Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Nối thành công cánh tay bị đứt lìa; Siết chặt an ninh ở bệnh viện; Yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự bệnh viện; Thực hiện công bằng trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh; Hơn 3.000 lãnh đạo trung tâm y tế “ra rìa” sau sát nhập; ...

 

Siết chặt an ninh ở bệnh viện

Gần đây, tại các bệnh viện trên phạm vi cả nước xảy ra nhiều vụ truy sát, lừa đảo bệnh nhân, hành hung bác sĩ. Thậm chí có đối tượng côn đồ ngang nhiên xông vào bệnh viện gây án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và chất lượng khám, chữa bệnh.

Ngày 7-5 vừa qua, một nhóm côn đồ mang theo hung khí đã xông vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khống chế bác sĩ, bảo vệ rồi chém đứt khí quản của bệnh nhân, người trước đó đã có mâu thuẫn với nhóm côn đồ. Cùng thời gian trên, tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ), một nhóm nam thanh niên đưa người bệnh đến cấp cứu.

Các y, bác sĩ đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu và mời những người không liên quan ra ngoài chờ, nhưng một trong số đó tỏ thái độ không hợp tác, chửi bới nhân viên an ninh, nhân viên y tế. Đội phản ứng nhanh của bệnh viện đã áp tải đối tượng ra khỏi bệnh viện. Sau khi ra cổng, đối tượng gọi thêm đồng bọn trở lại đe dọa và dùng vũ khí tiến công nhân viên bệnh viện.

Không chỉ bị hành hung, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo ngay trong khuôn viên bệnh viện. Giữa tháng 3-2017, Công an TP Hà Nội bắt quả tang một nhóm đối tượng chuyên đi mua thuốc nam về thái lát mỏng, đóng gói, mang ra cổng Bệnh viện K (Hà Nội) tìm người nhà bệnh nhân quảng cáo rằng đây là thuốc chữa ung thư, uống vào là khỏi hẳn. Mỗi gói thuốc, nhóm đối tượng thu 25 triệu đồng của người mua và đòi thêm 900.000 đồng tiền “phí”.

Ngày 16-5, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiếp tục triệt phá một ổ nhóm lừa đảo dưới hình thức bán thuốc giả cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo kết quả điều tra, các đối tượng tìm mua tam thất nam phơi khô, thái lát với giá rẻ, rao là “thần dược” để bán cho các nữ bệnh nhân nhẹ dạ tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư (phố Triệu Quốc Đạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thấy chị T.T.Đ (ở quận Long Biên) và một nữ bệnh nhân ngồi tâm sự ở sân bệnh viện, các đối tượng lập tức bắt chuyện và lừa bán thuốc giả với giá năm triệu đồng.

Có nhiều nguyên nhân khiến tội phạm ở bệnh viện gia tăng. Nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ tình trạng quá tải bệnh viện, dẫn đến khó kiểm soát. Quy trình tiếp nhận, quản lý bệnh nhân của các bệnh viện còn lỏng lẻo, các biện pháp bảo đảm an ninh chưa được nhiều bệnh viện quan tâm. Chất lượng khám, chữa bệnh còn hạn chế, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chưa tốt… khiến người dân dễ bức xúc, phản ứng. Bên cạnh đó, mỗi ngày các bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn lượt người bệnh, người nhà, sinh viên thực tập, cán bộ y tế và các đối tượng khác, cho nên các đối tượng tội phạm rất dễ trà trộn gây mất an ninh trật tự.

Để hạn chế những vụ việc nêu trên và tăng cường công tác an ninh bệnh viện, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Mặt khác, các bệnh viện cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, nhất là quản lý về an ninh trật tự, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Việc chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ bệnh viện cũng là giải pháp cần được quan tâm hơn (Nhân dân, trang 3).

 

Yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự bệnh viện

Ngày 19-5, Bộ trưởng Y tế đã có chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trong các bệnh viện. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các giám đốc sở y tế, giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ, thủ trưởng y tế các bộ, ngành chủ động phối hợp với lực lượng công an triển khai công tác bảo đảm ANTT trong lĩnh vực y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế các sai sót về chuyên môn và tinh thần, thái độ, kỹ năng tiếp xúc người bệnh; triển khai các biện pháp phòng ngừa tình trạng mất ANTT bệnh viện.

Lãnh đạo các bệnh viện có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ANTT, các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ danh dự, tính mạng của nhân viên y tế; bảo đảm môi trường an toàn cho người bệnh tới khám và điều trị. Rà soát, củng cố và kiểm soát mức độ an toàn trên toàn bộ khuôn viên, tường rào, các lối ra, vào của bệnh viện; lắp đặt hệ thống ca-mê-ra an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp, có thể trang bị khóa từ ở các khoa có nguy cơ mất ANTT cao và các phương tiện phòng hộ khác. Xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT chung của bệnh viện và tại các khoa, phòng, bộ phận có nguy cơ mất ANTT cao... (Nhân dân, trang 5).

 

Thực hiện công bằng trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh

Ngày 19-5, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết việc thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước là bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2017, nhưng không phải là đến ngày 1-6-2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này. Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ thực hiện theo lộ trình từng bước, thận trọng, không điều chỉnh đồng loạt, mà có phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân... (Nhân dân, trang 5).

 

Mổ bóc u xơ tử cung nặng tới 3 kg

Các bác sĩ khoa Phụ (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) vừa phẫu thuật thành công bóc tách khối u xơ nặng gần 3kg trong tử cung cho bệnh nhân Lục Thị H. (27 tuổi).

Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau bụng khu vực mạn sườn trái và hạ vị. Kết quả xét nghiệm, siêu âm và chụp cắt lớp cho thấy, tử cung có kích thước to, đáy tử cung có khối đồng tỷ trọng, niêm mạc buồng tử cung mỏng, đáy tử cung có u xơ to kích thước 126x124mm. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u xơ tử cung và có chỉ định phẫu thuật bóc khối u xơ tử cung cho bệnh nhân.

Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, bác sĩ đã bóc toàn bộ khối u xơ tử cung nặng gần 3kg ra khỏi ổ bụng. Bác sĩ Nguyễn Văn Long, khoa Phụ cho biết, u xơ tử cung là những khối u lành tính nên thường không gây nguy hiểm nếu được phát hiện sớm.

Đây là căn bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhất là những chị em đã trải qua ít nhất một lần mang thai và sinh nở. Bệnh không nguy hại khi kích thước của chúng còn nhỏ nhưng khi khối u phát triển, tính mạng của chị em có thể bị đe dọa. Nhưng nhiều chị em không có thói quen khám phụ khoa định kỳ nên bệnh thường phát hiện muộn, khó điều trị và có thể gây các biến chứng, nhất là trong thai kỳ. Bệnh gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người bệnh do những cơn đau nhức hành hạ. Gây rối loạn kinh nguyệt dẫn tới rối loạn chức năng buồng trứng và khả năng phóng noãn, rụng trứng. Gây sảy thai, sinh non hoặc thai nhi bị dị dạng do khối u chèn ép. Rối loạn các vấn đề sinh lí như hậu môn, trực tràng khiến người bệnh bị tiểu buốt, tiểu rắt hoặc táo bón.

Những khối u xơ lớn lên có thể ép vào xương chậu gây cảm giác đau, chèn ép vào đường dẫn tiểu, làm ứ nước ở thận, hay ép vào bọng đái gây cảm giác luôn muốn đi tiểu. Thai phụ có u xơ tử cung dễ bị sinh non, ngôi thai bất thường, nhau bám ở vị trí bất thường (nhau tiền đạo, nhau cài răng lược). Những khối u to làm cho sản phụ không sinh được, phải mổ và có nguy cơ bị băng huyết cao hơn hay vỡ tử cung. Ngoài ra, u xơ tử cung có thể gây hiếm muộn do làm thay đổi lớp nội mạc tử cung, không thuận lợi cho sự làm tổ của trứng khi thụ tinh và có thể làm sẩy thai liên tiếp.

Việc điều trị u căn bệnh này ở tùy thuộc vào mức độ phát triển của khối u. Nếu khối u có kích thước nhỏ thì biện pháp điều trị có thể dùng thuốc để kích thích làm teo khối u hoặc sử dụng kỹ thuật xoắn để néo chân u xơ rồi đưa u xơ ra ngoài từ cổ tử cung.

Trường hợp khối u xơ lớn, phương pháp điều trị thường được áp dụng là sử dụng kỹ thuật xâm lấn thông qua việc phẫu thuật cắt bỏ khối u. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa để xác định vị trí, kích thước của khối u. Sau đó sẽ tiến hành mổ lấy khối u ra ngoài (Tiền phong, trang 10).

 

Hơn 3.000 lãnh đạo trung tâm y tế “ra rìa” sau sát nhập

Sáng nay, 19-5, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo các văn bản về tổ chức y tế ở địa phương và công tác cán bộ. Trong đó đáng chú ý là dự thảo Thông tư về cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (CDC).

Trung tâm này được tổ chức, sắp xếp trên cơ sở sáp nhập lại các trung tâm, đơn vị sự nghiệp công lập có cùng chức năng quản lý về y tế dự phòng ở địa phương, nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.

Trên thực tế, chủ trương này đã được Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thực hiện hơn 1 năm nay, theo Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV.

Theo Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, việc sáp nhập các đơn vị ở tuyến tỉnh để tổ chức theo mô hình CDC xuất phát từ thực tế là tại hầu hết các tỉnh trước đây đều có rất nhiều trung tâm, đơn vị sự nghiệp cùng có chức năng quản lý về y tế dự phòng.

Cụ thể, trung bình 1 tỉnh/ thành phố có khoảng 6 đơn vị, thậm chí có những tỉnh lên tới 9, 12 đơn vị như: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế, Trung tâm phòng chống HIV-AIDS, Trung tâm Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội, Phòng khám bác sĩ gia đình…

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết, tính đến 30-4, Bộ Y tế đã nhận được 37 quyết định của UBND cấp tỉnh Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, trong đó có việc tổ chức các đơn vị y tế dự phòng theo mô hình CDC. Chẳng hạn, Hà Nội đã tổ chức lại 9 đơn vị trong hệ thống y tế dự phòng tuyến thành phố (sáp nhập làm 1) và giữ nguyên tên gọi là Trung tâm Y tế dự phòng.

Ngoài ra, 17 tỉnh/ thành phố khác đang tiếp tục triển khai. Tuy vậy, vẫn còn tới 9 tỉnh đang giữ nguyên mô hình các trung tâm hiện có. Theo ông Phạm Văn Tác, tới đây, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức gửi tất cả 9 tỉnh/ thành chưa thực hiện việc tổ chức lại mô theo mô hình CDC kể trên, yêu cầu dứt khoát trước năm 2020 phải hoàn thành việc thực hiện sáp nhập theo chủ trương này.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho biết thêm, ở tuyến tỉnh, trung bình một tỉnh có 6 trung tâm, tức có 6 ông giám đốc, khoảng 18 ông Phó Giám đốc. Khi sát nhập làm 1 để tổ chức theo mô hình CDC thì chỉ còn 1 giám đốc, đồng nghĩa sẽ dôi dư ra 5 giám đốc, khoảng 15 phó giám đốc.

“Như vậy khi sáp nhập các đơn vị cùng chức năng y tế dự phòng vào làm một, bình quân mỗi tỉnh sẽ dôi dư ra khoảng 20 lãnh đạo. Cả nước có 63 tỉnh thành, vậy nếu đều thực hiện theo mô hình CDC thì sẽ dôi dư khoảng 1.260 lãnh đạo, chưa kể cán bộ cấp trưởng phòng, phó phòng thì số lượng cán bộ được sắp xếp lại rất lớn” – ông Phạm Văn Tác cho biết.

Tương tự, theo tính toán của Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, ở cấp huyện, có khoảng 500 huyện vẫn chưa sắp xếp lại theo mô hình trung tâm y tế đa chức năng, tới đây sẽ triển khai. Hiện mỗi huyện có bình quân khoảng 2 đơn vị sự nghiệp (bệnh viện đa khoa huyện và trung tâm y tế huyện), nếu tổ chức sáp nhập thành 1, như vậy sẽ dôi dư khoảng 2.000 cán bộ lãnh đạo nữa. (An ninh Thủ đô, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Sẽ dôi dư hàng ngàn giám đốc, phó giám đốc cơ sở y tế”

 

Bộ Y tế bắt đầu thanh tra 15 công ty kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng

Thanh tra Bộ Y tế vừa quyết định thành lập Đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tại Hà Nội.

Ngày 17-5, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính đã ký ban hành Quyết định thành lập Đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tại TP. Hà Nội. Cụ thể, đoàn sẽ tiến hành thanh tra tại các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ ở Hà Nội.

Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên, do ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ 1-1-2015 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ trước có liên quan.

Đoàn thanh tra có nhiệm vụ phát hiện các sở hở, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Phát hiện vi phạm (nếu có), xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm…( An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Thả nổi thị trường kính thuốc

Tại TPHCM, trong bối cảnh tỷ lệ người bị mắc các tật liên quan đến khúc xạ, phải đeo kính thuốc ngày càng nhiều, các cửa hàng mắt kính hiện mọc lên nhan nhản khắp các con phố. Tuy nhiên, do kỹ thuật đo thị lực ở nhiều cơ sở cung cấp kính thuốc không bảo đảm chất lượng, thông số kỹ thuật không đúng, máy móc không đạt chuẩn… đã khiến người dùng rơi vào cảnh mất tiền, mất luôn thị lực.

Đo 3 nơi cho 3 kết quả

Hầu hết tại các ngã ba, ngã tư trên các trục đường lớn đều xuất hiện các cửa hàng mắt kính với những lời quảng cáo chuyên về mắt cận, viễn, loạn thị và có bác sĩ chuyên khoa đo, khám mắt miễn phí. Nhưng trên thực tế, rất ít cơ sở có chuyên viên hoặc bác sĩ chuyên khoa mắt làm việc.

Trong vai người đi kiểm tra thị lực, tại một cửa hàng mắt kính trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), phóng viên (PV) được nhân viên bán kính giới thiệu là có bác sĩ chuyên khoa mắt đo và khám. Sau một lúc bấm bấm, chỉnh chỉnh chiếc máy đo mắt điện tử, vị “bác sĩ nhãn khoa” này kết luận mắt trái bị cận 2 độ, mắt phải cận 3,5 độ và yêu cầu ra quầy kính cắt kính để đeo. Cũng trong buổi sáng, PV tiếp tục ghé vào cửa hàng mắt kính trên đường Trường Sa (quận Tân Bình), sau một hồi đo mắt bằng máy và kiểm tra thị lực của PV bằng cách đọc những dòng chữ trên tấm bảng với nhiều tròng kính khác nhau, nhân viên cửa hàng khẳng định rằng cả hai mắt của PV bị cận 1 độ.

Chưa yên tâm với kết quả đo buổi sáng, chiều cùng ngày, PV tiếp tục ghé của hàng mắt kính trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp) để kiểm tra lại. Đo mắt xong, nhân viên cửa hàng cho biết, mắt phải cận 4,5 độ, mắt trái cận 3,75 độ. Chưa hết, nhân viên còn cho rằng mắt phải của PV bị loạn 0,75 độ, mắt trái loạn 1,25 độ và yêu cầu cắt mắt kính. Khi PV thắc mắc về kết quả đo mắt kính trong khi thị lực vẫn ổn định và chưa đeo kính bao giờ, nhân viên cửa hàng cam kết rằng thông số đó là chuẩn, máy đo thị lực của cửa hàng được đầu tư với số vốn hơn 700 triệu đồng và được nhập từ nước ngoài, nên không bao giờ gặp sai số!

Vẫn còn buông lỏng?

Thông tư của Bộ Y tế đã quy định tại các cơ sở cung cấp dịch vụ kính thuốc, người hành nghề phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y tế trở lên, có chứng chỉ hành nghề về dịch vụ kính thuốc và có thời gian thực hiện đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt tại cơ sở dịch vụ kính thuốc hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa mắt ít nhất là 45 tháng trở lên. Người hành nghề dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ về thiết bị y tế (thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt) được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp. Quy định là vậy nhưng trên thực tế, chất lượng kính thuốc của các cửa hàng cung cấp loại kính này chưa có được độ tin cậy cao do chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Qua tìm hiểu, có rất nhiều cửa hàng chỉ được cấp đăng ký kinh doanh kính thời trang, nhưng khi thấy nhiều khách hàng có nhu cầu mua kính thuốc đã tự trang bị thêm máy đo khúc xạ, tự học phương pháp đo mắt, cắt và lắp kính thuốc. Tại cửa hàng mắt kính trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp), sau khi được nhân viên đo khúc xạ và kiểm tra thị lực, PV nhờ nhân viên tư vấn và chọn mắt kính để lắp, qua đó biết được nhân viên tư vấn kiêm luôn kiểm tra thị lực và giờ là kiêm luôn kỹ thuật viên lắp kính. Nhân viên này cho biết được thuê làm việc tại cửa hàng khi còn là nhân viên giới thiệu sản phẩm mắt kính thời trang; không qua trường lớp đào tạo nhưng được ông chủ hướng dẫn sử dụng máy đo khúc xạ, cách đặt câu hỏi cho khách hàng và tự kê toa, cắt kính.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Mai, Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TPHCM, hiện nay thị trường kính thuốc vẫn còn bỏ ngỏ, các cơ sở đo mắt và kiểm tra thị lực vàng thau lẫn lộn. Thậm chí, hàng ngày Bệnh viện Mắt tiếp nhận hàng chục ca đến kiểm tra biến chứng do sử dụng kính thuốc không đúng. Theo bác sĩ Hồng Mai, việc sử dụng kính thuốc không chuẩn trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại nghiêm trọng cho mắt, nếu sử dụng lâu dài sẽ khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, làm tăng độ của mắt… Để có thể đo mắt và kiểm tra thị lực cho khách hàng, kỹ thuật viên khúc xạ phải được đào tạo bài bản và cần có kinh nghiệm qua quá trình làm việc. Đối với các trường hợp khó như độ cận thị cao, viễn thị, loạn thị cao, cần có những kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm mới đo được số đo chính xác để làm kính. Bên cạnh đó, sau khi có số đo đúng, cần làm kính bảo đảm chính xác với toa kính đã được chỉ định.

Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, thừa nhận việc quản lý các cửa hàng kính thuốc đến thời điểm này vẫn còn buông lỏng và chưa thuộc quyền quản lý của Sở Y tế. Sở đang xin Bộ Y tế cho phép bổ sung danh mục để tiến hành kiểm tra, yêu cầu hoàn thiện những quy định bắt buộc tại các cơ sở kính thuốc. Theo ông Trạng, việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cung cấp kính thuốc lúc này đang là vấn đề cần thiết, mang tính cấp bách, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường và ảnh hưởng xấu tới rất nhiều người. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Trạm y tế xã hội hóa đầu tiên bắt đầu hoạt động

Chiều 19-5, UBND quận 3, TPHCM phối hợp với Công ty Cổ phần y tế Việt Anh khánh thành Phòng khám Đa khoa tại Trạm y tế phường 11, quận 3.

Đây là dự án được triển khai dựa trên quyết định của Bộ Y tế về kế hoạch mở rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và quyết định của UBND TPHCM về quy hoạch phát triển ngành y tế TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

Theo đó, quận 3 là địa bàn tiên phong thực hiện mô hình thí điểm Trạm y tế thuộc dự án Xã hội trạm y tế phường, xã nhằm phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người dân của quận nói riêng và người dân TP nói chung ngày một tốt hơn.

Trạm y tế phường 11, quận 3 là sự nâng cấp và kết hợp giữa cơ sở y tế địa phương với mô hình Phòng khám Đa khoa hiện đại, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế theo đúng tiêu chuẩn cùng đội ngũ y, bác sĩ được tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ các bệnh viện lớn cấp TP cũng như Trung ương với tổng số tiền đầu tư trên 20 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM kỳ vọng với việc triển khai đề án này, Phòng khám Đa khoa tại Trạm y tế phường 11, quận 3 sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn quận. Hai bên sẽ phối hợp thật tốt với nhau trong việc tổ chức đầy đủ các hoạt động theo chức năng của trạm y tế, vừa phòng bệnh vừa khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, vừa thực hiện chức năng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn phường.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị Công ty Việt Anh tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, đảm bảo tuân thủ các quy định của ngành y tế, nghiêm túc trong quá trình khám chữa bệnh, đảm bảo chất lượng. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

38 công nhân nhập viện sau bữa trưa

38 công nhân làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, chóng mặt…

Bác sĩ Trần Văn Ân - phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cho biết đến 16h ngày 19-5 bệnh viện này đã tiếp nhận 20 ca cấp cứu với các triệu chứng giống ngộ độc thực phẩm như nôn ói, đau bụng, tê tay…

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre cũng tiếp nhận 18 ca với các triệu chứng tương tự.

Toàn bộ 38 ca trên đều là công nhân làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp SIGMA nằm trong khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành.

Chị C.Th.M.V. cho biết sau khi ăn trưa tại công ty lúc 11h30, chị và nhiều công nhân khác cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, người lờ đờ nên được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chị V. cho biết bữa trưa hôm nay do cơm nấu không chín nên chị không ăn cơm mà chỉ ăn canh và thức ăn.

Theo bác sĩ Trần Thị Phượng - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, hầu hết các công nhân nhập viện với triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, huyết áp tăng.

Bệnh viện đã tích cực triển khai các biện pháp cấp cứu. Bước đầu nghi do ngộ độc thực phẩm.

Hiện các bệnh nhân được giữ lại tại bệnh viện để theo dõi. Cơ quan chức năng cũng tiến hành lấy mẫu thức ăn tại công ty để điều tra nguyên nhân sự việc.  (Tuổi trẻ, Thanh niên, trang 8)          

 

Nối thành công cánh tay bị đứt lìa

Ngày 13-5 vừa qua, trên đường về quê ở Đồng Hới, Quảng Bình, Trần Công H. (sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) bị kẹt tay vào cửa xe ô tô, đứt rời cánh tay phải…

Tai nạn xảy ra khi xe khách va chạm với xe tải đi ngược chiều. Cú va chạm khiến H. (ngồi trong xe khách) bị kẹt vào cửa xe, cánh tay phải bị đứt rời từ đoạn trên khuỷu tay, chân bị gãy. Ngay lập tức, H. được mọi người chuyển ngược ra Hà Nội cấp cứu cùng bàn tay bị đứt rời được để vào bảo quản trong thùng đá.

TS. Nguyễn Việt Nam, Chủ nhiệm khoa Chấn thương – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân H. được chuyển đến bệnh viện lúc 5h20 ngày 13-5 trong tình trạng cánh tay phải đứt rời qua khuỷu, gãy xương đùi, mất máu nặng, huyết áp giảm chỉ còn nửa so với bình thường,…

Lúc này, các bác sĩ phải đặt ra 2 tình huống. Thứ nhất, cứu sống bệnh nhân, chấp nhận tay hoại tử. Thứ hai là vừa cấp cứu, truyền máu vừa cố gắng nối cánh tay cho bệnh nhân. Tuy vậy, nếu chỉ hồi sức đơn thuần và truyền máu sẽ làm kéo dài thời gian thiếu máu của cẳng tay đứt rời thì quá 6 tiếng không cứu được do cơ hoại tử.

Vì vậy, các bác sĩ đã đưa ra phương án táo bạo “vừa truyền máu hồi sức vừa nối cánh tay”. Theo đó, 2 kíp bác sĩ được thực hiện song song. Một kíp thực hiện nối cánh tay, một kíp vừa truyền máu và hồi sức. Sau 3,5 tiếng, ca phẫu thuật thành công. Tổng cộng, bệnh nhân được truyền 6,2 lít máu. Hiện tại, cánh tay được nối của bệnh nhân đã hồi phục, dự kiến trong tuần tới bệnh nhân sẽ tiếp tục được phẫu thuật điều trị xương đùi bị gãy.

Theo TS.Nguyễn Việt Nam, khi bị đứt lìa tay chân, các phần đứt này phải được nhanh chóng rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Sau đó quấn băng hoặc vải sạch rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng lại, đặt vào thùng đá lạnh hoặc trong túi nhựa khác có chứa đá để nhanh chóng mang tới bệnh viện cùng với nạn nhân. (An ninh Thủ đô, trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang