Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế: Thiếu cơ sở khẳng định chết vì ung thư do thực phẩm bẩn; Tăng cường trách nhiệm UBND các cấp trong bảo đảm an toàn thực phẩm; Điều động ông Trần Anh Tuấn về Sở Y tế TP.HCM; Điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ 1/6/2017: Tích cực tham gia bhyt để không bị nghèo hóa khi mắc bệnh

 

Bộ trưởng Y tế: Thiếu cơ sở khẳng định chết vì ung thư do thực phẩm bẩn

“Hiện nay, nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, ví dụ viêm gan B, viêm gan C gây viêm gan mạn tính, ung thư gan. Như vậy, không có căn cứ để nói số người chết vì ung thư là do thực phẩm không an toàn. Nói vậy dân lại hoang mang, ăn gì cũng sợ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Mỗi năm 70 nghìn người chết vì ung thư

Chiều 20/4, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, đoàn đã làm việc với 21 tỉnh, thành đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam với 210 cơ sở sản xuất. Đoàn cũng làm việc với ba Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương và nghe Chính phủ báo cáo. Kết quả giám sát cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Riêng bệnh ung thư, mỗi năm có khoảng 70 nghìn người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Trước thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ đã mời chuyên gia trong và ngoài nước làm việc. “Bộ Y tế đã thông báo, hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, ví dụ viêm gan B, viên gan C gây viêm gan mạn tính, ung thư gan. Như vậy là không có căn cứ để nói số người chết vì ung thư là do thực phẩm không an toàn. Nói vậy dân lại hoang mang, ăn gì cũng sợ”, bà Tiến cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hạn chế yếu kém nhất ở đây là việc xử phạt không nghiêm minh, để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất chế biến. Kèm theo đó là việc chấp hành quy định của các nhà sản xuất kinh doanh, coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Bộ trưởng Tiến cũng chỉ ra nguyên nhân do thiếu nguồn nhân lực, tài chính. Bộ trưởng Y tế đề nghị, phải hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tránh chồng chéo và nâng mức xử phạt về hình sự cao hơn.

“Chỗ này để ăn, chỗ kia để bán”

Đoàn giám sát cho biết: Kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là gần 8,5%. Trong số hơn 54.700 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra thì hơn 9 nghìn vụ vi phạm. Ở một số địa phương, đoàn đến giám sát, các tiểu thương không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép sử dụng, thuốc không rõ nguồn gốc.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, cái khó trong xử lý hình sự các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm là hành vi vi phạm gây hậu quả, nhưng đồng thời phải liên quan đến giám định chất đó thế nào. Nếu hậu quả dẫn đến chết người thì việc xác định nguyên nhân có phải do thức ăn, đồ uống hay không là khó khăn. “Bình thường xác định hóa chất độc tố có khi hậu quả không xảy ra ngay, uống rượu vài ngày mới gây phản ứng, đây là vấn đề cần quan tâm, ở Hà Giang vừa qua là như vậy. Công tác giám định rất quan trọng”, ông Vương nhấn mạnh.

Nhắc đến thực trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”, chỗ này để ăn, chỗ kia để bán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc “phân luồng trong sản xuất” như vậy là cố ý vi phạm, chứ không phải nhận thức chưa tới. Rồi cứ mở tivi ra lại thấy tai nạn giao thông, thấy cuộc sống của dân không yên bình, quá nhiều rủi ro, nguy hiểm rình rập. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn (Tiền phong, trang 3).


Tăng cường trách nhiệm UBND các cấp trong bảo đảm an toàn thực phẩm

Ngày 20-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ chín, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành của các Phó Chủ tịch QH. Buổi sáng, thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần hai) của dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, tài sản công bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tuy nhiên, khái niệm đưa ra trong dự thảo luật chủ yếu đề cập việc quản lý tài sản hiện hữu đang giao các cơ quan, đơn vị nhà nước quản lý sử dụng mà chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh và chỉ mang tính chất liệt kê, thiếu thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, có thể dẫn tới tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công. Ý kiến khác tán thành quy định khái niệm tài sản công như dự thảo luật, nhưng để bảo đảm thống nhất, đầy đủ, đề nghị bổ sung vào khái niệm và phân loại tài sản công đối với nhóm tài sản là “tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước”. Một số ý kiến đề nghị, bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu; vùng trời, vùng biển; giá trị lịch sử, văn hóa, thương hiệu... vào phân loại tài sản công. Nhiều ý kiến đề nghị, cần rà soát quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận tài sản được các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng ngay trong luật theo hướng nghiêm cấm tiếp nhận tài sản là xe ô-tô và phương tiện làm việc cho cá nhân, chỉ cho phép tiếp nhận để phục vụ hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng. Nếu việc cho, biếu, tặng không đúng định mức thì không được sử dụng mà đấu giá công khai, minh bạch sung công quỹ. Thực tế hiện nay, một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản được cho, biếu, tặng là xe ô-tô không đúng tiêu chuẩn, định mức, cho nên phải trả lại; hoặc tài sản được cho, biếu, tặng đúng tiêu chuẩn, định mức, nhưng giao cá nhân lãnh đạo sử dụng, gây dư luận không tốt trong xã hội. Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016”. Báo cáo cho biết, 5 năm qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã kiểm tra hơn 3,3 triệu cơ sở, nhưng chỉ phát hiện hơn 670 nghìn cơ sở vi phạm. Trong đó, duy nhất một vụ vi phạm pháp luật về ATTP bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, quá trình giám sát cho thấy, tình trạng ngộ độc thực phẩm lại diễn ra khá nghiêm trọng tại một số địa phương và vẫn chưa thể kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Các ý kiến đề nghị tăng cường hơn nữa trách nhiệm của UBND các cấp trong bảo đảm ATTP trên địa bàn, nhất là kiểm soát ATTP thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng rượu, bia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kích thích tăng trưởng. Tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập lậu, công tác thanh tra chuyên ngành về ATTP, xử lý nghiêm các vi phạm. Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở cho công tác quản lý ATTP dựa trên bằng chứng; hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP. Xử lý chủ động, nhanh chóng các sự cố khẩn cấp về ATTP. Xác định lộ trình để giải quyết dứt điểm các vấn đề hạn chế trong quản lý chất lượng vệ sinh ATTP. Sớm triển khai các mô hình vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (Nhân dân, trang 1; Sài gòn giải phóng, trang 1; Công an nhân dân, trang 1).

 

Điều động ông Trần Anh Tuấn về Sở Y tế TP.HCM

Nguồn tin riêng của PV Thanh Niên cho biết chiều 20.4, đại diện Đảng ủy, Ban giám đốc, Phòng tổ chức cán bộ Sở Y tế TP.HCM đã đến BV Mắt TP công bố và trao quyết định về việc điều động viên chức. Theo đó, Sở Y tế điều động PGS.TS Trần Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viên Mắt) về Phòng tổ chức Sở Y tế TP.HCM chờ phân công công tác. Thời gian bắt đầu từ ngày 20.4 và ông Tuấn phải bàn giao công việc nếu có. Cùng ngày (20.4), Sở Y tế TP có công văn gởi Bệnh viện (BV) Mắt TP thông báo chỉ đạo về kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Sở Y tế theo quyết định số 1121/QĐ-SYT ngày 8.3.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị ban giám đốc BV chấn chỉnh ngay công tác hồ sơ bệnh án nói chung và hồ sơ phẫu thuật theo đúng quy định; Chấn chỉnh ngay việc “mổ giúp” đã xảy ra và đảm bảo bác sĩ trực tiếp phẫu thuật phải chịu trách nhiệm về hồ sơ bệnh án; Không được sử dụng một chữ ký của người có trách nhiệm theo quy định trong bất cứ hồ sơ nào; Ban giám đốc BV thực hiện kiểm tra, giám sát công tác kê khai tài sản thu nhập của các cá nhân thuộc diện kê khai theo quy định.

Riêng với sai phạm của 3 cá nhân: PGS-TS Trần Anh Tuấn (nguyên Giám đốc BV Mắt); bác sĩ Phí Duy Tiến và Võ Thị Chinh Nga (Phó giám đốc BV Mắt) thì sẽ tiến hành kiểm điểm, xử lý theo kết luận của Thanh tra thành phố (đang thực hiện thanh tra toàn diện). Yêu cầu báo cáo thực hiện chỉ đạo về Sở trước ngày 28.4 (Thanh niên, trang 5; Tiền phong, trang 2).


Điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ 1/6/2017: Tích cực tham gia bhyt để không bị nghèo hóa khi mắc bệnh

Từ ngày 1/6 tới đây, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế. Bộ Y tế vừa ban hành thông tư số 02/2017/TT-BYT Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.

Thông tư này điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia bảo BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (không bao gồm đi khám tại các khoa khám tự nguyện, theo yêu cầu).

Thông tư này áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng khi KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Theo đó, mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm: chi phí trực tiếp như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB, chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ dụng cụ…; Chi phí tiền lương gồm tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật…

Theo đó từ ngày 1/6 tới đây, các cơ sở y tế sẽ chính thức áp dụng giá dịch vụ y tế mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế, bao gồm: Mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm…

Ví dụ, khi đi khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, người bệnh sẽ phải đóng 39.000 đồng cho một lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000, hạng 3 là 31.000 đồng; hạng 4 và trạm y tế xã: 29.000 đồng. Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20- 30% so với mức giá hiện hành.

Bên cạnh đó, thông tư này cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...

Cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh…) quyết định mức giá cụ thể nhưng không được vượt quá mức giá tối đa khung giá của thông tư này. Mức giá này gồm các chi phí trực tiếp (thuốc men, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao…); chi phí tiền lương.

Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường, nằm ghép hai chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp tạm thời áp dụng mức giá ngày giường cho nằm ghép 2. Thời gian thực hiện tại các cơ sở KCB do cơ quan có thẩm quyền quyết định (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).


Bước phát triển mới của y tế Thủ đô

Nhờ đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu; xây dựng các cơ sở y tế hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực, 5 năm qua, ngành Y tế Thủ đô đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, hạn chế tình trạng người dân vượt tuyến hay ra nước ngoài điều trị. Tuy nhiên, sự chuyển biến này chưa đồng đều ở tất cả các tuyến nên thành phố chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư, từng bước tạo nên độ đồng đều giữa các cơ sở y tế.

Xây dựng thương hiệu riêng Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020”, thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của ngành Y tế, trong đó có những lĩnh vực chuyên sâu đòi hỏi kỹ thuật cao như: Ung bướu, tim mạch, tiêu hóa… Nhờ đó, hệ thống các bệnh viện của Hà Nội ngày càng khẳng định khả năng chuyên môn, tạo dựng được thương hiệu riêng.

Có mặt tại Bệnh viện (BV) Ung bướu Hà Nội vào những ngày tháng 4 này, chúng tôi rất ngạc nhiên trước sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây. Từ một BV hạng 3, nay đã vươn lên thành bệnh viện hạng 1, với cơ ngơi khang trang, thiết bị y tế hiện đại. Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa chia sẻ, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại của thành phố, BV đã vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao, nhất là những kỹ thuật giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư một cách hiệu quả nhất. Giờ đây, BV không chỉ là nơi KCB cho người dân Thủ đô mà còn là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân đến từ các tỉnh miền Bắc. Nếu như cách đây 10 năm, quyết toán tiền bảo hiểm y tế mỗi năm của BV chỉ khoảng 3 tỷ đồng, thì nay con số đó đã lên tới 250 tỷ đồng...

Sau 7 tháng xây dựng, tu bổ và hoàn thiện, cuối tháng 11-2016, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (BV Đa khoa Xanh Pôn) chính thức đi vào hoạt động, với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại thuộc tốp đầu châu lục. Trong đó, có một phòng mổ tích hợp đầy đủ hệ thống camera truyền hình, có thể kết nối và hội chẩn quốc tế; hệ thống mổ nội soi chẩn đoán ung thư 4K đầu tiên tại Việt Nam; hệ thống tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa của Nhật Bản… Chỉ sau 4 tháng hoạt động, trung tâm đã khám cho hơn 4.000 lượt bệnh nhân và phẫu thuật nội soi cho 148 bệnh nhân. Đặc biệt, tại đây cứu sống nhiều bệnh nhân đã ở trạng thái hôn mê do tắc hoàn toàn động mạch não…

BV Tim Hà Nội hiện là một trong những cơ sở y tế tuyến thành phố hiếm hoi được Bộ Y tế công nhận là BV chuyên khoa tuyến cuối và là một trong 3 trung tâm tim mạch lớn nhất của cả nước. Từ chỗ chỉ phẫu thuật được 500 bệnh nhân/năm vào năm 2014, thì đến năm 2016, BV Tim Hà Nội đã phẫu thuật cho trên 7.000 lượt bệnh nhân, trong đó thực hiện thành công nhiều ca khó, với kỹ thuật tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Không chỉ hoạt động trong phạm vi của Thủ đô, BV còn đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giúp đỡ các cơ sở y tế của 32 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời mở rộng liên kết với nước ngoài. Một số cơ sở y tế ở Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore… đã cử cán bộ sang bệnh viện học tập, trao đổi kinh nghiệm về can thiệp nội mạch.

Tạo sự chuyển biến đồng đều

Chỉ riêng giai đoạn 2011-2016, TP Hà Nội đã đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Trong đó, riêng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các BV công lập là hơn 1.000 tỷ đồng và có 43 đề án xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế, với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng.  Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, nếu không đầu tư phát triển kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại sẽ không đáp ứng được yêu cầu KCB của nhân dân. Hiện các cơ sở KCB tuyến thành phố với 23 chuyên khoa đầu ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chất lượng dịch vụ ngang tầm với BV trung ương cũng như khu vực Đông Nam Á. Song, sự chuyển biến chưa đồng đều; đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa mới thực hiện được thành công ở các BV tuyến thành phố, còn với một số BV tuyến huyện vẫn gặp khó khăn.

Thời gian qua, BV Đa khoa huyện Ba Vì đã mạnh dạn thực hiện xã hội hóa cho hệ thống máy chạy thận nhân tạo và máy chụp cắt lớp CT. Giám đốc BV Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hằng tháng, bệnh viện phải chịu 75 triệu đồng tiền lãi vay đầu tư các thiết bị, nhưng vẫn duy trì giá lọc thận như mức quy định của bảo hiểm y tế (544.000 đồng), giá chụp CT cũng chỉ tính bằng giá của một phòng khám tư nhân (650.000 đồng). Bởi lẽ, nếu tính giá cao hơn sẽ không thu hút được người bệnh. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Nhà nước nên đầu tư vốn cho các BV tuyến huyện và ấn định thời gian hoàn trả vốn thì sẽ giải quyết được những khó khăn, người dân được thụ hưởng kỹ thuật cao trong KCB.

Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngay từ đầu năm 2017, Sở Y tế Hà Nội đã phê duyệt đề án tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa y tế Thủ đô giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án đề ra là nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác xã hội hóa, từ đó nâng cao chất lượng KCB của các cơ sở y tế, giảm khoảng cách giữa các tuyến, hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu và phát triển nguồn nhân lực y tế. Đây chính là tiền đề để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của y tế Thủ đô xứng với vị trí của mình như Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị đã xác định (Hà Nội mới, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang