Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Thống nhất giá dịch vụ y tế bệnh viện cùng hạng; TPHCM: Độc hại trong môi trường lao động vượt ngưỡng cho phép; Cắt thành công khối u trực tràng bằng nội soi qua đường hậu môn; Sau một năm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, tỉ lệ thành công tới 50%...

Thống nhất giá dịch vụ y tế bệnh viện cùng hạng

Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: Giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá các dịch vụ kỹ thuật. Cụ thể, từ ngày 1/3/2016, giá dịch vụ khám bệnh được áp dụng từ 7.000 - 200.000 đồng (chưa bao gồm tiền lương). Từ ngày 1/7/2016, giá dịch vụ khám bệnh từ 29.000 - 200.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương). Giá dịch vụ ngày giường bệnh áp dụng từ 1/3/2016 tại các BV từ 31.000 - 354.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp thường trực); từ ngày 1/7/2016, giá dịch vụ từ 108.000 - 677.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp thường trực và tiền lương)... Bộ Y tế cho biết, lần điều chỉnh giá dịch vụ y tế này sẽ ảnh hưởng đến người bệnh có mức hưởng quyền lợi bảo hiểm 80%, đồng chi trả 20% (Tiền phong trang 6, Tuổi trẻ trang 4, Thanh niên trang 4).

TPHCM: Độc hại trong môi trường lao động vượt ngưỡng cho phép

Ngày 20/1, tại hội nghị tổng kết công tác vệ sinh lao động và y tế trường học năm 2015, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường (Sở Y tế TPHCM) cho biết, qua kiểm tra môi trường lao động tại 1.424 doanh nghiệp, trung tâm ghi nhận 8/9 yếu tố được kiểm tra vượt tiêu chuẩn. Ánh sáng vượt mức cho phép 22%, nhiệt độ 14%, độ ồn 13%... Trong 148 doanh nghiệp được kiểm tra về vệ sinh, an toàn lao động, 64% các cơ sở có yếu tố gây bệnh nghề nghiệp (Tiền phong trang 6).

Phát hiện bắp non, đậu Hà Lan không an toàn

Ngày 20/1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua kiểm tra mẫu bắp non, đậu Hà Lan trên địa bàn TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm sử dụng phẩm màu tartrazine và brilliant khi chưa công bố và chất bảo quản vượt tiêu chuẩn cho phép. Báo cáo của Viện Y tế công cộng TPHCM cho hay, Viện đã chủ động lấy mẫu giám sát và phát hiện sản phẩm bắp non, đậu hòa lan (Hà Lan) do cơ sở Nguyên Thảo (địa chỉ Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM) không đạt về chỉ tiêu natri benzoate. (* Tiền phong (trang 6), Nhân dân (trang 8) )

Bệnh viện Bưu điện được chuyển giao về Tập đoàn VNPT quản lý

 Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định chuyển giao Bệnh viện Bưu điện từ Bộ Y tế về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quản lý. Theo đó, Bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội được chuyển giao nguyên trạng từ Bộ Y tế về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quản lý. Trước mắt, đẩy mạnh việc hoạt động theo cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về quy định quy chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc chuyển giao Bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội thực hiện theo nguyên tắc nguyên trạng về tổ chức bộ máy, lao động, tài chính, tài sản và các quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của Bệnh viện. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện việc bàn giao, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện việc tiếp nhận Bệnh viện Bưu điện theo quy định. (* An ninh thủ đô (trang 4), Tiền phong (trang 15))  

Giải pháp mở rộng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

Sau một năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, số người tham gia BHYT tăng 4,4 triệu người, đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, khi 25% số dân chưa tham gia BHYT.

Tại hội nghị tổng kết công tác BHYT năm 2015, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, đến ngày 31-12-2015, số người tham gia BHYT là 69,973 triệu người, đạt 75,32% số dân. Có 46 tỉnh dành ngân sách địa phương để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng hỗ trợ 46.882 thẻ BHYT, tương đương hơn tám tỷ đồng cho các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Từ 29 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 65% số dân, đến nay chỉ còn hai địa phương là Đồng Tháp và Lâm Đồng. Người có thẻ BHYT được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ y tế, thể hiện qua việc tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh BHYT từng năm: Năm 2014 có 136,3 triệu lượt, năm 2015 có 150 triệu lượt và chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cũng tăng từ 41,4 nghìn tỷ đồng (năm 2014) lên 50 nghìn tỷ đồng (năm 2015).

BHYT hoàn thành các chỉ tiêu là nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp thực hiện nhiều giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ trong năm qua như: Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để người dân tham gia BHYT thuận lợi, nhất là đơn giản hóa việc đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình và mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT với 42.994 đại lý trên cả nước. Ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tăng giá trị của thẻ BHYT như: Triển khai đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai đề án giảm quá tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, ban hành bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện và thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh theo hướng rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính không cần thiết…

Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số bất cập, như: Người dân chưa hài lòng về thủ tục chuyển tuyến và thanh toán BHYT; giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, người dân có thẻ BHYT vẫn phải chi trả tiền khám bệnh, chữa bệnh ở mức cao…; công tác tuyên truyền chính sách BHYT chỉ tập trung đẩy mạnh vào một số dịp nhất định khiến người dân chưa nhận thức được ý nghĩa của BHYT, một số cán bộ chưa nắm rõ chính sách BHYT để thực hiện. Gian nan nhất là việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với gần 25% số dân chưa tham gia BHYT. Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015 vừa qua, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương cho biết, đến nay, một số địa phương chưa cấp thẻ BHYT cho nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển do chưa rà soát, lập danh sách kịp thời. BHYT học sinh, sinh viên còn thiếu sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục, nhất là khối các trường đại học, cho nên, vẫn còn 15% số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Đối tượng hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình chưa phát triển được do số tiền tham gia BHYT là khá lớn so với thu nhập của họ, trong khi ngân sách Nhà nước mới hỗ trợ 30% mức đóng. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng chưa mở rộng được nhiều, do điều kiện kinh tế hộ khó khăn, không mua BHYT được cho các thành viên trong gia đình. Một số doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHYT và chưa có biện pháp để giải quyết hiệu quả, dứt điểm.

Để năm 2016 đạt được 76% số dân tham gia BHYT như mục tiêu đề ra, ngành y tế và BHXH xác định tập trung tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với đối tượng hộ gia đình. Theo đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị Quốc hội sớm có hướng dẫn cụ thể đối với việc tham gia BHYT hộ gia đình. Theo đề xuất của Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017, không bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia BHYT cùng thời điểm, áp dụng giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo dù họ tham gia BHYT không cùng thời điểm. Từ ngày 1-1-2018, bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình phải tham gia đầy đủ cùng thời điểm. Ngoài ra, do mức đóng của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ vẫn cao bằng mức đóng của đối tượng không được hỗ trợ (như trường hợp người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng BHYT vẫn bằng mức đóng của đối tượng tham gia BHYT theo diện hộ gia đình), cho nên Bộ Y tế đề nghị cho phép đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT được lựa chọn tham gia hoặc theo hình thức hộ gia đình hoặc theo nhóm được hỗ trợ mức đóng. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đề xuất UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tỷ lệ tham gia BHYT thời gian tới là: Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức gương mẫu tham gia BHYT cho thành viên còn lại trong hộ gia đình; bảo đảm đủ ngân sách để hỗ trợ mua 30% mức đóng còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và đối tượng tham gia theo hộ gia đình... Những giải pháp nêu trên được kỳ vọng sẽ mở rộng tỷ lệ người dân tham gia BHYT và duy trì sự tham gia bền vững qua từng năm. (* Nhân dân (trang 5))

Sau một năm được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, tỉ lệ thành công tới 50%

Em bé đầu tiên được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ ở Việt Nam vừa ra đời khỏe mạnh tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội. Ngày 23- 1 này, dự kiến em bé thứ 2 cũng sẽ chào đời tại BV Phụ sản Trung ương, do chính GS.TS Nguyễn Viết Tiến-Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, phẫu thuật. Đây là 2 trường hợp trong tổng số 60 cặp vợ chồng đã được xem xét để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (BV Phụ sản Trung ương). Bị ung thư tử cung, chị NTX không còn hy vọng được làm mẹ, để gia đình có hạnh phúc tròn đầy. Nhưng việc nhờ mang thai hộ được cho phép từ tháng 1-2015 đã trở thành điều kỳ diệu để biến ước mơ của chị và gia đình thành hiện thực. Sau khi nhờ được người mang thai hộ, chị NTX đã tới Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia nhờ hỗ trợ. Khi bác sĩ thông báo trường hợp của chị đã thành công, chị thấy như ngộp thở trong niềm hạnh phúc, để mỗi giờ phút đều hồi hộp đợi chờ đứa con ra đời.

Không thể phủ nhận việc cho phép mang thai hộ là một chính sách nhân đạo, giúp nhiều gia đình được thỏa mãn khát vọng làm cha, làm mẹ. Sau một năm Nghị định về mang thai hộ chính thức có hiệu lực, đã có khoảng 100 hồ sơ xin mang thai hộ đáp ứng các điều kiện và được chấp nhận tại ba BV được phép tiến hành kỹ thuật mang thai hộ là BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ và BV Trung ương Huế. Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, riêng ở BV Phụ sản Trung ương có 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã có 46 ca được thực hiện với tỷ lệ thành công tới 50%. Việc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia đã tiến hành khoảng 4.000 trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm trước đó chính là kinh nghiệm quý để có được tỉ lệ thành công trong kỹ thuật mang thai hộ cao như hiện nay. Còn ở BV Từ Dũ, TS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, cho biết tỉ lệ thành công cũng tới 40-45%. Đây là những con số khá ấn tượng khi tỉ lệ thành công trên thế giới chỉ khoảng 30-40%.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, các cặp vợ chồng được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đều là những người không còn hy vọng nào có thể tự có con. Trong số các ca được làm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, có trường hợp bị ung thư tử cung, hay không có tử cung. Kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn rất khó khăn, nhiều trường hợp không thể lấy như bình thường, nên thậm chí có trường hợp phải lấy qua đường thành bụng, phẫu thuật nội soi. Chưa kể, trong quá trình thực hiện cũng có nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ tử vong, gây biến chứng nặng đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, khát vọng làm cha mẹ khiến các cặp hiếm muộn sẵn sàng vượt lên mọi thử thách.

Việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ giờ đây không giới hạn về độ tuổi với người mẹ, mà chỉ quan tâm đến chất lượng, vì có người ít tuổi nhưng dự trữ buồng trứng đã ít, trong khi có những người nhiều tuổi, dự trữ buồng trứng vẫn nhiều. Với các yêu cầu chặt chẽ về sức khỏe, hồ sơ pháp lý, các trường hợp mang thai hộ đều diễn biến bình thường, được chăm sóc y tế chu đáo theo yêu cầu của gia đình, để các bé có thể ra đời khỏe mạnh. “Những người mang thai hộ đều được hưởng chế độ nghỉ thai sản bình thường và không thể có chuyện các thai nhi bị nhiễm bệnh từ người mang thai hộ trong quá trình mang thai” - GS.TS Nguyễn Viết Tiến khẳng định.

Tuy nhiên, chỉ sau một năm thực hiện Nghị định về mang thai hộ, đã phát sinh một số vấn đề, cho thấy văn bản pháp qui ở lĩnh vực này cần được điều chỉnh.  GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho hay, việc thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hiện chỉ áp dụng cho những cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần, nhưng chuyển phôi thất bại… Song trong thực tế lại có nhiều trường hợp đã có một đứa con, nhưng lại bị tật nguyền do thủ thuật sản khoa, chứ không phải do di truyền, trong khi người vợ lại không thể mang thai được nữa, lại không được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trong khi với họ, có thêm một đứa con sẽ rất nhân đạo, vì là chỗ nương tựa cho tuổi già cũng như cho đứa con tật nguyền. Hay với phụ nữ mang thai lần đầu bị tai biến, buộc phải cắt tử cung để cứu sống mẹ. Người phụ nữ này noãn vẫn bình thường, nếu được phép nhờ mang thai hộ khi có nhu cầu sinh thêm đứa con nữa thì sẽ nhân đạo hơn. Với những điều chưa phù hợp, tới đây, Luật cần ghi nhận cũng như phải sửa đổi Nghị định cho phù hợp.

Được biết, chi phí cho một ca thực hiện kỹ thuật mang thai hộ khoảng 50-60 triệu đồng. Có người phải làm nhiều lần mới thành công. Bên cạnh đó, thủ tục để hoàn thành một hồ sơ được phép mang thai hộ hiện còn nhiều khó khăn về mặt pháp lý với các yêu cầu rất chặt chẽ, như phải chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa người nhờ mang thai và người mang thai hộ, rồi hợp đồng pháp lý… sau đó Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của BV mới kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có thể thực hiện được kỹ thuật mang thai hộ không.

Với tư cách một chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật mang thai hộ, GS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh rằng, chỉ những trường hợp không thể tự có con hãy sử dụng kỹ thuật mang thai hộ, vì những khó khăn trong kỹ thuật cũng như các thủ tục pháp lý. Tất nhiên, các bệnh nhân tự làm lấy cũng đòi hỏi phải hết sức kiên trì, vì có người phải làm 3-4 lần, thậm chí, có trường hợp mất 20 năm mới có con được. Tuy nhiên, không như báo chí dự báo trước đây, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, nhu cầu thực sự về mang thai hộ chỉ khoảng 100 hồ sơ mỗi năm và thời gian tới có tăng cũng không nhiều. (* Công an nhân dân (trang 6))

Khám chữa bệnh không phép bị phạt gần 72 triệu đồng

Ngày 20.1, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành gần 72 triệu đồng đối với ông Dương Dân Cường (tổ 11, KP.1, P.Tân Thới Nhất, Q.12). Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TP kiểm tra phát hiện ông Cường hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền không phép (tại địa phương trên); sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Đáng nói, thanh tra lấy 3 mẫu thuốc đông y tại nơi ông Cường khám chữa bệnh, kiểm nghiệm phát hiện có chứa tân dược (kháng viêm, hạ sốt, giảm đau…).

Ngoài phạt tiền, cơ quan chức năng còn buộc ông Cường ngưng ngay việc hành nghề không phép. (* Thanh niên (trang 4))

Cắt thành công khối u trực tràng bằng nội soi qua đường hậu môn

Ngày 19.1, TS.BS Phan Hải Thanh, Phó trưởng Khoa Ngoại nhi-Cấp cứu bụng BVT.Ư Huế cho biết khoa này vừa thực hiện thành công ca mổ khối ung thư trực tràng cao giai đoạn sớm bệnh nhân T.T.K.T (85 tuổi, trú tại TP.Huế).

Ca mổ do PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó giám đốc BVT.Ư Huế kiêm Trưởng khoa Ngoại nhi-Cấp cứu bụng, làm phẫu thuật viên chính cùng kíp phẫu thuật của khoa tiến hành vào ngày 20.12.2015. Sau gần 1 giờ 30 phút phẫu thuật, khối u có kích thước 3cm, được cắt bỏ hoàn toàn qua đường hậu môn bằng phẫu thật nội soi, bệnh nhân được xuất viện 4 ngày sau đó.

TS.BS Phan Hải Thanh, Phó trưởng Khoa Ngoại nhi-Cấp cứu bụng cho biết: “Trước đây, những khối u như thế này cần phải phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi truyền thống. Tuy nhiên với sự phát triển của phẫu thuật nội soi và kinh nghiệm ngày càng cao của đội ngũ bác sĩ BVT.Ư Huế, với chỉ định thích hợp Khoa Ngoại nhi-Cấp cứu bụng, đã triển khai kĩ thuật mới hiện đại - ít xâm nhập cắt khối u trực tràng hoàn toàn qua đường hậu môn. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như không để lại sẹo trên thành bụng, ít mất máu, không dùng thuốc giảm đau, xuất viện sớm và hồi phục những hoạt động bình thường nhanh hơn”.

Đến nay, sau hơn 3 tuần phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định hoàn toàn, sinh hoạt bình thường đang chuẩn bị điều trị sau mổ. TS.BS Phan Hải Thanh cho biết thêm: “Với các trung tâm tiên tiến khác trên thế giới, để thực hiện kỹ thuật này cần phải dùng các dụng cụ chuyên dụng đặc biệt rất tốn kém, tuy nhiên tại BVT.Ư Huế chỉ sử dụng những dụng cụ nội soi thông thường kết hợp với dao mổ siêu âm có thể cắt khối u trực tràng một cách dễ dàng, nên đã giảm chi phí rất nhiều. Kỹ thuật này được ứng dụng thành công đã mở ra một tương lai mới trong phẫu thuật nội soi”.

PGS.TS Phạm Như Hiệp cho biết thêm, đây là ca phẫu thuật hoàn toàn trong lòng trực tràng đã được các bác sĩ Việt Nam thực hiện lần đầu tiên. Ngày 18.1, tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), GS Leroy cũng đã thực hiện một ca tương tự. (* Thanh niên online, Tuổi trẻ (trang 14))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang