
Cùng tới dự buổi lễ, có đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận; đại diện lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Về phía Học viện, PGS.TS. Phạm Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Đoàn Quang Huy và PGS.TS. Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Học viện và các thầy cô giảng viên của Học viện qua nhiều thời ký, cùng đông đảo các cựu học viên và sinh viên…vui mừng tham gia lễ kỷ niệm.

Phát biểu chúc mừng và chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Lê Thành Long, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ vui mừng nhận thấy, sau 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, với 55 năm truyền thống, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện đã luôn đoàn kết, nỗ lực và đạt được những thành quả rất đáng tự hào. Hoạt động đào tạo của Học viện đã đóng góp rất quan trọng cho việc xây dựng, phát triển nguồn cán bộ y học cổ truyền với gần 11.000 cán bộ y tế trình độ đại học và sau đại học, chiếm trên 50% nhân lực y dược học cổ truyền trên toàn quốc. Học viện đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trường đại học có uy tín của Trung Quốc; hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh với nhiều đối tác tại châu Âu, châu Á như Bungari, Séc, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị: Học viện cần tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đạt được; tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hướng tới trở thành một trong những cơ sở đào tạo nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao, nòng cốt của ngành y tế. Theo đó, Học viện cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Quán triệt quan điểm “Phát triển nền y dược cổ truyền là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam”; Triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển y tế nói chung và y dược cổ truyền nói riêng, nhất là phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2025 và Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dự kiến sẽ sớm được ban hành tới đây.
Học viện phải nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, xây dựng đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực quản trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện điều kiện giảng dạy và học tập; có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để phát huy hiệu quả năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học của học viện; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp đội ngũ nhân lực cho phát triển nền y học cổ truyền của đất nước; đổi mới tư duy trong đào tạo, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; quan tâm, có cơ chế đặc thù đào tạo đội ngũ giảng viên “sâu y lý - giỏi y thuật - giàu y đức” để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới; chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu khoa học về y học cổ truyền; chú trọng kế thừa và ứng dụng y lý, y thuật, y đức của các Đại danh y trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng lâm sàng; biên dịch, biên tập, xuất bản, tái bản những di sản của Đại danh y để lại cho nền y học nước nhà. Bên cạnh đó, Học viện cần tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học chuyên sâu, cơ sở nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền trên thế giới, nhất là của một số quốc gia có thế mạnh, như Trung Quốc có nền Trung y “bác đại tinh thâm”; có các chương trình cụ thể, hiệu quả về hợp tác, trao đổi học thuật, kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ…; phấn đấu đưa Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học có năng lực đào tạo, nghiên cứu ngang tầm các quốc gia có nền y dược học cổ truyền phát triển. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao năng lực hoạt động của Học viện đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tiếp tục đầu tư phát triển Bệnh viện Tuệ Tĩnh thành cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu về y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, là cơ sở thực hành chính cho sinh viên, học viên sau đại học của Học viện.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan xử lý sớm các vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả việc đầu tư Dự án xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc; hỗ trợ, tạo điều kiện đối với đề xuất chuyển đổi loại hình tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh; đầu tư nâng cấp một số hạng mục của Bệnh viện như mua sắm thiết bị, đầu tư hệ thống cung cấp oxy - khí nén trung tâm, xây dựng một số khoa, bệnh án điện tử…; tạo điều kiện để Học viện tham gia triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học; mở các mã ngành đào tạo chuyên sâu về y dược cổ truyền, y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trình độ đại học và sau đại học; định hướng để Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia theo lĩnh vực đặc thù, là trung tâm đào tạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y, dược học cổ truyền.
Căn dặn các sinh viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long mong muốn các cháu hãy không ngừng cố gắng, chăm chỉ, cần cù, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực bản thân trong môi trường thuận lợi của Học viện, phấn đấu trở thành những công dân tốt, cán bộ giỏi, góp phần phát triển mạnh mẽ hơn nữa y học cổ truyền Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.


Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: Năm 2025, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Có thể coi giai đoạn này như một giai đoạn bản lề, đang chuyển đổi sang cơ chế tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm với xã hội. Hiện tại, quy mô đào tạo đào tạo của Học viện gần 6.000 sinh viên và trên 700 học viên sau đại học. Cơ sở thực hành của Học viện là các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương, tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu và các công ty Dược. Cơ sở vật chất không ngừng được hoàn thiện: Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thư viện điện tử, viện nghiên cứu... ngày càng hiện đại, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo - nghiên cứu - điều trị.



“Ghi nhận những đóng góp trong 20 năm qua, Học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các Ban, bộ ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Học viện tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong kỉ nguyên mới - kỉ nguyên của sự bứt phá trong đổi mới hoạt động quản trị đại học, đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Học viện đã tổ chức Lễ Khánh thành Phòng Truyền thống và gắn biển công trình chào mừng 20 năm thành lập Học viện và Đại hội Đảng bộ Học viện nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là tâm huyết của tập thể lãnh đạo Học viện với mong muốn không chỉ là nơi lưu giữ các kỷ vật quý về YHCT mà còn là địa điểm để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu; kết nối các thế hệ với giá trị truyền thống của nền y học Việt Nam và truyền thống của Học viện.
Một số hình ảnh Lễ Khánh thành:




Tin: Hoàng Hiền
Ảnh: Như Hiển