Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: Không khó nhưng phải có… "trọng tài"; Đưa dịch vụ y tế cơ bản về tuyến xã: Cần có lộ trình phù hợp; Trẻ em sẽ có mã số riêng để theo dõi tiêm chủng

 

Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: Không khó nhưng phải có… "trọng tài"

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa giao Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm của các bệnh viện trực thuộc trước ngày 1-7-2017.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về chủ trương trên, đại diện một số bệnh viện Trung ương tại Hà Nội ủng hộ và cho rằng, việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm là cần thiết, tạo thuận lợi cho người bệnh và chống lạm dụng xét nghiệm. Tuy vậy, để các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau cũng còn rất nhiều vấn đề.

Không xét nghiệm lại, sai ai chịu trách nhiệm?

Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khi chuyển tuyến, hoặc đi khám lại ở viện khác phải làm lại các xét nghiệm. Thậm chí, có những bệnh nhân vừa hôm trước xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên bệnh viện Trung ương vẫn bị yêu cầu làm lại đúng xét nghiệm đó. Tại những bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm mà trước đó họ đã làm ở cơ sở y tế khác khá cao khiến người bệnh bức xúc, gây lãng phí, tốn kém. 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, đúng là vẫn có một số trường hợp lạm dụng xét nghiệm. Tuy vậy, việc các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác, đặc biệt với bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, đa số là vì lý do khách quan. 

Bởi có rất nhiều loại xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm có thể thay đổi theo từng giờ, từng ngày nên không thể vì bệnh nhân vừa mới xét nghiệm hôm qua mà nay không cần xét nghiệm lại. Mặt khác, các phòng xét nghiệm của các bệnh viện hiện đa số còn chưa đồng chuẩn, chất lượng xét nghiệm cũng có sự chênh lệch, trong khi muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì phải có một chuẩn chung. 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc liên thông và công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện để giảm bớt chi phí của người bệnh. Việc liên thông kết quả xét nghiệm không khó, hiện Bệnh viện Bạch Mai đã liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế từ đầu năm và tới đây sẽ liên thông nốt dữ liệu về xét nghiệm.

Tuy nhiên, việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như vậy ở nước ta không nhiều. Chưa kể máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau. Nếu bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác để mổ luôn, chẳng may bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?…” - TS Dương Đức Hùng phân tích.

Cần có lộ trình 

Tương tự, theo PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện sẵn sàng công nhận kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức mới chỉ chấp nhận một số kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương... 

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, hiện nay, bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của các bệnh viện khác. Tuy nhiên, có những xét nghiệm có thể dùng ngay nhưng cũng có nhiều xét nghiệm bắt buộc phải làm lại. “Chẳng hạn trước khi truyền máu, xét nghiệm công thức máu không cần phải làm lại nhưng xét nghiệm nhóm máu thì bắt buộc phải làm lại cho dù bệnh nhân đã làm nhóm máu ở bệnh viện khác. Bởi nếu không chắc chắn nhóm máu chính xác, truyền máu vào sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân” - Giám đốc Bệnh viện E dẫn chứng.

Với những lý do đó, đại diện Bệnh viện E, Bạch Mai… đều cho rằng, muốn các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau cần phải có lộ trình để các bệnh viện chuẩn hóa phòng xét nghiệm.

Cũng vì thế, trong văn bản chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025; lộ trình đến ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương của Bộ Y tế. 

Công văn cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc bộ trước ngày 1-7-2017. Bên cạnh đó, Tổng hội Y học Việt Nam được giao tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm) theo tiêu chí do Bộ Y tế ban hành.

PGS.TS Lê Ngọc Thành cho rằng, trước mắt, khi phòng xét nghiệm của nhiều bệnh viện còn chưa đạt chuẩn thì Bộ Y tế phải đứng ra làm “trọng tài”, chỉ định các bệnh viện nào thì công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Đưa dịch vụ y tế cơ bản về tuyến xã: Cần có lộ trình phù hợp

Với mục tiêu phủ sóng bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, mới đây Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) vừa đưa ra dự thảo gói dịch vụ y tế cơ bản về tuyến xã. Theo đó 1.091 dịch vụ y tế thuộc 28 chuyên khoa sẽ được thực hiện ở tuyến y tế xã, phường và được BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, để có thể triển khai diện rộng thì rất cần có lộ trình phù hợp.

Để mọi người dân đều có quyền được hưởng 

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết về gói dịch vụ y tế cơ bản (DVYTCB). Gói này bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ y tế dự phòng được cung ứng bởi trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế xã phường, phòng khám bác sĩ gia đình. 

Theo TS Khương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, gói DVYTCB do Quỹ BHYT chi trả, được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và bảo đảm để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ, có chất lượng. Mọi người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã, phường sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh do BHYT tại tuyến xã. Một số dịch vụ y tế dự phòng có thể được bổ sung ngay lập tức như ưu tiên các dịch vụ bị cắt nguồn tài trợ như bệnh nhân HIV.

Theo dự thảo này, có 1.091 dịch vụ y tế thuộc 28 chuyên khoa sẽ được thực hiện ở tuyến y tế xã, phường và được BHYT chi trả 100%. Đối với dịch vụ phòng khám bác sĩ gia đình có trên 1.600 dịch vụ dự kiến sẽ được thực hiện và được BHYT chi trả, trong đó chủ yếu là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở tuyến xã, phường.  Hiện nay, có 2.000 danh mục thuốc BHYT, ở tuyến xã có thanh toán 400 loại thuốc. “Khi có quy định triển khai gói DVYTCB Bộ Y tế sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục thuốc và thêm 18 thuốc mới chủ yếu là thuốc điều trị cho bệnh nhân HIV. Trong tương lai, cung ứng thuốc HIV sẽ đưa về tuyến xã, 18 loại thuốc này hoàn toàn mới, đáp ứng yêu cầu điều trị HIV cho bệnh nhân”, TS Khương Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần được đầu tư đồng bộ

Theo đánh giá của các chuyên gia, gói DVYTCB về tuyến xã giúp người dân tăng quyền lợi, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ phổ quát, có thể hạn chế rủi ro về mặt tài chính nhờ BHYT chi trả 100%. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về nhân lực bác sĩ và sự chênh lệch đầu tư tuyến xã giữa các địa phương, giữa các khu vực là một thách thức lớn để dự thảo có thể triển khai và thực hiện. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, hiện Trạm Y tế phường Linh Đông, Linh Tây, Bình Chiểu của quận này đã thực hiện được 1.091 dịch vụ của dự thảo trên. Nhưng để làm được điều đó, bệnh viện đã mất nhiều năm trời để chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Hiện tại, bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức đang trực tiếp về tuyến phường để công tác, đảm nhiệm công tác khám chữa bệnh tại đây. Như vậy để triển khai áp dụng gói DVYTCB cho tuyến xã cần một lộ trình dài. Điển hình như Trạm Y tế Bình Chiểu phải mất tối thiểu 3 năm và phải được tương trợ từ Bệnh viện quận Thủ Đức. Còn các trạm y tế ở các địa phương thuộc khu vực khó khăn, nhiều chuyên gia y tế dự đoán phải mất 5-10 năm mới có thể triển khai.

Ngoài ra, còn những khó khăn khác theo ý kiến của một số đại biểu tại TP Hồ Chí Minh đã nêu như vấn đề thực hiện thanh toán BHYT cho tuyến xã. Cụ thể, hiện nay chúng ta muốn đưa dịch vụ y tế xuống tuyến xã, nhưng tuyến xã không được con dấu riêng, từ đây nảy sinh không ít khó khăn vướng mắc. Các trạm y tế xã, phường hiện nay mới có 199 hạng mục trang thiết bị cho điều trị chung, y học cổ truyền, tai mũi họng, xét nghiệm, sản khoa, diệt khuẩn. Để cung ứng 1.091 dịch vụ thì cần đầu tư phát triển hệ thống y tế xã, phường cũng như trang thiết bị tương xứng (Hà Nội mới, trang 6).

 

Trẻ em sẽ có mã số riêng để theo dõi tiêm chủng

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng. Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng. Theo dự thảo, việc quản lý đối tượng tiêm chủng sẽ được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Theo lộ trình, đến ngày 31/12/2018, cơ sở tiêm chủng phải hoàn thiện thí điểm phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng do Bộ Y tế cung cấp. Từ ngày 1/1/2019, cơ sở tiêm chủng phải triển khai chính thức phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng. Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và dự kiến đến cuối năm 2018, các điểm tiêm chủng sẽ chính thức thực hiện. Hiện nay, phần mềm trên đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phần mềm tiêm chủng sẽ quản lý rõ ràng và chi tiết từng đối tượng tiêm chủng. Theo đó, mỗi người sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời với các thông tin về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Mối lo gà cúm từ Trung Quốc

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc, nhiều ý kiến lo ngại lượng lớn gà dịch có thể tràn vào thị trường VN qua đường tiểu ngạch, nếu không có những biện pháp quyết liệt.

Ngày 19.2, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trước diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 có nguy cơ xâm nhập VN, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp ngăn chặn, giám sát, trong đó chú trọng ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, bao gồm các sản phẩm đông lạnh. “Gà đông lạnh hay trứng gà đã nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 hay H5N1 hoàn toàn có khả năng lây sang người, giống như cơ chế lây truyền từ gia cầm sống gây nhiễm cho người”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo và lưu ý người dân không sử dụng các sản phẩm từ gia cầm sống, thịt gia cầm đông lạnh, trứng gia cầm nhập lậu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không được kiểm dịch.

Tính đến nay, số người chết vì dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc đã quá 100. Cúm A/H7N9 đã xảy ra ở 13 tỉnh thành của Trung Quốc, trong đó Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao thương nhiều với VN cũng ghi nhận các ca mắc.

Giá gà rẻ bất thường

Theo thông tin trên một số kênh truyền thông của Trung Quốc và thế giới, giá gà sống tại Trung Quốc hiện đã giảm xuống khoảng 0,769 USD/kg (tương đương 17.500 đồng/kg), thấp hơn 7% so với giá cuối năm 2016. Trong khi đó, từ đầu tháng 2 tại VN, giá gà sống cũng đang có chiều hướng giảm nhanh. Theo ông Hoán, chủ trại nuôi gà tại H.Bến Cát (tỉnh Bình Dương), giá gà sống xuất từ trại đều giảm; đặc biệt với loại gà lông màu, giống gà có thịt dai, thời gian nuôi dài hơn gà lông trắng 15 ngày. Chẳng hạn, gà lông màu trước Tết Nguyên đán giá xuất trại từ 37.000 - 38.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng lên đến 42.000 đồng/kg, nhưng nay đột ngột giảm xuống 25.000 đồng/kg. Tương tự, giá gà lông trắng cả năm qua luôn ở mức từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, tháng trước Tết âm lịch tăng lên 27.000 - 29.000 đồng, thì giờ chỉ còn khoảng 17.000 đồng/kg. Với mức giá thu mua tại trại hiện nay, người nuôi lỗ nặng.

Bà Hai Thảo, chủ trại gà tại H.Hóc Môn (TP.HCM), tỏ ý nghi ngại: “Không hiểu sao giá gà giảm dữ vậy. Hỏi phía công ty mua, họ nói thị trường yếu, hàng đông lạnh nhiều quá. Ra chợ quê thấy toàn đùi ức to bự chảng bán lẻ chỉ 22.000 đồng/kg. Trước đây cũng loại này có giá 28.000 - 30.000 đồng/kg. Họ cũng nói mua rẻ thì bán rẻ. Ở vùng chợ quê ham rẻ, cứ vậy mà mua. Mấy năm trước lâu lâu có đợt nhiều người chở đến mấy thùng nội tạng, chân gà bán chỉ 10.000/kg. Sau hỏi ra mới nghe nói hàng thải từ Trung Quốc tràn về. Nay cũng gà đùi ức thịt bán rẻ như thế phải chăng cũng từ Trung Quốc?”.

Theo các chủ trại nuôi gà tại Đồng Nai và Bình Dương, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá gà trong nước đang giảm sâu. Đó là sức mua thị trường sau tết có giảm; lượng gà đông lạnh giá rẻ không rõ nguồn gốc được nhập về bán tràn ngập các chợ quê và cuối cùng là thị trường xuất khẩu gà sang Campuchia đang chững lại. “Sau tết thì mặt hàng nào cũng giảm là điều tất yếu, nhưng giá gà giảm mạnh đến mức lỗ nặng và kéo dài là điều không bình thường. Phải có nguồn hàng lớn thay thế mới khiến thị trường “đông cứng” thế này”, ông Hoán nhận xét. Còn theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, gà đông lạnh nhập khẩu thông thường chỉ có đùi và ức, giá rất rẻ và đa số là nguồn hàng thải từ các nước, nhập quanh năm chủ yếu từ thị trường Mỹ, Brazil, Hàn Quốc với giá chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg, có đợt gà thải giá chỉ 14.000 đồng/kg. Hiện Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang lo ngại cúm gia cầm có thể lây lan từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của họ.

100.000 tấn gà thải từ Trung Quốc vào VN mỗi năm

Trước nghi vấn gà dịch từ Trung Quốc vào VN, một chuyên gia trong lĩnh vực thú y tại tỉnh Bình Dương phân tích: Xưa nay Trung Quốc là quốc gia có nhiều dịch bệnh trên gà, đây cũng là nơi phát đi nhiều chủng loại vi rút cúm gà mới trên thế giới. Năm 2012, chính lượng lớn gà thải từ Trung Quốc vào VN đã khiến ngành nuôi gà VN lao đao khủng khiếp, đã có không ít “đại gia” trong ngành chăn nuôi gà phải trắng tay do “làn sóng gà thải”. “Giá thành nuôi gà tại Trung Quốc luôn cao hơn VN, từ đó dẫn đến giá bán tại thị trường này luôn cao hơn VN. Tuy nhiên, hàng thải, muốn tống đi thu về được đồng nào hay đồng đó thì không nên dựa vào giá để nhận định. Hàng cấm không cho bán, đổ đống để tiêu hủy, nếu thu về cấp đông, thời gian sau bán giá 1/5 vẫn lãi chán. Không thể chủ quan nếu lượng lớn hàng bị ngưng bán tại chợ bên kia được tuồn vào các thị trường lân cận, trong đó có VN”, vị này nói.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cảnh báo: “Nhiều nhà quản lý vẫn khẳng định gà Trung Quốc khó lọt vào thị trường VN vì giá cao, song thực tế nhiều lô hàng được các cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ là hàng nội tạng, chân, cánh gà từ nước này. Vấn đề là khâu quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ lắm đâu để khẳng định không có gà thải từ thị trường lân cận”.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi VN, gà thải, nội tạng gia cầm đông lạnh, thực phẩm chế biến từ gà vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc vào VN với mức giá cực rẻ. Tại các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... hầu như năm nào cũng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu gà đông lạnh từ Trung Quốc vào VN với số lượng mỗi vụ từ vài tấn lên đến hàng chục tấn. Số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Chăn nuôi VN cho thấy, trung bình mỗi năm khoảng 100.000 tấn gà thải các loại từ Trung Quốc được tuồn vào VN. Ngay những ngày đầu năm nay, tại Hải Phòng cũng đã phát hiện, bắt giữ gần 40.000 quả trứng gà nhập lậu từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, lo ngại ngoài gà nhập lậu theo đường biên mậu, nguy cơ đưa gà thải, gà từ các vùng dịch bệnh vào VN qua con đường tạm nhập tái xuất là hoàn toàn có thể xảy ra. Tại một số hội thảo về thức ăn chăn nuôi do Báo Thanh Niên tổ chức năm qua, nhiều doanh nghiệp cũng cảnh báo việc núp bóng hàng tạm nhập tái xuất. “Một số doanh nghiệp nhập khẩu gà đông lạnh theo chính sách tái xuất sang nước thứ 3 nhưng thực chất tuồn hàng đó ra tiêu thụ tại VN. Trong đợt dịch cúm này, khi gà của Trung Quốc cấm bán, đến mùa xuất chuồng, buộc phải xuất, thường họ sẽ làm cấp đông để có dịp tiêu thụ sau. Theo tôi biết, Trung Quốc đang có lệnh cấm bán nhưng không có lệnh tiêu hủy tại các trại gà này, nên khả năng gà thải này tuồn sang các nước lân cận như Campuchia, Lào, VN là rất cao”, đại diện một doanh nghiệp đầu tư nuôi gà gia công tại H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết (Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang