Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Trường hợp đầu tiên được phẫu thuật bằng Robot điều trị ung thư dạ dày; Chấn chỉnh hoạt động hành nghề tư nhân: Cần "thuốc đặc trị"; Kết luận bước đầu vụ bé 4 tuổi tử vong; Cấp cứu kịp thời người bệnh Singapore bị ngưng tim; ...

 

Trường hợp đầu tiên được phẫu thuật bằng Robot điều trị ung thư dạ dày

Bệnh nhân (BN) may mắn trên là anh Nguyễn Hoàng V. Nam (54 tuổi, ngụ tại xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp), và được coi là một trong những ca người lớn đầu tiên trên cả nước được ứng dụng phẫu thuật Robot điều trị ung thư dạ dày, thực hiện tại BV Bình Dân vào sáng 20-3. 

Trước đó, BN này tới khám với một triệu chứng khá mơ hồ, chỉ là ăn không ngon miệng, khó tiêu, và tự kiểm tra thấy bị sụt 2kg/tháng. Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, BN được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư hang vị (là ung thư phổ biến nhất trong các loại ung thư dạ dày). BN đã quyết định lựa chọn phẫu thuật Robot với các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa, BV Bình Dân.

BS CKII Hoàng Vĩnh Chúc, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, BV Bình Dân, trưởng kíp phẫu thuật cho biết: Ung thu dạ dày là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư ở đường tiêu hóa. BN này được xác định mắc ung thư hang vị dạ dày giai đoạn 3. Theo đó, căn bệnh khiến dạ dày thường có nhiều hạch chi chít mà nguyên tắc phẫu thuật điều trị bắt buộc phải lấy hết các hạch này để đảm bảo tính điều trị triệt căn cũng như giảm khả năng tái phát bệnh về sau. 

Phẫu thuật robot sẽ cho phép bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch ung thư triệt để, hạn chế mất máu, tổn thương các cơ lành, hạn chế tối đa nguy cơ di căn, tái phát ung thư. BN sẽ hồi phục sau mổ nhanh hơn, sớm xuất viện và nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.

Được biết, ca phẫu thuật thuật trên đã kết thúc lúc 12h30 trưa. Khoảng 15h cùng ngày, BN đã hồi tỉnh tại phòng chăm sóc đặc biệt. Ê kíp các bác sĩ đánh giá ca phẫu thuật đã được thực hiện rất tốt, BN đã được thực hiện cắt 2/3 dạ dày, lấy được đầy đủ khối u và các hạch bạch huyết di căn, vết mổ nhỏ, BN không bị mất máu nhiều nên tiên lượng hồi phục nhanh.

Để phòng tránh bệnh, theo BS Chúc, trong thực đơn ăn uống hàng ngày nên hạn chế ăn các thực phẩm chế biến bằng cách hun khói, các thực phẩm ướp nhiều muối như thực phẩm chế biến, các loại dưa, mắm... Nên ăn nhiều rau, trái cây, ngừng hút thuốc lá. Ngoài ra, theo BS Chúc, nên kiểm tra dạ dày qua nội soi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ ở những người có yếu tố nguy cơ cao như tiền căn gia đình có người ung thư dạ dày, tiền căn nhiễm helicopacter pylori. (Công an nhân dân, trang 2, An ninh thủ đô, trang 2)

 

Chấn chỉnh hoạt động hành nghề tư nhân: Cần "thuốc đặc trị"

Hàng loạt sai phạm trong hành nghề y tế tư nhân xảy ra thời gian qua, nhất là mới đây một thai phụ bị chết não rồi tử vong sau khi khám phụ khoa tại Phòng khám (PK) đa khoa 168 Hà Nội, khiến dư luận thêm bức xúc, hoài nghi về trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý. Đáng nói là có những cơ sở vi phạm, rồi tái phạm mà cơ quan quản lý không có biện pháp xử lý triệt để. Đã đến lúc cần có "thuốc đặc trị" để xử lý hiệu quả những "ung nhọt" trong hệ thống cơ sở y tế tư nhân để người dân không "tiền mất, tật mang".

Bài 1: “Vẽ bệnh” tại phòng khám

Những sai phạm liên quan đến khám, chữa bệnh tại các PK tư nhân đã tốn quá nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông. Song, bất chấp dư luận, các chiêu trò dụ dỗ, hù dọa, “vẽ bệnh”, thực hiện nhiều kỹ thuật ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép, vẫn diễn ra trắng trợn, "móc túi" người bệnh...

“Nhầm hơn sót”...

Trong vai người bệnh có triệu chứng bị đau dạ dày, sáng 16-3, phóng viên Báo Hànộimới đến PK đa khoa Á Châu (987 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai). Sau khi nộp tiền, nhận sổ khám bệnh, một nhân viên PK Á Châu bảo chúng tôi ngồi chờ vì một nam bác sĩ đảm trách khám hiện đi vắng. Khoảng 10 phút sau, nhân viên PK đưa tôi lên tầng 3, chỉ dẫn vào căn phòng có treo biển “khám nội” và giải thích: "Nam bác sĩ kia bận nên bác sĩ Mai Anh khám thay".

Bên trong, chỉ có một chiếc giường và một bàn làm việc, không có bất kỳ trang thiết bị y tế nào. Sau khi thăm hỏi các triệu chứng, vị bác sĩ chỉ dùng duy nhất chiếc ống nghe y tế để kiểm tra và chưa đầy 2 phút đã đưa ra kết luận "Bị đau dạ dày, phải điều trị ngay". Sau khi nghe kể thêm triệu chứng, bác sĩ Mai Anh chỉ định tôi phải đi khám phụ khoa, đồng thời kê đơn thuốc Nexium (28 viên) điều trị đau dạ dày. Trước khi tôi ra về, vị bác sĩ không quên dặn: "Uống thuốc trong 1 tháng, nếu không đỡ phải đến đây nội soi dạ dày"... Vậy là, từ một người sức khỏe hoàn toàn bình thường, phóng viên đã bị... hai loại bệnh!

Trao đổi về đơn thuốc trên, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, thuốc Nexium dùng để điều trị loét dạ dày và trào ngược dạ dày, giảm đau rất tốt. Thế nhưng, để kê được thuốc này phải tiến hành nội soi dạ dày, có bằng chứng cụ thể về cận lâm sàng. Trường hợp bị viêm dạ dày dùng thuốc đơn giản, rẻ tiền hơn; còn loét dạ dày, bác sĩ phải kiểm tra xem có mấy ổ loét, xác định vị trí vết loét và mức độ tổn thương rồi mới kê thuốc. “Ở những PK không đủ điều kiện kiểm tra hết các tổn thương dạ dày, nên họ thường điều trị theo kiểu “nhầm hơn sót” - bác sĩ này cho biết thêm.

Theo phản ánh của không ít bệnh nhân, quy trình điều trị của PK thường không rõ ràng, lừa dối bệnh nhân bằng thủ đoạn hù dọa, “vẽ” thêm bệnh để "moi" tiền. Mới đây, gia đình em Lê Tr. N. (sinh năm 1998, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Theo nội dung trong đơn, ngày 5-11-2016, N. đến PK đa khoa 168 Hà Nội khám bệnh và được một nam bác sĩ người Trung Quốc kết luận bị viêm loét bao quy đầu và chỉ định phẫu thuật.

Ngoài số tiền hơn 1 triệu đồng khám ban đầu, N. còn bị PK “móc túi” 15 triệu đồng cho quá trình phẫu thuật trong khoảng 5 phút. Bác sĩ của PK cũng hẹn N. phải điều trị trong 7 ngày. Ngay ngày hôm sau, N. quay lại thay băng, tiêm thuốc, PK lại đưa hóa đơn yêu cầu thanh toán thêm 8 triệu đồng. Nghi ngờ PK làm việc khuất tất, N. đã đến BV Bạch Mai và được 1 bác sĩ tên Hân khám, kết luận chỉ bị viêm bao quy đầu bình thường. Bác sĩ kê đơn thuốc chưa đến 1 triệu đồng và chỉ sau 3 ngày điều trị, N. đã khỏi bệnh.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiếp nhận đơn của chị Đ.T.H. (34 tuổi, ở Lào Cai) khiếu nại về một PK trên phố Thái Hà. Theo đó, vào tháng 12-2016, chị H. đã đến PK này điều trị phụ khoa. Theo chị H., PK đã tiêm thuốc ngủ, làm chị ngủ từ 10h sáng đến 15h chiều, không biết có làm thủ thuật gì hay không, sau đó thu 16 triệu đồng. Nghi ngờ, chị H. đã đến BV Đại học Y Hà Nội khám lại. Kết quả, chị không hề bị viêm nhiễm nặng cần điều trị với giá “cắt cổ” như PK đưa ra.

“Móc túi” người bệnh

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, qua kiểm tra PK tư nhân thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện các vi phạm thường gặp là quảng cáo quá nội dung hành nghề cho phép, hành nghề quá phạm vi chuyên môn, vi phạm quy chế chuyên môn. Đơn cử như việc sử dụng thuốc ngủ được chỉ định trong một số trường hợp khi cần an thần, chống co giật. Thế nhưng, có PK dùng thuốc ngủ ngay cả trong tình huống thông thường, không có chỉ định.

Thực tế, có những trường hợp chỉ cần sử dụng thuốc và thủ thuật thông thường, nhưng PK lại “vẽ” ra các dịch vụ đắt tiền, hiện đại để thu tiền, thậm chí đưa ra liệu trình điều trị dài ngày, chi phí bất hợp lý, “móc túi” người bệnh. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện các vi phạm tại một số PK có thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng. “Với trường hợp của thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi ở Quảng Ninh), khi khám và điều trị phụ khoa chỉ cần kê đơn về tự đặt thuốc là khỏi, song để thu tiền của bệnh nhân, PK 168 Hà Nội đã “vẽ” ra dịch vụ khí dung. Rồi, thủ thuật đơn giản là rạch bao quy đầu cũng bị không ít PK “vẽ” ra để thu tiền…” - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Hiện Sở Y tế Hà Nội đã bắt đầu đợt tổng kiểm tra các PK, trong đó chú trọng việc tuân thủ các quy định về chuyên môn, phạm vi hành nghề. Tuy nhiên, dù có phát hiện hàng loạt sai phạm, thậm chí sai phạm tái diễn nhiều lần tại một PK, song do vướng quy định, nên cơ quan chức năng khó có thể ra quyết định đóng cửa hoạt động vĩnh viễn. Và vòng luẩn quẩn cứ kiểm tra, cứ sai, cứ phạt và cho tồn tại vẫn tiếp diễn... (Hà Nội mới, trang 1)

 

Kết luận bước đầu vụ bé 4 tuổi tử vong

Ngày 19-3, BV Đa khoa tỉnh Bình Dương đã có kết quả báo cáo về vụ việc bé trai bốn tuổi tử vong tại khoa nhi khiến người nhà bức xúc vây kín bệnh viện lên Thanh tra và Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế.

Theo báo cáo của BV Đa khoa tỉnh Bình Dương, ngày 11-3, bệnh nhi Hoàng Thanh Lộc (quê Nghệ An) mệt, ói hai lần nên gia đình đưa đến BV Nam Tân Uyên. Tại đây bé được chẩn đoán là sốc chưa rõ nguyên nhân và được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Bình Dương lúc 13 giờ 45 phút cùng ngày. Lúc này bé nhập viện trong tình trạng mất ý thức, môi tái, mạch chậm, bụng mềm… Bệnh nhi được chẩn đoán ban đầu là sốc nghi nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Các bác sĩ đã tiến hành cho bé Lộc thở ôxy, truyền dịch, điện tim, đo huyết áp động mạnh xâm lấn… Tuy nhiên, sau 30 phút tình trạng sức khỏe của bệnh nhi không cải thiện, các bác sĩ tiếp tục làm các xét nghiệm, hội chẩn, chẩn đoán thì xác định bé bị sốc tim, viêm cơ tim cấp. Nhưng do sức khỏe dần yếu, diễn biến xấu nên bé đã tử vong vào 18 giờ cùng ngày.

"Về mặt lâm sàng, nguyên nhân tử vong của bé là sốc tim, viêm cơ tim cấp. Tuy nhiên, để có chẩn đoán nguyên nhân tử vong chính xác còn phải dựa vào kết luận cuối cùng của giải phẫu tử thi do Pháp y TP.HCM thực hiện" - BS Văn Quang Tân, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết.

Trước đó, vì quá bức xúc với cái chết của bé trai, hàng trăm người thân của bệnh nhân đã kéo đến khu vực khoa nhi của bệnh viện yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 20.3, trang 2)

 

Yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng trị làm rõ vụ sản phụ tử vong

Chiều 20-3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế Quảng Trị kiểm tra và báo cáo vụ việc sản phụ N.T.T (34 tuổi, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị, để báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 23-3.

Trước đó, ngày 16-3, sản phụ N.T.T đến sinh con tại BVĐK tỉnh  Quảng Trị và được chỉ định sinh mổ. Sau khi sinh bé gái nặng 3,8kg vào lúc 17h30 cùng ngày, hai mẹ con sản phụ T. không có dấu hiệu gì bất thường. Tuy nhiên, đến 5h30 sáng ngày 17-3 gia đình phát hiện sản phụ Ng.T.T đã tử vong.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Trị khẩn trương họp hội đồng chuyên môn cấp tỉnh đánh giá quá trình theo dõi, chăm sóc và xử trí của BVĐK tỉnh đối với trường hợp sản phụ Ng.T.T, đồng thời, yêu cầu BVĐK tỉnh Quảng Trị gặp gỡ, chia sẻ, động viên và cung cấp thông tin vụ việc tới gia đình và cơ quan chức năng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức đào tại lại Hướng dẫn quốc gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả các cơ sở có đỡ đẻ của tỉnh, đặc biệt là nội dung theo dõi và xử lý tai biến trong, ngay sau đẻ.

Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, BVĐK tỉnh  Quảng Trị đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân tử vong; đồng thời, đình chỉ kíp trực để phục vụ cho quá trình điều tra. (Công an nhân dân, trang 2; Tuổi trẻ, trang 4; Lao động, trang 3)

 

Cấp cứu kịp thời người bệnh Singapore bị ngưng tim

Chiều 20-3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị Can thiệp nội mạch của bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh B.H.B, 59 tuổi, quốc tịch Singapore được chuyển khẩn từ một bệnh viện khác về và đã cứu sống ngoạn mục.

Khai thác bệnh sử, trước nhập viện hai giờ, sau bữa ăn chiều, người bệnh lên cơn đau ngực dữ dội sau xương ức. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút thì người bệnh được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện. Người bệnh bất tỉnh kéo dài khoảng ba phút trước khi đến nơi cấp cứu ban đầu. Nhập viện trong tình trạng hôn mê, mạch và huyết áp không đo được, điện tâm đồ cho thấy người bệnh bị rung thất – gần ngưng tim.

Ngay lập tức, các y bác sĩ bệnh viện tiếp nhận ban đầu đã nhanh chóng xử trí cấp cứu người bệnh bằng sốc điện, đặt nội khí quản để thở máy, dùng các thuốc điều trị rối loạn nhịp, các thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Sau 15 phút hồi sức tích cực, tim người bệnh đập lại, huyết áp có nhưng rất thấp, đo điện tâm đồ lúc sau này thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tối cấp thành dưới. Tình trạng của người bệnh rất nguy kịch, nếu không được can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu bị tắc thì gần như khả năng tử vong là rất cao.

Sau đó, người bệnh được chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và được chuyển ngay vào Phòng DSA để được can thiệp đặt stent cấp cứu mạch vành qua da. Chỉ trong thời gian “cửa bóng” là 60 phút từ khi nhập viện đến khi tái thông lại mạch máu bị tắc, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch (Thời gian “cửa bóng” là khoảng thời gian từ lúc người bệnh đến cửa bệnh viện cho đến khi được can thiệp bằng cách nong bằng bóng).

Đây là một trong những thước đo thành công của can thiệp, vì đối với loại bệnh lý nguy hiểm này, thời gian chính là cơ tim, càng kéo dài thì cơ hội cho người bệnh càng mất dần, tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên. Nếu người bệnh đến trễ quá 12 tiếng thì cơ hội can thiệp thành công sẽ không còn nữa. Thời gian “cửa bóng” được các hiệp hội Hoa Kỳ chấp nhận là dưới 90 phút.

ThS, BS Trần Hòa, Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch nhận định, trong tình huống này, người bệnh đã rất may mắn vì đã đến sớm để được xử trí ban đầu tốt, cũng như được chuyển viện kịp thời giúp thời gian “cửa bóng” thấp nhất. Vấn đề thành công trong điều trị những bệnh này là người bệnh đến sớm, cũng như hợp tác liên bệnh viện đóng vai trò vô cùng quan trọng. (Nhân dân, trang 5; Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang