Phẫu thuật dị tật hàm mặt miễn phí cho 50 trẻ em
Ngày 20-11, tại Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba phối hợp với Tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam, Công ty TNHH General Motors (GM) Việt Nam thực hiện chương trình khám và phẫu thuật miễn phí cho hơn 50 trẻ em hở môi, hàm ếch và dị tật hàm mặt tại Việt Nam. Theo đó, GM Việt Nam hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân trong thời gian phẫu thuật.
Đây là lần thứ 4 GM Việt Nam tài trợ cho Tổ chức Phẫu thuật nụ cười Việt Nam thực hiện chương trình khám và phẫu thuật miễn phí, giúp mang lại nụ cười cho hơn 200 em nhỏ dị tật hàm mặt kể từ năm 2013 đến nay.
Theo ước tính, trên thế giới cứ 700 trẻ em sinh ra sẽ có một trường hợp bị dị tật khe hở môi, khe hở hàm ếch và cứ 3 phút lại có một trẻ em được sinh ra với dị tật này. Việt Nam có số lượng trẻ mắc loại dị tật này lớn, trong đó có khoảng 15.000 em trên cả nước chưa được điều trị (Hà nội mới, trang 5).
Bệnh viện vùng ven thiếu bác sĩ
Trong khi các bệnh viện (BV) tư nhân ngày càng nhiều và thu hút bác sĩ giỏi đến làm việc, thì tình trạng thiếu bác sĩ ở các BV công lập ngày càng phổ biến. Đặc biệt, ở những BV vùng ven của TPHCM, vấn đề nguồn nhân lực luôn là một bài toán khó giải.
“Vay mượn” bác sĩ khắp nơi
Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, Giám đốc BV Huyện Cần Giờ, trong năm 2017, BV được giao chỉ tiêu 150 giường bệnh và 160 biên chế, nhưng đến thời điểm hiện tại, BV chỉ có 149 cán bộ viên chức, trong đó có 18 bác sĩ, bao gồm cả ban giám đốc. Trong khi mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 350 - 400 lượt người tới khám chữa bệnh (KCB), ngày cao điểm lên tới gần 500. Hiện nay, BV chưa thu hút được bác sĩ về công tác do thu nhập còn thấp và xa trung tâm TP. Đây được xem là khó khăn cơ bản nhất trong việc phát triển của BV.
Thực hiện đề án luân phiên bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho BV tuyến dưới của Sở Y tế TPHCM, BV Huyện Cần Giờ được các bác sĩ ở BV Nguyễn Tri Phương, BV Hùng Vương, BV Nhi đồng 2 và BV Mắt xuống hỗ trợ KCB. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ, đây chỉ là giải pháp tạm thời, BV vẫn mong muốn tuyển được bác sĩ cơ hữu để công tác KCB không bị đứt quãng. Bên cạnh đó, trong khi nguồn nhân lực đang thiếu thì một số bác sĩ được BV hỗ trợ đi học xong trở về lại… xin nghỉ việc.
“Đã có 4 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 3 người là ở huyện Cần Giờ. Hiện tại, một bác sĩ vừa đi học về cũng đang làm đơn xin nghỉ để chuyển đến làm việc tại một nơi có thu nhập tốt hơn. BV đã thiếu bác sĩ nay lại càng thiếu, giờ thiếu khoảng 20 người rồi. Khi BV 200 giường đi vào hoạt động thì thiếu khoảng 40 bác sĩ”, Giám đốc Đoàn Ngọc Huệ ngậm ngùi.
Thực trạng lao đao vì thiếu bác sĩ cũng diễn ra mấy năm qua tại BV Huyện Củ Chi. Chưa đầy một năm trước, mỗi khi thực hiện ca mổ viêm ruột thừa, BV phải cập rập “vay mượn” bác sĩ khắp nơi. Do bác sĩ luôn trong tình trạng thiếu, người dân cũng không mặn mà tới KCB tại đây, nên trong năm 2016, mỗi ngày BV chỉ có khoảng 30 - 40 lượt người tới khám.
Tìm hướng đi mới
Mới đây, bác sĩ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV Huyện Củ Chi, cho biết hiện BV đã tăng được số lượng bác sĩ lên 43 người. Đó là kết quả của nhiều giải pháp, như: lãnh đạo BV Quận Thủ Đức đã cử nhiều bác sĩ trưởng, phó khoa giỏi lên cộng tác và đào tạo, hướng dẫn cho các bác sĩ mới của BV Huyện Củ Chi; BV mời được các bác sĩ giỏi ở các tỉnh tiếp giáp địa bàn như Bình Dương, Tây Ninh, Long An về cộng tác, sau đó thành bác sĩ cơ hữu… Nhờ những định hướng phát triển của BV và chế độ đãi ngộ khá tốt (có phòng lưu trú khang trang cho bác sĩ, có căn tin phục vụ đầy đủ) nên một số bác sĩ đã đầu quân về đây.
“Chúng tôi có chính sách tốt cho các bác sĩ đi học nâng cao chuyên môn. Nhiều người công tác đã 25, 26 năm mà chưa được đi học bao giờ, nên phải cho đi học liền, cập nhật kiến thức y khoa mới. Hiện chúng tôi có gửi một số bác sĩ đi đào tạo tại các BV đầu ngành, được xác định sẽ là nhân lực chủ chốt của BV”, Giám đốc BV Huyện Củ Chi thông tin.
Còn đối với BV Huyện Cần Giờ, nơi chỉ thực hiện KCB cho người dân tại địa phương và cuối năm 2018 sẽ khánh thành BV 200 giường, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ đề xuất: “Trước mắt, TP cần bổ sung 37 bác sĩ cho BV; hỗ trợ kinh phí để phối hợp với các BV tuyến trên tiếp tục thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế công tác tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài đối với bác sĩ được cử đi học nhưng khi về lại nghỉ việc, không thực hiện đúng cam kết. Về lâu dài, UBND huyện nên kiến nghị với TP để xin chính sách đào tạo nguồn nhân lực là người địa phương, như cử tuyển từ học sinh tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi, hỗ trợ kinh phí cho học sinh thi đậu vào các trường y, dược”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết địa phương đã làm dự thảo dự án thu hút nguồn nhân lực cho huyện giai đoạn 2018-2020. Dự thảo đưa ra 3 chính sách hỗ trợ, bao gồm: trợ cấp hàng tháng, hỗ trợ kinh phí đào tạo và nhà ở công vụ.
“Đối với các bác sĩ trình độ đại học trở lên sẽ hỗ trợ 5 lần mức lương cơ sở; y sĩ, trung cấp trở lên là 3 lần mức lương cơ sở. Cần Giờ có 3 dự án nhà ở công vụ sẽ triển khai trong thời gian tới. Đây là những chính sách cơ bản để thu hút nhân lực trong tương lai. Chúng tôi sẽ trình lên Ban Thường vụ Huyện ủy, gửi sở ngành và UBND TPHCM”, bà Cẩm nói.
Bắt đầu từ ngày 1-11-2017, các BV công lập có thể tuyển dụng bác sĩ và nhân viên y tế mà không cần phải có hộ khẩu thường trú tại TPHCM. Đây được xem là giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho những BV công lập khó tuyển dụng bác sĩ trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần, còn để thu hút và giữ chân được những bác sĩ có năng lực thì đòi hỏi các BV phải nỗ lực không ngừng phát triển về cả chuyên môn và môi trường làm việc. Đặc biệt là với những BV vùng ven, một chính sách tốt là điều quan trọng để vừa thu hút vừa giữ chân nguồn nhân lực y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh: Tìm nguyên nhân 4 trẻ tử vong trong một ngày
Chỉ trong buổi sáng 20/11, có 4 trẻ sơ sinh, sinh non đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh tử vong. Hiện cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm nguyên nhân gây ra cái chết cho 4 trẻ sơ sinh.
Bác sĩ Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, 4 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong gồm: Bé Vi Thị Phượng (sinh ngày 13/11) vào viện ngày 13/11 với chẩn đoán suy hô hấp. Khi sinh, thai nhi mới được 34 tuần tuổi. Trẻ được mổ đẻ, trọng lượng 2,2 kg. Mẹ tiền sản giật, sau đẻ, trẻ suy hô hấp. Bệnh nhi diễn biến suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn từ 22h ngày 19/11, đã cấp cứu tích cực nhưng không có kết quả. Trẻ tử vong hồi 2h sáng nay (20/11). Đến 2h15 phút cùng ngày, gia đình xin mang cháu về.
Bé Vũ Hải Đăng (sinh ngày 12/11) vào viện ngày 12/11 với chẩn đoán suy hô hấp. Khi đẻ, thai nhi mới được 34 tuần tuổi. Trẻ sinh mổ, trọng lượng 2,3 kg, suy hô hấp. Trẻ diễn biến suy hô hấp nặng hơn từ 22h ngày 19/11, đã cấp cứu tích cực nhưng không kết quả. Trẻ tử vong hồi 5h55 phút sáng nay. Đến 6h cùng ngày, gia đình xin mang cháu về.
Vũ Đình Cò (sinh ngày 13/11), sinh thường, nặng 1,6 kg, chẩn đoán suy hô hấp. Trẻ sinh khi thai nhi mới được 32 tuần tuổi. Bệnh nhi diễn biến nặng từ 5h30 sáng nay, suy hô hấp, suy tuần hoàn, đã cấp cứu tích cực không kết quả. Trẻ tử vong lúc 8h30.
Nguyễn Hà Vi (sinh ngày 16/11), có chẩn đoán suy hô hấp. Khi sinh, thai nhi mới được 35 tuần tuổi và suy dinh dưỡng bào thai. Trọng lượng khi sinh là 1,6 kg. Trẻ là con của cặp vợ chồng thực hiện hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp IVF (thụ tinh qua ống nghiệm), mổ đẻ, suy dinh dưỡng bào thai, sau đẻ trẻ suy hô hấp. Bệnh nhi diễn biến nặng từ 3h sáng nay, suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn, đã cấp cứu tích cực nhưng không kết quả. Trẻ tử vong hồi 9h30 phút. Cả bốn trẻ trên sau sinh đều được nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch, ăn sữa qua sonde dạ dày, dùng kháng sinh.
Chuyển nhiều trẻ sinh non từ Bệnh viện Sản Nhi lên tuyến trung ương
Chiều ngày 20/11, Vụ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế Bắc Ninh đề nghị khẩn trương làm rõ thông tin báo chí phản ánh 4 trẻ sơ sinh tử vong sáng ngày 20/11 và nghiêm túc xử lý các sai phạm (nếu có) đối với các cán bộ liên quan theo đúng quy định hiện hành.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh gặp gỡ chia sẻ động viên và khẩn trương tổ chức cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông. Đồng thời khẩn trương họp hội đồng chuyên môn đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của bệnh viện. Bộ Y tế cũng yêu cầu sau khi có kết quả họp hội đồng chuyên môn, đề nghị Sở Y tế gặp gỡ, giải thích và thông báo kết quả tới gia đình và cơ quan truyền thông đại chúng.
Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh gửi báo cáo nhanh về quá trình theo dõi, diễn biến và quy trình chăm sóc, xử trí trẻ sơ sinh của bệnh viện về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em) trong ngày 22/11 để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.
Liên quan đến sự việc này, được biết, hiện Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã niêm phong toàn bộ thuốc, vật tư sử dụng cho 4 trẻ sơ sinh này, chuyển sang sử dụng các loại thuốc, vật tư khác cho các cháu đang điều trị còn lại. Đồng thời kiểm tra hệ thống cung cấp oxy, nước, cấy khuẩn các lồng ấp. Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cũng đã mời Bệnh viện Nhi T.Ư, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai để hỗ trợ.
Sở Y tế Bắc Ninh đã chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi thực hiện phân loại bệnh nhân, chuyển 9 trẻ sơ sinh có tình trạng nặng đang điều trị tại Đơn nguyên Sơ sinh ra Bệnh viện Nhi T.Ư (5 cháu) và Bệnh viện Bạch Mai (4 cháu). Các cháu bé còn lại đang trong tình trạng ổn định, được tiếp tục điều trị, theo dõi tại bệnh viện. Hiện các cơ quan chức đang tiến hành khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân tử vong của 4 trẻ sinh non.
Nguyên nhân ban đầu vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong
Bà Tô Thị Mai Hoa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân 4 trẻ sơ sinh tử vong do đẻ non suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Được biết, những trẻ này sinh vào khoảng thời gian 13-16/11 và xuất hiện nhiễm khuẩn sau sinh vài ngày.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, sốc nhiễm khuẩn là một cấp cứu y khoa, biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn. Khi xảy ra sốc nhiễm khuẩn, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán, cấp cứu kịp thời, đưa ra khỏi tình trạng sốc thì sẽ khó cứu chữa do các tổn hại tế bào, suy tạng (Tuổi trẻ, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Lao động, trang 2; Hà Nội mới, trang 5; Thanh niên; trang 4; Nhân dân, trang 5).