y tế cần khẩn trương thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị kinh doanh trên địa bàn tăng cường theo dõi, xử trí trường hợp phản ứng có hại của các thuốc trên (An ninh thủ đô, trang 6).
Tập trung phòng, chống dịch sốt xuất huyết ở khu vực ngoại thành
Chiều 18-9, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh, trong tuần qua (từ ngày 11 đến 17-9), toàn thành phố ghi nhận 1.956 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 1.613 trường hợp so với tuần cao điểm của tháng 8-2017). Các quận, huyện trọng điểm về dịch cũng ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết giảm - từ 20 đến 70 ca/tuần - như Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… Tuy nhiên, một số quận, huyện khác lại ghi nhận số ca mắc tăng như Hà Đông (tăng 55 ca), Long Biên (tăng 8 ca) và Tây Hồ (tăng 7 ca)... Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dù số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm nhưng các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, công tác chống dịch cần được đẩy mạnh tại một số huyện bắt đầu có số ca mắc tăng. Ngoài việc xử lý triệt để các ổ dịch mới, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát tại khu vực ngoại thành. Ngoài sốt xuất huyết, một số dịch bệnh khác cũng có ca mắc mới. Cụ thể, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 56 trường hợp tay chân miệng, 1 trường hợp liên cầu khuẩn lợn, 2 trường hợp sốt phát ban dạng sởi và 1 trường hợp viêm não Nhật Bản (Hà Nội mới, trang 1).
Vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Yêu cầu bồi thường 2 tỷ đồng
Liên quan tới vụ tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình mới đây đã có cuộc đối thoại với 8 gia đình có bệnh nhân tử vong. Đây cũng là cuộc đối thoại đầu tiên giữa bệnh viện với người nhà bệnh nhân sau gần 4 tháng xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng về chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Chủ trì cuộc đối thoại, ông Quách Thiên Tường, Phó Giám đốc thường trực, phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có bệnh nhân tử vong; đồng thời khẳng định, việc xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng đó là trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thuộc bệnh viện.
Trong quá trình đối thoại, đại diện các gia đình có bệnh nhân tử vong đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bồi thường 250 triệu đồng/bệnh nhân, tổng cộng là 2 tỷ đồng. Trước đề nghị này từ phía gia đình bệnh nhân, ông Tường cho biết, đây là lần đầu tiên bệnh viện phải giải quyết một vụ việc rất phức tạp nên còn nhiều khó khăn, lúng túng trong chuẩn bị kinh phí, cũng như các căn cứ pháp lý tài chính. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục đối thoại và có quyết định cuối cùng trong giải quyết vấn đề dân sự vào cuối tháng 9 này.
Trước đó, vào sáng 29-5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu bất thường. Sau đó, 8 bệnh nhân chạy thận lần lượt tử vong; 10 bệnh nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và hiện sức khỏe đã hồi phục (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Mùa bệnh dịch, chớ lạm dụng truyền dịch
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận gần 125.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), với 29 ca tử vong. Trong khi đó, theo cảnh báo của các chuyên gia dịch tễ, giai đoạn tháng 9 - 10 thường là cao điểm của SXH. Dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cho người dân rất lo lắng, đặc biệt không ít người khi bị SXH đã tự ý điều trị bằng cách truyền dịch tại nhà và sử dụng các thuốc hạ sốt, khiến dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm (sốc, co giật, trụy mạch, tràn dịch, suy thận…), không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị mà còn đe dọa tới tính mạng.
Coi chừng mất mạng
Gần 5 ngày nằm viện điều trị SXH tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, nhưng chị L.T.H. (ở Thanh Trì, Hà Nội) vẫn rất mệt mỏi và khó thở vì biến chứng do tự ý truyền dịch. Chia sẻ với chúng tôi, chị L.T.H. cho biết trước đó khoảng một tuần, khi thấy cơ thể có biệu hiện đau nhức, sốt và chán ăn, chị đã nhờ y tá của một phòng khám tư tới nhà để truyền dịch và vitamin vì nghĩ rằng bị sốt virus nên truyền dịch sẽ sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau 2 ngày truyền dung dịch nước muối sinh lý, vitamin và kháng sinh, tình trạng sức khỏe của chị H. chẳng những không khả quan mà còn sốt cao hơn, thỉnh thoảng lại có biểu hiện co giật.
Gia đình lập tức đưa chị H. vào BV cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị SXH đã biến chứng do việc lạm dụng truyền dịch dẫn tới tụt huyết áp, chảy máu bất thường, tràn dịch, việc điều trị cho nữ bệnh nhân này rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Các bác sĩ cho biết, trong mùa dịch SXH đang bùng phát, đã có không ít trường hợp người bệnh bị sốt cao nhưng không tới BV khám vì ngại quá đông, đã nhờ người tới truyền dịch tại nhà mà không hề biết đang có nhiều mối nguy hiểm rình rập khi tự ý chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Đống Đa, cho biết BV từng tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nhiều trường hợp bị SXH biến chứng do tự ý truyền dịch tại nhà, trong đó có cả những trường hợp trẻ nhỏ là nạn nhân của việc cha mẹ tự làm... “bác sĩ”. Mới đây, BV đã tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi, được người thân đưa tới cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, sốt cao li bì, người phù...
Qua xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi này đã bị tràn dịch màng phổi, màng tim, do gia đình đã tự truyền tới 5 chai nước muối sinh lý tại nhà cho cháu bé để… hạ sốt.
Các bác sĩ đã phải tháo ra hàng lít dịch truyền từ trong người bệnh nhân và tiến hành bù điện giải, cháu bé mới qua cơn nguy kịch.
Đừng tự ý và lạm dụng
Theo Bộ Y tế, trong tổng số ca mắc SXH trên cả nước, riêng Hà Nội có hơn 27.700 trường hợp với 7 ca tử vong, và đang là địa phương có số người mắc SXH cao nhất cả nước. Mặc dù số người mắc SXH tại các tỉnh, thành phố gần đây có chiều hướng giảm so với đầu tháng 8-2017, nhưng trước tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp (đặc biệt tại miền Bắc, miền Nam, miền Trung đều có mưa nhiều, tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển), dịch SXH vẫn có nguy cơ gia tăng mạnh mẽ số người mắc và tử vong trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Y tế cảnh báo, từ nay đến cuối năm, công tác chống dịch SXH cần phải tiếp tục được tăng cường, tập trung vào việc diệt lăng quăng, diệt muỗi và phun hóa chất vệ sinh môi trường. Đặc biệt, người dân không nên tự ý truyền dịch không đúng chỉ định, để phòng những biến chứng nguy hiểm.
Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh SXH thường kéo dài 7 - 10 ngày và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân đang sốt cao, người mệt mỏi, nếu truyền dịch sẽ rất dễ bị sốc, lên cơn co giật. Giai đoạn 2, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi… Đây là giai đoạn tăng thấm, rất dễ bị thoát dịch qua màng bụng, cần phải truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể, nhưng phải truyền theo chỉ định và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Giai đoạn cuối là phục hồi, sẽ diễn ra quá trình tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong giai đoạn này sẽ dẫn tới thừa dịch, gây biến chứng phù phổi.
Làm rõ hơn những biến chứng nguy hiểm của việc tự ý truyền dịch khi bị SXH, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai, cho biết nhiều bệnh nhân SXH bị sốt cao, vã mồ hôi, chán ăn trong 3 ngày đầu mắc bệnh, thường có tâm lý muốn truyền dịch để đỡ mệt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng truyền dịch được.
Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh nên nếu truyền dịch sẽ dễ bị sốc và khi đã sốc thì rất khó để cứu sống. Trong quá trình SXH, có giai đoạn bị mất dịch (thường là 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn có hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu tự ý truyền dịch sẽ gây hiện tượng thừa dịch, dẫn tới phù phổi và các biến chứng nguy hiểm. “Vì thế, việc tính toán tốc độ truyền, dịch truyền là do bác sĩ chỉ định trên từng thể trạng, bệnh nhân không nên tùy tiện muốn là truyền, sẽ rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường cảnh báo. Hơn nữa tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm có pha vitamin cho bệnh nhân SXH, vì rất dễ dẫn tới sốc. Bệnh nhân SXH nếu phải truyền dịch thì tốt nhất chỉ truyền dung dịch nước muối sinh lý để bảo đảm an toàn, cùng với đó tăng cường chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cho người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Vaccine dịch vụ Pentaxim chỉ gián đoạn trong một thời gian ngắn
Chiều 15-9, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện các doanh nghiệp cung ứng vaccine dịch vụ trên địa bàn TP đang tạm thời hết vaccine Pentaxim (5 trong 1) trong một thời gian ngắn. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vaccine Pentaxim, đại diện văn phòng Công ty Sanofi Pasteur tại Việt Nam cho biết, dự kiến sau tháng 9-2017, công ty sẽ tiếp tục nhập thêm 63.000 liều vaccine cho toàn quốc. Từ đầu năm đến nay công ty đã phân phối cho TP hơn 31.000 liều Pentaxim trong tổng số 107.000 liều nhập về Việt Nam.
Ngoài ra, theo thông tin từ Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline tại Việt Nam, hiện công ty đang hoàn tất thủ tục xin Bộ Y tế phê duyệt vaccine dịch vụ Infanrix (6 trong 1), dự kiến trong tháng 10-2017 công ty sẽ nhập về 120.000 liều vaccine Infanrix để phục vụ cho nhu cầu tiêm chủng trong cả nước.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện nay, vaccine Quinvaxem được cung cấp đầy đủ tại khoảng 12 000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Các bậc phụ huynh cần tiếp tục phối hợp tốt với nhân viên y tế tiêm chủng như thời gian qua cho dù là tiêm vaccine dịch vụ hay vaccine chương trình, cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình khi đi tiêm vaccine như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác (Sài Gòn giải phóng, trang 3).