Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Từ năm 2026 tiêm miễn phí vắc xin HPV cho trẻ gái; Phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; 16 thông điệp truyền thông phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế…

 

Giải 'bài toán' thiếu vắc xin, tránh bùng phát dịch bệnh

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về chính sách trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 19-12, các đại biểu cho rằng, tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng là vấn đề đáng lo ngại của ngành Y tế thời gian qua; nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh. Do đó, ngành Y tế đang tập trung giải 'bài toán' này, phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cho 90% trẻ trong quý I-2024.

Tỷ lệ tiêm chủng mới đạt 66,4%

Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985, nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Đến nay, chương trình đã cung cấp 10 loại vắc xin phòng các bệnh, gồm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, bại liệt, sởi, rubella và viêm não Nhật Bản.

Ước tính, mỗi năm, Việt Nam có 1,5 triệu trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 1993 luôn được duy trì ở mức trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2021-2022, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, từ năm 2023, do thiếu một số loại vắc xin miễn phí nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi bị ảnh hưởng lớn.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, vắc xin “5 trong 1” (phòng bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Hib) thiếu từ tháng 2-2023 đến nay và vắc xin DPT (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván) thiếu từ tháng 4-2023. Nhiều vắc xin khác cũng chỉ có thể cung ứng đến hết tháng 10 năm nay. Hiện, tình trạng thiếu vắc xin xảy ra trên quy mô toàn quốc. Theo đó, kết quả tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trong 10 tháng của năm 2023 trên quy mô toàn quốc chỉ đạt 66,4%. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ tiêm thấp nhất (đạt 48,6%), tiếp đến là miền Trung với 64,5%, miền Bắc là 67,3% và miền Nam là 69,1%.

Riêng tại Hà Nội cũng đang thiếu một số loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đơn cử như trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện thiếu một số loại vắc xin như: Viêm gan B, lao, sởi đơn, bại liệt (IPV)…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Đạo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Xuyên cho biết, do thiếu vắc xin nên các trạm y tế chỉ tổ chức 1 buổi tiêm/tháng.

“Có loại vắc xin đóng đơn liều nhưng cũng có nhiều vắc xin đóng đa liều. Chẳng hạn, nếu lọ vắc xin đóng 5 liều mà cả buổi chỉ có 2 trẻ đến tiêm sẽ rất lãng phí. Do đó, khi gộp đủ số lượng trẻ đáp ứng đủ số liều vắc xin, chúng tôi sẽ triển khai tiêm”, bác sĩ Phạm Phú Đạo lý giải.

Cần khẩn trương tiêm bù, tiêm vét

Các chuyên gia cảnh báo, ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có điều kiện tiếp cận với vắc xin dịch vụ, lại bị trì hoãn tiêm vắc xin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì nguy cơ sẽ tạo ra “khoảng trống miễn dịch”, kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm có thể quay trở lại. Thực tế, thiếu vắc xin khiến việc tiêm chủng cho trẻ bị gián đoạn, dịch bệnh đã xảy ra ở một số nơi, trong đó có dịch bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh Hà Giang và Điện Biên thời gian qua.

“Thực trạng tiêm vắc xin chậm, muộn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như của Việt Nam là điều không mong muốn xảy ra. Việc khẩn trương tiêm càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm nguồn cung vắc xin. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tiêm chủng mở rộng, phấn đấu trong quý I-2024 đạt độ bao phủ tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trên 90% do năm 2023 thiếu vắc xin. Từ đó, duy trì thành quả mà chúng ta đã dày công vừa xây đắp, vừa duy trì trong rất nhiều năm qua”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng nói.

Cũng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Thị Hồng, trong quý I-2024 sẽ tiếp nhận, phân bổ vắc xin kịp thời tới 63 tỉnh, thành phố để tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm vắc xin nhập khẩu và vắc xin sản xuất trong nước. Đồng thời, khẩn trương triển khai công tác tiêm bù mũi, tiêm vét cho trẻ em bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt là một số vắc xin phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông - xuân như sởi, rubella.

Ngoài 10 loại vắc xin miễn phí hiện có, sắp tới sẽ có thêm 4 loại vắc xin mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, từ quý II-2024, ngành Y tế chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin Rota tại 33 tỉnh, thành phố. Đây cũng là vắc xin thứ 11 được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiếp theo sẽ ưu tiên đến vắc xin phế cầu và vắc xin HPV (phòng ngừa ung thư cổ tử cung) vào năm 2025, năm 2026 và vắc xin cúm mùa vào năm 2030. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm

Hà Nội là địa phương có nguồn cây dược liệu lớn, phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả canh tác cây dược liệu, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần hỗ trợ các địa phương mở rộng diện tích, liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hiệu quả kinh tế cao

Về tình hình phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu thông tin, Hà Nội có khoảng 213ha cây dược liệu, nằm rải rác ở một số địa phương, như: Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các chủng loại cây dược liệu tương đối đa dạng, gồm: Cà gai leo, kim ngân hoa, đinh lăng, chè hoa vàng, hoa nhài...

Để phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm, tổng quy mô 14ha. Nhìn chung, các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo liên kết chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến cây dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, mô hình trồng cây dược liệu đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế và làm giàu từ những vùng đất đồi gò của nông dân Thủ đô.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) cho biết, gia đình ông hiện có 7ha cây dược liệu. Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm, nên cây dược liệu đã mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha/năm trở lên, gấp 3 lần cây trồng khác.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm (thị xã Sơn Tây) Uông Thị Tuyết Nhung, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 3ha. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ 50% cây giống với định mức 400.000 cây/ha; hỗ trợ 50% khối lượng vật tư, phân bón... Kết quả canh tác đạt năng suất 8,5 tấn sản phẩm tươi/ha (tương đương 1,2 tấn khô/ha), với giá bán 600 triệu đồng/1 tấn khô, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha (trong thời gian 4 tháng).

Cần liên kết giữa doanh nghiệp - người trồng

Mặc dù vậy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đánh giá, việc sản xuất dược liệu còn ở quy mô nhỏ, phân tán và chưa có cơ sở sản xuất giống tập trung. Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc quá trình trồng, chăm sóc, chế biến,... đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Ngọc Linh Trần Thu Hoài, hiện công ty đang thu mua sản phẩm trên diện tích 9-12ha trồng cây dược liệu tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Sóc Sơn... Dự kiến trong năm 2024, công ty thu mua sản phẩm của nông dân trên diện tích khoảng 20ha trồng các loại cây dược liệu. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng sản phẩm thu mua, các ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn; hỗ trợ vay vốn đầu tư công nghệ cao cho quá trình thu hái, sơ chế, chế biến sản phẩm, nhằm cung cấp ổn định nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho hay, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn, khôi phục giống dược liệu quý, hiếm; phát triển dược liệu dưới tán rừng, sản xuất một số loại dược liệu đặc thù, như: Nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để phát triển cây dược liệu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Bởi, việc sản xuất cây dược liệu đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy định khắt khe, nếu người dân trồng cây dược liệu tự phát thì khó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Hà Nội xác định phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội.

“Để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các địa phương và người dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp, không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản. Ngoài ra, Sở kiến nghị Bộ NN&PTNT quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất. Từ đó, xây dựng các dự án vùng nguyên liệu gắn với sơ chế, chế biến sâu; xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm dược liệu trên thị trường”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 4).

 

16 thông điệp truyền thông phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế

Bộ Y tế cho biết Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023- ngày 27/12 có chủ đề “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”...

Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa… tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, các đại dịch nói chung đang tăng dần tần suất xuất hiện. Quán triệt quan điểm phòng bệnh từ sớm, từ xa, chủ động hạn chế dịch bệnh bùng phát, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10844/VPCP-QHQT ngày 25/12/2020, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch số 1446/KH-BYT ngày 20/11/2023 triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 nhằm nâng cao ý thức của người dân; tăng cường sự tham gia của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh...

Theo đó, các thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023- ngày 27/12 với chủ đề "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh", được Bộ Y tế đã xây dựng bao gồm:

- Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh;

- Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác;

- Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở;

- Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng;

- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh;

- Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh;

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển;

- Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh;

- Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục;

- Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng;

- Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn;

- Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng;

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời;

- Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh;

- Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;

- Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người.

Bộ Y tế cho biết, ngày 07/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness). Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh hang năm theo Công văn số 10844/VPCP-QHQT ngày 25/12/2020.

Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh được thông qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của COVID-19.

Với sự nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu về virus gây bệnh; sản xuất, sử dụng vaccine phòng COVID-19 và thuốc kháng virus điều trị bệnh nhân… đã góp phần làm giảm số mắc bệnh, số tử vong; dịch bệnh COVID-19 đã từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 05/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp các giải pháp chống dịch; dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Từ ngày 20/10/2023, COVID-19 được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và ngày 29/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 về việc công bố dịch COVID-19... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 99 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Ngày 18/12, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Ngày 18/12, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo đó, kế hoạch trên nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 99 để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh; xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 99.

Nghị quyết nêu rõ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ quy định tại Nghị quyết số 99 và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ:

Trong năm 2023, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 99.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 99 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trong đó, Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập cơ quan Kiểm soát bệnh tật trung ương; nghiên cứu đề xuất để có giải pháp nhằm tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đồng thời, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân viên làm việc tại trạm y tế xã, nhân viên y tế thôn bản. Nâng cao năng lực nhân viên y tế cơ sở; điều động, luân phiên bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, nhất là tại trạm y tế xã; nghiên cứu có quy định về tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành y tế.

Cùng với đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành địa phương thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện; bảo đảm quản lý toàn diện của chính quyền địa phương, nhất là về nhân lực và cơ sở vật chất, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với việc quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Từ năm 2026 tiêm miễn phí vắc xin HPV cho trẻ gái

Tại hội thảo truyền thông về vắc xin và tiêm chủng được Bộ Y tế tổ chức chiều qua 19.12 tại Hà Nội, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), thông tin: Hiện có 12 vắc xin tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (gọi tắt: TCMR).

Từ 2024 - 2030, TCMR sẽ có thêm 4 vắc xin mới tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ. Trước mắt, trong các tháng đầu năm 2024, TCMR sẽ triển khai tiêm vắc xin rota, ngừa tiêu chảy do vi rút rota (vi rút rota là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ). Năm 2025, vắc xin phế cầu sẽ được đưa vào TCMR.

Năm 2026, vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung sẽ được TCMR triển khai tiêm miễn phí trên toàn quốc, dự kiến cho trẻ em gái học lớp 6 và cùng độ tuổi. Hiện các địa phương đang lập danh sách để dự kiến nhu cầu vắc xin HPV. Tiếp đó, năm 2030, vắc xin cúm mùa được tiêm trong TCMR. Nguồn vắc xin mới do trong nước sản xuất và nhập khẩu, kinh phí do Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và từ ngân sách.

Theo PGS Hồng, hằng năm, trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt từ 95%, tuy nhiên do Covid-19 và thiếu hụt một số vắc xin, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ một số vắc xin bị giảm sút trong 2023. Các trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ là nguy cơ gia tăng một số dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới.

Một chuyên gia của TCMR ước tính, ngay cả khi tiêm chủng đầy đủ đạt chỉ tiêu (từ 95%) thì hằng năm vẫn có khoảng 5% (50.000 - 60.000) trẻ chưa được tiêm đầy đủ, là khoảng trống miễn dịch cộng đồng.

Để bảo vệ trẻ, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tránh nguy cơ bùng phát dịch trong trường học, TCMR phối hợp sở y tế các tỉnh thành, sở GD-ĐT triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non và tiểu học, đặc biệt chú trọng tiêm bù một số vắc xin phòng chống dịch trong mùa đông xuân như sởi, rubella; các bệnh gây dịch khác như: viêm não Nhật Bản, bại liệt…

Hiện VN đang duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ uốn ván sơ sinh và phấn đấu loại trừ bệnh sởi vào năm 2025. (Thanh niên, trang 13).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang