Dẹp loạn thẩm mỹ 'chui'
Trước thực trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép gây ra nhiều tai biến, tử vong cho khách hàng, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, đã thống nhất với các địa phương và sở ban ngành liên quan nhằm thắt chặt công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm.
Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thẩm mỹ chui trên địa bàn không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan quản lý nhà nước. Đáng lo ngại là hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhận định, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thẩm mỹ đang gặp nhiều khó khăn trước những quảng cáo trái phép trên mạng xã hội khiến khách hàng hiểu lầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định đủ điều kiện về đảm bảo an toàn trong y khoa; hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức.
Trước tình hình trên, Sở Y tế đã có buổi làm việc với đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an TPHCM, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các bên đã thống nhất tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước đối với những cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý dịch vụ thẩm mỹ. Sở Y tế sẽ số hóa việc cấp phép các dịch vụ làm đẹp, liên thông dữ liệu và xây dựng công cụ tra cứu thông minh giúp người dân đánh giá mức độ hài lòng, hoặc gửi phản ánh đến cơ quan chức năng khi cơ sở có dấu hiệu sai phạm. Giải pháp trên sẽ giúp người dân có đủ thông tin chính thống, tin cậy khi tra cứu, tìm kiếm và quyết định lựa chọn dịch vụ phù hợp.
Các sở ban ngành và chính quyền địa phương đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra và xử lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép, các cơ sở hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trá hình tại nhà trọ, khách sạn… Các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ báo cáo nhanh về Thanh tra Sở Y tế khi tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu tai biến do can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ (Tiền phong, trang 4).
Cảnh giác với các loài cá biển gây ngộ độc
Sự việc 8 người ở huyện Phúc Thọ, (Hà Nội) sau khi ăn nhiều món được chế biến từ cá chình phải nhập viện cấp cứu với biểu hiện ngộ độc như một lời cảnh báo về nguy cơ sinh độc tố ở một số loài cá biển. Do đó, nếu không may ăn phải các loài cá này, việc nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc là vô cùng quan trọng.
Những loại cá có nguy cơ gây độc
Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chị H.T.M (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) không giấu được sự mệt mỏi, gương mặt ủ rũ, đầu vẫn đau như búa bổ. Chị M kể lại: “Có bạn ở xa đến chơi nên chúng tôi rủ nhau ra nhà hàng ăn uống. Toàn bộ các món ăn hôm đó đều được chế biến từ cá chình như cá chình nướng, om... Trước đây, tôi chưa từng ăn món này. Vài giờ sau ăn, tôi bắt đầu cảm thấy cơ thể khó chịu, buồn nôn, người đau ê ẩm, đi ngoài liên tục. Sau đó, tôi bắt đầu sốt nóng rồi sốt rét lẫn lộn; tay, chân có cảm giác tê liệt, hàm đơ cứng khó cử động”.
Sau khi được cấp cứu ở tuyến dưới, chị M được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ngộ độc cá chình. Gần giường bệnh của chị M là chị P.T.B cũng là một trong những người có mặt trong bữa liên hoan cá chình hôm đó. Sau bữa ăn, chị B bị nôn nhiều và cũng xuất hiện các triệu chứng đau mỏi cơ, chân tay yếu, hàm đơ cứng, lưỡi tê dại…
“Khi thấy xuất hiện triệu chứng bất thường, tôi đã gọi điện hỏi thăm những người ăn cùng thì nhận thấy, tất cả đều có biểu hiện tương tự. Hiện trong số 9 người tham gia bữa ăn hôm đó đã có 8 người phải nhập viện. Người còn lại có biểu hiện nhẹ hơn nên theo dõi tại nhà”, chị B nói.
Hiện Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc cá chình trong số 9 người kể trên. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ngộ độc cá chình là loại ngộ độc phổ biến nhất trong số ngộ độc hải sản. Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong cá trình thường chứa độc tố ciguatera. Độc tố này không phải sẵn có trong cá mà nguồn gốc do tảo biển sinh ra, chủ yếu là tảo Gambierdicus toxicus. Các loài tảo này là thức ăn của nhiều loài cá ăn thực vật (cá nhỏ). Các loài cá nhỏ lại là thức ăn của cá lớn hơn như cá chình. Độc tố ciguatera đi vào chuỗi thức ăn và tích lũy trong thịt cá lớn. Loại độc tố này có đặc điểm không mùi, không vị, không bị phá hủy khi đun nấu và bền vững trong môi trường a xít.
Các loài cá chứa độc tố ciguatera phân bố rộng rãi trên toàn bộ các vùng biển, từ 35 vĩ độ Bắc xuống 34 vĩ độ Nam, tập trung nhiều nhất ở vùng biển Caribe và Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Hiện nay, với xu hướng nhập khẩu các loài cá làm thực phẩm gia tăng, ngộ độc ciguatera cũng tăng lên. Ngoài cá chình, cá biển chứa độc tố ciguatera thường gặp là các loài cá ở rạn san hô như: Cá nhồng, cá hồng, cá tầm, cá cháo, cá cam, cá mú, cá mó, cá vược, cá mập (gan cá), cá dọn vệ sinh sọc lam…
Tại Trung tâm Chống độc những năm gần đây, số lượng người bệnh được phát hiện tăng rõ, gặp nhiều nhất trong các trường hợp ngộ độc thực phẩm do độc tố từ biển. Ngộ độc có thể riêng lẻ nhưng thường thành từng nhóm sau khi đi du lịch cùng nhau có ăn hải sản, ăn hải sản tại các nhà hàng hoặc mua các loại cá nhập khẩu về ăn.
Dấu hiệu nhận biết cá biển gây ngộ độc
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cá chình là thức ăn khá phổ biến và không nhiều người để ý về nguy cơ gây độc. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hải sản này lại gây ngộ độc nhiều nhất, nhiều hơn cả cá nóc. Các bệnh nhân ngộ độc cá chình ở giai đoạn cấp thường có các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, phần lớn xuất hiện trong 2-6 giờ đầu sau khi ăn.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu tim mạch, loạn nhịp tim. Sau khi có các biểu hiện ngộ độc về đường tiêu hóa, thường các bệnh nhân sẽ có biểu hiện liên quan tới thần kinh, bao gồm: Tê, ngứa ran ở bàn tay, bàn chân, vùng miệng, đau cơ, mệt mỏi. Một số người rối loạn cảm nhận về thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh. Chẳng hạn như nhiệt độ bên ngoài lạnh, người bệnh lại thấy nóng và ngược lại…
Theo các bác sĩ, ngoài ra còn có các triệu chứng thần kinh khác có thể gặp phải như lo lắng, trầm cảm, thậm chí mất trí nhớ. Một số trường hợp có thể thay đổi trạng thái tâm thần như ảo giác, ham chơi, hôn mê… Triệu chứng ngộ độc ở mức độ khác nhau phụ thuộc vào độc tố ở các khu vực địa lý khác nhau. Trường hợp tử vong ít gặp nhưng có thể xảy ra do suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, co giật hoặc loạn nhịp tim.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên ăn nhiều loài cá chứa độc tố ciguatera. Khi có các biểu hiện ngộ độc, người bệnh mới ăn trong vài giờ thì cho uống than hoạt tính liều 1g/kg cân nặng, pha uống 1 lần. Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm do ăn cá biển, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), người dân cần lựa chọn cá biển tươi, an toàn dựa vào các đặc điểm quan sát. Chẳng hạn, mắt cá tươi hơi lồi, giác mạc trong suốt, đồng tử đen, sáng. Mắt cá ươn phẳng hoặc lõm, giác mạc đục, đồng tử mờ đục…
Ngoài ra, mang cá tươi có màu đỏ tối hoặc đỏ sáng, dịch nhớt trong mờ, không mùi, nắp mang khép chặt. Còn cá ươn thì mang nâu đỏ sẫm đến nâu nhợt, dịch nhớt mờ đục hoặc xám nhạt, có chất bẩn bám trên mang. Dùng tay ấn nhẹ vào thịt cá, đặc biệt là phần gần bụng cá, nếu thấy rắn chắc, có độ đàn hồi tốt, không để lại vết ấn của ngón tay thì cá còn tươi (Hà Nội mới, trang 5).
Cơ sở tiêm filler... trong tiệm bánh mì, xôi mặn
Ngày 20-7, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết vừa kiểm tra một cơ sở tiêm filler (chất làm đầy) khiến anh N.V.H. (22 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) nhập viện. Trước đó, anh N.V.H. đến tiêm filler phong thủy (tiêm vùng mũi) tại địa chỉ 361 Bà Hạt, phường 4, quận 10. Sau khi tiêm 5 phút, anh H. xuất hiện đau đầu, đau mắt phải, chóng mặt, phải nhập viện cấp cứu.
Thanh tra Sở Y tế bước đầu xác minh: phía trước địa chỉ tiêm filler là tiệm “Bánh mì, xôi mặn Ngọc Ánh”, tầng 1 là nhà trọ. Theo thông tin ban đầu, anh H. được hẹn đến địa chỉ nêu trên và được chị M.T.A.L. tiêm filler tại tầng 1. Filler được M.T.A.L. mua trên mạng với giá 300.000 đồng/cc. Cơ sở không có hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh.
Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa tiếp nhận thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương báo cáo 1 ca tai biến y khoa được cấp cứu tại bệnh viện có liên quan đến việc khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Nam Việt (202 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10). Trước đó, cô C.T.P.N. phá thai tại phòng khám này. Sau đó, cô N. mệt, đau bụng nhiều, được đưa đến Bệnh viện Hùng Vương cấp cứu (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Chưa có chuẩn năng lực chuyên môn đối với người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa
Ngày 20-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả triển khai chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”.
Phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” được triển khai từ năm 2020. Quá trình thực hiện đến nay đã qua hai giai đoạn, gồm: Phát triển phần mềm và thử nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn từ năm 2021 đến năm 2022. Dựa trên những kết quả tích cực và bài học từ giai đoạn ban đầu, giai đoạn 2 được thực hiện tại 5 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau.
Từ tháng 11-2022, phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” đã được cài đặt và triển khai tại 1.403 cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại 5 tỉnh nêu trên. Tất cả đều được kết nối thông suốt với Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế. Tính đến tháng 6-2023, chương trình cũng đạt được những kết quả ấn tượng từ người dân trong cộng đồng, với 755.000 tài khoản cho người dân đã được tạo, khoảng 28.000 yêu cầu hẹn khám được đặt thông qua hệ thống này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án cũng gặp phải không ít khó khăn. Đối với công tác quản lý, hệ thống văn bản pháp quy chưa hoàn thiện gây trở ngại cho việc triển khai dự án. Cụ thể, thiếu quy định về thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa nên không có cơ sở pháp lý để chi trả tiền khám cho trạm y tế và tiền công hội chẩn, trực chuyên môn của bác sĩ bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, quy trình khám, chữa bệnh từ xa cũng khác so với khám trực tiếp, nhân viên y tế phải thao tác trên các thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin. Thế nhưng, hiện nay vẫn chưa có các chuẩn năng lực chuyên môn và tiêu chuẩn công nghệ thông tin đối với người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa. Thêm vào đó, danh mục kỹ thuật được thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh từ xa mặc dù đã được các sở y tế xây dựng nhưng chưa có cơ sở pháp lý vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của Bộ Y tế làm căn cứ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” đến nay đã đạt được những kết quả ban đầu. Người dân đã bắt đầu tham gia và sử dụng phần mềm này để đặt hẹn khám, chữa bệnh với trạm y tế. Thậm chí, với những ca bệnh khó, nhân viên tại trạm y tế đã kết nối với bác sĩ tuyến trên để kịp thời cứu chữa.
Để việc triển khai hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được chuẩn hóa, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định trong năm 2023. Nội dung khám, chữa bệnh từ xa sẽ được quy định cụ thể, chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người hành nghề và đặc biệt là người bệnh được hưởng lợi từ hoạt động này (Hà Nội mới, trang 5).
Chấm điểm bệnh viện: Việc cần làm thường xuyên
Như Thanh Niên đã thông tin, Sở Y tế TP.HCM vừa công bố điểm kiểm tra chất lượng của 115 BV năm 2022, trong đó có 54 BV công lập, 61 BV tư nhân. Kết quả có 37 BV đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (thang điểm 5), tăng 15,6% so với năm 2021. Chỉ có 1 BV đạt điểm dưới 2,5...
Trong bối cảnh được giao tự chủ, các BV phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) làm hài lòng bệnh nhân (BN) và đây cũng là vấn đề sống còn của mỗi BV. Do đó, việc đánh giá chất lượng BV là cơ sở để BN lựa chọn nơi KCB chất lượng, an toàn.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, điểm chất lượng BV năm 2022 có nhiều cải tiến rõ rệt và đồng đều ở tất cả các khối BV công lập và ngoài công lập. Nhóm BV tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm BV công lập. Nhóm BV quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn các nhóm khác.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đánh giá chất lượng BV là quá trình xem xét, đánh giá toàn diện các hoạt động của BV theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của Bộ Y tế. Đây là quy định chung của ngành y tế. Việc đánh giá dựa theo 83 tiêu chí chất lượng đã được các chuyên gia Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo và xây dựng từ rất nhiều tài liệu chất lượng BV của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Trong giai đoạn đầu bộ tiêu chí mới công bố, số lượng BV đạt mức 4/5 điểm chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Đến nay đã có tới 38/115 BV đạt điểm 4 trở lên, điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các BV và cũng cho thấy không dễ mà đạt được mức tiêu chí chất lượng cao.
"Thông tin rất có giá trị"
Chia sẻ ý kiến về việc Sở Y tế TP.HCM vừa công bố điểm kiểm tra chất lượng của 115 BV năm 2022, bạn đọc (BĐ) Thắng Nguyễn cho rằng: "Đây là thông tin hết sức có giá trị. Tin rằng qua bảng xếp hạng này, người dân đã có lựa chọn của mình khi đi khám, chữa bệnh. Những BV điểm thấp cần cố gắng hơn nữa về chất lượng điều trị, thái độ phục vụ BN".
Cùng quan điểm, BĐ Trịnh Cường nói thêm: "Thông tin này rất hay và lợi ích cho nhiều người. Không ai muốn đến BV, trừ phi ốm đau, bệnh tật… nên khi đến BV chỉ mong được quan tâm, giúp đỡ... Mong là việc đánh giá này phải làm thường xuyên và thật khách quan". BĐ Nguyễn Trường Giang cũng nhìn nhận: "Thông tin hết sức hữu ích và mình mong các tỉnh lân cận cũng có hệ thống y tế thật tốt để người dân đến KCB, tránh việc bệnh vặt cũng phải chạy đến TP.HCM".
Nhiều BĐ khác cũng ủng hộ cách làm này của Sở Y tế TP.HCM, và mong muốn hằng năm đều công bố điểm kiểm tra chất lượng các BV.
BĐ Lý Vĩnh viết: "Việc đánh giá BV đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho BN. Nó cũng giúp các BV nhận ra những điểm mạnh và yếu của mình, từ đó có kế hoạch cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế".
Nâng cao sự hài lòng của người bệnh
Đó là mong muốn, là gửi gắm của nhiều BĐ đối với các BV. BĐ Ngày Của Gió chia sẻ: "Chất lượng dịch vụ của BV được nâng cao thì BN luôn ưu tiên lựa chọn. Đến BV mà gặp bác sĩ nhẹ nhàng, khám và chữa bệnh kỹ càng, tư vấn đầy đủ, hướng dẫn cẩn thận… thì BN luôn cảm thấy dễ chịu, giảm rất nhiều áp lực về bệnh tật".
Bên cạnh đó, nhiều BĐ cho rằng việc đánh giá chất lượng các BV còn giúp các BV thi đua với nhau trong việc nâng cao chuyên môn, thái độ phục vụ BN, và tất cả những điều này đều có lợi cho BV, BN cũng như xã hội. BĐ Anh Đoan phân tích thêm: "Chất lượng BV tăng lên sẽ thu hút thêm người bệnh, góp phần nâng cao thu nhập và cả chuyên môn cho các y bác sĩ, nhân viên y tế".
"Rất mong các BV được đánh giá tốt ngày càng nâng cao chuyên môn, thái độ phục vụ… Các BV chưa được đánh giá cao ngày càng phấn đấu nhiều mặt để phục vụ BN tốt hơn. Nói thật, tôi rất sợ đến BV, nhưng giờ có tuổi rồi, cũng nhiều bệnh nên cũng phải đến BV. Điều tôi ngán ngại nhất là BV nào cũng đông, thậm chí có ngày quá tải, phải chờ đợi mất khá nhiều thời giờ… Mặc dù khám dịch vụ nhưng cũng đông, biết làm sao được? Nhìn các bác sĩ khám bệnh không kịp ngơi mà thấy thương quá. Tôi mong TP.HCM có thêm nhiều BV mới nữa, thật chất lượng, để bác sĩ không phải quá tải và người dân không phải chờ đợi lâu", BĐ Mai Thanh ý kiến (Thanh niên, trang 9).