Sự thật về hàng trăm người mù ở Vĩnh Châu
“Không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa cho các hộ dân làm nghề bóc hành tím tại tỉnh Sóc Trăng” - GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế kết luận sau hơn 4 tháng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu cũng như đích thân ông đi khảo sát thực địa tại các hộ dân hôm qua 20/10. Nhiều đồn thổi vô căn cứ
Hai năm nay, mắt trái của bà Lý Thị Hiên, 58 tuổi ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu đã không nhìn thấy mọi vật xung quanh. Từ đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều, bà Hiên đã dụi mắt nhiều lần rồi sau đó mắt bị viêm nhiễm nên mua thuốc nhỏ mắt Dexacol về nhỏ. “Mắt càng đỏ nặng sau đó thì mù luôn” - bà Hiên kể lại và nói thêm khi bà bóc hành thì bụi bắn vào mắt gây viêm nhiễm.
Cách nhà bà Hiên không xa, ông Lâm Chia, 40 tuổi cũng bị mù 6 năm nay. Nhà ông Chia trồng khoảng 200m2 hành và vợ chồng ông đều trải qua các công đoạn nhân giống, trồng và thu hoạch. Tuy nhiên, vợ ông là bà Lâm Thị Lanh cả hai mắt vẫn bình thường.
“Cách đây 6 năm, mắt tôi bị đau, rát rồi đỏ lên kèm ngứa nên mua thuốc nhỏ mắt để tra nhưng mắt không đỡ, sau đó nhìn thấy cứ lờ mờ rồi bị mù hẳn” - ông Chia, nhớ lại. TS-BS Vũ Tuấn Anh - Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Mắt Trung ương đã khảo sát nhiều lần từ các hộ dân này cho biết, nguyên nhân gây mù của ông Chia là mắt bị Glôcôm nhưng tự ý nhỏ thuốc có chứa chất corticoid gây biến chứng.
Mỗi năm ông Ngô Phết, 70 tuổi ở ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải thực hiện bảo quản hơn 15 tấn hành tím giống để bán lại cho các hộ dân trồng hành. Tuy nhiên, cả nhà ông và gần chục lao động làm việc ở đây gần 10 năm nay không có ai bị bệnh liên quan đến mắt. Cơ sở phân phối giống hành tím Duy Phước ở khóm Vĩnh Bình, phường 2 ở thị xã Vĩnh Châu cũng có hơn 10 nhân công làm việc liên quan đến hành tím nhưng không có ai bị viêm loét giác mạc. Bà Nguyễn Thị Mẫn, quản lý cơ sở này thừa nhận để bảo quản hành tím ngoài dùng bột phấn, trong đó có pha lẫn một ít thuốc bảo vệ thực vật chỉ để bảo quản cho hành giống khỏi hư nhưng chất này cũng không gây nguy hại cho mắt.
Ông Trần Hoàng Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu nói nơi đây dân đang trồng hơn 6.600ha, có 1.700ha trồng hành giống, còn lại là thương phẩm. Theo ông Thắng hai năm nay, nhiều đồn thổi về hành tím là nguyên nhân gây mù khiến nhiều người hoang mang. “Nếu hành tím gây mù thì ai làm nghề này cũng bị, thậm chí có nhiều xã không trồng hành, không bóc hành cũng có người bị mù thì quá vô lý” - ông Thắng phân tích.
Bị mù là do điều trị sai
Nhiều người tung tin thương lái sau khi thu gom hành về phủ một lớp phấn trộn giữa thuốc trừ sâu và bột đất sét để ủ hành ảnh hưởng đến sức khỏe của người bóc hành rồi gây mù. Họ còn cho rằng tinh dầu trong hành bắn vào mắt rồi gây mù. Tuy nhiên, sau 4 tháng nghiên cứu, chiều qua 20/10 Bộ Y tế công bố hành không phải nguyên nhân gây mù cho người dân phần nào “giải oan” cho những đồn đoán ở “vương quốc hành” Vĩnh Châu.
Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Y tế công cộng TPHCM đưa ra cho thấy tổng số người bị mù 2 mắt và mù 1 mắt tại thị xã Vĩnh Châu là 1.248 người, trong đó 967 mù 1 mắt và 281 mù 2 mắt. Tỷ lệ mù ít nhất 1 mắt của người dân nơi đây là 6 người/1.000 dân, riêng tại phường 2 và xã Vĩnh Hải, nơi có người dân trồng hành nhiều thì tỷ lệ này cao gần gấp hai lần với 11 người/1.000 dân, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 người/1.000 dân. Trong khi tỷ lệ mù 2 mắt tại Vĩnh Châu vẫn nằm trong giới hạn bình thường của toàn quốc. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt, chiếm hơn 20% và mù 1 mắt chiếm hơn 45%.
Phân tích của Viện Y tế công cộng TPHCM sau khi điều tra trên 1.157 người bị viêm loét giác mạc và 1.248 trường hợp bị mù mắt cho thấy, tỷ lệ viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển, đặc biệt tại phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỷ lệ chung của thị xã Vĩnh Châu. “Đây là nguyên nhân chính của mù một mắt và ít nhất một mắt” - báo cáo nêu rõ. Theo các chuyên gia từ Viện này, viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn: cắt hành, làm đất trồng hành.
“Các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nhiễm nấm mốc có trong hành cũng tạo điều kiện viêm loét giác mạc do nấm. Việc điều trị viêm loét giác mạc không kịp thời, điều trị sai, tự điều trị làm cho bệnh diễn biến nặng gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, trường hợp nặng gây mù lòa”- thông tin từ Viện này hôm qua. Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, không có mối liên quan giữa các yếu tố môi trường như đất, nước với việc viêm loét giác mạc và mù một mắt tại thị xã Vĩnh Châu”- ông Long cho hay.
Từ kết quả điều tra trên GS Nguyễn Thanh Long cho biết dự phòng viêm loét giác mạc là phương pháp tối ưu nhất cho việc giảm tỷ lệ các trường hợp bị mù tại Vĩnh Châu. Theo đó, thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành, hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ. Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp. Không tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc dân gian (Tiền phong trang 6, Tuổi trẻ trang 14).
Đà Nẵng: phải khống chế được sốt xuất huyết trong tháng 11
Ngày 20-10, Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cho biết từ ngày 12 đến 18-10, toàn TP có 128 ca mắc sốt xuất huyết (trong khi tuần trước chỉ có 83 ca).
Trong khi đó, tại khoa hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) đang cứu chữa chị Nguyễn Thị Thu Hiền (20 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bị sốt xuất huyết Dengue nặng, rất nguy kịch phải lọc máu liên tục và thở máy. Theo các bác sĩ, chị Hiền nhập viện ngày 7-10 trong tình trạng sốt cao, huyết áp thấp 70/40. Chỉ gần 24 giờ sau bệnh nhân suy hô hấp, trụy mạch, suy đa tạng. Cả hai mẹ con chị Hiền đều mắc sốt xuất huyết.
Sáng cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng cũng chủ trì cuộc giao ban phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. BS Tôn Thất Thạnh - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng - cho biết từ tháng 9 trở đi, số ca mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đột biến tăng cao (sốt xuất huyết tăng hơn 2 lần và tay chân miệng tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2014). Số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 488 ca (trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ có 211 ca).
Theo BS Thạnh, hiện sốt xuất huyết đang vào cao điểm, dự báo tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp nếu không tăng cường triển khai quyết liệt phòng chống.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng yêu cầu các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo tích cực hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đến giữa tháng 11 phải khống chế được dịch sốt xuất huyết (Tuổi trẻ trang 15).
Số mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gần 5 lần
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, tính đến ngày 20-10, toàn thành phố đã ghi nhận 4.967 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), gấp 4,9 lần so với năm 2014, trong đó còn gần 500 ca bệnh đang điều trị tại cộng đồng. Trước thực trạng này, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ thực hiện tiếp 131 chiến dịch diệt bọ gậy và 67 chiến dịch phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ bổ sung 80 máy phun thuốc diệt muỗi thế hệ mới cho công tác phòng chống dịch SXH. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội, dù đã đẩy mạnh tuyên truyền song ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng nhìn chung vẫn kém. Hiện TP.HCM đã được Thanh tra Bộ Y tế vào tập huấn để triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch SXH nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thực hiện.
“Vừa qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị Hà Nội sớm áp dụng việc xử phạt để người dân có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch” - ông Nguyễn Nhật Cảm nói (An ninh thủ đô trang 4).
Dịch sốt xuất huyết lên đến đỉnh: Người dân không ủng hộ, khó chống dịch hiệu quả
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 20-10, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), nhiều ý kiến cho rằng dịch SXH đang vào thời kỳ đỉnh điểm, trong khi đó, công tác chống dịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người không ủng hộ việc phun hóa chất
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tích lũy từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc SXH (tăng gấp 4,9 lần so với năm 2014). Hiện còn gần 500 ca bệnh đang được điều trị tại cộng đồng. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH vẫn có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, dù tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng vẫn còn hạn chế. Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai hơn 900 chiến dịch diệt bọ gậy, 89 chiến dịch phun hóa chất diện rộng, tuy nhiên, tỷ lệ số hộ gia đình được phun mới đạt hơn 64%; có 17,3% số hộ không đồng ý phun hóa chất. Đề cập đến khó khăn trong công tác triển khai phòng chống dịch bệnh SXH, ông Khuất Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận hơn 250 ca SXH, vượt đỉnh dịch SXH của năm 2009. Tuy nhiên, điều đáng nói là công tác chống dịch SXH năm nay thực sự vất vả, có nơi làm tốt, có nơi chưa. Việc phòng chống SXH hiện nay chủ yếu là giải quyết véctơ truyền bệnh, như phun thuốc hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy. Việc đơn giản là thế mà ở nhiều nơi, khi cán bộ y tế triển khai phun hóa chất phòng bệnh, đã có nhiều người không đồng tình. Mặt khác, chiến dịch phòng chống SXH còn gặp khó khăn về vấn đề kinh phí. "Tại các khu vực, nếu chỉ phun hóa chất một lần thay vì triển khai liên tục thì bọ gậy, loăng quăng, muỗi truyền bệnh lại sinh sôi, nhưng để làm triệt để thì lại thiếu kinh phí", ông Khuất Văn Sơn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Trịnh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn quận đã ghi nhận 578 bệnh nhân SXH với 13 ổ dịch. Hiện còn 70 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế. Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, một bộ phận người dân còn chủ quan, coi thường, không hợp tác với cán bộ y tế trong công tác chống dịch. Điển hình như việc triển khai phun hóa chất ở phường Nam Đồng, khi tiến hành phun vào buổi sáng, không có sự tham gia của cảnh sát khu vực, dân phòng thì tỷ lệ hộ gia đình đồng ý phun hóa chất phòng bệnh chỉ đạt gần 60%; đến buổi chiều, khi có các lực lượng chức năng tham gia, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất đã tăng lên 80%. "Công tác chống dịch muôn màu muôn vẻ, lắm lúc khổ lắm. Thậm chí, có nơi người dân còn hắt nước, chửi bới cán bộ y tế", bà Trịnh Thị Thanh Thủy nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, TP Hồ Chí Minh đang áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch SXH. Hà Nội vẫn chưa áp dụng giải pháp này, do đó, tại một số địa bàn, ngành Y tế vẫn gặp khó khăn khi triển khai việc phòng chống dịch.
Tăng cường biện pháp chống dịch
Trước diễn biến dịch SXH ngày càng phức tạp, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận định, thời điểm hiện nay, không chỉ riêng ở nước ta, dịch SXH đang gia tăng ở các nước trong khu vực. Tại Hà Nội, dịch SXH trong năm 2015 tăng cao so với những năm trước đó nhưng không bất thường. Hà Nội cũng được Bộ Y tế đánh giá là địa phương tích cực triển khai công tác phòng chống dịch SXH. Dù từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 700 ổ dịch SXH nhưng 45% số ổ dịch này được phát hiện sớm ngay từ giai đoạn đầu và nhờ đó, nhiều ổ dịch được khống chế triệt để, không phát sinh ca bệnh mới. Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác chống dịch vẫn chưa quyết liệt khiến dịch bệnh có diễn biến phức tạp, kéo dài. Theo nghiên cứu quy luật dịch bệnh SXH trong những năm qua, nhiều khả năng số mắc trong vài tuần tới tiếp tục tăng cao, dự báo sẽ giảm vào giữa tháng 11 nếu biện pháp phòng chống dịch được thực hiện quyết liệt.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, bệnh SXH không lây từ người sang người mà chỉ lây qua muỗi vằn. Bởi vậy, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh là diệt lăng quăng, bọ gậy và phun thuốc diệt muỗi vằn. Vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai 131 đợt diệt bọ gậy và 67 đợt phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, để khống chế dịch trong thời gian sớm nhất, thành phố sẽ bổ sung 80 máy phun thuốc diệt muỗi thế hệ mới cho công tác phòng chống dịch SXH. Người dân có thể yên tâm ủng hộ công tác phòng dịch, việc phun thuốc diệt muỗi vằn phòng bệnh SXH không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi đây là thuốc thế hệ mới nhất, đã được thử nghiệm (Hà Nội mới trang 5).