Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Chậm quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT: Bệnh viện gặp khó, người bệnh thiệt thòi; Quá tải bệnh nhân, y bác sĩ Cần Thơ chia nhau gồng gánh; Nhiều bệnh viện bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh; Tăng giá khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ y tế; Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội giảm nhẹ nhưng phát hiện thêm tuýp virus D3

 

Chậm quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT: Bệnh viện gặp khó, người bệnh thiệt thòi

Tổng số tiền chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) “vượt trần” mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chưa quyết toán cho các bệnh viện đến nay là hơn 7.000 tỷ đồng. Tình trạng này khiến nhiều bệnh viện thiếu kinh phí hoạt động, chậm trễ chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc men, dẫn đến nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, ảnh hưởng công tác khám, điều trị cho người bệnh.

Thiếu kinh phí hoạt động

Nhiều lãnh đạo bệnh viện và sở y tế một số tỉnh, thành phố phản ánh về việc vẫn chưa được quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của vài năm trở lại đây, gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh. Đại diện Sở Y tế Bình Định cho biết, số tiền khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức chưa được quyết toán tại địa phương là 42 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền này tại TP Cần Thơ là 10 tỷ đồng và Bệnh viện Trung ương Huế là 57 tỷ đồng. Một số bệnh viện tại TPHCM cũng bị BHYT từ chối thanh toán khoảng 1.400 tỷ đồng vì vượt quá tổng mức thanh toán.

Theo thống kê sơ bộ của BHXH 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền BHXH Việt Nam chưa quyết toán cho các cơ sở khám chữa bệnh đến nay là hơn 7.000 tỷ đồng. Tình trạng này khiến nhiều bệnh viện thiếu kinh phí hoạt động, dẫn tới chậm trễ trong việc chi trả các gói thầu vật tư y tế, thuốc men, khiến nhà thầu cung ứng nhỏ giọt, chậm cung ứng, gây ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người bệnh.

TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay, bệnh viện cung cấp dịch vụ cho 3 nhóm đối tượng: người tham gia BHYT, người không tham gia BHYT và dịch vụ theo yêu cầu. Trong đó, nhóm người tham gia BHYT chiếm hơn 65%. Bệnh viện cung cấp dịch vụ cho người tham gia BHYT theo mức giá dịch vụ được cơ quan Nhà nước ban hành, trong khi BHXH lại thanh toán cho bệnh viện theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh đã được giám định hàng tháng, hàng quý và quyết toán hàng năm theo mức tổng hợp.

Như vậy, tổng mức thanh toán phụ thuộc vào số lượt khám chữa bệnh, chi phí bình quân theo nhóm bệnh của năm trước liền kề. Phần vượt mức sẽ không được thanh toán ngay mà phải chờ, dẫn đến bệnh viện bị giảm nguồn thu…

Đồng quan điểm, nhiều bệnh viện cũng cho rằng, có không ít trường hợp, để hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị thì cần có những xét nghiệm rất cần thiết cho bệnh nhân và sử dụng thuốc men đặc biệt. Thế nhưng, những xét nghiệm và thuốc điều trị đó lại bị hạn chế, nên bác sĩ rất dè dặt khi kê đơn vì BHXH sẽ không thanh toán.

Nỗ lực tháo gỡ

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chi phí, thanh toán khám chữa bệnh BHYT, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc Nghị định 75/2023/NĐ-CP được ban hành đã mở ra nhiều đột phá để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, trong đó có việc bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán theo chi phí thực tế.

Bệnh viện được thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí trong năm. “Đây là nội dung quan trọng về quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, gỡ vướng thanh toán cho bệnh viện trong thời gian qua”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh. Bà Trần Thị Trang cũng cho biết, theo quy định mới, BHYT thanh toán theo thực tế các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế... sử dụng cho người bệnh và mức giá theo quy định hiện hành.

Đại diện cho cơ quan quản lý BHYT, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho rằng, việc chậm thanh toán chi phí BHYT là do vướng mắc giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh, chủ yếu liên quan đến chi phí vượt tổng mức thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ.

Do vậy, quỹ BHYT không “nợ” chi phí khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế. Con số hơn 7.000 tỷ đồng trên là số tiền vượt tổng mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT và chưa được quyết toán do chưa đủ căn cứ pháp lý theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Mong muốn triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị định 75/2023/NĐ-CP, với quan điểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở khám chữa bệnh và người tham gia BHYT theo quy định, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương tập trung rà soát, tổng hợp các phần kinh phí vượt tổng mức trong các năm 2019, 2020, 2022 và đảm bảo hoàn thành thanh quyết toán sớm nhất theo quy định.

Riêng với phần vượt của năm 2021, nhằm hỗ trợ tối đa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT có điều kiện thuận lợi để đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 để tháo gỡ khó khăn, kịp thời đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện với tổng số tiền là 4.326 tỷ đồng.

“Hiện nay, BHXH Việt Nam đang yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, tổng hợp, đánh giá, giám định để tiến hành thanh toán cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi đang đôn đốc thực hiện, đảm bảo đến hết năm 2023 sẽ thực hiện thanh toán theo quy định”, ông Lê Văn Phúc khẳng định (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Quá tải bệnh nhân, y bác sĩ Cần Thơ chia nhau gồng gánh

Tình trạng quá tải bệnh nhân hay vấn đề người dân có tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng phải bỏ tiền túi ra ngoài mua thuốc đang là áp lực của ngành Y tế TP Cần Thơ. Sau từng bước gỡ khó, từ giải pháp tạm thời đến lâu dài, bài toán này vẫn đang cần một lời giải xác đáng, căn cơ hơn. Bệnh nhân, bác sĩ khổ vì quá tải

Theo thống kê của phòng Kế toán tổng hợp - Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, 10 tháng của năm 2023, bệnh viện này tiếp nhận hơn 14.790 ca khám ngoại trú; hơn 3.580 ca điều trị nội trú mắc tay chân miệng, trong đó hơn 430 ca mắc tay chân miệng nặng.

Tại khoa Nhiễm, có 140 giường bệnh cố định, vì vậy khi tiếp nhận quá nhiều bệnh nhi, Ban giám đốc bệnh viện buộc phải chi viện thêm bác sĩ, kê thêm 70 giường để đảm bảo công tác điều trị.

Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay, lượng bệnh nhân tăng lên gấp 3 lần so với tháng 5, đỉnh điểm có ngày khoa Nhiễm phải điều trị cho hơn 300 bệnh nhi. Biên chế ở mức cho phép nên đội ngũ y bác sĩ chia nhau ra gồng gánh và thậm chí 1-2 tháng nay các bác sĩ, điều dưỡng không nghỉ phép để túc trực và kiểm soát bệnh nhân có dấu hiệu chuyển độ.

Tương tự, tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, do chỉ có 1 máy xạ trị Cobalt 60 nên trung bình mỗi ngày chỉ có thể xạ trị được từ 90 - 100 bệnh nhân. Trong khi số lượng bệnh nhân chờ được xạ trị khoảng 200 người bệnh, thậm chí có khi lên đến 300 - 400 người.

Do đó, khoảng 2 năm nay, các y bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên tại khoa Điều trị tia xạ phải tăng cường làm việc 4 ca, kể cả ca đêm từ 23h đến 5h sáng, đồng thời làm thêm ngày thứ Bảy, Chủ nhật để giải quyết tình trạng quá tải.

Thuốc BHYT hết thầu

Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, thực trạng khám bệnh, cấp phát thuốc và kê đơn thuốc BHYT vẫn là nỗi trăn trở của bệnh nhân, bác sĩ. Ở thời điểm danh mục thuốc BHYT hết thầu, không đủ cung ứng cho các chuyên khoa, lãnh đạo bệnh viện gỡ khó bằng cách chuyển tuyến hoặc kê đơn toa thuốc ngoài BHYT nếu bệnh nhân đồng ý.

Bà Kim Phượng (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) than thở: “Tôi lâm bệnh, nhà gom góp mua BHYT nhưng mấy tháng nay cứ mỗi đợt lấy thuốc tôi phải mất thêm hơn 500.000 đồng”.

Vẫn chờ một giải pháp căn cơ

Về tình trạng quá tải bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang lấy ví dụ: Hiện tại, về cơ cấu giường bệnh, tại Khoa sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là 60-80 giường, trong khi đỉnh điểm dịch, con số tiếp nhận điều trị lên đến gần 400 bệnh nhi. Chính điều này buộc bệnh viện phải linh động, chuyển sang các khoa phòng khác để mở rộng điều trị, đến khi bệnh dịch lui thì bệnh viện sẽ trả về hiện trạng ban đầu để duy trì.

Ngoài ra, Bệnh viện còn tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh lân cận. Hiện tại, Cần Thơ bị quá tải một phần là do tuyến trên quá tải, không phải chỉ bệnh nhân ở Cần Thơ tăng cao.

“Nếu cơ chế điều tiết thuốc từ các bệnh viện linh hoạt, tức bệnh viện thừa thuốc sẽ chuyển sang cho bệnh viện thiếu thuốc, sẽ phần nào giảm áp lực trong điều trị” - ông Giang đề xuất.

Liên quan đến tình trạng nhiều bệnh nhân trên địa bàn thành phố có tham gia BHYT nhưng phải mua thuốc ngoài, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga cho biết, nhiều bất cập trong quy định đấu thầu dẫn đến một số bệnh viện không cung cấp đủ thuốc cho người bệnh, phần nào ảnh hưởng việc đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT.

“Do người bệnh hoặc bác sĩ chỉ chọn lựa một loại thuốc do một công ty nào đó sản xuất nhưng mặt hàng này lại không trúng thầu. Trong khi cũng loại thuốc đó, công ty khác sản xuất trúng thầu thì bác sĩ hoặc người bệnh không dùng. Đối với vấn đề này, ngành y tế tăng cường nhắc nhở các bác sĩ phải tư vấn cho người bệnh đầy đủ hơn" - bà Nga chia sẻ.

Hiện nay, việc mua thuốc phục vụ điều trị tại các bệnh viện công lập được thực hiện bằng hình thức đấu thầu. Hầu hết các thuốc điều trị các bệnh lý phổ biến khác đều đáp ứng được nhu cầu điều trị bệnh nhân. Ngoại trừ một số ít trường hợp các bệnh lý chuyên sâu (thuốc đặc trị sốt xuất huyết, tay chân miệng, ung thư...) sẽ rất khó tìm nhà cung cấp trong công tác mua sắm (Lao động, trang 3).

 

Nhiều bệnh viện bị chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh

Hàng loạt cơ sở y tế cho biết, việc chưa được quyết toán bảo hiểm y tế (BHYT) đang gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh. Trong khi đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị này đã gấp rút tổng hợp các phần kinh phí khám chữa bệnh BHYT vượt tổng mức, đảm bảo hoàn thành thanh quyết toán sớm nhất theo quy định.

Bệnh viện từng bị “treo” thanh toán bảo hiểm y tế

Ghi nhận của Lao Động, hiện còn một loạt bệnh viện, cơ sở y tế, sở y tế chưa được quyết toán BHYT gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh như Sở Y tế Bình Định số tiền khám, chữa bệnh BHYT vượt tổng mức chưa được quyết toán tại địa phương này là 42 tỉ đồng; Sở Y tế Cần Thơ cũng cho hay, còn 10 tỉ đồng BHYT chưa quyết toán; Số tiền BHYT chưa quyết toán cho Bệnh viện Trung ương Huế là 57 tỉ đồng.

Một số bệnh viện tại TPHCM bị BHYT từ chối thanh toán 1.400 tỉ đồng vì vượt quá tổng mức thanh toán... Điều này khiến các bệnh viện trở thành “con nợ”, gặp khó trong công tác mua sắm thiết bị, khám chữa bệnh.

Trước đó vào đầu năm 2023, Sở Y tế TPHCM đề xuất Bộ Y tế tháo gỡ những vướng mắc khiến các bệnh viện không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 1.088 tỉ đồng trong giai đoạn 2019-2021. Địa phương này đưa ra lý do, các cơ sở khám chữa bệnh tại TPHCM áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ.

Hằng quý, BHXH thực hiện giám định và tạm quyết toán cho các bệnh viện được xác định theo số lượng, giá dịch vụ y tế và các chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ đã sử dụng cho bệnh nhân theo Nghị định 146 của Chính phủ về Luật BHYT. Tuy nhiên, khi quyết toán năm, cơ quan BHXH lại căn cứ vào tổng mức thanh toán (được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề). Đây là trở ngại lớn nhất đối với tất cả bệnh viện, vì thực tế tại các cơ sở thì tổng chi phí khám chữa bệnh của năm sau luôn cao hơn năm trước...

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - đã phải lên tiếng: Trong giai đoạn dịch COVID-19, bệnh viện trải qua giai đoạn khó khăn như còn một số vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của bệnh viện thuộc giai đoạn 2017-2020. Trong đó, các nội dung đã được thanh toán sau khi có kết luận của Bộ Y tế, hoặc sau khi bệnh viện làm việc với lãnh đạo cơ quan BHXH, nhưng chưa được thanh toán giai đoạn trước khoảng gần 4 tỉ đồng.

Đối với một số vướng mắc chưa thống nhất, bệnh viện đưa ra 9 hạng mục với khoảng 26 tỉ đồng chưa được thanh toán. Đặc biệt, riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỉ đồng.

Nỗ lực giải quyết dứt điểm khó khăn

Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho biết: Vướng mắc giữa cơ quan BHXH với cơ sở khám chữa bệnh (KCB) chủ yếu liên quan đến chi phí vượt tổng mức thanh toán không được thanh toán theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ (Nghị định số 146).

Nghị định số 75 có hiệu lực từ ngày 3.12.2023, tuy nhiên, nội dung bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT được áp dụng hiệu lực trở về trước (từ ngày 1.1.2019).

Theo đó, phần lớn chi phí vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách liên quan đến tổng mức từ năm 2019 đến năm 2022 sẽ được giải quyết.

BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố căn cứ Nghị định số 75 khẩn trương, tập trung rà soát, tổng hợp các phần kinh phí vượt tổng mức trong các năm 2019, 2020, 2021 và đảm bảo hoàn thành thanh quyết toán sớm nhất theo quy định.

“Việc bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới trong kiểm soát gia tăng chi phí, phòng chống, ngăn chặn lạm dụng trục lợi quỹ BHYT...

BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tập trung trong việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vướng mắc, bất cập, triển khai hiệu quả chính sách BHYT hướng tới mục tiêu, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo lợi ích cho người tham gia BHYT” - ông Lê Văn Phúc cho hay (Lao động, trang 1).


Tăng giá khám bệnh, giường bệnh, xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Thông tư này ban hành do mức lương cơ sở được Chính phủ điều chỉnh từ 1-7-2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Bộ Y tế cho biết mức giá này được áp dụng từ ngày 17-11, thay thế mức giá quy định trong Thông tư 39/2018 và Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế.

Nhìn tổng thể, mức giá điều chỉnh các dịch vụ tăng khoảng 10%.

Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108) tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng.

Giá khám tại các Trạm Y tế xã nâng từ 27.500 lên 30.100 đồng.

Mức tăng ở bệnh viện hạng I từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng; bệnh viện hạng III từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng.

Giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu tăng theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể như: ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá tăng lên 509.400 đồng (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng (tăng 34.200 đồng)...

Giá ngày giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc tăng khoảng trên dưới 10% tùy thuộc vào hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường bệnh này của hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng (tăng 85.500 đồng), giá ở hạng I là 786.00 đồng (tăng 80.700 đồng), hạng II là 673.900 đồng (tăng 71.900 đồng).

Giá xét nghiệm và kỹ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng thay đổi. Cụ thể: giá dịch vụ siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng; chụp CT Scanner đến 32 dãy có thuốc cản quan tăng từ 632.000 đồng tới 643.000 đồng...

Trước đó, tháng 7-2023, trong văn bản phản hồi về ý kiến của các bộ, ngành, đối với lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, mức điều chỉnh viện phí theo mức tăng lương cơ sở vào khoảng 5% (An ninh thủ đô, trang 7).


Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội giảm nhẹ nhưng phát hiện thêm tuýp virus D3

Ngày 20-11, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc SXH, giảm nhẹ 54 ca so với tuần trước đó và là tuần thứ 2 liên tiếp ghi nhận số mắc giảm.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là Thanh Oai với 209 ca, tiếp đến là Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca)…

Về ổ dịch, trong tuần qua ghi nhận 69 ổ dịch mới tại 18 quận, huyện, thị xã, giảm 10 ổ dịch so với tuần trước đó. Địa phương ghi nhận nhiều ổ dịch mới là Đống Đa với 8 ổ dịch; Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng - mỗi nơi có 7 ổ dịch; Hà Đông (6 ổ dịch); Thanh Trì (5 ổ dịch)…

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 33.489 ca mắc SXH, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện còn 159 ổ dịch đang hoạt động.

Đáng chú ý, ngoài 2 tuýp virus Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh SXH. Cụ thể, kết quả giám sát tuýp virus Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3.

Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta, hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh SXH được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần SXH trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu (An ninh thủ đô, trang 7).


Đề nghị bãi bỏ 'barie' giấy chuyển viện, Bộ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, việc xin giấy chuyển viện hiện rất phiền toái, mất thời gian, cần phải được bãi bỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế lại cho rằng, phải lưu ý tới năng lực điều trị cơ sở cũng như tránh quá tải tuyến trên.

Xin giấy chuyển viện rất phiền toái

Sáng 20/11, phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói, hiện có rất nhiều cử tri đề cập đến việc phải đi xin giấy chuyển viện "rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi".

Theo ông, trong bối cảnh công nghệ thông tin đã tiến bộ, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông, trên 93% dân số Việt Nam có bảo hiểm y tế... thì việc có thêm "barie” giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ!

ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị đẩy mạnh tiến hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, phải làm sao để người có bảo hiểm muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc… Theo ông, đây là nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.

Về tổng mức thanh toán hay giới hạn chi quỹ bảo hiểm y tế của cơ sở khám chữa bệnh trong thời gian một năm, theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, nội dung này đã được điều chỉnh bằng Nghị định 75/2023 của Chính phủ. Các dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hóa chất, vật tư gì sẽ được thanh toán.

Việc ban hành nghị định này, ông đánh giá đã chấm dứt sự phiền hà trong công tác khám chữa bệnh vốn “dùng dằng” nhiều năm qua. Do đó, ông mong muốn tiếp tục giám sát, thúc đẩy để nội dung nghị định triển khai thực chất, không bị biến chất.

Về bổ sung các loại thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế, ĐBQH đoàn Hà Nội đề nghị phải được thanh toán với các thuốc điều trị bệnh nam khoa. Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp tới nên lưu ý việc quy định danh mục thuốc được bảo hiểm y tế.

Danh mục thuốc, phác đồ nên để cho ngành y cùng cơ sở y tế, Bộ Y tế quyết định sử dụng. Bệnh nhân dùng thuốc, phác đồ nào, nếu đúng, hiệu quả... thì bảo hiểm y tế thanh toán đúng như vậy. “Xin đừng có danh sách thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán", ông nói.

Nhiều đời Bộ trưởng đã phải giải trình về quá tải

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần phải đảm bảo được quyền lợi, giảm phiền hà cho người tham gia. Tuy nhiên, phải lưu ý tới năng lực điều trị của cơ sở cũng như đảm bảo tránh quá tải, bệnh nhân dồn lên tuyến trên.

Theo bà Lan, giảm tải quá tải là vấn đề mà “nhiều đời Bộ trưởng Y tế” đã phải giải trình. Thời gian qua, thực hiện Luật Khám chữa bệnh (năm 2019), việc phân tuyến chia làm 4 cấp chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2024, khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực, việc phân tuyến chia còn làm 3 cấp.

Bộ trưởng lý giải, việc phân cấp như vậy là để đảm bảo điều kiện, mức độ của từng cơ sở khám chữa bệnh; khả năng đáp ứng của cơ sở; thực trạng của người bệnh... từ đó bố trí phù hợp.

Từ năm 2014, việc chuyển tuyến phải thực hiện tuần tự từ dưới lên trên. Tuy nhiên, năm 2016 đã thông tuyến ở cấp huyện, năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh. Như vậy đã cơ bản tạo điều kiện chuyển tuyến cho người dân.

Cũng theo bà Lan, việc chuyển tuyến đang được thực hiện theo hai luồng. Thứ nhất là từ tuyến dưới lên tuyến trên trong trường hợp nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Thứ 2 là từ trên xuống dưới khi bệnh đã ổn định để đảm bảo lâu dài. Việc này, đảm bảo phù hợp, đáp ứng chất lượng khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, làm thế nào để giảm thủ tục hành chính khi người dân chuyển viện là vấn đề Bộ Y tế sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu phương án giải quyết phù hợp.

Bộ Y tế đang hướng tới triển khai chuyển tuyến điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân giảm thủ tục cho người dân.

Liên quan tới danh mục thuốc trong bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho hay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đảm bảo được việc điều trị tốt cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế.

Năm 2024, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư rà soát, sửa đổi danh mục thuốc bảo hiểm y tế để đảm bảo được nhu cầu điều trị của người dân (Tiền phong, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang