Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Vắc xin “made in Việt Nam” giúp chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; Bệnh nhân nhiễm virus Zika tại TPHCM tiếp tục tăng; Thai phụ nhiễm virus Zika sinh con không dị tật; ...

 Vắc xin “made in Việt Nam” giúp chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả

Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi - rubella (MR) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Có thể khẳng định rằng, đây là bước tiến lớn, giúp Việt Nam có thể chủ động nguồn cung ứng vắc xin để đối phó với dịch bệnh.

Từ vắc xin sởi - rubella…

Dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella” được Polyvac bắt đầu triển khai từ tháng 5-2013 với tổng kinh phí khoảng 700 triệu yên Nhật. Tháng 3-2016, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, vắc xin MR được thử nghiệm lâm sàng. Quá trình thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tại tỉnh Hà Nam và Hòa Bình với 756 người trong độ tuổi từ 1 đến 45. Kết quả cho thấy, vắc xin MR có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt.

Giám đốc Polyvac Nguyễn Đăng Hiền cho biết, vắc xin MR được bào chế bằng công nghệ nuôi cấy tế bào phôi gà và thận thỏ, trong đó, thỏ được nhập khẩu từ Nhật Bản và trứng gà phải nhập khẩu từ Đức. Loại tế bào phôi gà và thận thỏ này, sau khi gây nhiễm vi rút sẽ được bổ sung chất ổn định, loại bỏ bớt tế bào để tạo nên bán thành phẩm. Sau đó, người ta phối trộn hai loại bán thành phẩm với nhau, đóng ống, cô thành dạng bột để tạo nên vắc xin thành phẩm MR.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Hiền, công nghệ phối trộn là công nghệ mới, do đó, điều quan trọng là phải đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, những người nắm vững và làm chủ được các công đoạn từ sản xuất đến kiểm định chất lượng thì mới cho ra được những loạt vắc xin đạt chất lượng và ổn định lâu dài. Chính vì vậy, tính từ thời điểm bắt đầu sản xuất vắc xin này đến tháng 10-2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản đã cử 197 lượt chuyên gia sang chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và tiếp nhận 36 lượt cán bộ của Polyvac sang học tập tại Nhật Bản.

Tiến sĩ Arai Setsuo, Giám đốc dự án của đơn vị chuyển giao công nghệ vắc xin MR đánh giá, Polyvac là đơn vị đầu tiên và duy nhất được phía Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất loại vắc xin này. Polyvac đã đáp ứng đầy đủ tất cả yêu cầu của phía Nhật Bản về sản xuất vắc xin. Vắc xin MR do Việt Nam sản xuất đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên cơ sở tuân thủ WHO-cGMP. So với vắc xin đơn giá thì vắc xin phối hợp sởi - rubella có giá trị gia tăng rất lớn. Đây là loại vắc xin có khả năng tạo miễn dịch đồng thời với nhiều bệnh.

… đến việc chủ động nguồn vắc xin trong nước

Năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc xin khi Việt Nam được WHO cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA). Đến năm 2016, Việt Nam lại đánh dấu mốc mới, quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc xin khi đã tự sản xuất được vắc xin MR chất lượng cao nhờ ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắc xin nhập ngoại, tính đến nay, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm 12 loại vắc xin, Việt Nam đã sản xuất được 11 loại.

Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào là một trong 25 quốc gia trên thế giới sản xuất được vắc xin. Nhờ những loại vắc xin “made in Việt Nam”, hàng chục triệu mũi tiêm an toàn đã được thực hiện hằng năm, góp phần thanh toán, khống chế và đẩy lùi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như uốn ván, sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt, lao, viêm gan B, tiêu chảy…

Theo Giám đốc Polyvac Nguyễn Đăng Hiền, MR là loại vắc xin mà từ trước tới nay Việt Nam đều phải nhập khẩu. Thời gian chờ đợi nhập khẩu vắc xin gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, để có vắc xin nhập khẩu, phải mất trung bình là 6 tháng, có loại mất một năm và phải đặt hàng trước. Đó là chưa kể có những loại vắc xin, do số lượng nhà cung cấp trên thế giới có hạn nên dù chủ động đặt hàng nhưng vẫn phải chờ lâu, kể cả khi dịch ở trong nước đã lan rộng và số người mắc rất nhiều.

Vì vậy, việc Việt Nam sản xuất thành công vắc xin MR có ý nghĩa rất quan trọng bởi nhờ đó, Ngành Y tế sẽ chủ động được nguồn vắc xin, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, nhất là trong tình huống khẩn cấp. Hơn nữa, vắc xin sản xuất trong nước sẽ có giá thành thấp hơn nhiều so với nhập ngoại.

Với thành công nói trên, tới đây, Polyvac sẽ hoàn thiện nốt các thủ tục cần thiết để chính thức đưa loại vắc xin này vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam (dự kiến từ năm 2017).

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi và rubella hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong khi đó, bệnh sởi bùng phát rất nhanh. Những người chưa tiêm vắc xin sởi, chưa có miễn dịch đều có khả năng mắc bệnh. Còn đối với rubella, mặc dù biểu hiện bệnh ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng, nhưng lại rất nguy hiểm đối với người mang thai. Phụ nữ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể đối diện với khả năng sảy thai, thai chết lưu, đẻ non; trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh (bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, thậm chí là đa dị tật). Do vậy, tiêm vắc xin sởi - rubella là cách duy nhất phòng bệnh. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể đạt tới 95% (Hà Nội mới trang 5).

 

Bệnh nhân nhiễm virus Zika tại TPHCM tiếp tục tăng

Ngày 20-11, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết vừa có thêm 5 ca mắc dịch bệnh do virus Zika tại quận Bình Thạnh (2 ca); quận 2,9 và 12 (1 ca). Như vậy, tính từ đầu mùa dịch bệnh do virus Zika, đến nay TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 57 trường hợp nhiễm virus Zika tại 15/24 quận, huyện…(Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & đời sống, trang 2).

 

Thai phụ nhiễm virus Zika sinh con không dị tật

Liên quan đến trường hợp thai phụ nhiễm virus Zika vừa sinh con, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh mới cho biết, thai phụ này ngụ tại quận 12 và đã sinh em bé tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương. Sau khi sinh, em bé đã được bác sỹ bệnh viện đo vòng đầu, kiểm tra sự phát triển của xương sọ và lấy mẫu máu đi xét nghiệm. Kết quả, bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dị tật đầu nhỏ, không nhiễm virus Zika từ mẹ…(Tiền phong, trang 2)

 

 Khánh thành hệ thống Telemedicine nối Bạch Long Vỹ với đất liền

Sáng 20/11/2016, tại Hải Phòng, Viện Y học biển Việt Nam đã khánh thành hệ thống Telemedicine hiện đại kết nối giữa Trung tâm y tế Quân dân Y Bạch Long Vỹ với Viện Y học biển và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao sự cố gắng của Viện Y học biển và các đơn vị có liên quan trong việc sớm đưa vào sử dụng hệ thống kỹ thuật y tế hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngoài huyện đảo Bạch Long Vỹ cũng như tiếp thêm sức mạnh để ngư dân yên tâm bám biển…(Sức khỏe & đời sống, trang 2).

 

Hai cụm công trình nghiên cứu của ngành y đoạt giải Nhân tài Đất Việt

Tối ngày 19/11, tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô đã diễn ra buổi Lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 do Báo Dân trí và Tập đoàn VNPT tổ chức.

Về lĩnh vực y dược, giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2016 đã trao tặng giải Nhất cho công trình nghiên cứu “Ứng dụng tế bào gốc máu dây rốn để điều trị bệnh máu” của nhóm tác giả Viện Huyết học Truyền máu Trung ương; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao giải Nhì cho cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng” của nhóm các nhà khoa học thuộc BV TW Huế (Sức khỏe & đời sống, trang 2). 

 

 Hơn 400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết ở Quảng Trị

Đến ngày 20-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận hơn 400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, tại TP Đông Hà 103 trường hợp, huyện Vĩnh Linh 100 trường hợp, huyện Triệu Phong 88 trường hợp…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang mùa mưa và rét là điều kiện thích hợp để vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây lan trên diện rộng. Trước tình hình trên, ngành y tế tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế sự bùng phát của bệnh sốt xuất huyết (Nhân dân, trang 5).

 

 Báo động kháng thuốc

VN đươc coi là vùng trũng của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, nhất là kháng thuốc kháng sinh. Việc kháng thuốc khiến bệnh thường kéo dài; ngay cả cảm cúm, viêm họng bây giờ kéo dài cả mấy tuần mới khỏi (Thanh niên, trang 3).

 

Mổ thành công người bị khối u thực quản ở Thanh Hóa

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã mổ thành công khối u thực quản 1/3 dưới cho ông B.V.S. (76 tuổi, trú tại xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc). Bác sĩ Lưu Ngọc Hùng, trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, ông S. nhập viện trong tình trạng thường bị nuốt nghẹn, ăn uống kém, cơ thể suy nhược. Sau khi thăm khám, ông S. được chẩn đoán bị khối u thực quản 1/3 dưới (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Cứu người bị dao bấm đâm thủng tim

Ngày 20 -11, êkíp trực cấp cứu và các bác sĩ ngoại lồng ngực ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đã mổ khẩn  cấp cứu, cứu sống một nạn nhân bị đâm thủng tim  (Tuổi trẻ, trang 14).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang