Cảnh báo thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng thì nhiều đối tượng lợi dụng tình hình này để kinh doanh thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm trục lợi. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường cảnh báo người dân và vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn triệt để.
Cuối tháng 1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Quản lý thị trường thành phố kiểm tra căn nhà tại thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè của Trần Thanh Thảo (trú tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận có 555 hộp thuốc các loại được quảng cáo là điều trị Covid-19 nhưng chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam như Molnupiravir Capsules Molnatris Mylan; Molnupiravir 800mg Tablets; Moluzen 400; Molnupiravir Capsules 200mg; Molaz Azista... Đáng chú ý, đây không phải lần đầu cơ quan chức năng phát hiện các trường hợp buôn bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc.
Có thể thấy, lợi dụng tình trạng các ca bệnh Covid-19 ngày càng tăng ở các địa phương, cùng với tâm lý hoang mang của không ít người dân, các đối tượng đã tung ra thị trường các loại thuốc điều trị không rõ nguồn gốc. Trong vai một người cần mua thuốc điều trị Covid-19, phóng viên có mặt tại một số quầy thuốc ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Một số quầy, người bán giới thiệu nhiệt tình về các loại thuốc có xuất xứ nước ngoài như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc... và cho biết, các loại thuốc này đang rất được ưa chuộng.
Cầm trên tay lọ thuốc có tên in trên hộp là “Areplivir”, nhân viên một nhà thuốc giới thiệu: “Đây là thuốc của Nga sản xuất, đặc trị Covid-19 có giá 2,8 triệu đồng/hộp. Khi bị bệnh, chỉ cần uống một hộp thuốc này là mấy ngày sau sẽ âm tính. Nhiều người dùng thử và thấy hiệu quả”. Sau đó, người bán giới thiệu thêm một số loại thuốc có xuất xứ từ Mỹ, Ấn Độ... và khẳng định có hiệu quả trong việc điều trị Covid-19 tại nhà. Theo ghi nhận của phóng viên, tất cả các loại thuốc này bên ngoài vỏ đều in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ cho nên liều lượng và cách thức sử dụng đều phải hỏi người bán thuốc.
Không chỉ tại các quầy thuốc, trên internet, việc bày bán các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng diễn ra tràn lan. Trên nhóm Facebook có tên “Chợ thuốc...”, hàng trăm tin bài, hình ảnh về các loại thuốc được chào bán công khai với đủ các mức giá, từ 300 nghìn cho đến hàng triệu đồng/hộp. Một tài khoản tên “Nhung Nguyen” giới thiệu, thuốc được nhập về qua đường xách tay, nước ngoài sản xuất nhiều, cho nên hàng lúc nào cũng sẵn. “Anh muốn mua sỉ, lẻ đều có. Nếu mua nhiều thì sẽ được chiết khấu. Em có người nhà sống ở Nga cho nên nhập hàng cũng dễ”, tài khoản này cho biết thêm. Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều người bán thuốc trên mạng chỉ là làm kiếm thêm thu nhập, còn chuyên môn chính không liên quan đến lĩnh vực y, dược. Tuy nhiên, khi khách hỏi mua thuốc, họ đều tư vấn như những người có chuyên môn và có vẻ hiểu biết về thành phần, công dụng, liều lượng sử dụng các loại thuốc.
Trước hiện tượng thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan trên thị trường, các cơ quan chức năng đã phải lên tiếng cảnh báo. Vừa qua, Sở Y tế Nghệ An có văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn không được mua, bán thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir và xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành, trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng các thuốc chưa được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Trước đó, Bộ Y tế đã có một số văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19, trong đó có thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá thuốc bất hợp lý.
Tháng 12/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5666/QĐ-BYT về sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó nêu rõ danh mục 3 loại thuốc kháng vi-rút trong điều trị Covid-19 gồm Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình; Molnupiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ... và do các cơ sở y tế cấp phát thuốc.
Theo một số dược sĩ, khi bị mắc Covid-19, người bệnh cần liên hệ với các cơ sở y tế để được cấp phát thuốc điều trị. Tuy nhiên, không ít người có tâm lý hoang mang, mua thuốc về trữ trong nhà phòng trường hợp nhiễm bệnh. Chưa kể, việc cấp phát thuốc cũng không đồng đều dẫn đến việc thị trường thuốc “chợ đen” có cơ hội phát triển. Một điều đáng lo ngại là ngoài một số thuốc được “xách tay” từ nước ngoài về, trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều loại thuốc giả. Với những loại thuốc này, người dùng không chỉ không chữa được bệnh mà còn “tiền mất tật mang”.
Theo PGS, TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, việc tự mua thuốc về nhà uống khi bị bệnh là rất đáng lo ngại bởi dùng không đúng loại, đúng liều lượng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là các loại thuốc có các thành phần như paracetamol và corticoid. Đây là những thành phần thuốc dùng có chỉ định. Vì vậy, khi người dân phát hiện mình là F0 cần hết sức bình tĩnh và liên hệ ngay đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn. Việc điều trị, sử dụng thuốc cần có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, người có chuyên môn. Ngoài ra, tránh việc tích trữ thuốc vì dễ gây tình trạng người cần không có, người có lại không cần.
Luật sư Phạm Việt Hưng (Trưởng Văn phòng luật sư Thiên Hưng và Cộng sự) cho biết, theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh chưa được phép lưu hành hoặc mới thử nghiệm, chưa được phép sản xuất, nhập khẩu có thể bị phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng. Ngoài ra, trong trường hợp gây chết người hoặc tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc cũng có thể bị xử lý hình sự với hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. (Nhân dân, trang 8)
Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế
Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế. Theo Bộ Y tế, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan phòng, chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch và lòng tin của người tiêu dùng. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chồng chéo.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng như: thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị; các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như: trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm kịp thời...
Ngày 20/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 47.200 ca nhiễm mới, gồm tám ca nhập cảnh và 47.192 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.224 ca so với ngày 19/2) tại 63 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Tĩnh (1.294 ca), Bắc Giang (458 ca), Phú Thọ (414 ca). Đáng chú ý, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 18 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, trong ngày có 13.414 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận 78 ca tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong bảy ngày qua là 37.670 ca/ngày; trung bình số tử vong ghi nhận trong bảy ngày qua là 79 ca/ngày.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, trong ngày 20/2, thành phố ghi nhận 5.102 ca mắc Covid-19 tại 471 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến hết ngày 19/2, toàn thành phố có 181.222 F0 đang điều trị, trong đó có 175.210 ca đang theo dõi tại nhà; hơn 1.200 ca điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận, huyện. Như vậy, số ca Covid-19 nhẹ, không triệu chứng ở Hà Nội chiếm 97,3% tổng số ca đang điều trị, theo dõi. Số bệnh nhân mắc Covid-19 còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và tại các bệnh viện của Thủ đô (gồm tầng hai và ba). Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đã được tiêm mũi nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 đạt gần 67%, thành phố phấn đấu đến hết quý I/2022 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc-xin nhắc lại. (Nhân dân, trang 5)
Yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường biện pháp chống rét cho người bệnh
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 736/SYT-NVY gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập về công tác phòng, chống rét đậm, rét hại cho người bệnh.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục trang bị điều kiện phòng, chống rét. Nơi chờ khám, buồng khám, buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện phòng, chống rét, giữ ấm cho người bệnh… Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe mùa lạnh.
Sở Y tế cũng yêu cầu từng đơn vị bảo đảm cơ số thuốc điều trị, cơ số thuốc cấp cứu, sẵn sàng đội cấp cứu cơ động hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra; đồng thời tăng cường kiểm soát với người mắc các bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp..., nhất là với người già và trẻ nhỏ. (Hà Nội mới, trang 1)
Chăm sóc sức khỏe khi trẻ đi học trở lại
Sau một thời gian đến trường học trực tiếp, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 trên địa bàn cả nước gia tăng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thực tế, khi nhịp sống đang dần trở lại bình thường, trẻ có thể nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác, như lây nhiễm từ bố mẹ, từ người thân trong gia đình… Do đó, thay vì tâm lý hoang mang, không muốn con đến trường, cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con những kỹ năng cần thiết để phòng, chống dịch.
Lây nhiễm trong trường học không phải là yếu tố duy nhất
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ, trong đó có 4,8% trẻ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ 0-2 tuổi. Đặc biệt, số lượng trẻ mắc Covid-19 đang gia tăng trong thời gian gần đây. Trước thực tế đó, nhiều phụ huynh từ chỗ mong cho con được đến trường đã có tâm lý lo âu, muốn con được quay lại học trực tuyến.
Chia sẻ về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lây nhiễm Covid-19 trong trường học không phải là yếu tố, nguy cơ duy nhất, cao nhất đối với trẻ. Bởi, hiện phụ huynh đã đi làm, nhịp sống đang dần trở lại bình thường, nên trẻ có thể nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác nhau, có thể lây nhiễm từ bố mẹ, người thân trong gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh cần cân đối rủi ro giữa việc mắc Covid-19 và không cho trẻ tới trường.
“Thời gian qua, trẻ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy khi không được tới trường, như: Trầm cảm, nghiện game, gia tăng các bệnh không lây nhiễm… Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam đã cao. Những đối tượng nguy cơ cao như: Người già, người mắc bệnh nền đã được bao phủ mũi 3. Chính vì vậy, so sánh cho thấy, có nhiều yếu tố rủi ro hơn, nếu cứ tiếp tục giữ trẻ ở nhà, bao bọc mãi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu phân tích.
Còn bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, thời điểm sau Tết, vào những giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Do vậy, với thời tiết như hiện nay, ngoài Covid-19, trẻ vẫn có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp khác. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.
Cần chăm sóc trẻ đúng cách
Để tăng cường sức đề kháng và các biện pháp phòng bệnh khi trẻ đến trường, theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên và đeo khẩu trang trên đường đi học, trong lớp, vào giờ ra chơi... Bên cạnh đó, trẻ cần phải được tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế, được bổ sung dinh dưỡng đúng cách, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao, tránh thừa cân, béo phì và kiểm soát tốt các bệnh mãn tính.
So với người lớn, trẻ mắc Covid-19 nhẹ hơn, nhưng vẫn không nên chủ quan. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; bệnh hô hấp mãn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; ung thư, bệnh huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh chăm sóc các con, tùy theo từng nhóm tuổi mà có các biện pháp phù hợp. Có nhiều phụ huynh lo lắng quá, khi thấy con mới có biểu hiện ho, sốt đã vội vàng đưa đi khám ở nhiều nơi. Đây là việc làm không cần thiết. Khi con mắc Covid-19 cần báo với y tế cơ sở gần nhất để được theo dõi và quản lý; đồng thời, bảo đảm cách ly với mọi người, tránh lây lan dịch. Khi trẻ có dấu hiệu nặng, như: Mệt lả, thở nhanh, sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt mới phải cho con đi khám.
Bác sĩ Đào Trường Giang, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) lưu ý, nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhịp thở bình thường, không có biểu hiện của thiếu ô xy, đo SpO2 >= 96%, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường và không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh, thì có thể chăm sóc tại nhà. Các bậc phụ huynh không nên tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt vi rút... cho trẻ. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và không chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Cần nhớ rằng, có rất nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Quan trọng nhất là chăm sóc và theo dõi, phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5)
Cùng chủ đề Tiền phong, trang 14: “TPHCM bảo vệ an toàn trường học”
Nỗ lực chặn dịch tăng nhanh: Hà Nội tập trung chữa F0 nặng
Hà Nội đã sẵn sàng cho các tình huống lên tới 500 ca nhiễm COVID-19 nặng một ngày. Ngoài ra, xem xét cách đánh giá dịch dựa trên số ca chuyển nặng, tử vong…
Liên tục 3 ngày qua, số ca F0 ở Hà Nội liên tục tăng cao, ngày 19/2 ghi nhận xấp xỉ 5.000 ca.
Theo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, những ngày qua, số ca F0 nặng nhập viện tăng nhanh, đa số là người cao tuổi, có bệnh lý nền, chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều. Để đáp ứng số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện, bệnh viện đã chuẩn bị 500 giường, chia thành nhiều đơn vị và triển khai hệ thống điều hòa không khí riêng cho từng phòng bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Để đảm bảo điều trị bệnh nhân F0 triệu chứng nặng, Sở Y tế Hà Nội đã điều chỉnh lại phân tầng tiếp nhận bệnh nhân theo triệu chứng, phù hợp với bối cảnh số ca nhiễm tăng cao. Riêng các bệnh viện thuộc tầng hai, ba (mức độ bệnh nhân nặng trung bình đến nguy kịch) chuẩn bị số giường điều trị tích cực.
Thành phố yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tập trung đảm bảo giường thuộc tầng 2, tầng 3; chuẩn bị sẵn sàng tình huống 100-500 ca nặng một ngày. Sở Y tế bảo đảm cung cấp túi thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là F0 tại nhà để hạn chế chuyển tầng điều trị. Tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng 100.000 ca nhiễm/ngày đã ban hành trước đó…
Tập trung điều trị bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện tỉ lệ ca bệnh có dấu hiệu nặng của Hà Nội chỉ 5%. Hà Nội cũng nằm ngoài danh sách 10 địa phương có số ca nặng cao nhất dù liên tục dẫn đầu về số mắc mới. Ngoài ra, gần 100% dân số đã được tiêm hai mũi vắc xin.
Theo bà Hà, ưu tiên trọng tâm của thành phố hiện nay là bảo vệ người nguy cơ cao mắc COVID-19, rà soát người nguy cơ cao chưa tiêm vắc xin nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Bà nói: “Giai đoạn này nên thay đổi cách đánh giá dịch, dựa trên số ca chuyển nặng, tử vong… chứ không cần thiết công bố số ca nhiễm vì hiện số ca mắc trong cộng đồng cao”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, cùng với việc mở cửa trường học, các hoạt động du lịch…, việc số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng vọt đã được dự báo. “Khi mở cửa chúng ta chấp nhận số mắc tăng cao nhưng phải kiểm soát, phải dự báo được. Trường hợp nào cần thiết phải nhập viện điều trị, giảm nguy cơ tử vong”, ông Phu nói.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện khẩn số 1 về việc tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương sau khi đã nới lỏng các hoạt động kinh tế, tôn giáo... tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo. (Tiền phong, trang 14)
Giá thuốc Molnupiravir: Sẽ chỉ dưới 300.000 đ/hộp
Ngày 20/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ họp với 3 doanh nghiệp trong nước sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị COVID-19 về quá trình cung ứng, sử dụng, chất lượng và giá cả.
Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, về nguyên tắc, 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir được cấp phép khẩn cấp để điều trị miễn phí cho người dân. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến, ngoài phần điều trị miễn phí ở cơ sở, có thể cho bán tại các cơ sở đăng kí, kinh doanh về thuốc. Việc này nhằm để người dân khi là F0 có thể chủ động mua về điều trị tại nhà, theo đơn của bác sĩ kê. Về công suất sản xuất của các đơn vị vừa được cấp phép sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, các chuyên gia cho biết còn liên quan tới nguồn nguyên liệu, nhu cầu thị trường... Tuy nhiên, 1 trong 3 nhà sản xuất từ cuối tháng 12/2021 đã tiếp nhận 1 tấn nguyên liệu để điều chế 4,75 triệu viên thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir. Tuần tới, các công ty sẽ kê khai về cơ cấu giá thành, cách tính giá tới Cục Quản lí dược. Đây là khâu quan trọng để thuốc có thể được tham gia đấu thầu vào cơ sở y tế. Theo nhiều nguồn tin từ công ty sản xuất thuốc, dự kiến giá bán khoảng dưới 300.000 đồng/hộp, thậm chí có thể thấp hơn nếu sản xuất với số lượng lớn.
Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, 3 loại thuốc sản xuất trong nước (có thành phần hoạt chất Molnupiravir) được chỉ định điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Liều dùng khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.
Trong phụ lục đi cùng quyết định cấp phép của Cục Quản lí Dược nêu rõ: “Nên uống Molnupiravir sớm nhất có thể sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng”. Nếu quên một liều trong vòng 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc, bệnh nhân nên uống ngay khi có thể và tiếp tục uống theo chế độ liều thông thường. Nếu quá 10 giờ, bệnh nhân không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên. Không được sử dụng Molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp; không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm; không sử dụng để điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do COVID-19 do chưa ghi nhận lợi ích của Molnupiravir khi khởi đầu sử dụng ở đối tượng này. Các bệnh nhân đã được sử dụng Molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị.
Những tác dụng phụ
Trước đó các thành viên Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng kí lưu hành thuốc (Bộ Y tế đã thống nhất về cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc. Cụ thể, Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng. Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Ngoài ra, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kì phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời. (Tiền phong, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Sắp có phương án cung ứng thuốc Molnupiravir chữa Covid-19”
Lễ cưới đặc biệt của 20 cặp đôi nhân viên y tế
Yêu nhau tha thiết và đã ấn định ngày tổ chức hôn lễ nhưng dịch COVID-19 bùng phát, những cặp uyên ương là các y bác sĩ công tác tại Bệnh viện Quân y 175 đã gác lại hạnh phúc riêng tư của mình, xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Khi dịch tạm lắng, hạnh phúc của họ trở nên thăng hoa, viên mãn hơn trong lễ cưới tập thể được bệnh viện tổ chức.
Tối 20/2, tại Bệnh viện Quân Y 175 TPHCM diễn ra lễ cưới tập thể cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện. Đại úy Lê Quang Vinh, khoa nội Tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 175, tay trong tay cùng thiếu úy - điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Thoa, đội điều trị 486, phòng Hậu cần vùng 4 Hải quân hạnh phúc đến trào dâng nước mắt bước lên bục cử hành hôn lễ.
Sau 3 năm quen biết rồi yêu thương, anh Vinh và chị Thoa đã ấn định ngày cưới vào 16/10/2021 nhưng hạnh phúc của họ đã phải tạm hoãn vì dịch COVID-19 bùng phát. Cả hai vợ chồng động viên nhau vững niềm tin, xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Chồng phục vụ tại bệnh viện điều trị COVID-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175, còn vợ tăng cường cho Bệnh viện Dã chiến số 4, thuộc Tổng cục Hậu cần tại Khánh Hoà. Sự gian khó và khốc liệt của đại dịch càng khiến tình yêu của họ thêm nồng cháy. Sau hơn nửa năm gặp lại, những nụ hôn ngọt ngào trao nhau đã khẳng định chiến thắng của tình yêu trước đại dịch.
Một cặp đôi khác từng lỡ hẹn cưới đến 3 lần là BS Đoàn Kim Hướng và vợ là điều dưỡng Dương Thị Thuý Vy. Hơn 4 năm trước, họ làm chung tại Bệnh viện Ung Bướu, sau đó, chị Vy về công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Nhiều năm gắn bó yêu thương, họ đã 3 lần ấn định ngày cưới nhưng cả 3 lần đều lỡ hẹn vì mỗi lần chuẩn bị cưới, dịch COVID-19 lại bùng lên.
“Mỗi lần như thế, chúng tôi đều động viên nhau một câu “sau dịch mình cưới”. Và hôm nay, hạnh phúc của chúng tôi càng thắm nồng hơn khi được tổ chức cùng rất nhiều cặp đôi khác trong lễ cưới tập thể. Đây là kỷ niệm đẹp của tình yêu và món quà đặc biệt bệnh viện dành cho vợ chồng tôi và các đôi uyên ương khác khiến chúng tôi rất xúc động”, chị Thúy Vy tâm sự.
Trong ngày vui của lễ cưới tập thể, Đại tá Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ: “Suốt 2 năm qua, cùng với các lực lượng tuyến đầu trên cả nước, các y bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 đã dành tất cả sức lực và tâm trí của mình để chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19. Họ đã thầm lặng cống hiến, tạm gác lại mọi công việc riêng tư, quên đi hạnh phúc của riêng mình, kể cả việc tổ chức hôn lễ để dấn thân vào trận chiến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”.
Sự dấn thân của họ đã làm lay động hàng triệu con tim và hôm nay họ đã cùng nhau bước vào một cuộc sống mới, đúng nghĩa của một cuộc sống bình thường mới. Họ thật sự xứng đáng để nhận được hạnh phúc và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và toàn xã hội. Để tri ân và ghi nhận những cống hiến của những y bác sĩ, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức lễ cưới cho 20 cặp đôi là cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Ðại tá Trần Quốc Việt chia sẻ: “Các lãnh đạo bệnh viện của chúng tôi đều nghĩ rằng, suốt 2 năm qua y bác sĩ trẻ đã dấn thân vào cuộc chiến chống đại dịch, chấp nhận mọi hiểm nguy, gian khó. Các em thiệt thòi thì mình có trách nhiệm làm gì đó bù đắp lại vì các em thật sự xứng đáng được nhận hạnh phúc. Qua lễ cưới đặc biệt này, chúng tôi muốn hân hoan đón nhận cuộc sống bình thường mới”. Bệnh viện muốn tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch - những chiến sĩ thầm lặng đã đẩy lùi dịch bệnh mang đến bình an cho cộng đồng, đến nay mới có cơ hội để chính thức xây dựng hạnh phúc riêng tư của mình. (Tiền phong, trang 15)
Cùng chủ đề Báo Phụ nữ Việt Nam, trang 1: ““Thắp lửa” hạnh phúc trong cuộc sống “bình thường mới””; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Đám cưới đặc biệt của 20 cặp đôi y bác sĩ tuyến đầu phòng dịch COVID-19”
Ma trận kit test, thuốc điều trị Covid-19
Bộ Y tế đã khuyến khích người dân chủ động sử dụng test nhanh để phát hiện Covid-19 và kết quả này được công nhận. Tuy nhiên, với việc trên thị trường hiện có nhiều loại kit test nhanh không có nguồn gốc, xuất xứ đang gây hoang mang cho người sử dụng, đặc biệt có nguy cơ dẫn đến sai lệch trong kết quả xét nghiệm.
Loạn giá
Kit test nhanh Covid-19 là mặt hàng sinh phẩm y tế kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế cấp phép, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, việc kinh doanh mặt hàng này rất hỗn loạn. Tại khu vực kinh doanh thiết bị y tế tại phố Phương Mai, Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều lời mời chào mua các loại kit test của Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ và Việt Nam sản xuất với nhiều mức giá.
Tại một cửa hàng đối diện với Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chủ hàng giới thiệu bộ kit test Biocredit của Hàn Quốc có giá từ 80.000-85.000 đồng/bộ tùy theo số lượng mua, tăng 20% so với giá bán vào thời điểm cuối năm 2021.
Theo chủ hàng, sở dĩ loại kit test này tăng giá do khan hàng, hơn nữa đây là loại được Bộ Y tế cấp phép và các cơ sở y tế dùng rất nhiều. Trong khi đó, tại khu vực chợ thuốc Hapulico, cũng loại kit test Biocredit, nhiều hàng chỉ chào bán với giá chưa tới 70.000/bộ, mua thoải mái số lượng. Tại khu vực phố dược phẩm Ngọc Khánh, chúng tôi được giới thiệu một số loại kit test nhập khẩu có giá bán từ 65.000-100.000 đồng/cái tùy vào nguồn gốc xuất xứ và độ nhạy của sản phẩm. Một số cửa hàng cho biết, nếu muốn giá mềm hơn nữa có thể mua hàng “xách tay” nước ngoài, bán theo hộp từ 50-100 kit giá khoảng 1,2-3 triệu đồng tùy loại.
Không chỉ có các loại test nhanh bằng cách lấy dịch mũi, dịch tỵ hầu mà gần đây, những loại test nhanh bằng nước bọt cũng đang được nhiều nơi chào bán, nhất là trong các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook.
Theo quảng cáo, loại test bằng nước bọt này chủ yếu là hàng Trung Quốc và Đức có độ chính xác tới 98%, dễ sử dụng, không gây khó chịu như test ngoáy mũi thông thường nên giá bán cũng đắt hơn so với các loại kit phải ngoáy mũi. Tuy nhiên, hầu hết loại kit test bằng nước bọt đều chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành nên khó bảo đảm về chất lượng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Thúy (ở Nhân Chính, Hà Nội) cho biết, do công việc thường xuyên phải đi lại giao dịch nhiều nơi, tiếp xúc đông người nên tuần nào chị cũng mua kit về để test cho bản thân và mọi người trong nhà. Nhưng điều băn khoăn nhất là giá kit test thay đổi hàng ngày, thậm chí cùng một loại, mức giá chênh nhau hàng chục ngàn đồng.
Cẩn trọng thuốc trôi nổi
Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng rất cao gần đây khiến nhiều người lo lắng, đổ xô đi mua tích trữ các loại thuốc hạ sốt, kháng sinh, vitamin, nước súc họng, thuốc xịt mũi, viên xông họng… khiến các mặt hàng tăng giá. Đặc biệt, một số người không tiếc tiền tìm mua số loại thuốc ngoại được rao bán trên mạng với quảng cáo là hàng xách tay từ Nga và Trung Quốc về có tác dụng phòng ngừa và điều trị Covid-19 như thuốc Arbidol có thành phần Umifenovir và thuốc Areplivir có hoạt chất Favipiravir.
Trước hiện tượng trên, dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo, Arbidol là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Còn thuốc Umifenovir được Trung Quốc thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, nhưng hiệu quả của Umifenovir đối với Covid-19 là không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu hiện cũng tạm dừng sử dụng Umifenovir do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả.
“Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra”, dược sĩ Hà Quang Tuyến khuyến cáo và khẳng định thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm, các diễn đàn rao bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.
Từ hôm nay 21-2, theo Thông tư số 02/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, giá test nhanh Covid-19 chỉ từ 78.000 đồng, áp dụng thống nhất tại các cơ sở y tế nhà nước trên toàn quốc.
Theo ghi nhận của PV trước khi mức giá mới được áp dụng, tại nhiều cơ sở y tế, nhất là cơ sở tư nhân, vẫn loạn giá. Tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) đang sử dụng 2 loại kit test nhanh Covid-19 do Việt Nam và Mỹ sản xuất có giá là 200.000 đồng/mẫu cho kit test của Việt Nam, còn của Mỹ là 300.000 đồng. Nếu thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 790.000 đồng/mẫu; trường hợp xét nghiệm cho người có nhu cầu xuất cảnh giá lên tới 1.290.000 đồng/mẫu.
Trái ngược với mức giá cao ngất ngưởng trên, tại một số bệnh viện công như: Đức Giang, Việt Đức, Hà Đông… giá xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế vào khoảng 100.000 đồng/mẫu đối với test nhanh và 518.400 đồng/mẫu đối với RT-PCR. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 3: “Chấn trỉnh tình trạng “loạn giá” và chất lượng kit xét nghiệm COVID-19”; Nông thôn ngày nay, trang 5: ““Mê trận” xét nghiệm COVID-19”
Chặn dịch tại các điểm 'nóng'
Số mắc mới COVID-19 của cả nước đã tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán, nhất là ở một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ...
Số ca mắc mới liên tiếp lập "đỉnh"
Trong những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn biến nóng, ngày 20-2 đã vượt mốc 5.000 ca F0 ghi nhận trong vòng 24 giờ, trong khi những tuần trước dù số mắc cao nhưng chỉ dưới 3.000 ca/ngày.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 18-2, toàn TP có 167.194 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 161.000 F0 điều trị tại nhà (tăng hơn 23.000 ca so với ngày 17-2) và 1.165 ca điều trị tại cơ sở thu dung của TP và các quận, huyện.
Hiện hơn 96% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Khoảng 4% còn lại (hơn 4.500 ca) phải nhập viện điều trị, trong đó có hơn 4.200 ca điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 351 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Tại Hải Phòng, trong ngày 19-2 ghi nhận 1.555 ca nhiễm COVID-19 mới. Theo Sở Y tế TP, số ca bệnh nặng, nguy kịch là 148 ca (trong đó có 7 ca nguy kịch phải thở máy xâm lấn). Tính từ đầu dịch đến 19-2 Hải Phòng ghi nhận 121 ca tử vong (trong ngày 19-2 có 3 ca tử vong).
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20-2, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch TP kiêm giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho biết hiện mỗi ngày TP ghi nhận trên 1.000 ca COVID-19, nằm ở mức "trung bình" so với số ca nhiễm các tỉnh thành lân cận.
Trong khi đó, tỉnh Bắc Ninh, 1 trong 2 tỉnh dịch rất nóng hồi tháng 5 và tháng 6-2021, hiện đang nóng trở lại. Ngày 19-2 Bắc Ninh ghi nhận 2.022 ca mắc, đứng thứ 2 cả nước và là mức cao nhất từ sau Tết, trong khi những ngày trước đó cũng từ 1.000 - 1.500 ca. Hiện Bắc Ninh đang có 16.900 F0 đang được điều trị, quản lý, trong đó có 57 ca nặng.
Chống dịch như thế nào?
Từ 3 ngày gần đây, Quảng Ninh đang tập trung tăng cường giám sát người ra vào các khu công nghiệp, đồng thời có biện pháp chuyển đổi với các lớp học có nhiều F0, nhờ đó số mắc mới đang theo chiều hướng giảm dần.
Ông Ninh Văn Chủ - giám đốc CDC Quảng Ninh - cho biết do tỉ lệ tiêm vắc xin của Quảng Ninh đạt vào nhóm hàng đầu của cả nước, đến nay tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 3 mũi vắc xin lên đến 93%, vì thế dù số mắc mới cao nhưng cả tỉnh chỉ có hơn 1.000 F0 đang điều trị tại bệnh viện, còn lại tình trạng rất nhẹ, chỉ cần theo dõi tại nhà. Số ca nặng, nguy kịch dưới 1%.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã có công điện tăng cường các biện pháp thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Theo đó TP yêu cầu tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, đẩy mạnh tiến độ tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý 1-2022.
Hà Nội cũng rà soát, bổ sung giường điều trị COVID-19 tại các bệnh viện của TP, đảm bảo giường điều trị tại tầng 2 và tầng 3, giảm tỉ lệ chuyển nặng và tử vong bằng cách tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến, tăng cường cung cấp gói thuốc C (thuốc kháng virus) cho bệnh nhân tại các tầng điều trị.
Hà Nội cũng có lợi thế là có nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn và các bệnh viện này hiện cũng đang điều trị bệnh nhân COVID-19 cho Hà Nội.
Ông Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết hiện tại bệnh viện đang tích cực tập trung điều trị những ca COVID-19 nặng, phần lớn trong số này là bệnh nhân của Hà Nội.
Tại Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch TP kiêm giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - cho rằng: "Trong bối cảnh mở cửa thì các ca dương tính chúng tôi cũng xác định như một loại cúm mùa, chủ yếu bây giờ nhìn vào chỉ số tử vong và chuyển nặng, hiện chỉ số này tại Hải Phòng đang ở mức rất thấp".
Lo ngại tâm lý chủ quan
Do số mắc mới tăng cao, nhiều người dân Hà Nội chia sẻ ngày nào cũng có người quen, bạn bè, người thân thông báo là F0 nên họ chủ quan, cho rằng "đằng nào cũng đến lượt", "ai rồi cũng mắc". TS Lã Thị Lan - phó giám đốc CDC Hà Nội - lo ngại tình trạng chủ quan, suy nghĩ "trước sau gì cũng F0" này dẫn đến việc lơ là, không có ý thức phòng dịch, dẫn tới số ca nhiễm tăng lên.
"Mặc dù đa số F0 sẽ khỏi, triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có những người có bệnh nền, người già... thì nguy cơ trở nặng lớn. Nếu số lượng ít thì hệ thống điều trị vẫn có thể đáp ứng được, nhưng người trở nặng nhiều trên số tuyệt đối sẽ gây quá tải y tế", vị lãnh đạo CDC Hà Nội nói.
Bà Lan mong muốn người dân tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc 5K, nâng cao ý thức phòng dịch, đặc biệt trong bối cảnh mưa lạnh, độ ẩm cao, thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. (Tuổi trẻ, trang 1)
Hà Nội lần đầu vượt mốc 5.100 ca Covid-19 trong ngày, tốc độ tăng rất nhanh
Hôm nay, 20-2, số ca Covid-19 mới được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội đã lần đầu tiên vượt lên trên mốc 5.100 ca mắc, tăng gần gấp đôi so với ngày có số mắc cao nhất ở tuần trước...
Chiều tối 20-2, Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ 18h ngày 19-2 đến 18h ngày 20-2 trên địa bàn thành phố ghi nhận 5.102 ca Covid-19, gồm 1.518 ca cộng đồng; 3.584 ca đã cách ly.
So với hôm qua, số mắc hôm nay tăng 233 ca. Còn so với tuần trước, số mắc vào hôm nay đã tăng cao gần gấp đôi ngày có số mắc cao nhất vào cuối tuần vừa qua.
Các bệnh nhân phát hiện mới phân bố tại 471 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (330), Nam Từ Liêm (315), Sóc Sơn (306), Bắc Từ Liêm (292), Long Biên (221), Chương Mỹ (217), Hai Bà Trưng (190), Thạch Thất (188), Hà Đông (175), Thanh Trì (174), Đống Đa (174)...
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 201.518 ca. Hầu hết bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà. (An ninh Thủ đô, trang 2).