Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 21/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Lần đầu tiên đấu thầu tập trung 22 loại thuốc; Mờ ám thuốc vào bệnh viện từ công ty “ma”?; Gần 70% người dân chưa được phát hiện bệnh đái tháo đường; Báo cáo Bộ Y tế vụ bệnh nhân hôn mê sau gọt hàm thẩm mỹ; ...

 

Làm việc với Bộ Y tế, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: “Cứ bao biện thì không cần nghe nữa”

Sáng 20/9, làm việc với Bộ Y tế, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã yêu cầu Bộ Y tế hủy bỏ ngay công văn 1216 có nội dung trái ý kiến kết luận của Thủ tướng, chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ; đồng thời hoan nghênh việc Bộ Y tế cam kết sẽ giảm 90% số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Nói một đằng làm một nẻo

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tới Bộ Y tế là, hiện có rất nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng phải tạo điều kiện thông thoáng cho kinh tế phát triển, tháo gỡ khó khăn cho người dân, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. “Chúng ta đặt vấn đề an toàn sức khỏe nhân dân, nhưng nói một đằng làm một nẻo. Tại cảng kiểm tra mà không có sản phẩm, chỉ kiểm tra hồ sơ. Còn thực tế thì doanh nghiệp mang một sản phẩm khác lên trụ sở Cục ATTP làm. Chúng tôi có đủ cơ sở để nói việc này, các doanh nghiệp kêu rất nhiều, chúng ta không thể bao biện được”, ông Dũng nêu.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, Bộ Y tế vẫn kiểm tra 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu, bất kể là hàng tạm nhập tái xuất, hàng miễn thuế, hàng gia công sản xuất xuất khẩu… Đặc biệt ông Dũng nêu việc Bộ Y tế ban hành văn bản không đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu kiểm tra doanh nghiệp phải sử dụng muối i ốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối phải bổ sung i ốt. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

“Đây là công văn hoàn toàn sai, ngược lại kết luận thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng. Đây là tự Vụ Pháp chế sinh ra giấy phép con không đúng thẩm quyền của Vụ trưởng. Vụ trưởng không được ký các văn bản liên quan đến các quy định. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ra thông báo hủy bỏ công văn này, thay công văn khác đúng theo kết luận của Phó Thủ tướng”, ông Dũng yêu cầu.

Chống lợi ích nhóm

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đọc báo cáo chung trả lời về các vấn đề, tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng không hài lòng, yêu cầu tập trung vào các con số và giải pháp cụ thể. “Nói như vừa rồi thì làm tốt hết rồi, chẳng phải làm gì nữa, không có gì phải bàn cãi nữa. Tới đây là an toàn thực phẩm cần giảm cái gì. Tiền kiểm, hậu kiểm những gì? Quản lý rủi ro thế nào. Giảm ngày công và giảm chi phí thế nào? Cứ bao biện thì chúng tôi không cần nghe nữa”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tất cả các vấn đề cần phải thẳng thắn, không nên quanh co. “Nếu Bộ Y tế làm được thì nói là làm được, còn nếu không làm được thì nói để chúng tôi báo cáo Thủ tướng quyết định”, Bộ trưởng Dũng nói và cho biết, qua cuộc kiểm tra tại Hải quan Hải Phòng hôm 19/9, ngành y tế chỉ kiểm tra bằng cảm quan tại cảng, không xét nghiệm. Nếu xét nghiệm, doanh nghiệp lên Hà Nội và tự mang sản phẩm tới, nhưng không chắc có lấy sản phẩm từ container chứa hàng nhập khẩu cần kiểm tra không hay xách tay hàng khác. “Bộ Y tế cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28 triệu 793 nghìn ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng kiểm tra chuyên ngành. Hôm nay nói việc này để công khai”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Đồng tình với nhiều nhận định mà của Tổ công tác nêu ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những thủ tục nào, giấy phép nào có thể bỏ thì Bộ Y tế sẽ bỏ ngay. Những thủ tục, giấy phép nào thực sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người dân thì sẽ tiếp tục bàn thảo. “Những giấy phép, thủ tục có thể bỏ được thì bỏ, không có lợi ích nhóm. Một ngày lưu bãi của doanh nghiệp chờ giấy phép là rất vất vả. Kể cả giấy phép đến khi đang ăn cũng phải dừng ăn để ký cho doanh nghiệp”, bà Tiến khẳng định.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định sẽ sửa đổi triệt để Nghị định 38, tiếp thu ý kiến về vấn đề sử dụng muối i ốt. Bộ cũng sẽ làm việc với các Bộ theo tinh thần mỗi sản phẩm chỉ 1 bộ quản lý. “Đất nước muốn giàu có thì doanh nghiệp phải phát triển”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Y tế rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, giảm bớt các văn bản điều chỉnh một sản phẩm, theo hướng một mặt hàng chỉ phải chịu sự điều chỉnh của một văn bản và chỉ chịu sự kiểm soát, kiểm tra của một đơn vị trong Bộ, và sự kiểm tra, kiểm soát của một Bộ. Cùng với đó, chủ động rút gọn danh mục hàng phải kiểm tra, minh bạch hóa trong kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức, đơn giản thủ tục kiểm tra, loại hình nào tiền kiểm, hậu kiểm. “Với những thông tin đã công bố hôm nay trước báo chí, đề nghị Bộ phải thực hiện nghiêm”, ông Dũng lưu ý (Tiền phong, trang 4).

 

Lần đầu tiên đấu thầu tập trung 22 loại thuốc

Hiện Bộ Y tế đang tiến hành đấu thầu thuốc tập trung, cấp quốc gia, nhằm giảm giá thuốc đấu thầu từ 10 - 15%, theo chỉ đạo của Chính phủ. Các gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần đầu tiên gồm 5 gói thầu với 22 loại thuốc.

Mới đây, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Bộ Y tế đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu của gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

Trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu có 32 công ty tham gia mua hồ sơ mời thầu cho 5 gói. Tính đến thời điểm đóng thầu (9h30 ngày 2/8/2017) đã có 26 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu với 82 hồ sơ dự thầu nộp đúng thời gian và địa điểm thuộc 5 gói thầu trên. Đây là gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên của Bộ Y tế được mở thầu sau khi Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia đi vào hoạt động cách đây ít lâu. Ngày 25/8 vừa qua Trung tâm đã xét về giá cho gói thầu được đấu thầu tập trung lần đầu tiên. Dự kiến kết quả trúng thầu này sẽ được Bộ Y tế sớm công bố.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẳng định, không có chuyện đấu thầu tập trung dẫn đến việc mua thuốc rẻ, kém chất lượng. Theo ông Dũng, nhà thầu cung cấp thuốc phải đáp ứng đủ năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính. Điểm kỹ thuật đánh giá trên thang điểm 100 (70% chất lượng; 30% đóng gói, bảo quản, giao hàng). Thuốc đạt điểm kỹ thuật 80/100 mới được bước vào vòng đánh giá tài chính tiếp theo. Nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất (kỹ thuật và giá) sẽ được đánh giá lựa chọn trúng thầu, trong đó, yếu tố giá chiếm tỷ lệ 70%, kỹ thuật chiếm 30%.

Được biết, gói thầu mua sắm lần đầu này gồm 22 loại thuốc (5 biệt dược và 17 thuốc generic) thuộc 5 hoạt chất. Gói thầu tập trung đầu tiên có giá trị trong vòng 2 năm (2018-2019) nhưng ngay sau khi công bố chính thức, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu. Số lượng thuốc sẽ được tổng hợp từ nhu cầu của tất cả các tỉnh, thành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đáng chú ý, ba loại biệt dược gốc trước đây chưa bao giờ giảm giá thì lần này giảm 12%, tương đương gần 80 tỷ đồng so với năm 2016. Rất nhiều mặt hàng giá chỉ bằng một nửa so với trước khi đấu thầu tập trung.

Trung tâm mua sắp thuốc Quốc gia đã và sẽ tổ chức đấu thầu tập trung các thuốc thiết yếu, thông dụng, được dùng nhiều trong các bệnh viện lớn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành đàm phán lại về giá với các nhà cung cấp thuốc biệt dược giá cao và đang bị độc quyền của các hãng thuốc nước ngoài. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng sẽ giữ vai trò điều phối thuốc trong quá trình thực hiện cung ứng thuốc của các hãng dược. Theo ông Dũng, mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung

Ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, thực tế thời gian qua việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Chính vì vậy, bước đầu, Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp, xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%. Trên cơ sở đấu thầu 5 hoạt chất này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục. Với các thuốc khác ngoài danh mục này, hiện nay các địa phương, các cơ sở y tế vẫn thực hiện theo quy định hiện hành (Tiền phong, trang 4). 

 

Mờ ám thuốc vào bệnh viện từ công ty “ma”?

Có ít nhất 6 bệnh viện tại TPHCM đã trúng thầu các loại thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada, nơi đang được điều tra với nghi vấn là công ty dược phẩm “ma” trong vụ án VN Pharma.

Trùng hợp kỳ lạ

Khi vụ án buôn lậu thuốc giả của Công ty CP dược phẩm VN Pharma xảy ra, cơ quan điều tra đã phát hiện một con dấu mang tên Công ty Health 2000 Inc của Canada. Sự trùng hợp là trước đó, nhóm VN Pharma cũng đã dùng một con dấu giả mang tên Công ty Helix Canada, một công ty dược “ma” được VN Pharma dùng để nhập thuốc Capita giả về Việt Nam, trúng thầu vào bệnh viện.

Trước khi phát hiện con dấu của Công ty Health 2000 Inc Canada vào năm 2014, 3 mặt hàng thuốc của công ty này sản xuất là H2K Levofloxacin 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml và MGP Axinex-1000mg đã trúng thầu vào ít nhất 6 bệnh viện tại TPHCM và nhiều bệnh viện trên toàn quốc. Cũng trong năm 2014, Cục Quản lý dược đã nhanh chóng rút giấy phép nhập khẩu của Health 2000 Inc, đồng thời đình chỉ lưu hành các loại thuốc của công ty này. Cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra chân tướng của Công ty Health 2000 Inc Canada để xem liệu đây có phải là công ty “ma” như VN Pharma đã từng làm với công ty “ma” Helix để nhập khẩu thuốc ung thư giả?!

Theo tài liệu mà Tiền Phong có được, từ năm 2011-2013 nhiều loại thuốc của Health 2000 Inc Canada đã trúng thầu vào bệnh viện và đã điều trị cho nhiều bệnh nhân. Tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương ở TPHCM, thống kê sơ bộ cho thấy thời điểm trên họ đã sử dụng một số thuốc của Health 2000 Inc từ đơn vị cung cấp là Công ty CP dược phẩm Trung ương 2 và Công ty TNHH MTV dược phẩm Vimedimex. Điều đáng nói, có hai loại thuốc H2K Levofloxacin 500mg/100ml và H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml trùng tên với thuốc mà Công ty VN Pharma đã trúng thầu vào bệnh viện trước khi ông Nguyễn Minh Hùng- chủ tịch công ty này bị bắt.

Lãnh đạo Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương xác nhận họ trúng thầu 3 loại thuốc của Công ty Health 2000 Inc Canada gồm: H2K Levofloxacin 500mg/100ml, H2K Ciprofloxacin 200mg/100ml và MGP Axinex-1000mg. Người đứng đầu bệnh viện cho biết từ năm 2011-2013, nơi đây sử dụng 27.640 lọ, trong đó 8.040 lọ Ciprofloxacin 200mg/100ml và 19.600 lọ H2K Levofloxacin 2500mg/100ml. “Quá trình sử dụng không ghi nhận tác dụng ngoài ý muốn của thuốc. Tuy nhiên, sau khi có công văn của Cục Quản lý dược về việc ngừng sử dụng, nhập khẩu các mặt hàng của Công ty Health 2000 Inc Canada, bệnh viện chúng tôi đã không có mặt hàng nào liên quan đến công ty này”- lãnh đạo bệnh viện cho hay.

 Theo tìm hiểu, nhiều loại thuốc của Health 2000 Inc Canada như H2K Levofloxacin 500mg/100ml và Ciprofloxacin 200mg/100ml giống nhau về tên nhưng có số đăng ký khác nhau so với số đăng ký của hai loại thuốc như trên trong vụ án Công ty CP VN Pharma. Đáng nói là tất cả các loại thuốc này đều do Công ty có tên Health 2000 Inc Canada sản xuất. Theo công văn số 19727/QLD-KD ngày 13/11/2014 của Cục Quản lý Dược về việc tạm ngừng nhập khẩu thuốc do Công ty Health 2000 Inc sản xuất hoặc cung cấp thì địa chỉ của công ty này là 70 Beaver Creek Road #30, Richmond Hill, Ontario, Canada. Trong khi đó, theo hồ sơ thầu của Công ty Health 2000 Inc có thuốc trúng vào 6 bệnh viện thì trụ sở là 70 Beaver Creek Road #30, Richmond Hill, ON, L4B3B2- Canada. Đây là sự trùng hợp kỳ lạ.

Đang điều tra

Liên quan đến nghi vấn Công ty Health 2000 Inc Canada là “công ty ma”, trao đổi với Tiền Phongdược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược thuộc Sở Y tế TPHCM cho rằng, để xác định Công ty Health 2000 Inc Canada có phải là “ma” hay không cần xác định hồ sơ pháp nhân của công ty khi xin giấy phép nhập khẩu và số đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và số đăng ký thuốc của Cục Quản lý Dược, nên theo ông Dũng cần chờ kết luận thanh tra. “Sở Y tế không có đầy đủ các thông tin về Công ty Health 2000 Inc Canada. Từ năm 2011-2013, các bệnh viện tại TPHCM tiến hành đấu thầu mua thuốc riêng lẻ tại từng bệnh viện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhà thầu là các công ty dược của Việt Nam phân phối thuốc cho Công ty Health 2000 Inc Canada nộp hồ sơ dự thầu trực tiếp cho các bệnh viện” - dược sĩ Dũng nói.

Từ các báo cáo của bệnh viện gửi về Sở Y tế TPHCM, hiện có 3/57 bệnh viện do ngành y tế thành phố quản lý trúng thầu và có sử dụng thuốc trúng thầu của Công ty Health 2000 Inc. Ba bệnh viện đó gồm Bệnh viện Trưng Vương trúng thầu 9 mặt hàng, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trúng thầu 3 mặt hàng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi trúng thầu 1 mặt hàng. Riêng 3 bệnh viện: Phạm Ngọc Thạch, Nhân dân Gia Định và An Bình, mỗi bệnh viện trúng thầu 1 mặt hàng nhưng không sử dụng thuốc. Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, từ năm 2011 đến nay, Sở không nhận được phản ánh nào của 3 bệnh viện trúng thầu thuốc Health 2000 Inc Canada về chất lượng thuốc, cũng như các phản ứng bất lợi của thuốc xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc.

Theo Sở Y tế TPHCM, thuốc của Hãng Health 2000 Inc phân phối vào bệnh viện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Việc tổ chức đấu thầu tại các bệnh viện tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Thuốc dự thầu được xét theo nhiều tiêu chí: năng lực kinh nghiệm nhà thầu, thuốc có giấy phép lưu hành, tiêu chí kỹ thuật thuốc, tiêu chí giá thuốc… Thuốc trúng thầu là thuốc đạt tiêu chí chất lượng, kỹ thuật và có giá thấp nhất trong cùng nhóm kỹ thuật. “Thuốc của hãng Health 2000 Inc Canada trúng thầu ở các bệnh viện, tất nhiên được nhà thầu cung ứng và bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân. Trong quá trình sử dụng nếu có vấn đề về chất lượng thuốc, bệnh viện phải ngừng sử dụng và báo cáo về Sở Y tế để có hướng xử lý” - dược sĩ Dũng nói (Tiền phong, trang 5).

 

Gần 70% người dân chưa được phát hiện bệnh đái tháo đường

Chiều 20-9, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức lễ công bố hai hướng dẫn chuyên môn mới được cập nhật về đái tháo đường type 2, nhằm đưa ra các chỉ dẫn để chẩn đoán và điều trị bệnh lý này trong cả nước; về khái niệm bệnh, nội dung đánh giá toàn diện bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện trước khi điều trị, cách phòng ngừa và kiểm soát các biến chứng của bệnh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Mặc dù số người mắc bệnh gia tăng nhanh, nhưng nhận thức của người dân còn hạn chế, tỷ lệ người dân chưa được phát hiện đái tháo đường lên tới gần 70%; nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện nhiều biến chứng. Tại buổi lễ, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã ra mắt trang thông tin điện tử về bệnh đái tháo đường:Daithao duong.kcb.vn (Hà Nội mới, trang 5).

 

Báo cáo Bộ Y tế vụ bệnh nhân hôn mê sau gọt hàm thẩm mỹ

Ngày 20.9, Sở Y tế TP.HCM báo cáo khẩn Bộ Y tế về vụ việc nữ bệnh nhân T.T.Đ (38 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) bị hôn mê sau khi gọt 2 hàm tại Bệnh viện (BV) Phẫu thuật thẩm mỹ EMCAS (viết tắt BV EMCAS, trụ sở tại 14/27 Hoàng Dư Khương, P.12, Q.10). Cụ thể, sáng 17.9, Đ. đến BV trên mổ chỉnh xương 2 hàm (gọt hàm) và kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày; ca mổ do bác sĩ T.N.Q.P thực hiện. Bệnh nhân Đ. ổn định, được rút nội khí quản, chuyển phòng hồi tỉnh. 20 phút sau bệnh nhân Đ. chảy máu rỉ rả trong khoang miệng, bác sĩ xử trí cầm máu tại giường.

Tuy nhiên 30 phút sau đó bệnh nhân đột ngột giảm ô xy máu, suy hô hấp, vùng sàn miệng phù nề; được bác sĩ mở khí quản giúp thở tại giường. Trong lúc mở khí quản thì bệnh nhân ngưng tim, nên được chuyển đến BV Nhân dân 115 lúc 14 giờ 30 cùng ngày trong tình trạng hôn mê. Kết quả chụp CT scanner chưa phát hiện não có bất thường.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo BV Nhân dân 115 tích cực cứu chữa bệnh nhân và báo cáo hằng ngày. Trong ngày 20.9, Thanh tra Sở Y tế TP đến BV EMCAS niêm phong hồ sơ bệnh án đưa về làm rõ và yêu cầu BV này báo cáo toàn bộ quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Đ.

BV EMCAS được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động năm 2013 và phê duyệt danh mục kỹ thuật chuyên môn, trong đó có kỹ thuật “chỉnh hình xương 2 hàm”. Bác sĩ P. có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa răng hàm mặt, có hợp đồng làm việc ngoài giờ tại BV này (Nhân dân, trang 4).

 

Đấu thầu thuốc tập trung cấp Quốc gia: Người dân được hưởng lợi thuốc chất lượng, giá tốt

Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, việc đấu thầu thuốc theo hình thức tập trung cấp quốc gia sẽ giúp lựa chọn ra các sản phẩm thuốc có chất lượng tốt, giá tốt, tiết kiệm chi ngân sách, giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu. Việc đấu thầu cũng đem lại sự minh bạch, khách quan và lợi ích cho người dân.

Đầu tháng 8/2017, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu của gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Các gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia lần này gồm 5 gói thầu, trong đó gói thầu 1: Mua biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị; 4 gói khác mua thuốc thuộc danh mục phân theo 4 vùng kinh tế (miền Bắc, vùng trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và khu vực Tây Nguyên, miền Nam). Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho biết, gói thầu mua sắm lần đầu này gồm 22 loại thuốc (5 biệt dược và 17 thuốc generic) thuộc 5 hoạt chất điều trị ung thư.

Ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, danh mục đấu thầu tập trung được xây dựng dựa trên tư vấn của Hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc, với các tiêu chí như: Có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị và số lượng tại các cơ sở y tế; Thuốc nhiều số đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất; thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường... Chính phủ giao Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung các thuốc nằm trong danh mục đấu thầu tập trung theo Thông tư 09. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, tiếp tục mở rộng danh mục đấu thầu tập trung quốc gia này. Ông Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết, gói thầu tập trung đầu tiên kể trên có giá trị trong vòng 2 năm (từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2019). Nhưng ngay sau khi công bố chính thức, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu.

Về việc dự trù các thuốc tại mỗi bệnh viện đa số thường khó sát với thực tế khi nhu cầu thuốc biến động trong cả năm. Với các thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua bổ sung như thế nào? Ông Lê Thành Công cho biết, thực tế thời gian qua, việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Vì vậy, bước đầu Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%. Trên cơ sở đấu thầu 5 hoạt chất này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề xuất mở rộng danh mục. “Với các thuốc khác ngoài danh mục này, hiện nay các địa phương, các cơ sở y tế vẫn thực hiện theo quy định hiện hành”, ông Lê Thành Công nói.

Lý giải việc cần tiến hành thực hiện đấu thầu thuốc theo hình thức tập trung cấp quốc gia, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, việc triển khai mua sắm đấu thầu thuốc tập trung là thực hiện quy định của luật, nghị định về đấu thầu thuốc. Theo đó, việc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ mang lại những lợi ích thiết thực như: Việc triển khai thành công mua sắm tập trung thuốc ở cấp quốc gia sẽ giúp khắc phục các bất cập khi tổ chức các gói thầu riêng lẻ như thời gian qua, chi phí tổ chức đấu thầu. Đồng thời, sẽ giúp giảm giá thuốc trúng thầu trên phương diện quy mô kinh tế, do gói thầu có số lượng lớn và thời gian hợp đồng dài hơn, giúp các nhà thầu tiết kiệm được các chi phí và hoạch định được kế hoạch sản xuất, cung ứng tốt hơn. Điều này cũng giúp cho người bệnh được hưởng lợi qua việc giảm chi phí tiền thuốc.

Với các nhà thầu, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, họ sẽ không phải tốn thời gian, nhân lực và chi phí để tham gia hàng trăm gói thầu trên cả nước. Đồng thời số lượng thuốc đấu thầu tập trung lớn, thời gian hợp đồng dài hơn so với đấu thầu riêng lẻ, nhà thầu có được kế hoạch sản xuất, cung ứng dài hạn, do đó sẽ có nhiều cơ hội để giảm giá. Còn với các cơ sở y tế, việc mua sắm thông qua đơn vị mua sắm tập trung sẽ giúp các cơ sở y tế trên cả nước không phải tổ chức đấu thầu riêng lẻ, qua đó giúp giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu.

Ông Nguyễn Trí Dũng nhận định, đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ giúp đơn vị mua sắm tập trung tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, đồng thời góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm giá thuốc trúng thầu do mua sắm với số lượng lớn. Bên cạnh đó, hình thức đấu thầu này cũng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng chênh lệch giá giữa các cơ sở y tế, các tỉnh.

Ông Đỗ Văn Đông cho biết thêm: “Tất cả những yếu tố này giúp người bệnh được hưởng lợi thông qua việc giảm tiền thuốc, góp phần quan trọng vào việc giảm giá gói chữa bệnh, bởi hiện tiền thuốc đang chiếm tỷ trọng cao. Theo đó, Quỹ Bảo hiểm Y tế cũng giảm bớt nguồn tài chính chi cho chi phí thuốc để quan tâm cho các chi phí khác hiện đang thiếu nguồn” (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang