Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Hàng loạt phòng khám có yếu tố nước ngoài bị phạt; Tiền bảo hiểm y tế chi cho dân chứ không để bệnh viện tiêu thoải mái; ...


Phúc thẩm vụ VN Pharma: Im lặng trước những câu hỏi khó

Phiên tòa phúc thẩm vụ “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, xảy ra tại Cty VN Pharma hôm 19/10 diễn ra gay cấn khi xuất hiện nhiều tình tiết mới. Tại phiên tòa này, Tòa dành phần lớn thời gian ngày xét xử để xét hỏi các bị cáo, đại diện đơn vị liên quan là Bộ Y tế và Bộ Công Thương.

Làm rõ nhiều mối quan hệ

HĐXX đã hỏi sâu vào quan hệ của các bị cáo trong vụ án và các bị cáo với những người bên ngoài nhưng ít nhiều có liên quan. Cụ thể là mối quan hệ giữa Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch VN Pharma) với ông Phạm Văn Kiệt (giám đốc Cty Dược Sài Gòn). Trong vụ án, ông Kiệt bị quy kết là có hành vi sử dụng con dấu bất hợp pháp mang tên Cty Ausin (Hồng Kông) và con dấu chữ ký mang tên giám đốc Cty  đóng dấu cho Cty VN Pharma lập giả hợp đồng mua bán thuốc với Cty Ausin để làm thủ tục nhập khẩu thuốc H-CAPITA 500mg Caplet. Ông Kiệt cũng chuyển con dấu cho ông Hùng sử dụng đóng trên các hợp đồng giả để làm thủ tục nhập khẩu. Trả lời HĐXX, ông Hùng không thừa nhận việc ông Kiệt đưa con dấu cho Hùng mà chỉ thừa nhận ông Kiệt có đưa một số tờ giấy A4 có đóng dấu sẵn cho Hùng, từ đó Hùng chỉ đạo nhân viên ghi vào những tờ giấy có đóng dấu đó.

Trả lời HĐXX, ông Kiệt khai có đưa cả con dấu cho Cty của Hùng, cụ thể là đưa cho nhân viên Hùng. Cũng liên quan tới quan hệ Hùng – Kiệt, HĐXX cũng xét hỏi khoản tiền 10 ngàn USD mà hồ sơ vụ án thể hiện Hùng đưa cho Nguyễn Quang Huy để Huy cung cấp bản sao công chứng giấy phép hoạt động của Cty Austin cho Cty VN Pharma. Ông Hùng trả lời HĐXX là được ông Kiệt cho biết có 2 người Hồng Kông đang ở Hà Nội gặp khó khăn, cần biếu quà hai người này. Ông Kiệt nhờ Huy đưa giúp 2 người này 10 ngàn USD, vì lúc đó Huy đang ở Hà Nội.

HĐXX hỏi ông Kiệt và Hùng có thỏa thuận phân chia lợi nhuận như thế nào khi hợp tác. Cả hai bị cáo Hùng, Kiệt đều nói rằng do chỗ quen biết nên giúp nhau.

HĐXX cũng xét hỏi các mối quan hệ của Võ Mạnh Cường (Giám đốc Cty Hàng hải Quốc tế H&C) với ông Raymondo- người của Cty Ausin. Trả lời HĐXX, ông Cường nói, đã đến Cty Ausin và thấy có nhà máy, có hoạt động nên tin tưởng ông Raymondo. “Nay bị cáo được biết thuốc kém chất lượng, bị cáo yêu cầu điều tra ông Raymondo” – Cường nói tới đây thì HĐXX hỏi bị cáo biết thêm gì về ông này, Cường khai có cung cấp hình ông Raymondo, ảnh trụ sở Cty Ausin…

Khi HĐXX xét hỏi về quá trình tạo lập hồ sơ kỹ thuật cho H-Capita để xin giấy phép nhập về Việt Nam, bị cáo Phạm Văn Thông, người viết tài liệu do VN Pharma cung cấp đã phủ nhận việc gợi ý cho ông Hùng để viết hồ sơ thuốc. Ông Thông cho rằng “công thức H-Capita từ nước ngoài đưa về đã có sẵn”. Ông Hùng cũng thừa nhận VN Pharma chỉnh sửa hồ sơ kỹ thuật của mọi loại thuốc nhập về Việt Nam.

7,5 tỷ đồng hoa hồng vào túi ai?

Liên quan tới khoản tiền 7,5 tỷ đồng mà có lần ông Hùng khai là chi hoa hồng cho bác sĩ để bán thuốc, HĐXX yêu cầu ông Hùng xác nhận lại nội dung này. Tuy nhiên, bất ngờ là ông Hùng phản cung khi trả lời số tiền này không phải chi hoa hồng cho các bác sĩ mà là chi cho việc chăm sóc khách hàng. HĐXX truy thêm sự thật việc chi chăm sóc khách hàng này như thế nào, ông Hùng nói chi nhiều, không nhớ hết. HĐXX cung cấp số liệu thể hiện: Ông Hùng chỉ đạo thuộc cấp nâng giá thuốc rồi mang tiền gửi ngân hàng trên cả trăm tỷ đồng. Ông Hùng nghe xong và nói “đó cũng là các khoản tiền chăm sóc khách hàng mà không khai chi cho ai, bao nhiêu”. Trước câu hỏi của tòa “ông Hùng là chủ tịch/tổng giám đốc, người quyết định chi, vậy nhưng lại không biết chi như thế nào là sao?”, Ông Hùng trả lời: Sau khi lấy pháp nhân thuộc cấp gửi vào ngân hàng khoản tiền này, VN Pharma mang chính số tiền này thế chấp để vay trở lại… Ông Hùng nói tới đây thì HĐXX hỏi cắt ngang “vì sao tiền mình không xài mà mang tiền đi thế chấp để nhận phần thiệt phải trả lãi?” - Ông Hùng ú, ớ.

HĐXX cho rằng, chỉ có ông Hùng mới biết vì sao thế, Tòa có thể hủy bản án sơ thẩm để làm rõ tình tiết này, làm rõ đường đi dòng vốn, vay mượn vòng vo của chính VN Pharma. “Số tiền hơn cả trăm tỷ đồng gửi ngân hàng, khi vụ án bị phanh phui thì rút hết, chỉ có một bị cáo nộp lại hơn 2 triệu đồng mà tổng giám đốc không biết gì là sao?” – HĐXX đặt câu hỏi. Ông Hùng nín thinh…

Bộ Y tế, Bộ Công Thương… xin trả lời bằng văn bản!

Chiều 19/10, tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX đã triệu tập đại diện Bộ Y tế và Bộ Công Thương đến phiên tòa.

Theo đó, đại diện Bộ Y tế là ông Giang Thái Minh, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế và ông Phạm Hoàng Thái, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có mặt tại phiên tòa. Hàng loạt câu hỏi của đại diện VKSND Cấp cao dành cho đại diện Bộ Y tế như hồ sơ kỹ thuật nhập khẩu thuốc H-Capita, công ty không còn phép hoạt động tại Việt Nam thì có được cung cấp thuốc cho các công ty khác hay không? Tại sao vẫn cấp phép? Quy trình kiểm tra thẩm định thuốc?….

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế không đưa ra câu trả lời, ý kiến nào. Thay vào đó, ông Minh cho biết, sẽ ghi nhận các câu hỏi, báo cáo lại bộ và sẽ có câu trả lời bằng văn bản. Trong khi đó, đại diện Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cũng không trả lời được những câu hỏi của VKSND Cấp cao liên quan việc vì sao lô hàng thiếu nhiều loại giấy tờ quy định nhưng hải quan vẫn chấp thuận cho thông quan (Tiền phong, trang 11).


Vụ VN Pharma: Xuất hiện bức thư lạ gửi tòa

Một ngày trước khi phiên tòa xử phúc thẩm vụ “buôn lậu” xảy ra tại Công ty VN Pharma, một người có tên S. K. Burman, quốc tịch Ấn Độ với số hộ chiếu Z 376…được cho là thành viên cao cấp của hiệp hội dược nước này gửi đến Toà án Tối cao TPHCM một bức thư. Trong  thư ông S. K. Burman cho rằng, theo kết luận của phiên toà, Công ty VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H - Capita vào Việt Nam với hồ sơ giả, không rõ nguồn gốc.

“Chuyện lạ” về bức thư từ Ấn Độ

“Là thành viên cao cấp của Hiệp hội Dược Ấn Độ, tôi xin cung cấp một số thông tin quan trong liên quan vụ án trên dựa vào quá trình điều tra, xác minh và đến tận nơi tìm hiểu của mình. Tôi nhận thấy cần thiết cung cấp cho quý tòa những thông tin chính xác về nguồn gốc lô hàng 9.300 hộp thuốc H – Capita được sản xuất tại đâu và nhập vào Việt Nam như thế nào?”- người có tên S. K. Burman viết trong thư.

Theo trình bày của  S. K. Burman, lô thuốc này được sản xuất tại công ty Affy Parenterals, có địa chỉ tại Vill Gullarwala, Sai road, Baddi, distt. Solan, Ấn Độ. Đây là công ty dược phẩm lớn tại Ấn Độ…trên website của Cơ quan Kiểm soát chất lượng thuốc Trung ương của Ấn Độ có công bố danh sách các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - WHO.

Theo người này phản ánh: Ngày 31/3/2014, Công ty Affy có bán cho công ty Magnolia Limited lô hàng 9.300 hộp H-Capita, hoạt chất Capecitabine 500 mg - tablet. Ngày 4/4/2014, công ty Magnolia Limited, địa chỉ 11/621 Sai - Krupa Building, Purna Bniwandi, Thane - 421 302 Maharastra, India đã bán lô hàng này cho Công ty Helix Pharmaceutical Inc, có địa chỉ tại 392 Wilson Avenue, Toronto, Ontario, Canada. Airway bill số 618 - 1005 1075. Sau đó, lô hàng được chuyển về công ty SIR Logistics PTE LTD. BLK 336 Smith street, # 04-308 New Bridge Central Singapore. Ông S. K. Burman cho rằng, sau đó Công ty VN Pharma mới ký hợp đồng vận chuyển với Công ty Austin ở Hồng Kông để chuyển hàng về Việt Nam.

Ông S. K. Burman khẳng định trong thư và cho rằng: “Công ty sản xuất tại Ấn Độ không liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp vào những việc làm sai trái trên”.

Những mâu thuẫn

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong cũng như kết luận điều tra từ cơ quan công an cho thấy, nguồn gốc thuốc H-Capita Võ Mạnh Cường khai không biết sản xuất ở đâu. Quá trình điều tra còn phát hiện trên các thùng thuốc H-Capita có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Cơ quan chức năng đã yêu cầu tương trợ tư pháp đối với Ấn Độ, Singapore và Canada nhưng chưa có kết quả. Trong khi đó, xác minh mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H- Capital, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Công Thương xác định mã số, mã vạch này không được đăng ký bởi quốc gia nào. Ngoài ra, giấy chứng nhận FSC và GMP là giả.

Cơ quan điều tra đã nêu rõ: Có cơ sở xác định lô thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập vào  Việt Nam ngày 11/4/2014 là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

PGS- TS Phạm Khánh Phong Lan- Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu H-Capita được cho xuất xứ từ Công ty Affy của Ấn Độ thì thuốc này lại càng là thuốc giả. Bà Lan lý giải, trong hồ sơ mà VN Pharma nhập về, các giấy tờ đều ghi xuất xứ từ Công ty Helix của Canada nhưng Công ty Helix lại được xác định không có thực thì dù thuốc đó xuất phát từ đâu đi nữa cũng gọi là thuốc giả. “Họ nhập nguyên liệu từ đâu không quan trọng bằng việc giấy tờ pháp lý chứng minh rõ nguồn gốc”- bà Lan nói thêm.

Nhìn nhận về tính pháp lý của bức thư và các tài liệu liên quan được gửi đến tòa từ Ấn Độ, Luật sư Nguyễn Đức Chánh- Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2003 thì người nào biết được những tình tiết liên quan vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng.

“Nếu ông S. K.Burman, quốc tịch Ấn Độ biết những tình tiết liên quan vụ án thì tòa án có thể triệu tập đến để làm chứng hoặc cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ, vật chứng…theo Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ấn Độ, ký tại Hà Nội ngày 8/10/2007, có hiệu lực từ ngày 17/11/2008”- luật sư Chánh phân tích (Tiền phong, trang 11).  


Hàng loạt phòng khám có yếu tố nước ngoài bị phạt

UBND TPHCM và Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa quyết định xử phạt hàng loạt phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn. Những vi phạm chủ yếu của các phòng khám này là cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn cho phép, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn, thu phí cao hơn giá niêm yết…Trong đó, nặng nhất là công ty TNHH đầu tư y tế quốc tế Đông Á - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Baylor (202 Tô Hiến Thành, P.15, Q.10) bị xử phạt 128 triệu đồng với các vi phạm: cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết. Trước đó, phòng khám này đã bị bệnh nhân tố thu 56,8 triệu đồng vì khám bệnh nam khoa và phòng khám này đã trả lại tiền cho bệnh nhân.

Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Thế Giới - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Một Thế Giới (646 - 648 Võ Văn Kiệt, P.1, Q.5) cũng bị xử phạt hơn 25 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động; lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định...

Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Ba Tháng Hai (1503 - 1509 đường 3/2, P.16, Q.11) bị xử phạt 33 triệu đồng với hành vi không đảm bảo các điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Thăng Long - chủ đầu tư của Phòng khám đa khoa Thăng Long (575 Sư Vạn Hạnh, P.13, Q.10) bị xử phạt 8 triệu đồng vì thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá niêm yết (Tiền phong, trang 2).


Tiền bảo hiểm y tế chi cho dân chứ không để bệnh viện tiêu thoải mái

Theo Bộ Y tế, dù Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đang kết dư tới 49.000 tỷ đồng nhưng mức chi còn hạn chế, người bệnh vẫn bị thiệt thòi. Trong khi đó, phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cảnh báo tình trạng vỡ Quỹ BHYT có thể xảy ra sau 2 năm nữa, một phần do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra phổ biến tại các bệnh viện. Mâu thuẫn giữa một bên “quản lý tiền” là BHXH với một bên “tiêu tiền” là ngành Y tế khó tìm được tiếng nói chung.

Các bệnh viện đua nhau trục lợi quỹ?

Ngày 19-10, tại buổi đối thoại về chính sách BHYT khu vực phía Bắc, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm nay, chi BHYT cho khám chữa bệnh tăng vọt. Đáng chú ý, 35 tỉnh, thành phố có số chi BHYT tăng trên 100% như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến cho Quỹ BHYT giao cho các tỉnh này bị âm hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân tăng lượt khám chữa bệnh BHYT cơ học hay tăng giá dịch vụ y tế, bội chi Quỹ BHYT này có nguyên nhân lớn từ việc các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định dịch vụ không hợp lý, lạm dụng, tìm nhiều cách để trục lợi quỹ.

Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Dương Tuấn Đức nêu ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, số lượt khám chữa bệnh BHYT quý III-2017 tăng gấp đôi so với quý II, chi khám chữa bệnh BHYT tăng tới 32%: “Hay có những bệnh viện tuyến huyện mọi năm công suất sử dụng giường bệnh chỉ khoảng 40-50% nhưng vẫn kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch tới 380% nhằm… hưởng tiền BHYT chi trả theo đầu giường bệnh.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định chiếu chụp, xét nghiệm nhằm trục lợi Quỹ BHYT cũng phổ biến, hậu quả không chỉ Quỹ BHYT bị bòn rút mà chính người bệnh bị thiệt thòi vì phải đồng chi trả”.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam dẫn chứng, có bệnh nhân ở An Giang chỉ bị gãy chân nhưng bệnh viện chỉ định chụp CT scanner tới 5 lần trong 5 ngày liền, dù kết quả giống hệt nhau. Tinh vi hơn là có tình trạng cắt lẻ dịch vụ/ phẫu thuật ra để thanh toán BHYT, tức cùng một phẫu thuật nhưng cố tình tách ra thành nhiều dịch vụ khác nhau để được hưởng BHYT nhiều hơn.

Ông Dương Tuấn Đức chia sẻ, qua kiểm tra 5 bệnh viện tại Hà Nội (Việt Đức, Xanh Pôn, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y), số tiền mà các bệnh viện tăng thu từ cách tách nhiều dịch vụ trong 1 phẫu thuật lên tới 5,33 tỷ đồng, cùng đó người bệnh cũng bị thu thêm gần 4 tỷ đồng nữa. Chẳng hạn, một ca phẫu thuật tim chi phí tối đa là 8 triệu đồng nhưng nhiều bệnh viện tách ra thành 4 dịch vụ khác nhau để thu tổng cộng tới 50 triệu đồng từ người bệnh và BHYT…

Giám định bảo hiểm “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Thừa nhận tại một số nơi có tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật để trục lợi Quỹ BHYT, song phía Bộ Y tế cũng phản bác lại quan điểm của BHXH Việt Nam khi cho rằng, công tác giám định BHYT cần phải xem lại, đảm bảo khách quan hơn và phải vì quyền lợi của người bệnh.

Ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, việc ngành BHXH giao dự toán quỹ khám chữa bệnh BHYT cho các địa phương là trái quy định của pháp luật, chưa kể đơn vị này còn giao thiếu, giao chậm. Đặc biệt, việc giám định và xuất toán chi BHYT của ngành BHXH tại nhiều địa phương chưa chính xác hoặc vội vàng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng gây ảnh hưởng đến uy tín và làm ngành y tế “bối rối”.  

“Tại Đồng Nai, quý I-2017, giám định tự động của ngành BHXH từ chối thanh toán 208 tỷ đồng, bằng 45% số đề nghị thanh toán, nhưng khi giám định lại thì chỉ phải xuất toán có 22,6 tỷ đồng...”, ông Đặng Hồng Nam dẫn chứng. Cũng theo ông Đặng Hồng Nam, hiện có tới 50% giám định viên BHYT của ngành BHXH không có trình độ chuyên môn y, dược nên chất lượng giám định khó đảm bảo. Mặt khác, cơ quan giám định BHYT phải được độc lập với cơ quan BHXH, còn giám định BHYT vẫn nằm trong ngành BHXH như hiện nay thì khó tránh dư luận cho rằng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân. Từ 2010-2016, Quỹ BHYT kết dư 49.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng, đây cũng không hẳn là điều đáng mừng.

Lý do kết dư quỹ là vì kỹ thuật cao ở bệnh viện tuyến dưới không có, người dân không được thụ hưởng, quyền lợi của bệnh nhân BHYT chưa được đảm bảo, thậm chí nhiều bệnh nhân tuyến dưới vì thấy thủ tục khám chữa bệnh phiền toái mà mức được BHYT chi trả không nhiều nên tự ý chuyển sang khám dịch vụ cho nhanh. “Kết dư là dở, người bệnh thiệt thòi”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm.  

Thừa nhận với tình trạng bội chi Quỹ BHYT hiện nay, số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2, 3 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhiệm vụ là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh (An ninh thủ đô,  trang 8).


Chung tay vì sức khỏe người dân

Ngày 19-10, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Giải quyết vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng kêu gọi ngành Y tế và cơ quan Bảo hiểm chung tay khắc phục những điểm thiếu thống nhất giữa hai bên trong việc khám, chữa bệnh và chi trả bảo hiểm y tế, tăng cường phối hợp hành động vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Giá càng cao càng dễ bị lạm dụng
Theo ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế, hiện còn nhiều bất cập trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Năm 2017, quỹ dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT không được giao đủ, thậm chí còn ít hơn năm 2016 trong khi giá dịch vụ y tế tăng, khiến các cơ sở y tế gặp không ít khó khăn. Công tác giám định còn yếu, quy tắc giám định do cơ quan bảo hiểm xây dựng nhưng ngành Y tế lại không biết những nội dung này, dẫn đến sự phối hợp của hai bên không tốt. Ông Nguyễn Hồng Nam cho rằng, giám định viên phải có trình độ tương đương bác sĩ thì mới có thể thực hiện công tác giám định hồ sơ bệnh án; cơ quan giám định cần phải là đơn vị độc lập. Còn theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), những vướng mắc trong thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT bắt đầu căng thẳng từ khi phí khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả tiền lương của nhân viên y tế, dẫn tới đòi hỏi phải có định mức để làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Về phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết: Thống kê trong 9 tháng năm 2017 cho thấy sự gia tăng số lượt khám, chữa bệnh một cách bất thường. Kết quả giám định chuyên đề tại 5 bệnh viện lớn (Việt - Đức, Xanh Pôn, Đại học Y Hà Nội, Phụ sản trung ương và Phụ sản Hà Nội) cho thấy những bệnh viện này đã tách các dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 33 tỷ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỷ đồng. Nội soi tai mũi họng là dịch vụ “có vấn đề nhất”; có người bị nấm da, đau đầu, cao huyết áp, rối loạn giấc ngủ, viêm bờ mi… cũng được chỉ định dịch vụ này - vốn có giá rất cao.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho rằng, việc chỉ định bệnh nhân nằm viện quá thời gian cần thiết khiến cho chi phí BHYT tăng lên rất nhiều. Như mổ Phaco, quy định chỉ cần nằm 2 ngày nhưng có bệnh viện cho bệnh nhân nằm đến 7, 8 ngày.

Lắng nghe nhau vì mục đích chung

Với tư cách độc lập, Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra kết quả khảo sát tình hình khám chữa bệnh BHYT tại 4 tỉnh có mức bội chi lớn nhất trong nửa đầu năm 2016 gồm Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, An Giang. Kết quả cho thấy, số bệnh án có chỉ định dịch vụ kỹ thuật không hợp lý lên tới 50% ở Thái Bình, tại các nơi khác xấp xỉ 20%. Về chỉ định thuốc, tỷ lệ không hợp lý từ 14 đến 20%.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, mọi khúc mắc giữa cơ quan bảo hiểm và cơ sở y tế cần được đánh giá thấu đáo. Liên quan ý kiến về hoạt động của giám định viên, theo bà Nguyễn Thị Minh, giám định là công tác hậu kiểm dựa trên các quy định của Luật BHXH và của chính Bộ Y tế. Hoạt động này không mang tính đánh giá đúng - sai về chuyên môn y tế, mà chỉ đánh giá có phù hợp với các quy định hiện hành hay không để đề xuất thanh toán hay xuất toán, vì vậy, không nhất thiết giám định viên phải có chuyên môn sâu về y tế. Bên cạnh đó, quản lý Quỹ BHYT là nhiệm vụ chung, rất cần sự phối hợp của các cán bộ, nhân viên y tế. Để hạn chế bội chi Quỹ BHYT, cần xây dựng gói dịch vụ phù hợp để đáp ứng khả năng chi trả của các đối tượng tham gia BHYT.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành Y tế và bảo hiểm có thể hạn chế bất cập nếu lắng nghe lẫn nhau vì mục đích chung. Ngành Y tế hết lòng vì bệnh nhân, chọn phác đồ tốt nhất, sử dụng kỹ thuật tốt nhất, thuốc tốt nhất nhưng phải nằm trong khả năng chi trả, không lạm dụng. Bộ Y tế đã thành lập hội đồng tư vấn về BHYT, thành lập “đội đặc nhiệm” gồm các chuyên gia y tế, bảo hiểm, tài chính để giải quyết các vướng mắc khi có sự xung đột (Hà Nội mới, trang 5).


Phạt một bác sĩ xúc phạm Bộ trưởng Y tế trên Facebook

Ngày 19.10, ông Nguyễn Huy Hiển, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Thừa Thiên-Huế, cho biết đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện (57 tuổi, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm y tế H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) vì xúc phạm uy tín, danh dự Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trên Facebook cá nhân. Giám đốc Trung tâm y tế H.Phong Điền cũng đã thi hành kỷ luật khiển trách bác sĩ Truyện.

Trước đó, tối 14.7, trên trang Facebook cá nhân Hoàng Công Truyện đăng nội dung nói Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên nghỉ việc, đồng thời cho rằng Bộ trưởng không về cơ sở, yếu kém công tác tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện, kèm hình ảnh Bộ trưởng Tiến.

Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế, thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định nội dung nói trên có mục đích bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tạo dư luận xấu; và yêu cầu kiểm tra, xác minh thông tin của tài khoản Facebook này (Thanh niên, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang