Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Kêu gọi từ thiện giúp bệnh nhân đã chết hoặc ra viện (bài 1); Rước họa vì thuốc đông y “3 không”; Sẽ tham khảo quốc tế để áp trần đối với giá thiết bị y tế…

 

Vẫn lo ngại an toàn thực phẩm mùa lễ hội

Hằng năm, sau dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhiều địa phương nô nức mở hội, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân. Theo phản ánh của bạn đọc, tuy tình trạng an ninh trật tự ở phần lớn các điểm diễn ra lễ hội đã được siết chặt và cơ bản ổn định, nhưng lượng du khách tham quan, vãn cảnh tăng cao, kéo theo dịch vụ ăn uống thời vụ nở rộ... tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Phủ Tây Hồ (Hà Nội) trong những ngày qua luôn có đông du khách. Theo ước tính, vào ngày cao điểm có hàng nghìn lượt người vào Phủ. Dịch vụ kinh doanh cũng mọc lên như nấm. Dọc hai bên đường lối đi vào Phủ, các nhà hàng ăn uống: bún ốc, bún cá, bánh tôm, bánh bột lọc, bánh đúc... nằm san sát nhau. Hàng nào cũng đông thực khách. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các loại bánh trái, thức ăn... bày biện ngay phía trước cửa hàng bốc khói nghi ngút, nhưng không được che đậy hoặc đựng trong tủ kính. Khi thấy khách băn khoăn với việc chế biến thức ăn không đeo găng, một nhân viên quán bánh tôm thản nhiên cho biết: “Quán nhà em kinh doanh cả chục năm rồi, có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hẳn hoi, anh chị cứ yên tâm”.

Thực tế, bằng mắt thường cũng thấy, phần lớn các cửa hành kinh doanh thực phẩm nơi đây không bảo đảm các tiêu chí về kinh doanh thức ăn, đồ uống đường phố... Chị Trần Kim Mai, ở phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Đến vãn cảnh chùa, sau khi khấn lễ cầu an, mình cùng nhóm bạn ghé vào quán bánh tôm này. Thấy thực phẩm bày biện không dụng cụ che chắn kể cũng lo thật, nhưng ăn cho qua bữa”. Cũng chính bởi suy nghĩ này, nhiều du khách đã vô tình tiếp tay cho chủ các cửa hàng kinh doanh theo kiểu “khuất mắt trông coi”.

Đường vào chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh sau ngày khai hội, hàng quán tràn ngập. Đến chùa, hàng quán vây kín hai bên cổng vào tận trong sân. Hàng ăn “phơi” lộ thiên ngay đường đi. Chị Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) cho biết: “Tôi bị “choáng” khi thấy từ cửa chùa rồi dọc đường lên tượng và tháp chỉ thấy hàng quán và hàng quán, nhiều vô kể. Từ tượng sang tháp chỉ thấy hàng quán bán đồ lưu niệm, đồ giải khát, trải bạt cho thuê chỗ ngồi, ăn uống và xả rác. Tôi không còn cảm giác là mình đang đi chùa. Hàng quán quá nhiều đã làm mất đi vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh nơi cửa Phật”. Ngay cổng chùa là quán nướng đủ món, khói tỏa mờ mắt...

Lễ hội chùa Hương, xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), càng đáng quan ngại. Theo Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, trước lễ hội, chính quyền địa phương đã tập huấn kiến thức ATTP cho 100% số hộ kinh doanh, cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP và khám sức khỏe cho những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm.

Các tổ thanh tra, kiểm tra cũng được thành lập, làm nhiệm vụ liên tục kiểm tra vấn đề ATTP của các hàng quán. Quy định là vậy, song trên thực tế, các biện pháp của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh và quyết liệt trong khi lượng khách quá tải. Vẫn còn tình trạng nhà hàng, quán cơm bày bán thực phẩm tươi sống, lẫn lộn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán, chưa bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng; nhiều quán hàng rửa bát đĩa không sạch; người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền rồi lại bốc thức ăn cho khách...

Có thể thấy, dù các cơ sở kinh doanh ở đây đều đã được cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sinh ATTP, song những quy định tối thiểu về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ lại chưa được chấp hành nghiêm.

Theo bác sĩ Hoàng Thủy, chuyên gia Dinh dưỡng, việc thực phẩm được bày bán “lộ thiên”, dụng cụ ăn uống không bảo đảm vệ sinh có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan...

Do vậy, những người kinh doanh, buôn bán thực phẩm ăn uống tại lễ hội cần nhận thức được tầm quan trọng của vệ sinh ATTP với sức khỏe người tiêu dùng và kinh doanh có đạo đức. Mặt khác, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, dầu như thịt, hải sản, sữa rất dễ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển. Bởi vậy, ý thức của người bán cần được nâng cao để tránh cho du khách nguy cơ ngộ độc thực phẩm. (Nhân dân, trang 4).

 

Rước họa vì thuốc đông y “3 không”

Dù đã có rất nhiều lời cảnh báo nhưng thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn phải tiếp nhận không ít trường hợp do tự điều trị mà rước họa từ việc sử dụng thuốc đông y “3 không” (không giấy phép, không kiểm định chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ). Thậm chí, cơ quan chức năng đã phát hiện thuốc đông y trôi nổi còn được trộn thêm tân dược, chất cấm... bất chấp những biến chứng có thể xảy ra với người sử dụng.

Vào bệnh viện để bán thuốc trái phép

Cuối tuần qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh bệnh viện để bán thuốc đông y, thuốc không nguồn gốc. Đại diện bệnh viện này cho biết, một loạt trang fanpage giả mạo vừa được lập ra đã cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện và lồng tiếng quảng cáo nhằm tạo niềm tin, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn ngang nhiên giả danh nhân viên bệnh viện chèo kéo, mời chào người bệnh mua các loại thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ… ngay tại phòng khám của Bệnh viện trung ương Quân đội 108.

Các loại thuốc đông y gia truyền được rao bán khắp nơi với đủ lời quảng cáo “có cánh”, như: Điều trị tận gốc, không gây hại... Cùng với đó là thói quen sử dụng thuốc tùy tiện khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân 63 tuổi (ở huyện Thanh Trì), sau khi nghe người quen giới thiệu về một loại thuốc Nam dạng viên chữa đái tháo đường rất tốt, đã bỏ ra 10 triệu đồng mua 20 gói về uống. Sau khi uống được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm viên thuốc mà bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy thành phần phenformin, chất đã bị thế giới thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã điều trị cho một nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy đa tạng kèm viêm phổi sau một thời gian dài sử dụng thuốc Nam.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc Nam bệnh nhân gửi đến phát hiện có chất paracetamol - là thuốc giảm đau, hạ sốt, chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc trộn paracetamol vào thuốc Nam với liều lượng không được công bố khiến bệnh nhân bị ngộ độc là việc làm phi pháp, cần lên án.

Còn Bệnh viện Nhi trung ương đã phải tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp: Bé T.X.H (6 tuổi, ở Hà Nội) bị thận hư, phù cơ thể, tăng đến 8kg; bé N.A (15 tuổi, ở Thanh Hóa) rơi vào tình trạng suy thận nặng, nguy hiểm đến tính mạng… đều do sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bị biến chứng do sử dụng thuốc đông y “3 không”. Điển hình là bệnh nhân N.T.T (30 tuổi, ở Hà Nội) đã giấu chồng mua thuốc đông y trên mạng để điều trị đái tháo đường. Hậu quả, sau khi sử dụng, nữ bệnh nhân đã phải nhập viện vì đường huyết tăng cao, sụt cân và mệt mỏi.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, tình trạng bán thuốc qua mạng, quảng cáo thuốc tràn lan ngày càng đáng báo động. Với các bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, xương khớp, thận... cần phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã bỏ dở việc điều trị, tự tìm mua và sử dụng những loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Đừng uống thuốc theo truyền miệng

Với nhiều loại bệnh mạn tính, việc kết hợp đông - tây y trong điều trị được áp dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) lưu ý, khi sử dụng thuốc đông y hay kết hợp thuốc đông y với tây y cần phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tùy tiện kết hợp thuốc đông y và tây y vì dễ gặp phải tương tác thuốc, khiến bệnh dễ nặng hơn. Thậm chí, việc sử dụng thuốc đông y mà không biết rõ nguồn gốc, chỉ nghe theo sự mách bảo hay truyền miệng dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Để hạn chế việc sử dụng thuốc đông y bừa bãi cũng như ngăn chặn các “thầy lang rởm” bán thuốc tràn lan cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính người bệnh. Người bệnh cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo để phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe của mình”, bác sĩ Đinh Thế Tiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo về các loại thuốc đông y gia truyền không bảo đảm về nguồn gốc, không có các thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế. Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do thuốc gây ra cần giữ lại tất cả mẫu thuốc còn lại, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm, từ đó xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc có thể xảy ra với người khác. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Sẽ tham khảo quốc tế để áp trần đối với giá thiết bị y tế

Theo thông tin từ một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế gặp khó khăn do đơn vị không xác định được giá phù hợp.

"Hiện, khi mua sắm chúng tôi không biết mua giá nào là hợp lý, vì giá các thiết bị, vật tư do các đơn vị cung cấp tự quyết định. Bệnh viện (BV) không thể đủ khả năng thẩm định giá. Chúng tôi rất mong muốn nhà nước có quy định chặt chẽ, rõ ràng về giá trang thiết bị (TTB) y tế. Ví dụ, nên có quy định về mức độ chênh lệch giá bán ra so với giá gốc", một lãnh đạo của BV Bạch Mai (Hà Nội) nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ TTB và công trình y tế (Bộ Y tế), đấu thầu mua sắm công phải thực hiện theo luật Đấu thầu và hướng dẫn của Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Nếu các đơn vị có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp lại để Bộ Y tế sẽ đề xuất, sửa đổi.

Ông Lợi cho rằng, hiện trong nước chưa có quy định về mức lợi nhuận, chênh lệch của giá gốc với giá bán ra thị trường, không có quy định giá trần. Trần giá (lợi nhuận tối đa - PV) được phép là bao nhiêu với TTB đó, thì Bộ Y tế và các bộ liên quan sẽ phải nghiên cứu. "Trong thời gian tới, khi làm luật về thiết bị y tế thì sẽ tính. Chúng tôi đang tìm hiểu quy định của các nước như thế nào", ông Lợi cho biết.

Theo ông Lợi, giá nhập khẩu và thêm các chi phí đào tạo, bảo hành bảo trì... thì mới ra được giá bán cuối cùng. Còn chuyện giá bán nào hợp lý so với giá nhập, thì sẽ phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, hiện đã có quy định không mua bán lòng vòng. Vì theo luật Dân sự, đơn vị sở hữu máy và bên bán máy không được ủy quyền 2 lần. Nguyên tắc chung, người mua muốn mua giá tốt thì phải chủ động tìm mua của nhà phân phối chính thức ban đầu, không mua qua trung gian.

Giá máy do BV tư mua không là giá chuẩn cho BV công

Ông Lợi cho hay, "để quy định được về mức lợi nhuận hợp lý với thiết bị y tế thì mình phải xem thông lệ quốc tế như thế nào, chứ VN cũng không làm khác được vì chúng ta đã hội nhập rồi".

Vụ trưởng Vụ TTB - công trình y tế cũng cho rằng: "Không thể so sánh giá mua giữa đơn vị nhà nước và giá của tư nhân". Lý do, để quy định, xác định được giá TTB thì phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến chất lượng sản phẩm; số lượng mua và phương thức thanh toán... Riêng về phương thức thanh toán, với đơn vị công lập, khi mua, các BV công thường thanh toán chậm, thậm chí còn chậm hơn so với hợp đồng đã thỏa thuận do không có tiền. BV nợ thì ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán máy vì doanh nghiệp lại đi vay tiền ngân hàng, do đó cũng ảnh hưởng đến giá bán TTB thực tế. Khi tư nhân mua, họ thanh toán ngay nên giá sẽ rẻ hơn.

Trước thực tế một số BV công sử dụng máy xét nghiệm là máy "đóng" (máy của hãng nào thì cũng dùng hóa chất của hãng đó) nên bên cung cấp máy độc quyền về hóa chất, ông Lợi cho hay, có dòng máy "đóng" và có máy "mở", tùy vào nhà sản xuất và tùy chức năng xét nghiệm chứ không phải tất cả các máy xét nghiệm đều là máy "đóng". Có những xét nghiệm muốn làm thì chỉ mua được dòng máy đó, mà dòng máy đó lại là máy "đóng", nhưng không phải tất cả máy đều là máy "đóng".

Do đó, theo ông Lợi, luật Đấu thầu sửa đổi sẽ có những điểm điều chỉnh liên quan đến mua sắm công. Trong trường hợp các xét nghiệm có thể thực hiện bằng máy "mở" thì nên mua máy này để có thể sử dụng được hóa chất của các nhà cung cấp khác nhau, tránh phụ thuộc vào một đơn vị cung cấp hóa chất. (Thanh niên, trang 22).

 

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 144 của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144 ngày 5.11.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, TTB y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu và theo chức năng, nhiệm vụ được phân công xây dựng báo cáo gửi về Bộ tình hình thực hiện Nghị quyết số 144, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144 (nếu có); giải pháp để bảo đảm thuốc, TTB y tế và làm rõ lý do, thuyết minh về đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung. Văn bản báo cáo gửi về Bộ Y tế (Vụ Pháp chế) trước ngày 23.2 để Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo một số BV, Nghị quyết 144 đã giải quyết được tình hình thiếu thuốc, đã gia hạn số đăng ký thuốc. Đã giải quyết được thanh toán vật tư, hóa chất đối với hợp đồng ký trước ngày 5.11.2022 sử dụng trên máy mượn, máy đặt có thời gian đến 5.11.2023; tuy nhiên cần làm rõ những hợp đồng ký sau ngày 5.11.2022. Khó khăn hiện nay là một số hóa chất, vật tư hết hạn đăng ký vẫn chưa được gia hạn khiến các BV thiếu hóa chất, vật tư. Việc sửa chữa, mua sắm TTB y tế vẫn còn vướng luật… (Thanh niên trang 22)

 

95% cơ sở y tế đã sẵn sàng để người bệnh sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện đã có 95% cơ sở y tế sẵn sàng để người bệnh sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám chữa bệnh.

Dự kiến trong quý I/2023, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu sức khoẻ điện tử cho người dân. Năm 2020, có khoảng 150 triệu lượt khám chữa bệnh cho 40 triệu người có thẻ BHYT. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được nâng cao.

Tính đến hết năm 2020, độ bao phủ BHYT trên cả nước đạt tỷ lệ 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP) và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.

Theo lộ trình Chính phủ đặt ra, năm 2025, cả nước phải cán mốc 95% dân số tham gia BHYT. Năm 2023, Bộ Y tế và BHXN Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi người dân, cũng như bảo đảm sự phát triển bền vững của quỹ BHYT vì quyền lợi lâu dài của người tham gia. (Công an Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Hơn 95% cơ sở y tế dùng căn cước công dân gắn chip trong khám chữa bệnh”.

 

Kêu gọi từ thiện giúp bệnh nhân đã chết hoặc ra viện (bài 1)

Thông tin kêu gọi hỗ trợ cho một nữ bệnh nhân tên T.T.M.D (SN 1968, ngụ huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) đang điều trị tại Bệnh viện (BV) Ung bướu TP Hồ Chí Minh được rao trên fanpage Deeda Việt Nam (trên mạng Facebook) và trên website Deeda.care của Công ty TNHH Deeda Việt Nam có nhiều chi tiết bất thường.

Nhiều câu chuyện “bật ngửa”

Theo lời kêu gọi được đăng, nữ bệnh nhân D. không có người thân và gặp nhiều khó khăn, đang phải điều trị căn bệnh ung thư đại tràng đã di căn. Số tiền mục tiêu mà tổ chức này kêu gọi cộng đồng quyên góp cho bệnh nhân là 50 triệu đồng. Hiện “chiến dịch quyên góp” vẫn đang được triển khai, chưa có dấu hiệu kết thúc. 

Tuy nhiên, khi trực tiếp liên hệ với BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, nơi bệnh nhân điều trị như trong giấy tờ mà Deeda.care thể hiện, sự thật chúng tôi được biết bệnh nhân này đã qua đời cách đây hơn 2 tháng tại bệnh viện.

Thạc sĩ Lê Hồng Diễm, Trưởng phòng Công tác xã hội (CTXH), BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh tỏ ra bất ngờ và cho biết: bệnh nhân D. đã mất từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão.

“Bệnh nhân này được chẩn đoán là bị ung thư đại tràng, nhập viện và điều trị tại BV trong vòng 9 ngày thì mất vào ngày 5/12/2022. Chi phí điều trị cho bệnh nhân này khoảng 9,5 triệu đồng, Bảo hiểm y tế (BHYT) đã thanh toán 95%, phần còn lại bệnh nhân chỉ phải thanh toán gần 500 ngàn đồng và số tiền này đã được BV hỗ trợ”, Thạc sĩ Lê Hồng Diễm cho biết.

Tiếp tục tìm hiểu các trường hợp được Deeda kêu gọi, phóng viên phát hiện rất nhiều bệnh nhân tại nhiều BV ở TP Hồ Chí Minh được kêu gọi hỗ trợ đều có những dấu hiệu đáng ngờ và lạ lùng. Một số bệnh nhân đã xuất viện, số khác thì đã được BV hỗ trợ hay kêu gọi các nhà hảo tâm (thông qua Phòng CTXH của BV) ủng hộ chi phí điều trị… Thế nhưng, trên website này vẫn kêu gọi những “số tiền mục tiêu” cao ngất ngưởng cho bệnh nhân.

Với lời kêu gọi “Chung tay cứu bé L.Q.H, 8 tuổi mắc ung thư nguyên bào thần kinh cần chi phí ghép tế bào gốc để duy trì sự sống!!!”, Deeda dẫn lời người mẹ của cháu bé (quê ở Hậu Giang) nói về tình trạng bệnh của bé và hoàn cảnh gia đình khó khăn của mình.

Theo lời người mẹ, bé H. đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật và hóa, xạ trị, sắp tới cần một số tiền lớn để ghép tế bào gốc với hy vọng giành lại sự sống cho con… Từ đó, Deeda kêu gọi mọi người chung tay đóng góp số tiền mục tiêu là 350 triệu đồng để giúp đỡ gia đình cháu bé.

Nói về trường hợp này, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng CTXH, BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh nhi này được chỉ định thay tế bào gốc và đã được Phòng CTXH BV kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị sắp tới, đồng thời, quá trình điều trị nếu khó khăn, BV và các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ.

Tương tự, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân L.V.B.C (SN 1974, quê Đồng Tháp) điều trị xuất huyết não tại BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, cũng được Ban Giám đốc BV xác nhận với phóng viên là bệnh nhân đã xuất viện từ tháng 12/2022. Trường hợp bệnh nhân Q.A mới 6 tháng tuổi, đang điều trị tại BV Nhi đồng 1 được Phòng CTXH quan tâm vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ toàn bộ chi phí.

Có hồ sơ từ năm 2018 đến nay như trường hợp bệnh nhân N.K.H.P (SN 2018), điều trị ung thư võng mạc tại BV Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, tái khám lần cuối cùng vào năm 2020, nhưng Deeda vẫn kêu gọi xin hỗ trợ điều trị với số tiền mục tiêu là 50 triệu đồng. Theo các bác sĩ, đối với bệnh nhân bị ung thư võng mạc, các bé sẽ được BHYT chi trả toàn bộ chi phí.

Một trường hợp khác, bệnh nhân T.D.H, 6 tháng tuổi, cũng đã kết thúc điều trị tại BV Nhi đồng 1 từ nhiều tháng trước, nhưng vẫn nằm trong danh sách Deeda kêu gọi hỗ trợ viện phí điều trị.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng CTXH, BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết, phía Deeda không hề liên hệ với BV để xác thực thông tin về các bệnh nhân. Riêng trường hợp bé T.D.H đã ra viện và người thân của bé có tự liên hệ với bên Deeda hay không thì BV không rõ nhưng bệnh nhân này đã không còn điều trị ở BV.

Phí rút tiền được ủng hộ, giúp đỡ lên tới 49%?

Dễ dàng nhận thấy, các thông tin của bệnh nhân trên website Deeda.care đều có hồ sơ bệnh án cụ thể. Tuy nhiên, khi thực hiện “chiến dịch” kêu gọi cho bệnh nhân, tổ chức này gần như rất ít liên hệ kiểm chứng thông tin từ phía các BV. Chính việc này đã dẫn đến chuyện không thể kiểm soát được thông tin khi người bệnh đã xuất viện hoặc đã qua đời hay chưa. Đáng nói là nhiều nhà hảo tâm vẫn ủng hộ tiền cho các trường hợp này. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh và Thạc sĩ Lê Hồng Diễm đều khẳng định: Các trường hợp Deeda đưa thông tin  lên mạng để kêu gọi từ thiện đều chưa làm việc với BV để xác minh tình trạng cụ thể của bệnh nhân ra sao.

Theo thông tin trên trang web thì Deeda có đề cập rõ việc sẽ thu 10% phí kêu gọi từ thiện với mỗi trường hợp. Tuy nhiên, trao đổi với một số thân nhân người bệnh, phóng viên càng bất ngờ hơn, khi những người này cho biết số tiền “phí” mà Deeda thỏa thuận với bệnh nhân cao hơn rất nhiều lần, thậm chí đến hơn 40%.

Lý do được đưa ra là cần phải chạy quảng cáo trên mạng để được nhiều nhà hảo tâm tiếp cận và một phần cho kinh phí hoạt động của đội ngũ tư vấn viên rồi cả việc công ty lo việc thu chi các khoản cho người nhà bệnh nhân, bệnh nhân.

Chị C.T.N.T (SN 2000, quê Long An) có hai con là T.P.T (SN 2019) và T.N.B.N (SN 2021), điều trị tại BV Nhi đồng 1. Bé trai T. mắc thuyên tắc mạch máu não, bệnh lý tăng đông máu chưa rõ nguyên nhân đã bị đoạn chi do biến chứng. Bé gái N. bị tăng đông máu nhưng có thêm di chứng não. Cả hai bé đều mang những căn bệnh rất nghiêm trọng, chi phí chữa trị cao.

Theo chị T., thời gian qua, gia đình chị được nhiều cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ nhiều lần và số tiền cũng rất đáng kể. Khi được đề nghị, vợ chồng chị đã cung cấp các thông tin và hình ảnh hai bé để phía Deeda đăng tải trên mạng kêu gọi giúp đỡ.

Sau đó, phía Deeda tạo một tài khoản ngân hàng đứng tên chồng chị và cá nhân, tổ chức nào ủng hộ cho hai con chị đều gửi vào số tài khoản trên. Nhưng mỗi lần chồng chị rút tiền thì đều bị trừ gần một nửa tổng số tiền muốn rút.

Một lần chồng chị T. yêu cầu rút 17,9 triệu đồng thì số tiền thực nhận được chỉ là 9,1 triệu đồng, còn “phí rút tiền” lên tới 8,8 triệu đồng. Và các lần rút tiền khác, vợ chồng chị cũng đều bị trừ “phí rút tiền” tương đương - khoảng 49% trên tổng số tiền rút…

Theo thông tin quảng bá trên trang Deeda.care, dù chỉ mới thành lập chính thức tại Việt Nam từ tháng 8/2022, nhưng Công ty Deeda Việt Nam (có công ty mẹ ở Singapore) đã gây quỹ được hơn 30 tỷ đồng, 1.500 trường hợp được giúp đỡ (cá biệt có những trường hợp chi phí điều trị lên đến 300 - 400 triệu đồng), cùng với sự ủng hộ từ hơn 100.000 Mạnh Thường Quân…

Nhiều vấn đề, câu hỏi cần được đặt ra. Công ty Deeda này là ai? Tổ chức này có tư cách pháp nhân để kêu gọi từ thiện hay không? Nếu người cần giúp đỡ đã qua đời hoặc đã xuất viện, thì việc vẫn kêu gọi từ thiện có đúng không? Vì sao chỉ mới ra đời nửa năm, “chiến dịch” kêu gọi từ thiện của tổ chức này lại rầm rộ như vậy?... (Công an Nhân dân, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang