Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Đảm bảo cấp cứu kịp thời người mắc sốt xuất huyết nặng; Hà Nội tăng mạnh sốt xuất huyết, nhiều ca biến chứng nặng; TPHCM: Vẫn lo y bác sỹ nghỉ việc vì lương thấp; Bệnh viện vướng mắc khi thực hiện đề án y tế thông minh: không kinh phí, không nhân lực vận hành; Khi bệnh viện muốn quay về với 'bầu sữa ngân sách'

Đảm bảo cấp cứu kịp thời người mắc sốt xuất huyết nặng

Tối 19-10, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Theo đó, đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố nghiêm túc, khẩn trương triển khai và tuyệt đối tuân thủ chỉ định hội chẩn tại quyết định số 3705 của bộ trưởng Bộ Y tế. Đồng thời tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý điều trị người bệnh SXHD của Sở Y tế, tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, đảm bảo chuyển viện an toàn, đảm bảo người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau.

Khi người bệnh SXHD nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng, cơ sở y tế phải kích hoạt quy trình thực hiện báo động đỏ đối với người bệnh SXHD nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu người bệnh.

Quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện đối với bệnh nhân được kích hoạt khi có một trong các điều kiện: người bệnh SXHD ngưng thở đột ngột, tim ngưng; người bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp cận đường thở, mạch máu; người bệnh SXHD nặng (sốc, suy tạng nặng) không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị nhưng không thể chuyển viện an toàn.

Người bệnh SXHD nặng có xuất huyết nặng (thường gặp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy kịch không đáp ứng điều trị nội khoa, cần phải can thiệp cầm máu khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện. Tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình bảo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả hai nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Hà Nội tăng mạnh sốt xuất huyết, nhiều ca biến chứng nặng

Chỉ trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 1.034 ca mắc sốt xuất huyết và 48 ổ dịch mới tại 19 quận, huyện, dự báo đỉnh dịch sẽ là tháng 11 nên thời gian tới, số ca mắc tiếp tục tăng mạnh. Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết đã bị biến chứng rất nặng phải nhập viện, trong đó có bệnh nhân đến viện rất muộn. Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thời gian vừa qua tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng vào nhập viện. Điển hình là nam bệnh nhân N.Đ.T (57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), trước khi vào nhập viện một tuần, bệnh nhân thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ. Thấy uống thuốc hạ sốt thì dứt cơn, ông không đi khám.

Đến ngày thứ 3 sau sốt, ông T đánh răng thấy máu tươi chảy ồ ạt thì gia đình mới đưa cấp cứu tại bệnh viện huyện, xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt, tiểu cầu về mức 0 G/L. Ông được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

BS Hà Huy Tình, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, ông T có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, gout đã biến chứng u sùi bàn chân. Khi vào viện, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi chân; chỉ số tiểu cầu là 2 G/L. Trong khi mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50; mức nghiêm trọng là 10-20.

Tới chiều 17/10, sau gần 7 ngày điều trị, tiểu cầu ông tăng lên 146 G/L, đạt mức bình thường, sức khoẻ ổn định, được ra viện.

Tại Bệnh viện Đức Giang, số ca mắc sốt xuất huyết vào nhập viện tăng mạnh trong 1 tháng trở lại đây. BS Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp cho biết, hiện tại bệnh viện đang quá tải với 150 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú. Khoa điều trị sốt xuất huyết đã quá tải nên nhiều khoa khác phải dành giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Các bác sĩ phải làm việc gấp đôi công suất vì bệnh nhân đông, trong đó nhiều ca diễn biến nặng, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Do quá tải nên hầu hết bệnh nhân sau khi khám đều cho điều trị ngoại trú, chỉ 10% ca có dấu hiệu chuyển nặng thì nhập viện.

Còn tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây là sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca rất nặng, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm cho hay, tháng 11 là đỉnh dịch sốt xuất huyết của Hà Nội, dịch sẽ bùng phát rất mạnh, nên phải đẩy mạnh truyền thông để người dân phòng, chống dịch. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 6.779 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2011, 5 trường hợp tử vong. Còn cả nước, theo số liệu mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính trong tuần qua ghi nhận 9.750 ca mắc, có 1 trường hợp tử vong ở Bình Dương. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 102 trường hợp tử vong (tăng 81 trường hợp tử vong so với năm 2021).

Các bác sĩ khuyến cáo, khi người dân mắc sốt xuất huyết cần lưu ý các biểu hiện của giảm tiểu cầu. Ở thể nhẹ, người bệnh có thể xuất huyết trên da ở cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực, thắt lưng… Ở thể trung bình, người bệnh có thể xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân rang, cháy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài có phân đen hoặc máu, đi tiểu ra máu. Ở nữ có thể có kinh nguyệt kéo dài hoặc đến sớm hơn kỳ hạn. Khi có hiện tượng trên, cần đến ngay cơ sở y tế, tránh tình trạng đến viện muộn (Công an nhân dân, trang 4; Tiền phong, trang 6).

 

TPHCM: Vẫn lo y bác sỹ nghỉ việc vì lương thấp

Tại Hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 diễn ra mới đây, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM thừa nhận hệ thống y tế thành phố đang gặp khó khăn về nhân sự, thậm chí, có nơi bác sĩ còn nhiều hơn điều dưỡng.

Chia sẻ với phóng viên về thực tế công việc và thu nhập, bác sĩ N.H.T. công tác tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định nói: “Tôi đã có thâm niên nhiều năm làm bác sĩ tại khoa cấp cứu nhưng mức lương hiện nay chỉ được hơn 10 triệu đồng. Tôi quen nhiều người, muốn tiến tới hôn nhân nhưng khi biết thu nhập của tôi thì bạn gái đều nói lời xin lỗi. Có người còn thẳng thắn nói lời chia tay vì lý do thu nhập của tôi không thể lo được cho con cái nếu lập gia đình. Tuy nhiên, thu nhập của tôi vẫn còn khá hơn bác sĩ trẻ, đặc biệt là điều dưỡng”.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân Gia định thời gian qua là điểm nóng của các vụ việc người bệnh và thân nhân có hành vi bạo hành nhân viên y tế. Theo bác sĩ H.T. phòng cấp cứu là nơi đầu sóng ngọn gió nhưng thu nhập không tương xứng nên số lượng nhân sự luôn thiếu và bất ổn. "Nhân viên y tế không đủ để đáp ứng cho nhu cầu chăm sóc, điều trị của bệnh nhân là một trong những lý do dễ dẫn đến bức xúc cho người bệnh"- bác sĩ T. thừa nhận.

Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn TPHCM đang phục hồi và tăng. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2022, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận hơn 26,2 triệu lượt bệnh nhân thăm khám, điều trị ngoại trú và nội trú. Số lượt khám chữa bệnh đang phục hồi nhưng ngành y tế đang đối mặt với khó khăn về nhân sự chuyên môn khi “làn sóng” nghỉ việc của nhân viên y tế trong hệ thống công lập đang ngày càng tăng cao.

BS Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM cho biết, trong và sau dịch COVID-19, nhân viên y tế phải lao động rất vất vả nhưng nguồn thu nhập thêm lại bị cắt giảm đang khiến làn sóng nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập tăng cao.

Tại Hội nghị tổng kết công tác khám chữa bệnh trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 diễn ra mới đây, PGS.BS Tăng Chí Thượng, thông tin , trong 9 tháng qua, hệ thống y tế công lập đã ghi nhận hơn 1.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc (10 tháng đầu năm 2021 số nhân viên y tế nghỉ việc gần 1.000 người - PV). “Số điều dưỡng nghỉ càng lúc càng tăng, tỉ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện giảm dần. Nghiêm trọng hơn, tại một số bệnh viện có những khoa bác sĩ đang nhiều hơn điều dưỡng” - ông Thượng nhấn mạnh.

Để giữ chân nhân viên y tế, Sở Y tế TPHCM đang đề xuất UBND thành phố xem xét chi ngân sách với số tiền 500 triệu đồng để giải quyết thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Bên cạnh đó, sở cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ học phí cho sinh viên theo học ngành điều dưỡng; bổ sung thêm chức danh trợ lý điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người bệnh.

Trạm y tế thiếu thuốc

Một trong những vấn đề nổi cộm khác của ngành y tế trong thời gian qua là tình trạng hệ thống trạm y tế không đủ thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính theo danh mục bảo hiểm y tế. Thiếu thuốc tại trạm y tế là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh phải lên tuyến trên để khám chữa bệnh, gây nên quá tải. Nhiều người mắc bệnh mạn tính đang mong muốn có thể khám và nhận thuốc tại trạm y tế gần nơi mình sinh sống.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (72 tuổi, ngụ tại phường 4, quận 8) nói: “Tôi bị cao huyết áp, đái tháo đường và bệnh lý tim mạch phải uống thuốc, theo dõi điều trị liên tục. Mỗi lần hết thuốc bảo hiểm y tế, con tôi lại phải nghỉ việc để đưa đến bệnh viện khám và nhận thuốc mới. Tuy nhiên, bệnh viện luôn quá tải, để được nhận thuốc có hôm tôi khám buổi sáng nhưng phải đến buổi chiều mới được cấp thuốc. Tôi chỉ mong trạm y tế gần nhà có thuốc bảo hiểm y tế để có thể tự đến khám và lãnh thuốc”.

Theo PGS Tăng Chí Thượng, hiện nay toàn thành phố có 310 trạm y tế nhưng xét về cơ số thuốc thì rất ít trạm có được cơ số thuốc tương đối, hầu hết trạm y tế đều thiếu.

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TPHCM cho biết: “Sau nhiều lần chuẩn bị, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố trình Bộ Y tế xin mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương để cung cấp cho tuyến y tế cơ sở với 300 loại thuốc. Đến nay, các bệnh viện, các trung tâm y tế đều đã đồng thuận, các sở ngành cũng đã đồng thuận với phương án trên. Sở Y tế đang chờ ý kiến đồng thuận của Bộ Y tế về việc mở rộng danh mục thuốc và đồng ý tuyến 4 (theo phân tuyến khám chữa bệnh - PV) sẽ sử dụng thuốc của tuyến 3 và được thanh toán bảo hiểm y tế với các bệnh mạn tính không lây nhiễm” (Tiền phong, trang 10).

 

Bệnh viện vướng mắc khi thực hiện đề án y tế thông minh: không kinh phí, không nhân lực vận hành

Nhiều bệnh viện đang bước vào giai đoạn triển khai hàng loạt hoạt động trong đề án y tế thông minh hỗ trợ cho người bệnh nhưng lại gặp khó khăn như không có kinh phí, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống.

"Dự án phát triển an ninh mạng và WiFi của bệnh viện vẫn chưa hoàn thành, đây là một trong những trăn trở lớn nhất mà tôi đã đeo bám ba năm vẫn chưa đạt được do nhiều yếu tố như không có hạ tầng công nghệ thông tin thì không thể làm gì được" - bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ.

Lo hồ sơ bệnh án bị lộ

Bệnh viện Hùng Vương là một trong các bệnh viện đầu tiên tại TP.HCM triển khai hệ thống quản lý bệnh viện bằng công nghệ thông tin, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra về y tế thông minh.

Bà Tuyết cho biết bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các ứng dụng y tế thông minh. Mặc dù đã có phòng công nghệ thông tin, tuy nhiên số lượng nhân viên để vận hành hệ thống lại đang thiếu hụt trầm trọng vì không tuyển được nhân lực.

"Bệnh viện rất khó tìm đội ngũ công nghệ thông tin có năng lực cao, nguyên nhân chính là do lương thấp hơn rất nhiều so với bên ngoài.

Chính vì không có nhân lực chuyên môn cao, toàn bộ thông tin của bệnh nhân nếu không có an ninh mạng có thể dẫn đến lộ thông tin, vi phạm pháp luật. Bệnh viện đã có kế hoạch xin phép xây dựng hệ thống nhưng tiền đầu tư lên đến chục tỉ, chưa thực hiện được vì không có kinh phí", bà Tuyết nói.

Bà Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - chia sẻ hiện nay viện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đề án y tế thông minh như đồng bộ về phần mềm, điển hình như căn cước công dân có tích hợp bảo hiểm y tế khi bệnh nhân đến quét lại rất lệch, viện đang cố gắng xây dựng bệnh án điện tử nhưng phải chạy song song với bệnh án giấy.

"Viện gặp khó khăn khi tuyển nhân lực cho hệ thống công nghệ thông tin, lương cho đội ngũ tay nghề cao này rất cao mà bệnh viện chỉ có thể trả lương thấp, do đó họ rất khó trụ, có người thử việc xong lại nghỉ", bà Lan nói.

Theo bà Lan, khi triển khai y tế thông minh điều lo lắng nhất là hệ thống bảo mật, một khi làm bệnh án điện tử phải bảo mật thông tin cho bệnh nhân, giữ được số liệu và tính hiệu quả, hiện viện đang đăng ký gói máy chủ để lưu giữ thông tin.

Không có nguồn lực để triển khai

Ông Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) - cho biết khi ứng dụng y tế thông minh vào bệnh viện sẽ giúp tăng hiệu quả làm việc của nhân viên, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm được kinh phí.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho các hệ thống y tế thông minh này hiện nay rất tốn kém, đến nay bệnh viện vẫn chưa biết sẽ lấy kinh phí từ nguồn nào để đầu tư rồi sẽ thu lại từ đâu.

"Thành phố đã cho phép có thể xã hội hóa vay vốn kích cầu, đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin nhưng chưa có pháp lý để thu tiền. Đến nay bệnh án điện tử chỉ mới áp dụng thí điểm một số điểm ở các nơi trong bệnh viện.

Dự kiến đến năm 2023 tất cả các bệnh viện hạng một sẽ phải hoàn thành bệnh án điện tử nhưng kinh phí để đầu tư cho công nghệ thông tin rất tốn kém. Nếu muốn hoàn thành phải tốn ít nhất thêm vài chục tỉ, nhưng chúng tôi lại không có nguồn kinh phí", ông Khanh nói.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đề xuất tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp công nghệ thông tin trong cơ cấu giá; cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với công nghệ thông tin cần rõ ràng và chi tiết; chế độ lương, đãi ngộ cho nhân viên công nghệ thông tin làm việc tại các bệnh viện để thu hút nguồn lực...

Ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết tại các bệnh viện hiện nay hạ tầng cơ sở quá cũ kỹ, hệ thống công nghệ thông tin không tương xứng với kế hoạch, quy mô, tầm vóc của ngành y tế. Những phần mềm ứng dụng của hệ thống y tế chưa có tiếng nói chung, ngôn ngữ chung.

Một trong những vấn đề lớn đáng quan tâm hiện nay là bảo mật an ninh mạng, thông tin của người bệnh, hồ sơ bệnh án được coi là thách thức lớn. Ở các bệnh viện, đa số nguồn lực công nghệ thông tin rất khó khăn, bệnh viện rất cần đội ngũ công nghệ thông tin chuyên nghiệp phải có kiến thức gắn kết.

Bên cạnh đó, không phải nhân viên y tế ai cũng có thể hội nhập, chuyển đổi số, nhiều người vẫn còn giữ thói quen sử dụng bệnh án giấy. Người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng các thiết bị công nghệ (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Khi bệnh viện muốn quay về với 'bầu sữa ngân sách'

Thực tế không phải đến tự chủ toàn diện thì bệnh viện mới thực hiện tự chủ, hơn 10 năm nay bệnh viện công các tuyến đã thực hiện tự chủ theo mức độ. Thời điểm 2019, Chính phủ cho phép bốn bệnh viện thí điểm "tự chủ toàn diện", các bệnh viện khi ấy đều háo hức. Viễn cảnh được tự chủ, Nhà nước giao đất, có mặt bằng, thương hiệu, tự chủ thì không phải báo cáo cơ quan chủ quản cả về nhân lực, tài chính, đầu tư..., rồi sẽ "thuận lợi".

Thế nhưng vừa hết thí điểm, các bệnh viện từ háo hức giờ lắc đầu quầy quậy, bệnh viện nào cũng xin thôi "toàn diện", chỉ tự chủ chi thường xuyên, còn đầu tư thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn xin "bầu sữa ngân sách".

Thực tế không phải đến tự chủ toàn diện thì bệnh viện mới thực hiện tự chủ, hơn 10 năm nay bệnh viện công các tuyến đã thực hiện tự chủ theo mức độ. Phải nói là hình thức này cũng đã "cởi trói" cho những bệnh viện năng động, mong muốn đổi mới về chất lượng dịch vụ, danh mục kỹ thuật...

Nhưng sau một thời gian tự chủ có hiệu quả, chính "tự chủ toàn diện", bệnh viện công nhưng cơ chế muốn như tư (thực chất là nửa mùa vì viện phí như cũ), cộng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến tự chủ toàn diện thất bại toàn tập. 

Bệnh viện nào cũng kêu, cũng từ chối cơ chế tự chủ toàn diện, mong quay lại tự chủ nhóm 2, tức bệnh viện lo chi thường xuyên, Nhà nước đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất.

Nếu đã cho tự chủ, nay hết thí điểm bệnh viện quay lại cơ chế cũ có phải là thí điểm thất bại? 

Thực tế, bệnh viện công hoàn toàn không phải là doanh nghiệp, việc cho họ tự chủ toàn diện là cho họ hoạt động như doanh nghiệp, thu viện phí, thu dịch vụ đào tạo... phải đúng giá để bệnh viện có lãi và cạnh tranh sòng phẳng, như bệnh viện tư.

Nhưng bệnh viện lại là dịch vụ an sinh xã hội, bên cạnh nhiệm vụ lo lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ, lo đầu tư cơ sở vật chất, lo mua thuốc men và thiết bị, nhiệm vụ quan trọng là bệnh viện phải lo khám chữa bệnh với mức giá theo khung mà liên bộ Y tế - Tài chính ban hành. 

Hiện giá đó mới cho thu 4/7 yếu tố cấu thành. Bên cạnh đó, các bệnh viện đầu ngành có nhiệm vụ đào tạo cho sinh viên y khoa và y bác sĩ các tuyến, dịch vụ này cũng khó có thể tăng giá.

Nói như vậy để thấy cái khó của bệnh viện nếu tự chủ bệnh viện mà giá không thể tăng theo, khi đó quay lại "bầu sữa ngân sách" là hợp lý. 

Nhưng cũng không thể vì thế mà bệnh viện không đổi mới hoạt động, đổi mới chất lượng dịch vụ, công ra công, tư ra tư, thay cho tình trạng nhập nhèm công tư để tăng nguồn thu (phần lớn vào túi một số người) như bấy lâu nay.

Khi được hỏi Việt Nam có nền công nghiệp y tế hay không? Một chuyên gia ngành y chia sẻ là có, nhưng với thực tế hiện nay người bệnh chưa được hưởng lợi gì nhiều từ điều này. 

Trong khi hệ thống y tế phục vụ gần 100 triệu dân lại cần mạnh hơn, chất hơn, vững hơn. Lúc này là cơ hội đắp những chỗ thiếu, nhìn ra chỗ khiếm khuyết và sửa nó (Tuổi trẻ, trang 1).

 

Quan tâm hơn tới y tế cơ sở, y tế dự phòng

Quá trình hoạt động, nhất là sau đại dịch Covid-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ và Bộ Y tế đang có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho y tế cơ sở, y tế dự phòng để cung ứng kịp thời các dịch vụ cơ bản và thiết yếu cho người dân.

Những năm qua, y tế tuyến cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, như: tham gia vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình bệnh tật đang có nhiều thay đổi, nhất là sau đại dịch Covid-19 đòi hỏi y tế tuyến cơ sở cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa.

Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh

Việc bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản là mục tiêu của các quốc gia trong quá trình phát triển. Ðể đạt mục tiêu đó, thời gian qua, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh ở tất cả các khâu nhằm giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Toàn hệ thống y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, nhất là công tác quản lý chất lượng bệnh viện; áp dụng quy trình thuận tiện nhất, giảm phiền hà, giảm yêu cầu thủ tục với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế… Ðến nay, bệnh viện ở các tuyến, kể cả tuyến huyện sau khi áp dụng bộ 83 tiêu chí đã có sự cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh một cách rõ rệt và ngày càng tăng lên. Theo kết quả đánh giá 1.400 bệnh viện trên toàn quốc, điểm trung bình chất lượng bệnh viện ở mức 3,19 (thang điểm 5), trong đó bệnh viện tuyến quận, huyện đạt mức 3,02, con số này thể hiện khoảng cách về chất lượng bệnh viện tuyến dưới đang thu hẹp dần với bệnh viện tuyến trên.

Thời gian qua, ngành y tế cũng tích cực triển khai Ðề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 với nhiều thay đổi về phương thức chỉ đạo tuyến. Các thầy thuốc tuyến trên cùng đồng hành với tuyến dưới theo "đội hình 1-4-4-2", nghĩa là một thầy thuốc tuyến trên kết nối, chia sẻ, hướng dẫn cho bốn thầy thuốc tuyến tỉnh, bốn thầy thuốc tuyến huyện và hai thầy thuốc tuyến xã; đồng thời tạo ra các nhóm làm việc theo từng chuyên khoa, tăng cường học hỏi, trao đổi kiến thức. Phương pháp này không chỉ tăng cường đội ngũ bác sĩ cho tuyến dưới mà còn góp phần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Ðến nay, có 32 bệnh viện tuyến trên tham gia đề án, trong đó có 25 bệnh viện tổ chức trung tâm khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%) và thực hiện các cuộc hội chẩn thường quy. Qua số liệu tổng hợp được thì có hơn 10 nghìn ca bệnh và 1.794 buổi hội chẩn đã được diễn ra kết nối hơn 6.000 đầu cầu; 655 ca bệnh nguy kịch đã được cứu sống nhờ hệ thống khám, chữa bệnh từ xa.

Ở tuyến dưới, mặc dù chất lượng dịch vụ y tế hạn chế hơn so với tuyến trên, tuy nhiên, sau khi triển khai Ðề án "Khám, chữa bệnh từ xa", đã có 1.500 bệnh viện tuyến dưới thực hiện kết nối vào mạng lưới qua hệ thống Viettel; hơn 4.000 nhân viên y tế tuyến trên và hơn 15 nghìn nhân viên y tế tại tuyến dưới đã được kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nhau trong công tác khám, chữa bệnh và tư vấn. Các cơ sở y tế tuyến dưới đã được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Ngoài những ca hội chẩn thông thường, các ca hội chẩn trực tuyến, cấp cứu trực tuyến với các ca bệnh thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau cũng liên tục được triển khai đã góp phần cứu được rất nhiều bệnh nhân ở tuyến dưới một cách kịp thời, hiệu quả. Các đầu cầu đều sẵn sàng hỗ trợ tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, điều này cho thấy tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân đã được cải thiện đáng kể, tăng cơ hội cho rất nhiều người mắc bệnh nặng và trước đây gặp khó khăn để cứu chữa.

Tiếp tục bổ sung trang thiết bị y tế, thuốc, nhân lực

Bộ Y tế nêu rõ, việc đầu tư nâng cấp, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Ðảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, bộ sẽ đồng hành cùng các tỉnh, thành phố trong việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút nhân lực làm việc tại tuyến cơ sở.

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, Chương trình có phân bổ gần 14 nghìn tỷ đồng cho ngành y tế để xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh tại các viện nghiên cứu bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước, thuốc điều trị Covid-19. Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện phân bổ nguồn lực chương trình. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á…

Bên cạnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy của y tế cơ sở theo hướng không theo địa bàn hành chính mà theo cụm dân cư để người dân dễ tiếp cận hơn. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tiền lương, phụ cấp chế độ, đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế ở cơ sở. Ðồng thời, tăng cường nhân lực cho bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã nhất là vùng đô thị có mật độ dân số lớn; đổi mới chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật; luân phiên cán bộ từ tuyến trên cho y tế cơ sở, trong đó chú trọng các kỹ thuật, kỹ năng sơ cấp cứu điều trị hô hấp các bệnh viện thông thường; quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, không để bị động, lúng túng trong tình huống dịch bệnh bùng phát.

Việc đổi mới cơ chế tài chính cũng sẽ được tập trung theo hướng tăng định mức phân bổ ngân sách cho y tế cơ sở, hoàn thiện và triển khai đầy đủ gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở bảo đảm được bảo hiểm y tế thanh toán; gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước chi trả; thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư cho y tế cơ sở; đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng sẽ cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chế độ, chính sách thu hút và ổn định nguồn nhân lực giúp cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế huyện yên tâm công tác. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NÐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Theo đó, nâng mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã… Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, bố trí, sử dụng nhân lực hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở. Chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho nhân viên y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác (Nhân dân, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang