Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh; Bệnh nhân mang khối u buồng trứng 31 kg; Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh

Ngày 19-11, kỳ họp thứ 10 bước sang ngày làm việc thứ 25. Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) nghe đọc tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Dược (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu giá tài sản. Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật Dược (sửa đổi) và Luật về hội.

Xử lý nghiêm tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá

Đầu phiên họp, các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật An toàn thông tin mạng với 85,83% đại biểu tán thành. Thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) và nhiều đại biểu cho rằng dự án Luật quy định theo hướng tăng cường chất lượng đội ngũ đấu giá viên là phù hợp. Để được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, đấu giá viên phải đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn đào tạo, tập sự hành nghề, do vậy đề nghị việc cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá cho đội ngũ đấu giá viên phải do Bộ Tư pháp cấp. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, Bộ Tư pháp không nên xét cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, mà nên giao tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện, nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nếu chưa có tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ năng lực thực hiện chức năng này, trước mắt Bộ Tư pháp thực hiện, khi các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hình thành và bảo đảm khả năng đào tạo thì nên giao cho các tổ chức này.

Về xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại, đa số ý kiến đề nghị dự thảo cần có các quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng người trúng đấu giá không nhận được tài sản do sự dây dưa của các bên. Đồng thời, dự thảo cần quy định rõ hiệu lực cưỡng chế, thực thi trong đấu giá; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đấu giá tài sản, ai chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá nhưng không thi hành.

Các đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đề nghị dự thảo bổ sung chế tài xử lý tình trạng “cò”, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá, nhằm tránh tình trạng bắt tay dìm giá, cũng như quy định rõ về điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá, đặc biệt đối với đấu giá tài sản thi hành án; quy định các nhân viên thi hành án không được tham gia đấu giá. Nghiêm cấm các chấp hành viên liên quan tài sản thi hành án tham gia đấu giá, nhằm ngăn chặn sự dìm giá hoặc thông đồng với người có tài sản thi hành án nâng giá để tài sản không bán được.

Quy định chặt chẽ hơn về quản lý giá thuốc

Thảo luận về dự thảo Luật Dược (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng, Luật hiện hành chỉ giao Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc cho nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính minh bạch vì quản lý giá thuốc cần phối hợp đa ngành. Vì vậy, dẫn tới thực trạng, giá thuốc cùng loại có sự chênh lệch giữa các địa phương. Bức xúc về tình trạng giá thuốc “trên trời”, các đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Lê Như Tiến (Quảng Trị) và nhiều đại biểu khác cho rằng, hiện nay giá thuốc của Việt Nam chênh lệch rất cao so với thế giới, tuy nhiên chất lượng lại không tương xứng. Cùng là hàng hóa, khi ra chợ, người tiêu dùng có quyền mặc cả mớ rau, cân thịt, con cá nhưng khi bệnh nhân cần mua thuốc chữa bệnh, cứu sinh mạng thì nhà thuốc định giá thuốc như thế nào là phải mua như vậy. Bên cạnh đó, hiện tượng thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng được làm lại thời hạn lưu hành trên thị trường gây chết người, nhưng không thấy trong danh mục những hành vi bị cấm. Đề nghị cần có chương về quản lý giá thuốc và có các hình thức xử lý nghiêm minh những hành vi thiếu đạo đức nêu trên.

Đặc biệt quan tâm phát triển y học cổ truyền, tiềm năng lớn của đất nước, các đại biểu Hoàng Văn Thượng (Cao Bằng), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đề nghị, dự thảo luật cần có một chương riêng về phát triển y học cổ truyền, trong đó có sự hình thành quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc; đầu tư nghiên cứu khoa học về dược liệu cổ truyền nhằm gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và các bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất.

Thảo luận dự thảo Luật về hội, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) và một số đại biểu nêu ý kiến không nên biến hội nghề nghiệp thành cơ quan quản lý nhà nước “phẩy”, “thứ hai” để đòi hỏi có trụ sở riêng, ô-tô đưa đón người đứng đầu. Đồng thời, đề nghị trong Luật cần quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Hội nghề nghiệp là hướng về hội viên, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên. Về ngân sách hoạt động, trừ Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Người khuyết tật cần sự hỗ trợ từ ngân sách của T.Ư, địa phương, nên quy định các tổ chức xã hội, các hội khác hoạt động dựa trên sự đóng góp kinh phí của hội viên, không dùng ngân sách nhà nước (Nhân dân trang 1).

Bệnh nhân mang khối u buồng trứng 31 kg

Bệnh nhân là bà N.T.P. (48 tuổi) đã được các bác sĩ của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phẫu thuật lấy khối u buồng trứng nặng 31 kg ra khỏi cơ thể vào ngày 12-11. Sau một tuần phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng vẫn phải nằm phòng hồi sức để điều trị do tình trạng suy kiệt và bị viêm phổi. Ngày 19-11, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết bà P. sống vô gia cư, không có người thân, mưu sinh bằng việc bán vé số, giúp việc nhà và đêm xuống ngủ ở vỉa hè.

Theo lời kể của bà P., bà phát hiện bị bướu buồng trứng đã bốn năm nay và đã đi khám bệnh ở một số bệnh viện nhưng do không có tiền điều trị nên bà cứ để vậy và khối bướu ngày càng lớn. Đến khi không chịu đựng nổi, bà được một nhà hảo tâm ở Bình Dương quyên góp 3 triệu đồng rồi đưa đến Bệnh viện Ung bướu TP khám bệnh. Khi nhập viện (ngày 2-11), bà P. bị suy kiệt trầm trọng, gầy yếu chỉ còn da bọc xương, mệt, khó thở, bụng rất to. Trước tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, ban giám đốc bệnh viện đã quan tâm chỉ đạo sơ cứu bệnh nhân, hội chẩn liên chuyên khoa (hô hấp, huyết học, hồi sức, tim mạch, ngoại tổng quát…) để có phương án cứu chữa bệnh nhân tốt nhất. Sau khi khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp CT-Scanner… bệnh nhân được xác định bị ung thư buồng trứng. Ngày 12-11, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến và êkip phẫu thuật, êkip gây mê hồi sức đã tiến hành gây mê, phẫu thuật cho bệnh nhân trong tư thế ngồi ngửa ra sau do bệnh nhân không thể nằm được vì khó thở.

Sau khi mở đường mổ rất nhỏ để hút hết dịch trong bướu ra (tổng cộng 23 lít), các bác sĩ mới tiến hành bóc tách bướu. Do bướu quá lớn nên đã đẩy gan, thận, vòm hoành… lệch ra khỏi vị trí bình thường và bướu bám dính vào nhiều cơ quan nội tạng. Sau gần bốn tiếng phẫu thuật, ca mổ đã thành công và khối bướu đã được lấy ra có trọng lượng 31 kg (cả dịch và bướu). Toàn bộ chi phí điều trị, phẫu thuật cho bà P. được Bệnh viện Ung bướu TP hỗ trợ (Tuổi trẻ trang 14).

Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

 Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, 5 năm tới, thành phố sẽ đưa nhiều bệnh viện vào hoạt động, phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ thực tế 5 năm qua (2010-2015), ngành y tế Hà Nội kiến nghị một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại, yếu kém; nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô trong thời gian tới. Thứ nhất, cần tập trung cao độ cho phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và hạn chế thấp nhất tử vong. Thành phố phải chủ động giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta như MERS, Ebola; duy trì và nâng cao chất lượng chuẩn quốc gia y tế và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Thứ hai, cần phát triển đồng bộ y tế phổ cập và y tế chuyên sâu; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, thành phố cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về “Đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Các bệnh viện sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện, “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”. Thứ ba, Hà Nội sẽ kiểm soát tốt tình hình cung ứng thuốc, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất dược phẩm, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Thứ tư, cần duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; siết chặt công tác ATVSTP, xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Thứ năm, thành phố sẽ tăng tốc các dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn cơ sở 2, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2... Cuối cùng, thành phố cần tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cũng trong lĩnh vực y tế, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn kiến nghị, thành phố cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực y, dược; khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở y tế chuyên khoa chất lượng cao để phát triển nhanh hệ thống y tế Thủ đô song song với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.Thành phố cần chỉ đạo đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả theo hướng chuẩn hóa, đưa chất lượng dịch vụ y tế ở Hà Nội từng bước tiếp cận nhanh với các nước tiên tiến trong khu vực.

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực các cơ sở y tế xã, phường; phát triển y tế dự phòng, để chủ động phòng chống và kịp thời phát hiện, đẩy lùi dịch bệnh; tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, tạo thói quen tự phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, cần tăng mức đầu tư đối với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ngành y và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý; giáo dục nâng cao y đức đồng thời với các cơ chế, giải pháp nâng cao đời sống của cán bộ ngành y (An ninh thủ đô trang 3).

Lần đầu tiên áp dụng kỹ thuật trao đổi oxy ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân rách thành ngực, hở phổi, cận kề cửa tử

Nếu như trước đây kỹ thuật trao đổi ôxy ngoài cơ thể (ECMO) thường được áp

dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim, phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng - ARDS (như viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9...) mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao, thì nay các bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện (BV) Việt Đức lần đầu tiên đã thành công trong việc sử dụng ECMO cứu sống ca bệnh hy hữu sau sốc đa chấn thương nặng: chấn thương dập ngực nặng, hở phổi, thành ngực toác rộng, gãy cột sống, gãy xương cánh tay, gãy xương đùi do tai nạn lao động.

Tổn thương ngực trầm trọng

Ngày 5/9/2015, trong lúc đang làm việc trên công trường của một công ty cảng Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Khánh (32 tuổi) không may gặp tai nạn lao động, bị dầm thép lớn rơi trúng người khiến anh ngất xỉu tại chỗ. Anh Khánh đã được đưa ngay đi cấp cứu tại BVĐK Bãi Cháy, Quảng Ninh. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy tình trạng bệnh nhân quá nặng, dọa tử vong do đa chấn thương gồm: chấn thương ngực, hở phổi, chấn thương gãy xương đùi, gãy xương cánh tay, gãy cột sống. Trong đó nặng nề nhất là chấn thương ngực vì gãy rất nhiều xương sườn, lộ xương sườn, hở thành ngực, dập phổi, bệnh nhân suy hô hấp nặng, chảy máu rất nhiều, khó cầm cự. Rất nhanh chóng, các bác sĩ BVĐK Bãi Cháy đã tiến hành sơ cứu ban đầu và nhờ sự hỗ trợ từ các bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của BV Việt Đức.

PGS.TS. Trịnh Văn Đồng, Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, BV Việt Đức cho biết: “Sau khi thảo luận với PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - Lồng ngực của BV, chúng tôi nhận thấy trường hợp này quá nguy kịch không thể di chuyển xa được, nếu chuyển đi bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ tử vong dọc đường. Do đó, chúng tôi đã hướng dẫn qua điện thoại cho các đồng nghiệp sơ cứu chấn thương bằng cách nhét gạc vào thành ngực bệnh nhân để cầm máu tạm thời chỗ chảy nhiều máu; đồng thời, bất động các xương gãy, hồi sức và hô hấp nhân tạo, tiến hành thở máy cho bệnh nhân”.

Ba ngày sau, bệnh nhân Khánh được chuyển lên BV Việt Đức vẫn trong tình trạng nguy kịch, mặc dù có thở máy nhưng bệnh nhân vẫn suy hô hấp nặng, thiếu ôxy máu, hôn mê, thành ngực mất da, mất cơ trên diện rộng và vẫn đang chảy máu. Các bác sĩ tiến hành lấy gạc đã được chèn ở BVĐK Bãi Cháy, tiếp tục cầm máu, dẫn lưu màng phổi, lấy bỏ xương gãy và hồi sức tích cực. Tuy nhiên, lúc này tình trạng ôxy máu của bệnh nhân rất thấp, bệnh nhân bị phù nhiều, do đó, các bác sĩ đã tiến hành chạy siêu lọc máu cho bệnh nhân. Đến ngày điều trị thứ hai, tình trạng bệnh nhân vẫn không đỡ, ôxy máu xuống thấp tới mức nguy hiểm, “thập tử nhất sinh”. Khó khăn chồng chất khó khăn, trong giờ phút sinh tử cấp bách ấy, các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp mới là phổi nhân tạo tại giường (ECMO) với hy vọng “còn nước còn tát”. Đáng mừng, trong 5 ngày chạy ECMO tình trạng hô hấp của bệnh nhân có cải thiện dần lên và đến ngày thứ 6, bệnh nhân đã được ngừng chạy ECMO.

Hút xốp phủ áp lực âm, nhanh chóng hồi phục vết thương

Với mọi nỗ lực nhằm cứu sống người bệnh, đội ngũ y bác sĩ hàng ngày rất vất vả túc trực 24/24h, theo dõi sát sao người bệnh. Bệnh nhân tiếp tục được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, tuy nhiên một vấn đề nan giải đặt ra là vết thương thành ngực của bệnh nhân quá rộng, bộc lộ rõ cả nhu mô phổi. Giải pháp tối ưu được đưa ra là tiến hành ghép cơ và da để che phủ lồng ngực cho kín lại thì BN mới có cơ hội bỏ được thở máy.

“Tuy nhiên, để làm được phẫu thuật này thì vết thương cần phải sạch. Chính vì lý do này chúng tôi đã áp dụng phương pháp hút xốp chân không ngay trên nhu mô phổi. Đây là liệu pháp sử dụng một máy hút chân không nối với một miếng xốp, miếng xốp này dính chặt với một tấm gạc rất mỏng, tấm gạc này bao phủ toàn bộ vết thương. Khi bật máy, tạo ra một áp lực âm tính bên trong vết thương, đồng thời cung cấp độ ẩm cần thiết. Liệu pháp trên đã tạo ra một môi trường kín, vô khuẩn, ẩm vừa phải, áp lực âm làm tăng cường vi tuần hoàn tại chỗ, kích thích tái tạo mô hạt, giảm sưng nề mô. Chính những điều này làm vết thương nhanh liền hơn, giúp bệnh nhân tránh được việc thay băng nhiều lần và gây đau đớn...” - PGS.TS. Trịnh Văn Đồng cho biết.

Ghép cơ và da trên vết thương lồng ngực hở

Hơn một tháng sau, khi tình trạng bệnh nhân đã dần đi vào ổn định, bệnh nhân được tiến hành ghép cơ và ghép da phục hồi vết thương bị hở. Theo PGS.TS. Trịnh Văn Đồng, các cơ và da này được lấy ở lưng đưa lên thành ngực trước - nơi vết thương hở lộ nhu mô phổi. Các vết ghép trên những vùng vết thương hở vừa tạo thẩm mỹ và quan trọng nhất là giúp phục hồi vết thương, giảm nguy cơ tàn phế. Nếu không được phục hồi da kịp thời, phần cơ bị hở do không được da bảo vệ phần vết thương này dễ dàng nhiễm khuẩn sâu, hoại tử lan rộng, nguy hiểm cho người bệnh.

Sau gần 3 tháng điều trị, bệnh nhân có nhiều tiến triển, đã bỏ được máy thở, bệnh nhân có thể tự thở. Tuy nhiên, PGS.TS. Trịnh Văn Đồng cũng cho biết thêm, hiện bệnh nhân vẫn còn gãy xương cánh tay, gãy xương đùi, gãy cột sống, liệt hai chi dưới hoàn toàn. Dự kiến giai đoạn về sau, bệnh nhân sẽ được điều trị tiếp bằng các phương pháp ngoại khoa nếu cần (Sức khỏe & Đời sống trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang