Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Vĩnh Long phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên; Đề xuất cổ phần hóa để hạn chế tiêu cực ở bệnh viện công; Hà Nội kiểm tra đột xuất một số cơ sở bánh Trung thu truyền thống; WHO: Bộ Y tế Việt Nam rất có kinh nghiệm trong phòng chống dịch; ...

 

Vĩnh Long phát hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên

Ngày 19-9, trung tâm y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho biết vừa phát hiện bệnh nhân N.H.K. (63 tuổi, ngụ xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm) bị nhiễm virus Zika.

Hiện bệnh nhân K. đang được giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành điều tra, xử lý ổ dịch. Đây là ca nhiễm virus Zika đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Vĩnh Long.

Qua quá trình điều tra, bệnh nhân K. được xác định trước đó đã di chuyển từ tỉnh Đồng Nai về Vĩnh Long. 

Sau đó đến trung tâm y tế Nguyễn Văn Thủ, huyện Vũng Liêm thăm khám. 

Cơ sở này đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và kết quả dương tính với virus Zika (Tuổi trẻ, trang 6)

 

Đề xuất cổ phần hóa để hạn chế tiêu cực ở bệnh viện công

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản đề xuất các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập, trong đó đề xuất cần sớm cổ phần hóa các bệnh viện này.

Theo VAFI, thời gian vừa qua hệ thống bệnh viện công lập còn tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực mà chưa tìm ra hướng thay đổi hữu hiệu, cụ thể như suất đầu tư cho hạ tầng, máy móc có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân, giá thuốc mua vào đắt đỏ do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang có khoảng cách rất lớn về chất lượng khám chữa bệnh giữa thành thị và nông thôn…

Trước những hạn chế đó, VAFI đề xuất, giai đoạn 1 chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hệ thống bệnh viện công lập phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hàng năm, phải có hội đồng quản trị từ 3 đến 5 thành viên (tùy quy mô bệnh viện) và có ban kiểm soát.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải công khai báo cáo tài chính, báo cáo hoạt động từng quý, từng năm như các doanh nghiệp nhà nước khác, phải công khai đầy đủ thông tin những lần tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế; Công khai tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (nếu có).

Giai đoạn 2, VAFI đề xuất cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như: Bạch Mai, Việt Đức, bệnh viện K, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy… và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán.

Sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất cả nước, tự bản thân các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn phát triển quy mô doanh nghiệp, từ đó họ đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế cho hợp nhất, sáp nhật nhiều bệnh viện tỉnh, huyện và như vậy toàn bộ các bệnh viện yếu tại các tuyến địa phương sẽ được nhanh chóng nâng cấp.

Theo tính toán của VAFI, tiến trình hợp nhất, sáp nhập trong toàn bộ hệ thống bệnh viện công lập chỉ kéo dài trong 10 năm và sau đó tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn sẽ chấm dứt (An ninh thủ đô, trang 3)

 

Hà Nội kiểm tra đột xuất một số cơ sở bánh Trung thu truyền thống

Sáng nay 19-9, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP số 1 TP Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ).

Đoàn đã kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương ở 223 Thụy Khuê. Đây là cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội, từng bị phát hiện có nhiều sai phạm về ATTP cách đây 2 năm. Tuy nhiên, ở cuộc kiểm tra sáng nay, cơ sở đã đảm bảo đầy đủ các quy định về VSATTP.

Tiếp đến, đoàn kiểm tra trực tiếp tại cửa hàng bánh trung thu Bảo Phương ở 201 Thụy Khuê (cơ sở Bảo Phương 2), cơ sở sản xuất bánh trung thu Đức Hiền ở 199 Thụy Khuê. Qua kiểm tra, cơ bản các cơ sở này cũng đều đáp ứng được các quy định về VSATTP, tuy nhiên khu vực sản xuất còn chật chội, chưa có kho riêng để bảo quản…

Theo báo cáo của quận Tây Hồ, trên địa bàn quận hiện có 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, 15 cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh mỳ, hơn 80 cửa hàng kinh doanh bánh trung thu…, tập trung nhiều ở khu vực phố Thụy Khuê, Xuân La. Đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP quận Tây Hồ đã kiểm tra được 37 cơ sở, trong đó 9 cơ sở sản xuất bánh trung thu. Số cơ sở đạt ATTP là 28/37 cơ sở, 9 cơ sở bị nhắc nhở ban đầu, chưa có cơ sở bị xử phạt hành chính.

Đại diện Ban Chỉ đạo ATVSTP quận Tây Hồ lý giải việc chưa xử phạt 9 cơ sở không đạt ATTP vì sai phạm không lớn và là vi phạm lần đầu. Sau 30 ngày quận sẽ đi kiểm tra lại và nếu vẫn phát hiện sai phạm sẽ xử lý. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đề nghị quận cần làm rõ hơn việc này vì theo ông, đã kiểm tra phát hiện sai phạm thì phải chấn chỉnh, xử lý ngay, còn nếu sau 30 ngày mới kiểm tra lại thì lúc đó đã hết Tết Trung thu rồi.

Ông Trần Văn Chung cho biết, đến thời điểm này toàn thành phố đã thành lập trên 700 đoàn kiểm tra ATVSTP dịp tết Trung thu, đã tiến hành kiểm tra được gần 800 cơ sở. Qua kiểm tra, bước đầu đã phát hiện khoảng 50 cơ sở chưa đạt ATVSTP, đã chấn chỉnh, nhắc nhở và xử phạt gần 150 triệu đồng. Đánh giá bước đầu, các đoàn kiểm tra ATVSTP của các quận huyện đều đã vào cuộc, ý thức của người sản xuất kinh doanh được nâng lên.

“Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, có nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu đã được đoàn kiểm tra của quận tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm hoặc phát hiện ra sai phạm nhưng không nhắc nhở, chấn chỉnh ngay, tới khi đoàn kiểm tra của thành phố trực tiếp kiểm tra lại vẫn còn nguyên sai phạm. Nếu để xảy ra tình trạng như vậy, các quận huyện cần có giải pháp xử lý nghiêm đoàn kiểm tra để đảm bảo hiệu quả hoạt động này” – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh (An ninh thủ đô, trang 4)

 

Lo sốt vó khi thực phẩm bẩn vào trường học

Video clip về thực phẩm thối rữa được đưa vào trường học ở tỉnh Vĩnh Phúc hay hình ảnh khay ăn có giòi ở trường tiểu học tại Hà Nội khiến phụ huynh đứng ngồi không yên.

Mới vào đầu năm học, phụ huynh đã nhận được hàng loạt thông tin về tình trạng thực phẩm hư hỏng vẫn được đưa vào bếp ăn nhà trường hay phản ánh về việc hàng loạt học sinh rối loạn tiêu hóa phải nghỉ học diễn ra ở nhiều trường học. 

Phụ huynh tự phát hiện

Hàng trăm phụ huynh tại trường Tiểu học Lý Nhân, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) vô cùng bức xúc khi phát hiện thực phẩm hư hỏng, thối rữa, không đảm bảo chất lượng được tuồn vào trường của con em họ. Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, UBND huyện Vĩnh Tường đã yêu cầu cơ quan Công an cùng ngành giáo dục, y tế vào cuộc làm rõ sự việc. 

Còn tại Hà Nội, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình đã phát hiện và phản ánh với nhà trường về việc có giòi bò trong khay đựng thức ăn của một số học sinh ăn bán trú tại trường. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các cơ quan chức năng đã đến trường để kiểm tra. 

Thừa nhận hiện tượng này, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, việc có giòi trên khay đĩa của học sinh là do khâu vệ sinh bát đĩa chưa đảm bảo, các khay nhôm được kẹp vào nhau để qua mấy ngày nghỉ cuối tuần nên sinh giòi. Xử lý vụ việc này, hiện nhà trường đã cho nghỉ việc nhân viên phụ trách khâu vệ sinh bát đĩa và kiểm tra lại an toàn thực phẩm của công ty chế biến bữa ăn cho học sinh trong trường. 

Xác minh nhiều vụ nghi ngộ độc thức ăn

Mấy ngày nay, trên diễn đàn phụ huynh trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Liệt, Hà Nội, các bậc phụ huynh đang trong tâm trạng bức xúc, lo lắng khi thống kê hàng loạt học sinh phải nghỉ học vì đau bụng, tiêu chảy. Một phụ huynh chia sẻ trên diễn đàn của hội phụ huynh trường này: “Liệu có phải các con bị ngộ độc thực phẩm không ạ? Nếu như thế thì quá nguy hiểm, năm học mới bắt đầu được vài ngày…”.

Sau khi có phản ánh của phụ huynh, thống kê của nhà trường cho thấy, có hiện tượng nghỉ học đồng loạt, trong đó, ngày 13-9 có 106 học sinh nghỉ học với nhiều lý do học sinh ốm sốt như sốt xuất huyết, sốt virus, viêm họng, đau dạ dày, cảm cúm, đau mắt... Trong đó, có 18 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn.

Các đơn vị chức năng đã đến kiểm tra việc thực hiện công tác bán trú của trường và xác minh thông tin. Sự việc vẫn đang trong quá trình làm rõ dù đánh giá ban đầu của đoàn kiểm tra là bếp ăn và đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường đảm bảo quy định an toàn thực phẩm.

Cùng thời điểm này, theo phản ánh của phụ huynh, một số học sinh trường Mầm non Lại Yên, huyện Hoài Đức cũng có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại trường. Trong số 31 trẻ nghỉ học ngày 12-9, có 9 trẻ đã xác định rõ tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra bếp ăn của trường này nhưng mẫu thức ăn của ngày 11-9, thời điểm nghi ngờ xảy ra ngộ độc, nhà trường không còn lưu lại.

Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nguyên nhân 9 trẻ bị rối loạn tiêu hóa nói trên đang được tìm hiểu nên chưa thể kết luận là do ngộ độc thực phẩm tại trường. Tuy nhiên, từ ngày 14-9, trường Mầm non Lại Yên đã ngừng hoạt động của bếp ăn tại trường để nâng cấp, đầu tư thêm các trang thiết bị nhằm đảm bảo tốt hơn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng đã yêu cầu trường tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các trường hợp mới phát sinh, đồng thời tổng vệ sinh môi trường, khử trùng khu vực chế biến, khu vực liên quan. 

Có thể thấy, mặc dù chưa có kết luận chính thức về những hiện tượng nói trên nhưng rõ ràng là không thể phủ nhận mối đe dọa mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học ở thời điểm hiện tại (An ninh thủ đô, trang 4)

 

WHO: Bộ Y tế Việt Nam rất có kinh nghiệm trong phòng chống dịch

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) hiện vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh ở nước ta, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có năng lực phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh SXH tốt.

Tuy nhiên, WHO cũng chia sẻ với những thách thức mà ngành y tế Việt Nam phải đối mặt, như thiếu hụt các nguồn lực, hạn chế tài chính và sự phức tạp của thời tiết...

SXH tăng 30 lần trong 50 năm qua

Theo TS. Masaya Katom, thống kê cho thấy số ca mắc SXH tăng mạnh trong những thập niên gần đây trên toàn thế giới. Ước tính, trong 50 năm qua, tỷ lệ mắc SXH đã tăng 30 lần. Hơn 3,9 tỷ người và hơn 100 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh SXH. Điều đó cho thấy kiểm soát dịch SXH hiện nay là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Cũng theo TS. Masaya Katom, sự gia tăng số ca mắc SXH do nhiều nhân tố như: tốc độ đô thị hóa quá nhanh, toàn cầu hóa; biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa và nhiệt độ; sự phát triển của thương mại, du lịch; thay đổi khả năng miễn dịch cộng đồng giữa các cộng đồng, khu vực khác nhau trước sự tăng số ca mắc SXH trên toàn cầu... Hơn nữa, nhiều quốc gia chưa có sự đầu tư phù hợp cho công tác kiểm soát dịch bệnh này và các phương pháp ngăn chặn dịch chưa được thi hành đầy đủ.

Đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam đã có những nỗ lực phòng chống dịch SXH trong cộng đồng và tại hệ thống bệnh viện

Về tình hình dịch bệnh nói chung, dịch SXH nói riêng, TS. Masaya Kato cho biết, SXH là bệnh lưu hành tại Việt Nam - tức là bệnh này vẫn xảy ra hàng năm tại quốc gia này. Tuy nhiên năm nay, số ca mắc SXH bắt đầu tăng vào tháng 6-7 ở Hà Nội và đến sớm hơn mọi năm.

“Qua thời gian hợp tác giữa WHO và ngành y tế Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Bộ Y tế Việt Nam rất có kinh nghiệm trong công tác chống dịch. Chỉ đạo của Bộ phù hợp với những tiêu chí quốc tế. Đội ngũ nhân viên y tế đã có những nỗ lực phòng chống dịch trong cộng đồng và tại hệ thống bệnh viện nhằm nỗ lực kiểm soát véc-tơ từ công tác giám sát cho đến điều trị” - TS. Masaya Kato cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia của WHO cũng cho rằng, WHO rất hiểu thách thức mà ngành y tế Việt Nam phải đối mặt, như thiếu hụt các nguồn lực, hạn chế tài chính và sự phức tạp của thời tiết. Do đó, một số nơi kết quả chưa được như mong muốn.

3 đề xuất về kinh nghiệm chống dịch SXH của các nước đối với Việt Nam

Đánh giá của đại diện WHO cho rằng, Việt Nam có năng lực phòng chống dịch SXH tốt, nhưng Việt Nam có thể học hỏi thêm những kinh nghiệm hay từ các quốc gia khác. TS. Masaya Kato đã đưa ra 3 đề xuất dựa trên kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, khu vực cho công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Đầu tiên, dự phòng để kiểm soát dịch quan trọng hơn nhiều so với đáp ứng dịch khi đã xảy ra. Nỗ lực giám sát liên tục để tạo thông tin dịch tễ học chất lượng SXH. Dữ liệu này sẽ giúp ích rất nhiều trong nỗ lực phòng, chống dịch cho những vùng trọng điểm.

Tiếp đến, tầm quan trọng của việc phối hợp liên ngành để phòng chống dịch tại các quốc gia. Ví dụ, ở Singapore, Bộ Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm kiểm soát muỗi Aedes, quan tâm đến virut Dengue, Zika. Để ngăn chặn sự sản sinh của muỗi ở công trường, trường học, ngành xây dựng và ngành giáo dục phối hợp cùng y tế là điều vô cùng cần thiết. Ở Việt Nam, sẽ tốt hơn nếu có sự phối hợp giữa các ban ngành khác, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền để tăng cường khả năng kiểm soát dịch.

Thứ ba, cộng đồng nên cùng vào cuộc tích cực hơn trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Dựa trên những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác, sự tham gia của cộng đồng và các ban, ngành là chìa khóa để phòng chống dịch vững bền.

“Chúng tôi tin rằng sự lãnh đạo của chính quyền địa phương và sự hợp tác của cộng đồng tốt là điều thiết yếu để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Chỉ khi người dân hiểu biết về cách tự bảo vệ sức khỏe và hành động cần thiết thì SXH mới có thể ngăn chặn được thành công” - TS. Masaya Kato nói (Sức khỏe & Đời sống, trang 16)

 

Cứu sống bệnh nhân bị khối u lớn chèn ép tim, phổi

Ngày 19/9, bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết đơn vị vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u có kích thước 15x8 cm chèn ép tim, phổi cho một nữ bệnh nhân 74 tuổi. Trước đó, bà Lâm Thị T. (74 tuổi) có tiền sử tăng huyết áp được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng với những triệu chứng khó thở, kèm đau tức ngực phải. Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ đã ghi nhận trên bệnh nhân có khối u lớn ở trung thất chèn ép tim và phổi phải. Đây là nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã lấy ra trọn vẹn khối u lớn kích thước 15x8 cm ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định không còn khó thở, đau giảm, vết mổ khô, dẫn lưu đã được rút sau 4 ngày và chuẩn bị được ra viện (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang